Hôm nay,  

Ngoại Thương Của Vn Năm 1999 Và Dự Đoán Các Năm Sắp Tới

09/01/200000:00:00(Xem: 5457)
Vấn đề ngoại thương đã thu hút được sự chú ý của khá nhiều người trong năm 1999 vì có nhiều biến cố liên hệ xẩy ra. Hiệp ước thương mại giữa Hoa-Kỳ và Trung Quốc đã được ký kết vào giữa tháng 11 và tiếp theo ngay sau đó, Hội Nghị Mậu Dịch Thế Giới họp tại Seattle vào đầu tháng 12 vừa qua. Ngoài ra, vào tháng 7, 1999 Hoa-Kỳ và Việt-Nam đã đạt được thỏa hiệp tạm về một Hiệp Ước Thương Mại để Việt-Nam được hưởng quy chế mậu dịch bình thường với Hoa-Kỳ và tiến tới việc gia nhập Tổ chức Mậu Dịch Thế Giới. Việc phê chuẩn Hiệp Ước Thương Mại song phương đã bị đình hoãn lại vì giới lãnh đạo Hà-Nội có những ý kiến bất đồng vào giờ chót. Nhân dịp năm 1999 vừa trôi vào quá khứ và các nhà cầm quyền Hà-Nội còn đang tiếp tục bàn cãi có nên ký vào Hiệp Ước Thương Mại Việt-Mỹ hay không, chúng ta thử duyệt lại tình trạng mậu dịch của Việt-Nam trong năm 1999 và dự phóng cho những năm sắp tới.

Ngoại Thương Của Việt-Nam Với Thế Giới
Theo con số thống kê về 10 tháng đầu của năm 1999, Nhật Bản đứng đầu trong 10 nước buôn bán nhiều nhất với Việt-Nam với tổng số thương vụ (nhập cảng cộng với xuất cảng) trị giá khoảng 2.5 tỉ Mỹ Kim (MK). Kế đến là Tân Gia Ba (2.4 tỉ MK), Đài Loan (1.8 tỉ MK), Đại-Hàn (1.4 tỉ MK), Trung Quốc (1.1 tỉ MK), Úc (730 triệu MK), Đức (730 triệu MK), Hoa-Kỳ (710 triệu MK), Hồng-Kông (690 triệu MK) và Thái Lan (640 triệu MK). Pháp ước chừng cùng hạng với Hoa-Kỳ tuy nhiên con số thống kê cho năm 1999 chưa có. Căn cứ vào giá trị của tổng số thương vụ, Việt-Nam buôn bán với những nước nghèo nhiều hơn so với những nước kỹ nghệ với tỉ lệ 61.5 % trong khoảng 1993-98. Ngay cả trong thời gian Á Châu bị khủng hoảng tài chánh (1997-98), hàng hóa xuất nhập cảng giữa Việt-Nam và những nước kém mở mang vẫn duy trì ở tỉ lệ bách phân trung bình như trên, mặc dù giá trị tổng số xuất nhập cảng giữa Việt-Nam và thế giới đã không tăng như những năm trước. Về xuất cảng, khoảng một nửa số hàng của Việt-Nam bán qua những nước kỹ nghệ và một nửa còn lại bán cho những nước đang mở mang. Nhưng về hàng nhập cảng, Việt-Nam mua của những nước đang mở mang (73.6 %) nhiều hơn so với những nước kỹ nghệ (26.4%).

Cán cân thương mại (trade balance) của Việt-Nam bị thiếu hụt khoảng 40 triệu MK trong 10 tháng đầu trong năm vừa qua, nghĩa là Việt-Nam nhập cảng nhiều hơn xuất cảng. Tuy nhiên đây là con số thấp nhất so với nhiều năm qua. Từ năm 1990 đến nay cán cân thương mại của Việt-Nam hàng năm đối với thế giới bị thiếu hụt khoảng trên 1 tỉ MK. Trong hai năm 1995 và 1996, cán cân mậu dịch hụt tới mức kỷ lục khoảng 2.3 tỉ MK và 3.2 MK (bảng 1). Trong giai đoạn 1992-97, kinh tế phát triển mạnh ở mức độ trung bình 9% mỗi năm. Trong hai năm 1995-96, độ phát triển đạt tới mức kỷ lục là 9.5% và 9.3%. Cả hai thương vụ xuất và nhập cảng đều gia tăng, nhưng nhập cảng tăng mạnh hơn xuất cảng để đáp ứng nhu cầu của giới tư nhân tiêu thụ và các công ty đầu tư nước ngoài.

Từ năm 1997 về sau, bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chánh ở Á Châu, mức phát triển kinh tế chậm lại, chính phủ Hà-Nội quyết định hạn chế nhập cảng để giảm bớt sự thiếu hụt của cán cân chi phó (balance of payments). Đầu tư nước ngoài giảm xuống và nhu cầu tiêu thụ trong nước bị giới hạn lại. Do đó, số hàng hóa nhập cảng giữ nguyên ở mức 10.4 tỉ MK trong hai năm 1997-98. Con số trị giá nhập cảng cho năm 1999 theo dự đoán cũng sẽ ở vào mức 1997-98. Tuy nhiên, trên đây là những con số nhập cảng chính thức, không kể số hàng nhập cảng lậu từ những nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc. Theo ước tính của Tòa Đại Sứ Hoa-Kỳ tại Việt-Nam thì số hàng nhập cảng trái phép tương đương với 30%-40% của trị giá hàng nhập cảng chính thức từ mỗi nước. Việt-Nam hàng năm nhập cảng những hàng hóa chính sau đây với trị giá trung bình cho ba năm 1996-98 : máy móc và phụ tùng (1.9 tỉ MK), nhiên liệu (1 tỉ MK) , phân hóa học (300 triệu MK), sắt và thép (570 triệu MK), xe gắn máy (340 triệu MK), tơ sợi (88 triệu MK) và xe hơi và xe truck (160 triệu MK). Những thứ linh tinh gồm có bột mì, đường, bột ngọt và thuốc men. Trị giá của tổng số hàng nhập cảng trung bình hàng năm trong ba năm 1996-98 là 10.4 tỉ MK.

Bảng 1: Việt-Nam - Tổng Số Trị Gíá Hàng Hóa Xuất Nhập Cảng, 1990-98 (triệu Mỹ Kim)
1990; 1991; 1992; 1993; 1994; 1995; 1996; 1997; 1998
Xuất Cảng (f.o.b) 1,731; 2,042; 2,475; 2,985; 4,054; 5,198; 7,330; 9,145; 9,365
Nhập Cảng (f.o.b) 1,772; 2,105; 2,535; 3,532; 5,245; 7,543; 10,483; 10,460; 10,350
Cán Cân Thương Mại 41; 63; 60; 547; 1,191; 2,345; 3,153; -1,315; 985
Nguồn gốc: Ngân Hàng Thế Giới, Tổng Nha Quan Thuế, Viện Thống Kê Việt-Nam f.o.b. (free on board): giá hàng không kể chi phí bảo hiểm và chuyên chở.

Trong 10 tháng đầu của năm 1999, Việt-Nam đã xuất cảng một số hàng trị giá 9.1 tỉ MK. Giá dầu thô tăng gấp đôi trong năm vừa qua giúp cho trị giá xuất cảng của Việt-Nam gia tăng. Theo các con số thống kê của những năm 1996-98, Việt-Nam hàng năm xuất cảng những sản phẩm chính sau đây: dầu hỏa (1.3 tỉ MK), quần áo và hàng vải (1.3 tỉ MK), gạo (920 triệu MK), giầy dép (830 triệu MK), đồ biển (750 triệu MK), cà phê (474 triệu MK), cao su (160 triệu MK), hột điều (127 triệu MK), đồ tiểu công nghệ và mỹ thuật (116 triệu MK), than đá (110 triệu MK), hột tiêu (64 triệu MK) và trà (43 triệu MK). Ngoài ra Việt-Nam còn xuất cảng một số hàng linh tinh như rau, trái cây và thịt. Riêng dầu hỏa, gạo và cà phê chiếm 32 % của tổng số trị giá xuất cảng trung bình hàng năm trong ba năm 1996-98 là 8.6 tỉ MK. Cán cân thương mại thiếu hụt trung bình hàng năm là 1.8 tỉ MK. Giá dầu hỏa và nông phẩm lên xuống thất thường và thông thường là ở mức thấp. Phần lớn những sản phẩm xuất cảng này là những nguyên liệu, mang rất ít giá trị gia tăng (value-added content). Do đó Việt-Nam hiện nay ở vào thế bất lợi về phương diện buôn bán với thế giới. Trong tương lai gần, điều cần thiết là phải khai thác mạnh về ngành biến chế nông phẩm và ngành kỹ nghệ nhẹ, song song với việc canh tân hóa nông nghiệp.
Trong năm 1999, Việt-Nam đã thành công trong việc mở rộng thị trường hiện hữu và kiếm thêm thị trường mới ở Trung Đông và Bắc Phi cho gạo, dầu thô, cà phê, đồ biển, quần áo và giầy dép. Việt-Nam đã trở thành quốc gia xuất cảng gạo lớn thứ nhì trên thế giới sau Thái Lan và là quốc gia xuất cảng cà phê lớn thứ ba sau Ba-Tây và Colombia. Một số biện pháp cải thiện kỹ nghệ xuất cảng sau đây đã được đem thi hành: (1) giảm thuế xuất cảng đánh trên một số nông sản; (2) đơn giản hóa thủ tục xuất cảng; (3) gia tăng đầu tư và áp dụng những tiến bộ khoa học trong lãnh vực sản xuất canh nông và kỹ nghệ.

Ngoại Thương Của Việt-Nam Với Trung Quốc
So với Trung Quốc, về phương diện diện tích đất đai và nhân số, Việt-Nam quả thật là một quốc gia nhỏ bé. Về số thương vụ quốc tế, Việt-Nam chỉ là một thị trường rất khiêm nhường so với nước láng giềng phương bắc. Việt-Nam và Trung Quốc đã ký hiệp ước thương mại song phuơng vào năm 1991. Tuy nhiên mậu dịch giữa hai nước chưa phát triển như hiệp ước mong đợi. Trị giá hàng hóa trao đổi giữa hai nước còn rất khiêm nhường ở mức độ 1.2 tỉ MK vào năm 1998, so với 1 tỉ MK vào năm 1995, với hàng xuất cảng từ Việt-Nam trị giá khoảng 480 triệu MK. Theo ước tính của Bộ Ngoại Thương Việt-Nam, lợi tức xuất cảng trong năm 1999 sẽ vào khoảng 800 triệu MK, tăng 65% so với năm 1998. Con số này không kể số hàng nhập cảng không chính thức giữa đôi bên. Trung Quốc là quốc gia nhập cảng hàng hóa của Việt-Nam lớn thứ năm sau Nhật, Tân Gia Ba, Đài Loan và Đại Hàn. Trung Quốc mua của Việt-Nam dầu thô, cao su, hải sản, nông sản và những đồ tiểu công nghệ.

Nếu Trung Quốc và Việt-Nam đều ký thỏa hiệp thương mại song phương với Hoa-Kỳ, hai quốc gia láng giềng này sẽ trở thành địch thủ của nhau trên thị trường Mỹ. Tổng số thương vụ (nhập cảng cộng với xuất cảng) giữa hai nước trong năm 1998 là 85.4 tỉ MK so với tổng số thương vụ giữa Hoa-Kỳ và Việt-Nam chỉ có 828 triệu MK, tương đương với chưa tới 1% của tổng số thương vụ Hoa-Mỹ. Cán cân mậu dịch thặng dư của Trung Quốc đối với Hoa-Kỳ lên đến gần 57 tỉ MK so với số thặng dư nhỏ nhoi của Việt-Nam là 279 triệu MK. Việt-Nam sẽ phải cạnh tranh vất vả với Trung Quốc về một số sản phẩm liệt kê theo bảng phân loại mậu dịch quốc tế (Standard International Trade Classification viết tắt là SITC) như sau: cá, ngũ cốc, rau và trái cây, trà, cà phê và gia vị, cao su sống, dầu thô và biến chế phẩm, kỹ nghệ phẩm cao su, vải và tơ sợi, kỹ nghệ phẩm khoáng chất, kim loại, đồ đạc trong nhà, vali hành lý và túi sách tay và nhất là quần áo và giầy dép.

Ngoại Thương Của Việt-Nam Với Hoa-Kỳ
Sau khi Hoa-Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Việt-Nam vào năm 1994, ngoại thương giữa Việt-Nam và Hoa-Kỳ đã tăng trưởng rất nhanh. Việt-Nam xuất cảng sang Hoa-Kỳ một số hàng trị giá 54 triệu MK vào năm 1994. Bốn năm sau trị giá hàng xuất cảng của Việt-Nam lên đến 550 triệu MK, tức là tăng gấp hơn 10 lần. Hiện nay, Hoa-Kỳ đứng hàng thứ 8 trong số những nước buôn bán với Việt-Nam căn cứ trên trị giá tổng số thương vụ. Trong ba năm 1996-98, tổng số thương vụ trung bình hàng năm giữa hai nước là 810 triệu MK (bảng 2). Việt-Nam mua của Hoa-Kỳ một số hàng hóa trị giá ước độ 280 triệu MK và xuất cảng qua Hoa-Kỳ khoảng 600 triệu MK cho cả năm 1999 so với con số trung bình hàng năm là $390 triệu MK cho nhập cảng và 420 triệu MK cho xuất cảng trong các năm 1996-98. Những hàng chính của Việt-Nam xuất cảng qua Hoa-Kỳ là thực phẩm đặc biệt là đồ biển, cà phê, trà và hạt điều, dầu thô, giầy dép, hàng dệt, quần áo, sản phẩm kỹ nghệ và các nguyên liệu. Việt-Nam nhập cảng của Hoa-Kỳ máy móc, xe chuyên chở, đồ điện tử, phân hóa học, giấy và đồ plactics. Tuy hai quốc gia chưa có thỏa hiệp thương mại, Việt-Nam có cán cân mậu dịch thặng dư đối với Hoa-Kỳ ở mức trung bình hàng năm khoảng 230 triệu MK trong ba năm vừa qua. Trong năm 1996, cán cân mậu dịch lệch về phía Hoa-Kỳ vì Việt-Nam tăng nhập cảng máy móc và xe chuyên chở lên tới gần 400 triệu MK, gấp 4 lần những năm khác.

Hoa-Kỳ và Việt-Nam đã tạm ký thỏa ước thương mại vào tháng 7, 1999. Việc phê chuẩn đã bị đình trệ vì sự do dự của phía Việt-Nam. Nếu thỏa ước thương mại sau cùng được hai bên chuẩn y, hàng xuất cảng của Việt-Nam qua Mỹ sẽ được hưởng quy chế mậu dịch bình thường như những quốc gia khác đã ký thương ước song phương với Hoa-Kỳ. Trong trường hợp này, hàng hóa xuất cảng của Việt-Nam sẽ chỉ phải trả mức thuế trung bình khoảng 4.9%, tương đối rất thấp so với mức thuế nhập cảng trung bình hiện nay là 35% . Giá của hàng Việt-Nam sau thuế sẽ rẻ hơn giá hiện tại và sẽ dễ cạnh tranh hơn với những hàng khác trong thị trường to lớn của Hoa-Kỳ. Trong trường hợp này, trị giá hàng của Việt-Nam xuất cảng qua Mỹ sẽ tăng từ 400 triệu MK như hiện nay lên đến 1.2 tỉ MK theo ước tính của Ngân Hàng Thế Giới. Chính phủ sẽ có thêm ngoại tệ, nhập cảng thêm được máy móc và thu thêm được thuế nhập cảng. Sự phát triển của nghiệp vụ xuất cảng sẽ thu hút thêm đầu tư ngoại quốc, gia tăng sản xuất và tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng.

Theo sự hiểu biết của các giới thông thạo về chính trường Việt-Nam, vào mùa Thu năm vừa qua, phe “Bảo Thủ” trong Bộ Chính Trị đã đòi xét lại sự lợi hại và công khai chống đối hiệp ước thương mại Việt-Mỹ với hậu thuẫn của phe đang nắm giữ những công ty quốc doanh là “Quân Đội”. Nếu Việt-Nam chuẩn y hiệp ước thương mại Việt-Mỹ, một trong những điều Việt-Nam phải làm là cải tổ những công ty quốc doanh hoặc là sẽ bị khai tử bởi các công ty tư nhân. Phe “Đổi Mới” rút tỉa những kinh nghiệm của những nước láng giềng, muốn cấp bách thực hiện những cải tổ mà họ nghĩ rằng rất cần thiết để đưa nước Việt-Nam ra khỏi tình trạng nghèo đói và chậm tiến hiện tại. Việt-Nam không thể phí phạm thêm năm năm nữa để chờ cho những lãnh tụ già nua về hưu. Theo tình hình hiện nay, chính quyền Hà-Nội rất có thể sẽ chuẩn y thỏa ước thương mại Việt-Mỹ trong năm 2000.

Chính Sách Ngoại Thương Hiện Nay Của Việt-Nam
Việt-Nam bắt đầu thi hành chính sách Đổi Mới và bành trướng giao thương với thế giới bên ngoài vào năm 1989. Trong thập niên vừa qua, Việt-Nam đã cho áp dụng một số biện pháp với các chi tiết được liệt kê trong bảng 3 theo thứ tự thời gian, để cải thiện chính sách mậu dịch. Tuy nhiên, có một vài biện pháp mà chính phủ đã cho áp dụng trong thời gian qua đã mâu thuẫn với mục tiêu này. Mặc dù Việt-Nam đã bỏ bớt số lượng hàng hóa bị đặt dưới chế độ hạn ngạch (quota) từ năm 1995, hệ thống mậu dịch của Việt-Nam còn rất phức tạp và bị trói buộc với nhiều cấm đoán, giới hạn về số lượng, thuế nhập cảng cao và thường thay đổi và thủ tục mậu dịch rất rưòm rà. Chế độ ngoại thương chưa được cải thiện đúng mức. Khoảng 40% của tổng số hàng nhập cảng vẫn bị hạn chế bằng một số biện pháp kiểm soát nhập cảng khác nhau. Khoảng 30% hàng sản xuất trong nước được bảo vệ bằng những biện pháp hạn chế số lượng nhập cảng. Cơ quan Tiền Tệ Quốc Tế đã xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia hội viên có hệ thống mậu dịch hạn chế nhất thế giới. Kết quả là Việt-Nam đã tự giới hạn khả năng xuất cảng và nhập cảng của mình. Những hậu quả giây chuyền là sản xuất trong nước bị hạn chế, số việc làm không tăng nhanh chóng được và kinh tế không phát triển đúng mức. Gần đây chính Bộ Tài Chánh của chính phủ Hà-Nội cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chính sách ngoại thương của nhà nước.

Chính sách mậu dịch của Việt-Nam hiện nay nhằm bảo vệ những kỹ nghệ “chiến lược” và các công ty quốc doanh. Thay vì phải nhập cảng những hàng hóa cần thiết, Việt-Nam chủ trương theo đuổi chính sách “thay thế nhập cảng” mà trong tiếng Anh gọi là “import substitution”. Chính sách “thay thế nhập cảng” đã được áp dụng từ thời 1976-86 khi những nhà lãnh đạo Hà-Nội cai trị nhân dân theo mô hình “Stalin Mới”. Với một dân số đông đúc, một nền kinh tế khép kín và chính quyền địa phương và trung ương nắm độc quyền kinh tế, người dân trong nước phải tự lực cánh sinh. Mặc dù chính sách Đổi Mới đã được công bố để thay thế chính sách “Stalin Mới” vào cuối năm 1986 và thực sự được coi là quốc sách vào năm 1989, cơ chế “thay thế nhập cảng” vẫn còn tồn tại. Đây là một chính sách cổ điển, không công hiệu mà một số quốc gia chậm tiến, kể cả Ấn Độ, đã theo đuổi trong nhiều thập niên trước đây. Kinh nghiệm cho thấy chính sách đó thường gây ra một nền kinh tế trì trệ với những đặc điểm là khả năng của máy móc không được tận dụng, tài nguyên không được xử dụng đúng chỗ, tổn phí sản xuất gia tăng một cách vô ích và làm thiệt hại đến các khu vực kinh tế khác ở trong nước nhất là nông nghiệp. Hơn nữa, chính sách “thay thế nhập cảng” không có khả năng tạo nhiều công ăn việc làm và những sản phẩm được chế tạo ra lại không thể đem xuất cảng được vì giá thành cao và phẩm chất tồi tệ. Năng suất thấp vì thiếu cạnh tranh. Đa số các công ty quốc doanh của Việt-Nam, dù được ban cho nhiều đặc quyền mậu dịch vẫn bị thua lỗ, là những thí dụ cụ thể của chính sách bao cấp và “thay thế nhập cảng”.

Việt-Nam vào một lúc có 14 công ty sản xuất xe hơi với tổng số vốn đầu tư là 600 triệu MK với khả năng sản xuất 170,000 chiếc xe một năm. Hiện nay 11 công ty còn đang hoạt động với nghiệp vụ là ráp xe với những bộ phận rời nhập cảng. Các công ty này bán được 5,000 xe hơi trong năm 1998 với giá nội địa đắt gấp ba lần giá nhập cảng chưa cộng thuế. Một số công ty quốc doanh được dành độc quyền sản xuất xe đạp. Với máy móc lỗi thời, không sản xuất được hàng tốt, những công ty này bị lỗ lã. Thuế nhập cảng không đủ hữu hiệu để bảo vệ xe đạp nội địa, chính phủ phải cho áp dụng thêm một hàng rào quan thuế nữa là giấy phép nhập cảng. Vì lý do an ninh quốc gia, Việt-Nam hạn chế xuất cảng gạo để có số gạo dự trữ trong nội địa. Những cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy rằng Việt-Nam có thể tăng số lượng gạo xuất cảng hàng năm từ 3.6 triệu tấn lên 5 triệu tấn và thu về thêm được 225 triệu MK, tương đương với 1% của tổng sản lương nội địa (gross domestic product viết tắt là GDP). Vì hạn chế xuất cảng, giá gạo nội địa thấp. Nông dân đã nghèo lại bị thiệt thòi vì phải gián tiếp tài trợ giới tiêu thụ ở thành thị. Xe gắn máy, xi măng, thép, phân hóa học, đường cũng một phần nào chịu những kinh nghiệm khó khăn tương tự. Những thí dụ về phí phạm kinh tế còn rất nhiều. Chúng ta đơn cử một vài trường hợp để nhấn mạnh rằng một chính sách cải tổ kinh tế toàn diện và sâu rộng là hết sức cần thiết và cấp bách cho Viêt-Nam để chúng ta không bị thua kém qua xa các nước láng giềng như Đài Loan, Đại-Hàn, Mã Lai, Nam Dương, Phi-Luật-Tân, Tân-Gia-Ba.

Trong hai năm gần đây Việt-Nam đã thực hiện một số biện pháp quan trọng để cải thiện chế độ ngoại thương. Trước đây hầu như chỉ có các xí nghiệp quốc doanh mới có quyền xuất nhập cảng liên quan đến những sản phẩm do công ty sản xuất. Chỉ có số ít xí nghiệp quốc doanh mới có quyền nhập cảng những sản phẩm mới. Những công ty khác phải xin giấy phép nếu muốn xuất nhập cảng một sản phẩm nào. Vào năm 1998, Việt-Nam mới cho phép những công ty tư nhân, kể cả các công ty đầu tư ngoại quốc, có quyền xuất nhập cảng về những sản phẩm liệt kê trên môn bài. Những công ty này phải xin giấy phép nếu muốn xuất nhập cảng hàng hóa mới. Trước năm 1998, nhiều nguyên liệu và nông sản kể cả gạo bị đánh thuế xuất cảng. Chính phủ Việt-Nam mới bãi bỏ thuế xuất cảng đối với 8 sản phẩm trong đó có gạo, cá và tôm cua, than đá, cao su. Một biện pháp khác quan trọng cũng mới được cho áp dụng là chính phủ dành một số hạn ngạch lớn hơn cho các công ty tư nhân để xuất cảng gạo và quần áo. Các công ty ngoại quốc nay được mua gạo trực tiếp từ nông dân để xuất cảng. Về nhập cảng, Việt-Nam đã giảm thêm thuế nhập cảng tối đa từ 80% xuống 60% trong năm 1998 rồi xuống còn 50% trong năm 1999. Luật này không áp dụng cho xe hơi, xe gắn máy, những sản phẩm chế biến từ dầu thô, rượu, thuốc lá và quần áo cũ. Số mức thuế nhập cảng khác nhau trước đây đã giảm từ 35 xuống còn 26, nay giảm tiếp xuống còn 12. Tuy nhiên một số biện pháp hạn chế số lượng nhập cảng và thủ tục đòi giấy phép nhập cảng vẫn tiếp tục được duy trì. Về số ngoại tệ thu được qua dịch vụ xuất nhập cảng, chính phủ Việt-Nam nay cho phép tất cả các công ty, kể cả công ty ngoại quốc, được giữ 50% số ngoại tệ, thay vì 20% như trước. Các công ty vẫn phải đổi số ngoại tệ còn lại sang tiền địa phương. Theo những thỏa ước đã ký kết với Hội Các Quốc Gia trong Vùng Đông Nam Á (ASEAN Free Trade Area viết tắt là AFTA), Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Quỹ Miyazawa của Nhật Bản, Việt-Nam cần phải cải tổ chế độ ngoại thương nhiều hơn nữa. Theo đó việc giảm thuế nhập cảng và bãi bỏ những hàng rào quan thuế là những biện pháp chính.

Tình Trạng Ngoại Thương Của Việt-Nam Sẽ Ra Sao Trong Tương Lai"
Việc dự đoán về tương lai mậu dịch của Việt-Nam trong những năm sắp tới rất khó khăn vì chúng ta không biết chắc chắn về thoả ước thương mại Việt-Mỹ và ảnh hưởng của sự phục hồi của khu vực Á Châu, đồng thời không biết việc cải tổ kinh tế sâu rộng có được thực hiện hay không. Trong hoàn cảnh như hiện tại và giả sử Việt-Nam vẫn tiếp tục kế hoạch cải tổ kinh tế ở mức chậm như trong hai năm qua, trình độ phát triển của xuất cảng tính theo giá hiện hành của đồng Mỹ kim (US dollar at current prices) sẽ tiếp tục duy trì vào khoảng 11% và con số tương tự cho nhập cảng là khoảng 12%. Nhờ vào giá dầu hỏa cao và mức cầu tăng, sự phục hồi kinh tế của khu vực Đông Nam Á và thị trường mới ở Âu châu cho những kỹ nghệ phẩm nhẹ, cán cân thương mại của Việt-Nam có thể được cải thiện trong hai năm 2000-01, với những thặng dư sau nhiều năm dù rất khiêm tốn.

Chính phủ Việt-Nam đang soạn thảo một kế hoạch ba năm để cải tiến thêm chế độ ngoại thương hiện hành. Một số biện pháp cần thiết đang được cứu xét gồm có : (1) loại bỏ những hạn chế về số lượng nhập cảng và tạm thời thay thế bằng thuế nhập cảng (ngoại trừ đường và chế phẩm dầu hỏa); (2) tiếp tục gia tăng bán đấu giá hạn ngạch để cho phép các công ty tư nhân được xuất cảng quần áo; (3) gia tăng hạn ngạch để cho phép các công ty tư nhân được xuất cảng gạo; (4) không đặt thêm những biện pháp mới để hạn chế nhập cảng và không cho miễn thuế nhập cảng; (5) loại bỏ hết mọi luật lệ hạn chế quyền nhập cảng của các công ty; (6) bãi bỏ luật bắt buộc các công ty phải trao một phần ngoại tệ cho chính phủ để đổi lấy tiền Việt-Nam; (7) chuẩn y hiệp ước thương mại Việt-Mỹ và gia nhập vào Tổ-Chức Mậu Dịch Thế Giới.
Nếu các biện pháp cải tổ chế độ ngoại thương trên được thi hành, cộng thêm với những cải tổ về các công ty quốc doanh và luật đầu tư trực tiếp nước ngoài (foreign direct investment), một phần do ảnh hưởng gián tiếp nhưng mạnh mẽ của kế hoạch cải tổ chế độ ngoại thương, lợi tức xuất cảng của Việt-Nam sẽ gia tăng gấp bội. Việt-Nam sẽ thu hút đầu tư ngoại quốc nhiều hơn và sẽ có ngoại tệ để nhập cảng những máy móc cần thiết để phát triển kinh tế. Như vậy chính sách “khuếch trương xuất cảng" là con đường sẽ dẫn tới phồn thịnh mà Việt-Nam nên theo. Chính sách “thay thế nhập cảng” cần được loại bỏ.

Bảng 3 : Những Biện Pháp Thay Đổi Chính Sách Ngoại Thương Trong Thập Niên 1989-99
1989 : ban hành thuế nhập cảng lần đầu tiên.
1990 : (1) các công ty xuất nhập cảng phải đăng ký; (2) dành độc quyền xuất cảng một số hàng hóa cho một số hiệp hội những nhà xuất cảng; (3) ban hành thuế tiêu thụ đặc biệt.
1991 : (1) miễn thuế cho nguyên liệu nhập cảng để chế tạo hàng xuất cảng; (2) thành lập khu chế xuất; (3) hạ thuế xuất cảng áp dụng vào gạo từ 10% xuống còn 1%; (4) cho phép các công ty tư nhân được phép hành nghề xuất nhập cảng.
1992: (1) áp dụng Hệ Thống Hòa Hợp (Harmonized System viết tắt là HS) để xếp loại hàng hóa và ấn định thuế nhập cảng; (2) chuẩn y thỏa ước thương mại với Hiệp Hội Các Nước Âu Châu (European Union).
1993: (1) Đơn giản hóa thủ tục giấy phép chuyên chở hàng hóa xuất cảng; (2) cải thiện hệ thống hoàn lại tiền thuế; (3) đơn giản hóa mẫu khai quan thuế.
1994: (1) loại bỏ giấy phép nhập cảng ngoại trừ 15 sản phẩm; (2) Việt-Nam được chấp nhận là một quan sát viên của Tổng Thỏa Hiệp Về Quan Thuế và Mậu Dịch (General Agreement on Tariff and Trade viết tắt là GATT); (3) đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép; (4) đơn giản hóa thủ tục chuyên chở hàng xuất cảng.
1995: (1) đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép nhập cảng; (2) Việt-Nam tham gia tổ chức ASEAN; (3) giảm số sản phẩm mà số lượng nhập cảng bị hạn chế xuống còn 7; (4) hạn chế số lượng xuất cảng chỉ còn áp dụng cho gạo; (5) tăng thuế xuất cảng đánh vào 11 sản phẩm.
1996: (1) giảm thuế nhập cảng cao nhất xuống còn 80% và giảm số mức thuế nhập cảng khác nhau xuống còn 35; (2) giảm số sản phẩm đặt dưới chế độ quản trị nhập cảng xuống còn sáu.
1997: (1) tiến hành thủ tục xin gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế (World Trade Organization viết tắt là WTO); (2) chính quyền tỉnh ấn định số lượng xuất cảng gạo cho tư nhân xuất cảng; (3) cấm nhập cảng đường; (4) tạm cấm nhập cảng loại hàng tiêu thụ (consumer goods).
1998: (1) thay thế hạn ngạch (quota) bằng thuế nhập cảng; (2) giảm thuế nhập cảng cao nhất xuống còn 60%; (3) cho phép lãnh vực tư được xuất cảng; (4) các công ty đầu tư nước ngoài được tự do xuất cảng những hàng đã được phép sản xuất và có thể xin phép xuất cảng những hàng mới; (5) ban hành 3 loại thuế nhập cảng; (7) nới rộng thuế tiêu thụ đặc biệt.
1999: (1) các công ty có quyền xuất nhập cảng những sản phẩm đã kê khai trong môn bài và có thể xin xuất cảng những hàng mới; (2) giảm bớt 26 mức thuế nhập cảng xuống còn 12 và hạ thấp thuế nhập cảng cao nhất xuống còn 50% ngoại trừ sáu loại hàng hóa là xe hơi, xe gắn máy, những sản phẩm chế biến từ dầu thô, rượu, thuốc lá và quần áo cũ; (3) cho phép những công ty tư được xuất cảng gạo; (4) bán đấu giá 20% hạn ngạch xuất cảng quần áo; (5) giảm tỉ lệ ngoại tệ phải trao lại cho chính phủ từ 80% xuống còn 50%.

Nguồn gốc: Ngân Hàng Thế Giới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.