Hôm nay,  

Hồng Lê Thọ Được Tại Ngoại

12/02/201500:00:00(Xem: 1292)
Tiếp theo nhà văn Nguyễn Quang Lập được tạm thời trả tự do hôm Thứ Ba 10-2-2015, hôm Thứ Tư 11/02/2015, đến lượt ông Hồng Lê Thọ - Việt kiều Nhật Bản hồi hương, chủ trang blog Người lót gạch – cũng được công an để cho về nhà trước dịp Tết, nhưng bị đặt dưới chế độ quản thúc tại gia.

Bản tin RFI ghi nhận rằng việc công an Việt Nam tạm thả ông Hồng Lê Thọ được giới bảo vệ nhân quyền đón nhận dè dặt. Theo một số cá nhân và tổ chức bảo vệ nhân quyền trong và ngoài nước, hiện còn hàng chục, thậm chí hàng trăm người bất đồng chính kiến đang bị giam trong các nhà tù Việt Nam.

Theo một số thông tin trong nước, 10 giờ sáng Thứ Tư (11/02), blogger Hồng Lê Thọ đã trở về nhà, sau hơn hai tháng bị Công an thành phố SG giam giữ, để điều tra theo điều 258 Bộ Luật hình sự Việt Nam. Điều luật 258 bị giới bảo vệ nhân quyền trong nước và quốc tế lên án là phương tiện chính quyền thường dùng để đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Vẫn theo các nguồn tin nói trên, hiện nhà ông Hồng Lê Thọ bị công an canh gác bên ngoài, gia đình ông được khuyến cáo không tiếp xúc với người ngoài. Giống như nhà văn Nguyễn Quang Lập, ông Hồng Lê Thọ vẫn tiếp tục là đối tượng điều tra của công an.

RFI cũng ghi nhận rằng, theo một danh sách (được công bố hồi đầu năm nay) của hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, có cơ sở trong nước, hiện có hơn 100 tù nhân lương tâm bị chính quyền giam giữ, chỉ riêng từ năm 2006, chưa kể nhiều người tranh đấu cho quyền lợi của bản thân bị bắt bớ một cách võ đoán. Báo cáo đầu năm 2014 của tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân xá Quốc tế (Amnesty International) ghi nhận ít nhất 75 người bị bỏ tù vì bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa. Cũng đầu năm 2014, trong một bài viết cho The Washington Post, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ - một nhà bất đồng chính kiến hiện đang sống tại Hoa Kỳ - ước tính trong các nhà tù Việt Nam có khoảng 400 tù nhân lương tâm. «Tù nhân lương tâm» là một khái niệm mà chính quyền Việt Nam thường xuyên bác bỏ.


Trong khi đó, bản tin VOA đã phỏng vấn một luật sư:

“Luật sư Hà Huy Sơn, người từng tham gia các vụ án liên quan đến điều luật 88 và 258, nhận xét việc hai ngòi bút này lần lượt được cho tại ngoại sau hơn 2 tháng bị giam cầm là một động tác giảm nhẹ:

“Tôi nghĩ việc được tại ngoại có thể được xem như là một cái gì đó được giảm nhẹ đối với họ. Tất nhiên, tại ngoại có lợi hơn về mặt sức khỏe lẫn tinh thần và cũng là một dấu hiệu giảm nhẹ vụ án đi. Chuyện họ có được đình chỉ điều tra hay không, tôi cũng không biết được. Theo quy trình Luật Tố tụng Hình sự quy định, giai đoạn điều tra tối đa là 4 tháng, nhưng người ta có thể gia hạn thêm 2 lần nữa, mỗi lần là 2 tháng. Tức là thời gian, theo luật, có thể rất là dài. Còn nếu người ta muốn đình chỉ vụ án thì cũng nhanh thôi.”...”

Trong khi đó, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng nói với VOA rằng trường hợp của blogger Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập là một tín hiệu đặc biệt và do ảnh áp lực “từ nguyên nhân đối ngoại giữa lúc Việt Nam đang tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế với nỗ lực gia nhập Hiệp định Thương mại Tự do Xuyên Thái Bình Dương TPP:..”

Theo lời một quan sát viên hải ngoại, 2 bloggers Nguyễn Quang Lập và Hồng Lê Thọ vẫn được một thành phần cấp tiến trong Đảng CSVN hỗ trợ bí mật, và đây nhiều phần là do áp lực nội bộ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.