Hôm nay,  

Kể Chuyện Gia Đình/Chuyện Tình: Ngày Đó Chúng Mình...

14/02/201500:00:00(Xem: 3337)
NT

Mời Tham Dự Kể Chuyện Tình hay Chuyện Gia Đình

Kể Chuyện tình hay Chuyện Gia Đình là mảnh sân chung dành cho tất cả quí vị độc giả. Các bạn có thể kể chuyện tình, đời sống hôn nhân, hay chuyện gia đình, chuyện nuôi dạy con… của bạn cho tất cả bạn đọc Việt Báo và Việt Báo Online cùng thưởng thức hay học hỏi từ chuyện tình/chuyện gia đình của bạn.

Có biết bao nhiêu chuyện để kể, tâm sự, chuyện vui, truyện ngắn, truyện dài … Mời bạn viết và gửi cho Việt Báo, hoặc eMail cho: giadinh@vietbao.com hay minanguyenha@yahoo.com

Trang Gia Đình/ Chàng&Nàng chờ chuyện tình hay chuyện gia đình của bạn.

Tuần này là câu chuyện tình của tác giả NT. Cám ơn tác giả NT đã chia xẻ chuyện tình yêu với độc giả Việt Báo/Việt Báo Online. (Chuyện đăng 2 tuần).

NGÀY ĐÓ CHÚNG MÌNH

NT

Lần đầu tiên anh gặp, đúng hơn, nhìn thấy nàng là hôm anh hẹn gặp Khôi ở trường Đại học Khoa Học. Đứng chờ ở cổng trường 1 lúc, anh thấy Khôi lái xe song song với một cô gái có mái tóc dài ngang vai, từ trong trường đi ra. Hai người dừng xe lại ở cổng, trao đổi nhau vài câu rồi cô gái phóng xe đi mất. Anh vẫy tay chào Khôi rồi hỏi bạn lúc Khôi rà xe đến gần.

- Ai vậy, trông được đấy ?

- Được qúa đi ấy chứ, nhưng lạnh như tên nên chưa ai đụng vào được.

- Tên Hàn à ?

- Gần như vậy, em tên Nguyệt, Tưởng Nguyệt.

- Tên lạ nhỉ !

Hai tuần sau, sau giờ ghi cours Thực vật, anh theo người bạn cùng lớp đi về nhà bạn ở đường Gia Long. Gia đình người bạn có cửa hiệu bán xe gắn máy Nhật ở đấy.Thấy mặt bọn anh, cô em gái thằng bạn vội nhờ coi tiệm hộ, để cô ta chạy ra chợ Bến Thành một tí. Đúng lúc ấy, nàng xuất hiện. Đứng trước cửa tiệm, nàng ngước mắt nhìn bảng hiệu rồi rụt rè bước vào. Bạn anh lên tiếng

- Cô muốn hỏi gì ?

- Dạ, tôi có chút việc, nhờ anh làm ơn giúp dùm.

Nàng kể lể, lỡ làm mất cái thẻ gửi xe gắn máy, chủ giữ xe bảo phải có giấy xác nhận của cảnh sát mới cho lấy xe. Ở ty cảnh sát, người ta bảo phải có thẻ chủ quyền xe,họ mới xác nhận nàng là chủ xe được. Nhà nàng xa lắm, nếu phải về nhà lấy giấy tờ thì vừa mất giờ vừa tốn tiền taxi. Nàng nhớ ra là năm ngoái đã mua xe ở tiệm này,nên tới đây nhờ chủ tiệm giúp nàng, viết giấy đã bán xe này cho nàng, để nàng mang trình cảnh sát. Bạn anh gãi đầu

- Thú thật với cô, tôi chẳng biết gì về chuyện mua bán cả, cô em tôi bận công chuyện, nhờ tôi trông hộ cửa hàng thôi.

Mặt nàng lộ rõ vẻ thất vọng, nàng cắn môi như muốn khóc, trông thật tội nghiệp. Anh xen vào

- Tôi là Phong, bạn của Khôi ở bên Khoa Học. Nếu Tưởng Nguyệt không ngại, tôi đưa Tưởng Nguyệt về nhà lấy giấy tờ xe.

Nàng nhìn anh ngạc nhiên, thoáng vui mừng nhưng rồi ngần ngừ

- Dạ, cám ơn anh, nhưng nhà Nguyệt ở xa lắm.

- Không sao, tôi có nghe là nhà Tưởng Nguyệt không gần đây rồi.

Thằng bạn anh đánh thêm một câu

- Em tôi đi công chuyện chưa biết lúc nào mới về. Bạn tôi lái xe cẩn thận lắm, cô cứ an tâm.

- Vậy thì Nguyệt xin cám ơn anh và phiền anh giúp Nguyệt với.

Thằng bạn nhìn anh nháy mắt cười, anh giơ tay chào rồi đi ra cửa.

Đợi nàng ngồi yên vị trên xe, anh hỏi địa chỉ nhà nàng rồi phóng xe đi. Dọc đường cả hai cùng im lặng. Có lẽ nàng vừa lo lắng chuyện giấy tờ, vừa áy náy vì phải đi nhờ xe người lạ. Anh thì cũng hoang mang, mặc dù đã nhiều lần được nhờ chở những đứa bạn của em gái anh đến chơi, lúc về sợ đêm tối, nhưng đây là lần đầu tiên anh chở một người con gái lạ nên có cảm giác kỳ kỳ. Tới nhà mình, nàng xuống xe, dặn anh chờ 1 chút, rồi biến mất sau cánh cổng. Chỉ một thoáng, nàng trở ra, tươi cười vung vẩy khoe tờ giấy cầm trong tay. Anh cũng vui vẻ nói

- Yên chí rồi nhé, thôi mình đi cho mau. Sẵn đà, anh gợi chuyện tiếp, thật ra từ nhà Tưởng Nguyệt đến đại học Khoa Học đâu xa.

- Dạ, nhưng đến Ngã Sáu Sàigòn thì xa chứ.

Anh cười lớn

- Đúng vậy. Nhưng hôm nay Tưởng Nguyệt không phải đi học à ?

- Dạ không, Nguyệt thuộc loại lười, không đi ghi cua đều, hôm nay Nguyệt ra phố, chắc lúc trả tiền mua sách, đã vô ý làm rơi cái thẻ giữ xe. Đến chỗ gửi xe, tìm không thấy cái thẻ, Nguyệt đã quay lại tiệm sách kiếm mà không thấy. Năn nỉ ông giữ xe qúa chừng mà ông ấy không chịu, bắt phải có giấy xác nhận của cảnh sát. Lôi thôi ghê ! May gặp được anh giúp cho. Anh Phong cũng học Khoa Học, chung với anh Khôi hả ?

- Không, tôi học ở Dược, chung với anh bạn ở tiệm bán xe máy lúc nãy. Hôm nọ tôi đến Khoa Học tìm Khôi, thấy nó nói chuyện với Tưởng Nguyệt, nên hồi nãy mới dám gồng mình ra nhận họ hàng.

Sau khi được Ty cảnh sát quận nhì đóng dấu xác nhận trên tờ đơn khai mất thẻ gửi xe, anh chở nàng đến lấy xe ở góc đường Nguyễn Trung Trực – Lê Thánh Tôn. Lúc chia tay, nàng nói lời cám ơn, anh đánh bạo hỏi

- Nguyệt cho phép tôi đến nhà chơi ?

- Nguyệt hay đi vắng lắm.

- Vậy thì cho phép tôi thử thời vận.

- Đâu cấm được người khác mua vé số, phải không ạ ? Vừa nói,nàng vừa rồ tay ga, cười gật đầu chào, phóng xe đi.

Tới nhà lần thứ ba, anh mới được bước qua cái cổng nhỏ, vào trong nhà nàng, sau này anh được biết, hai lần đầu, nàng có mặt ở nhà nhưng dặn người nhà nói đi vắng. Nàng chỉ ghế mời anh ngồi rồi đi vào nhà trong. Anh nhìn quanh quẩn, nhìn vậy thôi chứ lần đó anh chẳng ghi nhận được cái phòng khách ra sao, có tranh ảnh gì không, anh hồi hộp, không biết phải làm gì. Nguyệt trở ra với 2 ly nước lạnh trong tay. Đợi nàng để nước lên bàn, ngồi xuống ghế xong, anh bắt đầu thật vô duyên

- Như vậy là tôi đã trúng số.

Nàng cười tủm tỉm, hất mái tóc ra sau nói

- Dạ, cứ lạc quan, nghĩ như thế đi, không cần biết trúng lớn hay nhỏ.

- Hôm nay Nguyệt không đi học ?

Nói xong anh mới nhận ra mình đã hỏi ngu ngốc, không đi học thì nàng mới ở nhà, cho anh gặp mặt chứ, anh thấy ngường ngượng, nhưng nàng cười thông cảm

- Dạ vâng,

- Nguyệt học phân khoa gì vậy ?

- Nguyệt đang học Hóa hữu cơ và vô cơ.

- Nguyệt có học thày Chu Phạm Ngọc Sơn không ?

- Dạ có, anh cũng học thày hả ?

- Tôi học thày năm ngoái.

- Thày dạy hay qúa, anh há ! Hồi ở trung học, Nguyệt không thích môn hóa, không biết cân bằng phản ứng hóa học ra sao, học thày rồi mới hiểu.

Anh lại ngớ ngẩn

- Ủa, đã không thích mà tại sao lại ghi danh học ?

- Anh Phong chỉ làm điều mình thích thôi sao, sướng nhỉ?, vậy mà Nguyệt nghĩ ở đời có nhiều lúc mình phải làm cả những điều không muốn. Nguyệt thi tú tài ban A, không đậu vào y dược thì nghĩ, học ở Khoa Học là phải rồi.

- Nguyệt cũng có thể học luật hay sư phạm được chứ, hỏi gì Nguyệt cũng trả lời ngay cái rụp.

- Anh Phong nghĩ Nguyệt lắm mồm,lắm miệng ? Nguyệt cãi chày cãi cối với anh cho vui chứ dính vào luật pháp thì phức tạp lắm, chuyện giáo dục cũng không đơn giản. Cha mẹ và thày cô là những người nuôi nấng đào tạo mình thành người tốt, sung sướng,hãnh diện khi thấy con mình, học trò mình ngoan giỏi, thành đạt. Nhưng đã gọi “thiên chức làm thày” thì đâu dễ. Nguyệt vừa nóng tính vừa không biết cách truyền đạt điều mình muốn nói cho học trò, nên dạy học không được. Ở nhà, Nguyệt phải kèm thằng em nhỏ học toán, mình thấy bài toán dễ thế mà cắt nghĩa mỏi miệng nó vẫn không hiểu, phát cáu lên, la nó: “ngu như con bò tót,” mà thật sự có biết bò tót ra sao đâu, nó khóc, mách mẹ, mẹ mắng cho, thế là cả chị cả em cùng khóc. Đi dạy học, lỡ mắng học trò, bố mẹ nó vào trường chửi mình, mình tủi thân khóc, hay ra tòa án cãi thua, đứng khóc thì mắc cở lắm. Năm ngoái Nguyệt học SPCN, định là năm sau đi thi tuyển vào y dược lại, may ra đậu thì tốt, còn không tiếp tục học Khoa học cũng được. Nhưng rốt cục Nguyệt không thi tuyển nữa, nghe thày Chu Phạm Ngọc Sơn giảng thấy dễ hiểu, không thấy hóa học khô khan như mình đã nghĩ, với lại nghe nói bờ biển Vũng Tàu có nhiều mỏ dầu hỏa, như vậy học hóa xong ra trường không sợ thất nghiệp.

Rồi nàng say sưa kể về ông thày thần tượng. Anh yên lặng nhìn nàng nói, đúng là nhìn, vì nàng kể gì anh chẳng nhớ. Ngồi đối diện, anh có dịp quan sát nàng kỹ hơn, thật ra nàng chẳng đẹp lắm, nhưng hình như có duyên ngầm làm người khác để ý đến, nhất là lúc nàng nói chuyện, gương mặt trở nên linh động, lúc nào giọng kể trở nên sôi nổi, máu dồn lên mặt, đôi má ửng hồng, dễ thương. Anh nghĩ, khối băng đá đang tan dần đấy và thấy tự tin trở lại, mình nên kiếm đề tài nàng thích và làm nàng cười, để được thấy cặp mắt nàng cười theo. Thế là anh đã có một buổi chiều thú vị, nhờ khám phá ra được cái chân lý đơn gỉản ấy.

Anh vẫn thỉnh thoảng tìm đến nhà nàng, thời đó chưa có phương tiện liên lạc thuận tiện như bây giờ, không nhiều tư gia có điện thoại bàn, nên tới là tới cầu may, giống như mua vé số, vì thế lần gặp lần không. Một hôm, đứng ở cổng nhà nàng, bấm chuông mấy lần, chờ cả mười phút chẳng thấy động tịnh gì, anh đành thở dài quay về. Nhưng vừa quay ra đến đầu ngõ,thì anh gặp nàng đi về. Số phận đã an bài,nàng phải để cho anh theo về thôi, lòng anh vui như mở hội. Sau này anh mới biết, đó là những hôm nàng linh cảm có khách đến nhà nên trốn ra phố, vào tiệm sách hay tới nhà bạn học cũ. Hôm đó nàng khoe anh, mới mua được tập tình khúc “ Ngày đó chúng mình yêu nhau “ của Phạm Duy, nàng thích nhất bài Ngày đó Chúng mình, rồi say sưa kể một đoạn phim tưởng tượng, bối cảnh là đám tang người lính chết trận, xác được chuyển về thành phố. Trong đêm tối trước ngày tiễn đưa, người thiếu phụ trẻ lặng lẽ khóc thương người yêu dấu, trong tiếng kể lể của người ca sĩ, “ngày đó có anh đi nhẹ vào đời, và đem theo trăng sao đến với lời thơ nuối, ngày đó có em mơ lạI mộng đời và xe tơ kết tóc giam anh vào lòng thôi..“, đau đớn lắm, nàng mơ màng im lặng.

Không để nàng chìm sâu trong nỗi đau khổ tưởng tượng nguyên cả bài hát, anh lên tiếng

- Chắc Nguyệt làm thơ hay lắm.

- Đâu phải cứ thích thơ là biết làm thơ, nhưng không chừng, gặp được đối tượng, mang thơ đi nhẹ vào đời mình thì có thể sinh tình làm thơ con cóc họa lại lắm a.

Anh thấy buồn buồn, đám bạn anh, có đứa là nhạc sĩ, có đứa là thi sĩ, nhưng anh chả biết đàn ca thơ phú gì cả, không lẽ nhờ nó làm hộ bài thơ rồi nhận là của mình, nói dối như Cuội à. Như đọc được ý nghĩ của anh, nàng cất tiếng hỏi

- Anh Phong thích là thằng Cuội không ?

Anh giật mình, lắc đầu theo phản xạ. Nàng thoáng có vẻ thất vọng, nhưng lại cười cười

- Bài hát đầu tiên Nguyệt thuộc lúc còn bé là bài, Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ là ôm một mối mơ

Trời ơi, hố rồi, anh đã ngu quá là ngu, trăng là nguyệt, nàng đã thử anh, mà anh đã không thông minh, từ chối làm thằng Cuội ôm một mối mơ. Anh thừ người giận mình.

Lần đến nhà nàng sau đó, cũng chả hơn gì. Trong khi chờ nàng vào nhà lấy nước, anh ngồi chờ ở cái bàn dài, chắc là bàn ăn, nhưng lúc này đầy giấy tờ, sách vở lộn xộn trên bàn. Anh nhìn thấy một bức tranh vẽ cảnh một đêm trăng, người con gái trẻ có mái tóc dài ngang vai đang cúi nhìn bông hoa đã úa cầm trong tay. Anh cầm bức tranh lên ngắm nghía, hóa ra bức tranh là mặt bìa của bản nhạc Nguyệt Ca của Trịnh công Sơn, anh chàng ký tênTuệ Khải nào đó đã vẽ và kẻ dòng, ghi nốt nhạc,viết lời bài hát ở mặt trong. Vừa lúc đó, nàng bước ra, lên tiếng

- Của người bạn cùng lớp tặng cho Nguyệt đó.

Anh giận mình sao đã không sáng trí, nghĩ ra được cái ý mua tặng nàng tập nhạc có bài hát này ngay hôm nọ, sau khi nàng khoe tập nhạc của Phạm Duy, vì nàng đã kể nàng thích nhạc Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Thuở đó, anh cũng thích nghe nhạc, nhưng không thích bằng những câu chuyện về chính trị, tình hình đất nước, gặp đám bạn trai thiếu gì chuyện để nói ngoài văn nghệ, mở Radio không chỉ để nghe nhạc, anh cũng chả có giờ ngồi cả tiếng xem truyền hình. Cũng may là khi nàng nói về Chương trình “ Tiếng Nhạc Tâm Tình “ của ca sĩ Anh Ngọc có phần dẫn là bài viết của nhà văn Mai Thảo, với các giọng ca Thái Thanh, Mai Hương, Kim Tước, Hà Thanh…anh cũng biết góp lời. Nàng khen giọng của nhà văn Nguyễn đình Toàn ấm và truyền cảm, như một lời thủ thỉ, làm anh phải theo dõi Chương trình “ Nhạc chủ đề “ mỗi đêm thứ năm, phòng hờ nàng hỏi thì còn biết thưa thốt… Không tỉ mỉ theo dõi đời sống văn nghệ như nàng, nhưng ít ra anh cũng phải sáng trí một tí, phải biết cái gì làm nàng vui chứ. Anh đã biết là nàng thích nhạc, có lần nàng ước, giá như bài học của mình được làm thành bài hát nhỉ, như vậy mình sẽ mau thuộc và nhớ lâu, vậy mà, anh thầm trách mình, rõ là đồ vô tích sự.

Nàng vô tình nói tiếp.

- Nguyệt thích bài Nguyệt Cầm của Cung Tiến hơn, không phải vì tên của Nguyệt trong bài hát ấy rõ ràng, anh biết trong câu nào không, … “ Kià thuyền trăng,Trăng nhớ Tầm Dương, nhớ nhạc vàng, nhớ đêm ấy thuyền neo bến ấy…” mà vì nhạc của bài này tha thiết hơn, nhiều tiết điệu chứ không đều đều như trong Nguyệt Ca.

- Bài hát nào cũng được Nguyệt kiếm xem có tên mình trong đó không hả ?

- Không đến nỗi vậy, nhưng đúng bài nào mình đã thích mà lại có tên mình trong đó nữa thì càng khoái. Nàng cười sung sướng nói tiếp, nhất là bài hát này lại phỏng theo thơ của Xuân Diệu nữa, nên nghe đã lắm Trời ơi, “ trăng sầu riêng chiếc, sầu cho tới bao giờ “

Anh thấy mình hỏng mọi đàng, chỉ còn cách đi tìm mấy thằng bạn xin tập nhạc, hoặc xin tập thơ có lời đề tặng và chữ ký của tác giả đem tặng nàng. Không biết nàng có thích không, nhưng tự an ủi là hàng hiếm vậy, đâu dễ gì mua được. Nhưng nàng chẳng tế nhị, lần gặp nhau sau đó, nàng nói,mấy bài hát trong tập nhạc anh cho, nàng chưa nghe trong Radio lần nào cả và hỏi thằng bạn thi sĩ của anh có bình thường không vì mấy bài thơ có vẻ điên điên. Anh hơi phật ḷng, nhưng không hiểu vì sao anh vẫn thỉnh thoảng đến nhà nàng, anh đã khôn hơn một tí, lần nào không gặp nàng, anh bỏ vào thùng thư gói ô mai cam thảo hay gói kẹo Rum, thay danh thiếp.

Anh muốn được gặp nàng nhiều hơn, nên định bụng nếu cuối năm thi đậu, qua được cái ải hắc ám của năm thứ 3, không bị Sortilat, không phải âm thầm ra trường, anh sẽ ghi học thêm bên khoa học,vì năm thứ tư đỡ nguy hiểm rồi, nên anh hỏi nàng, sang năm định ghi học chứng chỉ gì. Nàng trả lời, sẽ ghi Sinh Hoá. Ban đầu anh định sẽ bí mật ghi danh để nàng ngạc nhiên khi thấy anh trong phòng thực tập, nhưng rồi sợ lỡ hạn ghi danh lúc anh phải đi quân sự học đường sau khi thi xong nên hỏi nàng giúp anh việc đó được không. Nàng ừ ngay và tỏ ra phục anh học giỏi. Đến khi biết anh thi lần nào cũng đậu vớt, nàng hiểu ra ngay ý định của anh, nên phá lên cười, can ngăn.

- Chớ có dại, ôm đồm cho có hại, coi chừng xôi hỏng bỏng không đó. À mà chưa chắc đi học cùng lớp là anh có nhiều dịp nói chuyện với Nguyệt đâu, ghi cua hay làm thực tập Nguyệt đều có bạn rồi, anh chỉ có thể nhìn thôi,

Lúc đó đúng là “vô duyên đối diện bất tương phùng “ đấy.

Anh thi trượt khoá một, cô Lâu bắt vẽ hoa đồ cây trạng nguyên ( Euphorbia pulcherrima ), ai mà nghĩ là cô ra đề thi về cái cây chỉ được nhắc đến vài dòng trong cours như vậy. Anh chẳng biết nhị, đính, khai của hoa ra sao, lá noãn, đỉnh noãn cách nhau như thế nào, cánh hoa xuôi chiều hay không, trong đầu anh lúc đó chỉ còn hình ảnh những bông hoa màu đỏ thắm, có những cánh hoa xoè ra như ngôi sao, anh đã có lần nhìn thấy ở phi trường Liên Khương – Đà Lạt.

Vừa buồn, vừa xấu hổ và lo sợ cho lần thi kỳ hai, anh ngồi nhà,cố gắng học bài, nhưng chỉ được 2 tuần, anh thấy nhơ nhớ, thiêu thiếu. Anh phóng xe đến nhà nàng, anh nghĩ, nếu gặp được nàng anh sẽ thi đậu kỳ 2, vừa đi anh vừa van vái trời.

Đứng trước cổng nhà nàng anh hồi hộp hết sức, anh giơ tay bấm chuông, 1 lần, 2 lần, tim anh đập nhanh như lúc chờ thi vấn đáp, vẫn chẳng thấy động tịnh gì, tim anh lúc này như ngừng đập, anh giơ tay bấm chuông lần nữa, ấn lâu hơn một tí, nghe có tiếng chân chạy, anh thở ra nhưng vẫn lo lắng.Cánh cổng mở ra, thằng em “ bò tót” của nàng giương mắt nhìn anh dò xét, rồi vừa mở hẳn cánh cổng cho anh đẩy xe vào sân, vừa phán.

- Chị ấy đang nói đìện thoại.

Anh nhìn nó sung sướng,mừng rỡ cám ơn. Chắc nó tưởng anh cám ơn nó đã mở cổng, đâu biết là anh đang mừng vì sẽ gặp nàng, anh sẽ thi đậu, anh nghĩ, có lẽ gặp khó khăn đấy, nhưng cuối cùng anh sẽ thi đậu. Vừa thấy mặt nàng, anh nói ngay, anh đã thi trượt, anh muốn báo cho nàng biết điều đó và hy vọng sẽ được gặp lại nàng sau khi thi khóa 2. Hơi ngỡ ngàng, nàng an ủi anh

- Xui quá nhỉ, nhưng thôi thua keo này thì bày keo khác, lần sau chắc anh sẽ gặp may hơn.

Anh thiểu não than, anh chỉ được thi thêm 1 khoá này,nếu trượt anh sẽ bị đi lính vì anh hết tuổi được hoãn dịch học vấn rồi.

Nàng nhìn anh thông cảm, an ủi tiếp.

- Vậy thì ráng học đi, cố gắng nhiều là có kết quả. Nguyệt chúc anh may mắn.

Rồi nửa đùa nửa thật, nàng nói tiếp, nếu không may mà không đậu( nàng tránh nói chữ rớt. sợ có huông ) thì anh vẫn là bạn nàng, ngày xưa còn nhỏ, mong được chơi với đứa học giỏi để copy bài hoặc để thày giáo, bố mẹ khỏi la chứ bây giờ chơi với người gỉỏi, để theo kịp, hiểu họ nói gì cũng mệt óc lắm.

Anh ra về, chỉ học, học, học, ngồi nhà nóng chỗ, anh vào thư viện,cắm đầu vào đống cua, không dám ngó ngang ngó ngửa ngắm người qua lại nữa.

Trời thương cho anh thi đậu khóa hai. Anh sung sướng được gặp lại nàng và thường xuyên hơn.

Khoảng giữa năm thứ tư, đứa em trai kế nàng đi du học. Không có anh trai, không rành về âu phục đàn ông, nàng hỏi anh chỗ may Complet, Veste… anh cũng chẳng rành rẽ, anh đã may bộ đồ lớn như vậy lần nào đâu, nhưng anh vội vàng đi hỏi bạn bè người quen rồi chở em nàng đi may đồ, anh còn sốt sắng chở nó đi đóng giầy, mua sắm các thứ cần thiết khác. Thấy vậy nàng rất băn khoăn, ngại mắc ơn anh. Anh bảo.

- Bạn bè giúp nhau là thường. Nàng cãi,

- Bạn bè cùng phái thì như vậy, chứ khác phái thì khác

- Khác làm sao ?

- Có thể ảnh hưởng đến chuyện tình cảm.

- Tự Nguyệt nghĩ như vậy,chứ tôi chẳng thấy gì khác.

- Nên Nguyệt nói cho anh biết điều đó, Nguyệt không muốn mắc ơn ai hết.

- Ủa, có lần Nguyệt nói, hãy coi Nguyệt như một người bạn trai mà.

Nàng cứng họng nhưng cố vớt vát.

- Nhớ được điều đó thì tốt

Anh chẳng muốn trêu nàng thêm nữa. Cái vẻ bề ngoài lạnh lùng, bất cần của Nguyệt làm nhiều người nghĩ nàng kiêu căng. Quen nàng rồi,anh biết nàng không kiêu nhưng luôn ở thế thủ nên không cởi mở, thân thiện với người lạ, chứ với bạn bè nàng lại hết lòng. Chỉ có điều nàng hơi khó tính, bướng bỉnh, cố chấp. Có lần, nàng đưa anh xem một bài báo, theo tác giả, người đàn ông tha thứ chuyện vợ ngoại tình, nhưng không quên được, đợi anh đọc xong nàng nói

- Không có lô -gích gì cả. Đã tha thứ được thì phải quên, nếu không quên được là không tha thứ.

-Nguyệt thuộc type người nào ?

- Nguyệt là người xấu tinh, nên khó quên khó tha thứ.

- Khó có nghĩa là còn có thể ?

- Khó là khi nói chung chung mọi chuyện, chứ đã ngoại tình thì dứt khoát không tha thứ được. Nguyệt quan niệm, “yêu thương vợ chồng “không chỉ là mê say mà còn phải chăm lo, tin yêu, hiểu và tôn trọng người bạn đời

- Đã yêu thì cũng tha thứ cho nhau được chứ.

- Chỉ đến một độ nào thôi, khi trái tim chưa bị tổn thương. Cái gì cũng có giới hạn cả.

Giữa năm học cuối, nàng không là bạn trai của anh nữa. Anh đã hạnh phúc hát“ ngày đôi môi hôn môi đã quyết trói đời rồi “ mặc dù anh không biết làm thơ. Anh hỏi thăm về ông thi sĩ đã từng gửi cho nàng nhiều bài thơ, nàng cười lớn

- Lý thuyết và thực tế khác xa nhau. Sống với “người đi trên mây” không đồng cảm được, thà để anh chọc cười thấy vui hơn, một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ mà.

Nàng đã dịu dàng xưng em, chịu ngồi sau xe cho anh chở đi chơi, đi học. Thú thật anh đưa nàng đến trường, một phần là để dằn mặt anh chàng Tuệ Khải, cho anh ta khỏi hy vọng hão huyền gì nữa. Hắn vẫn thỉnh thoảng gửi tặng nàng bản nhạc này nọ. Một hôm, cầm tập nhạc Tình Khúc - “Đóa hoa vô thường “ của Trịnh công Sơn, với lời đề tặng của hắn, anh hỏi nàng.

Ông ta biết em là người yêu của anh không?

- Biết thừa, nhưng anh hát “từ nay tôi đã có người, có em đi đứng bên đời liú lo. Từ nay tôi đã có tình, có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa “, thì người ta cũng ca “Trăng tàn Nguyệt tận chưa từng tuyệt vọng đâu em“ được vậy.

- Em vẫn hát “ tình cho nhau môi ấm, một lần là trăm năm” mà.

Anh cũng đã lây, hay đúng hơn phải tập lối trích dẫn lời bài hát ra trả lời theo nàng, nhưng nàng đâu vừa

- Đó là cách nhìn của anh, chứ ông ta cũng có thể nghĩ “ tình mong manh như nắng, vội vàng nhưng chóng quên, rộn ràng nhưng biến nhanh”, nên cứ chờ đợi. Đấy, cùng trong một bài hát mà lúc thế này lúc thế kia, anh thấy không ? (Tình sầu - Trịnh công Sơn)

Cãi với nàng chỉ có thua, anh thầm mong mình có lý, một lần là trăm năm.

Anh may mắn hay là được các thày thương hại nên đã thi đậu ra trường ngay khóa đầu. Sau khi học xong lớp hành chánh quân y, anh bị đẩy đi làm việc ở một thành phố nhỏ miền Trung. Trước ngày đi nhận nhiệm sở, anh hỏi nàng có viết thư cho anh không, nàng nói, nếu nhận được thư anh, nàng sẽ viết trả lời. Anh vốn văn tệ chữ xấu, lúc nhỏ đi học,bài luận của anh bị thày giáo phê, văn chương khách sáo, ý tưởng nghèo nàn rồi, nên thay vì viết thư thăm nàng anh chịu khó đi qua tiểu khu, làm quen với những người lính bên truyền tin, nhờ họ nối dây cho anh điện thoại với nàng, nghe được giọng nói nàng cũng đỡ nhớ. Tết năm đầu tiên anh bị cấm trại không về Sàigòn đón xuân với gia đình được, nàng đã gửi thư cho anh, kèm theo bản nhạc Xuân Ca của Phạm Duy, được nàng nắn nót kẻ dòng, vẽ nốt,viết lời tặng anh. Nàng cho biết, nàng vốn thích bài hát này, còn lời nào dễ thương hơn khi biết là

Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui,
Một đêm một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về
Xuân âm u lắt leo trong nguồn suối mơ
Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chang lòng mẹ
Bây giờ nó còn tình tứ ý nghĩa hơn vì có tên anh và nàng trong đó
Xuân tôi sang bến yêu tôi tìm Gió Trăng”
Tình xuân là xuân có khi mừng vơi có khi sầu đầy
Xuân yêu đương muốn căng lên nhựa sống non
Tìm em gặp em đón xuân nghìn năm bão xuân ngập lòng

Anh sung sướng, nghĩ đến cái tật vạch chữ tìm tên của nàng. Có lần nàng kể, nàng đã không đánh rớt anh ngay câu hỏi về thằng Cuội, vì ở đoạn cuối trong bài hát đó có tên anh, anh nhớ lõm bõm “ gió không có nhà, gió bay muôn phương, gió thổi muôn bề, quay về với ta là quay về với ta “, nàng nghĩ là số phận an bài nên đã cho anh thêm cơ hội… Anh không biết những người con gái khác có lẩm cẩm như vậy không, anh chỉ thấy buồn cười và mừng, vì nó đã xảy ra theo chiều hướng tốt cho anh. Anh nhớ nàng da diết.

Cuối mùa xuân nàng có sinh nhật nên anh cố gắng nặn óc viết thư mừng tuổi nàng. Cảm động hay tội nghiệp anh, nàng bảo sẽ gửi thư “một chiều “cho anh vậy, để bà chủ nhà trọ thấy anh không bị bỏ rơi. Từ đó anh thường xuyên nhận được thư nàng gửi, lần thì nàng viết dài, kể chuyện tràng giang đại hải, có lần chỉ là một mảnh báo được cắt ra, có đoạn tin chính trị, tinh hình biến chuyển ở Sàigon hoặc một truyện ngắn, truyện tiếu lâm, tranh hí họa, cả ô chữ… hoặc thằng em đi du học ở Canada gửi về cho chị vài lá phong đỏ, nàng chia cho anh một lá. Nàng thường chép thư tình của Đinh Hùng, Nguyên Sa, Xuân Diệu,…và cả tác giả vô danh mà anh nghi là của chính nàng. Có lần nàng còn vẽ nữa, nhìn hình con rắn quấn chung quanh cái gậy, dấu hiệu của ngành y, ngoạm trái táo bị mắc nghẹn làm anh cười mãi. Nên mỗi lần nhận được thư nàng anh lại mừng rỡ, hơn trẻ được quà, hồi hộp không biết có gì bên trong.

NT
(còn tiếp vào tuần sau)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.