Hôm nay,  

Lữ Đoàn 468 Tqlc Cọp Biển: Trận Cuối Cùng 1975

04/02/200000:00:00(Xem: 19635)
* Tiến trình thành lập Lữ đoàn 468 TQLC:
Trong loạt bài viết về chiến tích các đơn vị Thủy quân Lục chiến trong các cuộc hành quân trên bốn Vùng chiến thuật trong thời gian từ Mậu Thân 1968 đến Mùa Hè 1972, chúng tôi đã lần lượt giới thiệu Lữ đoàn 147, 258 và 369 TQLC. Đây là ba lữ đoàn được thành lập sau khi lực lượng Cọp Biển được nâng lên thành Sư đoàn.

Đầu năm 1975, thực hiện kế hoạch tăng cường lực lượng tổng trừ bị của bộ Tổng Tham Mưu QL.VNCH, Sư đoàn Thủy quân Lục chiến (TQLC) VNCH đã tiến hành thành lập Lữ đoàn 468, và các Tiểu đoàn 14, 16, 18 TQLC. Trước khi thành lập các đơn vị trên, từ những tháng cuối năm 1974, mỗi tiểu đoàn TQLC tác chiến thành lập thêm một đại đội thứ 5. Đặc điểm của đại đội này là sĩ quan, hạ sĩ quan cán bộ là thành phần được tuyển chọn tương đối xuất sắc, nhiều kinh nghiệm chiến trường, binh sĩ rút từ các đại đội nhập lại, vũ khí, quân trang, quân dụng đầy đủ. Sau khi thành lập, các đại đội tân lập này được tiếp tục huấn luyện tại chỗ và làm thành phần trừ bị cho tiểu đoàn.

Đến đầu tháng 1/1975, kế hoạch thành lập Lữ đoàn 468 và ba tiểu đoàn TQLC tân lập được khởi sự thực hiện, bộ Tư lện Sư đoàn TQLC đã bổ nhiệm các sĩ quan sau đây vào các chức vụ chỉ huy:
- Đại tá Ngô Văn Định, nguyên lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 258 TQLC giữ chức vụ lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 468 TQLC.
- Trung tá Nguyễn Văn Cảnh, cựu tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 TQLC, giữ chức tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 14 TQLC. Bốn đại đội chiến đấu của tiểu đoàn này được rút từ đại đội chiến đấu thứ 5 của các tiểu đoàn 1, 2, 3 và 6 TQLC.
- Thiếu tá Đinh Xuân Lãm, cựu tiểu đoàn trưởng TĐ 5 TQLC giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 16 TQLC. Các đại đội tác chiến được rút từ đại đội tác chiến thứ 5 của các Tiểu đoàn 5,7, 8 và 9 TQLC.
- Thiếu tá Trần Ngọc Toàn, cựu tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 TQLC, trách nhiệm thành lập Tiểu đoàn 18 TQLC. (Tiểu đoàn này chưa kịp hình thành trọn vẹn thì xảy ra biến cố 30-4).
- Đại úy Nguyễn Văn Vinh: pháo đội trưởng Pháo đội H/105 ly.
Tại vùng hành quân của Sư đoàn TQLC tại Quảng Trị và Huế, Lữ đoàn 468 TQLC đã hình thành bộ chỉ huy Lữ đoàn, Tiểu đoàn 14, Tiểu đoàn 16 TQLC, Pháo đội H. Sau đó toàn bộ Lữ đoàn được chuyển vận bằng phi cơ và tàu Hải quân về tiếp nhận hậu cứ tại căn cứ Sóng Thần (Thủ Đức). Tại hậu cứ, các đơn vị tiếp tục nhận quân trang dụng còn lại theo đúng bảng cấp số, và tổ chức huấn luyện tại chỗ cho quân sĩ.

* Lữ đoàn 468 TQLC xuất quân:
Tháng 2/1975, theo lệnh của Bộ Tổng Tham mưu QL.VNCH, Lữ đoàn 468 TQLC với các Tiểu đoàn 14 và 16 cùng với pháo đội C được tăng phái cho Tiểu khu Long An. Sau vài ngày trấn giữ khu vực phi trường thị xã tỉnh lỵ, Lữ đoàn được lệnh mở cuộc hành quân tảo thanh truy kích CQ tại quận Bến Lức để nới rộng vòng đai an ninh tỉnh Long An.

Theo kế hoạch, Lữ đoàn 468 TQLC chia làm hai cánh quân tiến theo 2 trục song song. Tiểu đoàn 14 TQLC tiến bên phải, Tiểu đoàn 16 TQLC tiến bên trái, khoảng cách giữa đội hình 2 tiểu đoàn là 3 km. Bộ chỉ huy Lữ đoàn và pháo đội H đóng tại quận Bến Lức. Cuộc hành quân diễn ra trong 5 ngày, Tiểu đoàn 16 TQLC có vài binh sĩ bị thương, các đơn vị của Lữ đoàn phá hủy nhiều doanh trại cùng với hầm hố và công sự tác chiến của địch.

Sau một tháng tăng phái, Lữ đoàn 468 được lệnh rời khỏi tỉnh lỵ Long An trở về hậu cứ và ngày hôm sau được không vận ra Đà Nẵng để nhập với các đơn vị của Sư đoàn TQLC đang hoạt động tại Quân khu 1.

Theo phân nhiệm của bộ Tư lệnh Sư đoàn TQLC, Lữ đoàn 468 TQC được điều động thay thế Lữ đoàn 1 Nhảy Dù hoạt động ở khu vực đèo Hải Vân. Các đơn vị của Lữ đoàn được phối trí như sau:
Tiểu đoàn 14 TQLC hoạt động cách đèo Hải Vân vài km về phía Nam.
Tiểu đoàn 16 TQLC: Ban chỉ huy Tiểu đoàn và đại đội chỉ huy đóng quân ngay trên trên đỉnh đèo, các đại đội chiến đấu án ngữ và chế ngự các cao điểm, khai triển các trung đội trải dài theo Quốc lộ 1 xuống đến chân đèo Hải Vân ở phía Nam.
Tiểu đoàn 18 TQLC đóng quân, lập tuyến án ngữ tuyến phía Bắc đèo Hải Vân.

Ngày 29 tháng 3/1975, Lữ đoàn 468 TQLC được lệnh tập trung tại điểm hẹn Làng Cùi, dưới chân đèo Hải Vân sát bờ biển để tàu Hải quân đến đón. Bộ chỉ huy Lữ đoàn và các Tiểu đoàn 14, 16 và 18 TQLC được lệnh phá hủy tại chỗ các quân trang, quân dụng nặng nề, sau đó toàn bộ lực lượng của Lữ đoàn 468 TQLC lên tàu với quân số gần như 100% trong trật tự và kỷ luật.
Sau hai ngày lênh đênh trên biển, Lữ đoàn 468 TQLC được lệnh đổ quân tại quân cảng Cam Ranh để các đơn vị tái chỉnh trang và chờ lệnh mới. Đóng quân tại Cam Ranh được 1 ngày, toàn bộ Lữ đoàn lại nhận được lệnh lên tàu và được hải vận về Vũng Tàu.

* Lữ đoàn 468 Thủy quân Lục chiến, trận chiến tháng 4/1975:
Tại Vũng Tàu, Lữ đoàn được giao nhiệm vụ phòng thủ và giữ an ninh thị xã, các đơn vị được phối trí dọc theo Bãi Dâu, Bến Đình, liên tỉnh lộ hướng về Bà Rịa, trong thời gian đóng quân, ba tiểu đoàn tiếp tục chỉnh trang.

Ngày 8 tháng 4/1975, Lữ đoàn 468 với Tiểu đoàn 16 TQLC và Tiểu đoàn 8 TQLC từ lữ đoàn khác đến, được lệnh tăng phái cho Quân đoàn 3. Khi đoàn xe di chuyển đến Phước Tuy thì có lệnh dừng lại đợi lệnh mới, sau đó quay về Vũng Tàu. Vài ngày sau, Lữ đoàn lại tăng phái cho Quân đoàn 3. Bộ chỉ huy Lữ đoàn đóng quân tại căn cứ Long Bình, Tiểu đoàn 16 đóng tại Hố Nai và Tiểu đoàn 8 TQLC đóng tại Long Thành. Hai tiểu đoàn có nhiệm vụ: ngăn chận địch quân từ hướng Long Khánh tràn xuống, giữ an ninh ngoại vi cho căn cứ Long Bình và bộ Tư lệnh Quân đoàn 3.

Ngày 22/4/1975, trung tá Nguyễn Đằng Tống được thiếu tướng Bùi Thế Lân-tư lệnh Sư đoàn TQLC-cử giữ chức lữ đoàn trưởng 468 TQLC thay thế đại tá Ngô Văn Định được điều động về chỉ huy Lữ đoàn 147 TQLC. Lữ đoàn này cùng bộ Tư lệnh Sư đoàn TQLC đóng tại Vũng Tàu.
Ngày 28 tháng 4/1975, sau khi Sư đoàn 18 Bộ binh và lực lượng tăng phái rút khỏi Long Khánh, địch quân tiếp tục tiến quân tràn qua Trảng Bom và Long Thành, xâm nhập vào vùng trách nhiệm của Lữ đoàn 448 TQLC. Hai tiểu đoàn 16 và 8 TQLC đã nỗ lực chống trả để chận địch, trận chiến diễn ra rất quyết liệt, đồng thời hướng dẫn Pháo binh tác xạ yểm để ngăn chận mức độ tiến quân của đối phương. Ngày 29 tháng 4/1975, tuyến Long Thành bị bỏ ngõ, CQ tiếp tục tràn xuống phía Nam với hai trục tiến quân chính: một trục dựa theo Quốc lộ 1 tiến về hướng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 và căn cứ Không quân Biên Hòa, một trục dựa theo tỉnh lộ Bà Rịa-Sài Gòn qua căn cứ Long Bình tiến về cầu Xa Lộ.

Trước tình hình này, Tiểu đoàn 16 TQLC quyết định sử dụng giàn súng nặng 106 ly không giật, SKZ 57 ly, súng phóng hỏa tiễn M.72 đặt dọc theo Quốc lộ 1 và đường rầy xe lửa để chận địch. Sáng ngày 29, một phần đi đầu của CQ gồm 5 xe tăng có bộ binh tùng thiết di chuyển trên địa hình trống trải, các Cọp Biển Tiểu đoàn 16 TQLC đồng loạt nổ súng: 2 chiến xa CQ bị bắn cháy, bộ binh địch bị rối loạn hàng ngủ phải tháo chạy về đám ruộng mía.

Tiểu đoàn 16 TQLC báo cáo kết quả về Bộ chỉ huy Lữ đoàn và xin yểm trợ Pháo binh để tiêu diệt địch, hàng loạt đạn pháo hỏa tập vào ruộng mía đã triệt tiêu đơn vị địch tại đây. Cũng cần ghi nhận thêm rằng, lần đầu tiên Tiểu đoàn 16 TQLC được tăng phái loại đại bác 106 ly không giật đặt trên xe Jeep dã chiến, sự thiết trí đặc biệt của loại súng này đã giúp cho toán xạ thủ linh động và ứng phó hữu hiệu trên nhiều địa thế và trong nhiều trường hợp. Khẩu đại bác này đặt dưới quyền chỉ huy của trung úy Đức, đại đội phó đại đội 1/Tiểu đoàn 16 TQLC. Trung úy Đức đã điều động các xạ thủ tác xạ chận địch, cuối cùng anh đã hy sinh tại trận địa sau khi đã chận đứng được cuộc tấn công của địch quân.

Chiều ngày 29/4/1975, bộ chỉ huy Lữ đoàn ra lệnh cho Tiểu đoàn 16 và Tiểu đoàn 8 TQLC rút về căn cứ Long Bình. Đêm 29 rạng ngày 30/4, Lữ đoàn 468 rút về phòng thủ tại cầu Bình Phước (Biên Hòa). Sáng ngày 30/4, Lữ đoàn được lệnh rút về căn cứ Sóng Thần. Đó là những giờ phút của Lữ đoàn 468 TQLC, một lữ đoàn thành lập sau cùng của binh chủng TQLC, dù hoạt động với thời gian ngắn ngủi nhưng các đơn vị thống thuộc và bộ chỉ huy Lữ đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ mà binh chủng và Quân lực VNCH giao phó. (Biên soạn dựa theo bài viết của cựu thiếu tá TQLC Đinh Xuân Lãm-nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 16 TQLC, đặc san Sóng Thần và một số bài viết trong tạp chí KBC).

Kỳ sau: 24 mùa xuân chiến trường của lực lượng Công binh QL.VNCH.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.