Hôm nay,  

Sài Gòn: Chơi Đồ Gốm Nhật Cũng Lắm Công Phu

07/09/201400:00:00(Xem: 7242)
SAIGON -- Gốm Nhật Bản từng bị xem là chỉ dành cho giới nhà giàu vì mức giá ngất ngưỡng. Nhưng khoảng một năm trở lại đây, người Sài Gòn đã dần quen thuộc với thú chơi này ở mức giá bình dân, theo Tuổi Trẻ (TTO).

Trong giới sưu tầm gốm Nhật, thường rỉ tai nhau là những địa chỉ rất đông khách, như: tiệm Lạc Xoong, quận 1 (19B Cao Bá Nhạ, Q.1), tiệm Nhà Có Hai Người cũng ở quận 1 (hẻm 214 Nguyễn Văn Nguyễn, phường Tân Định, Q.1), tiệm gốm Seii Chi (số 179 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3), hàng gốm Tùng Phương gần chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)….

Dù đông khách nhưng chẳng thấy ai hối hả, tất bật vì chơi gốm Nhật vốn được xem là một thú vui thanh tao, ai nấy đều có vẻ ung dung trước số hàng gốm rất phong phú kiểu dáng, kích cỡ. Như ở tiệm Lạc Xoong, các loại chén đĩa được phân loại theo từng set (bộ) với đủ hoa văn, kiểu dáng, các loại men tuyết, men rạn... trông hệt như tranh vẽ phương Đông. Từ tách trà đến cái tô, đĩa đựng sushi và cả các lọ đựng gia vị, tất cả đều được chọn lựa, trưng bày khéo léo, khiến người xem hàng mê mẩn như lạc vào một phòng tranh đầy sắc màu. Giá cả rất “mềm”, từ 30,000-100,000 đồng tùy sản phẩm, nên chỉ chừng trong một ngày 90% sản phẩm đã hết sạch.

blank
Gồm Nhật phong phú kiểu dáng và kích cỡ.

Bên cạnh mức giá bình dân, không gian bán hàng cũng là yếu tố thu hút người mua. Ví dụ tiệm gốm Trước Nhà nằm trong một căn gác nhỏ ngay trung tâm Sài Gòn (số 57 Nguyễn Du. Q.1), hàng hóa được bày trên kệ gỗ dài, nổi bật hẳn trong ánh đèn vàng ấm cúng. Khách hàng vừa mua vừa thưởng thức những bài hát tiếng Nhật vang lên nhẹ nhàng, trầm ấm từ chiếc máy đĩa than, ngoài hiên là một khoảnh vườn xinh xắn thiết kế kiểu Nhật.

TTO ghi nhận tùy theo chất lượng men, màu sắc, kiểu dáng và cả tên tuổi người vẽ gốm, gốm Nhật được phân ra nhiều mức khác nhau. Tại Việt Nam, dòng gốm đang ồ ạt đổ về chủ yếu ở phân khúc trung cấp. Ngoài ra, còn có nhóm hàng second hand (đã dùng qua) hoặc hàng tồn kho của các hãng gốm sứ được đưa từ Nhật ra nước ngoài thanh lý.

Điều này lý giải mức giá rất dễ chịu của các mặt hàng này và ngày càng có nhiều cửa hàng xuất hiện, trong khi số người bán hiểu và thẩm định được chất lượng gốm không nhiều.

Bà chủ cửa hàng gốm Tùng Phương gần chợ Bà Chiểu, thừa nhận: “Được bạn bè giới thiệu thì tôi lấy hàng về bán, mua theo ký chứ không phải theo sản phẩm nên thượng vàng hạ cám đủ cả. Giá cả mình tự ước chừng, nhiều khi còn không biết cái nào là hàng hiệu, hàng xịn. Có người chuyên sưu tập vào mua rồi nói lại tôi mới biết!”.

blank
Gồm Nhật phong phú kiểu dáng và kích cỡ.

Về phía khác hàng, các bà nội trợ thường chuộng mua sản phẩm theo cả bộ cho gia đình. Người độc thân thì chọn “hàng độc”, chủ yếu mua về bày biện phục vụ sở thích nấu nướng hoặc làm quà tặng. Người sành chơi gốm Nhật luôn ưu ái đặc biệt các dòng gốm “hàng hiệu” như Arita, Noritake, Double Phoenix và Hoya, hoặc chơi theo chủ đề như hoa anh đào, mai - lan - cúc - trúc, xuân - hạ - thu - đông... Đặc biệt như chị Minh Hương có sở thích sưu tầm đồ gác đũa, có lần chi đến 2 triệu đồng mua 50 bộ gác đũa kiểu Nhật ở đợt hàng mới về.

Chị Lan Thanh, họa sĩ và là người sưu tập gốm, cho biết: “Một cái đĩa hàng Noritake tìm mua trên mạng rồi gửi về Việt Nam giá rẻ nhất cũng phải 500,000-600,000 đồng. Nếu chịu khó tìm kiếm ở các cửa hàng, có khi tìm được đĩa tương tự với giá rẻ hơn phân nửa”.

Không chỉ phụ nữ mới chuộng gốm Nhật. Quý ông đến các tiệm gốm thường chủ yếu tìm mua bộ ly uống trà, chung rượu, bình rượu sakê, tách uống cà phê...

Đi tìm mua loại đĩa to đặt trên giá để trang trí trong phòng khách, ông Vĩnh Hải, 50 tuổi, tỏ ra rất sành sỏi: “Phải xem xét kỹ lắm vì có loại mẫu do Nhật thiết kế nhưng lại làm ở Trung Quốc, không phải Nhật 100%”.

Còn ông Lê Minh Hùng, 50 tuổi, có thú chơi khá độc đáo với gốm sứ: “Tôi đang tự chế mấy loại đèn trang trí ở nhà, dùng gốm sứ nhấn nhá cho đẹp. Tôi chọn nhiều loại gốm, từ Bát Tràng tới Bình Dương, gốm Trung Quốc nữa, nhưng chủ yếu là gốm Nhật vì loại này hình dạng nhỏ nhắn, chi tiết tinh tế, dễ ráp vô đèn”.

Theo TTO, không riêng gì các cửa hàng gốm Nhật, các lớp học dạy cách làm gốm cũng “ăn nên làm ra”. Như lớp học gốm Over Land nằm khuất sâu trong con hẻm đường Huỳnh Khương Ninh (Q.1) luôn chật kín người. Đa số người đến học chỉ một lần để làm sản phẩm tặng bạn bè, người thân, nhưng cũng có người đăng ký hẳn các khóa học bài bản, chuyên sâu vì rất mê gốm. Chi phí học từ 60,000-70,000 đồng/buổi, thêm phí nung và tráng men khoảng 150,000-300,000 đồng/sản phẩm tùy kích cỡ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.