Hôm nay,  

Lịch Sử Văn Học Qua Ống Kính

23/03/200000:00:00(Xem: 5383)
Ảnh: Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ & con - Trần Công Nhung chụp năm 1974 (Xin coi trong phần Góc Ảnh)

Một ngày mùa hè năm 74, sau buổi đi săn ảnh về, ghé thăm ông bạn Huỳnh Tấn ở số 31 Huỳnh Thúc Kháng, tôi đã gặp nhà văn Duyên Anh. Chuyện Duyên Anh quen Huỳnh Tấn như thế nào tôi không rõ, có lẽ sau loạt bài Đường Trừơng 30 Ngày Dong Ruổi đăng trên nhật báo Tự Do của Huỳnh Tấn chăng" Duyên Anh nhìn tôi cách lạ lẫm, thăm bạn gì mà mang xách lỉnh kỉnh như dân nhảy tàu. Nhưng chỉ một lát là anh đã khởi sự câu chuyện rất dòn, y như quen nhau tự thủơ nào. Đã đọc những tác phẩm của anh, đã nghe tiếng anh qua bút hiệu Thương Sinh trong những bài châm chích độc địa, nay đối diện anh nghe anh nói sang sảng, văn tức là người quả thực không sai.

Này, tại sao ông không thực hiện một loạt tác phẩm dựa theo những tiêu đề sách Tự Lực Văn Đoàn như: Hai Buổi Chiều Vàng, Nắng Trong Vườn, Đoạn Tuyệt vv. Anh thao thao vẽ ra những hấp dẫn đối với người xem. Tự nhiên tôi cảm thấy kích thích và hào hứng lạ, cứ như muốn thực hiện ngay. Nhưng suy nghĩ một lúc tôi thấy không ổn, làm một việc như thế đòi hỏi nhiều thời gian dàn dựng mà chắc gì thể hiện nổi nội dung những tác phẩm văn chương đã nổi tiếng.

- Ý kiến anh hay tuyệt tuy nhiên cũng khó lắm. Tôi đang tần ngần chưa biết giải thích sao cho anh vui thì anh đã nhanh nhẩu:
- Hay chụp những phong cảnh đã được người đời biết tiếng như Tháp Bà, Hòn Chồng, Đại Lãnh... và tôi sẽ viết cảm đề cho mỗi ảnh. Viết một cuốn thì dở nhưng viết mấy dòng thì phải là như tiếng đại hồng chung.

Tôi thầm nghĩ cha nhà văn này sao lắm ý hay thế. Nhưng phong cảnh là một lọai không dễ nuốt. Lạng quạng lại đưa ra toàn carte postal thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ...
- Hoặc giả anh chụp chân dung các nhà văn.

Thần kinh tôi như muốn căng ra trong khi theo giỏi Duyên Anh nói chuyện.Chụp ảnh nhà văn,hấp dẫn lắm. Từ thuở học trò tôi đã đem lòng mến mộ những người làm nghệ thuật, trong đó có các nhà văn, họ đã vẽ nơi tôi vô vàn hình ảnh đẹp của quê hương,đã cho tôi biết bao cảm xúc về tình đồng bào về lòng yêu nước... Từ những bài văn giản dị trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư... Con Gà Đẻ Trứng Vàng.. Ôi Cảnh Biệt Ly Sao Mà Buồn Vậy, đến những trích đoạn từ các tác phẩm văn chương của những Hoàng Ngọc Phách, Nhất Linh, Thạch Lam. Mỗi khi nghe nhắc đến Bãi Bể Đồ Sơn trong Tố Tâm, Cảnh Mưa Dầm trong Gó Đầu Mùa của Thạch Lam, Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường... của Vũ Bằng, là lòng tôi cứ rộn lên một niềm vui khó tả. Nhờ các nhà văn mà tôi biết đất nước tôi đẹp như thế nào. Trong nháy mắt bao nhiêu hoài niệm văn chương đổ về ngập tràn cả tâm hồn tôi. Tôi mạnh dạn đáp:
- Hay lắm, mảng đề tài này hấp dẫn lắm. Trước giờ chưa ai làm chuyện này vì chụp chân dung là chuyện không phải dễ, nhất là chụp những người mang đầy cá tính như những nhà văn, lại chụp theo lối đi săn, gặp đâu bấm đó, đã khó càng khó hơn. Nhưng không sao, xin anh gợi cho vài ý cụ thể. Duyên Anh nhìn tôi một cách tin tưởng:
- Tôi sẽ cho anh một số địa chỉ và vài giòng giới thiệu, sau khi chụp xong mỗi người anh lại nói họ giới thiệu tiếp.
- Bao giờ anh về lại Sài gòn"
- Cuối tuần này, tuần sau anh vào là có tôi. Đây địa chỉ của tôi.

Anh vừa nói vừa rút đưa tôi cái carte visit. Mấy ngày sau đó tôi lo cụ bị hành trang để làm một chuyến Phiêu Lưu Con Dế Mèn.Tôi khởi sự từ địa điểm 53 Hồng Bàng, Nha Trang, đây là nơi ở của nhà văn Võ Hồng. Tuy rất gần gũi với anh nhưng chụp ảnh anh rất khó. Chẳng phải anh không ăn ảnh hay khó gặp mà vì hiểu tính anh nên tôi thường đâm ra bị động. Tôi rất mê cái trán hói cao vời vợi và đôi gò má xương xương của anh; nhưng anh thì muốn dấu bớt đi, anh muốn có một chân dung làm vui lòng mọi tầng lớp độc giả. Cuối cùng tôi cũng lấy được một nét tương đối để anh hài lòng. Tôi nhờ anh thắng bộ: Veston cà vạt, lùa tóc sau ra trước, một cái nhìn profile thế là ổn. Nói cho công bằng thì ảnh cũng thể hiện phần nào cá tính của nhà văn: Đôn hậu, chững chạc và nhân ái.

Sài gòn vào thập niên 70 tuy đời sống không còn quá cách biệt với đời sống tỉnh lẻ, nhưng những công chức hạng xoàng, tiền dành dụm chỉ đủ bát phố dăm ba ngày. Ra khỏi nhà là ai nấy cứ phải tất tả tranh nhau chạy. Xe cộ khỏi nói, vừa rú ga vừa la ép ép, lỡ có đụng người thì cứ thẳng đường mà dong chẳng phải mất công sorry. Về thủ đô chơi chừng ba hôm là đã thấy thấm mệt. Cho nên việc chụp ảnh vài chục nhà văn để triển lãm quả thật là gay ăn. Rồi nghĩ đến cảnh đạp xe lóc cóc với máy móc lỉnh kỉnh thì biết đến bao giờ mới xong. Rõ là dại, tấn thối lưỡng nan. Lao đã phóng làm sao rút lại, chắc chắn là ông Duyên Anh đang làm cái công việc quảng cáo cho vụ chụp ảnh này. Nghĩ đến mối nhiệt tình đó tôi cảm thấy bớt do dự. Cứ đi, biết đâu đây không là khám phá mới nhiều lý thú.

Về Sài Gòn những khó khăn di chuyển của tôi đã được ông Dượng vợ giải quyết. Ông cho tôi mượn chiếc Lambretta già có niên đại từ thập kỷ 50. Chiếc xe có phần không cân đối với thân hình của tôi. Mỗi lần nổ máy tôi phải đạp ít lắm cũng mươi lần, lỡ mất thăng bằng mà nghiêng xe tôi buông cho xe nằm xuống đường rồi tìm cách dựng dậy sau.

Ngày đầu tôi đến nhà Duyên Anh ở góc đường Yên Đỗ và Công Lý, thấy không khí trong nhà có vẻ bận rộn tôi ngõ ý muốn chụp anh tại toà soạn báo Tuổi Ngọc ở đường Phạm Ngũ Lãọ. Trong phòng làm việc, ánh sáng chưa được phân nữa ánh sáng ngoài trời nhưng lại hợp với khuôn mặt xương xương của anh. Bấm một tấm anh đang ngồi viết với nét mặt nghiêm nghị nhìn xuống, một tấm anh đang trả lời điện thoại, mắt sáng quắc, nét mặt thật rắn rỏi. Sau đó anh chỉ đường tôi đến nhà cụ Vũ Hoàng Chương.

Cụ Vũ ở một căn gác nhỏ trong khu chợ Vườn Chuối. Khi nghe tôi tự giới thiệu và trình bày dự án của mình, cụ vui vẻ mời tôi ngồi rồi pha trà. Cụ tiếp tôi ngay trên chiếc giường ngủ, căn gác chỉ vừa kê chiếc giường cho hai người và một cái bàn nhỏ. Giang sơn của cụ thật sơ sài đạm bạc. Duy những kỷ vật cụ đi đây đi đó thì nhiều, treo đầy trên vách. Cụ hỏi tôi: - Ông Nhung người quê ở đâu nhỉ"


- Thưa cụ dạ ở Quảng Bình.Tự nhiên tôi thấy mắt cụ sáng lên,cụ nhìn tôi và hạ thấp giọng.
- Ông đã nghe bài Quảng Bình Quê Hương Ta Ơi chưa"
- Dạ chưa.
- Tôi cho ông nghe, bài này tôi thu lại nhân chuyến đi Pháp mấy năm trước, mà không bảo cho ai biết đấy nhé.

Nghe nhạc, uống trà, nghe cụ kể những chuyến đi Ai Cập, Nhật Bản Pháp và nhiều nước trên thế giới. Để minh họa cho những chuyến đi, cụ đưa tay chỉ cho tôi xem những kỷ vật treo quanh tường. Tôi cảm thấy sốt ruột, cứ cái đà này thì hết ngày chưa hết chuyện của cụ. Tôi lừa lúc cụ ngưng nói để nhấp trà, đứng ngay dậy.
- Xin phép cụ cháu soạn máy..
- Ừ cứ việc, mà chụp tôi thế nào có cần thay đổi gì không"
- Dạ cụ cứ ngồi uống trà như vậy là hay rồi. Tôi gắn máy lên chân, ngắm đóng khung chân dung cụ rồi tiếp tục hầu chuyện cụ, vừa quan sát nét mặt cụ, thấy hay là bóp quả nắm dây bấm mềm.. lúc cảm thấy đã chắc ăn tôi ngõ ý chụp ảnh cụ bà, thực tình thì bà trẻ hơn ông rất nhiều, mà khung cảnh cũng chỉ quanh cái giường nằm, cho nên nói là để có ảnh đẹp theo kiểu tiệm thì hoàn toàn thất bại, nhưng tôi đã dần dần cảm thấy thích thú về công việc mình làm.

Từ giả cụ Vũ Hoàng Chương tôi đến nhà Tô Thùy Yên và Thụy Vũ. Tôi nhớ mang máng thì dạo đó nhà của Tô Thụy cũng không xa nhà cụ VHC, đâu lối Bàn Cờ, bởi cũng vào hẽm quanh co. Lúc nhận ra số nhà, tôi đã thấy ngay một người đàn bà đang ẵm một cháu bé trạc 2 tuổi đứng nơi bậc cửa. Tôi hỏi thăm có anh Tô Thùy Yên, chị cho biết anh đi làm. Tôi tỏ vẻ e ngại nhưng chị vẫn vui vẻ tiếp tôi, khuôn mặt chị luôn luôn tươi, nước da không trắng lắm nhưng đẹp và phảng phất nét cổ điển. Chị tỏ ra rất tán đồng công việc của tôi, căn nhà tối quá, con hẽm thì hẹp, tôi ngước nhìn lên gác hỏi chị:
- Trên gác có cửa sổ nào không chị"
- Dạ có, mời anh lên.

Chị nhường tôi đi trước. Bởi chu vi căn nhà không rộng nên cái cầu thang cũng qúa hẹp. Đi phải nghiêng người mới vừa. Tôi chậm chạp từng bước vừa cúi nhìn chân sợ lỡ trượt một cái là hỏng hết. Vừa ló đầu qua khỏi cửa thang gác thì một cảnh tượng bất ngờ đập vào mắt, khiến tôi vừa mắc cỡ vừa buồn cười. Căn gác trống trơn, ở góc bên trái có cái rương gỗ cũ bằng mặt chiếc bàn con. Ngang tầm mắt, căng hai sợi giây kẽm phơi đầy những thứ riêng tư của nữ giới. Bị đặt trong tình huống không thể lùi vì chị Thụy Vũ đã lên sát sau lưng tôi, tôi cúi đầu chun qua hai giây cờ liên hiệp quốc đủ màu đủ dạng. Tôi nghe như có tiếng cười khe khẽ sau lưng. Làm như không hay biết gì tôi ngồi quì xuống sàn gác, đặt xách máy lên chiếc rương gỗ giả vờ sửa soạn đồ lề (để chị có thì giờ thu giọn chiến trường). Chừng một lúc tôi đứng lên thì tất cả cờ quạt đã dồn về một phía. Chiếc cửa sổ duy nhất đụơc mở ra, căn phòng sáng hơn. Tôi nói lớn ra điều tự nhiên:
- Hay lắm ánh sáng chiếu vào từ cửa sổ rất đẹp, chị ẵm cháu đứng phía này. Đó đó, chị và cháu cứ nhìn ra khung cửa như đợi chờ...
Mà hay thật, ánh sáng bán âm bán dương rất hợp với khuôn mặt của chị. Chưa đầy năm phút là xong. Tôi xin cáo lui. Chị hỏi có vẻ nghi ngờ:
- Chỉ có thế thôi"
- Dạ,nhưng cũng còn qua nhiều chặng mới đến cuộc triển lãm. Tôi ì ạch dẫn xe ra khỏi hẽm mới nổ máy. Mặt trời đã gần đứng bóng, thấy còn hứng nên chạy tiếp đến nhà cụ Vi Huyền Đắc, tác giả Khói Lửa Kinh Thành.

Nhà cụ Đắc ở tận mãi bên Gia Định. Cũng quanh co lối ngõ mới tới nhà. Tôi có cảm giác như về một xóm quê. Hình như trước hiên nhà cụ có che ra một chái dừng bằng phên tre. Tôi tần ngần một lúc, không biết có nên gọi cửa chăng. Yên lặng quá. Cuối cùng tôi đánh bạo, vừa đập nhẹ vào cửa vừa gọi:
- Dạ thưa cụ.
Tôi bỗng giật mình. Tiếng cụ la lớn:
- Ai đấy, trưa không cho người ta nghỉ kêu cái gì hả.
Tôi hơi khớp nhưng cũng ráng lần nữa.
- Dạ thưa cụ cháu ở xa đến,cháu vừa thăm cụ VHC và cụ Vũ cho cháu địa chỉ của Cụ. Thấy cụ không nói gì tôi yên tâm. Lát sau nghe có tiếng dép đi về phía cửa. Cụ Vi mở cửa hỏi:
- Ông ở đâu, thăm tôi có việc gì" Nhìn tôi vai mang máy tay ôm chân ba càng cụ ngạc nhiên hỏi tiếp: Ông chụp ảnh à"
Dạ cháu ở Nha Trang, cháu có một dự tính... tôi tóm tắt công việc của mình để cụ cảm thông. Lúc nghe ra cụ vui vẻ ngay :
- Mời ông vào.
Trong nhà mát như có máy lạnh, nhưng tối quá. Cụ mời tôi ngồi rồi vừa nói vừa đi về phía tủ sách.
- Hồi còn trẻ tôi cũng thích chụp ảnh lắm. Để tôi cho ông xem.
Cụ cúi xuống kéo hộc tủ lôi ra một gói giấy dày cộm như cuốn tự điển. Cụ bắt đầu kéo tôi trở về một thời xa xưa :
-Tấm ảnh này tôi chụp hồi còn đi học, vừa nói cụ vừa chìa ra một caí ảnh đã vàng. Cái này tôi chụp nhân một cuộc du ngoạn.., cái này đi chơi Hồ Tây.
Bỗng cụ ngước lên đưa cho tôi một tấm 6x9 với giọng thấp xuống đượm một vẻ nhớ tiếc:
- Đây ông xem, tôi chụp nhà tôi hồi mới cưới, ông thấy thế nào"
Ảnh đã ngã màu nước trà, in trên giấy hạt,cắt bằng dao cắt răng cưa. Dấu tích của một thời quá xa còn thấy gì nữa nhưng cũng phải làm vui lòng cụ :
- Dạ đẹp lắm, cụ chụp bằng máy gì ạ"
- Máy photax đấy, thời bấy giờ có được cái photax là chuyện hiếm đấy nhá.
Tôi cứ ậm ạ theo cụ,gần một tiếng đồng hồ rồi mà đống ảnh vẫn còn cao. Tôi thầm nghĩ hôm nay mình có dịp ngao du thỏa thích. Cụ Vũ đưa đi vòng quanh thế giới, cụ Vi thì dẫn về miền quá khứ rong chơi.. Kiểu này thôi còn làm ăn gì nữa. Nóng ruột tìm cách chuyển đề tài tôi hỏi đại:
- Thưa cụ ở có một mình"
- Vâng, tôi muốn yên tĩnh để làm việc. Các cháu cũng ở gần đây,tới bữa chúng mang thức ăn đến. Trong lúc cụ ngưng mân mê đống ảnh để trả lời, tôi vội lôi máy ra, và dường như cụ cũng chợt nhớ công việc của tôi nên cụ đứng dậy:
- Ông muốn chụp tôi ở chỗ nào"
- Dạ cụ ngồi ngay bàn cũng được ạ.

Ánh sáng hơi yếu, để máy trên tripod ngắm chính xác khuôn mặt nhăn nheo của cụ, bấm nhè nhẹ. Cụ ngôì yên như đang hồi tưởng, nét mặt trầm ngâm... cũng hay.
Giã từ cụ đúng 2 giờ 30. Vừa đói bụng vừa mệt, dẫu sao cũng đã làm được việc. Lần tới đi thăm nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Cụ Lãng Nhân…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.