Hôm nay,  

Tin Úc Châu

22/10/200100:00:00(Xem: 4451)
GIỚI LÃNH ĐẠO TINH THẦN HỒI GIÁO KÊU GỌI TÍN ĐỒ KHÔNG TRẢ ĐŨA

SYDNEY: Liên Minh Các Hội Đồng Hồi Giáo tại Úc đã lên tiếng kêu gọi tín đồ Hồi Giáo hãy nhẫn nhịn và không phản ứng lại những vụ khiêu khích, áp lực hay giận dữ nhắm vào họ kể từ sau vụ quân khủng bố tấn công Hoa Kỳ.

Ông Amjad Mehbood, chủ tịch liên minh, cho biết rằng những cuộc tấn công dồn dập vào các đền thờ Hồi giáo trên khắp nước Úc trong vài tuần qua có thể khiến cho một số nhỏ tín đồ Hồi Giáo nhắm vào các đền thờ Do Thái Giáo hoặc các nhà thờ Thiên Chúa Giáo để trả đũa.

Đã có ít nhất chín nhà thờ Thiên Chúa Giáo và đền thờ Hồi Giáo tại Sydney bị phá hoại gây thiệt hại, và hai đền thờ Hồi Giáo, tại Adelaide và Brisbane, bị phóng hỏa.

Ông Mehbood nói rằng không biết rõ ai là thủ phạm của các vụ tấn công này, nhưng ông cũng mạnh dạn nhắc nhở các tín đồ Hồi Giáo rằng sự trả đũa là một điều bị ngăn cấm theo giáo quy của Hồi Giáo.

Ông nói: "Hồi Giáo không bao giờ nói rằng quý tín hữu hãy đi đốt nhà thờ hoặc đền thờ của kẻ khác bởi vì một ai đó đã đốt đền thờ của quý tín hữu".

Ông nhấn mạnh rằng: "Việc ấy hoàn toàn không được cho phép, chiếu theo đức tin của chúng ta. Đúng ra, chúng ta luôn được khuyên nhủ phải biết tự chế và kiên nhẫn".

ĐẢNG DÂN CHỦ TỪ CHỐI KHÔNG TRANH LUẬN CÙNG CÁC ĐẢNG NHỎ

CANBERRA: Sau cuộc tranh luận hồi cuối tuần qua giữa hai ông Howard và Beazley, thủ lãnh đảng Dân Chủ, TNS Natasha Stott Despoja đã lên tiếng chỉ trích cuộc tranh luận này, cho rằng đấy là "cuộc đấu khẩu giữa hai anh Ronnie" (hai danh hề Anh quốc, đều tên Ronnie, cùng hợp tác trong chương trình khôi hài "The Two Ronnies" một dạo ăn khách nhưng nay đã lỗi thời).

Cô cho rằng việc chỉ mời hai ông Howard và Beazley đã không phản ảnh được thực trạng của chính trường Úc bởi vì đảng Dân Chủ mới thực sự là đảng có những chính sách đối lập thật sự về những vấn đề quan trọng và đồng thời là chính đảng đang nắm cán cân quyền lực tại Thượng Viện.

Cô nói: "Tôi nghĩ đảng Dân Chủ có thể đem đến một tí khác biệt và làm cho buổi tranh luận được sinh động hơn một tí". Cô nhấn mạnh thêm rằng đảng Dân Chủ có thể đưa ra "vài viễn kiến thực sự cho tương lai của nước Úc".

Tuy nhiên, khi TNS Brown của đảng Xanh vận động tổ chức một buổi tranh cãi giữa những lãnh tụ thượng viện của các đảng khác, như đảng Quốc Gia, đảng Xanh, đảng One Nation và đảng Dân Chủ tham gia một cuộc tranh luận được trực tiếp truyền hình, về những vấn đề chưa được các ông Howard và Beazley đề cập đến thì đảng dân Chủ đã từ chối, với lý do rằng họ là một đảng có tầm vóc, không cần phải tranh luận với những đảng nhỏ.

Giám đốc chiến dịch vận động tranh cử của đảng Dân Chủ, ông Jack Evans nói: "Chúng tôi là một nguồn ảnh hưởng chính trong quốc hội này, những đảng khác mà TNS Brown đề nghị, và ngay cả TNS Brown, chẳng phải là những người có tầm ảnh hưởng quan trọng tại đây".


CARR: TIM PRIEST KHÔNG HỀ BỊ ÁP LỰC ĐỂ GIẢI NGHỆ

SYDNEY: Trung sĩ Tim Priest, người đã từng lên tiếng tố giác về tình trạng cảnh sát tại Cabramatta cho biết hôm thứ Ba 16/10 vừa qua rằng ông rất căm phẫn về việc mình phải giải nghệ, rút lui khỏi lực lượng cảnh sát NSW vì lo sợ sẽ bị trả thù vì đã mạnh dạn công bố những vấn nạn về phương cách cảnh sát thi hành nhiệm vụ tại Cabramatta.

Người thám tử cảnh sát này cho biết ông đang ở trong tình trạng "mệt mỏi sau trận chiến" (battle weary) và "kiệt lực" (worn out). Ông nói sẽ từ chức trong vài ngày tới đây.

Một ngày trước đó, ông đã một lần nữa ra làm nhân chứng trong cuộc điều tra của ủy ban thượng viện về vấn đề cảnh sát tại Cabramatta, và tuyên bố rằng ban tham mưu lực lượng cảnh sát đã uy hiếp đe dọa ông và những cảnh sát viên khác vì đã cả gan lên tiếng.

Sau đó, ông cho biết ông không còn phương cách nào khác hơn là phải từ nhiệm. Ông nói: "Một vài mạng lưới đang hiện hữu sẽ truy đuổi tôi đến ngày xuống lỗ để trả thù cho những tổn thương mà tôi đã gây ra khi làm chứng trước ủy ban này".

TTL Peter Ryan nói rằng chuyện từ chức của ông Priest là một điều đáng tiếc.

Trong khi đó, thủ hiến Bob Carr đã thẳng thừng tuyên bố rằng không có một bằng chứng nào cho thấy trung sĩ Priest bị ép phải rời lực lượng cảnh sát bởi vì ông đã công khai nêu lên nỗi quan ngại của mình về phương cách cảnh sát hành động cũng như về vấn đề ma túy tại Cabramatta.

Ông nói: "Tôi phải công nhận rằng đã quá mệt mỏi khi nghe mấy cái miệng lải nhải (talking heads) từ cánh này hay phe kia của lực lượng cảnh sát tranh cãi về Cabramatta, tôi chỉ quan tâm đến những tiến triển ngay trận địa (on the ground) mà thôi".


Y TẾ QUAN TRỌNG NHẤT ĐỐI VỚI CỬ TRI TASMANIA

HOBART: Cử tri Tasmania cho biết y tế, nhà thương và dịch vụ chăm sóc người cao niên là những vấn đề quan trọng nhất sẽ ảnh hưởng đến ý định đầu phiếu của họ.

Mặc dù hơn hai tháng qua, những vấn đề nóng bỏng như cuộc chiến chống khủng bố, sự sụp đổ của hãng hàng không Ansett và vấn đề thuyền nhân đến Úc đã là những vấn đề thao túng chính trường Úc, đối với giới cử tri Tasmania, những vấn đề y tế, công ăn việc làm, và giáo dục là những vấn đề quan trọng hơn.

Theo một cuộc thăm dò dân ý do giáo sư Richard Herr thuộc đại học Tasmania tổ chức cho tờ Mercury thì vấn đề then chốt nhất đối với cử tri Tasmania là vấn đề y tế, đặc biệt là những dịch vụ chăm sóc cho người cao niên. Hơn 21.7% số người được hỏi ý kiến cho biết đấy là mối quan tâm hàng đầu của họ.

Giáo sư Herr cho biết: "Chúng ta có một dân số ngày càng già đi. Những người thuộc thế hệ "thiếu nhi bộc phát" ("baby boomers) nay đã bắt đầu luống tuổi và đã bắt đầu đưa cha mẹ của họ vào nhà thương hoặc viện dưỡng lão. Vì thế những ưu tiên của họ đã thay đổi".

Ông cũng cho biết thêm, kết quả của cuộc thăm dò dân ý có vẻ như đưa phần thắng lợi về phía đảng Lao động, bởi vì những vấn đề quan tâm hàng đầu (y tế, giáo dục, công ăn việc làm) là những vấn đề thường mà đảng Lao Động được xem là có khả năng giải quyết hơn đảng Tự Do.

THỦ HIẾN BRACKS: GIẢ ANTHRAX GÂY NÁO ĐỘNG COI CHỪNG PHẠT NẶNG

MELBOURNE: Sau một ngày nhốn nháo vì nỗi lo ngại vi khuẩn Anthrax được gởi đến các nơi công cộng nhằm tạo nên nạn dịch chết người tại Melbourne, qua những trường hợp báo động khẩn mà sau đó một số được cho biết là giả tạo, thủ hiến Bracks đã chính thức lên tiếng cảnh cáo những kẻ cố tình gây rối rằng họ sẽ có nguy cơ bị 10 năm tù và phải bồi thường tất cả phí tổn phải trang trải cho các dịch vụ cấp cứu đã bị khuấy phá.

Ông Bracks nói: "Trong khi đó chỉ là những vụ lường gạt giả mạo, đấy vẫn là một việc rất nghiêm trọng".

Ông Bracks cho biết ông đang yêu cầu bộ trưởng tư pháp soạn thảo một dự luật nhằm thay đổi luật lệ hiện hành hầu có thể bắt buộc những người nào bị kết án đã cố tình gây náo loạn phải trả tiền chi phí cho công cuộc di tản người mà họ gây ra. Ông nói: "Tất cả chi phí về việc được gọi đến hiện trường, điều tra, tẩy trùng, và tất cả những công việc và chi phí lớn lao phải chi ra trong vấn đề này. Chúng tôi sẽ đảm bảo bằng tất cả mọi nỗ lực rằng những kẻ gây rối sẽ phải dùng tài sản của họ để trang trải cho những phí tổn ấy. Nếu họ không thể trả được, tất cả những lợi tức của họ trong tương lai sẽ bị khấu trừ để trả nợ".

Ông nói đạo luật này sẽ được áp dụng với tất cả các loại hù dọa gây rối loạn.


CÁC DỊCH VỤ CẤP CỨU TẠI QUEENSLAND MỆT PHỜ RÂU VÌ ANTHRAX GIẢ

BRISBANE: Chỉ trong một ngày thứ Hai đầu tuần, tại Queensland đã có 17 vụ báo động về nguy cơ vi khuẩn Anthrax, khiến cho các dịch vụ cấp cứu tại tiểu bang này bị đặt vào tình trạng báo động đỏ.

Tại Townsville, 25 người phải được đưa vào nhà thương khám nghiệm sau khi có hai lá thơ có chứa bột trắng - sau đó được cho biết là an toàn - đã được gởi đến hai thương nghiệp khác nhau.

Tổng cộng có 15 gói đồ đã phải được đưa cho chuyên viên cảnh sát khám nghiệm, với tám gói được cho là vô hại và 7 gói không được nghĩ là có chứa những chất liệu nguy hiểm.

Cảnh sát cũng được gọi đến để điều tra hai vụ khác tại Brisbane khi một chất bột trắng khả nghi được tìm thấy trong một thang máy và trong một giỏ hành lý.

Ngay cả thủ hiến Peter Beattie cũng là một trong những người được nằm trong danh sách mà thủ phạm nhắm vào. Bộ thủ hiến cũng nhận được một lá thơ từ một địa chỉ ở Florida, Hoa Kỳ, và chuyên viên hóa chất đã được gọi đến tòa cao ốc Executive Building, nơi thủ hiến đặt văn phòng, và sau đó thì một số chai cùng vài gói đồ đã được chuyên viên hóa chất cảnh sát mang đi.

TTL cảnh sát, ông Bob Atkinson, đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để điều tra những gói đồ khả nghi. Ông cũng kêu gọi mọi người khi nhận được những gói đồ khả nghi, không nên mở nó ra mà hãy bỏ nó sang một chỗ biệt lập và báo cho cảnh sát.


BÁO ĐỘNG ANTHRAX TẠI SỞ THUẾ: HÀNH ĐỘNG TRẢ THÙ CỦA MỘT NGƯỜI BỊ BẮT THUẾ

CANBERRA: Hôm đầu tuần, nhân viên sở thuế tại Belconnen đã bị hai phen hoảng vía, tưởng đã bị tấn công bởi vi khuẩn Anthrax đến hai lần trong một ngày.

Việc khám phá ra một số bột trắng khả nghi tại văn phòng ở đường Cameron đã khiến cho nhân viên phải được di tản và một số phải được gởi vào nhà thương để khám nghiệm.

Theo cảnh sát liên bang thì bằng chứng tại hiện trường cho thấy đấy là hành động trả thù của một người bất mãn với sở thuế.

Vào khoảng 9g30 sáng, một lá thư có chứa bột trắng được bưu tín viên tư nhân giao đến cho văn phòng sở thuế tại Belconnen, với tên người nhận là giám đốc bộ phận tiểu thương của văn phòng.

Tất cả nhân viên trên lầu hai được di tản và cảnh sát cùng đội cứu hỏa bắt đầu thủ tục tẩy trùng và đội cứu thương túc trực sẵn bên ngoài.

Cũng trong thời gian đó, một số nữ nhân viên trên lầu ba, khu vực an ninh cấm người ngoài, khám phá ra một số bột trắng trong nhà tiêu phụ nữ. Một người trong số họ kể lại: "Tôi kéo cuộn giấy đi cầu và bột trắng văng ra tứ tung, bám cả vào mặt và quần tôi. Bây giờ thì họ nhốt chúng tôi lại và sẽ đưa chúng tôi sang nhà thương".

Cảnh sát xác nhận đã có 10 phụ nữ được đưa sang nhà thương để khám nghiệm và sau đó đã được xuất viện.


QUYỀN LỰC CỦA VĂN PHÒNG OMBUDSMAN QLD BỊ CẮT GIẢM

BRISBANE: Chính phủ Beattie tại Queensland đã bị lên án cố tình tạo dựng một tiểu bang bí mật sau khi thủ hiến Beattie thông báo dự án cắt giảm tính độc lập của văn phòng Ombudsman.

Thủ hiến Beattie hôm đầu tuần cho biết, trong tương lai, một ủy ban quốc hội sẽ nhận trọng trách quản lý và theo dõi phong cách hoạt động của văn phòng Ombudsman David Bevan, cơ quan được giao trách nhiệm điều tra những than phiền của công chúng về các bộ, sở chính phủ.

Các dân biểu Lao động đã ủng hộ dự án này, và đồng thời thông qua việc tăng lệ phí FOI (Freedom of Information) lên $20 một giờ.

Theo lệ phí mới này, thì bất cứ ai muốn yêu cầu được trao hồ sơ chính phủ, không liên quan đến cá nhân họ, phải trả $20 cho mỗi giờ mà nhân viên chính phủ phải tốn để tìm kiếm những hồ sơ đó.

Tất cả hai sự thay đổi nói trên, cộng thêm việc dời bộ phận nghiên cứu của cơ quan chống tham nhũng CJC về dưới quyền điều khiển trực tiếp của văn phòng thủ hiến, đã khiến cho lãnh tụ đối lập Mike Horan phải lên án chính phủ Beattie đã ngày càng muốn trở thành một tiểu bang bí mật, độc tài.

Ông nói: "Một đám mây đen bắt đầu phủ trùm lên Queensland, và đó là đám mây tên bí mật và kiểm soát".

Ông Horan đặc biệt tấn công việc văn phòng Ombudsman bị đặt dưới sự kiểm soát của ủy ban quốc hội, bởi vì, theo ông, nó sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập của văn phòng này.

MÁY QUAY PHIM NHỎ NHƯ VIÊN THUỐC

MELBOURNE: Trong suốt hai năm qua Matthew Stewart đã bị một chứng bệnh bí mật khiến cậu phải vào nhà thương 10 lần với chứng đau bụng dưới, bị thiếu máu và đi tiêu ra máu.

Cậu đã phải từ bỏ các môn thể thao cậu yêu thích, ăn kiêng cữ và luôn luôn phải vật lộn với sự mệt mỏi thường xuyên và cái đau vô tận. Nhưng chuyện bực mình nhất là không biết rõ mình bị chứng bệnh gì, cho dù cậu đã được khám ruột nhiều lần bằng phương pháp thọt một ống nhỏ có gắn máy quay phim vào ruột để khám nghiệm.

Ba tuần trước đây, tại bệnh viện St Vincent ở Melbourne, cậu đã được khám nghiệm bằng một phương pháp tân kỳ. Cậu đã nuốt trửng một máy quay phim nhỏ bằng viên thuốc, có trang bị đèn chiếu sáng và hệ thống phát hình qua làn sóng vô tuyến, cùng pin.

Sau đó, khi viên thuốc trôi dọc theo bộ tiêu hóa, qua sáu bẩy thước ruột non lẫn ruột già của cậu, máy quay phim bắt đầu ghi hình với tốc độ là một tấm mỗi hai giây. Những dữ liệu này được chuyển đến những bộ phận ghi nhận dán trên ngực và bụng cậu, rồi chuyển sang máy thu thập dữ kiện được đeo bên hông cậu. Sau đó, khi cậu trở lại nhà thương, tất cả những hình ảnh này được chuyển qua máy điện toán.

Cuốn phim cho thấy cậu bị nhiều vết loét trong phần dưới của ruột non, nơi mà ống gắn máy quay phim không thể được thọc vào.

Máy quay phim tân kỳ này được một hãng Do Thái chế tạo và chỉ trị giá $800 một cái.


GIẾT VỢ RỒI VẪN GIẢ VỜ KÊU GỌI CÔNG CHÚNG GIÚP TÌM VỢ

SYDNEY: Hôm đầu tuần tòa thượng thẩm NSW được cho biết một người đàn ông từng lên truyền hình yêu cầu công chúng giúp sức trong việc tìm kiếm người vợ bị mất tích sau đó đã thú nhận với cảnh sát rằng bà ta chết sau khi ông đánh bà trong một cuộc ẩu đả giữa hai người.

Ông Patrick Joiner, 38 tuổi, đã phủ nhận tội cố sát vợ mình, bà Mary Seretis Joiner vào tháng 10 năm ngoái.

Công tố viên Paul Conlon đã trình với tòa rằng ông Joiner, 12 ngày sau khi vợ mất tích, đã lên truyền hình, lớn tiếng kêu gọi bà ta hãy trở về với mình, và đồng thời yêu cầu công chúng giúp sức tìm bà ta.

Thế nhưng, sáu ngày sau đó, luật sư đại diện cho ông Joiner đã gởi qua máy fax một bản khai của ông, thú nhận rằng vợ ông đã chết. Bản tự thú này viết: "Tôi có can dự vào một cuộc ẩu đả với Mary, vợ tôi, vào đêm 8/10/2000. Trong cuộc ẩu đả, tôi có đánh bà ta. Và tôi tin rằng hậu quả là bà ta bị chết. Tôi không cố ý giết bà ta". Và sau đó thi hài của bà Mary Seretis Joiner đã được tìm thấy trong cốp xe của bà tại Redfern, nơi ông Joiner đã bỏ xe.

Công tố viên cũng thông báo với tòa rằng ông bà Seretis Joiner thường than phiền với bè bạn và gia đình chuyện bà bị ông Joiner đánh đập.

Luật sư biện hộ cho ông Joiner, trạng sư Paul Cattini nói với bồi thẩm đoàn rằng họ phải quyết định xem ông Joiner có cố tình hạ sát hay đả thương trầm trọng vợ mình hay không.

Phiên tòa còn tiếp diễn.


SÁNG KIẾN MỚI GIÚP NGƯỜI BỊ MẤT BẰNG LÁI XE

ADELAIDE: Những cư dân Nam Úc bị treo bằng vì đã lái xe với nồng độ rượu quá mức quy định, kể từ hôm đầu tuần, đã được cơ hội cắt giảm phân nửa thời gian bị rút bằng lái của mình, nếu họ gắn loại máy tự động khóa máy xe khi phát hiện nồng độ rượu từ hơi thở của tài xế.

Họ sẽ là những người đầu tiên tại Úc được tham gia vào chương trình tân tiến này. Theo chương trình thì chính những tài xế xe sẽ trả tiền gắn và thuê mướn loại máy đo nồng độ rượu này.

Quốc hội tiểu bang Nam Úc đã thông qua đạo luật trao quyền cho tòa án cho phép những người bị treo bằng với thời gian tối thiểu là sáu tháng được tham gia vào chương trình này ba tháng sau khi mất bằng. Điều kiện cần yếu nhất là họ phải đồng ý gắn máy đo trong xe trong sáu tháng sau đó, có nghĩa là gấp đôi thời gian còn lại của bản án treo bằng.

Loại máy đo nồng độ này được gắn vào ổ khóa xe cũng như những bộ phận điều khiển khác và sẽ ngăn chận không cho xe nổ máy nếu phát hiện nồng độ rượu cao hơn 0.2.

Bộ trưởng giao thông Nam Úc, bà Diana Laidlaw cho biết, những người chọn tham gia chương trình này sẽ có một bằng lái đặc biệt và phải luôn luôn đeo bảng chữ P khi lái xe. Họ cũng phải tham dự một khóa cố vấn về rượu bia với chi phí là $55, do Hội Đồng Các Dịch Vụ Rượu Bia, Ma Túy, tổ chức.

PHÒNG CHÍCH AN TOÀN CHO GIỚI NGHIỆN TẠI MELBOURNE

MELBOURNE: Thị trưởng Melbourne, ông John So, đã lên tiếng hứa hẹn Ủy Ban An Ninh và Ma Túy của hội đồng thành phố Melbourne sẽ nghiên cứu tất cả mọi phương cách trong việc đối phó với tệ nạn ma túy.

Chủ tịch của Ủy Ban, ông Anthony Nicholson, cho biết nếu chính phủ tiểu bang một lần nữa đưa ra đề nghị thành lập năm dưỡng đường chích an toàn, kế hoạch ấy sẽ được cứu xét.

Ông Nicholson nói: "Tuy nhiên, trừ phi chính phủ tiểu bang có hành động trước, (các phòng chích an toàn) không phải là việc mà chúng tôi sẽ thúc đẩy họ, bởi vì làm vậy chẳng khác nào đập đầu vào tường mà thôi".

Dự án thành lập các phòng chích an toàn của chính phủ Bracks đã bị phe đối lập đánh bại hồi tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, cách đây chưa đến ba tháng, thủ hiến Bracks đã hứa hẹn sẽ tiến hành với dự án của mình.

Tuy nhiên, thị trưởng John So cho biết ông không ủng hộ những phòng chích an toàn riêng lẻ, nhưng ông sẽ yểm trợ những dưỡng đường có liên hệ mật thiết với nhà thương, nếu dưỡng đường này cũng cung cấp những dịch vụ cố vấn cai nghiện cùng những dịch vụ giúp cai nghiện.

Những kế hoạch khác có thể được thực thi bao gồm việc gắn máy bán kim chích trên đường phố. Nghị viên Nicholson cho biết, ủy ban tân nhiệm hy vọng sẽ cung cấp được những dịch vụ khiến cho nhà cầu công cộng trở nên sạch sẽ và an toàn hơn và đồng thời tìm ra được những giải pháp tốt hơn trong việc vất bỏ ống chích và kim đã xài rồi.

ANH EM BÀ CON LẤY NHAU SẼ DI HỌA CHO CON

SYDNEY: Các cuộc hôn nhân giữa những nguời bà con gần (bà con chú bác, hoặc cô cậu, hay bạn dì) trong vài cộng đồng di dân tại Sydney đã đưa đến nạn trẻ con yểu tử hoặc trẻ sơ sanh bị khiếm tật với tỷ số cao gấp ba lần mức trung bình của nguy cơ này nói chung.

Theo kết quả một cuộc nghiên cứu của bác sĩ phụ khoa thì trong số 1,331 phụ nữ có thai đăng ký tại nhà thương Auburn trong năm 1999, thì cứ 5 người là có một người cưới người thân trong họ hàng. Và trong số này thì hơn phân nửa đã cưới bà con gần (chú bác, cô cậu hoặc bạn dì).

Những nhà nghiên cứu đã so sánh 262 phụ nữ lấy người trong họ hàng với 261 người phụ nữ lấy chồng xa lạ và tìm được những dữ kiện sau:

Sáu em bé mà cha mẹ là bà con chết ngay khi vừa chào đời hoặc trong một thời gian ngắn sau đó. Hai em chết do những ảnh hưởng về "gen". Bốn em kia không được khám nghiệm sau khi chết.

Trong số phụ huynh không phải là bà con, không có bé thơ nào thiệt mạng.

Nữ bác sĩ Caroline de Costa, người cầm đầu cuộc nghiên cứu, kêu gọi chính phủ hãy tổ chức dịch vụ cố vấn về "gen" đối với cộng đồng sắc tộc, để họ biết rõ hơn về nguy cơ mà con em họ sẽ gặp phải, nếu họ quyết định thành hôn với người trong tộc.

Bà cũng cho biết những người lấy nhau trong tộc có cơ hội bốn lần cao hơn mức bình thường đã có một đứa con bị chết khi vừa chào đời hoặc lúc còn bé thơ. Và nguy cơ sẩy thai cao gấp đôi mức bình thường. Đồng thời, những đứa trẻ được sanh ra có mức khiếm tật cao gấp ba lần bình thường.

THÁNH LỄ DÀNH RIÊNG CHO SÚC VẬT

MELBOURNE: Hồi cuối tuần qua, một hình ảnh khá độc đáo đã được ghi nhận tại nhà thờ Anh Giáo St. James The Great tại khu St. Kilda.

Một thánh lễ đã được tổ chức riêng cho khoảng 100 người và 50 con thú cưng của họ.

Dưới sự hướng dẫn của linh mục Roger Kelly, một người yêu súc vật, khoảng 35 con chó, 10 con mèo, một con cá, một con trừu con và một số gia súc tí hon khác, đã được ban phép lành để tưởng niệm thánh Francis di Assisi, thánh chủ của súc vật.

Từ con chó săn qua đến chó kiểng, từ chó trắng lông xù đến mèo mun lông sát mặc áo đan đủ màu, tất cả những kẻ thù không đội trời chung trong thế giới súc vật đều tạm gác thù hằn để tham dự vào buổi lễ, kể cả chú mèo 16 tuổi của cha Kelly và một số gia súc thuộc chuồng gia súc lưu động ngoài sân nhà thờ.

Trưởng ban tổ chức buổi lễ thường niên độc đáo này, bà lorraine Hawkes cho biết, có nhiều người đã bôn ba từ những khu ngoại ô xa tít tắp để mang con hú cưng của mình về dự lễ.


ANSETT SẼ TRẢ TIỀN ĐỀN BÙ SA THẢI CHO CÔNG NHÂN

CANBERRA: Theo một sự thương lượng giữa công ty quản lý tài chánh và chính phủ Liên Bang, nhân viên của hãng hàng không Ansett sẽ được hưởng bốn tuần tiền đền bù sa thải, nếu họ chấp thuận thôi việc.

Được biết khoảng phân nửa số nhân viên trong đội ngũ 16,000 người làm việc cho Ansett sẽ đồng ý nhận tiền đền bù mất việc, và sẽ lãnh tiền đền bù bắt đầu từ cuối tháng này.

Theo như thỏa thuận với chính phủ liên bang, Ansett sẽ dành ra khoảng $50 triệu để trang trải cho việc này, mặc dù ước lượng chỉ cần khoảng $35 triệu là đủ.

Số tiền này sẽ được rút ra từ ngân khoản $150 triệu mà hãng hàng không Air New Zealand trả cho Ansett để đền bù cho việc công ty Ansett bị sập tiệm. Phần tiền còn lại, khoảng $100 triệu, sẽ được công lý quản lý tài chánh dùng trong việc gia tăng giá trị của Ansett II, ngỏ hầu tìm được người mua lại công ty hàng không này.

Phó thủ tướng, kiêm bộ trưởng giao thông, ông John Anderson cho biết thỏa ước đã cho công ty hàng không này "một cơ hội tương đối tốt để thành công". Ông nói: "Việc này có nghĩa là một số nhân viên đáng kể sẽ có lại công ăn việc làm. Nó cũng khuếch đại cơ hội cho Ansett II được trở nên bền vững".

Ông cũng cho biết thêm rằng chính phủ liên bang cũng đồng ý triển hạn việc bảo đảm cho các vé máy bay mua của Ansett II cho đến cuối tháng 1/02, để "gia tăng sức thu hút thương mại của hãng hàng không" hầu tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán lại hãng hàng không cho những công ty khác.

Ông nhấn mạnh rằng người quản lý tài chính của Ansett II chưa hề ngỏ ý xin chính phủ đổ tiền tiếp sức.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.