Hôm nay,  

Trung Cộng Lấn Chiếm Biển Đông Vn: Trung Cộng Chiếm Hoàng Sa Ngày 19 Tháng 1/1974

09/03/200200:00:00(Xem: 3826)
* Các sự kiện trước giờ G
Sau đây là phần lược ghi những sự kiện đã trình bày trong số trước để giúp bạn đọc tiện theo dõi loạt bài này: Giữa tháng 1/1974, vào lúc 4-5 giờ chiều, trung đội Địa phương quân phòng thủ đảo thấy hai tàu đánh cá chạy khá nhanh, gần bờ. Nó xuất hiện từ hướng Tây Nam vòng lên phía Bắc rồi vòng ra phía Đông, lại gần cầu tàu, hình như muốn ghé vào. Lúc đó anh em mới nhận ra tàu sơn màu ô liu, màu của quân đội. Nhiều người trên đảo đã từng đi biển, nên thấy tàu này không phải là loại tàu thường, vì tàu đánh cá đâu có sơn màu ô liu. Tàu lại mang cờ đỏ, góc có mấy ngôi sao vàng nữa. Trung úy trưởng đồn chưa biết triệu chứng bất thường. Anh em binh sĩ bèn nói với vị trung úy lấy cờ Quốc gia VNCH treo lên để cho tàu đó biết đảo này là của mình. Muốn đuổi nó đi thì đâu còn cách nào khác. Nhìn thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ bay trên đảo, hai tàu nọ bèn bỏ đi về phía Nam đảo Hữu Nhật, nấp đằng sau đảo đó. Còn về cờ treo trên hai tàu lạ, có người biết được lá cờ đỏ đó là cờ Trung Cộng, nhiều người không biết là cờ nước nào.

* Trung Cộng khởi sự tấn công chiếm Hoàng Sa
Trước những hiện tượng vừa xảy ra, trung úy trưởng đồn báo cáo sự việc về đất liền. Vài anh em mở radio nghe nói Trung Cộng đang tính chuyện khiêu khích ở Hoàng Sa. Ai cũng tưởng chuyện xảy ra thường thôi. Sau đó, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16 ra Hoàng Sa, thả xuống đảo gồm 7 người, gồm 1 thiếu tá thuộc bộ Tư lệnh Quân đoàn I, 1 đại úy Hải quân, 1 trung úy Công binh chiến đấu, 2 binh sĩ và một người Mỹ. Sau đó chiến hạm này đi thám sát các đảo và mỏm đá ở phía Đông của nhóm Nguyệt Tiềm. Lúc ấy hai tàu của Trung Cộng còn ẩn ở phía sau đảo Hữu Nhật. Đuôi tàu nhô ra nên từ đảo Hoàng Sa còn nhận ra được. Vì đảo cao như đỉa xôi, nên không rõ Trung Cộng làm gì ở nơi phần đảo chỗ hai tàu nói trên đang đậu. Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt tiến về phía hai "tàu cá" đuổi các tàu này ra khỏi đảo. Hai tàu cá lì không chịu đi. Tàu VNCH và tàu địch tiến gần nhau đến nỗi trông thấy cả bàn ghế trên tàu địch. Lính Trung Cộng trên tàu cá chửi sang tàu của VNCH bằng tiếng Tàu. Sau cùng các tàu Trung Cộng đành rút đi, lui về phía các đảo nhỏ mà Trung Cộng mới chiếm. Sau đó, theo lời một số nhân chứng, hình như nhiều tàu Trung Cộng tiến xuống phía Nam các đảo nhỏ, tụ tập xung quanh các đảo Quang Hòa và Duy Mộng.

Phía VNCH, Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4 tăng cường, thả một lính xuống đảo Hữu Nhật. Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ 16 bốc toán 7 người của bộ Tư lệnh Quân đoàn I ở đảo Trường Sa lên, hình như định quay về để sửa tàu, vì đã tới kỳ hạn nằm ụ. Lúc đó, tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ 5 ra tăng cường thêm. Toán 7 người lại được chuyển sang tuần dương hạm Trần Khánh Dư HQ 5, sau đó HQ 5 lại trả toán này về đảo Hoàng Sa. Tàu Trung Cộng gồm có tàu lớn đậu đàng xa, các "tàu cá" và nhiều loại tàu đổ bộ, chạy tới chạy lui vùng hai đảo Duy Mộng và Quang Hòa. Các tàu Việt Nam đều tiến về hai đảo này.

* Diễn tiến trận chiến Hoàng Sa
Theo một bài viết của sử gia Trần Thế Đức trình bày trong cuốn đặc khảo Hoàng Sa & Trường Sa phổ biến năm 1974, ghi lại lời kể của một số nhân chứng, diễn tiến trận chiến trên đảo Hoàng Sa được ghi nhận như sau.

Một số nhân chứng cho biết không rõ súng bắt đầu nổ từ lúc nào (về các chi tiết của trận hải chiến, các nhân chứng chỉ thấy được một vài khía cạnh mà thôi) nhưng chiều ngày 18 tháng 1-1974 thì trận chiến nỗ lớn dữ dội. Anh em trên đảo đứng xem như trên màn ảnh. Những tàu nhỏ chạy rất nhanh tiến về phía các tàu Việt Nam. Tàu cá lộ nguyên hình tàu chiến với đài chỉ huy có hai cây đại liên. Sườn tàu để hở các ô vuông chĩa súng ra. Tàu Trung Cộng bắn, tàu Hải quân VNCH bắn trả, có những đốm lửa trên tàu địch và khói bay lên. Tuy nhiên, theo các nhân chứng, tàu HQ 16 cũng bị một phát đạn vào chỗ bánh lái và một phát vào lườn tàu, HQ 16 nghiêng về một bên nhưng cuối cùng rút về qua eo biển giữa Hoàng Sa và Hữu Nhật. Đồng thời hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10 bị bắn vào giữa tàu và lửa bốc lên (cuộc chiến đấu của tàu HQ 16 và HQ 10 sẽ được trình bày trong số đến).

Ngày 27 Tết, tức là ngày 19 tháng 1-1974, chuyện dữ đến với anh em trên đảo Hoàng Sa. Hai tàu lớn của Trung Cộng và hai tàu chiến ngụy trang tàu đánh cá tiến lại đảo Hữu Nhật. Các tài đổ bộ chạnh quanh đảo này để kiếm chỗ vào. Trên đảo bắn ra nhưng chỉ có súng nhỏ (theo một số nhân chứng vào lúc đó, trên đảo Hữu nhật có một toán chiến binh VNCH đổ bộ lên giữ đảo trước đó vài ngày). Các tàu lớn Trung Cộng bắn vào đảo này. Sau đó, anh em ở đảo Hoàng Sa mất liên lạc với đảo Hữu Nhật. Rồi tàu Trung Cộng bắn vào đảo Hoàng Sa. Anh em phân tán ra rừng và các đống phân nằm bố trí. Có cả tiếng máy bay phản lực rít lên nữa. Quân Trung Cộng đổ bộ từ tàu nhỏ lên đảo đông như kiến, nhưng không dám tiến vào, mà chỉ nằm ở bãi cát và 30 phút sau mới tiến vào trong đảo. Anh em Địa phương quân bắn tới hết đạn thì Cộng quân mới chiếm đảo. Khi tiến vào mỗi phòng trong nhà ở của anh em trên đảo, quân Trung Cộng ném chất nổ, nên mọi thứ bên trong đều bị hủy diệt.

Mọi người trên đảo bị quân Trung Cộng bắt tập trung lại ngồi thành hàng. Tất cả có 42 người, gồm 7 người thuộc Toán của Quân đoàn 1 do HQ 16 thả lên đảo, 4 nhân viên khí tượng, và 31 quân nhân của trung đội Địa phương quân. Lính Trung Cộng lấy cung và chụp hình mọi người từ lúc chiếm dảo cho đến tối. Bọn họ nói tiếng Việt Nam thật rành rẽ đến nổi anh em bị bắt không biết đó là người Việt hay là người Tàu nữa. Hầu hết đều nói giọng Bắc, chỉ có một người nói giọng Nam. Đám lính Trung Cộng này ăn nói văn hoa, dùng nhiều chữ Việt mà ngay người Việt ít học cũng ít dùng đến. Người Hoa ở Chợ Lớn nói tiếng Việt không rành, nhưng mấy lính Trung Cộng này nếu thả về Việt Nam thì người Việt không thể nhận ra họ được. Như vậy, cuộc xâm lăng này Trung Cộng đã chuẩn bị kỹ quá rồi còn gì. Trong lúc bọn họ bắt anh em ngồi chờ trên đảo thì có những tên trông dữ dằn đi lảng vảng xung quanh. Đến tối, đám lính Trung Cộng nhốt tất cả 42 người vào trong nhà chứa phân và canh phòng nghiêm ngặt. Quá nửa đêm, lính Trung Cộng đánh thức tất cả dậy, bắt xếp hàng đi ra biển, xuống ghe nhỏ, rồi chèo đưa anh em ra tàu lớn. Bọn họ bảo anh em là sẽ được đưa đến nơi an toàn hơn. Anh em đoán địch sẽ đưa mình vào đất Hoa Lục.

* Những ngày trên đất Hoa Lục
Cũng theo lời kể của các nhân chứng, tàu chạy được một quãng, quân Trung Cộng lại đưa tất cả sang một tàu lớn hơn. Quân Trung Cộng đưa các sĩ quan Việt Nam và người Mỹ đi nơi khác. Lúc nào trên tàu cũng có những tên Trung Cộng rành tiếng Việt dòm ngó, ra lệnh. Tới Hải Nam, Trung Cộng chuẩn bị một phái đoàn bu lấy anh em quân nhân và chuyên viên khí tượng VNCH khi anh em bước lên bờ. Rồi Trung Cộng lại di chuyển anh em đến một nơi khác cũng bằng tàu. Hỏi thăm thì toán quân Trung Cộng bảo đây là Quảng Châu. Anh em từ sông Châu Giang lên bờ vào lúc 8 giờ mồng một Tết Giáp Dần. Mọi người bị bắt trên đảo Hoàng Sa (Pattle) và các đảo khác bị giam chung ở một nơi gọi là "Trại thu dung tù binh, bộ đội Quảng đông", cách Quảng Châu 20 km. Trung Cộng chia anh em Việt Nam thành từng tổ 10 người, dưới sự kiểm soát của hai cán bộ Trung Cộng thông thạo tiếng Việt, thường xuyên túc trực bên cạnh.

Các nhân chứng kể lại: suốt trong một tuần, trong các buổi tập họp anh em bị bắt, các cán bộ Trung Cộng thạo tiếng Việt chỉ biện hộ cho hành động xâm lăng mảnh đất nhỏ bé, nhưng từ lâu tiếp nối từ người này sang người khác của Việt Nam trấn giữ. Dường như quân Trung Cộng mang một mặc cảm tội lỗi, nên các cán bộ Trung Cộng thường xuyên nói rằng: "Chúng tôi không xâm lăng". Cán bộ Trung Cộng cũng thường nói: "Ai có thắc mắc thì cứ việc phát biểu ý kiến". Đã có anh em đứng lên hỏi: "Đất nước của chúng tôi, chúng tôi đang trấn giữ; các ông đánh chiếm mà bảo rằng không xâm lăng." Cán bộ Trung Cộng trả lời: "Hoàng Sa là đất của chúng tôi. Từ lâu chúng tôi biết phía Nam đảo Hải Nam có một quần đảo. Người của chúng tôi đến đó vào khoảng năm 1020."

Rồi cán bộ Trung Cộng đưa ra nào sách, nào vở, nào bản đồ ra. Nhưng anh em mù tịt vì không ai chữ Tàu. Anh em, nhất là những quân nhân Hải quân, những người có kiến thức cãi lại hăng hái: "Nếu các anh bảo rằng các anh biết Hoàng Sa từ lâu, người của các anh tới đó từ lâu, thì cả đất Chợ Lớn, cả miền Đông Nam Á hiện nay là của các anh cả hay sao"" Có anh em đã vặn lại cán bộ Trung Cộng: "Các anh bảo là các anh không phải là đế quốc xâm lăng, thế thì ở Tây Tạng, Ấn Độ các anh đã làm gì "" Khi bị hỏi ngược lại, cán bộ Trung Cộng thường nổi quạu, la lên: "Các anh khiêu khích chúng tôi." Hàng ngày anh em Việt Nam cứ bị cán bộ Trung Cộng tuyên truyền bằng miệng và bằng xi nê chán ngắt. Có bấy nhiêu đề tài mà cứ nói đi nói lại. Truyện phim quanh quẩn cũng có bấy nhiêu khuôn mẫu. Phim tuy có tình tiết nhưng bao giờ cũng lồng vào khung cảnh tuyên truyền.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.