Hôm nay,  

Biển Đông: Chiến Lược Đề Nghị

16/08/201400:09:00(Xem: 4773)
Lời người phụ trách: Bài viết này được hoàn tất vào năm 2009 và cập nhật lần đầu vào cuối năm 2012. Cho đến bây giờ, những nhận định căn bản vẫn còn có giá trị. Những biến chuyển chi tiết được cập nhật vào giữa năm 2014 cho phù hợp với tình hình gần đây.

Trong những năm cuối cùng của thập niên 60, HK đã để lộ ý định muốn chấm dứt cuộc chiến VN và quan hệ chiến lược giữa Hoa Kỳ-Liên Sô-Trung Quốc bước vào một ngả rẽ. Liên Sô để rõ ý định muốn bành trướng ảnh hưởng của mình trong vùng Đông Nam Á mà miền Bắc là đồng minh đắc lực nhất. HK bắt đầu chính sách hòa giải tạm thời với TQ để đối đầu với Liên Sô. TQ đã để lộ ý định không muốn thấy một nước VN thống nhất vì dù rằng dưới chế độ nào, một nước VN thống nhất sẽ là chướng ngại vật đầu tiên ngăn cản âm mưu bành trướng xuống phía Nam của mình. Đầu năm 1974, TQ chiếm các đảo trong nhóm Nguyệt Thiềm trong quần đảo Hoàng Sa do Hải Quân VNCH trấn giữ. HK đã làm ngơ trước hành động của TQ.

Sau năm 1975, TQ bắt đầu tăng cường sự hiện diện của mình tại Campuchia. Chỉ trong 4 năm, TQ đã tăng cường số cố vấn quân sự lên đến 20,000 người. VN, với sự giúp đỡ của Liên Sô, đã quyết định đưa quân vào Campuchia lật đổ chế độ Pol Pot dù phải trả một giá rất đắt với sự lên án và chế tài của cộng đồng quốc tế trong gần cả thập niên. Trận chiến biên giới giữa TQ-VN xảy ra sau đó với cao điểm năm 1979 và tiếp tục kéo dài trong những năm kế tiếp trên bình diện nhỏ hơn. Sự rút lui của HK đã để lại một khoảng trống trong vùng Đông Nam Á. Với sự đầu tư ồ ạt của các quốc gia Tây Phương, lợi dụng giá nhân công rẻ mạt, TQ bắt đầu kế hoạch tăng trưởng kinh tế và canh tân quân sự của mình. Năm 1988, TQ chiếm 6 bãi đá ngầm thuộc nhóm đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) phía Tây Trường Sa sau một cuộc giao tranh ngắn ngủi với hải quân Cộng Sản VN. Sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết và việc HK sa lầy trong 2 cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan càng giúp TQ rảnh tay trong chiến lược phát triển và bành trướng về phía Nam của mình. Năm 1995, TQ chiếm bãi đá ngầm thuộc nhóm đá Vành Khăn (Mischief Reef) phía đông Trường Sa của Philippines. Cuối năm 2008, chính quyền của Tổng Thống Bush đã trả giá cho những sự sai lầm trong 8 năm cầm quyền của mình bằng sự thất bại rõ ràng trước đảng Dân Chủ do Tổng Thống Obama lãnh đạo.

Năm 2009, TQ bắt đầu chọn một thái độ mạnh bạo và hung hăng hơn trong vùng Biển Đông vừa để chứng tỏ sức mạnh của mình cũng như thăm dò phản ứng của HK. Sự rút lui một phần tại Iraq để tập trung hoạt động tại Afghanistan đã giúp HK có thì giờ giải quyết các điểm nóng trên thế giới. Chính phủ Obama đang tỏ ra vừa cứng rắn vừa thận trọng trong vấn đề liên hệ với TQ. Những hoạt động ngoại giao, kinh tế và quân sự bắt đầu từ năm 2011 cho đến nay đánh dấu sự trở lại của HK trong vùng Á Châu - Thái Bình Dương. Những biến chuyển trong năm 2014 cho thấy lập trường cứng rắn hơn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

CHƯƠNG I: NHẬN ĐỊNH

Bài này dựa theo sự hiểu biết cá nhân và những điều ghi nhận được khi tôi làm việc ở Hà Nội trong hai năm 1996-1997. Trong thời gian này, dù rằng ảnh hưởng của khối thân TQ tại Hà Nội còn khá mạnh nhưng HK và VN cũng đã đạt được những bước đầu trong quan hệ chiến lược giữa hai nước. HK, với những kinh nghiệm học hỏi được trong cuộc chiến VN, đã rất thận trọng và tế nhị trong mối liên hệ với VN. HK đã đề nghị một lộ trình để tùy VN chọn lựa. Trong nhiều trường hợp, HK đã để cho VN chủ động trong việc đi những bước kế tiếp. Những điều này được xác nhận bằng các sự kiện tuần tự xảy ra trong những năm sau đó. Với sự hiểu biết hạn hẹp cá nhân, chúng tôi không ở trong vị thế để biết được chi tiết những thỏa thuận chiến lược giữa VN và HK nhưng những gì đã và đang xảy ra cho thấy âm mưu bành trướng của TQ cũng như nỗ lực của VN trong cố gắng bảo vệ quyền lợi chiến lược và sự sống còn của mình.

TQ đang phát triển toàn diện về mọi lãnh vực bất chấp đến ảnh hưởng và sự tương quan đến các quốc gia trong vùng (quân sự ở Biển Đông, các đập trên sông Cửu Long v.v..) cũng như các quốc gia trong vùng Đông và Nam Á. Sự kiện TQ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xây dựng hải đăng tại Hoàng Sa và các đảo nhân tạo tại Trường Sa trong năm 2014 cho thấy mưu đồ của Trung Quốc. Phần còn lại là quyết tâm của Hoa Kỳ, Nhật Bản, các đồng minh trong vùng Đông và Đông Nam Á và các quốc gia ASEAN để đối phó với âm mưu bành trướng của Trung Quốc.

Thiết kế căn cứ quân sự bao gồm một sân bay trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do Viện Nghiên cứu và Thiết kế số 9 của Trung Quốc tiết lộ

blank
CHƯƠNG II: CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ SỐNG CÒN

CỦA VIỆT NAM

CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC

TQ, với dân số 1 tỷ rưỡi người và nguồn lợi nhuận khổng lồ như là trung tâm sản xuất hàng hóa cho cả thế giới, đã không giấu giếm ý định của họ để trở thành cường quốc số 1 tại Á Châu và trong tương lai gần, có thể cạnh tranh ngang ngửa với HK. Trong nỗ lực đó, TQ đã canh tân và phát triển quân lực của mình, nhất là Hải Quân với tốc độ chóng mặt. Ngân sách quốc phòng năm 2014 của TQ khoảng 132 tỷ Mỹ Kim nhưng thực tế có thể gấp 2, 3 lần. Những diễn biến trong thời gian gần đây cho thấy Biển Đông đang vượt qua vấn đề Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương để trở thành ưu tiên số một của Trung Quốc. Chiến lược biển Đông của TQ có thể tóm tắt trong những lãnh vực:

- Vẻ lại bản đồ “lưỡi bò” trong đó mọi khu vực của Biển Đông đều trực thuộc TQ. Áp đặt những luật lệ trong những khu vực mà họ cho là thuộc chủ quyền của họ. Thách thức HK để xác nhận chủ quyền của mình. Hai vụ xảy ra với tàu Impeccable và John McCain của HK đã nói lên chủ tâm của TQ. Tháng 7-2010, hãng tin Nhật Bản Kyodo xác nhận Trung Quốc đã chính thức thông báo với Hoa Kỳ rằng Biển Đông đã trở thành một trong các "quan tâm chủ chốt" của nước này, bên cạnh Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương.

- Phát triển nhanh Hạm Đội Nam Hải, nhất là lực lượng tàu ngầm để có thể đối đầu với Hải Quân HK và các quốc gia trong vùng. Căn cứ hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam là điểm xuất phát của hạm đội này. Mục đích của TQ là phá vỡ các chốt chặn trên đường tiến ra Thái Bình Dương của hạm đội TQ.

- Dùng sự hiện diện đông đảo của các lực lượng Hải Quân, bán quân sự và các tàu đánh cá tại đảo Hải Nam và Hoàng Sa để dọa nạt, sách nhiễu, bắt giữ và tông chìm các tàu đánh cá Việt Nam hoạt động trong khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam. Nếu không có phản ứng quyết liệt từ các quốc gia liên hệ, chiến thuật này cũng sẽ được áp dụng tại Trường Sa. Trung Quốc đang cấp tốc hoàn thành hải đoàn đặc nhiệm Hàng Không Mẫu Hạm mà mục tiêu đầu tiên chắc chắn là các vị trí đóng quân của Việt Nam tại Trường Sa cũng như các dàn khoan trên thềm lục địa phía Đông Nam Việt Nam.

- Dùng áp lực kinh tế để ngăn cản không cho Hoa Kỳ, Anh Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản hợp tác với VN trong việc khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Việc áp lực 3 công ty BP của Anh, ONGC của Ấn Độ và ExxonMobil của HK trong thời gian vừa qua đã nói lên ý định của họ.

- Dùng chiến thuật xé lẻ, hăm dọa các quốc gia ASEAN để lấn chiếm khu vực Biển Đông.

Bản đồ 9 đoạn mới nhất của Trung Quốc

NHỮNG VẤN ĐỀ SỐNG CÒN CỦA VIỆT NAM

- Quốc tế hóa và đa phương hóa vấn đề Biển Đông. Việc VN nộp hồ sơ chung với Malaysia năm 2009 là một hành động khôn khéo vì TQ nhiều lần chỉ muốn đàm phán song phương và luôn luôn tránh đàm phán đa phương trong khu vực. Sau vụ giàn khoang HD-981 tháng 5/2014, đưa vấn đề lãnh hải ra tòa án quốc tế đã được hầu hết dư luận quốc tế khuyến cáo. Những biến chuyển gần đây cho thấy Việt Nam đưa ưu tiên trong việc phát triển liên hệ quân sự chiến lược với Hoa Kỳ trước việc đưa vấn đề lãnh hải ra tòa án quốc tế.

- Vận động HK và các quốc gia liên hệ tỏ thái độ rõ ràng trong việc tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của VN cũng như các công ước Quốc Tế. Hoa Kỳ cũng như các nước khác trong vùng như Nga Sô, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ v.v.. cần chứng tỏ cho TQ thấy rằng vùng ranh giới “lưỡi bò” không có tính cách pháp lý.

- Tăng cường và tập trung các tàu đánh cá VN lại với nhau để có thể dễ dàng nhận dạng các tàu lạ và giúp đỡ lẫn nhau nhất là tại khu vực Hoàng Sa. Việc HK gởi các tàu tuần duyên đến các vùng có ngư dân VN đang hoạt động cũng là điều cần nghĩ đến.

- Hợp tác chiến lược về dầu khí với các quốc gia hay công ty không bị áp lực với TQ. VN có thể thỏa thuận với Nga Sô về vấn đề khai thác dầu khí. Nga Sô không có những quyền lợi đầu tư tại TQ lại là nguồn cung cấp dầu khí và vũ khí mà TQ đang cần đến, chắc chắn ít bị áp lực hơn các công ty Tây Phương.

- Thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia Đồng Minh như Nga Sô, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Đại Lợi, Hàn Quốc v.v.. Quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ là mục tiêu tối hậu vào thời điểm càng sớm càng tốt.

- Tăng cường việc phòng thủ tại Trường Sa cũng như các dàn khoan trên thềm lục địa phía Đông Nam Việt Nam để đề phòng một cuộc hành quân đổ bộ có thể xảy ra khi Trung Quốc cảm thấy họ có thể thi hành ý định của mình mà không gặp phải phản ứng của các cường quốc trong vùng. Phối hợp với đồng minh để áp lực Trung Quốc ngưng việc xây đảo nhân tạo tại Trường Sa cũng như theo dõi tình hình Biển Đông để xem các bước giảm leo thang căng thẳng có được thực hiện hay không.

- Tăng cường khả năng phòng thủ bằng các chuyến viếng thăm và một loạt thương vụ mua bán vũ khí với Nga Sô, Nhật Bản, Do Thái, Ấn Độ và Đại Hàn.

Vị trí giàn khoan HD-981

Qua năm 2014, những điểm mà Việt Nam cần chú ý chúng ta cần theo dõi để biết là tình hình Biển Đông biến chuyển tích cực hay là tiêu cực:

(1) Theo dõi những chuyển động trong chính sách của Mỹ để chung quyết quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

(2) Chặc chẻ tiên đoán những hành động của Trung Quốc để có những hành động thích hợp.

(3) Xem khả năng đoàn kết của ASEAN và tiến bộ trong việc soạn thảo luật ứng xử ở Biển Đông (COC: Code of Conduct). Dù muốn dù không, Việt Nam và Philippines phải giữ vai trò chủ động trong vấn đề Biển Đông và các nước ASEAN phải chia xẽ gánh nặng trong nỗ lực này.

blank
CHƯƠNG III: KINH TẾ & KỸ THUẬT & MÔI TRƯỜNG

- Đầu tư: Trung Quốc, sau hơn 40 năm phát triển không ngừng, đã trở thành cường quốc trên thế giới. Mức sống của dân chúng TQ đã đạt được mức độ trung bình nhưng cũng vì vậy mà tính cách cạnh tranh về giá nhân công rẽ so với các quốc gia Á Châu đã giảm đi. Sau vụ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia Liên Âu có khuynh hướng chuyển đầu tư từ TQ qua các nước Á Châu khác hay chuyển một số ngành sản xuất trở về nội địa. VN nên nhân cơ hội này, tiếp tục cải tiến hạ tầng cơ sở cũng như hành chánh và luật pháp để giảm nạn tham nhũng, tạo môi trường thông thoáng để hấp dẫn thêm đầu tư.

- Tiếp tục phát triển các lãnh vực kinh tế mũi nhọn (nông nghiệp, ngư nghiệp, dầu khí, đóng tàu v.v..). Việt Nam cần để ý thêm các khía cạnh sau:

- Phát triển bền vững khu vực hạ lưu sông Cửu Long. Để đối trọng với TQ xây hàng loạt các đập thủy điện trên vùng thượng lưu sông Cửu Long cũng như các đập tại Lào, VN cần phối hợp với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Campuchia cũng như các quốc gia giàu có vùng Trung Đông để nạo vét và trồng cây xung quanh biển Hồ để tăng năng lượng sản xuất lúa gạo bán lại cho vùng Trung Đông.

- Học hỏi kế hoạch đê điều của Hòa Lan để chống ngập mặn dọc theo vùng duyên hải đồng bằng sông Cửu Long.

- Nâng cấp xa lộ xuyên Trường Sơn cũng như hành lang kinh tế Đông-Tây từ miền Đông Bắc Thái Lan, qua Lào và Đà Nẳng để giúp phát triển miền Trung.

- Tái chú tâm vào kỹ nghệ đóng tàu bị ảnh hưởng vì vụ Vinashin. Những kinh nghiệm về đóng thương thuyền cũng có thể áp dụng vào việc đóng các chiến hạm.

- Phát triển kỹ nghệ quốc phòng cũng phải tiến hành song song với các ngành khác. Cố gắng này nên tiến hành theo từng giai đoạn phối hợp với các đại công ty của Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản và Đại Hàn. Dự án chuẩn bị xây dựng khu công nghiệp hàng không tại thành phố Đà Nẵng của tập đoàn Hàng không Vũ trụ và Phòng thủ châu Âu (EADS) cùng các công ty Airbus và Korea Aerospace Industries vào tháng 6-2010 là một trong những bước đầu cần thiết.

- Cố gắng giảm mức chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn để tạo sự quân bình xã hội. VN với dân số 85 triệu người mà 2/3 sinh sau 1975 dễ thi hành việc phát triển đồng đều hơn TQ với 1.3 tỷ dân. Nếu được phát triển liên tục, đến năm 2020, hy vọng VN sẽ có mức sống tương đương với Đài Loan.

- Kiều hối từ Việt Kiều hải ngoại cũng như chuyên viên và nhân công đi lao động nước ngoài đã đem về cho VN khoảng gần 11 tỷ Dollars mỗi năm. Ngoài ra, kinh nghiệm về điều hành cũng như kỹ thuật mà họ học hỏi được sẽ giúp tăng cường khả năng hiểu biết của lực lượng lao động khi họ về nước.

blank
CHƯƠNG IV: CHÍNH TRỊ & VĂN HÓA & XÃ HỘI & TÔN GIÁO

VN, trong lịch sử hơn 1000 năm chống xâm lược phương Bắc, luôn luôn ở vào thế yếu nhưng chưa bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù mạnh hơn gấp bội. Vũ khí tối thượng của dân tộc Việt là lòng đoàn kết và sự hy sinh.

- Dân chủ hóa: Ông Ivan Shai, trong một bài viết hiếm hoi đăng trên báo South China Morning Post đã viết về quá trình cải cách chính trị tại VN. Trong khi Bắc Kinh cải cách kinh tế trước, thì Hà Nội lại nổ lực cải cách chính trị sớm hơn. Trong khá nhiều khía cạnh, VN đã đi trước TQ khá xa trong lãnh vực này. Dù rằng VN cần ổn định để phát triển, tiến trình dân chủ hóa tại VN không còn là một xa xỉ phẩm mà là một nhu cầu cấp bách song song với việc phát triển kinh tế, ngoại giao và quốc phòng. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai khuôn mẫu mà VN cần học hỏi. Việt Nam phải dùng “dân chủ hóa” như là một vũ khí chiến lược để đối trọng với Trung Quốc. Một nước VN dân chủ sẽ là cản lực mà TQ phải e dè. Ba mươi năm trước, ông Đặng Tiểu Bình quyết định “dạy Việt Nam một bài học”. Nay, đang có ý kiến cho rằng chính TQ có thể học hỏi đôi điều từ quá trình cải cách của người láng giềng phương Nam. Trong gia đình nhỏ bé của các quốc gia XHCN Á châu, VN luôn đóng vai trò đàn em về cả kinh tế và quân sự đối với TQ. Thế nhưng một số học giả và nhà phân tích TQ nói nay đã tới lúc Bắc Kinh nên theo gương Hà Nội trong việc thúc đẩy thay đổi về chính trị. Cả hai nước VN và TQ, với một nền dân chủ, dù rằng không hoàn toàn, có thể giúp giảm áp lực quân sự trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông.

- Vai trò của tôn giáo: Dùng sự giúp đỡ của Phật Giáo và Công Giáo để tổ chức những buổi thảo luận những vấn đề liên quan đến Biển Đông thay vì để cho dân chúng biểu tình. Công Giáo, với hơn 8 triệu tín đồ tại VN, với một hệ thống tổ chức chặt chẽ, có thể giúp chính quyền VN trong việc nói lên quyết tâm của nhân dân trong nỗ lực bảo vệ lãnh thổ của mình. Quá trình bình thường hóa giữa Vatican và VN đang tiến triển cho dù chậm chạp. Các giới chức cao cấp nhất của Việt Nam cũng đã đến hội kiến các vị giáo hoàng đương nhiệm tại Vatican:

- Ngày 25 tháng 1năm 2007: Ông Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng hội kiến Giáo hoàng Benedict XVI và Hồng y Tarcisio Bertone. Đây là vị thủ tướng đầu tiên của Việt Nam đến Vatican hội kiến Giáo hoàng, kể từ sau năm 1975.

- Ngày 11 tháng 12 năm 2009: Ông Nguyễn Minh Triết - Chủ tịch nước hội kiến với Giáo hoàng Benedict XVI và Hồng y Tarcisio Bertone. Ông là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của chính phủ Việt Nam hội kiến giáo hoàng.

- Ngày 22 tháng 1 năm 2013: Ông Nguyễn Phú Trọng - tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam có cuộc hội kiến Giáo hoàng Biển Đức XVI. Giới quan sát nhận định, đây là điều ít khi xảy ra, vì giáo hoàng thông thường chỉ tiếp các nguyên thủ quốc gia, các thủ tướng hoặc các lãnh đạo chính trị tiếng tăm thế giới, ít khi tiếp một lãnh đạo chính đảng.

- Ngày 22 tháng 3 năm 2014: Ông Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hội kiến Giáo hoàng Francisco.

- Vai trò của Việt Kiều: Hơn 3 triệu Việt Kiều ở hải ngoại có thể đóng góp rất nhiều để nói lên thái độ bá quyền của TQ; tuy nhiên, giữa Việt Kiều hải ngoại và chính quyền VN vẫn có một khoảng cách nhất là vấn đề nhân quyền, tôn giáo và thái độ đối với TQ. Nhà cầm quyền VN có thể chọn 2 đường đi: tích cực và tiêu cực. Hành động tích cực có thể kể như sự xin lỗi nhân dân miền Nam và QLVNCH về những khổ nhục mà họ phải chịu đựng sau năm 75, đưa nghĩa trang Biên Hòa thành di tích quốc gia, trả lại tên củ cho Sài Gòn v.v.. Với tính tình khó thay đổi của người Á Đông cũng như sự cao ngạo của giai cấp cầm quyền, những điều này rất khó đối với chính quyền VN nhưng không phải là không làm được. Hành động tiêu cực là không làm gì hết cho đến khi thế hệ 60 tuổi trở lên, trong cũng như ngoài nước, chết đi thì thế hệ trẻ sẽ không có những vấn đề mà những người lớn tuổi mang nặng trong lòng.

- Thái độ của chính quyền VN: Những người dân thường, trong và ngoài nước, ít khi thấy được những cố gắng chiến lược mà chính phủ VN áp dụng khi phải đối đầu với người láng giềng khổng lồ trong vấn đề biển Đông. Họ chỉ thấy được sự cao ngạo của TQ và thái độ nhún nhường đến sợ sệt của nhà cầm quyền VN. Trong khi TQ đã để cho những nhóm quá khích lên mạng cổ võ đề nghị tấn công VN thì nhà cầm quyền VN lại đàn áp dân chúng biểu tình chống hành động xâm lăng của TQ cũng như bắt giam các nhà trí thức muốn nói lên ý kiến của mình. Khôn ngoan và nhân nhượng trong chính sách ngoại giao không thể đồng nghĩa với hèn yếu. Nhà cầm quyền VN cần thay đổi hình ảnh này trước công luận Quốc Tế cũng như nhân dân VN và Việt Kiều hải ngoại. Các người lãnh đạo VN cần học hỏi phương thức mà chính quyền và dân chúng Nhật Bản hành xử đối với Trung Quốc trong việc tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku (Điếu Ngư) trong thời gian gần đây.

CHƯƠNG V: NGOẠI GIAO

- Hoa Kỳ: Về phương diện ngoại giao, HK luôn luôn tuyên bố đứng trung lập trong việc tranh chấp lãnh thổ của các quốc gia khác nhưng cũng yêu cầu các quốc gia liên hệ tự chế và tuân theo các công ước quốc tế. TQ chắc cũng thừa đủ thông minh để hiểu được lập trường của HK. Quan hệ giữa HK và VN là quan hệ chiến lược dù rằng bề ngoài HK không muốn để lộ ra điều này. HK, với những kinh nghiệm học hỏi được trong cuộc chiến VN, đã rất thận trọng và tế nhị trong mối liên hệ với VN. HK đã đề nghị một lộ trình để tùy VN chọn lựa. Trong nhiều trường hợp, HK đã để cho VN chủ động trong việc đi những bước kế tiếp. VN cũng phải chứng tỏ vị thế và quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của mình để có những quyết định hợp lý đúng lúc. HK là một nước thực dụng, không có bạn thù vĩnh viễn, VN cần để ý điều này. Trong năm 2014, chính giới và các quan chức ngoại giao cao cấp của Hoa Kỳ đã có những tuyên bố cứng rắn đối với Trung Quốc và sự liên hệ Việt-Mỹ có nhiều biểu hiệu tích cực.

- Trung Quốc: Ngoài vấn đề thương mãi, VN cần phát triển trao đổi văn hóa và hợp tác nghiên cứu khoa học giữa VN và TQ. Từ ngàn năm nay, văn hóa Việt bị ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa TQ, nhưng chiều ảnh hưởng ngược lại thì dường như không có. Điều này rất bất lợi cho VN vì theo lập luận của chủ nghĩa tự do, công luận trong và ngoài nước có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định và hành động của các quốc gia. Khi hai dân tộc không hiểu nhau, sự thù nghịch càng trở nên gay gắt. Và sự lấn áp về quân sự của Bắc Kinh càng được công luận trong nước ủng hộ. Bất cứ một hành động quân sự nào, thắng hay bại, cũng đều tạo ra mất mát về con người và của cải, nên người dân thường không ủng hộ chiến tranh. Nhưng nếu sự thù nghịch dân tộc lên đến đỉnh điểm, người ta sẽ không ngại mất mát và ủng hộ đến cùng. Vì vậy chúng ta phải cố gắng tạo ra sự thông cảm về văn hóa để tạo một công luận thân thiện với VN và giảm thiểu sự thù nghịch giữa Hán tộc và Việt tộc. Việc trao đổi văn hóa theo chiều VN sang TQ khó xảy ra trong thời phong kiến vì TQ coi thường VN là nhược tiểu. Nhưng ngày nay, khoa học hiện đại không phân biệt nước lớn hay nhỏ mà là sở học của mỗi học giả tham gia hội thảo. Tinh thần nghiên cứu khoa học không còn phụ thuộc vào dân tộc mà tính trung thực và chất lượng nghiên cứu. Vẫn có nhiều khoa học gia TQ tôn trọng sự trung thực, và đây chính là đối tượng chúng ta cần tìm và cùng tham khảo khoa học một cách chân thành. Tinh thần khoa học sẽ là chiếc cầu nối cho học giả hai bên cùng nhau trao đổi, học hỏi, và kết tình thân hữu. Đây là chất xúc tác cho một mối quan hệ thật sự tốt đẹp và lành mạnh giữa hai dân tộc Việt và Hán.

- ASEAN: Trong năm 2014, các quốc gia ASEAN, tương đối có thái độ cương quyết hơn trước sự lấn sân của Trung Quốc. Tuy nhiên trên nhiều khía cạnh, ASEAN vẫn là một tổ hợp lỏng lẻo. Campuchia, Lào và Miến Điện đặt quyền lợi của nước mình với Trung Quốc bất chấp thái độ gây hấn về vấn đề Biển Đông với các nước khác trong vùng. Thái Lan đặt quyền lợi thủy điện tại Lào bất chấp thiệt hại cho Campuchia và Việt Nam. Các nước ASEAN phải có một tầm nhìn chiến lược để phát triển và tồn tại trong hòa bình với Trung Quốc. Điều này đòi hỏi giới lãnh đạo trong khối có tầm nhìn xa, biết hướng tới sự thịnh vượng cho toàn vùng thay vì chỉ thấy mối lợi cục bộ trước mắt nhưng với cái giá lâu dài phải trả của chính mình và của các nước lân bang.

- Campuchia và Lào: Sự gắn bó không thể thiếu giữa Campuchia, Lào và VN cần phải luôn luôn giữ gìn. TQ luôn tranh giành ảnh hưởng với hai nước này nên chúng ta không thể sao lãng. VN và Campuchia, Lào luôn luôn ở trong thế “môi hở răng lạnh”. Bắc Kinh mà khống chế hai nước này hoặc Biển Đông thì chúng ta không thể nào giữ yên bờ cõi được nữa. Quan hệ với Campuchia và Lào phải đặt trong bối cảnh an ninh cho toàn vùng Đông Nam Á bao gồm mọi phương diện từ kinh tế, thương mãi, quân sự, văn hóa để chống lại sự xâm nhập của TQ. Điều này phải tính luôn cả việc Trung Quốc xây các đập ở thượng nguồn sông Mê Kông như là một vũ khí chiến lược ảnh hưởng đến sự sống còn của đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Campuchia và Lào, vì quyền lợi của họ, sẵn sàng nhận những giúp đỡ và đầu tư từ Trung Quốc. Việt Nam, với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và các quốc gia trong vùng, phải làm mọi cách đừng để hai nước láng giềng lọt vào quỹ đạo của Trung Quốc.

- Các nước có quyền lợi trong vùng: Các cường quốc trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, các quốc gia Liên Âu đều có quyền lợi chiến lược về quân sự và kinh tế trong vùng Biển Đông, do đó VN phải có quan hệ tốt đẹp với những cường quốc này. Khi họ phản ứng hành động của TQ để bảo vệ cho quyền lợi của họ, VN cũng được phần lợi trong đó. Cho đến cuối năm 2011, Việt Nam đã thiết lập được quan hệ chiến lược với 8 cường quốc mà Anh Quốc là nước mới nhất. Cho đến bây giờ, EU vẫn do dự ở Biển Đông vì 28 thành viên lo ngại sẽ vấp phải phản ứng từ Trung Quốc. Trong tương lai, Liên Âu cũng là một thực lực có thể giúp đở Việt Nam trong vấn đề Biển Đông và phát triển kinh tế và quốc phòng.

- Liên Hiệp Quốc: VN có thể đưa vấn đề Biển Đông ra trước tòa án Quốc Tế. TQ, với tư cách là thành viên thường trực sẽ dùng quyền phủ quyết nhưng điều này sẽ giảm uy tín của TQ trên chính trường quốc tế.

CHƯƠNG VI: QUÂN SỰ

Trong chương này, chúng tôi không đi vào chi tiết về Hải Quân VN. Điều này sẽ được nói rỏ trong phần tương quan lực lượng. Cũng không nên so sánh tương quan lực lượng giữa TQ và VN nhất là Hải Quân vì TQ phát triển Hải Quân của họ không những để đối đầu với HK mà còn đến các nước có quyền lợi trong vùng như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Hàn Quốc, Đài Loan. VN dù nhỏ nhưng là một mắc xích quan trọng trong nỗ lực ngăn chận Hải Quân TQ mở rộng khu vực hoạt động của họ. Việc phối hợp và nhận sự giúp đỡ của HK và các quốc gia đồng minh là điều cần thiết vì VN là nước hứng chịu áp lực quân sự đầu tiên từ TQ. Đang có những diễn biến tích cực trong việc Hoa Kỳ tháo gở lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Trong năm 2014 đã có những hoạt động dồn dập của các phái đoàn ngoại giao và quân sự Việt Nam tại Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Đại Hàn, Ấn Độ và các nước Liên Âu. Việc tăng cường hệ thống phòng thủ đã có nhiều thay đổi nhất là về Hải, Không Quân, các hệ thống phòng không và phòng thủ duyên hải.

PHÒNG THỦ DUYÊN HẢI

Việc phát triển Hải Quân nên tập trung trong 2 lãnh vực: Phòng thủ cận duyên - Phòng thủ viễn duyên. Vấn đề phòng thủ chiến lược được quyết định ở cấp bậc cao hơn. Vấn đề phòng thủ cũng phải được đặt nặng tại các vị trí đóng quân ở Trường Sa cũng như khu vực thềm lục địa phía Đông Nam Việt Nam.

1. PHÒNG THỦ CẬN DUYÊN:

- Hạm đội tàu đánh cá vũ trang: Phát triển hạm đội tàu đánh cá cỡ lớn & vũ trang để hoạt động trong vùng Biển Đông. TQ đã phát triển rất mạnh hạm đội tàu đánh cá vũ trang của họ với sự hộ tống của Hải Quân cũng như các tàu cảnh sát biển và kiểm soát ngư nghiệp. Chiến thuật du kích chiến trên biển cả chắc cũng đã được các chuyên viên nghiên cứu chiến thuật VN áp dụng dù rằng điều này khó hơn trên đất liền nhất là vấn đề trang bị, kỹ thuật và huấn luyện. Các tàu này sẽ là đội quân tiên phong trong nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải dù rằng phải hy sinh khi đối đầu với lực lượng TQ. Dân tộc VN luôn luôn chấp nhận điều này. Cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979 đã chứng tỏ khả năng của lực lượng dân quân VN.

- Không Lực của Hải Quân: Việt Nam đã thiết lập bộ phận không quân nằm trong hải quân và đại bản doanh của không lực hải quân được đặt tại sân bay quân sự (Cát Bi) Hải Phòng. Việt Nam đã mua ba máy bay EADS-CASA C212 Series 400 của Tây Ban Nha chuyên tuần tra và theo dõi biển. Các máy bay này có trang bị radar MSS 6000 và bộ phận không quân mới sẽ chịu trách nhiệm vận hành chúng cho mục đích tuần duyên. Mười lăm (15) trực thăng Kamov loại Ka-28 đã được chuyển sang cho hải quân. Với các chiến đấu cơ được lắp đặt tên lửa chống tàu chiến, bao gồm cả loại hỏa tiễn không-hải AS-17 Krypton cùng với các chiến đấu cơ Su-30MK2 mà VN vừa mua trong thời gian gần đây, không quân Việt Nam cũng vẫn góp phần trong việc phòng thủ duyên hải. Máy bay chiến đấu loại Su-30MK2 được cải biến để có khả năng tấn công và tiêu diệt các mục tiêu trên biển trong mọi điều kiện thời tiết và thời gian. Ngày 1 tháng 5 năm 2010, theo báo trên mạng Times Colonist, tập đoàn chế tạo máy bay Canada Viking Air cho biết là trong tuần qua đã hoàn tất thỏa thuận bán 6 thủy phi cơ Twin Otter cho bộ Quốc Phòng Việt Nam, trị giá mỗi chiếc là 5 triệu đô la Canada. Đây là lần thứ hai, bộ Quốc Phòng Việt Nam đặt mua máy bay do phương Tây chế tạo, đó là loại thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter Series 400 được thiết kế để phục vụ cho các hoạt động trên biển và sẽ trở thành một thành phần quan trọng cho lực lượng không quân của hải quân Việt Nam. Giới phi công quốc tế đánh giá cao thủy phi cơ Twin Otter về độ bền chắc và khả năng hạ cánh trên phi đạo rất ngắn. Theo tập đoàn Viking, các máy bay nói trên sẽ được giao cho Việt Nam trong thời gian từ 2012 đến 2014. Công ty Pacific Sky Aviation, một chi nhánh thuộc tập đoàn Viking, đặt tại sân bay quốc tế Victoria sẽ chịu trách nhiệm về đào tạo kỹ thuật và huấn luyện bay. Đầu năm 2011, trang web của nhật báo The Straits Times tại Singapore cho biết là quân đội Việt Nam mua thủy phi cơ Twin Otter để phục vụ cho các cuộc tuần tra của hải quân Việt Nam. Tháng 12-2011, hải quân Việt Nam đã nhận 2 phi cơ loại ES-225 do Pháp chế tạo. Truyền thông Nga vào tháng 3-2012 đưa tin hãng chế tạo máy bay quân sự Irkut vừa ký hợp đồng sản xuất máy bay không người lái cỡ nhỏ (UAV) cho Việt Nam. Việt Nam cũng đã tiếp xúc với Do Thái để mua các phi cơ UAV hạng trung vỏ trang có thể dùng để bảo vệ Trường Sa.

- Hệ thống phòng duyên: Trong cuộc chiến VN, hệ thống phòng duyên của Bắc Việt có thể xem là hữu hiệu nhất thế giới. Các trọng pháo phải được thay thế bằng các hỏa tiễn địa đối hải tầm ngắn (100 km). Các hỏa tiễn hành trình tầm trung (200-300 km hay lớn hơn) hướng dẫn bằng vệ tinh cũng là điều nên nghĩ đến. Các loại hỏa tiễn này cũng có thể được trang bị trên các đảo do VN kiểm soát trong vùng Trường Sa. Trong năm 2011, Việt Nam đã nhận 2 hệ thống phòng thủ duyên hải loại Bastion-P. Tại triển lãm các hệ thống quốc phòng diễn ra ở Malaysia, Nga đã trưng bày hệ thống hoả tiển Container Club-K. Đây cũng là một hệ thống phòng thủ tốt và giá cả vừa phải cho các quốc gia nhỏ, nhiều hải đảo và bờ biển dài như Việt Nam. Tin mới nhất vào tháng 5-2010 cho biết Việt Nam sẽ mua loại hỏa tiễn EXTRA của Do Thái để tăng cường phòng thủ các hải đảo.

- Tàu ngầm: VN đã đặt mua 6 tàu ngầm loại Kilo 636 của Nga và đã nhận được 2 chiếc đầu tiên vào năm 2013. Có đủ 6 chiếc vào năm 2016 sẽ giúp cho VN tăng cường khả năng phòng thủ chống tàu ngầm, vừa tiêu diệt tàu chiến của đối phương, bảo vệ các căn cứ quân sự trên bờ và tuần thám.

- Hệ thống chống tàu ngầm: Nhật Bản là nước có hệ thống phát hiện và chống tàu ngầm hữu hiệu nhất thế giới. Sự kiện Nhật Bản hạ thủy chiếc Hàng Không Mẫu Hạm hạng trung chở trực thăng chống tàu ngầm loại 22 & 24 DDH trọng tải 24,000 tấn vào năm 2013 cho thấy hoạt động chống tàu ngầm của Nhật Bản không chỉ giới hạn xung quanh hải phận Nhật Bản. VN nên nhờ sự giúp đỡ của HK và Nhật Bản để thiết lập hệ thống các phao định vị trong việc phát hiện các tàu ngầm TQ dọc theo bờ biển VN cũng như trong vùng biển Đông. Ngoài ra, VN cũng phải phát triển các phương tiện tấn công các tàu ngầm (chiến hạm và phi cơ săn tàu ngầm, phi cơ cảnh báo sớm, trực thăng).

- Chiến hạm tuần tiễu cận duyên: Trong thời gian qua, VN đã thỏa thuận với Nga và Hòa Lan để mua hay đóng dựa theo thiết kế của Nga các chiến hạm thế hệ mới từ 500-2,500 tấn thuộc loại Molniya, Gepard, Sigma. Chi tiết về các loại chiến hạm này được nói rõ trong phần Tương Quan Lực Lượng - Hải Quân VN.

2. PHÒNG THỦ VIỄN DUYÊN:

- Trang bị: VN chưa cần có các khu trục hạm loại Aegis để phối hợp tuần tiễu xa. Ngoài các khu trục hạm hạng nhẹ loại Gepard và Sigma, VN nên nghĩ đến việc trang bị từ 2-4 chiếc khu trục hạm cỡ 5,000 tấn. Các chiến hạm này sẽ được dùng để tuần tiểu chung với chiến hạm đồng minh. Việc phối hợp với Hòa Lan, Nhật Bản hay Hàn Quốc để đóng phần vỏ các loại này tại Việt Nam sẽ giúp phát triển ngành kỹ nghệ đóng tàu quốc phòng và giảm giá thành là điều nằm trong khả năng.

- Hoạt động: VN không có khả năng tuần tiễu viễn duyên một mình. Trong tương lai, viễn tượng 1 hay 2 Hải Đoàn Đặc Nhiệm Hàng Không Mẫu Hạm với các chiến hạm của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đại Hàn, Ấn Độ, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan tuần tiễu Biển Đông chung với VN và các quốc gia ASEAN là điều có thể xảy ra.

PHÒNG THỦ CHIẾN LƯỢC

Có 4 vấn đề mà VN cần suy nghĩ:

- Hiệp ước phòng thủ hỗ tương Hoa Kỳ-Việt Nam: Hiện nay trong vùng Đông Á và Đông Nam Á đã có 5 quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Phi Luật Tân, Singapore, Thái Lan) đã ký hiệp ước phòng thủ hỗ tương với HK dù rằng các quốc gia này không chịu một áp lực trực tiếp nào từ TQ. Dù rằng hoàn cảnh khác nhau sau 3 cuộc chiến, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn để cho HK có các căn cứ quân sự tại nước mình. Hiệp ước phòng thủ hỗ tương Hoa Kỳ-Việt Nam là điều VN cần nghĩ tới trong một thời điểm thích hợp. Cho đến bây giờ, Việt Nam và Hoa Kỳ đang ở trong giai đoạn “định rõ điều khoản quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước”.

- Hệ thống lá chắn chống tên lửa: Hiện nay, các quốc gia đồng minh trong vùng, từ Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan, không nhiều thì ít, đều phát triển quốc gia của mình với sự bảo vệ của chiếc dù nguyên tử của Hoa Kỳ cũng như tham gia hệ thống lá chắn chống tên lửa. VN, nếu cần hoàn thiện hệ thống phòng thủ của mình phải nghĩ đến điều này.

- Hải-quân cảng Cam Ranh: Cam Ranh là một hải cảng thiên nhiên tốt nhất vùng Đông Nam Á. VN rất kín miệng về tương lai của hải cảng này, nhất là về lãnh vực quân sự. Nga Sô thì không đủ khả năng tài chánh để trở lại Cam Ranh. Hải cảng Cam Ranh, hiện nay vẫn còn trực thuộc bộ Quốc Phòng VN, nên được phát triển đúng tiềm năng để biến thành một quân cảng cho tàu chiến cũng như tàu ngầm và trung tâm sửa chữa tàu bè quân sự lớn nhất vùng Đông Nam Á. VN có thể phối hợp với Nga Sô cũng như nhờ sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và Nhật Bản về phương diện tài chánh và kỹ thuật để nâng cấp quân cảng Cam Ranh. Các chiến hạm Đồng Minh có thể sử dụng quân cảng này lúc cần thiết. Những lời tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Nga Anatoly Serdyukov ngày 25 tháng 03, 2010 tại Hà Nội cho thấy Việt Nam đang tiến hành dự định này. Trong khi Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ quân cảng Tam Á trên đảo Hải Nam thì thật là điều ngu xuẩn khi họ lại ngăn cản không cho Việt Nam làm điều tương tự. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong cuộc họp báo ngày 30-10-2010, tuyên bố “Việt Nam sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân của tất cả các quốc gia, kể cả tàu ngầm tại cảng Cam Ranh khi có yêu cầu”. Báo Tuổi Trẻ trích dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam tướng Phùng Quang Thanh nói rằng cảng Cam Ranh cũng có thể là nơi lấy nhiên liệu cho hàng không mẫu hạm. Ngày 23-12-2010, chính phủ Việt Nam đã nâng cấp thị xã Cam Ranh lên thành phố Cam Ranh. Nếu thành phố Cam Ranh được phát triển có dân số độ 1 triệu người thì hải-quân cảng Cam Ranh sẽ có vị thế rất quan trọng trong vùng Đông Á. Trong nhiều khía cạnh, sử dụng quân cảng Cam Ranh đòi hỏi quyết định can đảm của cấp lãnh đạo Việt Nam vì quyền lợi dân tộc. Nếu đợi một biến cố xẩy ra mới quyết định thì phần lớn thiệt thòi sẽ về phía Việt Nam.

- Vũ khí nguyên tử: Rất ít người đề cập đến vấn đề này. Giáo sư Arthur Waldron thuộc viện Quan Hệ Quốc Tế của đại học Pennsylvania là người độc nhất đề cập đến vấn đề hạt nhân cho VN. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ ngày 22/7/2014 đã thông qua một thỏa thuận về hợp tác hạt nhân dân sự giữa Mỹ và Việt Nam. Ba quốc gia mà VN cần để ý đến trong vấn đề này:

- Hàn Quốc và Nhật Bản: Hiện này Bắc Hàn có thể xem như đã có vũ khí nguyên tử dù rằng trong giai đoạn sơ khai và đang bị chế tài bởi cộng đồng quốc tế. Lấy ví dụ sau này Triều Tiên được thống nhất thì một nước Triều Tiên thống nhất có thể là một quốc gia có vũ khí nguyên tử. Nhật Bản có thừa khả năng để chế vũ khí nguyên tử nhưng hiện nay vẫn được che chở bằng chiếc dù nguyên tử của HK. Nếu Triều Tiên có vũ khí nguyên tử thì bắt buộc Nhật Bản phải có quyết định thích ứng. Cả hai nước đều ký hiệp ước phòng thủ hỗ tương và được che chở bằng chiếc dù nguyên tử của Hoa Kỳ nên trong tương lai gần, việc 2 nước này có vũ khí nguyên tử là điều chưa thể xảy ra.

- Do Thái: Ai cũng biết Do Thái có thể có vũ khí nguyên tử mà không phải qua tiến trình phát triển phát triển nguyên tử lực dù cho mục đích dân sự hay quân sự như Bắc Hàn và Iran. VN có thể học hỏi những kinh nghiệm từ Do Thái.

GIÚP ĐỠ CỦA CÁC QUỐC GIA ĐỒNG MINH

Việt Nam nên cố gắng liên hệ để nhận sự giúp đỡ quân sự và ngoại giao của các quốc gia Đồng Minh:

- Hoa Kỳ: Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ có tính cách chiến lược hơn là mua bán vũ khí. Các phi cơ và chiến hạm của HK rất là tối tân và mắc tiền, ngoài khả năng của VN. Rẻ nhất là loại LCS, trọng tải 3,000 tấn cũng khoảng $450-$500 triệu USD mổi chiếc. Ngoài ra, HK có khuynh hướng viện trợ hay bán lại cho Đồng Minh các chiến hạm cũ không còn thích hợp cho các chiến trường tương lai. VN nên nhờ HK giúp đỡ về vấn đề huấn luyện cũng như các loại vũ khí chiến lược mà các nước khác không có (Radar và hõa tiển tầm xa, hệ thống hướng dẫn và định vị GPS, phi cơ chống tàu ngầm và cảnh báo sớm). Liên hệ Việt-Mỹ nên chú trọng về thực chất hơn là hình thức để giảm bớt sự khiêu khích với Trung Quốc.

- Nhật Bản: Với những diễn biến trong chính trường Nhật Bản gần đây và sự yểm trợ của Hoa Kỳ, Nhật sẽ đóng vai trò lớn hơn không những trong vùng Đông Bắc Á mà cả khu vực Biển Đông. Khác với Hoa Kỳ, Nhật Bản ít khi nêu vấn đề nhân quyền với các quốc gia ASEAN. Thủ tướng Abe đã đề nghị cung cấp thiết bị quân sự cho Việt Nam và Philippines với danh nghĩa trợ giúp phát triển, để các nước này có thể có nâng cao sức mạnh hải quân nhằm đối phó với Trung Quốc. Cũng như HK, những sự giúp đỡ quân sự của Nhật Bản cho VN có tính cách chiến lược hơn là mua bán vũ khí. HK đã chuyển giao và phối hợp công nghệ quốc phòng trong nhiều lãnh vực cho Nhật Bản từ lâu. VN nên nhờ Nhật Bản giúp đỡ về vấn đề huấn luyện nhất là về khả năng dò tìm và tấn công tàu ngầm. Ngoài ra, Nhật Bản có thể giúp Việt Nam tăng cường lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các tàu đánh cá cũng như phối hợp đóng các tàu quân sự 5,000 tấn trở xuống. Giá thành tại Việt Nam chắc chắn rẽ hơn tại Nhật rất nhiều cũng như các xưởng đóng tàu Việt Nam có thể giúp giảm tải trong trường hợp các cơ sở đóng tàu tại Nhật hoạt động quá khả năng.

- Nga Sô: Khác với HK, Nga Sô cho đến bây giờ vẫn còn sản xuất các chiến hạm loại nhỏ từ 700 tấn cho đến 3,000 tấn dùng để xuất cảng. Đặc điểm của các chiến hạm Nga là rẻ tiền và khả năng tấn công rất mạnh, phù hợp với các quốc gia nghèo. Quan hệ quân sự Nga-Việt trong nhũng năm gần đây đặt nặng về vấn đề mua bán. Thay vì mua bán trọn gói như giữa Nga-Trung, VN chọn giải pháp mua phần vỏ trước, vũ khí và trang bị tiên tiến sẽ được mua sau với giá rẻ hơn mà không bị ràng buộc bởi các hiệp ước quốc tế cũng như sự theo dỏi của các quốc gia thứ ba. Điểm lợi là VN có thể cải tiến hệ thống vũ khí và trang bị khác với TQ. Dù rằng Trung Quốc là khách hàng số một trong việc mua dầu khí cũng như vũ khí mới của Nga; nước này vẫn luôn nhìn Trung Quốc với thái độ dè chừng. Trong nhiều khía cạnh, Nga có thể phối hợp với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi và Ấn Độ để giữ sự cân bằng trong vùng.

- Hòa Lan và Liên Âu: Cho đến bây giờ, Liên Âu vẫn do dự ở Biển Đông vì 28 thành viên lo ngại sẽ vấp phải phản ứng từ Trung Quốc. Trong các nước Liên Âu, Hòa Lan là nước có liên hệ tốt nhất với Việt Nam. Hảng Damen đã có 5-6 cơ sở đóng tàu liên doanh tại Việt Nam. Việc Việt Nam đã thỏa thuận mua 4 khinh hạm loại Sigma trong đó 2 chiếc sẽ đóng tại Việt Nam cho thấy trong tương lai Việt Nam có thể cân bằng và tiếp thu công nghệ quốc phòng của cả Liên Âu và Nga Sô.

- Do Thái: Do Thái là đồng minh thân thiết nhất của Hoa Kỳ với kỹ nghệ Quốc Phòng tiên tiến nhất là phương tiện phòng thủ. Do Thái cũng là một trong những đối tác chiến lược mà Hoa Kỳ đặt các kho vũ khí dự trữ. Việt Nam nên nhờ Do Thái tân trang các chiến cụ cũ như phi cơ, chiến xa cũng như các vũ khí phòng thủ v.v.. Trong nhiều khía cạnh, sự giúp đỡ của Hoa Kỳ cho Việt Nam qua ngả Do Thái là cách hay nhất mà phe thứ ba cũng chẳng phản ứng gì được. Vì lý do đất đai có giới hạn, Do Thái có thể chuyển giao công nghệ quốc phòng để sản xuất khí cụ tại Việt Nam.

- Phi Luật Tân: Philippines ở gần các đảo phía Đông Trường Sa. Căn cứ Hải quân Oyster chỉ cách Trường Sa 160 hải lý đang được canh tân. VN nên thương thuyết với Philippines để có những cuộc tuần tiễu hỗn hợp cũng như cho phép hải không quân cũng như tàu đánh cá VN được dùng các căn cứ của Phi Luật Tân để sửa chữa và nghỉ ngơi khi cần thiết. Hiệp ước hợp tác nghề cá giữa Philippines-Việt Nam ký năm 2013 cũng nói lên được sự liên hệ chiến lược giữa 2 quốc gia trong thời gian sắp tới. Việt Nam cũng có thể giúp Philippines xây dựng các giàn khoan và tàu chiến cở nhỏ.

- Úc Đại Lợi: Trong năm 2010, Úc và Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận ghi nhớ về hợp tác song phương. Theo phía Úc, văn kiện này sẽ làm khuôn khổ cho việc hợp tác cải thiện giữa hai nước trong các lãnh vực bao gồm đối thoại chính sách chiến lược, huấn luyện và diễn tập quân sự, trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Trong năm 2014, Úc đã đặt mua 3 tàu huấn luyện và cứu hộ cỡ 2,000 tấn do hảng Damen Việt Nam đóng.

- Ấn Độ: Ấn Độ là nước nhập cảng chiến cụ nhiều nhất từ Nga Sô nên họ có rất nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực này. Các chiến hạm và hỏa tiễn do Ấn Độ sản xuất chắc cũng rẻ hơn HK và Nhật Bản nhiều. VN có thể nhờ Ấn Độ cung cấp các phụ tùng linh kiện cũng như ứng dụng tin học Hải Quân. Ấn Độ cũng có thể giúp huấn luyện sử dụng tàu ngầm loại Kilo cũng như phi cơ Su-30 MK. Hỏa tiễn siêu âm BrahMos của Ấn Độ thuộc loại tân tiến nhất thế giới. Quan hệ quân sự Việt - Ấn đang tiếp tục được thúc đẩy và cho rằng hai bên đang đi đúng hướng, thuộc loại quy mô nhất mà Ấn Độ có với một nước châu Á khác. Có thể chúng ta không nghe nhiều thông tin về quá trình này, vì tính nhạy cảm của nó nhất là đối với một nước thứ ba. Đề nghị của Việt Nam do chính chủ tịch nước Trương Tấn Sang đưa ra trong chuyến viếng thăm Ấn Độ vào cuối năm 2011 bao gồm bốn lĩnh vực: Huấn luyện lực lượng sử dụng tàu ngầm, Đào tạo phi công để lái loại chiến đấu cơ Sukhoi-30, Hiện đại hóa một hải cảng chiến lược và Chuyển giao tàu chiến cỡ trung. Ngoài ra, vấn đề Việt Nam đã yêu cầu Ấn Độ cung cấp tên lửa hành trình BrahMos cho đến bây giờ vẫn chưa có kết quả rỏ ràng.

- Hàn Quốc: Liên hệ Việt-Hàn nặng về đầu tư nhưng nhẹ về an ninh. Công nghệ quốc phòng Hàn Quốc không kém gì Nhật Bản nhưng Hàn Quốc vẫn còn bận bịu với Bắc Triều Tiên và tranh chấp biển đảo với Nhật Bản. Hàn Quốc là quốc gia thứ hai ngoài HK đã thử nghiệm thành công hệ thống hỏa tiễn chống tàu ngầm. Có nguồn tin nói rằng HK và Hàn Quốc đang phối hợp để đóng các chiến hạm. Điều đáng lưu tâm là Trung Quốc lợi dụng sự tranh chấp Hàn-Nhật để kéo Hàn Quốc về phía mình. Nếu không khéo xử lý, Hàn Quốc có thể tạo một vết rạn nứt thực thụ trong hệ thống liên minh của Mỹ.

- Các nước khác: Tin trên tạp chí mạng chuyên về quốc phòng DefenceWeb ngày 7-10-2010 chạy tin tập đoàn vũ khí Nam Phi đang chào bán hệ thống tên lửa tầm ngắn Umkhonto cho Việt Nam.

KẾT LUẬN

Một nhà ngoại giao HK đã nói: “Việt Nam có thể chọn bạn nhưng không thể chọn láng giềng”. VN là cái gai ngăn chận con đường Nam Tiến của TQ. Dân tộc VN đã có hai ngàn năm đối phó với người láng giềng khổng lồ ở phương Bắc. Dù TQ có mạnh đi mấy chăng nữa nhưng họ không thể ép VN làm điều họ muốn vì động cơ sống còn của VN chắc chắn mạnh hơn động cơ thống trị của TQ.

VN, phải rất khôn ngoan và kiên nhẫn, cố gắng nỗ lực phát triển về mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, ngoại giao, quân sự để bảo vệ sự sống còn của mình. Phần còn lại là thái độ của TQ. TQ có thể chọn thái độ hòa hoãn với lân bang để cùng phát triển mang lại thịnh vượng cho dân chúng, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải bằng giải pháp hòa bình thông qua thương lượng, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. TQ chắc chắc không nuôi mộng trở thành một nước như Đức Quốc Xã hay Nhật Bản trước Thế Chiến thứ 2. Trung Quốc phải quyết định những bước đi chiến lược và tương lai của nước mình.

Nếu có thể tạo dựng cơ chế phù hợp để duy trì và thắt chặt mối cân bằng quyền lợi, khát vọng, và tình cảm của hai bên, VN và TQ sẽ có nhiều cơ hội để cuối cùng có thể loại bỏ chiến tranh, đối địch ra khỏi mối quan hệ để cùng nhau phát triển.

LỊCH TRÌNH TU CHỈNH

1) 15-8-2009: Hoàn tất bài viết.

2) 31-12-2012: Tu chỉnh bài viết để cập nhật những biến chuyển trong năm 2011 & 2012.

3) 15/8/2014: Tu chỉnh bài viết để cập nhật những biến chuyển trong năm 2013 & 2014.

Nguyễn Mạnh Trí

E-Mail: prototri2012@yahoo.com

www.tranhchapbiendong.com

Tu chỉnh: 15 tháng 8 năm 2014

Ý kiến bạn đọc
16/08/201423:45:12
Khách
Như đã viện dẫn, ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Trí tiếp tục được bổ sung chứ không thay đổi về bản chất.. " Đàn bầu mà gẩy tai trâu ". Cả dàn nhạc hòa tấu của những người nặng lòng với Tổ Quốc VN từ nhiều thập niên đều không lọt vào cái tai điếc của đảng CSVN. Họ không những điếc mà còn mù lòa. Chỉ còn cái mồm lươn lẹo, cải lưỡi lắt léo và bàn tay sắt và trái tim súc vật điều khiển họ. Vì sao ? Không còn gì để nói, để góp ý, phản biện khi họ đã duy trì và gia tăng sản xuất trên 1 triệu con chó côn an, an ninh nhằm bảo vệ quyền lợi ích kỷ, đê hèn của đảng. Giờ đây họ ít dám nói đến 4 từ CNXH vì quá nó đó là trò hề đáng khinh bỉ. Chó mãi hoàn ...chó. Những ai còn ảo tưởng sẽ dạy chó thành người sẽ đưa Tổ Quốc VN hủy diệt. Ngăn chặn sự sinh sản của loài chó, đẩy mạnh chiến dịch bắt nhốt chó thả rông là Quốc sách
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.