Hôm nay,  

Việt Nam: Con Kiến Mày Kiện Ai ?

28/05/200400:00:00(Xem: 4740)
Nguyễn Thị Thu Hồng (ĐB Thừa Thiên-Huế ) : "Hiện nay có tình trạng một số cán bộ, công chức vô cảm với bức xúc của dân."
Hoa Thịnh Đốn.- Chuyện dân kéo nhau đi khiếu kiện đông người, giăng biểu ngữ, cầm biển đứng trước nhà các viên chức đảng và nhà nước ở Việt Nam đòi công bằng, đền bù thiệt hại và kêu oan không còn là chuyện hiếm thấy, nhưng kêu cứu của họ có được giải quyết thoả đáng hay không vẫn còn là chuyện "con kiến mày kiện củ khoai".
Ngay cả đến những lời ta thán hàng ngày của người dân về những thiếu sót và khuyết điểm của Nhà nước không ngăn chặn được sự nhúng tay của số cán bộ, đảng viên mất phẩm chất vào những xáo trộn kinh tế trên thị trường, buôn lậu, đầu cơ hàng hoá, các tệ nạn xã hội mại dâm, nghiện hút, tham nhũng, lãng phí ngân sách quốc gia v.v... vẫn còn là những điệp khúc tại diễn đàn Quốc hội mỗi khi có họp.
Hùynh Đảm, Tổng thư Ký Mặt trận Tố quốc đã báo cáo tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (khai mạc ngày 11-5-2004) rằng cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng bức xúc về những vấn đề như: Quy hoạch và đầu tư - xây dựng cơ bản gây lãng phí nhiều chục ngàn tỷ đồng, quản lý đất đai bừa bãi, chiếm sở hữu của người dân, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, tham nhũng, quan liêu, các tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông vẫn chưa được đẩy lùi.
Nhưng tại sao cũng bằng này vấn đề mà mỗi lần có họp, Quốc hội lại được nghe báo cáo lại " Chuyện "dân kêu, dân khóc " của những lần trước đã được giải quyết ra sao mà dân cứ phải kéo dài cổ họng ra mãi "

THỰC CHẤT
Nguyên nhân của tình trạng trì trệ thì có hàng triệu lý do. Nhưng Đỗ Trọng Ngoạn (Đại biểu Bắc Ninh) nói trong phiên họp ngày 21-5 :" Tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp (leo lên cấp trên) chủ yếu là do công tác giải quyết khiếu kiện chậm, không đến nơi đến chốn, đùn đẩy trách nhiệm."
Ông Ngọan còn yêu cầu Phan Văn Khải, Thủ tướng dù có "trăm công ngàn việc" thì cũng "nên dành thời gian nghe giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân." (VietnamNet, 2-5-2004)
Lê Văn Cuông (ĐB Thanh Hoá) thì cho rằng : " Khiếu liện kéo dài, vượt cấp do số đông dân chúng bức xúc, cực chẳng đã. Gặp lãnh đạo Trung ương dễ, gặp lãnh đạo địa phương khó như lên trời."
Tuy nhiên những vụ việc này, theo lời ông Cuông: "Ra đi rồi lại trở về trên bàn của lãnh đạo địa phương." Và ông đã dẫn lời một viên chức đảng ở địa phương nói mỉa mai : " Thoải mái đi khiếu kiện, thậm chí còn hỗ trợ kinh phí cho đi kiện (!) ."
Võ Minh Phương (ĐB Lâm Đồng) nói về tình trạng trên bảo dưới không nghe: "Có trường hợp 3 công văn của Ủy ban Nhân dân Tỉnh yêu cầu thực hiện kết quả giải quyết khiếu kiện mà huyện vẫn không thi hành. Đối với người dân, nhất là trong đền bù thu hồi đất có tình trạng "chấp hành tốt thì bị thiệt, chây ì càng có lợi."
Nguyễn Thị Thu Hồng (ĐB Thừa Thiên-Huế ) nhận xét : " Hiện nay có tình trạng một số cán bộ, công chức vô cảm với bức xúc của dân. Trong hơn 15.000 vụ việc khiếu nại, tố cáo mà các đại biểu Quốc hội, các Ủy ban và Ủy Ban thường vụ Quốc hội gửi đi thì chỉ có 30% đơn thư được phúc đáp."
Nhưng theo lời Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) thì trong số 30% thì chỉ có 335 vụ được giải quyết thoả đáng. Ông nói : " Con số này ít hơn số Đại biểu Quốc hội. Chia đều ra thì một đai biểu Quốc hội giúp giải quyết xong gần một vụ việc."
Đại biểu Lê Thị Nga tỉnh Thanh Hóa cho biết : "Thực tế nhiều nơi nhận đơn thư khiếu nại tố cáo của dân một cách chiếu lệ, không nắm rõ nội dung đơn thư mà tiếp tục "kính chuyển" cho xong việc, cho nên cũng không biết nội dung khiếu nại đúng hay sai"!"
Đại biểu Nguyễn Thạch Nhượng tỉnh Bắc Ninh nói toạc ra : "Công tác tiếp dân chưa được quan tâm, thủ trường ngại tiếp dân, khóan trắng cho cơ quan thanh tra, chất lượng giải quyết khiếu kiện thấp."
Theo Nhượng "có khoảng 45% khiếu nại của dân đúng, đồng nghĩa với cơ quan nhà nước đã làm sai."
Đây là một kết quả đáng quan tâm. Bởi vì nếu một bộ máy chính quyền mà làm sai đến 45% công việc thì nhân sự của chính quyền này đã làm chậm đi đà phát triển của đất nước đến một nửa. Nhưng sự mất lòng tin của dân vào một chính quyền như thế còn cao hơn nếu những vụ khiếu kiện không bao giờ được giải quyết dứt điểm.
Chẳng hạn như có trường hợp ở tỉnh Thái Bình theo lời Đại biểu Bùi Sỹ Tiếu "có trường hợp khiếu kiện kéo dài 10 năm tuy đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của Chủ tịch Tỉnh."
Trước tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong guồng máy cai trị, Đại biểu Lê Doãn Hợp của tỉnh Nghệ An yêu cầu Nhà nước phải có "chế tài quy trách nhiệm vì "nói nhiều không tốt,nghe sướng tai, nhìn gai mắt."
Phan Trung Lý, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiết lộ có tới 50 - 60% đơn thư khiếu nại vượt cấp, nghĩa là cấp dưới chỉ giải quyết được một nửa hay ít hơn những đơn thư khiếu nại của dân. Nhưng tình trạng này không giảm theo mức độ giải quyết mà mỗi ngày một tăng cao. Lý cho biết số vụ vượt cấp tăng nhanh trên 20% trong hai năm 2001 và 2002.


Lý nói với phóng viên VietnamNet : " Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân rõ nhất là hậu quả giải quyết khiếu nại tố cáo chưa được tốt, có nhiều cấp nhiều ngành chưa làm đúng trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ của mình. Đơn thư công dân đưa lên chưa giải quyết thấu đáo. Nguyên nhân do công dân không tin tưởng cách giải quyết của cấp dưới cũng nhiều. Và còn một điều nữa là cấp dưới ngại chịu trách nhiệm, đùn đẩy lên cấp trên." (VietnamNet, 22-5-2004)
Lý cũng tiết lộ lối làm việc tắc trách và giải quyết cho có lệ của cấp dưới đã đưa đưa đến tình trạng có đến 50 hay 60 % đơn thư "khiếu kiện lại" của dân không bằng lòng với lối giải quyết của cấp dưới là đúng !
Nói cho dễ hiểu thì cán bộ cấp dưới chỉ giải quyết thoả mãn được 50% hay 40% đơn kiện của dân. Vì vậy muốn thoả mãn 100% thì dân phải vác đơn đi mãi lên trên với những tốn phí không lường được, nhất là đối với dân nghèo, dân quê, dân không biết chữ phải nhờ cậy người này, người kia dẫn đường chỉ lối !
Đã vậy theo lời Lý: " Thậm chí có cán bộ có hành động thách thức dân."

BÁO CÁO LÁO "
Tổng Thanh tra Nhà nước Quách Lê Thanh cho biết có đến 60% đơn khiếu nại của dân tập trung vào vấn đề thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng, thực hiện đền bù, giải toả nhiều nơi chưa làm đúng chính sách, thiếu công khai, mất dân chủ, thậm chí tham nhũng, tiêu cực.
Khi phát sinh khiếu kiện, Thanh nói tiếp: "Cấp ủy chính quyền nhiều nơi chưa tập trung giải quyết, chỉ đạo kịp thời, còn né tránh đùn đẩy...Công tác tiếp dân còn hình thức, chưa gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết, khiếu nại tố cáo... Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước ở một số nơi còn có biểu hiện ngại tiếp xúc, đối thọai với người khiếu kiện.."
Trong báo cáo trước Quốc Hội, Thanh cho biết từ 1999 đến nay "cơ quan hành chính Nhà nước các cấp tiếp nhận 878.053 đơn thư khiếu nại, tố cáo". Nội dụng tập trung vào tố cáo : "Cán bộ cơ sở mất dân chủ, lợi dụng chức quyền tham nhũng (trong việc cấp đất, bán đất, mua bán nhà 3 các dự án khu đô thị, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng), vi phạm thu chi tài chính; trù dập, bao che cho cán bộ sai phạm..". (báo Người Lao Động, 21-5-2004)
Cũng trên báo này, người đọc còn thấy Trần Thế Vượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phê bình báo cáo của Chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng. Vượng nói :" Báo cáo của chính phủ chưa đánh giá được một cách thực chất về tình hình khiếu nại, tố cáo của nhân dân, Chưa nêu được nguyên nhân vì sao nhiều quyết định giải quyết không đúng kể cả quyết định giải quyết cuối cùng " Vì sao còn nhiều quyết định giải quyết khiếu nại không được thực hiện, do trách nhiệm chưa đầy đủ của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại hay do cấp trên vì nể nang mà đồng tình với cấp dưới, bao che cho cấp dưới ..."
Vì vậy Đại biểu Võ Minh Phương của tỉnh Lâm Đồng mới nói trong qúa trình xét đơn tố cáo khiếu nại của dân đã có những cán bộ quan liêu, cố tình nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình giải quyết công việc khiến "nhiều người dân bất bình, chán nản." (báo Nhân Dân, 21-5-2004)
Trưởng đoàn Dân nguyện của Quốc hội, Đại biểu Lê Quang Bình thì nói th6em rằng việc người dân khiếu kiện kéo dài là bằng chứng chứng minh "tình trạng kỷ cương phép nước không nghiêm."
Bình nói : " Khiếu nại, tố cáo (KNTC) ở bất cứ nước nào cũng có nhưng ở nước ta, là chính quyền của dân, do dân và vì dân mà để dân có KNTC nhiều như hiện nay thì đó là vấn đề rất đáng suy nghĩ." (báo Người Lao Động, 21-5-2004)
Nhưng "của dân, do dân và vì dân" ở chỗ nào " Người dân dười chế độ hiện nay không có quyền ï chọn người đại diện cho mình vì tất cả ứng viên các cấp chính quyền từ làng xã lên đến Quốc hội là người của Đảng và của các Đoàn thể Chính trị - Xã hội của nhà nước.
Dân chỉ phải làm một việc hình thức là đến phòng bầu cử nhận phiếu bỏ vào thùng tên người Đảng đã chọn, qua bàn tay sàng lọc của Mặt trận Tổ quốc. Ngoài ra người dân không có quyền nào khác. Nhưng như thế là một "nhiệm vụ" phải làm chứ không phải là "quyền" của công dân ở một nhà nước tự nhận có "pháp quyền" như kiểu Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Vì vậy mới có chuyện dài muôn năm về công chức, cán bộ coi dân như rơm rác, như cây tầm gửi bám vào mà rút ruột kéo dài từ năm này qua năm khác mà các Đại biểu Quốc hội chả làm được gì.
Bằng chứng đã được chứng minh cán bộ cứ tỉnh bơ, chả thèm để ý đến những lời than phiền ở Quốc hội. Việc của cán bộ là cứ "đường ta ta đi". Ai có sức lên cao xuống thấp khiếu nại, tố cáo thì cứ việc đi thoải mái, không ai ngăn cản. Nhưng không phải người dân nào cũng có sức đi hoài. Đi mãi cũng có ngày chùn chân. -/-
Phạm Trần (5-04)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.