Hôm nay,  

Tộác Và Thể Thao Của Nước Nga Hậu Cộng Sản

08/07/200000:00:00(Xem: 5376)
Tham dự vào những hoạt động thể thao cao cấp tại Liên bang Nga có thể là một trò cá cược nguy hiểm với tử thần. Những thế lực tội phạm có tổ chức tại Nga hiện nay đã và đang tìm cách thống trị nền thể thao Nga, một lĩnh vực có thể mang lại những nguồn lợi vĩ đại hàng năm cho bọn tội phạm đáng sợ này. Những vận động viên Nga cũng như những tổ chức thể thao chân chính tại Nga thực sự đã đánh đu với thần chết khi cố tình bỏ ngoài tai những lời yêu cầu phi lý của bọn tội phạm có tổ chức. Trong khi các lực sĩ Nga đang tích cực chuẩn bị cho cuộc tranh tài tại thế vận hội Sydney năm 2000, nền thể thao Nga từ một vị trí tột đỉnh vinh quang dưới thời cộng sản đã thoái trào và đi vào một tình trạng vô chính phủ.

Một buổi chiều mùa thu năm 1996 tại thành phố Angarsk ở miền đông Siberia, Nicolai Makarov cùng với một người bạn tên là Valentin đang bận rộn sửa chữa một chiếc xe bên đường, thì tình cờ một người đàn ông bịt mặt xuất hiện. Không nói không rằng tên sát thủ bịt mặt này xả hết cả băng đạn súng máy vào người của Nicolai và Valentin. Cả hai gục ngay tức khắc trong vũng máu trước khi tên sát thủ lập tức biến mất bất ngờ cũng như khi hắn xuất hiện. Nửa tiếng đồng hồ sau xe cứu thương mới đến được hiện trường và đưa Nicolai cùng với Valentin vào bệnh viện. Bị nhiều vết thương quá nặng, Nicolai từ giã cõi đời trong khi Valentin may mắn hơn sống sót với một viên đạn bắn vào tay. Trong nhiều ngày liền thành phố Angarsk khóc thương Nicolai một tay vô địch quyền Anh 22 tuổi đầy hứa hẹn, đứa con cưng của thành phố.

Những tội ác như thế hầu như xảy ra ở khắp mọi nơi trong thế giới thể thao của nước Nga thời hậu cộng sản. Tháng nào cũng có ít nhất một vận động viên hay một nhà quản lý thể thao nào đó bị bọn tội phạm mưu toan ám hại bằng vũ khí. Tháng 3.2000 võ sĩ quyền Anh vô địch Châu Âu 18 tuổi là Sergei Latushko bị bắn hạ bên ngoài sân vận động Ramenskoye, cách thủ đô Mạc Tư Khoa 40 cây số. Tháng 2.2000 vận động viên vô địch môn bơi 800 mét là Natalya Gorelova bị một đám côn đồ dùng gậy sắt đập nát đôi chân của mình. Cùng với đôi chân bị thương tật đến tàn phế, Natyalya cũng đành ngậm ngùi nhìn giấc mơ xuất hiện tại thế vận hội Sydney năm 2000 tàn tạ theo cuộc đời và tương lai của mình.

Năm 1998 mẹ của vận động viên khúc côn cầu Oleg Tverdovsky đã bị bọn tội phạm bắt cóc tại Ukraine và đòi một số tiền chuộc lên đến 125 ngàn đô la. Tverdovsky một vận động viên nhà nghề sinh tại Ukraine, có quốc tịch Nga và lúc đó đang chơi cho một đội khúc côn cầu của Hoa kỳ Mighty Duck. Những tên bắt cóc đã bị cảnh sát Nga tóm cổ khi bọn này tìm cách di chuyển bà mẹ của Tverdosky đến Mạc Tư Khoa. Tháng 12.1999 vận động viên bóng ném Nga là Alexander Sklyarov chết tức tưởi tại bệnh viện sau khi bị đâm hai nhát vào ngực. Tháng 10.1998 hai cha con của cầu thủ bóng đá Nga là Oleg Veretennikov và con gái mới hai tuổi, đang đi dạo trong công viên thì bất thình lình bị bọn tội phạm chận đường tạt acid. Oled may mắn thoát nạn, nhưng con gái bị bỏng trầm trọng khiến anh phải đưa con sang Israel để giải phẫu thẩm mỹ tái tạo lại khuôn mặt.

Mười năm qua nền thể thao Nga đã chứng kiến một sự cắt giảm thảm thương những khoản trợ cấp khổng lồ mà trước đây chế độ cộng sản vẫn dành cho các hoạt động thể thao của Liên xô, nhằm mục đích tuyên truyền. Bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là những môn thể thao tập thể. Việc thiếu trợ cấp của chính phủ đã khiến cho các môn bóng đá, khúc côn cầu, khúc côn cầu trên băng, bóng rổ, bóng chuyền nam nữ của Nga xuống dốc thảm hại. Sau ba lần thất bại liên tục trong giải bóng đá thế giới, đội bóng đá của Nga thôi chẳng còn làm nên được trò trống gì trong giải bóng đá Châu Âu vừa qua. Các giới chức quản lý nền thể thao của Nga đã kêu trời khi chứng kiến một sự chảy máu các tài năng thể thao Nga ra hải ngoại, đặc biệt là sang các nước Bắc Mỹ.

Tuy nhiên các vận động viên các môn thể thao cá nhân như quyền Anh lại chứng kiến một giai đoạn vàng son mới. Những vận động viên Nga thành công hiện nay đều ăn mặc sang trọng đúng mốt thời trang, lái xe hơi hạng sang và tiền bạc lúc nào cũng rủng rỉnh. Tuy nhiên bên trong sự giàu có cá nhân đó có thể là một mặt trái hắc ám của tấm huy chương vàng son chói lọi bên ngoài. Trong các cuộc thi đấu quốc tế quyền Anh, đô vật, quyền Anh Thái, thái cực đạo, nhiều giải vô địch đã rơi vào tay các vận động viên tài hoa của Nga. Sự bùng nổ của các môn võ thuật tại Nga không những chỉ thể hiện nhu cầu tự vệ trong một xã hội băng hoại và dầy dẫy bạo lực, mà còn thể hiện cuộc đụng độ ác liệt giữa thế lực tiền bạc của mafia và các vận động viên của Nga.

Trong thập niên 1970 khi mà chiến tranh lạnh đang ở trong giai đoạn ác liệt nhất, mọi tòa nhà tập thể tại Nga đều có những tầng hầm được xây dựng chắc chắn, nhằm làm nơi trú ẩn cho dân chúng một khi chiến tranh nguyên tử với phương Tây xảy ra. Chính trong những tầng hầm này đã là nơi hình thành nhiều câu lạc bộ thể thao tại địa phương. Một trong những môn thể thao được thanh niên Nga vô cùng hâm mộ là các môn võ thuật Á Châu như thái cực đạo, nhu đạo, không thủ đạo được truyền bá vào Liên xô qua các phim võ thuật của thần tượng Lý Tiểu Long. Đảng cộng sản Liên xô hồi đó cũng như đảng cộng sản các nước đàn em khác đều xem phim võ thuật là những loại phim bất phân chính tà, vô chính phủ và kích động nổi loạn. Võ thuật được xem là một mối nguy cơ cho công an và quân đội một khi có các phong trào chống đối nổi lên. Thế và tất cả các câu lạc bộ thái cực đạo đều bị cấm, còn cái nào được hoạt động thì đều bị KGB giám sát nghiêm ngặt.

Tuy nhiên vô số câu lạc bộ thái cực đạo đã được tổ chức lén lút khắp mọi nơi, dưới những tầng hầm trốn bom nguyên tử của các chung cư. Chính những câu lạc bộ võ thuật bất hợp pháp này là tiền thân của những tổ chức tội phạm gian hùng nhất tại Nga thời hậu cộng sản. Điển hình tại Mạc Tư Khoa, huấn luyện viên thái cực đạo Sergei Mikhailovitch đã tổ chức câu lạc bộ Sontsevo và sau đó đã biến Sontsevo thành một tổ chức mafia khét tiếng tại Nga, và biến các môn sinh của mình thành những tay trộm cướp, sát nhân chuyên nghiệp trong thế giới tội phạm của nước Nga hiện đại. Tại St Peterburg trùm câu lạc bộ thái cực đạo Vladimir Kumarin đã biến câu lạc bộ thái cực đạo Tambovsky của mình thành một băng tội phạm cùng tên. Nhóm này hiện kiểm soát 50% các trạm xăng của thành phố và khống chế tiền ra tiền vào tại các trạm xăng này.

Tại thành phố Angarsk nhiều huấn luyện viên võ thuật đăng ký các câu lạc bộ võ thuật dưới tên gọi của các câu lạc bộ khiêu vũ. Các môn sinh khi đi học thường chỉ báo với cha mẹ và công an Liên xô rằng họ đi học khiêu vũ, nhưng thực chất là học võ thuật. Bọn môn sinh này được các huấn luyện viên đào luyện tinh thần tôn sư trọng đạo theo kiểu phương đông và vì thế hết sức trung thành với sư phụ của mình. Vào những năm 1980 nhiều công ty hợp doanh được cho phép thành lập dưới thời của Mikhail Gorbachev và những câu lạc bộ võ thuật bất hợp pháp bắt đầu ló mặt trong xã hội. Thoạt đầu những thành viên các câu lạc bộ này được sử dụng làm các nhân viên bảo vệ cho các doanh nghiệp tư nhân mới thành lập. Sang đến thập niên 90 khi chính sách kinh tế thị trường của Boris Yelsin được ban hành sự cạnh tranh ác liệt giữa các công ty tư nhân càng thêm gay gắt và bọn bảo vệ công ty biến thành những tên hung đồ tham gia những trận chiến tranh giật thị trường đẫm máu và mafia Nga một lần nữa hồi sinh, hùng mạnh hơn bao giờ hết trong lịch sử.

Tình trạng xã hội bất an đến nỗi nhiều bậc phụ huynh đã tự nguyện gửi con đến các câu lạc bộ quyền Anh hay thái cực đạo để huấn luyện võ thuật, hầu có thể tự vệ khi bị bắt nạt trên đường phố. Tuy nhiên điều mà họ không ngờ là họ đã vô tình đưa con em mình vào những lò huấn luyện mafia. Bọn mafia nhanh chóng thấy một nguồn nhân lực hùng hậu cho các hoạt động tội phạm của mình từ các câu lạc bộ võ thuật và không tiếc tiền hỗ trợ cho các câu lạc bộ này. Từ đó dù muốn dù không các câu lạc bộ này trở thành những đội quân dự bị của các tổ chức tội phạm Nga.

Trong trường hợp của võ sĩ quyền Anh Nicolai với người bạn là Valentin, thật ra những tràng đạn oan nghiệt buổi chiều mùa thu năm 1996 không nhằm giết chết Nicolai, mà chỉ nhằm giết chết Valentin. Valentin là một tên tội phạm gian hùng nổi tiếng ở vùng Siberia từng nhiều lần vào tù ra khám vì nhiều tội danh khác nhau. Trước đó một thời gian, một tên vệ sĩ của một trùm mafia Nga trong vùng bị thanh toán một cách tàn bạo và tên trùm nghi ngờ rằng Valentin, thuộc một băng mafia đối nghịch, là thủ phạm. Vì thế hắn ra lệnh cho đàn em tìm cơ hội giết chết Valentin để trả thù. Nicolai đã chết oan trong khi Valentin sống sót với một vết thương do đạn bắn vào tay. Thực tế, Valentin và Nicolai là bạn đồng môn huynh đệ của một lò quyền Anh địa phương và đó chính là lời giải thích vì sao một võ sĩ quyền Anh vô địch như Nicolai lại đàn đúm với một tên tội phạm sừng sỏ như Valentin.

Trên những phương diện khác bọn mafia Nga giàn xếp tỉ số của các trận đấu để thu những món tiền lớn từ khoảng cá độ bất hợp pháp. Đối với các vận động viên hay các nhà tổ chức thể thao cứng đầu không chịu hợp tác với chúng, bọn tội phạm có tổ chức tại Nga không ngại ngùng gì dùng những thủ đoạn bạo lực để trừng trị hay thanh toán thẳng tay những kẻ dám làm kỳ đà cản mũi trên con đường làm ăn của bọn chúng. Thật ra chuyện mafia can thiệp và lũng đoạn thể thao chẳng phải là chuyện gì mới mẻ ở phương Tây, nhưng cái làm cho người ta ngán ngẩm nhất là luật pháp Nga hầu như bất lực trước vấn nạn này. Hầu như không có vụ truy tố nào về vấn đề gian lận trong thể thao, không có cầu thủ nào bị câu lưu, bị cho về vườn vì bán độ. Có thể nói bọn mafia Nga không những đã mua bán được nhiều cầu thủ và cơ quan tổ chức thể thao Nga, mà còn lũng đoạn được cả bộ máy hành pháp lẫn tư pháp tại Nga. Do đó bất chấp sự lên tiếng của dư luận, luật pháp vẫn chỉ là một thứ đồ trang sức đối với các hoạt động trong lĩnh vực thể thao tại Nga.

Nhiều viên chức có lương tâm trong lĩnh vực thể thao tại Nga đã ngao ngán nhận định rằng mafia Nga chính thật là lò đào tạo các nhân tài thể thao của Nga hiện tại. Nhiều vận động viên của Nga không thể tồn tại nếu không vâng lời mafia, không thi đấu cho mafia và không thể giàu có nếu không nhận tiền từ mafia. Phải chăng tại Nga đã không còn tồn tại quan niệm bất hủ rằng thể thao là một trò chơi quân tử, một hoạt động phi tội ác, phi chính trị, mà chỉ còn tồn tại những cuộc mua bán bẩn thỉu, những vận động viên tán tậm lương tâm đang đắm chìm trong thế giới tội ác của bọn mafia của nước Nga thời hiện đại.

Đoan Hùng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.