Hôm nay,  

Trí Thức Quốc Nội Lưu Truyền Loạt Bài Của Ông Lê Hồng Hà - Phần Ii

26/02/200100:00:00(Xem: 4073)
II. Đối với dân tộc Việt Nam, học thuyết Mác là một học thuyết ngoại nhập.
1. Vì học thuyết Mác là sản phẩm của Tây Âu, với những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, tư tưởng của Tây Âu, cho nên nếu áp đặt các kết luận của nó vào Việt Nam (dù là vận dụng sáng tạo) thì không giúp lý giải được xã hội Việt Nam với những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, tư tưởng hoàn toàn khác với Tây Âu, rất dễ dẫn cách mạng Việt Nam đi trệch đường, và do đó gây nên tổn thất, gây nên đổ vỡ, gây nên kìm hãm sự phát triển.
Đối với chúng ta, vấn đề đặt ra không phải là phủ định toàn bộ chủ nghĩa Mác, mà là nghiên cứu nó một cách nghiêm túc, tham khảo cách phân tích sự vật, lựa chọn những điều bổ ích, loại bỏ những điều không thích hợp hoặc sai lầm trong chủ nghĩa Mác đồng thời tham khảo những thành quả tư tưởng của nhân loại và của dân tộc trước kia và hiện nay, trên cơ sở đó nghiên cứu, phân tích tình hình nước ta một cách sâu sắc và hệ thống, rút ra những kinh nghiệm, những bài học thành công và thất bại của mình cả trước kia và hiện nay để từ đó tìm ra con đường phát triển của đất nước ta, phù hợp với điều kiện nước ta, đáp ứng được những nguyện vọng cơ bản của nhân dân ta.
2. Trong quá trình lý giải xã hội Việt Nam và đi tìm con đường phát triển của Việt Nam, có thể lúc đầu chúng ta phải tạm vay mượn các khái niệm trong học thuyết Mác và các học thuyết khác, nhưng chớ có lệ thuộc vào chúng, mà phải sớm chủ động sáng tạo ra các khái niệm sát hợp với Việt Nam làm công cụ trừu tượng hoá của mình.
Chớ có lệ thuộc vào các khái niệm "chủ nghĩa tư bản", "chủ nghĩa xã hội", "giai cấp và đấu tranh giai cấp", "chuyên chính vô sản", v.v...
Nước Việt Nam trước kia đã trải qua một con đường riêng biệt của mình (chưa hề được khái quát trong các sách kinh điển) và sẽ đi tìm con đường phát triển đặc thù vừa phản ánh những khát vọng của nhân dân, của dân tộc mình, vừa phù hợp với những điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá, tư tưởng của mình. Nội dung con đường đó hoàn toàn do nhân dân ta tự mình đi tìm và quyết định, không lệ thuộc vào một công thức, một mô hình, một học thuyết ngoại nhập nào.
3. Chỉ cần nêu vài vấn đề làm ví dụ:
- Sự phát triển của xã hội Việt Nam trong mấy nghìn năm qua đã không trải qua các hình thái kinh tế xã hội mà Mác đã nêu lên.
- Lịch sử phát triển của nước Việt Nam cũng không kinh qua quá trình lấy đấu tranh giai cấp làm động lực như Mác đã khái quát trong chương I của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản.
- Nhân dân Việt Nam đã sử dụng các hình thức sở hữu đa dạng (công cộng, tư hữu, vừa công vừa tư) như một công cụ phục vụ cho sự phát triển của xã hội, chứ không coi một hình thức sở hữu riêng biệt nào là mục tiêu phải đạt tới bằng bất cứ giá nào trong việc xây dựng xã hội mới.
- Việc lý giải sự hình thành Nhà nước trong lịch sử nước ta không thể dùng học thuyết Mác về nhà nước.
- Vấn đề tam giáo đồng nguyên, sự cùng tồn tại hoà hợp giữa các khuynh hướng tín ngưỡng, tư tưởng khác nhau vốn là một truyền thống quý báu của dân tộc ta không dung nạp nổi cách lấy một học thuyết (dù là học thuyết Mác) làm công cụ thống trị duy nhất, triệt hạ các học thuyết khác bị coi là dị giáo.
4. Là sản phẩm của Tây Âu thế kỷ 19, học thuyết Mác có nhiều hạn chế về mặt không gian và thời gian. Do đó khi vào Việt Nam, muốn phát huy được tác dụng tích cực, nó phải hoà vào xã hội Việt Nam, vào truyền thống của Việt Nam, nghĩa là nó phải được Việt Nam hoá.
Dân Việt Nam từ xa xưa tới ngày nay vốn đã tự rèn luyện cho mình một bản lĩnh: mở cửa, tiếp xúc với các nền văn hoá bên ngoài, chọn lựa, thâu hoá những nhân tố tinh tuý thích hợp và có lợi cho dân mình, loại trừ, đào thải những nhân tố không thích hợp.
Đó cũng chính là quá trình chống đồng hoá trong thời kỳ Bắc thuộc trước kia, là quá trình chống ăn sống nuốt tươi những học thuyết ngoại lai sau này.
Nếu như trước đây có những nhà "hủ Nho" sùng tín đạo Nho thì nay cũng có những nhà "hủ Mác" sùng tín học thuyết Mác và qua đó bóp nghẹt tư duy của dân tộc, của đội ngũ trí thức của dân tộc, kìm hãm sự phát triển của xã hội Việt Nam.
III. Nhân dân Việt Nam và Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác
1. Nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình phát triển phong phú, đa dạng và đặc thù, qua đó đã tạo nên một nền văn hoá dân tộc với bản sắc riêng.
Nước ta là một nước thuộc khu vực Đông Nam á, nền văn hoá nước ta từ rất sớm đã mang những nét đặc trưng của văn hoá Đông Nam á, đồng thời vẫn có bản sắc riêng của mình. Trải qua mấy nghìn năm tiếp xúc với văn hoá Trung Quốc và văn hoá ấn Độ, nền văn hoá Việt Nam vẫn kiên trì giữ vững được bản sắc của mình, chống lại sự đồng hoá; đồng thời đã thu nạp những nhân tố tích cực trong các nền văn hoá ngoại nhập, biến chúng thành của mình, và làm giàu thêm cho mình. Trong lịch sử lâu dài của dân tộc, nền văn hoá Việt Nam đã góp phần to lớn làm cho dân tộc Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược trước đây. Đến khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, vận mệnh dân tộc và nền văn hoá dân tộc lại một phen nguy ngập. Trong sự so sánh lực lượng quá chênh lệch, nhân dân Việt Nam vẫn đấu tranh kiên cường tìm con đường giải phóng và tiến lên của đất nước Việt Nam. Người thì tìm chỗ dựa ở Nhật, ở Trung Quốc, ở Pháp, người thì tìm mô hình phát triển đất nước theo kiểu Tôn Văn, theo kiểu dân chủ phương Tây. Trong hàng loạt những cuộc đi tìm trên đây, thì sự tiếp xúc với chủ nghĩa Mác là một mũi quan trọng tuy có chậm hơn so với các hướng khác. Nguyễn ái Quốc trong quá trình đi tìm con đường cứu nước, đã gặp những người xã hội Pháp, đã tiếp xúc với chủ nghĩa Lênin, trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Và qua các hoạt động của Quốc tế Cộng sản và của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn ái Quốc gắn được cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam với phong trào công nhân thế giới, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng chính quốc, gắn cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam với cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa, gắn cách mạng Việt Nam với nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
2. Nhân dân Việt Nam qua Nguyễn ái Quốc và các đồng chí cộng sản lúc đó đã từng bước tiếp thu được những nhân tố hợp lý trong học thuyết Mác - Lênin, những điều rất có lợi cho cách mạng Việt Nam.
Có thể nêu lên những điều chủ yếu sau đây:
a. Những người cách mạng Việt Nam đã tìm thấy nguồn sức mạnh to lớn ở trong nước do chỗ thấy rõ năng lực cách mạng của nông dân và công nhân, tức là các tầng lớp lao động đông đảo nhất, nhưng lại nghèo khổ nhất, bị bóc lột thậm tệ nhất trong xã hội và do đó là lực lượng cách mạng to lớn nhất trong cuộc đấu tranh chống bọn thực dân.
b. Những người cách mạng Việt Nam đã tìm thấy nguồn sức mạnh to lớn ở ngoài nước do chỗ thấy rõ những năng lực cách mạng ở chính quốc và ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên toàn thế giới. Họ khai thác nguồn sức mạnh ấy bằng cách thực hiện hai sự liên hiệp: liên hiệp giữa dân tộc mình với vô sản chính quốc, và liên hiệp giữa dân tộc mình với các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc khác trên thế giới.
c. Những người cách mạng Việt Nam có thể nhận rõ kẻ thù của mình, chỗ mạnh và chỗ yếu của nó, những thủ đoạn xảo quyệt của nó. Nhận định đúng đắn và sâu sắc kẻ thù, vạch mặt kẻ thù một cách sắc sảo, nuôi dưỡng lòng căm ghét kẻ thù cũng tạo thêm sức mạnh cho cách mạng Việt Nam.
d. Những người cách mạng Việt Nam qua học thuyết Mác, có thể thấy rõ phương hướng xây dựng một xã hội tương lai sau khi đã giành được độc lập dân tộc, trong đó người lao động sẽ tự giải phóng mình khỏi đói nghèo và sự bóc lột xã hội, sẽ đạt được đời sống ấm no hạnh phúc. Lý tưởng xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn minh là một nguồn cổ vũ cực kỳ mạnh mẽ những người cách mạng trong cuộc đấu tranh gian khổ nhằm giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội.
e. Những người cách mạng Việt Nam có thể học tập cách xây dựng một Đảng cách mạng vững mạnh gồm có những cán bộ cách mạng chuyên nghiệp một lòng một dạ vì sự nghiệp cách mạng, có đủ bản lĩnh đương đầu với sự trấn áp của chính quyền phản động, và có thể động viên, tổ chức các tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh từ thấp lên cao và trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
3. Những người cách mạng Việt Nam khi tiếp xúc với học thuyết Mác đã phát hiện và học tập những nhân tố có lợi. Tất nhiên quá trình thâu hoá đó không tránh khỏi những sai lệch, ấu trĩ. Song những sai lệch đó đã từng bước được phát hiện, khắc phục và do đó cách mạng đã từng bước giành được những thắng lợi to lớn. Nhìn chung những người cách mạng Việt Nam, nhân dân Việt Nam không ăn sống nuốt tươi tất cả các nguyên lý của học thuyết Mác, đem chúng áp chụp vào Việt Nam.
Việc học tập những điều có ích trong học thuyết Mác không có nghĩa là nếu không có chủ nghĩa Mác, thì cách mạng Việt Nam không thể thắng lợi được. Thắng lợi về giải phóng dân tộc của nhân dân ta có nhiều mặt. Nếu chỉ xem xét riêng về mặt tư tưởng, thì tác động của chủ nghĩa Mác là rất quan trọng nhưng cái chủ yếu nhất trước sau vẫn là truyền thống của dân tộc Việt Nam: ý chí yêu nước kiên cường quả cảm, tinh thần đồng tâm đoàn kết, sự thông minh sáng tạo trong đấu tranh chống quân thù v.v...
Tất nhiên cũng có những người có suy nghĩ lệch lạc quy hoàn toàn công tích tạo nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam cho chủ nghĩa Mác, hoặc muốn áp chụp hoàn toàn chủ nghĩa Mác vào Việt Nam, nhưng đó chỉ là số rất nhỏ trong trí thức Việt Nam và đó chính là số "hủ Mác" ngày nay, giống như số "hủ Nho" trước kia. Nếu trước kia số "hủ Nho" đã đặt đạo Nho lên bàn thờ thì ngày nay số "hủ Mác" đặt học thuyết Mác lên bàn thờ và ngày ngày họ tụng niệm Mác để tỏ bày sự trung thành với học thuyết Mác. Họ gọi những người có cách suy nghĩ khác với họ là bọn cơ hội dưới mọi màu sắc, thậm chí là kẻ thù của cách mạng. Họ không lấy lợi ích của nhân dân và sự phát triển của xã hội làm căn cứ xuất phát và tiêu chuẩn xem xét đúng sai, mà họ lấy nguyên lý đạo Nho (trước kia) hoặc nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin (ngày nay) làm căn cứ xuất phát và tiêu chuẩn xem xét đúng sai.
4. Do đó trong giới trí thức có sự phân đôi. Một số thì sùng bái học thuyết bên ngoài với một tinh thần cuồng tín; một bên thì bình tĩnh tiếp thu có chọn lọc, có phê phán và chỉ sử dụng những nhân tố tích cực trong học thuyết Mác và các học thuyết ngoại nhập khác. Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh là thuộc lớp trí thức này. Người tiếp xúc với Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, Thiên chúa giáo, với học thuyết của Tôn Dật Tiên và các nhà cải cách Trung Hoa (Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi), với tư tưởng của Gandhi, với các luồng tư tưởng của cách mạng Pháp 1789 (Rút-sô, Mông-tét-skiơ), của cách mạng Mỹ, với chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm của Liên Xô, Trung Quốc v.v... Người không bài xích bất cứ một học thuyết nào, mà người chỉ chú tâm học hỏi, nghiên cứu để rút ra những điều bổ ích cho cách mạng Việt Nam. Người không lệ thuộc vào các câu chữ sách vở của nước ngoài, mà mạnh dạn sử dụng những từ ngữ của mình - những từ ngữ giản dị mà người dân bình thường cũng có thể hiểu được - để truyền bá những tư tưởng tiến bộ của thế giới vào nước ta. ở Người, ta không hề thấy một biểu hiện nào của sự thấp kém về trí tuệ hay sự lệ thuộc và sự nô lệ về tư tưởng các học thuyết bên ngoài.

5. Do chỗ trong chủ nghĩa Mác có nhiều điều bổ ích cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, và do Đảng Cộng sản có đường lối đúng và tuyệt đối trung thành với lợi ích của nhân dân cho nên những người cách mạng, những trí thức trong dân tộc Việt Nam về cơ bản đã tự nguyện tham gia Đảng Cộng sản hoặc tham gia đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng. Thật vậy, trong mấy chục năm đầu tồn tại của mình Đảng Cộng sản đã nắm đúng khát vọng lớn nhất của nhân dân là Độc lập dân tộc, đã đề cao Mặt trận dân tộc thống nhất với những tên gọi thích hợp trong từng thời kỳ cách mạng, đã đề xướng chủ nghĩa yêu nước để động viên tổ chức các lực lượng cách mạng trong nước, liên minh với các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Chúng ta hoàn toàn không thấy bóng dáng của sự kiêu căng, tranh quyền, tranh vị, mà chỉ thấy sự hy sinh tuyệt vời, sự thông minh với những hành động dũng cảm, gương mẫu, chịu mọi gian nan, nguy hiểm của đội ngũ đảng viên. Vai trò lãnh đạo của Đảng không dựa trên bất cứ một văn kiện luật pháp nào, cũng không dựa vào việc tự phong một cách phô trương, kiêu ngạo, mà dựa vào lòng tin tự nguyện của các tầng lớp nhân dân. Dân tin Đảng vì thấy Đảng một lòng một dạ vì dân tộc, vì thấy đường lối của Đảng sáng suốt, vì thấy đảng viên gương mẫu.
6. Chủ nghĩa Mác có đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhưng chủ nghĩa Mác có đóng góp vào việc xây dựng xã hội mới ở nước ta không" Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong mấy chục năm trước đây (kể từ 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng đã đi vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội) có tác dụng gì cho nhân dân Việt Nam không" ở chỗ này cần có quan điểm lịch sử cụ thể. Trong thời kỳ từ 1955 đến 1975, vì cả nước có nhiệm vụ cơ bản nhất là chiến thắng đế quốc Mỹ và bọn tay sai, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước, cho nên mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội thời đó (với việc đẩy mạnh 3 cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học và kỹ thuật, cách mạng văn hoá và tư tưởng, với việc thực hiện một cơ chế kế hoạch hoá tập trung cao độ, với một nền chuyên chính vô sản v.v...) đã phát huy tác dụng to lớn đối với việc huy động các lực lượng trong nước phục vụ cho việc đánh thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã chứng minh chiến tranh đòi hỏi một cơ chế chỉ huy tập trung cao độ toàn bộ các mặt hoạt động của xã hội. Nhưng sau khi đã hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc, khi đất nước bước vào hoà bình xây dựng, khi nhân dân mong muốn được cải thiện đời sống, có tự do và hạnh phúc thật sự, khi vấn đề phát triển phải được đặt lên hàng đầu, thì mô hình xã hội chủ nghĩa trước đây không những không còn tác dụng mà đã trở thành vật kìm hãm sự phát triển của xã hội. Dù nó có tạm thời đưa lại một số điểm ưu việt về y tế, giáo dục, xã hội, nhưng nó không đảm bảo được vấn đề tăng trưởng kinh tế. Rốt cuộc là, cùng với sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, cùng với việc nền kinh tế - xã hội ở nước ta rơi vào một cuộc khủng hoảng rộng lớn, phổ biến, kéo dài, thì những nguyên lý của chủ nghĩa Mác về xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa đã tỏ ra là không có tác dụng, đã bị phá sản.
IV. Nhân dân Việt Nam trong công cuộc đổi mới
1. Nhân dân ta từ lâu đã chủ động tìm đường thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội để có thể duy trì và cải thiện cuộc sống của gia đình mình và đưa đất nước tiến lên. Nhưng hiện tượng "khoán hộ" đã xẩy ra từ lâu (cách đây hơn 20 năm) ở nhiều nơi, lúc đầu thì giấu giếm, che đậy, dần dần loang rộng ra một cách phổ biến và công khai. Các cơ quan lãnh đạo cao cấp tuy không phải là người khởi xướng nhưng đã có công tiếp nhận, tổng kết và đề ra chủ trương khoán hộ một cách chính thức cho toàn quốc. Từ những sáng kiến của quần chúng về đổi mới trong nông nghiệp đã lan rộng sang các ngành dịch vụ và công nghiệp, từ nông thôn đã chuyển vào đô thị, từ địa phương lan ra toàn quốc.
2. Những thành tựu to lớn do công cuộc đổi mới đem lại, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế và đời sống của nhân dân, đã chứng minh một cách hùng hồn:
a. Trong những lúc khó khăn to lớn nhất về kinh tế - xã hội, chính nhân dân là người chủ động khởi xướng việc đi tìm con đường phát triển cho đất nước. Đó là nét đặc biệt nổi bật nhất của công cuộc đổi mới ở nước ta so với các nước xã hội chủ nghĩa cuối năm 70 và 80 trước đây. Nhờ vào các sáng kiến của nhân dân mà Đảng và Chính phủ có điều kiện để đổi mới các chính sách và phương pháp quản lý xã hội.
b. Trong khi đi tìm con đường phát triển, nhân dân ta vốn rất thực tế, không để bị gò bó bởi bất cứ nguyên tắc lý luận nào, bởi bất cứ mô hình xã hội chủ nghĩa đã được hoạch định trước đây, bởi bất cứ chỉ thị nghị quyết nào của các cấp lãnh đạo lúc đó v.v... Động lực thúc đẩy và tiêu chuẩn đánh giá công cuộc đổi mới là sự tăng trưởng kinh tế và sự cải thiện đời sống của nhân dân.
c. Trong sinh hoạt lý luận, nhân dân ta đã dũng cảm vượt lên và sửa đổi lại những nguyên tắc lý luận trước kia, ví dụ: đã chấp nhận nền kinh tế thị trường, chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần, đa dạng hoá chế độ sở hữu, sửa đổi cơ bản cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, chấp nhận phương hướng xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân v.v... Những sáng tạo đó hoàn toàn không phải là nhờ ở sự trung thành bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, mà ngược lại chính là sự phát triển sáng tạo dám sửa đổi và vượt lên khỏi những công thức đã được lặp đi lặp lại trong 100 năm nay.
3. Nhân dân ta một lòng một dạ trung thành với lợi ích của đất nước, của dân tộc, luôn luôn phát huy bản lĩnh của mình: tiếp xúc với mọi nền văn hoá, mọi học thuyết tiến bộ, mọi thành tựu khoa học kỹ thuật của thế giới, lựa chọn và tiếp thu mọi nhân tố có lợi để phục vụ cho đất nước mình, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, kết hợp với việc tham khảo kinh nghiệm bên ngoài, phát hiện được xu thế phát triển tới đây, qua đó tìm ra con đường phát triển tối ưu của đất nước, đồng thời xây dựng một lý luận về sự phát triển của nước ta.
Đó cũng chính là bản sắc phong cách tư duy của Hồ Chí Minh, mà chúng ta có nghĩa vụ phát huy trong quá trình xây dựng đất nước Việt Nam yêu quý./.
1995.

* (bài 4 - hết)

SUY NGHĨ VỀ CHỦ NGHĨA MÁC
Hồng Hà
Chủ nghĩa Mác, xét cho tới cùng, là sản phẩm của châu Âu (Tây âu) thế kỷ 19, với hai đặc trưng: chủ nghĩa tư bản sơ kỳ và cách mạng công nghiệp lần thứ nhất với tất cả sự kế thừa những thành tựu về tư duy và những sự hạn chế có tính chất khu vực và lịch sử.
Mỗi khu vực, quốc gia trên thế giới, do những điều kiện lịch sử, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, chính trị mà hình thành những học thuyết tư tưởng của mình.
Tuyệt đối không thể coi chủ nghĩa Mác là một cái gì tuyệt đối đúng cho năm châu bốn biển, không thể coi là đỉnh cao nhất của Khoa học loài người.
Vì vậy, xét trong tổng thể, chủ nghĩa Mác vừa có mặt vĩ đại: phê phán và khái quát những thành tựu tư tưởng của khu vực Tây Âu, vừa chịu nhiều hạn chế xét về không gian và thời gian. Xét trong tổng thể, sự vận động của thế giới từ giữa thế kỷ 19 cho tới nay đã không chứng minh cho những nhận định và quan điểm của Mác, nếu chúng ta đồng ý lấy thực tế vận động của xã hội và lấy thực tiễn trong 2 thế kỷ qua (l'évolution réclle et la pratique) làm tiêu chuẩn, căn cứ để kiểm nghiệm sự đúng sai của chủ nghĩa Mác.
Những điểm sai lầm hoặc cơ bản là sai lầm của chủ nghĩa Mác (dù có những yếu tố đúng):
1.Lấy sự phân tích một khúc phát triển (thời kỳ sơ kỳ) của chủ nghĩa tư bản để khái quát coi như đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa tư bản, và dựa vào đó dự đoán xu thế diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản là sai về phương pháp luận.
2.Sự phát hiện cái gọi là sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là sai lầm.
3.Dự đoán về sự phân hoá 2 cực giàu - nghèo, tư sản - vô sản trong xã hội tư bản là không đúng so với sự vận động của các xã hội tư bản trong thế kỷ 20.
4.Lý luận coi đấu tranh giai cấp và sự tất yếu của chuyên chính vô sản là quy luật phổ biến là sai.
5.Lý luận về 5 hình thái kinh tế xã hội, 5 phương thức sản xuất là không đầy đủ.
6.Lý luận về 2 cơ sở kinh tế - xã hội của cách mạng xã hội chủ nghĩa là sai lầm.
7.Lý luận về sự tất yếu có tính phổ biến của bạo lực cách mạng là không đầy đủ.
8.Lý luận về thặng dư giá trị là không đầy đủ.
9.Lý luận về đặc trưng phi hàng hoá của CNXH là sai.
10.Lý luận về mục tiêu "xoá bỏ chế độ tư hữu" tách khỏi sự tăng trưởng kinh tế là sai.
11.Lý luận về thời đại, quá độ trên phạm vi toàn thế giới là sai (Hội nghị 81 Đảng).
12.Lý luận về nguyên tắc phân phối theo lao động trong chế độ XHCN là không đầy đủ.
13.Lý luận về 9 quy luật phổ biến trong các nước xây dựng CNXH là sai.
14.Tự hạn chế trong hai khái niệm "CNTB", "CNXH" đối với sự phát triển của xã hội là sai.
15.Lý luận về Nhà nước là không đầy đủ.
16.Triết học Mác chỉ phản ánh được một số mặt của sự phát triển xã hội nhưng khi tuyệt đối hoá nó coi như đỉnh cao nhất, khoa học nhất, đầy đủ nhất thì trở thành sai lầm nguy hiểm.
17.Không thể coi CNXH mác-xít là khoa học, vì chưa có thực tiễn kiểm nghiệm.
18.Cả ba bộ phận tố thành, và ba nguồn gốc của chủ nghĩa Mác đều bị hạn chế, đều phiến diện, dù có chứa đựng nhiều nhân tố hợp lý, đúng đắn. Nhưng khi đã sùng bái mù quáng, thì chủ nghĩa Mác trở thành có hại hơn có lợi, trở thành lực kìm hãm xã hội, và phá hoại xã hội.
19.Không nên đặt chủ nghĩa Mác thành Quốc giáo (Théoric d'état) khinh rẻ, tàn sát, triệt hạ các tôn giáo khác, các hệ tư tưởng khác thì lợi không có gì mà có thể gây tai hoạ cho dân tộc, chia rẽ dân tộc, kìm hãm sự phát triển của xã hội.
Như vậy, có thể tóm tắt:
Chủ nghĩa Mác có nhiều phát hiện quý báu trong nghiên cứu xã hội tư bản, cách mạng công nghiệp, thời sơ kỳ của thế kỷ 19 của châu Âu. Đó là những hạt ngọc quý, đặc biệt là tinh thần phê phán toàn bộ gia tài tư tưởng của lịch sử Tây phương.
Nhưng cách tâng bốc tuyệt đối hoá chủ nghĩa Mác là đỉnh cao nhất, duy nhất khoa học, quốc giáo hoá, coi những nguyên lý đó là quy luật phổ biến chỉ còn được vận dụng vào cho từng nước là hoàn toàn sai lầm, gây tai hoạ cho sự phát triển của các dân tộc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.