Hôm nay,  

Cảm Tưởng 1 Cựu Quân Nhân Xem Vở ‘quân Lệnh Cuối Cùng’: Nhóm Kịch Trần Hùng Đã Thành Công Lớn: Vở Kịch Xuất Sắc Không Ngờ

13/07/200200:00:00(Xem: 9217)
PHOTO: Trần Hùng trong vai chuẩn tướng Lê Văn Hưng, và Mỹ Huyền, vai phu nhân. Và nam kịch sĩ Tuấn Hùng trong vai Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam.

Với tư cách là một cựu quân nhân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, tôi đã đến xem vở kịch QUÂN LỆNH CUỐI CÙNG của nhóm kịch Trần Hùng vào ngày chủ nhật, 12 tháng 05, 2002 vừa qua tại rạp hát La Mirada.

Khoảng 3:30 chiều, gần đến giờ mở màn vở kịch, mà theo tôi ước đoán, chỉ có khoảng gần 500 khán giả đến xem vở bi hùng kịch có ý nghĩa lịch sử rất lớn này. Tôi và một số anh em cựu quân nhân vô cùng buồn và thất vọng trước sự dửng dưng với một công trình nghệ thuật lớn lao. Hay, lẽ nào, Trần Hùng đã không quảng cáo thật rầm rộ" Tôi nghĩ nhóm kịch Trần Hùng dự định sẽ mở màn đúng giờ, nhưng có lẽ vì khán giả lác đác đến chậm, nên đã mở màn trể hơn dự tính khoảng hai mươi phút.

Phải nói La Mirada là một rạp hát lý tưởng cho khán giả xem kịch với sức chứa vừa phải, âm thanh tuyệt vời, và không khí vô cùng thoải mái. Tôi thầm nghĩ có lẽ Trần Hùng đã xem xét cẩn thận các ưu điểm trước khi quyết định chọn rạp hát mắc tiền này. Để mở đầu chương trình, Việt Dzũng đã giới thiệu vở kịch và giới thiệu Trần Hùng, người đứng ra tổ chức buổi kịch, cũng như tấm lòng và sự khó khăn mà Trần Hùng đã trải qua. Cả hội trường vổ tay tán thưởng nhiệt liệt khi Trần Hùng ra trình bày ý nghĩa và tâm huyết của vở kịch QUÂN LỆNH CUỐI CÙNG mà anh đã cố công nuôi dưỡng gần hai năm nay. Với một khuôn mặt buồn buồn, có lẽ vì quá mệt trong việc tổ chức và vì lượng khán giả đến thưởng thức không được như anh mong ước, Trần Hùng đã tâm sự là anh không đoán trước được là anh sẽ có một cơ hội nào nữa để đứng trước khán giả giới thiệu một vở kịch mới tại hải ngoại hay không. Cả hội trường đều nghẹn ngào và vô cùng thông cảm với anh, một người hầu như sống trọn với kịch nghệ nhưng chưa được khán giả tại quận Cam nói riêng, và hải ngoại nói chung, đón nhận.
Khán giả đến xem kịch không đến nửa rạp, nhưng vở kịch xuất sắc không thể ngờ. Phần mở màn với nhạc phẩm QUÂN LỆNH CUỐI CÙNG do nhạc sĩ Việt Dzũng viết riêng cho vở kịch, đã được ca sĩ kiêm kịch sĩ Mỹ Huyền trình bày. Chỉ với nhạc phẩm này không, tôi đã cảm thấy xứng đáng công lao của mọi người đến xem vở kịch. Mỹ Huyền đã đưa mọi người trở lại tình cảm của người dân Việt Nam trước ngày mất nước. Màn kế tiếp là giọng đọc từ sau hậu trường về tình hình chiến sự Việt Nam cũng như tóm tắt tiểu sử của cố Thiếu tướng tư lệnh Quân Đoàn IV, Nguyễn Khoa Nam và cố Chuẩn tướng tư lệnh phó Quân Đoàn IV, Lê Văn Hưng. Giọng đọc kết hợp với màn ảnh trên film screen của sân khấu là hình ảnh chiến sự trận mạc của chiến trường Việt Nam những năm 1968 tới 1975 cũng như hình ảnh tội ác của Việt Cộng. Tuy chưa chính thức vào kịch, nhưng đến đây, mọi người đều nghẹn ngào với những hình ảnh đau thương và oai hùng của đất nước Việt Nam. Phần mở màn chấm dứt bằng câu nói đanh thép của Trần Hùng trong vai Chuẩn tướng Lê Văn Hưng và Tuấn Hùng trong vai Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam: Tử thủ .. vùng bốn.. cho tới giọt máu cuối cùng…

Tôi không biết Trần Hùng đã theo học kịch nghệ ở những trường nào và đạo diễn Mai Thế Hiệp đã tốt nghiệp tại Mỹ bao lâu, nhưng chỉ với phần giới thiệu vở kịch, tôi đã thật sự khâm phục sự dàn dựng vô cùng công phu này. Các em đã thật sự có tư cách để bước vào thị trường Hoa Kỳ.

Vở kịch bắt đầu khi cố Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam còn ở cấp bậc đại tá vào năm 1968. Rất nhiều người ngưỡng mộ vị tướng tài ba này, trong đó có vô số cô gái xuân thì trẻ đẹp. Ở lứa tuổi trung niên và chưa lập gia đình, ông đã gạt bỏ tất cả mọi tình cảm riêng tư để cống hiến trọn cuộc đời cho tổ quốc. Đến khi việt cộng tràn vào, Sài Gòn thất thủ và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, Thiếu tướng tư lệnh quân đoàn IV, quân khu IV đã tuẫn tiết để giữ danh dự một vị tướng tài. Tuấn Hùng đã diễn đạt rất tròn vai Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam. Bên cạnh đó, Trần Hùng trong vai Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, một vị tướng oai hùng của quân lực VNCH. Cố Chuẩn tướng Lê Văn Hưng là người đã tử thủ An Lộc năm 1972 và hầu như các cấp bậc của ông đều được vinh thăng tại mặt trận. Trần Hùng đã diễn xuất thật xuất sắc vai trò của Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, một vị tướng thâm trầm, tình cảm, thương vợ con và binh lính. Sau khi nghe lệnh đầu hàng từ Saigon, Chuẩn tướng Lê Văn Hưng cương quyết tử thủ vùng IV, không hợp tác với Saigon. Để chuẩn bị cho cái chết của mình, ông đã phải đuổi tất cả các sĩ quan tùy viên dẫn gia đình họ đi di tản. Cảnh chia tay thật là cảm động, các sĩ quan tùy viên đều không cam lòng ra đi, nhưng Chuẩn tướng tư lệnh phó đã dùng quân lệnh cuối cùng để ép buộc mọi người phải tự lo lắng cho họ và gia đình. Còn ông thì sao" Là tướng của một thành, ông cương quyết dùng cái chết để bảo toàn danh dự sau khi đau lòng bắt buộc vợ của ông (do Mỹ Huyền xuất sắc trong vai bà Lê Văn Hưng) dẫn con đi và chịu trách nhiệm giáo dục con sau này.

Là một cựu quân nhân, tôi đã tham gia nhiều cuộc hành quân, nhưng tôi cũng không thể cầm nước mắt trước cảnh chia ly, vừa oai hùng vừa xúc động của các vị tướng vùng IV do Trần Hùng và Tuấn Hùng diễn xuất. Tôi nhìn xung quanh khán giả, không phải chỉ riêng tôi và vợ tôi, mà tất cả khán giả có mặt xem vở kịch, không ai cầm được nước mắt, họ khóc cho hoàn cảnh của nước VN buổi loạn lạc, vợ xa chồng, cha xa con, dân xa tổ quốc, và họ khóc vì sự diễn xuất tuyệt vời của tất cả các diễn viên.

Vở kịch có vài sơ sót nhỏ thiết tưởng nên nhắc lại để nhóm kịch Trần Hùng rút kinh nghiệm. Có lẽ Trần Hùng đã sơ sót khi dựng hình ảnh người tùy viên của đại tá Nam đeo huy hiệu của Quân Đoàn Bốn, hay vì diễn viên đó đã sơ ý dán huy hiệu lên sớm quá. Theo tôi nhớ thì thời gian này, Đại tá Nam chưa về Quân Đoàn IV và ông vẫn còn ở binh chủng nhảy dù. Sơ sót khác là trên bàn của hai vị tướng, hình ảnh tướng kỳ đã không chính xác mà sau buổi diễn, tôi có dịp nói chuyện với Trần Hùng tôi mới hiểu vì sao. Trên nguyên tắc, sao của tướng kỳ phải ở vị trí giữa lá cờ. Tướng kỳ của Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam có hai sao, thì dán sao ở giữa cho dù đèn sân khấu có vàng cũng không có vấn đề. Nhưng tướng kỳ của Chuẩn tướng Lê Văn Hưng chỉ có một sao, Trần Hùng e rằng nếu dán sao ngay ở giữa, dù là sao trắng, ánh đèn sân khấu vẫn có thể làm khán giả lẫn lộn với cờ đỏ sao vàng của Việt Cộng, nên anh đã cố tình dán lên trên góc phải. Ngoài hai sơ sót này, các chi tiết nhỏ khác không đáng kể. So với các tác phẩm quân đội khác, đây là một tác phẩm có tầm vóc lớn và ít sai sót nhất. Nói chung, các diễn viên Trang Thanh Lan, Thùy Vân, Mỹ Trinh, Thu Ba, Vũ Thái Bình, và các diễn viên phụ đều tròn vai.
Đây là lần đầu tiên, một vở kịch về lịch sử cận đại của Việt Nam được dàn dựng trên sân khấu kịch nghệ. Tôi chưa nói đến sự khó khăn về tài chánh, chỉ riêng sự nghiên cứu về lịch sử, về quân phong, quân kỷ, quân phục trong quân đội của Trần Hùng, đủ thấy được tấm lòng cũng như sự trân trọng khán giả của anh. Trần Hùng là một tài tử trẻ và có tiếng tại Cali. Anh đã thủ diễn rất nhiều vai chánh trong các phim kịch như NEW HORIZON, PHỐ NHỎ TÌNH NGƯỜI, LÔI VŨ, DUYÊN XUÂN, ĐOẠN TUYỆT, LÁ SẦU RIÊNG, NỬA ĐỜI HƯƠNG PHẤN, TRÀ HOA NỮ, THỜI ĐẠI KHỦNG HOẢNG, MÙA PHƯỢNG TÍM, LỜI NGUYỀN CỦA MẸ, QUÂN LỆNH CUỐI CÙNG… Anh âm thầm hoạt động trong giới kịch nghệ phục vụ cho nghệ thuật tại hải ngoại mà nhận được rất ít sự giúp đỡ ủng hộ của các hội đoàn, đơn vị. Tôi thiết nghĩ đây cũng là lúc chúng ta nên suy nghĩ về nhiệt huyết và khả năng của người thanh niên này. Anh xuất thân từ gia đình nhà binh, con của một sĩ quan cấp tá. Anh đã tốt nghiệp Đại Học Cal-State Fullerton về ngành thương mại và hiện đang học Cao Học về quản lý tài chánh. Tôi có tâm sự và biết rằng anh đang làm cho hãng MetLife và sẽ tốt nghiệp bằng MBA vào tháng sáu này, vậy mà vẫn dấn thân làm nghệ thuật phụng sự cho cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại… Với sự hy sinh đó, chúng ta nên tạo cho anh một sức mạnh tinh thần để anh tiếp tục cống hiến những món ăn tinh thần tại Hải Ngoại… Có phải chúng ta còn quá thờ ờ với những tấm lòng cao quý đó"""

Dù trễ vẫn hơn là không có. Tôi biết là nhóm kịch Trần Hùng có cho quay lại vở kịch lịch sử giá trị này và sẽ phát hành trong nay mai. Cách giúp đỡ thiết thực nhất của chúng ta với những người bạn trẽ có tấm lòng này là mỗi gia đình hãy mau mau đến các trung tâm băng nhạc video mua về cho tủ sách gia đình một cuốn băng video kịch QUÂN LỆNH CUỐI CÙNG. Các tiệm cho mướn băng video xin hãy đừng sang lại và cho mướn cuốn video lịch sử này, sẽ tự làm xấu hổ người Việt Hải ngoại của chúng ta.
Westminster - Ngày 16, tháng 05, 2002

Ngô Minh Hồng,
Cựu Quân Nhân Biệt Động Quân

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.