Hôm nay,  

Ánh Đạo Bên Quê Nhà

03/03/200000:00:00(Xem: 5708)
Việt Báo Kinh Tế số ra ngày thứ bảy 26/2/2000, dành gần một trang loan tin hàng đầu: “PGHH trung ương thành lập, hoạt động bất chấp nhà nước”. Cái gì đến phải đến thôi. Ai độc tài hơn Cesar. Đế quốc nào lớn và dai hơn đế quốc La Mã. Nhưng sự độc tài sức mạnh đó chỉ là cái kén chết đi. Chính Ky Tô giáo là sự sống, sự phát triển để làm linh hồn cho nền văn minh Tây phương cho đến ngày nay. Hai mươi lăm năm diệt PGHH, âm mưu ám hại Đức Huỳnh Giáo Chủ và hàng mấy chục ngàn tín đồ PGHH thả trôi trên sông Tiền, sông Hậu và kinh rạch miền Tây của CSVN chỉ giúp cho tôn giáo PGHH củng cố niềm tin, gần gủi gắn bó với nhau hơn, đi vào “lòng dân tộc” hơn, như cố nhân sĩ Nguyễn Long tự Thành Nam đã viết.

Chắc Nhà Nước CSVN mà 100% là đảng viên CS cũng còn nhớ “Sức ép càng nhiều sức bật càng cao”. Gần một phần tư thế kỷ bị bách hại, gần 6 triệu nông dân Nam bộ kia âm thầm chịu đựng, âm thầm tu hành - tu mà vẫn lén lút - có làm hại gì, chống phá hay lật đổ ai đâu. Hà cớ gì, ngọn núi lửa đa nguyên lại đem giải pháp “Mười Tôn - Ban Đại Diện PGHH” áp đặt lên để khai dòng phún thạch. Hà cớ gì, mắc mớ chi sửa, cắt Sấm giảng, đổi tên tổ đình thành Phủ Thờ, Thánh Địa thành xã để những tín đồ nông dân kia “tức nước, vỡ bờ, quá sức chịu đựng. Hay đó là ý kiến của số đảng viên gốc Bắc muốn gạo thế rối loạn ở miền Nam để “đổ thừa” - nhà họ Đổ mà - và có lý do điều thêm Đảng viên Bắc vào Nam hầu gây thanh thế dằn mặt Võ Văn Kiệt kẻ mà dân Nam quen gọi là Tám Thuận, quê Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, địa linh nhân kiệt, phát sanh nhiều Thủ Tướng. Đó chỉ là giả thuyết. Thực tế vẫn là giải pháp Mười Tôn - giải pháp giáo hội quốc doanh - đã phá sản. Ít nhất 7 trong 11 đảng viên của Ban chỉ ru rú trong bóng tối vì sợ những người quen sỉ vã phản đạo, phản thầy, mà hình phạt là “ra tro bụi” quần chúng tẩy chay, chẳng đại diện được ai. Còn đối ngoại, giải pháp này là trò cười. Không một viên chức ngoại quốc nào đến gặp Mười Tôn mà lặn lội tìm Cụ Lê Quang Liêm thôi.

Cụ Lê Quang Liêm - đa số gọi là anh Mười Liêm thân mật kiểu nông dân - là người có chức sắc cao nhất còn sống trong 3 hệ phái, vừa có kinh nghiệm quân sự, hành chánh, chính trị (sĩ quan cấp Tá, Dân biểu) và giáo sư (Hội trưởng Trung Ương) lại vừa có tinh thần muốn tử vì đạo. Sức lôi cuốn đó (charisma) cộng với sự tức nước vỡ bờ của quần chúng là điều kiện cần và đủ của phong trào tái phục hoạt PGHH. Qui luật xã hội cho biết bao lâu mà nhân dân tạo được thành phong trào thì Nhà Nước không thể diệt, và phong trào sẽ phát triển. Nên sự thành lập Ban trị sự Trung ương PGHH là tất yếu.

Tình hình hiện tại, CSVN không thể và không lợi để đàn áp, tiêu diệt trung ương PGHH.


Với CS điều kiện kinh tế là chủ yếu. Diệt PGHH là phá vựa lúa miền Tây - nơi đã cứu nguy CSVN, đưa VN lên hàng thứ nhì về sản xuất lúa gạo thế giới. 90% tín đồ PGHH quần cư ở miền Tây, 80% tín đồ là nông dân.

Yếu tố chính trị nội bộ đảng không cho phép điều cán bộ Bắc vào miền Tây nữa. Ngay cả thời Lê Duẩn, Trường Chinh có vài tỉnh như Cần Thơ, Nguyễn Hà Phan đã từng cho hàng trăm Công An Bắc “cơm ngày ba bữa, tắm rửa hai lần” ở nhà Khách, chớ không “bố trí công tác”, dựa vào nguyên tắc “cấp ủy địa phương chỉ đạo” của Đảng. Huống hồ, thế lực của phía Nam đã bàng bạc thời Võ Văn Kiệt và nhất là sau quyết định sai lầm ngăn ký thương ước với Mỹ của “nhà họ Đỗ”. Với tình hình chia rẽ Bắc Nam trong nội bộ Đảng như vậy, không ai dám lãnh trách nhiệm ra lịnh diệt một phong trào tôn giáo. Đó là tính hợp thời của sự thành lập Trung Ương PGHH. Tính hợp lòng dân - đại đa số dân VN đều có tín ngưỡng - thể hiện qua sự liên kết của bốn tôn giáo đòi tự do hành đạo mà công luận trong ngoài nước theo dõi sát nhiều tháng rồi.

Với các dữ kiện trên, khả năng diệt gọn và san bằng (bắt bớ, thủ tiêu) trung ương và địa phương không thể xảy ra đối với PGHH. Khả năng tăng cường giải pháp Mười Tôn làm đối trọng với Trung Ương PGHH thuần túy cũng rất nhỏ. Trong 11 đảng viên, Mười Tôn thì i tờ, 9 đảng viên kia co đầu rút cổ vì sợ quần chúng. Theo tin tức trong nước, có người không dám bén mảng về quê, sợ bị rủi ro gặp xỉ vả. Chỉ có một người tên Đạt còn “trung với Đảng” nhưng nghe đâu cũng đang sợ “ra tro bụi” lúc nào không biết. Đặc tính của cộng đồng Hòa Hảo là bén nhậy với người lạ mặt, kẻ phản phúc. Chính nhờ thế mà Tết Mậu Thân, vùng Hòa Hảo là vùng yên tịnh nhất VNCH, Việt Cộng không xâm nhập nổi.

Có nhiều khả năng cho thấy CSVN giả lơ “chưa hay biết” gì, hoãn binh chi kế cái đã. Một là PGHH chưa có một hệ thông tổ chức chặt chẽ toàn cầu như Công giáo. Dù có xáo trộn cũng còn nằm trong nước thôi. Chấp nhận một tình hình xấu vẫn hơn là làm cho tệ thêm. Thứ hai, cho đến bây giờ đòi hỏi của PGHH vẫn chưa có gì quá đáng. Tự do theo hay không theo đạo vẫn được ghi trong Hiến Pháp kia mà dù thực tế thì cấm và bạch hại đạo. Thứ ba là chấp nhận mặc thị hiện tại tình hình (status quo) vẫn có điều lợi quốc tế, tỏ vẻ CSVN có tự do tôn giáo hơn là diệt gọn sẽ tạo sự phản đối dây chuyền.

Là một người sanh, lớn lên, trưởng thành của miền Tây, xem dòng sông Hậu như động mạch chủ của đời mình, xem bà con miền Tây như anh em “con một cha với mình”, nên vẫn quen suy luận bằng trực giác - vì là vấn đề tôn giáo - hơn học lý chính trị.
Và kết luận bài này là lời cầu nguyện xin Ân trên và Hồn Thiêng Sông Núi phù hộ cho số đồng bào ruột thịt, máu mủ của con thành công trong cuộc đòi hỏi bất bạo động để được tu hành, làm lành lánh dữ theo tín ngưỡng của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.