Hôm nay,  

Đọc Xưa, Nghĩ Nay

25/05/201400:00:00(Xem: 4555)
Đất nước đang trong những ngày nguy cấp. Chiến tranh có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào. Chính phủ không còn được lòng dân, mang nhiều bệnh lớn tới mức gọi là quốc nạn, như tham nhũng, hối lộ, lãnh phí, cửa quyền, tư bản phe cánh, rút ruột công trình và sách nhiễu người dân.

Trong khi giàn khoan của Phương Bắc đã áp sát Biển Đông, Việt Nam lại bị cô lập trên trường quốc tế, lấy gì làm sức để giữ lòng dân như một, để cùng một lòng giữ nước?

Đọc lại truyện ngài Trần Hưng Đạo, ngẫm lại có nhiều bài học cần cho người đời nay giữ nằm lòng.

Theo Wikipedia, ngài Trần Hưng Đạo (1228 - 1300), còn được gọi là Hưng Đạo Vương, tên thật là Trần Quốc Tuấn; là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất, và là nhà văn Việt Nam thời Trần.

Dưới sự lãnh đạo của Trần Hưng Đạo, quân đội nhà Trần đã vượt qua vô vàn khó khăn và hiểm nguy, ba lần đánh tan hàng vạn quân Nguyên Mông xâm lược, giành thắng lợi lẫy lừng, “tiếng vang đến phương Bắc, khiến chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi thẳng tên”. Công lao to lớn này đã đưa ông lên hàng “thiên tài quân sự có tầm chiến lược, và là một anh hùng dân tộc bậc nhất của nhà Trần”...

Vào tháng 12 năm Giáp Thân 1284, hiệu Thiệu Bảo năm thứ 6, đời Trần Nhân Tông, đại binh Thoát Hoan tiến đánh Chi Lăng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thất thế đưa quân chạy về Vạn Kiếp. Vua Nhân Tông thấy thế giặc mạnh, cho mời Hưng Đạo Vương về Hải Dương mà phán rằng:

"Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?"

Hưng Đạo Vương tâu:

"Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn miếu Xã tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng!!"

Than ôi, người đời nay nên nhớ câu trên nằm lòng. Nếu Việt Nam trở thành một Tây Tạng mới, một Tân Cương mới, thì còn gì là xã tắc sơn hà.

Tư tưởng quán xuyến suốt đời của Trần Hưng Đạo, là một tấm lòng tận tụy đối với đất nước, là ý muốn đoàn kết mọi tầng lớp trong dân tộc thành một lực lượng thống nhất, là tinh thần yêu thương dân. Cho nên trước khi mất, ông vẫn còn dặn vua Trần Anh Tông rằng: "Phải nới sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc" cho sự nghiệp lâu dài của nước nhà.

Tháng Sáu (âm lịch) năm Canh Tý (1300), Trần Hưng Đạo ốm. Vua Trần Anh Tông ngự tới nhà thăm, hỏi rằng: "Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?". Ông trả lời: "Ngày xưa Triệu Vũ Đế (tức Triệu Đà) dựng nước, vua nhà Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã (vườn không nhà trống), đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, Hồ Nam, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê dùng người tài giỏi, đất phương nam mới mạnh mà phương bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua nhà Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh là vì có thế. Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".

Việt Nam đang ở đâu? Đã sẵn sàng chuyển hướng để chuẩn bị cho một cuộc chiến không bất ngờ? Có thể tin rằng hòa bình thế này sẽ kéo dài? Có thể tin rằng sẽ không có giàn khoan thứ nhì, thứ ba... và thứ mâý trăm, như lời ông Tướng Taù La Viện hù dọa?

Hầu hết những tiếng nói bình tỉnh đều kêu gọi chính phủ VN hãy chuyển sang hướng dân chủ đa nguyên, để kết hợp sức dân. Đó là kế ngắn hạn và cũng là lâu dài gìn giữ được cõi bờ.

Tác giả Hoàng Mai, trong bài viết hôm 23-5-2014, trên mạng Bauxite VN, tưạ đề "Tiếng Gọi của Non Sông: Thoát Hán" đã đề nghị giaỉ pháp thoát khỏi trùng điệp các giàn khoan Phương Bắc:

"...Sự kiện mà China đưa giàn khoan HD-981 vào sâu trong thềm lục địa Viêt Nam, được dư luận cũng như những người bình luận, đều cho rằng, đây là cơ hội để người Việt, mà cụ thể là Bộ Chính trị, Đảng CSVN, có cơ hội thoát khỏi sự kìm hãm của Bắc Kinh, mà ta quen gọi là: thoát Trung, thoát Tàu, hay: thoát Hán.

Rõ ràng, đây cũng là cơ hội để Đảng CSVN phần nào sửa chữa lại lỗi lầm của mình trước lịch sử. Dù muốn hay không, cũng không thoát khỏi sự phán xét sau này.

2. Vài so sánh cần thiết

Dân số Việt Nam hiện nay là 92 triệu (năm 2013), trong đó, miền Nam khoảng 50 triệu. Nghĩa là dân số miền Nam hiện nay bằng dân số Hàn Quốc bây giờ. Trong khi Tổng sản phẩm quốc nội - GDP của Hàn Quốc năm 2012 là 1,13 nghìn tỷ USD (1); tức là bằng 10 lần cả nước gồm 92 triệu dân Việt Nam làm ra trong một năm. Đáng chú lý là, vào những năm 1960, Hàn Quốc chưa thể sánh với miền Nam nước ta.

Trong bài viết “Mồi lửa và đống củi”, đăng trên Facebook của mình, nhà báo Huy Đức, viết:

“Năm 1974, nếu người Việt chúng ta ở chung một chiến hào, chắc chắn Hoàng Sa không thể rơi vào tay Trung Quốc. Chắc chắn không có sự kiện HD 981. Chắc chắn Trung Quốc không thể khoan vào những nơi người Việt Nam rất dễ bị tổn thương”.

Vài so sánh trên đây, dẫu còn khập khiễng, nhưng cho thấy những sai lầm của tiền nhân trong thế kỷ 20 đã tạo ra và để lại hậu quả đến ngày nay, và có thể đến cả ngàn năm sau; đấy là chưa kể đến có khoảng 5 triệu người chết do cuộc chiến tranh Nam-Bắc, mà miền Bắc là phía chủ động gây chiến, trong đó có khoảng nửa triệu người miền Nam chết trên biển khi vượt biên sau này với những thảm cảnh thương tâm.

3. Bắc Kinh sợ nhất người Việt Nam ở điểm nào?

Một cách ngắn gọn, ta có thể trả lời: Điều mà Bắc Kinh sợ nhất lúc này là một Việt Nam, chuyển sang thể chế Dân chủ đúng nghĩa theo mô hình như nước Mỹ và Tây Âu. Nghĩa là: xây dựng xã hội dân sự, nhà nước Pháp quyền, thực thi kinh tế thị trường đích thực.

Vậy thì, điều gì mà Bắc Kinh không muốn thì Việt Nam phải làm, và nay đang có cơ hội để thực hiện.

Chúng ta dễ nhận ra rằng, nếu Việt Nam đi trước China một bước trong việc chuyển hóa thể chế chính trị, thì chắc chắn sẽ tạo được hiệu ứng lớn từ sự kiện này, qua đó nhân dân China sẽ vùng lên không chỉ phản đối chiến tranh với Việt Nam (nếu có), mà đòi dân chủ, làm cho Bắc Kinh lung lay và có thể sụp đổ ngay từ bên trong."(hết trích)

Trong khi đó, Giaó sư Nguyễn Khắc Mai trong bài viết "Việt Nam - Hậu HD-981" đã kêu gọi thiết lập Đại Hội Diên Hồng, Bài viết trích:

"Hãy lập ra một Ủy Ban cứu nguy dân tộc, mở Đại hội Diên Hồng trong tình hình mới. Xin gọi là ủy ban 100.

Thành phần:

30 người của đảng CSVN.

30 người lập trường VNCH.

20 nhân sĩ trí thức trung lập.

20 đại diện những tôn giáo chính ở nước ta (hai phái Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hòa hảo).

Mặt trận Tổ quốc và những Hội đoàn của xã hội dân sự trong và ngoài nước phải vì dân vì nước hiệp thương tiến hành. Xác định và thỏa thuận nội dung. mỗi nhóm cần đưa ra cương lĩnh chương trình để cùng thương thảo. Thắng lợi của Đại hội Diên Hông này là thắng lợi của dân tộc và nhân dân Việt Nam. Tất cả các nhóm chỉ là người phục vụ cho thắng lợi ấy."(hết trích)

Từ hải ngoại, nhà báo Bùi Tín viết trên blog riêng ở VOA, bài "Bẻ lái - chờ lúc nào nữa?" đưa ra lời kêu gọi:

"Nếu như hàng ngũ lãnh đạo thức tỉnh, bảo ban thuyết phục nhau làm gương cho cấp duới, cầm chắc tay lái bẻ sang hướng tôn trọng nhân quyền thật lòng, thực hiện dân chủ đích thật, trả lại cho nông dân quyền sở hữu ruộng đất, để cho tầng lớp trung lưu tự do kinh doanh bình đẳng, thẳng tay trị tham nhũng theo đúng pháp quyền công minh thì lập tức tình hình sẽ đổi khác như trong thần thoại.

Nông dân tưng bừng mở hội, ruộng đồng bội thu, thành thị kinh doanh sầm uất, công nghiệp buôn bán phồn thịnh, có ngân sách rộng rãi cho y tế, giáo dục là 2 cột trụ cho xã hội văn minh hạnh phúc. Một sự đồng thuận, hòa hợp dân tộc cao lập tức xuất hiện.

Việt Nam gắn bó toàn diện với mọi thế lực dân chủ khắp nơi sẽ tạo nên thế quốc phòng và bảo vệ tổ quốc vững chắc, khác hẳn hiện nay, buộc thế lực bành trướng phải chung sống hòa bình, bình đẳng với nước ta cũng như với các nước láng giềng khác..."(hết trích)

Lòng dân chờ đợi một cơ hội mới cho Đạị Hội Diên Hồng.

Còn chờ gì nữa?

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.