Hôm nay,  

Nguy Cơ Khi Cây Gì Cũng Ngâm Làm Rượu Thuốc

22/09/201400:00:00(Xem: 10665)

SAIGON -- Xưa nay, nhiều người có thói quen cứ nghe cây gì có tác dụng chữa bệnh, bổ dưỡng – thậm chí là những loại cây, củ có tên nghe là lạ - là đi kiếm mua hay đào, chặt để ngâm rượu uống. Hậu quả của việc sử dụng các loại “rượu thuốc”, “rượu bổ” này nhiều khi rất tệ hại.

Theo một bài viết trên Thanh Niên (PNO), về các loại cây, rễ, lá, hạt… có tên trong thảo dược thuộc y học cổ truyền, như: hà thủ ô, mật nhân, mã tiền, dâm dương hoắc, tam thất, đinh lăng.v.v…, lương y Huỳnh Văn Quang (Hội Đông y Quận 5, Sài Gòn), cho biết: “Ngay cả với loại cây, rễ, lá có công dụng chữa bệnh này cũng phải cẩn thận, vì nếu không biết dùng, dùng bừa bãi sẽ trở thành độc dược gây chết người. Chẳng hạn như hạt mã tiền, y học cổ truyền dùng ngâm rượu để xoa bóp trị bệnh phong thấp rất hay, nhưng có nhiều người bị trúng độc do uống rượu ngâm hạt mã tiền. Do vậy, nếu không rõ cây gì, rễ gì thì tuyệt đối không được dùng”.

Trong dân gian thường nghe nói về vị thuốc hà thủ ô có công dụng giúp đen tóc, đen râu (thường dùng chữa tóc bạc sớm), nhiều người đem hà thủ ô ngâm rượu hay nấu nước uống hoài mà không thấy tóc đen hơn. Theo lương y Phạm Như Tá, phải biết cách chế, chẳng hạn dùng đậu đen nấu lấy nước, rồi lấy nước đó đem nấu với hà thủ ô để uống thì mới hiệu quả.

Còn về các loại cây nghe tên lạ nhưng theo những lời đồn thổi (nhất là từ những người bán “cây thuốc” dạo ngoài đường) cũng có dược tính trị bệnh, bổ dưỡng gì đó thì người muốn dùng thử phải hết sức cảnh giác, điển hình như cây ấu tàu dưới đây.

blank
Củ (rễ) đinh lăng có tác dụng tăng cường sinh lực, sức dẻo dai và sức chịu đựng của cơ thể, thông tia sữa tắt, khai vị…, tuy nhiên, dùng với liều cao hay quá liều sẽ bị say thuốc và xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy, theo trang web caydinhlanglamthuoc.com

PNO ghi nhận vào tháng 4/2014 đã xảy ra trường hợp trúng độc chết người do uống rượu ngâm củ ấu tàu ở xã Yên Hoa (Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang). Vụ việc xảy ra tại nhà ông N.V.M. cùng người quen là ông T.V.T uống rượu ngâm củ ấu tàu. Mươi phút sau khi uống rượu, hai người này bị trúng độc - nôn ói, vật vã, lưỡi cứng đơ, rồi hôn mê. Được đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu nhưng vì quá nặng nên cả hai đã tử vong. Trước đó, cũng một vụ trúng độc do uống rượu ngâm củ ấu tàu khiến 4 người (ở H.Yên Bình, tỉnh Yên Bái) nhập viện trong tình trạng nguy kịch. 4 nạn nhân gồm H.V.T, H.V.H, H.V.T và C.V.Đ trong bữa cơm chiều có uống rượu ngâm củ ấu tàu, sau đó bị trúng độc, đồng tử giãn to, mắt như mù.., được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh Yên Bái. May mắn, cả 4 người đã được cứu sống.


TS-BS Nguyễn Kim Sơn, phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai giải thích: “Trong ấu tàu có chứa chất aconitin, chất này có thể gây độc với hàm lượng 1 - 6 mg, nếu ngộ độc nhẹ, có cảm giác như kiến bò, cảm thấy đầu và lưỡi to ra, tê đầu các chi, rung thớ cơ, chóng mặt, loạng choạng. Nếu nặng hơn sẽ bị tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, hôn mê, suy hô hấp, tử vong. Thế nhưng, tại một số tỉnh phía bắc như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng... vẫn còn truyền nhau kinh nghiệm bồi bổ bằng củ ấu tàu, khiến nhiều người nhập viện do ngộ độc”.

PNO nêu thêm ý kiến của lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y VN) cho rằng: “Củ ấu tàu được dùng trong dân gian và y học cổ truyền với công dụng trị các bệnh đau nhức, mỏi cơ xương khớp, bằng cách ngâm rượu để xoa bóp, tuyệt đối không được uống. Nếu không biết cách dùng, dùng bừa bãi, hay uống rượu ngâm củ ấu tàu sẽ rất nguy hiểm, có thể gây tử vong. Vì củ ấu tàu thuộc nhóm độc bảng A, do vậy phải biết cách dùng”.

Còn về một loại cây cũng không quá xa lạ là hoa anh túc (cây thuốc phiện) thì mới đây, cũng Trung tâm chống độc BV Bạch Mai đã tiếp nhận nữ bệnh nhân Đ.H.P. (22 tuổi) bị ngộ độc do uống rượu ngâm loại cây nêu trên. Nạn nhân vào viện trong tình trạng vật vã, kích thích, nôn ói liên tục..., nhưng rất may được cứu sống.

Theo PNO, rất nhiều người lầm tưởng, cứ đem cây, rễ cây, lá nào đó có công dụng chữa bệnh, bổ dưỡng ngâm vào rượu rồi uống rượu thì sẽ có tác dụng chữa bệnh. Trong khi thực tế không phải như vậy, cần phải biết cách ngâm, biết cách sao tẩm cây, rễ đó trước khi ngâm với rượu thì mới có kết quả, chưa nói có loại nếu không biết cách ngâm, đường dùng còn có thể gây độc. Lương y Lê Văn Cảnh (Hội Đông y TP. Sài Gòn) đưa ví dụ: “Chẳng hạn, cây dâm dương hoắc có công dụng bổ dương, hỗ trợ chuyện sinh lý, nhưng nếu không biết sao tẩm, sơ chế, phối hợp dâm hương hoắc với nguyên liệu nào nữa, mà cứ để vậy đem ngâm thì uống cả bình rượu ngâm này cũng chẳng bổ dương đâu!”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.