BIỂN ĐÔNG -- Việt Nam tương lai sẽ thập phần hung hiểm: Trung Quốc sẽ khống chế Biển Hoa Đông (East China Sea), Biển Hoàng hải (Yellow Sea) và Biển Đông (tên quôc tế là South China Sea)...
Nhật định trên là của 2 nhà nghiên cứu Hoa Kỳ: Richard C. Bush, chuyên gia ở viện Brookings Institute, và Bud Cole của National War College (Học Viện Chiến Tranh Quốc Gia Hoa Kỳ)...
Trong khi đó, bản tin CNN hôm 16-2-2015 ghi nhận rằng theo nhận định của bình luận gia chính trị Willy Lam của đại học Chinese University of Hong Kong, rằng chiến lược xoay trục sang Châu Á của Obama đã bị Tập Cận Bình chận đứng, và ngân sách quốc phòng Trung Quốc đang tăng 2 hàng sô mỗi năm.
Trong khi đó, bản tin RFI ghi nhận rằng Việt Nam phải tứ diện giáp công để tranh thủ Malaysia.
RFI ghi rằng trong thời gian qua, Việt Nam và Philippines – vì bị Trung Quốc chèn ép quá mức – đã tiến lên tuyến đầu trong cuộc đối kháng với các sức ép của Bắc Kinh, vốn không che giấu tham vọng chiếm trọn Biển Đông, trong lúc đó Malaysia lại thể hiện một thái độ rất kín đáo. Nhiều chuyên gia phân tích không ngần ngại cho rằng Kuala Lumpur chủ trương ngậm miệng ăn tiền, tránh làm phật lòng Trung Quốc vì những mối quan hệ kinh tế quá chặt chẽ với cường quốc khu vực đã vươn lên thành đối tác thương mại số một của mình.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra nhận định rằng:
“Malaysia là một trong 5 thành viên sáng lập ban đầu của ASEAN. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Malaysia sẽ thể hiện lập trường đồng thuận của các thành viên về vấn đề Biển Đông. Giới lãnh đạo Malaysia nói chung, và Thủ tướng Najib Razak nói riêng, hoàn toàn ủng hộ các biện pháp ngoại giao hòa bình để thực thi bản Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) và đẩy mạnh tiến độ nhằm đạt được một bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).
Các đặc trưng trong phương pháp tiếp cận các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông của Thủ tướng Malaysia là kiểm soát chặt chẽ mọi ý kiến phát biểu công khai của các quan chức Malaysia đồng thời không nói bất cứ điều gì (về hồ sơ này) ở nơi công cộng. Ông Najib chủ trương một mình đảm trách vấn đề này trong khuôn khổ các cuộc tiếp xúc mặt-đối-mặt với các quan chức Trung Quốc. Thủ tướng Malaysia đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công khai ca ngợi vào năm ngoái (2014) tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC về cách tiếp cận đó.
Nói tóm lại, Malaysia sẽ đóng một vai trò ngoại giao mạnh mẽ đằng sau hậu trường trong việc khuyến khích Trung Quốc cởi mở hơn (trong hồ sơ Biển Đông), nhưng trước công chúng, Malaysia sẽ thận trọng. Khó có khả năng Malaysia đề xuất sáng kiến mới nào (về Biển Đông trong nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của mình).
Trong khi đó, VOA cho biết rằng Singapore, Ấn Độ đã nêu lập trường về tranh chấp Biển Đông.
Trong những dịp riêng biệt trong những tuần gần đây, chính phủ Ấn Độ và Singapore nói rằng đe dọa hoặc vũ lực không được phép tồn tại trong tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
Hai cường quốc kinh tế ở châu Á đã bày tỏ quan điểm chính thức của mình trong tuyên bố chung với Mỹ về căng thẳng do những tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông.
Singapore kêu gọi các quốc gia tuyên bố chủ quyền giải quyết các tranh chấp thông qua các định chế quốc tế như ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn khu vực ASEAN.
Singapore và Mỹ "khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định khu vực, an ninh hàng không hàng hải, tự do và an toàn hàng không hàng hải, cũng như hoạt động thương mại không bị ngăn trở, hợp pháp."