Hôm nay,  

Thời Sự Úc Châu: J.howard & K.beazley Qua Cuộc Tranh Luận Tiền Bầu Cử

22/10/200100:00:00(Xem: 4248)
LTS: Chỉ còn hơn ba tuần nữa là đến ngày bầu cử liên bang, ngày toàn thể cử tri Úc phải bỏ phiếu để chọn lựa những người đại diện cho mình tại tòa nhà quốc hội Úc. Mặc dù, tại một khu vực bầu cử, cử tri trực tiếp bỏ phiếu cho người đại diện của mình, nhưng nhìn chung, vai trò đường lối của chính đảng, và nhất là khả năng của người lãnh tụ các chính đảng lớn, thường chiếm một vị trí quan trọng trong việc lèo lái nhân tâm cử tri. Đó là lý do, kể từ khi truyền hình trở thành một công cụ thông tin hữu hiệu trong đời sống xã hội tại các quốc gia tiên tiến, nhu cầu tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa các lãnh tụ của các chính đảng trong giai đoạn tiền bầu cử ngày càng trở nên quan trọng, và gần như bắt buộc. Trong chiều hướng đó, tối Chủ Nhật vừa qua, đài truyền hình số 9 đã thực hiện buổi truyền hình trực tiếp cuộc tranh luận giữa thủ tướng John Howard với ông Kim Beazley, lãnh tụ đảng Lao Động liên bang. Sau đây, chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả bài viết của tác giả Lê Tuấn, trong đó ông tổng hợp một số nhận định vừa chủ quan, vừa khách quan về cuộc tranh luận của hai đối thủ chính trị John Howard & Kim Beazley.

*

Kỳ tranh luận được trực tiếp truyền hình hôm Chủ Nhật 14/10 vừa qua lại một lần nữa chứng minh tính lão luyện chính trị cùng sự lõi đời của thủ tướng John Howard khi ông quyết định hai việc: thứ nhất chỉ tham dự một cuộc tranh luận duy nhất, và thứ nhì, cuộc tranh luận phải được tổ chức trong tuần đầu của chiến dịch vận động tuyển cử.

Việc tham dự một cuộc tranh luận duy nhất đã giảm thiểu sự thất bại của ông trước mắt cử tri khi phải đọ sức tay đôi cùng lãnh tụ đối lập Kim Beazley, một người vừa có ngoại hình kềnh càng, một khuôn mặt dữ dằn, và một bộ óc rất sắc bén. Thứ nhì, cuộc tranh luận được tổ chức ngay trong tuần lễ đầu tiên của chiến dịch vận động tuyển cử dài năm tuần giúp cho ông có đủ thì giờ tìm cách xoay xở, gỡ gạc trong thời gian còn lại của cuộc tranh cử.

Ngay trong câu trả lời cho câu hỏi mở màn cuộc tranh luận của người điều khiển cuộc tranh luận Ray Martin "Theo ông, vì sao chúng tôi phải tiếp tục bầu ông làm thủ tướng"", ông Howard đã cố gắng moi ngay vụ khủng bố tấn công Hoa kỳ để làm bàn đạp cho câu trả lời của mình, cố tình hướng sự suy nghĩ của cử tri về nỗi lo âu cho sự an nguy của quốc gia trong tình hình dầu sôi lửa bỏng trên chính trường quốc tế hiện nay. Vấn đề kế tiếp mà ông cố gắng giữ cuộc tranh luận hướng về là vấn đề "di dân lậu". Trong suốt hơn phân nửa cuộc tranh luận, đây là hai vấn đề mà ông Howard luôn luôn chú tâm vào. Ông cũng nhắc nhở một phần nào về khả năng quản trị kinh tế của chính phủ Tự do, nhưng chỉ thoáng qua mà thôi, so với hai vấn đề nêu trên.

Tuy nhiên, lãnh tụ Kim Beazley cũng khôn ngoan không kém, ông cố hướng cuộc tranh luận về những vấn đề quốc nội có tầm quan trọng đối với cử tri mà đảng ông đang dùng làm chiêu bài tranh cử. Ông kiên quyết lèo lái cuộc tranh cử về những đề tài như giáo dục, y tế và thuế khóa, đặc biệt là thuế trị giá gia tăng GST. Khi trả lời câu hỏi đầu tiên "Vì sao chúng tôi nên chọn ông"", ông đã khéo léo hướng câu trả lời của mình, từ phần đối ngoại trong vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia, sang việc nhấn mạnh rằng "tương lai vững chắc của Úc đòi hỏi nhiều hơn thế, nó đòi hỏi một kế hoạch lâu dài để đáp ứng những nhu cầu trong nước". Và ông nói thêm rằng một trong những nhu cầu ấy là chận đứng việc mất chất xám, việc phải tạo điều kiện khuyến khích những người có khả năng chuyên môn ở lại để phục vụ đất nước hơn là bỏ ra ngoại quốc. Ông cũng nhấn mạnh nhu cầu có một hệ thống giáo dục công bằng hơn, khi mà mọi người có thể tham gia dựa vào khả năng học lực hơn là vào tình trạng tài chính của gia đình.

Một vấn đề khác cũng được đề cập đến trong buổi tranh luận rất sôi nổi này là việc ký kết một thỏa ước với những người thổ dân như đã được đề nghị trước đây trong phong trào hòa giải dân tộc.

Thủ tướng John Howard đã thẳng thừng tuyên bố không cần phải ký thỏa ước hoặc bắt đầu thương lượng để ký thỏa ước, như một biểu tượng cho nỗ lực hóa giải những bất công xã hội đối với người dân bản xứ, mặc dù rất nhiều cơ quan đoàn thể tôn giáo và xã hội đã lên tiếng kêu gọi chính phủ hãy thực hiện điều này. Ông nói: "Tôi không thích thỏa ước".

Ông Beazley thì ngược lại, tuyên bố rằng đấy là một trong những ưu tiên của chính phủ Lao động, nếu thắng cử trong kỳ tổng tuyển cử tới đây. Ông nói: "Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ có nhiều ưu tiên, nhưng vấn đề này cũng nằm trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi".

Một chuyện làm ngạc nhiên giới bình luận, phân tích chính trị là việc ông Beazley đã được số khán giả chọn lọc của đài số 9, gồm 80 người cử tri chưa quyết định sẽ đầu phiếu cho ai, cho rằng ông thắng thế hơn ông Howard trong việc giải quyết vấn đề thuyền nhân đến Úc.

Về vấn đề này, ông Howard tấn công ông Beazley cho rằng phe đối lập đã không có lập trường rõ ràng, khi thế này, lúc thế nọ, xoay như chong chóng trong việc đối phó với vấn nạn tàu Tampa. Ông nói: "Chỉ trong vòng bốn tiếng rưỡi đồng hồ mà quý anh lăn từ bên đây đường sang bên kia đường trong vấn đề này, để rồi cuối cùng, lại lăn trở về bên đây". Trước khi chấm dứt phần phát biểu của mình, ông Howard còn bồi thêm một câu rằng: "Sự thật là qúy anh chẳng có một lập trường rõ rệt trong vấn đề di dân lậu này".

Tuy nhiên, ông Beazley cho biết, sở dĩ phe Lao động, cuối cùng chấp thuận thông qua dự luật Bảo Vệ Biên Cương (Border Protection Bill) là vì hai lý do chính: thứ nhất, vì lợi ích của quốc gia, và thứ nhì, chính phủ đã phải chấp thuận tu chính dự luật, gạt bỏ những điều phi lý và thêm vào những đề nghị hợp tình hơn của đảng Lao Động. Ông mạnh dạn thách thức ông Howard hãy cho đăng tải trên trang web của đảng Tự Do đạo luật được thông qua, cùng dự luật của chính phủ và những đề nghị tu chính của đảng Lao động cho mọi người có thể xét rõ thực hư, xem ai mới là kẻ "xoay qua, lật lại" ("flip-flopped"). Thêm vào đó, ông thẳng thừng chê trách chính sách hiện thời của chính phủ dùng hải quân để ngăn chận thuyền nhân xin tỵ nạn cặp vào bến bờ Úc là một chính sách bất khả thành công. Theo ông, muốn dập tắt ngọn sóng thuyền nhân từ Nam Dương sang Úc, chỉ có một giải pháp hữu hiệu nhất: kêu gọi sự hợp tác mật thiết của chính phủ Nam Dương trong việc ngăn cản họ khởi hành từ đó.

Ông Beazley trong nửa phần sau của cuộc tranh luận đã đạt được thế thượng phong, khi đề tài được tranh luận là giáo dục và thuế GST.

Thủ tướng Howard tấn công ông Beazley, cho rằng ông đã cố tình "lường đảo chính sách" ("policy fraud") vì ông Beazley đã hứa sẽ bãi bỏ GST cho một số trường hợp và sản phẩm mặc dù biết rõ rằng chính tiền GST đã tài trợ cho các trường học. Và ông Beazley đã chụp ngay lấy cơ hội này để nhắc nhở cho ông Howard về lời hứa trong kỳ vận động tuyển cử năm 1995 rằng ông "chắc chắn không bao giờ" ban hành thuế GST. Ông nói: "Sự lường gạt trầm trọng nhất, trong vấn đề này là lời tuyên bố của Howard rằng ông sẽ chắc chắn không bao giờ áp dụng thuế GST". Chứng kiến sự lúng túng của Howard, Beazley đã bồi thêm một cú, cho rằng việc ông Howard cố tạo mối liên kết giữa các ngân khoản dành cho y tế, giáo dục với GST là "một đề nghị không tưởng" (extraordianry proposition). Ông cho rằng: "Đấy là một điều phi lý (nonsense). Đấy là chuyện cố ngụy biện để bào chữa cho một thứ thuế rất bất công".

Về vấn đề khả năng lãnh đạo, ông Howard cho biết: "Sự lên voi xuống chó tất yếu của cuộc sống trên chính trường đã trui luyện tôi đến mức độ mà tôi bây giờ cảm thấy mình có đủ khả năng, đặc biệt nhất là, đáp ứng những thử thách mà đất nước này đang phải đối phó". Ông nói thêm là ông xin cống hiến cho cử tri tay chèo vững chãi, ý chí cương quyết bền bỉ (tenacity), sự kiên định trước sau như một (consistency) cũng như quyết tâm hướng dẫn dân tộc Úc qua những thử thách kinh tế và chiến lược trong thời gian khó khăn như hiện nay.

Ông Beazley thì nhắc đến kinh nghiệm của ông trong vai trò bộ trưởng quốc phòng trong khoảng đầu thâp niên 90 và những kiến thức thu thập được về chính trường quốc tế là những lý do mà cử tri có thể tin tưởng rằng ông có đủ tài đối ngoại để lãnh đạo quốc gia trong thời điểm này. Ông cũng hưá hẹn sẽ có những giải pháp dài hạn cho những vấn nạn của quốc gia.

Ông cũng nhấn mạnh một điều rằng cuộc vận động tranh cử kỳ này "không phải là một phần của kế hoạch hưu trí của tôi", khác với ông Howard đã từ chối không xác quyết sẽ phục vụ trong vai trò thủ tướng trong suốt nhiệm kỳ tới nếu thắng cử.

So sánh với quyết tâm của ông Beazley, thủ tướng Howard đã có phần thua kém khi ông không đưa ra được một lời giải thích ổn thỏa cho việc ông đã tránh né không xác quyết rằng ông sẽ giữ chức vị thủ tướng cho đến cuối nhiệm kỳ.

Khi được Ray Martin hỏi rằng "Có phải bỏ phiếu cho John Howard, là có nghĩa bỏ phiếu cho Peter Costello"", ông Howard lại nhẹ nhàng bước sang một bên, tránh không trả lời thẳng câu hỏi, mà lại trả lời rằng: "Đúng vậy, đấy là một lá phiếu cho Peter Costello, cho Phillip Ruddock, người đã xuất sắc trong việc đối phó với người xin tỵ nạn, cho John Anderson, người đã thấu hiểu hơn ai hết những nỗi ưu tư của dân chúng nơi thôn quê".

Trái ngược thái độ lưỡng lự, né tránh của Howard, ông Beazley mạnh dạn xác quyết: "Tôi sẽ ở lại chính trường trong thời gian dài. tôi sẽ ở lại suốt nhiệm kỳ. Tôi cũng có một đội ngũ hoàn chỉnh". Nhân dịp này, ông cũng tấn công "đội ngũ nhân tài đang dần bị biến mất" của ông Howard. Ông nói: "Chúng ta không biết được ai sẽ là bộ trưởng quốc phòng cho ông Howard" Ai sẽ là bộ trưởng y tế" Đội ngũ mạnh mẽ mà ông Howard vừa miêu tả đang dần dần biến mất dưới tay ông ta, và ngay chính ông cũng có thể tan biến trong hai năm tới đây".

Ông Beazley kết thúc bằng một câu hỏi cho tất cả mọi cử tri: "Tôi xin hỏi mọi công dân Úc câu này: quý vị có cảm thấy quý vị thoải mái hơn (better off) so với năm năm về trước hay không"" Và ông cũng nhấn mạnh rằng: "Tôi có thể làm việc với Hoa Kỳ. tôi có thể làm việc với Anh quốc. Nhưng quan trọng hơn nữa, tôi có thể làm việc cho quý vị".

Trước khi chấm dứt chương trình, Ray Martin nêu lên một nhận xét rằng còn nhiều vấn đề như y tế, xã hội, dịch vụ chăm sóc người già, dịch vụ cho nông thôn vẫn chưa được đả động đến, và mời gọi hai lãnh tụ tranh luận thêm một lần khác nữa. Ông Beazley lập tức nhận lời ngay, trong khi ông Howard vội vàng từ chối, nói rằng: "Tôi nghĩ, đêm nay chúng ta đã làm được khá đủ rồi".

Sau cuộc tranh luận, trong số 80 cử tri chưa quyết định được chọn làm khán giả tại phòng thu hình thì 67% cho rằng ông Beazley đã thắng thế trong cuộc tranh cãi này, so với 33% chọn ông Howard.

Và trong một cuộc thăm dò dân ý qua điện thoại của Newspoll tổ chức riêng cho tờ The Australian, ông Beazley thắng ông Howard với tỷ số 55% so với 35%. Thêm vào đó 69% số người được hỏi cho rằng phong cách tranh luận của ông Beazley là "tốt" hoặc "xuất sắc".

Tuy nhiên, gần phân nửa số người được hỏi, đã cho biết, cuộc tranh luận chẳng có tí ảnh hưởng nào đến quyết định đầu phiếu của họ.

Lê Tuấn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.