Hôm nay,  

Kế Hoạch Toàn Diện Cho Thuyền Nhân Ở Phi

05/05/200000:00:00(Xem: 5347)
Thông Báo Của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển
Ngày 3 tháng 5, 2000

Sau đây là kế hoạch nhằm tìm giải pháp lâu dài cho số trên 2,000 người Việt hiện không có quy chế pháp lý ở Phi Luật Tân, gồm cả thuyền nhân lẫn những người trong chương trình con lai. Kế hoạch này được thành hình sau nhiều tháng nghiên cứu, thăm dò, và hội ý với nhiều thành phần thuyền nhân và các hội đoàn hằng quan tâm đến tình trạng của thuyền nhân ở PLT. Ý kiến cho kế hoạch này được khởi xướng bởi Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu vào đầu năm nay.
Chúng tôi chính thức công bố kế hoạch này trước hết là để thông tin thật rộng rãi đến các thành phần chịu ảnh hưởng và sau đó để kêu gọi sự hưởng ứng của các tổ chức và cá nhân trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Sự thành hay bại của kế hoạch một phần lớn sẽ tuỳ thuộc vào mức độ tiếp tay của cộng đồng người Việt ở hải ngoại và những vận động của chính thuyền nhân ở PLT.

Nhận Định Tổng Quát
Hiện nay có gần 2,000 thuyền nhân và khoảng 300 người trong chương trình con lai còn kẹt ở PLT. Họ hầu như không được hưởng các quyền lợi của thường trú nhân hay công dân, như quyền được đi học, đi làm, xin môn bài buôn bán, mua bất động sản, chăm sóc về sức khoẻ, v.v. Trong số các thuyền nhân này, có nhiều trẻ em đã được sinh ra hoặc lớn lên trong hoàn cảnh tỵ nạn và hiện đang đương đầu với một tương lai rất bấp bênh và không ổ định.
Số hơn hai ngàn đồng bào này không có quy chế chính thức về pháp lý nhưng được chính phủ PLT cho tạm trú dài hạn cho đến khi có được một giải pháp lâu dài. Giải pháp lâu dài bao gồm hồi hương, định cư ở một quốc gia đệ tam, hay thường trú ở PLT.
Tổng cộng có 964 đơn nộp cho chính phủ PLT nêu nguyện vọng của thuyền nhân. Trong số này có 363 hồ sơ xin đi Hoa Kỳ, 63 đi Úc, 38 đi Canada, một đi Đức, 2 đi Đan Mạch, 2 đi Tân Tây Lan, 1 đi Thuỵ Sĩ, 1 đi Anh (đã định cư), 3 đi Hoà Lan, 7 đi Na Uy, 7 đi Thuỵ Điển, 2 đi Pháp, 2 đi Nhật. Có 3 gia đình xin hồi hương và 362 gia đình xin thường trú ở PLT. Số còn lại không ý kiến.
Từ năm 1997, do sự vận động hiệu quả của một số tổ chức ở Hoa Kỳ, Úc và Canada, cánh cửa định cư đã mở ra cho những người hội đủ tiêu chuẩn di dân của các quốc gia đệ tam. Trong thời gian qua, gần 150 thuyền nhân đã lên đường đi định cư. Nhiều hồ sơ đang chờ cứu xét.
Các thuyền nhân ghi danh xin thường trú được Sở Di Trú của PLT phỏng vấn hồi tháng 3 vừa qua. Tất cả đều bị từ chối vì không hội đủ điều kiện, trừ một số rất ít đã lấy vợ hoặc chồng người PLT. Các điều kiện tiên quyết theo luật hiện hành của chính phủ PLT để xin thường trú là đã phải nhập cảnh một cách hợp pháp, phải có tài sản, phải biết nói tiếng PLT, và một số điều kiện khác nữa. Không một thuyền nhân Việt Nam nào hội đủ ngay điều kiện đầu tiên vì họ đều đã nhập cảnh bất hợp pháp vào PLT trước đây. Bộ Tư Pháp có đề nghị với Sở Di Trú bãi miễn điều kiện nhập cảnh hợp pháp cho thuyền nhân Việt Nam. Tuy nhiên điều này khó có thể đạt được nếu như không có luật mới do Quốc Hội ban hành hay sắc lệnh do Tổng Thống ký.
Một số thành viên Quốc Hội PLT như các Dân Biểu Alvarez và Golez cho biết là họ sẽ hỗ trợ một dự luật như vậy. Tuy nhiên vấn đề sẽ không đơn giản. Theo DB Golez cho LS Trịnh Hội của tổ chức LAVAS biết vào tháng 2 vừa qua, việc thảo dự luật, vận động, và thông qua (nếu được thông qua) tại Hạ Viện sẽ mất ít nhất một năm. Sau đó lên Thượng Viện sẽ mất thêm một năm nữa. Nếu nỗ lực này kéo dài sang đến năm 2002 thì mọi việc phải bắt đầu lại từ đầu vì năm 2002 là năm tổng tuyển cử ở PLT; chính quyền mới sẽ có chính sách mới và khác. Triển vọng thường trú ở PLT do đó vẫn không lường trước được và việc vận động xin quy chế thường trú sẽ không đơn giản.
Trong số gần hai ngàn thuyền nhân, một số nhỏ vẫn có thể được định cư ở một nước thứ ba theo diện di dân hay nhân đạo. Hiện nay, Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu đang vận động chính phủ Úc nhận định cư một số thuyền nhân theo diện nhân đạo. Một danh sách 502 người đã được nộp cho Bộ Di Trú Úc. Tuy nhiên triển vọng thành công hiện nay rất thấp. Có khoảng 180 trường hợp có thân nhân ở Hoa Kỳ hội đủ tiêu chuẩn để bảo lãnh di dân nhưng thời gian chờ đợi để hồ sơ đáo hạn và được cứu xét có thể lên đến trên 10 năm. Cũng có một ít hồ sơ có thể có cơ hội định cư ở Canada và ở một số quốc gia Âu Châu.
Ngoài thuyền nhân ra, hiện có khoảng 300 người Việt trong chương trình con lai. Họ đã ở PLT rất nhiều năm. Trước đây họ được đưa qua PLT ở tạm trong 6 tháng trước khi vào Hoa Kỳ. Tuy nhiên họ đã rơi vào một trong hai thành phần bị kẹt lại PLT. Thành phần thứ nhất là những con lai đã bị từ chối nhập cảnh Hoa Kỳ sau khi bị phân loại là gây xáo trộn xã hội (anti-social). Hiện nay Hoa Kỳ đã đồng ý cứu xét lại việc phân loại này trên căn bản từng hồ sơ một. Thành phần thứ hai là những người bị phát giác giả mạo hồ sơ nhằm tham gia chương trình con lai. Chính phủ Hoa Kỳ chủ trương rằng những người này phải trở về Việt Nam. Tuy nhiên những ai hội đủ điều kiện di dân thì vẫn có thể nộp đơn xin di dân vào Hoa Kỳ hay các quốc gia khác. Số người như vậy rất ít.

Những sự kiện nêu trên cho thấy:
(i) Tình trạng của thuyền nhân và những người trong chương trình con lai hiện còn ở PLT rất bấp bênh.
(ii) Đa số sẽ không có cơ hội định cư ở một quốc gia đệ tam; chọn lựa còn lại của họ là sống ở PLT hay về Việt Nam.

Kế Hoạch Toàn Diện


Mục đích của kế hoạch toàn diện là tìm một giải pháp lâu dài cho số hơn hai ngàn người Việt kể trên, với hai mục tiêu cụ thể: (1) vận động nhiều quốc gia cùng chia xẻ gánh nặng với PLT, và (2) tạo một hệ thống tương trợ để thuyền nhân có chỗ nương tựa lâu dài.

Kế hoạch này gồm ba công việc chính.
1. Vận động định cư cho thuyền nhân
Cộng đồng Việt nam tại khắp các nơi như Hoa Kỳ, Úc hay Canada có thể đóng một vai trò trọng yếu trong việc vận động với các chính phủ của mình trong nỗ lực đi tìm một giải pháp toàn diện cho các thuyền nhân tại PLT.
(i) Hoa Kỳ: Hiện có khoảng 80 hồ sơ di dân đã được Sở Di Trú và Nhập Tịch chấp thuận nhưng đang chờ đến ngày đáo hạn để được cứu xét; thời gian chờ đợi này có khi lên đến 12 năm. Chúng ta cần vận động chính phủ Hoa Kỳ làm ngoại lệ cứu xét cho định cư sớm số người này theo diện Pubic Interest Parolees (PIPs). Ngoài ra còn khoảng 100 gia đình có thân nhân nhưng thân nhân chưa làm đơn bảo lãnh vì chưa đủ điều kiện. Họ cần được hướng dẫn làm đơn bảo lãnh ngay khi hội đủ điều kiện; sau đó chúng ta lại tiếp tục vận động cho thân nhân của họ được định cư sớm theo diện PIP. Riêng đối với số ít trường hợp con lai thật nhưng bị phân loại là thành phần gây xáo trộn xã hội, chúng ta cần vận động để Hoa Kỳ giải quyết việc định cư họ một cách nhanh chóng. Cuộc vận động chính phủ Hoa Kỳ sẽ được phát động vào giữa tháng 5 này.
(ii) Úc: Vận động chính phủ Úc nhận định cư nhân đạo số trường hợp mà Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu đã đệ nạp cho chính phủ. Điều này cộng đồng bên Úc đã và đang tiếp tục vận động.
(iii) Canada: Trước đây chính phủ Canada đã cam kết với PLT là sẽ nhận định cư số thuyền nhân được chiến thuyền Canada vớt. Chúng ta cần vận động chính quyền PLT kêu gọi Canada và các quốc gia đã hứa hẹn tương tự thực hiện lời cam kết của họ.

2. Vận động thường trú
Việc vận động định cư ở một số quốc gia đệ tam dù thành công cũng sẽ chỉ giải quyết được cho một phần nhỏ trong số hơn hai ngàn đồng bào còn kẹt ở PLT. Do đó đối với đa số, giải pháp lâu dài là thường trú ở PLT.
(i) Thuyết phục chính phủ PLT: Một khi các quốc gia đệ tam đồng ý nhận định cư một số lớn thuyền nhân thì gánh nặng cho PLT sẽ giảm đi một cách đáng kể và như vậy sẽ dễ dàng hơn để họ quyết định ban cấp quyền thường trú cho số người còn kẹt lại. Công việc này, văn phòng đại diện của LAVAS ở PLT, với sự hỗ trợ của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển và Cộng Đồng Người Việt tự Do Úc Châu, đã bắt đầu thực hiện từ đầu năm nay.
(ii) Vận động sự tài trợ của Hoa Kỳ: Riêng đối với các trường hợp con lai giả, chúng ta cần vận động chính phủ Hoa Kỳ tài trợ cho một chương trình hội nhập tại chỗ nếu PLT cho họ thường trú. Dù sao thì Hoa Kỳ cũng phải có trách nhiệm với PLT về số người này vì đã đem họ đến và bỏ họ ở lại đó.

3. Hệ thống tương trợ
(i) Hội tương trợ: Một số thuyền nhân vừa mới chính thức ghi danh hoạt động cho Hội Tương Trợ Việt Phi (Vietnamese Filipino Mutual Assistance Association). Hội này thực sự đã hoạt động và đã có văn phòng ở Manila từ năm 1997 nhưng đến gần đây mới ghi danh hoạt động với chính phủ PLT. Họ rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt ở hải ngoại trong việc tổ chức và huấn luyện nhân sự điều hành, trong việc liên lạc với các cấp chính quyền và các tổ chức từ thiện và pháp lý PLT.
(ii) Đại diện pháp lý: Hiện nay một luật sư bản xứ đã nhận đại diện cho Hội Tương Trợ Việt Phi trong việc lo hồ sơ định cư, liên lạc với các giới chức chính quyền, và vận động cho vấn đề thường trú. Trong thời gian đầu, hội tương trợ này cũng cần sự giúp đỡ của thiện nguyện viên từ hải ngoại trong việc liên lạc với vị luật sư, với các giới chức chính quyền và các tổ chức tư nhân của PLT.
(iii) Tổ chức nhân sự: Vì thuyền nhân phân tán khắp nơi trên xứ PLT, vấn đề tổ chức hệ thống liên lạc và thông tin là điều rất quan trọng nhằm phục vụ cho đa số thuyền nhân. Hội Tương Trợ sẽ cần có ít nhất một người do chính họ tuyển chọn để chuyên lo điều hành mọi hoạt động của hội tương trợ.
(iv) Tài chánh: Trong thời gian đầu thuyền nhân sẽ khó mà có đủ tài chánh để tài trợ về văn phòng, nhân sự và những chi phí sinh hoạt cũng như khoản tiền phụ trả cho luật sư về các phí tổn hành chánh. Hội tương trợ do đó sẽ cần sự hỗ trợ tài chánh của cộng đồng người Việt ở hải ngoại ít ra cho đến cuối năm 2001. Lúc ấy hy vọng là hội tương trợ đã đủ sức tự lập.
(v) Giải thích cho thuyền nhân: Thuyền nhân cần hiểu thấu đáo và chính xác tình trạng thực tế về hiện tại và tương lai của họ để có được một lựa chọn hợp tình hợp lý. Hiện nay có nhiều tin đồn không chính xác làm thuyền nhân hoang mang và ảnh hưởng đến quyết định của họ trong vấn đề thường trú, định cư hay hồi hương.

Kết Luận
Trên đây là kế hoạch toàn diện mà UBCNVB và một số tổ chức bạn sẽ cùng phối hợp với thuyền nhân để thực hiện nhằm đem lại một giải pháp lâu dài cho tình trạng bấp bênh của hơn hai ngàn đồng bào chúng ta hiện ở PLT. Triển vọng thành hay bại tuỳ thuộc nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất vẫn là sự hợp tác và hỗ trợ rộng rãi của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, nhất là ở Hoa Kỳ, Úc và Canada.

Trong thời gian tới đây chúng tôi sẽ tuần tự thông báo từng bước một trong việc thực hiện kế hoạch toàn diện kể trên để kêu gọi sự tiếp tay của các tổ chức trong cộng đồng và đặc biệt là của các gia đình có thân nhân đang kẹt ở PLT.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.