Hôm nay,  

Một số Bài Nói Chuyện Trong Buổi Thuyết Trình của Hội Thiền Tánh Không

12/08/201423:24:00(Xem: 4287)

Một số Bài Nói Chuyện Trong Buổi Thuyết Trình của Hội Thiền Tánh Không

Chiều Chủ Nhật 10-8-2014

tại Hội Trường VNCR, Westminster, California

.
blank
blank.

Diễn Văn Chào Mừng của Ban Tổ Chức

do Tuệ Huy Tô Đăng Khoa đọc

.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch hòa thượng Thích Thông Triệt, Kính bạch hòa thượng Thích Phước Tịnh

Kính bạch chư Tôn Đức Tăng Ni,

Kính thưa quí quan khách, quý vị đại diện các cơ quan chính quyền, truyền thông, và báo chí.

Hôm nay chúng tôi rất hân hạnh chào mừng chư Tôn Đức Tăng Ni và quý quan khách đến với buổi thuyết trình Tổng Kết Công Trình Hợp Tác Nghiên Cứu giữa Đại Học Tübingen (Đức Quốc) và Hội Thiền Tánh Không từ năm 2007 đến 2013 với đề tài “Tương Quan Thực Nghiệm giữa Thiền và Các Định Khu Não Bộ.”

Các thành quả của công trình nghiên cứu này đã được trường Đại Học Tübingen công bố tại Đại Hội Thần Kinh và Não Bộ thường niên OHBM của các khoa học gia hàng đầu thế giới về não bộ vào các năm 2010 tại Barcelona, Tây Ban Nha, và năm 2011 tại Quebec, Canada.

Hôm nay do nhân duyên hội đủ, Hội Thiền Tánh Không tổ chức buổi thuyết trình để giới thiệu các thành quả của công trình nghiên cứu trên với chư tôn đức Tăng Ni, và toàn thể quý quan khách trong cộng đồng Việt Nam.

Mục đích của buổi thuyết trình hôm nay trước hết là để tri ân đức hy sinh và phong cách làm việc nhẫn nại, bền bỉ, một lòng vì sự phát triển Đạo Pháp, và sự tu học của chúng đệ tử của Hoà Thượng Thích Thông Triệt, người sáng lập dòng thiền Tánh Không.

Chúng tôi cũng duyên cơ hội này, xin giới thiệu tóm lược cùng quý vị về chủ trương và đường lối pháp hành trì của thiền Tánh Không do Hòa Thượng Thích Thông Triệt sáng lập. Nét đặc thù của Pháp hành trì này là một con đường tuần tự, có hệ thống, giáo trình rõ ràng, đi từ thấp đến cao với hai chủ trương chính:

  1. 1. Thực hành thiền theo đúng tiến trình Tu Chứng và Thành Đạo của Đức Phật Thích Ca.
  2. Dùng những phương tiện kỹ thuật mới của Khoa Học để soi sáng lời Phật dạy, qua đó thiết lập các kỹ thuật thực hành Thiền có tính chất thực dụng và cụ thể, hướng dẫn thiền sinh thực hành thẳng vào cơ chế Tánh Giác để từng bước bớt dính mắc, kinh nghiệm thân tâm hài hòa, phát huy trí tuệ tâm linh. Bản chất của việc làm này là một nỗ lực làm mới lại phương cách diễn đạt cho phù hợp với ngôn ngữ và cách tiếp cân vấn đề của thời đại ngày nay.

Điều cần được nhấn mạnh và xác định rõ ở đây là: về nội dung của Chánh Pháp thì không có gì mới, chỉ có một điều duy nhất mới tức là hình thức và phương cách diễn đạt, được ứng dụng một cách sáng tạo và thiết thực cho phù hợp với bối cảnh lịch sử tiến hóa của thời đại chúng ta, thời đại khoa học kỹ thuật, đã và đang phát triển vượt bậc, chi phối hầu hết mọi lĩnh vực trong đời sống.

Vì thế trách nhiệm hộ trì Chánh Pháp của Phật tử cho dù sinh ra trong bất cứ thời đại nào là: Trước phải tự tu, tự thâm chứng Pháp, sau đó dùng trí sáng tạo của tự thân để diễn đạt và làm cho linh động lại cái thực-tại-hiện-tiền của Pháp. Đó cũng chính là tinh thần “tự giác, giác tha” của Đạo Phật. Nói đến “tự giác” là nói đến sự tu tập với trí tuệ để ngộ bản Tâm của tự thân. Nói đến “giác tha” là nói đến tính sáng tạo với vô tận phương tiện lực, cũng tức là sự đa dạng của các hình thức diễn đạt thông qua ngôn ngữ để làm sáng tỏ và chỉ rõ cái thực-tại-hiện-tiền đó.

Chúng ta có thể nhìn vào lịch sử Phật Giáo để cảm nhận sự đa dạng của các hình thức diễn đạt của các bậc Thầy Tổ đi trước. Xin nêu ra đây vài ví dụ điển hình:

  1. Trước hết là Ngài Xá Lợi Phất Trong Kinh Đại Phương Quảng, Trung Bộ Kinh Số 43, có nói “Trí tuệ cần phải được tu tập, còn thức cần phải được liễu tri.”
  2. Thứ hai là sự phát triển của Vi Diệu Pháp, với sự nhấn mạnh đến quy trình Tâm Pháp
  3. Thứ ba là sự phát triển của Duy Thức Học với sự lý giải chi tiết về cùng một mục đích: tức là “Thức cần phải liễu tri.”
  4. Cuối cùng, là Thiền sư Thường Chiếu (thế kỷ thứ 12) của Việt Nam đã nói một cách mộc mạc đơn giản, mà gần gũi, nguyên văn như sau: "Khi ta hiểu rõ cách vận hành của Tâm thì sự tu tập trở nên dễ dàng".

Đó là điều HT Thích Thông Triệt, vốn cũng xuất thân từ Thiền Viện Thường Chiếu, đã âm thầm thực hiện trong 20 năm qua với công trình nghiên cứu não bộ rất công phu của Thầy: Làm cho chúng ta hiểu rõ cách vận hành của Tâm qua ngôn ngữ diễn đạt mang tính khoa học của thời đại. Kết quả công trình của Thầy đã giúp cho sự tu tập của chúng đệ tử trở nên rõ ràng và cụ thể hơn.

Công trình nghiên cứu của Thầy đã làm sáng tỏ them thực chứng vi diệu của Thiền Sư Thường Chiếu các đây gần 1000 năm.

Thầy đã trực tiếp đem não bộ của mình vào máy thí nghiệm dưới tác động của các sóng từ trường rất mạnh để chứng minh sự tương quan thực nghiệm giữa Thiền và các định khu não bộ. Thành quả chính của công trình này là sự xác định rõ các vị trí, chức năng, cơ cấu, và thành phần của các cấu trúc vận hành trong não bộ. Thông qua đó, sự tương tác giữa Tâm, Pháp, và Trí Tuệ tâm linh được thấu hiểu một cách rõ ràng.

Những thành tựu này của Thầy đã giúp chứng minh rằng: Thiền Phật Giáo là một Khoa Học Tâm Linh Thực Nghiệm. Nó cho chúng ta thấy Chánh Pháp tự nó mang tinh thần khoa học triệt để. Tức là Pháp luôn có các đặc tính: phơi bày, bộc lộ, chói sáng, không dấu diếm, thiết thực hiện tại, không có thời gian, có khả năng hướng thượng, đến để mà thấy, dành cho người có trí tự trải nghiệm trên tự thân của chính mình.

Đó là ý nghĩa của công trình này: Nó làm cho chúng ta hiểu rõ hơn cách vận hành của Tâm thông qua quá trình khảo nghiệm một cách khoa học, giúp cho sự hành trì tu tập trở nên dễ dàng hơn trên đường hành trì Chánh Pháp.

Trong ý nghĩa đó BTC xin trân trọng tuyên bố khai mạc buổi thuyết trình hôm nay. Xin cảm ơn sự chú tâm lắng nghe của quý vị.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

.

Dr. Erb Tường Trình Các Thí Nghiệm từ 2007 tới 2014

.

Neuroelectric and Hemodynamic Correlates of Śūnyatā Meditation - fMRI, EEG and fNIRS Experiments

Neuroimaging experiments on meditation at the Departement of Neuroradiology and the Department for Biomedical Magnetic Resonance in cooperation with the Institute of Medical Psychology and Behavioral Neurobiology, University of Tübingen, Germany, by Dr. Michael Erb and Dr. Ranganatha Sitaram.

Các thí nghiệm chụp hình não bộ khi Thiền tại Khoa Quang Tuyến Thần Kinh và Khoa

Y Khoa Sinh Học Cộng Hưởng Từ phối hợp với Viện Tâm Lý Học Y Khoa và Sinh Học Thần Kinh Nhân Cách, Đại học Tubingen, Đức quốc, thực hiện bởi Tiến sĩ Michael Erb và Tiến sĩ Ranganatha Sitaram.

2006/2007: First test experiments with member from Śūnyatā Meditation Association Stuttgart at the 1.5 Tesla MAGNETOM Scanner (Siemens, Erlangen, Germany) of the Departement of Neuroradiology, University Hospital Tübingen, Germany.

Dates: 05-Dec-2006, 23-Mar-2007, 30-Mar-2007

2006/2007: Đo đạc lần đầu tiên cho các thiền sinh Hội Thiền Tánh Không Stuttgart, dung 1.5 Telsa MAGNETOM Scanner tại Khoa Quang Tuyến Thần Kinh, Bệnh Viện Đại học Tubingen, Đức

Thời gian: 05-12-2006, 23-3-2007, 30-3-2007

2007: First measurements of monks and nuns from Śūnyatā Meditation Centre in Riverside Perris (CA, USA) at the 3 Tesla MAGNETOM Scanner (Siemens, Erlangen, Germany) of the Departement of Neuroradiology, University Hospital Tübingen, Germany.

Including first measurements of Master Reverend Thích Thông Triệt

Dates: 05-Jun-2007, 07-Jun-2007, 12-Jun-2007, 16-Jun-2007, 19-Jun-2007

2007: Đo đạc lần đầu tiên cho Tăng Ni của Thiền Viện Tánh Không, Riverside Perris

( California, Mỹ), dùng 3 Telsa MAGNETOM Scanner tại Khoa Quang Tuyến Thần Kinh, Bệnh Viện Đại Học Tubingen, Đức

Thời gian:05-6-2007, 07-6-2007, 12-6-2007, 16-6-2007, 19-6-2007

2008: Second measurements of monks and nuns from Śūnyatā Meditation Centre in Riverside Perris including Master Reverend Thích Thông Triệt.

Date: 13-May-2008

2008: Đo đạc lần thứ hai cho các Tăng Ni Thiền Viện Tánh Không Riverside Perris bao gồm cả Thiền sư Thích Thông Triệt

Thời gian: 13-5-2008

2009: First measurements of member from Śūnyatā Meditation Association Stuttgart and monks and nuns from Śūnyatā Meditation Centre in Riverside Perris using simultaneous fMRI and EEG recording.

Dates: 26-May-2009, 11-Jun-2009

2009: Đo đạc lần đầu tiên cho các thiền sinh Hội Thiền Tánh Không Stuttgart và Tăng Ni Thiền Viện Tánh Không Riverside Perris, sử dụng đồng thời Kỹ thuật Chụp Ảnh Chức Năng Cộng Hưởng Từ và Điện Não Đồ

Thời gian: 26-2-2009, 11-6-2009

2010: Fourth measurements of Master Reverend Thích Thông Triệt on different levels of meditation

Dates: 16-Jan-2010, 17-Jan-2010

2010: Đo đạc lần thứ tư cho Thiền sư Thích Thông Triệt qua các tiến trình Định.

2010: Presentation of the results of this study at the 16th Annual Meeting of the Organization for Human Brain Mapping held in Barcelona, Spain.

2010: Trình bày các kết quả của công trình nghiên cứu nầy tại Hội Nghị hàng năm lần thứ 16 của Tổ Chức Vẽ Bản Đồ Não Bộ Con Người , tổ chức tại Barcelona, Tây Ban Nha.

Title: “Neuroelectric and Hemodynamic Correlates of Śūnyatā Meditation- Combined fMRI-EEG Study

Date: June-10, 2010

Đề tài: “Tương Quan Điện não và Huyết Động lực Trong Pháp Thiền Tánh Không- Nghiên Cứu Tổng Hợp dùng fMRI và EEG”

Thời gian: 6-10 tháng 6, 2010

2010: Publication of the results in the book “ZEN IN THE LIGHT OF SCIENCE” by Thông Triệt

Date: August 2010

Công bố kết quả thí nghiệm trong sách:“THIỀN DƯỚI ÁNH SÁNG KHOA HỌC“ của Thiền sư Thích Thông Triệt

2010: First measurement of a member from Śūnyatā Meditation Association Stuttgart with functional near-infrared spectroscopy (fNIRS)

Date: 22-Dec-2010

2010: Đo đạc lần đầu tiêncho một thiền sinh Hội Thiền Tánh Không Stuttgart với kỹ thuật f-NIRS

Thời gian: 22-12-2010

2011: Presentation of the results from the fNIRS experiment at the 17th Annual Meeting of the Organization for Human Brain Mapping held in Québec City, Canada.

Title: “Altered Visual and Auditory Processing in Śūnyatā Meditation: a combined NIRS and EEG Experiment

Date: June 26-30, 2011

2011: Trình bày các kết quả thí nghiệm dùng fNIRS tại Hội nghị hàng năm lần thứ 17 của Tổ Chức Vẽ Bản Đồ Não Bộ Con Người , tổ chức tại Quebec, Canada

Đề tài: “Thay đổi tiến trình Thấy và Nghe khi Thiền với Pháp Thiền Tánh Không: thí nghiệm kết hợp NIRS và EEG”

Thời gian: 26-30 /6-2013

2013: Second measurements of member from Śūnyatā Meditation Association Stuttgart and monks and nuns from Śūnyatā Meditation Centre in Riverside Perris using simultaneous fMRI and EEG recording with 256 channel system.

Dates: 18-Mar-2013, 08-Jun-2013, 09-Jun-2013

2013: Đo đạc lần thứ hai cho các thiền sinh Hội Thiền Tánh Không Stuttgard và Tăng Ni Thiền Viện Tánh Không Riverside Perris sử dụng đồng thời fMRI và EEG 256 kinh.

Thời gian: 18-3-2013, 08-6-2013, 09-6-2013

2014: Further fMRI measurements of member from Śūnyatā Meditation in Germany and France

Dates: 08-Jul-2014, 10-Jul-2014, 14-Jul-2014

2014: Đo đạc thêm cho thiền sinh Hội Thiền Tánh Không Đức và Pháp

Thời gian; 08-7-2014, 10-7-2014, 14-7-2014

.
.
.Trích dẫn
Hòa Thượng Thích Phước Tịnh giới thiệu cuối sách “Luận Giảng Vấn Đáp về Thiền và Kiến Thức Thời Đại”

.

Đôi dòng cuối sách.

Chúng tôi được Thầy viện chủ Thiền Viện Tánh Không gởi bản in quyển “Luận Giảng Vấn Đáp về Thiền và Kiến Thức Thời Đại” với lời nhắn “Xin Phước Tịnh viết đôi dòng cho cuốn sách trong lần tái bản này”. Thật ra, hơn 2 năm trước đến thăm Thầy tại thiền viện, Thầy đã nói điều này. Lúc ấy, chúng tôi đã “xin Thầy tha cho”. Nhưng có lẽ lòng thương và sự cảm mến của Thầy khá đậm đà nên Thầy muốn có vài lời của huynh đệ. Đây là cách biểu hiện cho thế hệ sau biết được sự nồng ấm của tình đồng môn. Do vậy, nên chúng tôi bị buộc có đôi dòng cuối sách.

Chúng tôi biết nhau trước 1975 tại Tu Viện Chân Không, và sau đó hội ngộ tại Thiền Viện Thường Chiếu. Thầy viện chủ Tánh Không có mặt nơi đây từ lúc Thường Chiếu mới khai sanh vào mùa Xuân 1974, như một trong những người khai sơn nơi ấy. Thế rồi kéo dài đến sau khi lịch sử đất nước sang trang, duyên nghiệp xô dạt, Thầy bị đẩy đi “tham học và nhập thất tu trong các trại cải tạo trên đất Bắc”. Nhớ lại, Thường Chiếu lúc ấy, thiền đường - nền cũ tại nhà khách hiện tại, đơn sơ mái tôn vách ván quê mùa chứ không nguy nga, tráng lệ như hiện tại. Thế nhưng ấm cúng và ngọt ngào vô cùng; sau giờ công phu thiền tọa, huynh đệ chúng tôi trải chiếu cói giữa sân dưới bóng trăng tròn mát, và ngồi quanh nhau nghe Thầy kể về bao cuộc đổi thay, như từng chương sách hiện thực của chính trường miền Nam trước 75 mà lòng đầy thán phục. Sự hiểu biết của Thầy rất rộng qua nhiều lĩnh vực tư duy sâu sắc nhận định từng vấn đề, cộng với trải nghiệm rất dầy tạo thành phẩm chất nhân văn và nền tảng vững chắc cho con đường nghiên cứu và thiền tập, thành tựu công phu như hiện tại.

Cố nhiên, sách Thầy viết, Pháp hành Thầy dạy cho thiền sinh các nơi, giáo trình những cấp học và hệ thống tổ chức những trung tâm tu, do Thầy thiết kế chương trình tu và hướng dẫn hành trì, đã mang lại lợi ích rất lớn cho người Việt tại hải ngoại và người Tây phương trên nhiều quốc gia Âu Mỹ. Kỳ thực, không hẳn vì dòng Thiền Tánh Không đơn thuần cung ứng pháp hành và lý giải chứng ngộ thực tiễn từ nền tảng khoa học của thần kinh não bộ – một bộ môn nghiên cứu hàng đầu – của các khoa học gia Tây phương, nên trở thành món quà quý và hữu ích cho tâm thức con người văn minh hiện nay, mà còn từ những yếu tố khác quan trọng hơn. Thứ nhất, đây là pháp hành rất trình tự đi từ căn bản cho người mới làm quen, lên đến trình độ thành đạt tuệ giác chứng nghiệm giải thoát tột cùng. Thứ hai, từng thể loại định, tuệ? huệ, chỉ, quán được lý giải sáng tỏ và xây dựng kỹ thuật để hành giả thực tập dễ dàng. Thứ ba, vận dụng kho tàng tuệ giác chứng Đạo của Thế Tôn từ kinh văn nguyên thủy, để giải minh tường tận cấp độ tâm thức, từng cấp độ chứng nghiệm của tiến trình tu. Và điều cuối cùng là Thầy lại đem tự thân mình cống hiến cho thử nghiệm khoa học để chứng thực công năng thiền định biểu hiện ra sao trên thần kinh não bộ. Tóm lại, sách Thầy viết ra hàm ba đặc tính; vừa hàn lâm học thuật nghiêm túc; vừa biểu lộ công phu thật chứng thâm sâu của hành giả; cũng vừa là đồ thị hướng dẫn thiền tập cho người thật sự khao khát chứng nghiệm đời sống tâm linh giữa nhân gian này.

Có những cuốn sách thuộc các thể loại văn học, tôn giáo, chính luận… sinh ra trong môi trường nhỏ hẹp, trong tình cảm tư duy và trải nghiệm non trẻ: hẳn sẽ gây hưng phấn cho người đọc nhất thời, sau đó không lâu chìm vào lãng quên như chưa từng có mặt. Cũng có những quyển sách viết về thiền tập, lý giải con đường chứng nghiệm tâm linh qua suy tưởng của thức tâm. Dĩ nhiên, với chiều dài của thời gian và độ chín của tâm thức xã hội loài người, càng về sau các sách ấy càng bị loại bỏ. Ở đây, sách của Thầy viện chủ Thiền Viện Tánh Không được ươm màu từ phẩm chất rất thực của công trình tu tập chứng nghiệm tự tâm, rồi xác chứng, lý giải bằng khảo sát kinh văn để đối chứng. Thế nên, chúng tôi không nghĩ rằng sách Thầy sẽ đến với số đông người đọc. Nhưng chắc chắn sẽ là sách gối đầu cho những học giả thực thụ và cẩn trọng; nhất là những hành giả thực sự muốn khởi phát kiến giải chân chính để từng bước đi vào cảnh giới như như bất động của tự tâm.

Cuối cùng, xin chân thành tâm tạ Thầy viện chủ và hội Thiền học Tánh Không đã dành cho chúng tôi một tình cảm nồng hậu sưởi ấm tình đồng môn trong những ngày phiêu bạt giữa nhân gian làm Đạo.

Đại Ẩn Sơn, Tu Viện Lộc Uyển

Ngày 20 tháng 07 năm 2014

Phước Tịnh
.
.
Ni Sư Triệt Như trình bày Ra Mắt Sách tại Sanjose 8/3/2014

 

BÀI GIỚI THIỆU SÁCH

LUẬN GIẢNG VẤN ĐÁP VỀ THIỀN VÀ KIẾN THỨC THỜI ĐẠI

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư Tôn Đức Tăng Ni

Kính thưa quí quan khách,

Hôm nay chúng tôi được hân hạnh lên đây giới thiệu quyển sách nhan đề là:

“LUẬN GIẢNG VẤN ĐÁP VỀ THIỀN VÀ KIẾN THỨC THỜI ĐẠI” do Thầy THÍCH THÔNG TRIỆT, Thiền Chủ Thiền Viện Tánh Không tại Nam California, biên soạn.

Quyển “Luận Giảng Vấn Đáp Về Thiền Và Kiến Thức Thời Đại” là một tư liệu tổng hợp gồm nhiều bài giảng, do chính Thầy chúng tôi đã giảng và hướng dẫn thiền sinh tu tập tại các Đạo Tràng Tánh Không trong và ngoài nước Mỹ từ năm 1995 đến 2014. Nay do nhân duyên kết thúc chương trình chụp hình não bộ của Thầy vào tháng 6 năm 2013, nên Thầy muốn nhân cơ hội Tiến sĩ Michael Erb tổng kết chương trình chụp hình não bộ của Thầy, chúng tôi đúc kết lại bài vở và hình ảnh cũ cũng như mới của Thầy dưới nhiều dạng nội dung khác nhau, thành 9 bài Luận giảng và 4 Bài đọc thêm.

Tất cả chủ đề trong những Luận giảng về Thiền và kiến thức thời đại đều xoáy vào 4 trọng tâm:

  1. Giải đáp những thắc mắc của chính Thầy kể từ sau khi nhận ra mình đã thực hành sai (vào đầu năm 1982).
  2. Từ đó đưa đến Thầy nhận ra rằng Thiền Phật giáo là một loại khoa học tâm linh thực nghiệm. Khoa học này nhắm đến đào luyện cá nhân biết cách làm chủ tế bào não của chính mình để có quán tính mới—đó là quán tính không nói thầm. Khi cá nhân đã thực sự làm chủ sự nói thầm, thì tiếp theo sau đó vị ấy sẽ tuần tự khai thác được những khả năng đặc biệt từ bên trong não bộ của chính mình: (1) giúp mình chuyển hóa được những nhận thức sai lầm của mình; (2) giúp mình được hài hòa thân-tâm và phát huy trí tuệ tâm linh của chính mình; (3) giúp cá nhân trở thành một công dân tốt: trong đó cơ bản là có tinh thần vì người khác.
  3. Về trọng tâm thứ ba, vạch ra một chân trời mới trong việc thực hành Thiền: kết hợp khoa học Tây phương với Thiền học Đông phương bằng hình ảnh mà Thầy đã chụp được các vùng trong não bộ. Trước đây, Thầy thường hay nói là: “Đông phương nói được, làm được, mà chỉ không được. Còn Tây phương nói được, chỉ được, mà làm không được. Bây giờ để bổ xung khuyết điểm đó, chúng tôi nói được, làm được, và chỉ được luôn.”
  4. Sau cùng, sau hơn 20 năm, ước mơ được chụp hình não bộ của Thầy đã trở thành sự thật. Điều này đã nói lên ý chí + khả năng + miên mật thực hành + nhân duyên hội đủ. Trong bề đáy của 4 tiến trình đó là ta không nói gì về ước mơ đó cả. Đây là Tự Ngã Thanh Tịnh tuyệt đối mà trong Kinh Bát Nhã thường đề cập đến. Còn trong hệ Nguyên Thủy, Đức Phật gọi là Tâm Bất Động hay Tâm Như.

Kính thưa quí vị,

Quyển sách này dày 233 trang. Gồm có 9 Bài Luận Giảng. Chúng tôi xin tóm lược nội dung sau đây.

Bài Luận giảng 1: chủ đề là: Giới thiệu cách tạo Luận

Trong phần này, Thầy cho biết trong mỗi bài Luận giảng, trước nhất Thầy viết một bài Luận ngắn, rồi tiếp theo là dùng phương thức Vấn-Đáp, tức là giả sử như có người đặt câu hỏi, Thầy trả lời để cho đề tài được trình bày rõ ràng hơn.

Bài Luận giảng thứ 2: Mục đích tạo Luận

Phần này Thầy trình bày những lý do Thầy biên soạn bộ Luận này: đó là muốn làm sáng tỏ giá trị của Thiền Phật giáo trong thế giới văn minh khoa học kỹ thuật của thế kỷ 21.

Trong phần này, có trích dẫn thêm 1 bài kinh ngắn, là bài Kinh Bāhiya, mục đích dẫn chứng lời dạy của Đức Phật về 4 Tánh trong con người: Tánh Thấy, Tánh Nghe, Tánh Xúc chạm, và Tánh Tự nhận thức biết.

Bài Luận giảng thứ 3: Ý nghĩa Thiền và Kiến thức thời đại

Đây là phần giải thích ý nghĩa gốc của thuật ngữ Thiền, đồng thời phân tích cốt lõi của Thiền Phật giáo là Ngộ và nội chứng. Tiếp theo là phần giảng rõ ý nghĩa của khoa học và kỹ thuật liên hệ đến Thiền như thế nào.

Trong phần này có Bài đọc thêm về Lợi ích thiết thực của kiến thức thời đại, trình bày về những chất sinh hóa học tiết ra từ hệ thống tuyến nội tiết và hệ thần kinh tự quản như: Acetylcholine, Dopamine, Serotonin, Melatonin, hay Epinephrine, Norepinephrine, Cortisol, Glucagon.

Bài Luận giảng thứ 4: Khoa học tâm linh

Trong bài Luận này, Thầy định nghĩa thuật ngữ Tâm linh là siêu vượt, cao thượng hơn Tâm đời và Tâm đạo. Mục tiêu thực tiễn của Thiền là nhắm tới Hài hòa: hài hòa trong nội tâm, kế là hài hòa thân, hài hòa với gia đình, xã hội và hài hòa với môi trường thiên nhiên trong đời sống. Cuối cùng là đạt được phát huy Phật tánh.

Bài Luận giảng thứ 5: Quan niệm mới về sự thực hành Thiền

Thầy chủ trương cần trang bị cho người thực hành Thiền 4 loại hành trang đó là:

  • Kiến thức về Phật học có nghĩa là nền tảng của chúng ta vẫn là theo bước chân chứng ngộ của Đức Phật Thích Ca và những lời dạy của Ngài.
  • Kiến thức về Thiền học: đó là những phương tiện tu học: Quán, Chỉ, Định và Huệ.
  • Kiến thức về khoa học: đem những phát minh của khoa học não bộ để giải thích về Hồi Đáp sinh học trong Thiền, khi nào Thiền đúng ? Đúng thì có những kết quả nào, khi nào là sai ? Sai thì hậu quả ra sao ?
  • Kiến thức về kỹ thuật thực hành: tất cả những kỹ thuật thực hành đều sử dụng 4 tiến trình của cái Biết: Đơn niệm Biết, Thầm nhận biết, Tỉnh thức biết, và Nhận thức biết.

Bài Luận giảng thứ 6: Bốn trạm tiếp vận trong não bộ con người

Phần này gồm 4 bài giới thiệu về vị trí, chức năng, đặc tính và tác dụng của:

  • trạm tiếp vận 1 là Cơ cấu mạng lưới,
  • trạm tiếp vận 2 là Đồi thị
  • trạm tiếp vận 3 là Dưới Đồi
  • trạm tiếp vận 4 là vùng Precuneus hay là trạm tiếp vận tâm linh tức là cơ chế phát huy Phật tánh.

Bài Luận giảng thứ 7: Tác dụng của Thiền đối với sự điều chỉnh bệnh tâm lý và bệnh tâm thể

Trong phần này có 2 Bài đọc thêm về những nguyên nhân gây ra và cách điều chỉnh:

  • bệnh tâm lý tức là bệnh uất cảm, từ phổ thông là Stress.
  • bệnh tâm thể, là những bệnh của thân gây ra do tâm rối loạn thường trực.

Bài Luận giảng thứ 8: Nghiên cứu của Dr. Michael Erb

Đây là bài tường trình công cuộc nghiên cứu về sự thực hành Thiền Định có những biểu hiện nào trên các định khu não bộ con người do ông Tiến sĩ Michael Erb thực hiện cho Thầy Thiền Chủ.

Bài này do chính ông Tiến sĩ Michael Erb viết bằng tiếng Anh, sau đó được dịch ra tiếng Việt, trình bày tuần tự tiếng Anh-tiếng Việt liên tiếp nhau.

Bài Luận giảng thứ 9: Ước mơ trở thành sự thật

Trong phần này có bài tường trình của cô thiền sinh Minh Tuyền về những nguyên nhân dẫn đến việc chụp hình não bộ bằng máy fMRI này.

Tiếp theo là bài của anh thiền sinh Quang Chiếu kể lại tĩ mĩ diễn tiến kế hoạch chụp hình não bộ của Thầy trong từng giai đoạn.

Trong bài “Chân Trời Mới,” Thầy kể lại diễn tiến từ lúc Thầy tu tập trong tù, mò mẫm dụng công, không kinh, không pháp, không thầy, không bạn, dụng công sai, nên thân mang nhiều thứ bệnh; cho đến khi chán ngán, trí năng bế tắc, bỗng nhiên Thầy rơi vào trạng thái Định vững chắc, Thầy ngộ ra: “Định là Biết không lời. Vọng tưởng chỉ là lời nói thầm. Không nói thầm thì đạt được Định.”

Từ đó, Thầy từ từ điều chỉnh được thân khỏe mạnh, thần sắc tươi sáng. Vì thế, Thầy khởi ý khi nào được trả tự do, có điều kiện, Thầy muốn chụp hình não bộ khi vào Định để chứng minh giá trị của Định đối với thân, tâm, và trí tuệ tâm linh con người ra sao ?

Đến năm 2006, chương trình chụp hình não bộ bằng máy fMRI của trường Đại học Y khoa Tuebingen- Đức quốc bắt đầu thử nghiệm với 2 thiền sinh của đạo tràng Stuttgart, và sau đó chính thức với Thầy Thiền Chủ và Tăng đoàn vào năm 2007. Rồi liên tiếp các năm 2008- 2009- 2010 và mới đây năm 2013, sau đó chấm dứt chương trình này.

Công trình nghiên cứu Thiền và não bộ này đã mở ra một chân trời mới cho nền Thiền Học Đông phương được giới thiệu đến các quốc gia tân tiến Tây phương như là một khoa học tâm linh thực nghiệm.

Kính thưa quí vị,

Trên đây, chúng tôi cố gắng tóm lược 9 bài Luận giảng trong sách: “ Luận Giảng Vấn Đáp về Thiền và Kiến Thức Thời Đại” được phát hành trong ngày hôm nay.

Chúng tôi xin đúc kết lại những đặc điểm của quyển sách này là:

  1. Sách có nhiều hình ảnh màu về những định khu trong não bộ. Những hình ảnh kết quả của máy fMRI chụp Thầy khi vào Định sâu ra sao ? Các vùng của 4 Tánh Thấy, Nghe, Xúc chạm, Nhận thức ở đâu trong não bộ ? Đồng thời những vùng thuộc về vọng tâm hoàn toàn yên lặng thì hiện ra trên màn ảnh của máy fMRI như thế nào ? Khi suy nghĩ thì tác động vào vùng tiền trán như thế nào ?

  1. Quyển sách này lấy tư liệu từ kinh Nikàya và A hàm. Ngoài ra còn là tư liệu từ tạp chí National Geographic và những tác giả ngoại quốc, viết bằng tiếng Anh.

.

Sau đây chúng tôi xin trích dẫn lời nhận xét của Hoà Thượng Phước Tịnh về Thầy và về phương pháp Thiền Tánh Không, trong “Đôi dòng cuối sách” của quyển “Luận Giảng Vấn Đáp về Thiền và Kiến thức thời đại”:

“Cố nhiên, sách Thầy viết, pháp hành Thầy dạy cho thiền sinh các nơi, giáo trình những cấp học và hệ thống tổ chức những trung tâm tu, do Thầy thiết kế chương trình tu và hướng dẫn hành trì, đã mang lại lợi ích rất lớn cho người Việt tại hải ngoại và người Tây phương trên nhiều quốc gia Âu Mỹ. Kỳ thực, không hẳn vì dòng Thiền Tánh Không đơn thuần cung ứng pháp hành và lý giải chứng ngộ thực tiễn từ nền tảng khoa học của Thần kinh Não bộ - một bộ môn nghiên cứu hàng đầu - của các khoa học gia Tây phương, nên trở thành món quà quý và hữu ích cho tâm thức con người văn minh hiện nay, mà còn từ những yếu tố khác quan trọng hơn:

  • Thứ nhất, đây là pháp hành rất trình tự đi từ căn bản cho người mới làm quen, lên đến trình độ thành đạt tuệ giác chứng nghiệm giải thoát tột cùng.
  • Thứ hai, từng thể loại Định, Tuệ, Chỉ, Quán được lý giải sáng tỏ và xây dựng kỹ thuật để hành giả thực tập dễ dàng.
  • Vận dụng kho tàng tuệ giác chứng đạo của Thế Tôn từ Kinh văn Nguyên Thủy, để giải minh tường tận cấp độ tâm thức, từng cấp độ chứng nghiệm của tiến trình tu.
  • Và điều cuối cùng là Thầy đem tự thân mình cống hiến cho thử nghiệm khoa học để chứng thực công năng Thiền Định biểu hiện ra sao trên thần kinh não bộ.

Tóm lại, sách Thầy viết ra hàm ba đặc tính: vừa hàn lâm học thuật nghiêm túc, vừa biểu lộ công phu thật chứng thâm sâu của hành giả. Cũng vừa là đồ thị hướng dẫn thiền tập cho người thật sự khao khát chứng nghiệm đời sống tâm linh giữa nhân gian này”…

Kết luận lại, theo cái nhìn của chúng tôi, đây là một tác phẩm có giá trị chứng minh được Thiền Phật Giáo là một khoa học tâm linh thực nghiệm.

Đây cũng là một bước tiến của Thiền, đặc biệt là Thiền Định với những chứng minh rõ ràng khoa học về giá trị thiết thực của Thiền Phật giáo trong đời sống của con người về 3 mặt: giúp thân khỏe mạnh hài hòa, giúp tâm an vui hài hòa thanh thản, và phát huy được trí tuệ trực giác và sáng tạo trong mỗi người chúng ta.

Trước khi dứt lời, chúng tôi xin chân thành cám ơn quí vị đã lắng nghe.

Xin cầu chúc quí vị vững tâm tiến bước trên con đường tâm linh theo Đức Phật .

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
.
.

BS Đặng Ngọc Cương giới thiệu:

.

ĐÂY LÀ BÀI GIỚI THIỆU CUỐN

LUẬN GIẢNG VẤN ĐÁP VỀ THIỀN VÀ KIẾN THỨC THỜI ĐẠI

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư tôn đức Tăng Ni,

Kính thưa quí quan khách,

Hôm nay chúng tôi rất hân hạnh giới thiệu cuốn LUẬN GIẢNG VẤN ĐÁP VỀ THIỀN VÀ KIẾN THỨC THỜI ĐẠI.

Bài giới thiệu gồm có 3 phần:

  1. Hoàn cảnh ra đời của cuốn sách.
  2. Công trình thực hiện của phương pháp Thiền Tánh Không.
  3. Những đặc điểm của Thiền Tánh Không với những ứng dụng trong tương lai.

Thời đại hôm nay con người đang sống có rất nhiều biến động: chiến tranh, thiên tai, ô nhiễm môi trường, v.v… Con người rơi vào tình trạng mất thăng bằng triền miên. Do đó Thiền là một giải đáp cho con người để làm chủ chính mình và sống hài hòa với mọi người chung quanh.

Nhìn vô lịch sử của Thiền học chúng ta thấy:

  1. Tổ Bồ Đề Đạt Ma là người tiếp nối pháp môn Thiền Phật Giáo. Trong suốt thời gian dài, Thiền đã đi những bước lớn vào đời sống con người.
  2. Tác phẩm Thiền Luận của Daisetz Teitaro Suzuki đã đi vào thế kỷ 20 với những luận giảng sâu sắc. Tác phẩm này nói đến những công án Thiền và những chiêu thức dạy Thiền độc đáo như Thiền sư dùng tiếng hét, dùng roi, dùng gậy để dạy đệ tử cầu mong đốn ngộ.
  3. Thế kỷ 20, 21 đã nở rộ của những làng Thiền, thôn Thiền, Thiền viện ở nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt có sự đóng góp trí tuệ và kinh nghiệm của các Thiền sư Việt Nam.
  4. Hôm nay chúng tôi nói đến Thiền Tánh Không của Thầy Thông Triệt được biết đến như một khoa học tâm linh thực nghiệm.
  5. Ngay từ những ngày đầu tiên đến nước Mỹ, Thầy đã có ý thực hiện ước mơ của mình từ năm 1993 đến năm 2013 là phát triển Thiền Tánh Không dựa trên những kiến thức khoa học não bộ hiện đại.

  1. I. SỰ RA ĐỜI CỦA THIỀN TÁNH KHÔNG

Thầy Thông Triệt trước tiên được biết là một nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam ở thập niên 1960-1970, mà chúng tôi có cơ hội cộng tác vào các chương trình cứu trợ xã hội đi về nông thôn.

Vào năm 1974, Thầy được Hòa Thượng Thích Thanh Từ nhận xuất gia tu thiền ở Thiền viện Chân Không.

Đến năm 1975, với sự sụp đổ của miền Nam, chúng tôi đi học tập cải tạo. “Còn Thầy phải nhập thất bất đắc dĩ dài hạn!” Chính trong thời gian này, Thầy đã hành thiền để sống sót. Qua một lần thất bại, năm 1982, Thầy đã thành công ngộ đạo.

Theo vận nước nổi trôi, Thầy được sang Mỹ năm 1992. Tại Mỹ, Thầy hành Thiền và hướng dẫn Thiền cho đại chúng bắt đầu ở tiểu bang Oregon…

Đặc biệt Thầy có cơ duyên nghiên cứu về tác dụng của Hệ Thần kinh não bộ và những chức năng tương tác của các cấu trúc não bộ và hệ viền não với sự giúp đỡ của Tiến sĩ David Johnson ở Hawaii.

Năm 2007, Thầy có cơ duyên tiếp xúc và làm việc với trường Đại học Tuebingen, Đức quốc, với các Giáo sư Tiến sĩ Michael Erb, trưởng khoa điện não, và Giáo sư Tiết sĩ Ranganatha Sitaram của viện Tâm lý Y khoa Sinh học Thần kinh. Bằng chương trình chụp hình não bộ khi hành Thiền với kỹ thuật Chức năng cộng hưởng từ trường (fMRI).

Đặc biệt học thuyết căn bản Thiền Tánh Không dựa vào những lời Đức Phật đã trực tiếp mô tả.

Kết quả của công trình này đã được Tiến sĩ Erb mô tả ở phần thuyết trình vừa qua. Chúng ta thấy Thầy đã định vị được: (1) Vùng Thấy ở thùy chẩm, (2) Vùng Nghe ở thùy thái dương, (3) Vùng Xúc chạm ở thùy đỉnh, và (4) Vùng Tánh Nhận thức biết nằm ngay tại trung tâm của thùy đỉnh.

Điều quan trọng là Thầy đã trực tiếp đem não bộ của mình vào thí nghiệm dưới tác động của các sóng vi ba từ trường trong khi thực hành Thiền nhiều lần trong những năm 2007, 2008, 2009, 2010, và 2013.

Thầy đã áp dụng các phản ứng Hồi đáp sinh học não bộ để lý giải các biến đổi trong các cấu trúc não bộ khi có tác động bên ngoài, hoặc khi hành Thiền để trị liệu.

Các thành tựu này được trình bày tại 2 kỳ Đại hội Thần kinh học thế giới năm 2010 tại Barcelona, Tây Ban Nha, và năm 2011 tại Quebec, Canada.

Những thành tựu này đã đưa Thiền Phật Giáo đến một chu kỳ mới, đem lời dạy của Đức Phật áp dụng vào khoa học hiện đại đưa đến pháp môn Thiền là một Khoa Học Tâm Linh Thực Nghiệm:

  • Khoa học bởi vì Thiền đã dùng những kiến thức khoa học não bộ hiện đại để thực hành Thiền.
  • Tâm linh bởi vì đó là một phương thức để khai mở trí tuệ siêu việt vượt thời gian.

- Đó là một tuệ giác có tính sáng tạo.

- Đó là phát huy tâm Từ Bi Hỉ Xã không điều kiện và không giới hạn.

  • Thực nghiệm bởi vì Đức Phật đã chứng nghiệm trên thân tâm và trí tuệ tâm linh của chính mình, rồi sau đó mới đem ra để dạy dỗ chúng sinh. Bây giờ chúng ta thực hành theo phương pháp của Phật để tự mình chứng nghiệm phát triển thân tâm trí tuệ tâm linh như ngày nay.
  • Cho nên Thầy đã định nghĩa Thiền Tánh Không như sau:

- Đó là huấn luyện tế bào não của con người để có một quán tính mới là quán tính không dính mắc, mà trước đây là một quán tính dính mắc của con người.

  1. II. NHỮNG ỨNG DỤNG CỦA THIỀN TÁNH KHÔNG

  1. Hiện đại hóa kiến thức Thiền bằng những kiến thức khoa học não bộ và những chức năng hồi đáp sinh học.
  2. Đóng góp vào khoa trị liệu Tâm thần Bệnh học.
  3. Lập thành môn Tâm linh Liệu pháp trong tương lai vận dụng vào việc phòng chống các rối loạn tâm thể.

  1. III. Kết luận

Thiền Tánh Không đã chứng minh nhận định của nhà Bác học Einstein về Phật Giáo và Khoa học hiện đại:

Ông Einstein đã nói “Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng được với các nhu cầu khoa học hiện đại thì đó là Phật Giáo. Bởi vì Phật Giáo bao hàm cả khoa học, cũng như vượt qua khoa học.

Chúng tôi nghĩ rằng với cuốn sách này, Thầy đã cho chúng ta một chìa khóa để lấy lại sự làm chủ thân tâm của mình, để biết mình là AI, mình sẽ đi về đâu, và để sống hài hòa với mọi người chung quanh.

Xin cám ơn Chư Tôn Đức Tăng Ni và quí quan khách.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.






.
,

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.