Hôm nay,  

Vài Suy Tư Về Thầy Trịnh Nhật - Bài Số Hai

29/07/200000:00:00(Xem: 4947)
Trong số trước, tôi đã nêu lên một số điểm không đồng ý với thầy Trịnh Nhật quanh chuyện "kiếp sống lưu đầy" của người Việt tỵ nạn và thái độ nên hay không nên "sát muối vào vết thương mất nước". Trong số này, tôi sẽ trình bầy những điểm không đồng ý với thầy Trịnh Nhật qua đoạn thầy viết nguyên văn như sau:

"Nhìn lại những "trò múa rối" trước kia khi tôi còn trong nước, và bây giờ đây khi tôi ở ngoài nước, những chia rẽ về ý thức hệ lỗi thời Quốc Cộng, những kỳ thị phân biệt cục bộ Bắc Nam Trung, những làn sóng ngầm đào xâu, khơi rộng hố ngăn cách giữa các tôn giáo với nhau, tôi đã có lúc chán nản, thất vọng đến độ phải mơ ước được: "Kiếp sau xin chớ làm người... và chớ làm người Việt Nam" - một mơ ước không chắc gì thực hiện được, vì với tôi, tôi không tin rằng sẽ có kiếp sau."

Thú thực, ngay khi đọc đoạn văn trên, tôi rất bất bình. Tôi không biết chính xác thời điểm thầy Trịnh Nhật còn ở Việt Nam là thời điểm nào, và khi nào thì thầy đến Úc, nhưng nhìn vào những gì xảy ra ở Miền Nam trong suốt thời gian từ khi hai miền của đất nước bị chia cắt cho đến 1975, tôi thấy tất cả mọi biến cố đều xoay quanh mục tiêu duy nhất: Chiến đấu bảo vệ Miền Nam trước làn sóng xâm lăng của cộng sản Hà Nội. Vì mục tiêu cao cả này, cả một dân tộc sống trên một nửa đất nước, đã liên tục đổ mồ hôi, công sức và cả xương máu. Trên con đường thực hiện mục tiêu cao cả đó, hàng triệu người đã anh dũng hy sinh, trong đó có cả người trẻ, người già, đàn ông, đàn bà. Cũng trên con đường thực hiện mục tiêu cao cả đó, hàng triệu người ngây thơ vô tội đã bị chết một cách oan ức, tức tưởi, trong đó có cả những góa phụ trên đầu đã mấy vòng tang, những trẻ em ngây thơ mới chập chững biết đi, những bào thai đang tượng hình trong bụng mẹ... Hiển nhiên, trước cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, hào hùng và bi tráng như vậy của hàng chục triệu con người, thầy Trịnh Nhật đâu có thể coi đó là "những trò múa rối" làm thầy chán nản đến độ "không muốn làm người Việt Nam""

Đồng ý, cuộc chiến tranh chống cộng bảo vệ đất nước của Miền Nam đã không thành công. Đồng ý, trong cuộc chiến tranh vĩ đại đó, phía đồng minh Hoa Kỳ cũng như phía Việt Nam Cộng Hòa đã có những sai lầm nghiêm trọng, đã có những tướng lãnh tham nhũng, hối lộ, coi rẻ mạng sống của binh sĩ, của dân lành. Nhưng vượt lên trên sự thất bại cùng tất cả những sai lầm tai hại, những tham nhũng hối lộ, coi rẻ mạng sống đó, ta phải thừa nhận, thời gian 20 năm chống cộng bảo vệ đất nước của hơn hai chục triệu người Miền Nam là cả một thời gian hào hùng, tươi sáng và đầy chính nghĩa. Thậm chí, ngay ở thời điểm hiện nay, tại hải ngoại, nhiều người tỵ nạn Việt Nam, trong đó có nhiều cựu quân nhân, công chức Việt Nam Cộng Hòa, tuy sống trong cuộc sống đầy đủ về vật chất cũng như tinh thần, nhưng vẫn nhớ đến giai đoạn chống cộng giữ nước trong một tâm trạng vừa tiếc nuối vừa tự hào. Sự nuối tiếc và tự hào của họ không phải bắt nguồn từ những hào quang của địa vị, danh vọng, tiền bạc họ được thừa hưởng trước 1975 như thầy Trịnh Nhật lầm tưởng. Trái lại, sự nuối tiếc và tự hào của họ thuần túy bắt nguồn từ những hy sinh cao cả và những mục tiêu tốt đẹp mà họ đã theo đuổi.

Thái độ của thầy Trịnh Nhật coi cuộc kháng chiến của cả chục triệu con người kéo dài suốt thời gian hai chục năm trời, là "những trò múa rối", quả thực là một thái độ khinh bạc, coi rẻ mạng sống con người, nhất là những người đó chính là đồng bào của thầy, trong đó có cả thân nhân ruột thịt, hoặc họ hàng xa gần với thầy. Thái độ đó còn biểu hiện sự chật hẹp trong tầm nhìn của thầy. Là một người tự mệnh danh là trí thức khoa bảng, đi nhiều thấy rộng, lại có cơ hội sống trên dưới nửa đời người tại các quốc gia tự do dân chủ, đáng lẽ thầy Trịnh Nhật có dịp may hơn ai hết trong việc tìm hiểu, đánh giá đúng đắn bản chất của cuộc chiến tranh Việt Nam. Hơn nữa, thầy Trịnh Nhật lại là một trong số ít người được thừa hưởng những ân huệ tuyệt vời từ cuộc kháng chiến vĩ đại đó: Trong khi cả Miền Nam chìm đắm trong cơn binh lửa thì thầy Trịnh Nhật được ung dung tu nghiệp tại Úc. Năm 1975, khi cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam, làn sóng tỵ nạn dồn dập đổ vào Úc, tạo nên nhu cầu thông ngôn phiên dịch. Nhờ vậy, trong một sớm một chiều, thầy Trịnh Nhật được làm giảng sư dậy về thông ngôn phiên dịch. Chỉ nguyên sự ràng buộc tình nghĩa trước và sau 1975 này cũng đủ để thầy Trịnh Nhật suốt đời thủy chung với quyền lợi cùng lý tưởng chống cộng của dân tộc Việt Nam. Rất tiếc, vì lý do này hay lý do khác, thầy Trịnh Nhật đã để trí óc và tâm tư của mình sa lầy vô những "trò múa rối" nhỏ nhen, cục bộ mà thầy có thể là nạn nhân, hoặc những sở thích tầm thường như cá ngựa, cờ bạc... nên thầy đã không thấy được giá trị đích thực của cuộc kháng chiến chống cộng giữ nước của quân dân Miền Nam trong suốt thời gian 20 năm.

Đánh giá cuộc kháng chiến chống cộng đầy bi hùng của quân dân Miền Nam một cách sai lầm, đã là điều đáng trách. Coi thường cuộc kháng chiến đó, coi cuộc kháng chiến đó là "những trò múa rối" qua thái độ khinh bạc, rẻ rúng, là điều đáng trách, đáng lên án gấp bội. Nhưng thầy Trịnh Nhật còn tệ hơn thế, khi thầy lầm lẫn cho rằng những "trò múa rối đó" đã làm thầy chán nản đến độ "kiếp sau không muốn làm người Việt Nam".

Cũng trong đoạn trên, thầy Trịnh Nhật đề cập thêm vài điểm khiến thầy chán nản đến độ "không muốn làm người Việt Nam". Đó là "những trò múa rối" khi thầy ở ngoài nước, những chia rẽ về ý thức hệ lỗi thời Quốc Cộng, những kỳ thị Bắc Nam Trung, những ngăn cách giữa các tôn giáo...

Trong số báo trước, luật sư Nguyễn Văn Thân, chủ tịch CĐNVTD/NSW và anh Lê Thảo Minh đã viết bài trình bầy những điểm sai trái của thầy Trịnh Nhật trong vấn đề này. Vì vậy, ở đây tôi chỉ xin nếu vắn tắt một số điểm như sau.

Thứ nhất, theo tôi, ý thức hệ Quốc Cộng luôn luôn tồn tại cho đến khi nào tư tưởng cộng sản còn, tuyệt nhiên không có chuyện lỗi thời như thầy Trịnh Nhật lầm tưởng. Học thuyết của cộng sản cũng như các sự kiện của lịch sử thế giới đã chứng minh, từ khi tư tưởng cộng sản còn là một bóng ma ở Châu Âu, đến khi trở thành một thực lực chính trị tại Nga vào năm 1917, và sau Đệ Nhị Thế Chiến, lan tràn sang một loạt các quốc gia trong đó có Việt Nam, chủ nghĩa cộng sản luôn luôn là một ác mộng, một thế lực thù nghịch sinh tử đối với các phong trào quốc gia dân tộc trên thế giới. Chủ nghĩa cộng sản đã là nguyên nhân tạo nên cái chết của hàng trăm triệu người tại Nga, Trung Cộng, Bắc Hàn, Việt Nam và các quốc gia cộng sản Đông Âu.

Trước đây, trong một bài viết kỷ niệm ngày 30-4, tôi cũng đã trình bầy, ngay từ khi bản "Tuyên ngôn đảng cộng sản" được xuất bản lần đầu tiên vào ngày 18 tháng 2 năm 1848, Karl Marx, thủy tổ của chủ nghĩa cộng sản đã khẳng định: Một thế giới đại đồng của những người vô sản sẽ được thiết lập trên căn bản không còn biên cương quốc gia và mọi người đều vô tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo. Sau này, trong hàng trăm ngàn tấn tài liệu, chính sách, giáo điều, sách báo của cộng sản thế giới trong đó có cả cộng sản Việt Nam đều nhắc đi nhắc lại quan niệm tam vô trên và nhấn mạnh, người cộng sản phải là người đặt quyền lợi của đảng và phong trào cộng sản quốc tế lên trên quyền lợi quốc gia, gia đình và cá nhân.

Như vậy, quan niệm của thầy Trịnh Nhật khi cho rằng sự xung đột về tư tưởng giữa cộng sản và quốc gia đã lỗi thời rõ ràng là một quan niệm sai lầm. Quan niệm sai lầm này có lẽ bắt nguồn từ việc thầy Trịnh Nhật ra ngoại quốc tu nghiệp quá sớm nên thiếu am tường về chủ nghĩa và con người cộng sản, hoặc xuất phát từ việc thầy Trịnh Nhật sau nhiều lần về Việt Nam làm ăn, đã ngây thơ để cho cộng sản tảy não thầy.

Thứ hai, về mâu thuẫn Bắc Trung Nam và sự ngăn cách giữa các tôn giáo, tôi thấy thầy Trịnh Nhật đã quá bi quan hoặc có một cái nhìn rất lệch lạc về vấn đề này. Tôi đồng ý, trong quá trình giao lưu văn hóa giữa ba miền, đôi lúc, ở nơi này hoặc nơi khác, những mâu thuẫn Bắc Trung Nam có nảy sinh. Tuy nhiên, những mâu thuẫn đó không hề ghê gớm và khốc liệt đến độ một người Việt Nam phải chán nản không muốn làm người Việt Nam như thầy Trịnh Nhật đã viết. Sự thực, trong suốt bao nhiêu năm qua, vẫn có rất nhiều người Việt Nam ở cả ba miền cùng làm ăn, sinh sống, học hành, dựng vợ, gả chồng và sống hạnh phúc suốt cả cuộc đời.

Về tôn giáo cũng vậy, trên lãnh thổ Việt Nam không thiếu nhà thờ Công Giáo, Tin Lành... được dựng lên bên cạnh chùa chiền, đình miếu. Các vị thầy chùa, sư sãi, linh mục, thầy tu vẫn sánh vai cùng nhau làm việc đạo, việc đời. Lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam suốt nhiều ngàn năm cũng cho thấy dân tộc Việt Nam là một dân tộc bao dung, rộng lượng, sẵn sàng tiếp nhận và hòa đồng một cách nhanh chóng nhiều tôn giáo và nhiều nền văn minh khác nhau. Trên đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã tiếp thu tinh hoa của đạo Lão, đảo Khổng, đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hồi... Tuy đôi lúc, ở nơi này nơi khác, có một số đạo giáo bị chính quyền bách hại, nhưng nhìn chung tất cả những đạo giáo đó đều tồn tại và phát triển trong tâm hồn người dân Việt Nam. Lịch sử tôn giáo Việt Nam suốt mấy ngàn năm không hề có những cuộc tắm máu tàn nhẫn như những cuộc Thập Tự Chinh do người Châu Âu gây ra cho người Hồi Giáo tại Trung Đông, hoặc những cuộc tàn sát thê lương do người Hồi giáo gây ra cho người Thiên Chúa Giáo tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha...

Ngay ở hải ngoại, sự đoàn kết tôn giáo vẫn hình ảnh tiêu biểu ngự trị các sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng người Việt. Đồng ý, thỉnh thoảng, ở nơi này hoặc nơi khác cũng vọng lên một vài tiếng nói lạc lõng, gây kỳ thị Bắc Trung Nam hoặc tôn giáo. Nhưng lập tức, những tiếng nói lạc lõng đó bị lên án hoặc bị lãng quên. Ngày nay, bất cứ người Việt Nam bình thường nào cũng đều thừa nhận, tư tưởng kỳ thị Bắc Trung Nam, hoặc kỳ thị tôn giáo, đều là những tư tưởng lỗi thời, ngăn chặn sự phát triển của đất nước của dân tộc, cùng sự tiến bộ và thịnh vượng của chính mình và gia đình mình. Một người Việt Nam bình thường còn biết nghĩ suy như vậy, huống chi là một người tự mệnh danh là trí thức khoa bảng như thầy Trịnh Nhật. Viết đến đây, tôi tự hỏi, không hiểu vì động cơ gì, một người tự nhận là vô thần "không tin rằng sẽ có kiếp sau" như thầy Trịnh Nhật, lại thích khơi sâu sự ngăn cách tôn giáo cho dù sự ngăn cách này vốn rất mong manh; lại thích thổi phồng sự kỳ thị Bắc Trung Nam cho dù sự kỳ thị này hầu như không có" Thầy làm vậy vì bi quan, yếm thế, không hiểu biết, hay vì không chịu dấn thân tham gia các sinh hoạt đa tôn giáo của cộng đồng người Việt, hay vì động cơ nào khác"

Điểm thứ ba, thầy Trịnh Nhật có viết về "những trò múa rối" khi thầy ở nước ngoài. Tuy thầy không nói rõ, nhưng qua những đoạn sau của bài viết, tôi hiểu, thầy coi tất cả những sinh hoạt chống cộng của cộng đồng người Việt tại Úc là những "trò múa rối". Để nhấn mạnh cho quan niệm "chống cộng kiểu múa rối" của thầy, ở một đoạn khác, thầy Trịnh Nhật còn đưa ra nhận định: "Tôi nghĩ sau nhiều năm thực hiện xong cái gọi là "thống nhất đất nước", phe bên kia họ đã tập trung nỗ lực vào nhiều chuyện khác, mà trong số những chuyện khác đó, chưa chắc gì họ đã e ngại, sợ hãi tập thể Việt Nam tỵ nạn hải ngoại đến độ phải đặt thành ưu tiên tranh đấu, đưa người len lỏi vào hàng ngũ, đưa những nhóm văn công tuyên truyền văn hóa để làm lũng đoạn cộng đồng chúng ta, rồi thu tất cả chúng ta về một mối".

Qua lời nhận định của thầy Trịnh Nhật, câu hỏi then chốt được đặt ra ở đây là, có đúng cộng sản không e sợ cộng đồng người Việt hải ngoại như thầy Trịnh Nhật nhận định hay không" Theo tôi, câu trả lời cho câu hỏi này là: Cộng sản rất e sợ cộng đồng người Việt hải ngoại, và trong tương lai, mức độ sợ hãi này sẽ tiếp tục gia tăng cùng với mức độ hội nhập của cộng sản Hà Nội vô cộng đồng thế giới, và mức độ chống đối cộng sản của cộng đồng người Việt hải ngoại. Sự sợ hãi của cộng sản bắt nguồn từ mấy lý do chính như sau.

Thứ nhất, cộng đồng người Việt hải ngoại là một cộng đồng thuần nhất và thống nhất. Xuất phát từ hoàn cảnh cùng tỵ nạn cộng sản, lại có kinh nghiệm về chế độ cộng sản, cộng đồng người Việt hải ngoại đều coi cộng sản Hà Nội là chướng ngại lớn lao nhất cho sự phát triển kinh tế và dân chủ hóa tại Việt Nam. Vì vậy, đông đảo mọi người trong cộng đồng đều tự trao cho mình sứ mạng chống đối chế độ cộng sản Hà Nội mỗi khi có điều kiện. Chính sự thuần nhất trong thành phần và thống nhất trong tinh thần chống cộng của cộng đồng người Việt hải ngoại đã khiến cộng sản Hà Nội thực sự lo ngại và sợ hãi.

Ờ đây tôi chỉ xin nêu một điểm nhỏ khiến các lãnh tụ cộng sản mỗi khi phải ra ngoại quốc đã lo sợ tới mức ăn không ngon, ngủ không yên. Như chúng ta đã biết, suốt thời gian 25 năm qua, mỗi khi phái đoàn của cộng sản Hà Nội đi công du các quốc gia thuộc thế giới tự do, nơi có người Việt tỵ nạn cư ngụ, luôn luôn cộng sản phải đối diện với các đoàn biểu tình. Đây là điều khiến cộng sản Hà Nội rất mất thể diện. Trong thời gian 10 năm trở lại đây, do nhu cầu phải hội nhập với cộng đồng thế giới, chính quyền cộng sản Hà Nội rất tha thiết muốn được cộng đồng người Việt tại các quốc gia sở tại mang cờ quạt tiếp đón tại phi trường, nhưng vẫn không được. Tại một số quốc gia, các tổ chức thân cộng tuy bị áp lực từ Hà Nội phải tổ chức những cuộc tiếp đón, nhưng vẫn không dám thực hiện. Lý do thứ nhất, họ không dám xuất đầu lộ diện. Lý do thứ hai, họ sợ có xung đột với cộng đồng người Việt chống cộng.

Chính Nguyễn Dy Niên, trong cuộc phỏng vấn trả lời tạp chí Quê Hương, cơ quan ngôn luận của Ủy Ban Về Người Việt Ở Nước Ngoài, ngay sau khi được bổ nhiệm chức bộ trưởng bộ ngoại giao, đã thú nhận, "nỗi bức xúc lớn nhất" y muốn giải quyết sau khi được làm bộ trưởng bộ ngoại giao là "tạo sự thông cảm và tình hữu nghị khăng khít giữa Việt kiều yêu nước với đảng và chính phủ để mỗi khi phái đoàn ta viếng thăm, sẽ có sự tiếp đón hồ hởi phấn khởi của đông đảo bà con Việt kiều". Nhận định về thực tế "không có Việt kiều yêu nước tiếp đón phái đoàn của đảng và nhà nước" này, Trần Đức Mậu, tổng biên tập tạp chí Quê Hương cho rằng, "Tại một số quốc gia tuy có hàng trăm ngàn Việt kiều yêu nước cư ngụ, nhưng do một số tổ chức phản động công khai chống đối nhà nước, đe dọa khủng bố Việt kiều yêu nước, nên khi phái đoàn của đảng hay nhà nước viếng thăm hữu nghị, ở phi trường không có Việt kiều yêu nước nào dám mang cờ đỏ sao vàng ra chào đón phái đoàn."

Trong những năm trước, khi thế giới cộng sản chưa bị sụp đổ, cộng sản Việt Nam bất cần dư luận quốc tế, ngang nhiên làm nhiều chuyện càn rỡ, kể cả chuyện xua quân xâm lăng Căm Bốt. Nhưng sau khi thế giới cộng sản sụp đổ, cộng sản Việt Nam bắt buộc phải giao lưu với thế giới tự do để duy trì quyền lực. Trong điều kiện đó, cộng sản không thể không quan tâm đến dư luận. Vì vậy, việc các phái đoàn cộng sản khi viếng thăm, không được người Việt tại các quốc gia sở tại tiếp đón là một điều sỉ nhục cho cộng sản Hà Nội, khiến chúng mất ăn mất ngủ. Chỉ nguyên một điểm nhỏ này cũng đủ cho thấy thầy Trịnh Nhật đã sai lầm khi cho rằng cộng sản Hà Nội không sợ cộng đồng người Việt hải ngoại.

Thứ hai, cộng đồng người Việt hải ngoại là một cộng đồng có tiềm năng chính trị. Với tiềm năng này, dù ít dù nhiều, cộng đồng chúng ta cũng ảnh hưởng đến đường lối ngoại giao của các quốc gia sở tại đối với cộng sản Hà Nội. Cùng với sự lớn mạnh về dân số, sự hội nhập về chính trị, sự hiểu biết về sức mạnh của lá phiếu dân chủ, cộng đồng người Việt đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ảnh hưởng đến đường lối ngoại giao của chính phủ sở tại, đồng thời hậu thuẫn mạnh mẽ và hiệu quả cho các cá nhân, các phong trào đấu tranh giành tự do dân chủ ở quê nhà. Cụ thể, nhất cử nhất động của chế độ Hà Nội đối với các nhân vật đấu tranh cho nhân quyền, cho tôn giáo tại Việt Nam, đều được cộng đồng người Việt hải ngoại theo dõi chặt chẽ và kịp thời báo động cho toàn thế giới mỗi khi cộng sản Hà Nội có hành động khủng bố, bách hại. Cứ xem phản ứng của các dân biểu nghị sĩ Mỹ, Úc, Anh, Pháp... trong thời gian gần đây đối với Hà Nội khi Hà Nội có hành động khủng bố hòa thượng Thích Quảng Độ, Hà Sĩ Phu, Dương Thu Hương... ta đủ thấy sức mạnh chính trị của cộng đồng người Việt hải ngoại to lớn đến nhường nào. Thử hỏi nếu không có cộng đồng người Việt hải ngoại, cộng sản Hà Nội sẽ thẳng tay thao túng nhân tâm, đàn áp tôn giáo đến mức nào" Và nếu cộng sản Hà Nội đã tỏ ra sợ hãi trước một Thích Quảng Độ, một Hà Sĩ Phu, một Dương Thu Hương, thử hỏi tại sao cộng sản lại không e sợ đối với sức mạnh chính trị của cộng đồng người Việt hải ngoại"

Thứ ba, cộng đồng người Việt hải ngoại là cộng đồng có tiềm năng văn hóa, khoa học, kỹ thuật vô cùng lớn lao. Trong cộng đồng người Việt hải ngoại, số lượng các khoa học học gia, các chuyên viên kỹ thuật có bằng cấp cao, có trình độ và kinh nghiệm trong các lĩnh vực kỹ thuật cao cấp như điện tử, hàng không, không gian, ngày càng gia tăng cả về lượng lẫn phẩm. Đứng trước tiềm năng chất xám vô cùng lớn lao này, cộng sản Hà Nội rất thèm khát. Vì vậy, trong thời gian gần đây, cộng sản Hà Nội đã điều tra và thành lập một bản báo cáo thống kê tổng số những người Việt trí thức tại hải ngoại cùng sở thích, hứng thú, thói quen, gia cảnh của từng người để tính chuyện mua chuộc, dụ dỗ.

Thứ tư, cộng đồng người Việt tự do hải ngoại là cộng đồng có tiềm năng tài chánh rất lớn. Chỉ tính riêng năm vừa qua, người Việt hải ngoại gửi về Việt Nam $1.2 tỷ Mỹ kim qua ngả chính thức, và khoảng $2 tỷ qua ngả không chính thức. Tổng số tiền người Việt chuyển về VN là $3 tỷ Mỹ kim. $3 tỷ Mỹ kim tuy là số tiền nhỏ đối với ngân sách của Mỹ, Úc, nhưng với nền kinh tế èo uột của Việt Nam, đó là số tiền rất lớn. Nên nhớ, trong những năm Mỹ ném bom Miền Bắc, tổng sản lượng của cả Miền Bắc chỉ có 2 tỷ Mỹ kim. Nên nhớ, Úc chỉ viện trợ có 70 triệu Mỹ kim để xây cầu Mỹ Thuận mà cộng sản Hà Nội phải năn nỉ, lậy lục thiếu điều gẫy cả lưỡi. Một công ty Đại Hàn chỉ bỏ ra 20 triệu Mỹ kim xây một sân golf ở ngoại thành Hà Nội mà chính bí thư cộng sản Đỗ Mười phải cất công ghé thăm tận tư gia viên giám đốc công ty ở ngoại ô Hán Thành. Để có thể nhận thức được số tiền $3 tỷ Mỹ kim đối với cộng sản Hà Nội lớn như thế nào, tôi xin viện dẫn thêm mấy con số sau. Theo thống kê của chính phủ Hà Nội, Mỹ là quốc gia đứng hàng thứ 8 trong giao thương với Việt Nam. Vậy mà năm 1994, tổng số kim nghạch giao thương 2 chiều Mỹ Việt chỉ có 222 triệu Mỹ kim. Đến năm 1999, con số này tăng lên 879 triệu Mỹ kim. Mỹ còn là quốc gia đứng hàng 9 trong lĩnh vực đầu tư vô VN. Vậy mà tổng số tiền của 118 dự án đầu tư của Mỹ tại Việt Nam chỉ có 1 tỷ 479 triệu Mỹ kim, chỉ bằng một nửa so với số tiền người Việt gửi về VN. Hơn nữa, với số tiền $3 tỷ Mỹ kim do người Việt gửi về, cộng sản không hề bị mất mát hoặc ràng buộc gì. Chúng chỉ việc in thêm tiền Việt Nam là ôm gọn số tiền $3 tỷ Mỹ kim một cách ngon lành. Chỉ nguyên điều này cũng đủ để cộng sản lo ve vãn cộng đồng người Việt hải ngoại tối đa.

Điểm quan trọng nữa chứng tỏ cộng sản VN rất lo ngại sợ hãi cộng đồng người Việt hải ngoại là việc cộng sản ban hành nghị quyết 210 và bổ nhiệm Nguyễn Dy Niên, chủ tịch Ủy Ban Về Người Việt Ở Nước Ngoài, vô chức bộ trưởng ngoại giao. Cũng chính vì sợ hãi trước sức mạnh của cộng đồng người Việt hải ngoại, và thừa nhận những tác hại to lớn do cộng đồng người Việt hải ngoại gây ra cho chế độ cộng sản, nên mới đây, trong một phiên họp quy tụ các ủy viên bộ chính trị, cộng sản Hà Nội đã phải thú nhận, chính sách "xuất cảng tỵ nạn" được đảng cộng sản ban hành sau 1975 tuy chiến thắng trên phương diện chiến thuật, nhưng đó là một chính sách sai lầm về chiến lược.

Tưởng cũng nên nhắc lại, vào những năm sau khi chiếm được Miền Nam, cộng sản đã mở ra chiến dịch đánh tư sản mại bản để vơ vét của cải. Kế đến, từ trên trung ương, cộng sản đã thông qua chính sách xuất cảng "tỵ nạn". Thực hiện chính sách này, cộng sản nhằm 5 mục đích. Một, loại bỏ khỏi Việt Nam những thành phần chống đối nguy hiểm cho chế độ; Hai, tận thu một số lượng vàng và tiền lên đến cả chục tỷ Mỹ kim; Ba, được quyền quốc hữu hóa hàng chục ngàn căn nhà to đẹp, giá trị trên toàn lãnh thổ Miền Nam; Bốn, tạo ra những con "bò sữa Việt kiều" tại hải ngoại để tha hồ bòn rút ngoại tệ về lâu về dài; Năm, tạo ra hàng ngũ Việt kiều yêu nước trẻ, có trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật cao để tương lai về phục vụ cho chế độ.

Ngoại trừ mục tiêu 5, trên phương diện nào đó, cộng sản đã thành công 4 mục tiêu trên. Nhưng đó chỉ là thành công trước mắt. Nay đứng trước những trở ngại lớn lao do cộng đồng người Việt hải ngoại gây ra, nhất là trên phương diện chính trị và ngoại giao, cộng sản Hà Nội đã phải thừa nhận, việc xuất cảng "tỵ nạn" là một việc làm thất sách.

Rõ ràng, qua những điểm vừa nêu, ta phải thừa nhận, tuy cộng đồng người Việt hải ngoại không có quân đội, không có súng ống, nhưng đó là một thế lực chính trị, tài chánh đáng để cộng sản Hà Nội sợ hãi, và quan điểm cho rằng cộng sản Hà Nội không e sợ cộng đồng người Việt được thầy Trịnh Nhật cổ súy rõ ràng vừa không thực tế, lại vừa nguy hiểm, dễ tạo cho mọi người mất cảnh giác.

(Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.