Hôm nay,  

Niềm Đau

19/07/201400:00:00(Xem: 2520)
Hương tiếp tục lửng thửng đi theo con đường Quang Trung với nỗi lòng quặn thắc trong buổi hoàng hôn se lạnh của trời cuối thu làm cho con tim càng thêm nhức nhối. Cảnh vật chung quanh như đồng cảm và trĩu nặng với mối u sầu vương mang của lữ khách. Phút chốc, Hương đã đến bên bờ sông Thạch Hãn, lòng Hương buồn vời vợi khi chạnh nhớ bài thơ LỠ LÀNG của Đông Phong TĐĐ… để rồi đồng cảm với tác giả, và rồi vội vã ra về vì trời đã tối sầm một cách đáng sợ…

Đêm hôm đó, Hương không tài nào ngủ được. Nhớ lại lời nói miệt thị và thái độ thù ghét mà Nhân đã đối xử với nàng hồi chiều làm cho con tim Hương nhức nhối, lòng buồn và buồn vô hạn... Với tấm lòng độ lượng và có một điều gì hối hận, nên Hương lại tự nhủ với lòng là đáng thương Nhân hơn là đáng trách !

Một điều Hương hằng cầu mong cho Nhân được bình an và có được một mái ấm gia đình hạnh phúc…Không ngủ được, nhưng trời đã sáng, Hương tự hứa với lòng là quên đi tất cả….

Thế gian nhiều nỗi đắng cay
Mấy ai hiểu được lòng này cho chăng
Thương ai máu lệ đôi hàng
Thấm sâu về dưới suối vàng giải oan…

Hương rời phòng ngủ, sau khi trang điểm một cách sơ sài, nàng rủ Bà Ba cùng đi ra quốc lộ 1 ngang qua xã để Hương có dịp tìm hiểu thêm về các chứng tích của thảm hoạ 1972 & 75...

Trên đường đi dọc Quốc Lộ 1 ra hướng Bắc về phía tay trái, Hương nhìn thấy tượng Ngài Địa Tạng nên rất ngạc nhiên...

- Đó là Chiêu Linh Đài của Phật Giáo. Trong đợt theo dân Quảng Trị hồi cư, Tỉnh Giáo Hội PGVNTN tỉnh Quảng Trị được sự thoả thuận của xã Hải Trường nên đã dựng lên một ngôi Chùa tạm vừa làm trụ sở Tỉnh Giáo hội QT, gần với khuôn viên Tỉnh Giáo hội, Thượng Toạ Thích Chánh Trực cho xây Tượng Đài Ngài Địa Tạng gọi là Chiêu Linh Đài để giải oan cho bao sinh linh chết oan, chết thảm trong cuộc chiến, gọi là Đại Lộ Kinh Hoàng. Vào khoảng tháng Tư năm 1974, Tỉnh Giáo Hội có sự tiếp tay của các cơ quan thuộc tỉnh, Hội Đồng Tỉnh và dân chúng tổ chức một Đại Lễ Đại Trai Đàn kéo dài hơn một tuần do Tỉnh Giáo hội chủ trì có sự tham dự của nhiều phái đoàn các tỉnh và phái đoàn PGVNTN Trung Ương ra tham dự.


Sau năm 1975, ngôi chùa bằng cây gỗ lợp tôn phải tháo gỡ di dời ra chùa Sắc Tứ. Chiêu Linh Đài xây bằng xi măng nên còn lại, nhưng nhà cầm quyền không cho tu sửa, mãi sau này một số tín đồ làm liều lén lút sơn quét lại mới thấy được như ngày nay.

Tháng 7 năm 2005, Thầy Thích Chánh Liêm phối hợp với quý thầy ở Huế có tổ chức một đại lễ Trai Đàn có rất đông đạo hữu các nơi về tham dự nhưng vẫn hạn chế một số chùa ở Hải Lăng không tham dự được. Bà Ba giải thích...

Hương đi dọc thêm mấy kilomet về hướng Bắc thì thấy một nghĩa trang khang trang tên là “Nghĩa trang liệt sĩ”. Nơi đó có một tượng đài cao hơn sáu mét có hàng chữ - Đài Liệt sĩ.

Bà Ba kể cho Hương nghe lai lịch nghĩa trang và tượng đài nầy... Năm 1973, Tỉnh và Hội Đồng Tỉnh Quảng Trị đã chọn khu đất nầy làm Nghĩa Trang và Đài Tưởng Niệm nạn nhân chiến cuộc 1972. Đó là vùng đất rộng lớn do xã Hải Trường thuận nhượng. Hội Đồng Tỉnh cho trồng dương liễu chung quanh và lập nên một nghĩa trang rất đẹp.

Đài Tưởng Niệm có tường thành xây bao chung quanh. Phía sau Đài có ngôi nhà xây tường, lợp ngói gọi là Đền Tưởng Niệm, phía trong có ba căn thờ lớn và giao cho xã quản thủ, cắt cử người trông nom hương khói. Quanh Đền, Đài là khu mộ của những đồng bào và binh sĩ tử nạn không có thân nhân.

Sau biến cố cuối tháng 4/1975, Đền và Đài tưởng niệm cùng chung số phận của bao nghĩa trang như NghĩaTrang Biên Hòa của quân đội VNCH khác bị xóa sạch. Nghĩa trang này chúng cướp đi để lập thành Nghĩa trang liệt sĩ Cọng sản, ngôi Đền thì chúng san bằng và cướp gạch ngói, gỗ về làm của riêng. Về Tượng Đài, chúng giữ lại và cải biến thành Đài Liệt sĩ.

Hương nghe Bà Ba kể hành động cướp đoạt như trên, nàng cảm thấy quá xót xa cho thân phận người dân sau ngày gọi là “được giải phóng”. Đối với người sống thì chúng đoạt của, bắt làm nô lệ, bắt tù tội đủ cách... Với người chết thì chúng cũng cho “liệt sĩ ”của họ gianh chỗ nghĩa trang “tử sĩ”.

Quá ngao ngán, Hương buông tiếng thở dài …. Nàng kéo tay Bà Ba lửng thửng đi về với nỗi buồn vô tận... (Nguyễn Ninh Thuận)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.