Hôm nay,  

Nhận Định: Vai Trò Ngoại Vận Của Cđnvhn Trong Cục Diện Đấu Tranh Hiện Nay

27/04/200200:00:00(Xem: 4777)
LTS: Bác sĩ Nguyễn Đỗ Thanh Phong là một trong số những nhà trí thức Việt Nam trẻ tuổi thường xuyên xuất hiện trong các sinh hoạt của cộng đồng người Việt tự do, đồng thời cũng là người luôn luôn ưu tư về tương lai phát triển của cộng đồng cùng viễn ảnh tự do dân chủ tại Việt Nam. Bài viết sau đây của anh, sẽ cho qúy độc giả thấy được những suy tư vừa mới lạ, táo bạo, vừa có tính tiếp nối truyền thống của một người trí thức Việt Nam trẻ tuổi đối với vai trò ngoại vận của cộng đồng người Việt hải ngoại trong cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ cho VN.

Trong thời gian gần đây, các Cộng Đồng Người Việt tại Hải Ngoại đã có những nỗ lực đáng kể trên phương diện vận động hậu thuẫn quốc tế góp phần tạo áp lực lên chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Những nỗ lực này tuy đã tạo được một số thành quả, nhưng vẫn cần phải được quan tâm và đầu tư thêm để đáp ứng với những thay đổi tình hình trong cũng như ngoài nước hiện nay.

Sau những biến chuyển của Đông Âu và Liên Xô đưa đến sự chấm dứt của khối Cộng Sản tại đây đã làm cho Cộng Sản Việt Nam bất chợt mất chỗ dựa. Do đó chính quyền Cộng Sản Việt Nam đành phải thay đổi chính sách mở cửa để mong nhận được sự hỗ trợ của các quốc gia phương Tây nhằm cứu vãn một nền kinh tế và cơ cấu chính trị đang trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng. Những biến cố chính trị quan trọng trong vài năm gần đây như sự sụp đổ của chính quyền độc tài Suharto ở Nam Dương, việc quốc tế ra mặt hỗ trợ cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, Bà Aung San Suu Kyi và chúng ta trong cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Tây Tạng, Miến Điện và Việt Nam, đã nói lên xu hướng chung của Cộng Đồng Quốc Tế là ủng hộ cho các phong trào đấu tranh quần chúng đòi tự do, dân chủ và nhân quyền. Tại Úc, điển hình là sự kiện tham chiến tại Đông Timor. Chính quyền Úc Đại Lợi mặc dù đã bị nhiều áp lực từ chính quyền Nam Dương, nhưng đã chọn giải pháp trực tiếp can thiệp để hỗ trợ nhân dân Đông Timor giành được nền độc lập, thoát khỏi sự thống trị độc tài. Đây là một việc làm mà cả thế giới đã tuyên dương xem như là một việc làm chính nghĩa.

Sự kiện ngày 11 tháng 9 tại Nữu Ước đã làm thay đổi hoàn toàn cái nhìn và cục diện thế giới. Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong đó có Úc Đại Lợi còn tỏ ra cứng rắn hơn trong quan điểm đấu tranh tiêu diệt các nhóm độc tài, khủng bố có nguy cơ đe dọa nền hòa bình của thế giới. Trong bài diễn văn Liên Bang trước Quốc Hội ngày 29 tháng giêng năm 2002, Tổng Thống G.W Bush đã nhấn mạnh cuộc chiến "chống khủng bố chỉ mới bắt đầu", ông đã đăc biệt lưu ý ba quốc gia Iran, Iraq và Bắc Hàn xem như là mối nguy hiểm hiện nay. Việt Nam mặc dù chưa được nêu tên, nhưng với những thành tích đàn áp tôn giáo và khủng bố những đồng bào thượng du gần đây đã làm cho Cộng Đồng Thế Giới ngày càng chú ý.

Bối Cảnh Cộng Đồng Người Việt Tại Hải Ngoại

Cộng Đồng Người Việt tại Hải Ngoại sau thời gian ngót 27 năm định cư tương đối khá ổn định và hòa nhập vào cuộc sống của các nước thứ hai, về phương diện kinh tế lẫn cơ chế chính trị. Riêng về cơ cấu cộng đồng thì phần lớn khá trưởng thành và có quy củ nên đã hỗ trợ cho các sinh hoạt đấu tranh rất tích cực và đa diện. Thêm vào đó, cộng đồng người Việt hải ngoại còn được hưởng thêm một lực lượng tiềm năng dồi dào nhưng vẫn chưa được khai dụng đúng mức, đó là đội ngũ giới trẻ. Lực lượng giới trẻ này được đào tạo và trang bị đầy đủ về cả hai phương diện: ý thức tự do, dân chủ và kiến năng kỹ thuật thuộc đủ mọi ngành nghề để sẵn sàng tiếp ứng. Đây là nguồn tài lực phong phú mà cộng đồng người Việt tại hải ngoại phải có trách nhiệm tạo mọi cơ hội phát triển. Tuy nhiên, khối tiềm năng trên vì trưởng thành tại hải ngoại lại có ít nhiều suy tư và tâm thức chính trị khác với thế hệ tỵ nạn đầu tiên nên cần phải có những ý niệm đề cao tinh thần dân tộc linh động để phù hợp vận dụng.

Trong những ưu điểm đó, một vài điểm tiêu cực vẫn còn hiện diện trong các cộng đồng người Việt hải ngoại mà trong thời gian qua đã có một số tổ chức, cá nhân kêu gọi cải tổ nhưng dường như sự thay đổi đang vẫn còn cần chuyển mình thêm cho rõ nét, như:

* Nhìn chung, toàn thể Cộng Đồng Hải Ngoại có một tinh thần chống Cộng (chống độc tài) cao độ và nhất quán. Điều này đã khiến cho Việt Cộng liên tục thất bại trong các kế hoạch xâm nhập và bình thường hóa sự hiện diện của chúng trong Cộng Đồng. Tuy nhiên, trong đó vẫn còn có một số những đố kỵ giữa những tổ chức, cá nhân mà đôi khi làm tản lực đấu tranh và tạo một vài ấn tượng không đẹp làm mất niềm tin nơi đồng bào, Cộng Đồng ngoại quốc địa phương và nản lòng giới trẻ.

* Trong thời gian qua, các Tổ Chức đấu tranh và Cộng Đồng Hải Ngoại đã phản ứng khá nhanh lẹ với những biến cố quan trọng xảy ra trong nước và đã kịp thời khai thác bởi các cuộc vận động chính quyền ngoại quốc, gửi kháng thư yêu cầu các quốc gia, Liên Hiệp Quốc can thiệp (ngoài những cuộc xuống đường biểu tình, tuyệt thực phản đối...) nhưng, nói chung những nổ lực này vẫn chưa đồng nhất mà còn tính cách bộc phát riêng lẻ, tùy thuộc vào mỗi tổ chức và địa phương.

* Thêm vào đó, với tổng dân số hơn 3 triệu người Việt định cư tại Hải Ngoại mà phần lớn tại các quốc gia có sự ảnh hưởng khá mạnh trên chính phủ Cộng Sản Việt Nam, về cả hai phương diện ngoại giao lẫn kinh tế. Nhưng tỷ lệ người Việt tham gia vào chính trường và cơ chế người bản xứ thì còn quá ít ỏi để có thể tạo những ảnh hưởng quan trọng trên các chính sách tại các quốc gia này.

* So với các Cộng Đồng như Do Thái và Trung Hoa, thì Cộng Đồng Việt Nam vẫn chưa tạo được một nguồn tài lực đủ mạnh và hợp nhất để có đủ yếu tố thuyết phục trên phương diện quan hệ và ngoại giao, mặc dù số lượng thương gia Việt Nam thành công tại Hải Ngoại không phải là ít và tỷ lệ chuyên gia trong mọi ngành nghề khá cao. Đây là một khía cạnh mà tất cả các quý vị lãnh đạo trong Cộng Đồng cần phải quan tâm.

Bối Cảnh Tình Hình Trong Nước

* Tôn Giáo: Phải nói rằng năm 2001 là năm cao điểm của phong trào đấu tranh đòi hỏi Tự Do Tôn Giáo. Kể từ tháng 11/2000, Linh Mục Tadeo Nguyễn Văn Lý và giáo dân Giáo Xứ Nguyệt Biều đã nhóm ngọn lửa quật cường trực diện với chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Ngọn lửa được khởi đầu bằng những bản biểu ngữ đơn giản như "Chúng Tôi Cần Tự Do Tôn Giáo" và "Tự Do Tôn Giáo Hay Là Chết" không những được treo tại khuôn viên giáo xứ Nguyệt Biều, mà còn được loan tải khắp nơi trên thế giới. Những bản biểu ngữ này đã thể hiện tinh thần đấu tranh quyết liệt của Cha Lý và giáo dân Nguyệt Biều. Thêm vào đó, Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bước sang khúc quanh mới của trận chiến đấu tranh cho tự do tôn giáo. Ngài đã viết thư yêu cầu trả tự do cho Hòa Thượng Thích Huyền Quang và sau đó chính thức thông báo cùng chính quyền Cộng Sản Việt Nam rằng Giáo Hội sẽ tổ chức nhiều phái đoàn đi đón Hòa Thượng Thích Huyền Quang về Sài Gòn chữa bịnh vào ngày 7/6/01. Việc Hòa Thượng thẳng thắng thông báo cùng chính quyền Hà Nội và rộng rãi đến quần chúng là để muốn cảnh cáo chính quyền và cho dân chúng nhận thấy được sự cứng rắn, bất phục tùng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Chính quyền Cộng Sản Việt Nam sau đó đã sợ hãi bố trí công an dùng mọi thủ đoạn hù dọa và đàn áp các Thầy, Sư Cô không cho các vị này ra Quảng Ngãi. Ngoài ra, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài và các Mục Sư Tin Lành ở những miền Thượng Du cũng đã tổ chức những cuộc biểu tình liên tục, không kém phần quyết liệt.

Tại Hải Ngoại, các Cộng Đồng Người Việt đã phản ứng nhanh chóng, một phần thông tin những tin tức trên cùng những hình ảnh đấu tranh vào trong nước cho các đồng bào tại Quốc Nội bị bưng bít thông tin rõ, một mặt nỗ lực vận động dư luận Quốc Tế chú tâm đến hiện trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam. Kết quả đã đạt được thật khích lệ, cảc Dân Biểu tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Pháp, Đức, Na Uy... đã đồng loạt cùng nhau lên tiếng phản đối các vụ đàn áp này. Nhưng đặc biệt có hai sự kiện xảy ra trong năm qua là:

(1) Ủy Hội Hoa Kỳ đặc trách Tự Do Tôn Giáo đã mời Cha Lý tham dự cuộc điều trần tại Hoa Thịnh Đốn ngày 13/2/2001. Trong dịp này vì chính quyền Cộng Sản không cho Ngài đi, nên Ngài đã gửi Lời Chứng và đã tạo được tiếng vang đáng kể.

(2) Một Dân Biểu Na Uy, ông Lars Rise đã về Việt Nam và đã tìm cách vượt qua vòng kiểm soát của công an để vào thăm và đàm đạo cùng Cha Lý tại An Truyền ngày 9/4/2001. Chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã phản ứng bằng cách bắt giữ và trục xuất phái đoàn ngay sau đó. Điều này càng làm cho thế giới thấy rõ hơn tính cách tàn bạo và tâm ý che giấu của Cộng Sản Việt Nam.

Điểm đáng mừng trong năm qua là mặt trận tôn giáo đã biến chuyển sang một trận thế mới với việc ra đời của Hội Đồng Liên Tôn Đoàn Kết nhân dịp tuần lễ trai đàn Chẩn Tế 8-14/12 tại chùa Từ Hiếu. Sự kiện này nói lên thế liên kết của các tôn giáo, đồng tâm đấu tranh đòi hỏi tự do, dân chủ. Sự hình thành của Hội Đồng đã tạo được nhiều phấn khởi trong Cộng Đồng Người Việt tại hải ngoại cũng như gây những khó khăn cho chính quyền CSVN. Phản ứng gian trá của Hà Nội càng hiện rõ khi chính quyền dùng vũ lực bắt cha Lý vào ngày 17/5/2001 tại An Truyền và sau đó tuyên án cha 15 năm tù và 5 năm tù giam tại gia, một tháng sau cuộc khủng bố 11/9/01. Hà Nội đã làm một việc có tính toán trên với hy vọng hòng tránh được dư luận của thế giới. Tuy nhiên việc làm này càng làm cho đồng bào trong và ngoài nườc tỏ ra căm phẫn. Sự nhượng bộ của chính quyền CSVN gần đây với việc Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng và Giáo Phận Hà Hội gửi thư đòi đất lại càng cho thấy cán cân tôn giáo ngày một nặng ký. Phong trào đấu tranh tôn giáo sẽ vẫn còn tiếp diễn, do đó Cộng Đồng Hải Ngoại cần phải tiếp tục nỗ lực và sắc bén phối hợp tiếp ứng.

* Hiệp Ước Bán Nước Việt - Hoa: Đây là một sai lầm nghiêm trọng của Tập Đoàn Lãnh Đạo Cộng Sản Hà Nội. Từ ngàn xưa, chúng ta đã được dỗ dạy ở các môn Địa Lý tại các lớp tiểu học rằng: "Đất nước Việt Nam có đường cong hình chữ S, chạy dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau" nhưng kể từ ngày 30/12/1999 tập đoàn lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã ký "Hiệp Ước về Biên Giới Trên Đất Liền" nhượng bộ cho Trung Quốc gần 750 km2 dọc theo biên giới thuộc hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Ải Nam Quan nay đã nằm sâu trong lảnh thổ Trung Quốc gần 5 cây số. Ngoài ra, thác Bản Giốc một danh lam thắng cảnh của Việt Nam thuộc tỉnh Cao Bằng nay cũng thuộc về Trung Quốc. Thêm vào đó, dường như việc ký kết nhượng đất ở trên chưa đủ, Trần Đức Lương, chủ tịch nhà nước CSVN đã sang Trung Quốc ngày 25/12/2000 ký nhượng thêm bản "Hiệp Ước Phân Định Vịnh Bắc Bộ" chấp nhận đường hải phận mới do Trung Quốc vẽ và ký kết hợp tác nghề cá. Thật phải nói, trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, ngoài họ Mạc và Lê Chiêu Thống dâng nước và "cổng rắn cắn gà nhà" ra, thì nhóm người lãnh đạo CSVN hiện nay của thế kỷ 21 lại cũng học mòi cái tội bán nước. Nhưng có lẽ điều nhục nhã hơn hai vị họ Mạc và Lê trong quá khứ, là tập đoàn lãnh đạo CSVN đã dâng một phần đất tổ trong hoan hỉ, vui mừng và hãnh diện!!

Việc làm nói trên của chính quyền CSVN đã làm cho toàn thể dân Việt trong cũng như ngoài nước nổi giận, ngay cả một số thành phần Đảng viên tướng tá hồi hưu trong nước cũng nổi lên chống đối. Ông Trần Khuê, một học giả trong nước đã viết thư gửi Ông Giang Trạch Dân, Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch nước Trung Hoa nhân cuộc viếng thăm VN ngày 27/2/02, trong đó có đoạn như sau: "....theo truyền thống văn hóa Việt Nam thì việc cắt đất nhượng cho ngoại bang dù chỉ cho một cây số vuông cũng là trọng tội, chứ đâu phải tới hàng trăm hay hàng ngàn cây số..."

Các Cộng Đồng Người Việt tại Hải Ngoại đã phối hợp cùng các tiếng nói trong nước trong thời gian qua thay phiên nhau lên tiếng, với những Thỉnh Nguyện Thư gửi cho Liên Hiệp Quốc kêu gọi bạch hóa hai Hiệp Ước, những lá thư gửi cho tòa Đại Sứ Trung Cộng nhân dịp Giang Trạch Dân đang công du tại Việt Nam phản đối và phủ nhận các bản Hiệp Ước ở trên. Và gần đây nhất là Bản Tuyên Cáo của Hội Nghị Liên Kết Người Việt Tự Do viết ngày 1/3/2002 kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước ký tên khẳng định hành động phản quốc và không công nhận hai bản Hiệp Ước do nhóm lãnh đạo Đảng CSVN ký kết. Ngay cả Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang trong thông điệp chúc Tết Xuân Nhâm Ngọ 2002 vừa qua cũng đã nhắn gởi cùng nhân dân VN rằng: "Quê hương của tổ tiên Việt Nam sẽ không còn là quê hương nếu con cháu đem bán cho ngoại bang."

Việc CSVN bán nước sẽ cần phải được tiếp tục quan tâm theo dõi và có những hành động thích đáng để cứu giang san của tổ quốc. Đây không những là vai trò của các BCH Cộng Đồng, Tổ Chức, Hội Đoàn, Đoàn thể mà còn là trách nhiệm của mỗi người tự gọi mình là người Việt Nam.

* Đàn áp giới trí thức, chuyên gia, nhà báo, thành phần ly khai trong nước: Vào sáng ngày 21/2/2002 Luật Sư Lê Chí Quang, một luật sư trẻ 32 tuổi đã bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt giữ. Anh là người đầu tiên nêu ra việc CSVN nhượng đất đai cho Trung Quốc vào tháng 7/2001. Điểm đáng buồn cười là khi công an được người nhà của Luật Sư Lê Chí Quang chất vấn ông bị bắt vì tội gì, thì bọn công an trả lời rằng "ông bị bắt vì tội liên lạc với người nước ngoài qua đường Internet". Trong khi đó thì vừa qua nhà cầm quyền cũng đã dùng nghị định 31/CP quản chế ông Trần Khuê và nhà thơ Bùi Minh Quốc. Ở trên chỉ là một vài dẫn chứng cụ thể, các nhân vật khác như Ông Trần Độ, Nguyễn Hộ, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, BS Nguyễn Đan Quế, Phạm Quế Dương, Đỗ Việt Sơn.... cũng đang lâm vào tình trạng bị đàn áp và trù dập.

Năm 1998, sự kiện Hà Nội bị áp lực phải trả tự do cho một số lớn các tù nhân chính trị đã nói lên sự thành công của những chiến dịch vận động phối hợp rộng lớn cưa các tổ chức và cộng đồng người Việt hải ngoại. Lãnh vực vận động hỗ trợ đảm bảo tiếng nói tự do dân chủ của các thành phần này cũng phải cần quan tâm và nỗ lực thêm.

Vai Trò Ngoại Vận của Cộng Đồng Người Việt tại Hải Ngoại

1. Dựa vào những biến chuyển trên, cộng đồng người Việt tại hải ngoại nói chung cần phải thường xuyên nghiên cứu và tìm hiểu đặc tính của môi trường, cũng như những sự kiện xảy ra thường nhật trong cũng như ngoài nước, chính trị cũng như nhân quyền, tôn giáo, truyền thông, báo chí để nắm bắt được tình hình chính xác và phản ứng kịp thời khi cần thiết.

2. Sức mạnh đấu tranh tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng điều không thể chối bỏ được là yếu tố "liên kết" đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Sự phản ứng và hình thức hành động khác nhau của các Tổ Chức, Cộng Đồng, đồng bào người Việt và ngay cả những Tổ Chức và người ngoại quốc tại mỗi địa phương là điều hiển nhiên và dễ hiểu. Tuy nhiên, sợi dây liên kết luôn cần phải được nung đúc. Việc phối hợp hoạt động trong tinh thần tương kính cùng các Tổ Chức, Cộng Đồng hoặc Hội Nghị Liên Kết Người Việt Tự Do là việc nên làm vì mục đích chung.

3. Khi nói đến ngoại vận thì phải được hiểu rằng nó bao gồm cả quốc tế vận và truyền thông vận, tức ngoài việc vận động các nhân vật trong chính quyền, các chính khách... chúng ta cũng đừng quên đến các người dân và giới truyền thông, báo chí ngoại quốc bản xứ để tranh thủ sự thông cảm và kêu gọi sự hỗ trợ của họ. Sự trợ lực của họ ngoài việc đạt được mục đích thông tin của ta, cũng sẽ gián tiếp giúp phần vận động chính quyền địa phương lên tiếng.

4. Các vận động áp lực quốc tế lên chính quyền Cộng Sản Việt Nam qua các lãnh vực Nhân Quyền, Tôn Giáo, Tự Do Báo Chí, Kinh Tế và Dân Sinh cần phải được nỗ lực và đồng nhất hơn nữa. Trong tuần qua, cuộc vận động Dự Luật "Nhân Quyền Cho Việt Nam" để thông qua Thượng Viện do Ủy Ban Vận Động Chính Trị Người Mỹ Gốc Việt cùng một số Cộng Đồng, Hội Đoàn đã diễn ra thật thành công tại Hoa Thịnh Đốn. Sức mạnh lá phiếu cần phải được khai thác và tận dụng hơn nữa. Đây là một trong những trao đổi khá hữu hiệu.

5. Về phương diện VC bán nước, cộng đồng người Việt hải ngoại trong mọi phương tiện sẵn có phải khéo léo lên tiếng cùng Liên Hiệp Quốc, các Tòa Đại Sứ Trung Cộng và Cộng Đồng Thế Giới nói chung về sự phủ nhận giá trị và kêu gọi không công nhận hai bản Hiệp Ước này. Việc này cần được phối hợp chặt chẽ cùng những đồng bào trong nước để tạo sức mạnh tấn công Việt Cộng.

6. Trong thời gian gần đây, đồng bào Người Thượng đã bị chính quyền Cộng Sản Việt Nam đàn áp tàn nhẫn và đã khiến chính phủ Hoa Kỳ và Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc can thiệp. Hiện nay đã có hơn ngàn người đang tị nạn tại Cam Bốt. Mặc dù chương trình tự nguyện hồi hương đã được áp dụng, nhưng số người vượt biên tị nạn vẫn còn tiếp diễn do sự đàn áp dã man của bộ đội Việt Cộng. Theo tin tức từ Hà Nội, thì chính quyền đã gừi nhiều ngàn bộ đội đến các vùng Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam để kiểm soát và ngăn cản các người Thượng vượt biên. Các Cơ Quan Nhân Quyền như Human Right Watch và chính phủ Hoa Kỳ đang theo dõi cặn kẽ. Chúng ta cần thường xuyên thông tin và tiếp tục vận động cho các đồng bào này được cơ chế tị nạn và tố cáo những đàn áp nhân quyền của chính quyền Cộng Sản VN.

7. Vấn đề Viện Trợ và Nhân Quyền qua các ngả chính phủ hoặc NGO ( Non - Government Organisation ) cũng là một vấn đề cộng đồng hải ngoại cần chú ý, vì đây là một phần nguồn lợi tức "ăn chận" và nuôi sống những thành phần chóp bu CSVN hiện nay. Tham vọng giữ vững quyền lực của Đảng Cộng Sản VN một phần cũng vì những đồng tiền viện trợ của quốc tế, với mục đích giúp đỡ cho đồng bào của chúng ta. Cộng đồng người Việt hải ngoại tại các địa phương cần phải điều nghiên và vận động sao cho những quỹ viện trợ này khi dùng sẽ đến tay người dân và hỗ trợ cho mục đích nhân quyền.

8. Như đã trình bày ở trên, việc các thành viên người Việt có lòng phục vụ chân chính tham gia vào các chính trường địa phương sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Cộng Đồng VN tại hải ngoại nói riêng, và công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ nói chung. Do đó, cộng đồng người Việt tại hải ngoại phải có trách nhiệm khuyến khích, đào tạo và tạo mọi cơ hội để các thành viên có thể tham gia sinh hoạt chính trị dòng chính.

9. Vấn đề vận động các chính trị gia hoặc các ký giả ngoại quốc về VN để thăm những người đấu tranh trong nước như HT Thích Quảng Độ, LM Nguyễn Văn Lý, Cụ Lê Quang Liêm, GS Nguyễn Thanh Giang... và tìm hiểu thực trạng đàn áp tôn giáo, nhân quyền tại VN là điều nên và cần làm. Những cuộc thăm viếng này chẳng những giúp những người ngoại quốc hiểu rõ hơn về tình hình VN, mà còn giúp phần hỗ trợ tinh thần cho các nhân vật đấu tranh, bảo vệ họ và có thể tạo thêm áp lực lên chính quyền CSVN.

10. Cuối cùng vai trò ngoại vận của cộng đồng người Việt hải ngoại không chỉ để đáp ứng cho tình hình hiện tại, mà nó còn có vai trò đóng góp lâu dài. Việc lật đổ chế độ độc tài Cộng Sản không thôi chưa đủ, mà nhu cầu canh tân đất nước cũng phải cần tất cả con dân Việt Nam đầu tư suy nghĩ. Do vậy, mọi công tác hoặc mục tiêu mong đạt cần phải đáp ứng được hai mục đích trên và quan trọng hơn hết là làm sao kết quả vận dụng hiện tại không làm cản trở cho việc canh tân đất nước sau này.

Kết Luận

Chỉ còn khồng đầy 1 tháng nữa là đến ngày tưởng niệm đánh dấu toàn thể quê hương Việt Nam chịu ách cai trị độc tài của nhóm người Cộng Sản. Tiếc lắm thay, vận nước vẫn còn nổi trôi, chưa hết cái họa áp bức thì lại đến cái họa mất nước. Thật không có cái nhục nào bằng cái nhục phải bán đất của tiền nhân. Đây là giai đoạn đen tối của lịch sử thử thách mỗi người con dân Việt Nam, dù ở phương trời nào cũng phải cùng chung vai gánh vác. Cuộc chiến sẽ còn dài và trận thế sẽ còn nhiều cam go. Ngoại vận tuy chỉ là một phần của chính sách đối lực với Việt Cộng, nhưng nó sẽ góp phần quan trọng nếu chúng ta biết khai dụng đúng mức. Do đó, vai trò ngoại vận của cộng đồng người Việt tại hải ngoại cần phải được điều nghiên, trau dồi và kiện toàn để sẵn sàng ứng phó. Thêm vào đó, ngoại vận nếu muốn phát triển mạnh cần phải được phối hợp thật chặt chẽ với nội vận để cùng hỗ tương tiếp ứng. Hy vọng rằng, với những tiềm năng sẵn có và sự sắc bén linh động, cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ tiếp tục đóng góp thêm nữa cho công cuộc đấu tranh giải phóng Việt Nam và giành lại được những mảnh đất tổ tiên, mà các bậc tiền nhân đã bỏ không biết bao nhiêu xương máu ra gìn giữ. Hy vọng rằng ngày đại thắng ấy sẽ không còn xa!

Sydney, 3/4/02.
BS Nguyễn Đỗ Thanh Phong

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.