Hôm nay,  

Phỏng Vấn Đỗ Khoa - Young Citizen Of The Year 2001

09/03/200200:00:00(Xem: 3961)
Trong số những người Việt được vinh danh trong dịp Quốc Khánh Úc Đại Lợi vừa qua, Đỗ Khoa là người trẻ tuổi nhất, và những đóng góp của anh cũng thật là đặc biệt. Là một thanh niên khi đặt chân đến Úc mới có 2 tuổi, nhưng sau thời gian không đầy 20 năm, anh không những hội nhập thành công trong xã hội Úc, mà còn học hỏi tiếng Việt thành công tới mức có thể sáng tác những vở kịch bằng tiếng Việt mô tả đời sống người Việt trong xã hội Úc. Bằng khả năng quan sát nhậy bén, và tấm lòng thao thức muốn cho xã hội Úc hiểu được những gian nan, vất vả người Việt tỵ nạn phải đối diện trên con đường hội nhập, Đỗ Khoa đã thành công trong việc nắm bắt và phơi bầy những khía cạnh đầy phức tạp nhưng cũng vô cùng tế nhị của đời sống người Việt tỵ nạn tại Úc. Sau đây, chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả một số những tâm sự, những suy tư và ước vọng của anh Đỗ Khoa.

Hỏi: Xin anh cho biết tóm tắt về anh"

Đáp: Trước ở Việt Nam, gia đình Khoa ở Sàigòn. Khoa nghe nói vậy, chứ không biết rõ vì khi vượt biên qua Úc lúc Khoa mới 2 tuổi. Đến khi lớn lên đi học, Khoa học ở Marrickville và Milsons Point. Lúc học Đại học, Khoa thường sinh hoạt trong Hội Sinh Viên và tham gia với những nhóm văn nghệ trẻ. Trước đây Khoa học luật, nhưng vì yêu nghệ thuật nên trong 2 năm vừa qua Khoa chính thức tham gia vào những sinh hoạt nghệ thuật. Năm nay Khoa mới 23 tuổi nên cũng chưa có nhiều để nói...

Hỏi: Vừa qua, Hội Đồng TP Bankstown trao tặng anh danh hiệu "û2001 Young Citizen of The Year"õ để vinh danh những đóng góp của anh. Anh có thể cho biết cụ thể những đóng góp đó, và cảm nghĩ của anh khi được trao tặng danh hiệu"

Đáp: Khoa phải nói là Khoa rất vinh dự và vui mừng đã được Hội đồng TP Bankstown trao danh hiệu Người Trẻ Năm 2001 (Young Citizen of the Year 2001). Có được vậy là do những sinh hoạt của Khoa trong năm vừa qua, đặc biệt là trong phim Ngày Giao Hàng. Phim Ngày Giao Hàng do Khoa viết, đã được nhiều giải thưởng Quốc tế như giải nhất ở Palm Springs Film Festival, WOW Film Festival, Flickerfest Film Festival, và riêng Khoa cũng may mắn được đề cử cho giải AFI Award, tức là một giải thưởng giống như Giải Oscar của Úc, cho sáng tác của Khoa. Đồng thờI, Khoa cũng đã được cơ hội để làm diễn viên trong một số phim do Mỹ sản xuất. Ngoài ra, Khoa cũng tham gia trong những sinh hoạt cộng đồng chảng hạn như gây qũy cho người Việt tỵ nạn tại Phi Luật Tân.

Còn nói về cảm nghĩ thì khi nhận được giải thưởng này, Khoa cũng thấy đó là một vinh dự, và cũng là một sự bất ngờ cho Khoa. Khi làm việc cho Cộng đồng, mình không bao giờ mong được thưởng, vì Khoa thấy được vinh dự phục vụ Cộng đồng và phục vụ Nghệ thuật là đủ hạnh phúc rồi. Cái mà Khoa quý mến nhất là trong năm qua Khoa đã được cơ hội để làm việc, và học hỏi từ những người mà Khoa yêu qúy. Khi Khoa biết được mình được 2 giải thưởng Khoa thấy rất vinh hạnh cho mình và cho Cộng đồng Việt nam vì như vậy là nó chứng tỏ được sự quan tâm của chính phủ Úc.

Hỏi: Trước đây, anh từng được trao tặng Giải Thưởong Người Úc Gốc Việt Trẻ Tuổi. Nay anh được trao tặng danh hiệu Young Citizen of The Year. Theo anh, đây có phải là sự tiếp nối giữa hai giải thưởng"

Đáp: Thật ra, danh hiệu mà Khoa được trao tặng là nhờ sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và cộng đồng đã hỗ trợ Khoa trên mọi phương diện. Những vinh dự trên đây là vinh dự chung của tất cả mọi người giúp Khoa trong mấy năm nay. Vì vậy, nếu nói đó là sự tiếp nối, thì sự tiếp nối đó có được cũng là nhờ gia đình, bè bạn, cộng đồng.

Hỏi: Anh từng sáng tác vở kịch Giao Hàng được chiếu trên đài truyền hình SBS, ghi lại những hình ảnh sống động và rất trung thực của một gia đình Việt Nam tại Úc. Từ góc độ nào anh đã có được cái nhìn sâu sắc và thực tế như vậy"

Đáp: Trong chuyện phim Ngày Giao Hàng, Khoa muốn nói lên cuộc sống của người Việt khi hội nhập vào xã hội Úc, để cộng đồng Úc có thể thông cảm hơn và hiểu được những khó khăn của người Việt nam khi đến Úc. Ngoài ra, Khoa muốn nêu lên những vấn đề giữa hai thế hệ Trẻ và Gìa, nhất là các bậc Cha Mẹ nên cảm thông cho con cái, và muốn cho lớp trẻ có nghị lực tự tin hơn. Với vở kịch này, Khoa muốn mang hai thế hệ, thế hệ lớn và trẻ, và thế hệ Úc và Việt, gần lại với nhau hơn, để phần nào "ûbridge the gap" giữa hai thế hệ.

Hỏi: Nghĩa là Khoa muốn qua vở kịch, tạo nhịp cầu thông cảm giữa hai thế hệ"

Đáp: Dạ...

Hỏi: Ngoài vở kịch Giao Hàng, Khoa còn sáng tác những gì khác"

Đáp: Trước khi có vở kịch Ngày Giao Hàng, Khoa đã tham gia với Công ty Kịch nghệ Urban Theatre Projects trong nhiều năm, và có sáng tác chung với các nghệ sỹ khác trong các vở Kịch như "Asylum" và "Individuals Only". Vở kịch "Asylum" nói lên cái khổ cực của người tỵ nạn trong mấy năm qua đã bỏ nước ra đi...

Hỏi: Năm nay anh 23 tuổi. Vậy anh có dự định gì đặc biệt trong tương lai"

Đáp: Tương lai, Khoa sẽ tiếp tục sinh hoạt nghệ thuật và đóng góp vào những sinh hoạt cộng đồng, nhất là những hoạt động với giới trẻ như Khoa đã làm mấy năm nay: cộng tác với anh chị em Sinh viên tổ chức những buổi gây qũy từ thiện, làm văn nghệ phục vụ bà con, như buổi văn nghệ của Tuổi trẻ Sinh viên hôm khai mạc Hội chợ Tết Nhâm Ngọ vừa qua. Qua những sinh hoạt này, Khoa hy vọng những bạn thanh niên trong khán gỉa sẽ thấy được lòng tự tin của tuổi trẻ và trong tương lai cùng tham gia với nhau trên mọi lãnh vực văn hoá nghệ thuật và cộng đồng.

Hỏi: Đầu năm Nhâm Ngọ, anh có ước vọng gì đặc biệt không"

Đáp: Khoa nghĩ, chúng ta đang sống trong một thế giới với nhiều sự kiệm bất ngờ. Những chuyện xẩy ra ở bên Mỹ năm ngoái, và những gì xẩy ra ở đây hàng ngày làm cho người Úc và thế giới khắt khe hơn với người tỵ nạn. Vì thế, bây giờ là thời gian mình phải cố gắng nhiều hơn, để tạo niềm hy vọng cho tuổi trẻ Việtnam.

Hỏi: Là một thanh niên 23 tuổi, hội nhập thành công trong xã hội Úc, đồng thời vẫn tích cực tham gia các sinh hoạt trong cộng đồng, có những sáng tác bằng Việt ngữ, theo anh, đâu là yếu tố khiến anh làm được như vậy" Gia đình, bè bạn, cộng đồng..."

Đáp: Khoa nghĩ là nhờ tất cả anh ạ. Trước đây khi Khoa mới vào Đại học, phần lớn Khoa tham gia với Cộng đồng Úc là chính. Sau khi bắt đầu sinh hoạt với Hội sinh viên Đại học Syney và Open Family Cabramatta, Khoa cảm thấy như đã tìm được chính mình, và sau đó hăng say tham gia công việc của Cộng đồng Việt nam, đặc biệt trong lãnh vực nghệ thuật.

Qua những sinh hoạt nghệ thuật, Khoa có cơ hội để chia xẻ những ưu tư về cuộc sống, những kinh nghiệm bản thân cũng như những ước mơ và hy vọng của tuổi trẻ qua góc nhìn của bạn bè, gia đình và chính bản thân mình. Khoa làm nghệ thuật là mong mọi người trên thế giới cảm thông được những người Việt chúng ta. Khoa rất may mắn có được sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và cộng đồng luôn luôn ủng hộ và khích lệ Khoa làm nghệ thuật.

Hỏi: Anh thấy một người Việt trẻ tuổi lớn lên trong xã hội Úc, gặp những khó khăn và thuận lợi gì đặc biệt mà những người Úc trẻ tuổi không gặp"

Đáp: Là một cộng đồng tương đối trẻ trong xã hộI Úc, Khoa nghĩ những người Việt trẻ tuổi, trong đó có Khoa, phải đối diện với rất nhiều khó khăn về kinh tế, ngôn ngữ, và nạn kỳ thị. Những khó khăn này và những khác biệt giữa hai nền văn hóa tạo ra một khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Ngoài ra, báo chí đôi khi có những tin tức tiêu cực về tuổi trẻ Việt Nam nên cũng gây ra sự kỳ thị đối với giới trẻ Á Châu. Tuy nhiên, những khó khăn mà người Việt đã trải qua từ chiến tranh đến vượt biên và hội nhập vào xã hội mới đã giúp cho người Việt nói chung và giới trẻ Việt Nam nói riêng có thêm nghị lực để vượt qua những trở ngại trong cuộc sống. Đây có lẽ là lý do mà rất nhiều người trẻ gốc Việt đã đạt được nhiều thành công trong xã hội Úc, đặc biệt là trong lãnh vực học tập.

Hỏi: Đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam tại Úc, đâu là tâm tư, nguyện vọng, anh muốn gửi đến các bậc phụ huynh Việt Nam" Anh nghĩ thế hệ cha anh cần phải làm gì để có thể cảm thông với thế hệ trẻ, giúp đỡ thế hệ trẻ thành công"

Đáp: Khoa nghĩ rằng tuổi trẻ Việt nam có rất nhiều năng lực bẩm sinh, do được thừa hưởng truyền thống của cha anh. Tuy nhien có một điều là khi ở nước ngoài thì cuộc sống có khác với hoàn cảnh trong nước, vì vậy cũng mong các bậc phụ huynh nên tin tưởng, thông cảm và cởi mở với con em mình hơn. Cuộc sống hải ngoại có nhiều cái khác biệt hơn khi còn ở quê nhà nên cha mẹ không nên áp dụng sự dạy dỗ khắt khe theo tập tục Việt Nam. Tuổi trẻ Việt nam luôn tôn trọng, tôn ti trật tự trong gia đình, nhưng các bậc cha mẹ cũng hiểu và thông cảm cho những bạn trẻ Việt nam sống trên quê hương thứ hai tại Úc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.