Hôm nay,  

Chuyện Xưa Nhớ Lộn: Không Quên Được Cái Cũ

21/01/200000:00:00(Xem: 6801)
Đức Khổng Tử ra chơi ngoài đồng, thấy một người đàn bà đứng khóc nỉ non ở chỗ bờ đầm. Đức Khổng Tử lấy làm lạ, bảo học trò hỏi vì cớ gì mà khóc. Người đàn bà nói:
- Độ trước tôi cắt cỏ thi, lỡ đánh mất cái trâm cài đầu làm bằng cỏ ấy, nên tôi khóc.

Đức Khổng Tử hỏi:
- Đi cắt cỏ thi, mà mất cái trâm bằng cỏ thi, thì việc gì mà phải khóc"

Người đàn bà thưa rằng:
- Không phải vì tôi đánh mất cái trâm cỏ thi mà tôi khóc. Tôi sở dĩ khóc, là vì tôi thương tiếc một vật củ, dùng đã lâu, mà ngày nay không làm sao thấy được.

Đức Khổng Tử nghe qua, thở dài một tiếng rõ to, rồi nói:
- Tôi trông tướng bà hẳn là người luống tuổi, nhiều không có chứ cũng xấp xỉ gần con số bốn mươi thì lẽ thiệt hơn trong cõi hồng trần này ít ra bà cũng hiểu được. Vậy tại sao chỉ mất một cái trâm bằng cỏ thi mà lại đứng ở bờ đầm khóc hu hu như thế" Bà cũng biết cuộc đời này chẳng có gì tồn tại, trước hay sau rồi thế nào cũng phải mất. Vậy mất trước thì khỏi phải... mất sau, có gì là quan trọng" Vả lại, cây trâm của bà theo thời giá đáng được mấy mươi xu, hà cớ gì phải đau đớn như ai cắt đi từng khúc ruột. Sẵn đây tôi nói cho bà biết, ở xứ Việt, có người buôn đồ quốc cấm bị lôi cổ ra chốn công đường đến nỗi tán gia bại sản mà có chảy giọt nước mắt nào đâu" Chẳng qua người ta hiểu được thua keo này bày keo khác, chứ cần gì phải khóc lóc ỉ ôi, bởi than van thế mấy đi chăng nữa cũng không làm sao có lại được. Vừa tổn hao sức khoẻ. Vừa làm cớ cho bọn ăn không ngồi rồi bàn tán chuyện của ta. Vừa làm cho con cháu phải cúi đầu hổ thẹn. Chi bằng im quách cho nó nguôi đi, rồi kiếm cách làm lại. Bà nên lấy đó làm gương, chứ đừng khóc lóc như thế, phỏng được ích gì!

Người đàn bà mới nhỏ nhẹ phân trần, bày tỏ:
- Tôi vẫn biết cây trâm bằng cỏ thi trong mắt ông chẳng có gì giá trị, nhưng đối với tôi nó vô cùng quý giá, bởi đó là món quà đầu tiên mà chồng tôi đã trao, để thay lời ước hẹn sống đời hương lửa. Bây giờ chồng tôi đã mất, lại lâm cảnh tứ cố vô thân, nên chỉ biết nhìn cây trâm ấy để ủi an trong đời khổ nhọc. Vậy mà bây giờ sự đỡ nâng ấy không còn nữa, liệu đây rồi tôi sẽ sống ra sao"

Nói rồi nước mắt tuôn trào ướt luôn cả áo. Đức Khổng Tử liền gọi các đệ tử, mà dạy rằng:
- Cái gì đã là của mình, mình có bụng yêu, mà lỡ khi mất, thì về sau dù có được cái khác giống như thế, hay hơn thế, cũng không sao yêu cho bằng được. Thường, lại chỉ vì thấy cái mới mà hồi nhớ đến cái cũ, sinh ra chạnh lòng, nên câu ta thán, có khi ngậm ngùi thương khóc nỉ non. Tại sao vậy" Tại đối với mình, cái của mất không chỉ có giá của mà thôi, lại hình như còn có một phần tâm hồn mình hay tâm hồn người để lại cho mình ngụ ở trong đó nữa. Sự cảm động đầu tiên bao giờ cũng là sự cảm động hay nhất, bền nhất. Ôi! Cáo chết ba năm quay đầu về núi. Con người ta, dù cho lông bông xiêu bạt đến thế nào, còn có chút tâm tình cũng không sao quên được nơi mình chôn nhau cắt rún. Đến như con ngựa rợ Hồ thấy gió bấc còn cất tiếng kêu. Con chim đất Việt chọn cành nam mới chịu làm tổ. Huống chi là người mà lại quên nguồn gốc được ư" Vả lại, người đàn bà này không có cơ hội học hỏi đạo thánh hiền như các ngươi, mà lại sống như thế, hoá ra lại trở thành tấm gương cho người người dõi mắt trông theo. Chỉ tiếc bà không phải là... đàn ông, nên khó trở thành người quân tử. Thiệt là đáng tiếc!

Đoạn Đức Khổng Tử lệnh cho các anh học trò, mỗi người góp một chút gọi là chia xẻ nổi khổ đau với người hoạn nạn, rồi mới buông lời ngà ngọc khuyên nhủ như sau:
- Phàm đã là người ai mà không gặp cảnh khổ đau! Chỉ là mỗi người một kiểu không ai giống ai cả. Nay ta gặp được bà đây, âu cũng do duyên trời đưa đẩy, nên chi có đôi lời mong rằng sẽ giúp bà được vui. Vì bà là phận nữ nhi, nên đã lỡ đi làm thuê cho thiên hạ để mưu sinh thì cũng cứ thế mà làm, chứ đừng mơ mộng viễn vông kẻo có ngày... đứt dây chuông thì khổ! Vả lại, thời buổi bây giờ kiếm việc hết sức khó khăn. Bà không thân không thế, lại không tiền không bạc, được như vậy đã là may mắn lắm tưởng như không còn gì hơn được! Lại nữa, bà là người một lòng một dạ với chồng thì đừng nghĩ chuyện tái giá làm chi. Cứ sống như thế, lỡ mai này nhận được cái bằng: Tiết hạnh khả phong của vua ban thì chẳng những bà được người đời kính nể, mà phu quân ở suối vàng ắt cũng được vui lây. Còn cây trâm dù trước đây là vật đính ước, nhưng bây giờ đã mất đi, thì bà cũng nên cho nó... lui vào dĩ vãng, chứ ôm ấp cho lắm để làm gì, rồi hương nhạt phấn bay, thì thật là uổng phí!

Nói rồi thầy trò kéo nhau đi mất. Chợt có anh học trò tên là Tử Liệt, chạy đến bên người đàn bà xấu số, vội nói rằng:
- Tôi thấy tình cảnh của bà mà không sao đành lòng đi cho được. Ngặt một cái là nếu giúp bà tôi biết lấy gì... bỏ vô miệng đây" Thôi thì những lời dạy dỗ của thầy tôi mong bà lấy đó làm điều quý trọng, rồi ráng sống cho ngon lành biết đâu bắt được... cái vua ban, thì lúc ấy mặc sức cho gần xa ngưỡng mộ!

Người đàn bà bỗng ngước mặt nhìn trời, cười một tràng thôi... quá đã! Cặp mắt ráo khô tưởng như trước đây chưa hề rớt ra ngàn giọt lệ! Tử Liệt trố mắt mà nhìn, chẳng hiểu tại sao, bèn vội vàng hỏi han cho rõ:
- Thế tôi nói có gì không phải hay sao mà bà lại cười"

Người đàn bà nhìn thẳng vào đôi mắt ngơ ngác của Tử liệt, rồi mới nói từng chữ từng câu, cứ như là đinh đóng cột:


- Người ta thường nói: Nghe tên không bằng thấy mặt. Thấy mặt gấp mấy nghe tên. Nay mới biết quả nhiên là như thế. Thầy của ông thường được mọi người xưng tụng, hoá ra chỉ có tiếng mà thôi, chứ thực ra chẳng giúp gì cho tôi được. Ông nghĩ lại mà coi, thầy của ông nói số tôi đã lỡ đi làm thuê thì đừng bao giờ thay đổi, cứ giữ đó mà làm để mưu sinh. Thử hỏi, có người nào đem thân đi đổi miếng cơm lại không mong có ngày lên... làm chủ" Có ngày tiền bạc rủng rỉnh trong tay để bù đắp cho tháng ngày cơ khổ nhọc nhằn. Tiền mà có thì thù ghét cũng trở thành thân, thậm chí con chó con mèo cũng ra chiều thương mến. Có của rồi thì cái gì mà chẳng trọn vẹn trước sau. Chính sự mong ước đó, mới hun đúc ý chí để con người gắng sức vượt qua nghịch cảnh mà vui sống cho đời... nể mặt. Đó là chưa nói đến lúc tuổi già bóng xế, khi không còn sức lực để làm, thì lúc ấy không biết mần răng có hạt gạo để ăn! Đã vậy còn khuyên tôi ở vậy đừng tái giá, để mai này được cái bằng: Tiết hạnh khả phong của vua ban cho mát lòng mát dạ, ông thử nghĩ mà xem: Thân tôi bây giờ tứ cố vô thân, nhà cửa không có, một mình thui thủi ở đình làng xiêu vẹo, bữa đói bữa no. Vui thì chẳng có ma nào hầu chuyện, còn buồn thì biết tâm sự cùng ai" Rồi những lúc trái gió trở trời, ốm đau bệnh hoạn, những mong một chén cháo nóng, một cử chỉ săn sóc vỗ về, làm sao có được đây" Đáng lẽ thầy ông phải khuyên tôi cố gắng tìm... chồng mới phải. Trước là có người nương dựa ủi an. Sau nữa con cháu đỡ nâng lúc... gió heo may đã về, chứ có đâu lại bảo tôi nên sống đời đơn lẽ đặng có ngày ôm cái bằng: Tiết hạnh khả phong cho nở mày nở mặt! Nói thiệt với ông, khả phong cho lắm để làm gì mà cả đời hiu quạnh thì cái bằng đó cũng vất đi! Vả lại, danh tiếng cao ngất như thầy ông mà quanh đi quẩn lại chỉ có chừng ấy học trò, anh nào anh nấy rớt cả... cái mồng tơi, gom góp mãi mới được hai quan tiền nhỏ híu chứng tỏ lời dạy dỗ của thầy ông chưa được người người đón nhận. Chẳng hay ông có bao giờ nghĩ đến việc này hay chưa"

Tử Liệt muốn... liệt cả tứ chi! Người đàn bà trước mắt hẳn là học hành chẳng được mấy lăm hơi mà dám lạm bàn đến những điều thầy dạy dỗ. Khổ một nỗi là trong phúc chốc chưa làm sao biện bạch gì cho được, bèn vội thoái thác mà đi. Chân đã bước mà lòng nao núng không làm sao kể xiết, bèn tự nhủ với lòng: Ta theo thầy bấy lâu những mong bắt được chút tước chút quan cho thân tâm nhàn hạ, nào dè đã mười mấy năm cứ lặn lội hết nơi này qua nơi khác, tới đâu cũng ăn nhậu phủ phê, rồi lại xách gói ra đi tìm độ mới! May mà hôm nay ta được bà này nhắc nhở, chứ cứ nhắm mắt bước đại theo thầy, e rằng đến cuối đời chẳng được cái chi chi thì ta biết ăn nói làm sao với phụ mẫu ở quê nhà đang ngày đêm trông đợi! Lại nữa, thầy có bao giờ lấy tiền lấy bạc của ai đâu! Lúc nào cũng khăng khăng: Người quân tử ăn chẳng cầu no thì sống hùng sống mạnh làm sao được" Không khéo lâm vào cảnh... những con chim ẩn mình chờ chết thì bỏ cha! Chi bằng ta tìm cơ hội thuận tiện để hỏi ý thầy một lần cho thoả chứ huynh đệ theo thầy mười thằng... chìm bảy còn ba! Nếu tương lai coi mòi tươi sáng ta sẽ đi theo. Bằng ngược lại, ta âm thầm trở về quê củ đặng lo lấy đời mình, chứ mong muốn trở thành người quân tử mà suốt đời chỉ được mấy xu teng thì thà làm... tiểu nhân mà ăn sung mặc sướng, lại còn được đè đầu đè cổ thiên hạ. Thế chẳng phải là kế vẹn toàn hay sao"

Nghĩ vậy bèn ba chân bốn cẳng chạy đuổi theo thầy, được một chốc thì gặp. Buổi tối hôm ấy, khi thầy trò đang yến ẩm vui chơi nơi nhà của phú hộ ở làng bên, nhân thấy thầy đang ngàn ngàn cao hứng, Tử Liệt bèn hỏi rằng:
- Thưa thầy, người quân tử có khi nào phải lo sợ không"

Đức Khổng Tử nói:
- Người quân tử chỉ cốt suy nghĩ định liệu công việc của mình. Lúc chưa làm được việc thì vui, vì mình đã có ý định làm việc. Làm được việc rồi lại càng vui hơn, vì biết mình có trí để làm việc. Khi việc thành tựu đâu vô đó rồi thì lúc ấy vui... can không nỗi, bởi thấy mọi suy nghĩ định liệu của mình không sai một mảy may. Thế nên, người quân tử chỉ biết vui thú suốt đời chứ chẳng bao giờ lo lắng!

Nói rồi, cười thôi... tít cả mắt! Tử Liệt đợi thầy... sướng xong, mới thư thả mà rằng:
- Thưa thầy, nếu người quân tử chỉ vui có thế thì có gì mà vui!

Đức Khổng Tử hoảng hốt:
- Sao ngươi lại nói vậy"

Tử Liệt thưa rằng:
- Thưa thầy, nếu người quân tử chỉ có chừng ấy niềm vui thì đứa tiểu nhân cũng thừa sức vui được. Bởi đứa tiểu nhân lúc chưa biết công việc gì để làm, thì vui vì có người suy nghĩ hộ. Lúc chưa làm được việc, thì vui vì kẻ quân tử còn làm không nổi huống chi hạng... cá kèo cá chốt của ta. Lúc làm được việc rồi thì lại vui vì nhận đấy là công sức của mình. Đợi đến khi mọi việc ngon lành đâu vô đó lại càng vui, bởi thấy mình chẳng ra sức bao nhiêu mà tiền tài danh vọng cứ như là đồ chơi trong túi. Cứ thế suốt đời chả phải nhọc xác làm chi cho mệt, mà việc gì cũng ro ro thẳng tắp một lèo. Đã vậy muốn ăn là ăn, muốn nhậu là nhậu, muốn nghe ả đào thì cứ phang tới tới, đó là chưa tính đến ăn tục nói phét cỡ nào cũng chẳng sợ thiên hạ bàn luận khen chê, mà miệng lại tràn trề khoan khoái. Không khéo làm tiểu nhân thời buổi này còn vui hơn làm quân tử đấy, thầy ạ!

Đức Khổng Tử vội dzô một ngụm rượu rõ to, rồi... lãng sang chuyện khác!

Lẩn Thẩn Hậu Bối

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.