Hôm nay,  

Y Khoa Và Những Nhầm Lẫn Chết Người.

02/09/200000:00:00(Xem: 5105)
Tuần qua, tòa soạn Sàigòn Times nhận được một bài viết giá trị trình bầy về những nguyên nhân dẫn đến những lầm lẫn chết người trong lĩnh vực y khoa. Tác giả của bài viết là người hiện đang làm việc trong ngành y tế của Úc. Nguyên nhân khiến tác giả gửi bài viết cho Sàigòn Times là do sự xúc động của ông sau khi đọc bài phóng sự trình bầy về cái chết đầy thương tâm của hai mẹ con chị Vân được Sàigòn Times đăng trong số báo tuần trước. Trong lá thư email gửi cho tòa soạn, tác giả Nguyễn Văn Tuấn cho biết: "Hôm weekend, tôi tình cờ đọc được bài phóng sự về cái chết của một đồng hương ở Brisbane. Tôi rất cảm động và phẫn nộ. Tuy nhiên chị đồng hương và đứa con của chưa chào đời của chị chỉ là hai trong số 18,000 nạn nhân của hệ thống y khoa Úc mỗi năm. Bệnh viện Úc có vẻ "hiện đại" và "an toàn", nhưng chỉ "có vẻ" thôi; vì thực tế nó không an toàn và tất nhiên là không hiện đại như phần đông người ta tưởng lầm."

Thay mặt tòa soạn, chân thành cảm ơn tác giả Nguyễn Văn Tuấn và sau đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết cùng bạn đọc.

*

Có một câu ngạn ngữ xưa nói rằng "đằng sau mỗi vị thầy thuốc là một bãi tha ma". Câu này có ý nói đến những bệnh nhân không may mắn phải chết dưới sự chăm sóc của các vị thầy thuốc. Đành rằng sinh-lão-bệnh-tử là một quá trình biến hóa tự nhiên, không thể tránh khỏi trong một đời người, nhưng trong thực tế, có người chết sớm [hay muộn] hơn người khác, do nhiều lý do. Trong đó có vấn đề nhầm lẫn của người thầy thuốc trong quá trình quản lý bệnh nhân. Mấy năm gần đây, vấn đề này thỉnh thoảng cũng được đề cập trên mặt báo chí, nhưng trong cộng đồng ta hình như đây vẫn còn là một vấn đề tương đối xa lạ. Bài viết này nhằm đem lại cho quí đồng hương, nhất là đồng hương có tuổi, những thông tin liên quan đến những rủi ro, bất trắc trong khi được các bác sĩ trong bệnh viện điều trị.

Hơn ba tháng trước đây, một đồng hương ở Brisbane được đưa vào Bệnh viện Mater Mother's (Mater Mother's Hospital) để chuẩn bị hạ sinh đứa con thứ ba. Nhân viên Bệnh viện đã chểnh mảng để cho chị phải chờ hơn 30 phút trong tình trạng đau quằn quại, và cuối cùng chị, cùng với đứa con chưa chào đời, đã trút hơi thở cuối cùng. Năm 1995, ông Willie King, 65 tuổi, được đưa vào Bệnh viện Cộng đồng thuộc trường Đại học Tampa (tiểu bang Florida) để giải phẫu chân trái; nhưng các bác sĩ đã cắt nhầm chân phải của ông. Ông King trở thành tàn tật suốt đời. Mới đây, một trường hợp nhầm lẫn tương tự như thế cũng ở Mỹ đã được báo chí phanh phui rầm rộ: đó là trường hợp của cụ ông Morson Tarason, 79 tuổi, được vào bệnh viện danh tiếng thuộc trường đại học Pennsylvania (tiểu bang Philadelphia) để giải phẫu chữa trị lá phổi bên trái; nhưng thay vì chữa trị lá phổi bị bệnh đó, các bác sĩ đã cắt nhầm lá phổi tốt bên phải! Đau lòng hơn, sau khi các bác sĩ biết được sự nhầm lẫn của mình, họ bèn âm thầm và thản nhiên hẹn cụ trở lại bệnh viện để làm một ca giải phẫu thứ hai chữa trị lá phổi trái. Cụ ông Tarason không hề hay biết gì. Chỉ khi phóng viên báo chí tìm tòi ra thì cụ và gia đình mới biết sự việc, và được đền bù chỉ có $7500. Cụ ông này may mắn hơn là còn sống sót sau hai lần giải phẫu, nhưng tuổi thọ của cụ chắc sẽ bị giảm và cuộc sống của cụ chắc sẽ khó khăn hơn.

Đối với phần đông công chúng, những trường hợp trên đây, nếu mới nghe qua thì thật là khủng khiếp, khó tin và khó hiểu. Khủng khiếp vì những lỗi lầm này lại xảy ra trong ngành nghề có chức năng chính là cứu người, chữa trị người bị bệnh và làm dịu bớt những cơn đau thể xác và tinh thần, một ngành nghề hoạt động dựa trên nguyên tắc cơ bản là "trước hết, không hại người" ("primum non nocere"). Khó tin là vì những nhầm lẫn trên đây xảy ra ở Mỹ, một nước thường rất tự hào về nền khoa học kỹ thuật y khoa số một trên thế giới, một nước có khả năng chữa trị những bệnh ngặt nghèo nhất. Khó hiểu là vì trong một hệ thống y tế được tổ chức rất chặt chẽ như Mỹ lại có thể xảy ra những lỗi lầm mà nếu chỉ nghe qua thì cứ như chuyện đùa. Ấy thế mà những lỗi lầm tưởng như chuyện không tưởng này lại thường xảy ra trong bệnh viện. Trường hợp của hai cụ ông Willie King và Morson Tarason không phải là những tai nạn cá biệt, mà chỉ là một số thống kê nhỏ trong hàng vạn tai nạn xảy ra hàng năm ở các bệnh viện Mỹ.

Những thống kê nhức nhối

Không ai biết chính xác mỗi năm có bao nhiêu người bị thiệt mạng và thương tích do những lỗi lầm của giới y khoa gây ra. Nhưng, các nhà khoa học có thể ước đoán con số này. Theo một cuộc điều nghiên quan trọng trên hồ sơ bệnh lý của hơn 30 ngàn bệnh nhân được chọn một cách ngẫu nhiên trong 51 bệnh viện vào năm 1984 thuộc tiểu bang New York, nhóm nghiên cứu thuộc trường đại học Harvard do giáo sư Lucian Leape(1) dẫn đầu khám phá ra 3.7% bệnh nhân bị thương tích; trong số 3.7% này, có gần một phần ba do cẩu thả trong khi điều trị và 70% là do lỗi lầm của các nhân viên y tế (bác sĩ, dược sĩ, y tá, v.v.). Dựa theo thống kê này, Viện Y khoa (Institute of Medicine), trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (National Academy of Sciences, USA) phỏng đoán trên toàn nước Mỹ, hàng năm có khoảng 44 ngàn tới 98 ngàn người Mỹ bị thiệt mạng vì những lỗi lầm liên quan tới điều trị trong bệnh viện. Nhưng theo báo cáo (năm 1999) của giáo sư Lucian Leape thuộc trường đại học Harvard, mỗi năm có đến 120 ngàn bệnh nhân kém may mắn chết vì lỗi lầm của giới y tế và nhà thương; trong số này, có khoảng 7 ngàn người bị chết vì những lỗi lầm về thuốc men. Chi phí hàng năm liên quan tới những trường hợp thương vong này được ước tính khoảng 8.8 tỷ đô la.

Thực ra, chẳng riêng gì ở Mỹ, lỗi lầm về y khoa cũng xảy ra ở các nước Âu châu và ngay cả Úc châu, một nước thường rất tự hào về an toàn y khoa trong mấy thập niên trước đây. Trong một cuộc nghiên cứu hơn 14 ngàn hồ sơ bệnh lý vào năm 1995 ở Úc(2), các nhà nghiên cứu thuộc Bệnh viện Royal North Shore và Đại học Newcastle ghi nhận tỷ lệ thương tật là khoảng 14% đến 18% (tức còn cao hơn ở Mỹ là 3.7%!). Trong số 14-18% này, có đến phân nửa được xem là do nhầm lẫn trong chẩn đoán, điều trị và giải phẫu, tức những nguyên nhân có thể tránh được. Con số này cũng có nghĩa là hàng năm có khoảng 18 ngàn người bị chết và 50 ngàn người bị thương tật vĩnh viễn do những lỗi lầm trong bệnh viện (dân số Úc lúc đó là 17 triệu). Điều trớ trêu là giới y khoa khoa bảng Úc thường rất tự hào và hay rêu rao rằng nền y khoa [có gốc Anh Quốc] của họ có "tiêu chuẩn cao", và khinh thường những bác sĩ được huấn luyện từ các nước không theo hệ thống Anh Quốc; ấy thế mà tỷ lệ tử vong trong bệnh viện Úc lại khá cao so với các nước kỹ nghệ tiên tiến khác.

Bộ phận nào trong bệnh viện là nơi nguy hiểm" Theo tường trình của giáo sư Lucian Leape (Harvard, Mỹ) và bác sĩ Wilson (Úc), khoảng 40% tới 50% các tai nạn y khoa xảy ra ở phòng giải phẫu. Nơi "nguy hiểm" thứ hai là những khu điều trị (tức wards), chiếm 27% trong tổng số "tai nạn". Những khu điều trị có kỹ thuật cao như khu khẩn cấp (emergency department hay ED, intensive care unit hay ICU) và khu sinh sản cũng là những nơi mà nhầm lẫn y khoa có thể xảy ra, nhưng ở một tỷ lệ thấp hơn (khoảng 3% tới 5%).

Trong khi những lỗi lầm y khoa trong bệnh viện được điều tra tương đối có hệ thống, nhưng những lỗi lầm ở ngoài bệnh viện như trong các phòng mạch bác sĩ, các nhà dưỡng lão (nursing homes), v.v. lại ít khi được đề cập và nghiên cứu. Trong bài tường trình của bác sĩ Wilson, khoảng 8% các tai nạn y khoa xảy ra ở phòng mạch bác sĩ, khoảng 2-3% xảy ra tại nhà của bệnh nhân, và 1-2% tại các nhà dưỡng lão. Bệnh nhân càng lớn tuổi càng có nguy cơ bị tai nạn trong chữa trị, có lẽ vì người già thường có nhiều bệnh tật cùng một lúc hơn người trẻ tuổi. Vì số lượng bệnh nhân đến khám tại các phòng mạch tư nhiều hơn trong bệnh viện, người ta đoán rằng số tai nạn và thương tích còn nhiều hơn con số mà các nhà nghiên cứu đã công bố.

Có thể nói con số tai nạn y khoa và những hậu quả chết người do sự sai sót trong các bệnh viện và giới bác sĩ gây ra rất khổng lồ; ấy thế mà rất ít người trong cộng đồng hay biết đến. Có nhiều trường hợp lỗi lầm không hề được công bố trên các báo chí công cộng, mà chỉ được giải quyết qua điều đình giữa bệnh viện hay bác sĩ và nạn nhân. Chỉ có vài trường hợp do khám phá ngẫu nhiên hay do bất đồng trong thương lượng mới gây ra sự chú ý của giới báo chí và truyền thông, như trường hợp của hai ông Willie King và Morson Tarason.

Nếu một hãng hàng không có tỷ lệ tai nạn chỉ 0.1% (tức còn thấp hơn gần 20 lần so với tai nạn y khoa) thì công chúng sẽ rất phẫn nộ và đòi hỏi phải có cải tiến lề lối quản lý và làm việc. Nhưng rất "may mắn" là trong y khoa, tai nạn chỉ xảy ra một cách dần dà (thay vì ào ạt cùng một lúc cả hàng trăm mạng người như tai nạn máy bay), nên công chúng vẫn để yên cho giới y khoa, và giới y khoa vẫn im lặng và im lặng... Nhiều bài báo nghiên cứu về nhầm lẫn trong điều trị bị chủ bút các tờ tạp chí y khoa uy tín ém nhẹm, không cho công bố, vì một phần sợ bị rắc rối trước pháp luật và một phần do truyền thống bênh vực nhau trong y giới (không muốn làm phiền đến đồng nghiệp). Số lượng nghiên cứu được công bố cũng rất ít, và hầu như giới có thẩm quyền vẫn không chịu tìm cách giải quyết vấn đề cho tới nơi tới chốn. Nhưng sự dễ dãi của công chúng cũng có giới hạn. Không thể đứng ngoài mục kích tình trạng này mãi được nữa, tháng 12 năm 1999, tổng thống Mỹ, Bill Clinton, đã phải lên tiếng về vấn đề này, và cho thành lập một ủy ban đặc biệt trực thuộc phó tổng thống để nghiên cứu và tìm cách giảm thiểu những "tai nạn" y khoa chết người này.

Lỗi lầm y khoa: những điều không tránh khỏi

Y học không phải là một môn khoa học chính xác như toán học. Mối quan hệ khẳng định (deterministic relationship) kiểu như "cho một yếu tố X, ta có thể xác định kết quả của Y" ít khi, nếu không muốn nói là không, tồn tại trong y khoa. Hầu hết các loại bệnh kinh niên có bệnh lý rất phức tạp, vì có nhiều (có khi quá nhiều) nguyên nhân gây ra bệnh. Tìm ra nguyên nhân chính xác và cơ chế vận hành, liên đới của chúng không phải là một chuyện dễ dàng. Trong nhiều trường hợp, khoa học hiện đại vẫn phải bó tay trước sự phức tạp này. Những bệnh phức tạp như loãng xương, ung thư, viêm khớp xương..v.v... mặc dù hàng tỷ đô la đã được đổ vào trong nghiên cứu khoa học, nhưng y khoa vẫn chưa chinh phục hoàn toàn hay thậm chí hiểu hết căn nguyên, nguồn cội của chúng. Do đó, mỗi khi đọc kỹ những sách giáo khoa về y khoa, người đọc sẽ thường xuyên thấy cụm từ đại khái như "nguyên nhân chính xác của căn bệnh này chưa rõ ràng" (e.g. "the causes of the disease are not definitely known" hay "The pathog of the disease remains unknown"). Do đó, lầm lẫn, sai sót trong y khoa, là những điều không thể tránh khỏi. Mỗi chẩn đoán đều có một sai số nhất định (không lớn thì nhỏ), và những sai số xảy ra ở nhiều giai đoạn trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

Trong mỗi quyết định y khoa đều có một phần đúng và một phần sai. Phần đúng là dựa vào hệ thống kiến thức được thu thập qua thí nghiệm và phân tích khoa học. Phần sai có thể bao gồm những yếu tố có tính ngẫu nhiên, nằm ngoài sự hiểu biết, tiên đoán, khả năng và sự kiểm soát của người chữa bệnh. Thực ra, ngay cả phần đúng cũng có yếu tố sai sót trong đó, vì ngay cả các thí nghiệm khoa học cũng không thoát khỏi lỗi lầm và sơ suất. Mà chẳng riêng gì con người, ngay cả các thiết bị máy móc quang tuyến hiện đại trị giá hàng triệu đô la cũng có một mức độ sai sót ngẫu nhiên nhất định. Mức độ sai sót trong thử nghiệm sinh hóa học dựa trên máu hay nước tiểu còn cao hơn. Chẳng hạn như trong việc xác định mức độ mỡ trong máu (cholesterol level), độ sai sót do kỹ thuật đo lường có thể lên đến 20%. Bệnh nhân có thể bị chẩn đoán sai một cách rất dễ dàng, nếu chỉ dựa vào kết quả của một thử nghiệm. Thành ra, trong mỗi chẩn đoán đều chứa một sự không chắc chắn (uncertainty).

Tìm ra nguyên nhân và chẩn đoán bệnh đã khó, nhưng tìm ra cách chữa trị tối ưu lại càng khó hơn. Trong nhiều bệnh, có hai phương thức chữa trị căn bản: phẫu thuật và dùng thuốc. Trong mỗi phương pháp chữa trị đều gắn liền với một sự rủi ro, không nhỏ thì lớn. Trong nhiều trường hợp phẫu thuật, sự nhiễm trùng và biến chứng rất thường xảy ra. Trong một vài trường hợp (như aneurysm), giải phẫu, dù rất an toàn trên lý thuyết, cũng vẫn có những rủi ro không thể tiên đoán trước được, và mỗi rủi ro đều có một xác suất tử vong. Phần đông các loại thuốc dùng để điều trị (treat hay relieve), chứ không có khả năng chữa khỏi (cure) bệnh. Và dù điều trị hay chữa, mỗi loại thuốc đều gây ra một vài tác hại. Có khi sự tác hại chỉ được khám phá ra sau vài mươi năm sử dụng. Một trong những loại thuốc được xem là "thần dược" vào những thập niên 70s và 80s là oestrogen hay HRT (hormone replacement therapy), thường được dùng điều trị những bệnh như loãng xương cho phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh. Nhưng sau nhiều năm nghiên cứu và theo dõi, ngày nay, người ta đã bắt đầu nghi ngờ tính "thần dược" của thuốc này, vì nó có thể tăng xác suất mang bệnh ung thư ngực (breast cancer). Rất hiếm, nếu không muốn nói là không bao giờ có, thần dược.

Vấn đề tổ chức

Một trong những nghịch lý trong y học ngày nay là y khoa càng ngày càng hiểu nhiều về bệnh lý và cách chữa trị, nhưng lại không biết nhiều về cách tự chữa lấy lỗi lầm của chính mình, mà phải cần cố vấn của giới "ngoại đạo". Theo giới tâm lý học chuyên nghiên cứu về lỗi lầm của con người, có hai quan điểm về lỗi lầm: cá nhân và tổ chức. Quan điểm này chú trọng vào cá nhân (bác sĩ, nhà giải phẫu, y tá, dược sĩ, v.v.) và cho rằng lỗi lầm là do sự sai lệch trong quá trình suy tính, như lãng quên, thiếu chú ý, thiếu động cơ thúc đẩy, bất cẩn, cẩu thả, và liều lĩnh. Cách làm giảm những hành động này, do đó, thường tập trung vào việc trừng phạt (cảnh cáo, cách chức, kiện cáo, v.v.). Nói cho cùng, người ta thích khiển trách, đổ thừa cho nhau, vì việc làm đó thường mang lại cho họ một sự thỏa mãn cá nhân. Anh phạm lỗi, tôi không phạm lỗi; suy ra, tôi là người tốt, giỏi hơn anh. Vì tính đơn giản của nó, quan điểm cá nhân trên rất phổ biến trong mọi ngành nghề, kể cả y khoa, rất lâu đời, thậm trở thành truyền thống.

Thông thường, khi phân tích những lỗi lầm y khoa, người ta thường chú trọng vào cá nhân hay một nhóm cộng sự viên có dính dáng vào việc chăm sóc nạn nhân, mà ít khi nào để ý tới cách vận hành của các bộ phận chuyên môn trong bệnh viện. Cách làm này thường dựa vào sự kiểm tra tất cả các dữ kiện, kể cả phương pháp chữa trị, và qua đó mà xác định xem một cách làm khác có thể đưa đến một kết quả khác hay không. Nhưng quan điểm này lại "xung khắc" với một quan điểm có tính truyền thống trong y khoa, đó là nhầm lẫn là tội lỗi. Trong các trường y, sinh viên thường được dạy không được nhầm lẫn, vì giới y khoa Tây phương cho rằng nhầm lẫn là tội lỗi, là sự thiếu sót về đạo đức nghề nghiệp. Quan điểm này đã thấm sâu vào giới y khoa một cách thâm căn cố đế, đến nỗi người ta ít khi nào (xin nhấn mạnh: "ít" chứ không phải là "không") nhắc tới lỗi lầm. Điều này cũng có nghĩa là người thầy thuốc không muốn, hay không có can đảm, nói về nhầm lẫn của mình hay đồng nghiệp, bởi vì nó quá đau lòng. Cố nhiên, đó là một quan niệm rất ư là thụ động, sai lầm và có khi nguy hiểm.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy lề lối tổ chức bệnh viện có ảnh hưởng một cách sâu xa vào thái độ làm việc của cá nhân. Từ đó dẫn đến một quan điểm mới rằng, lỗi lầm là một điều không thể tránh khỏi trong tất cả các hoạt động của con người; lỗi lầm, do đó, được xem là một hậu quả [thay vì nguyên nhân], xuất phát không hẳn hoàn toàn từ con người mà là từ hệ thống tổ chức. Vì thế, theo quan điểm này, khó mà thay đổi điều kiện con người (tức biến con người thành một cái máy), và cách giảm lỗi lầm hữu hiệu nhất là thay đổi guồng máy tổ chức. Vì thế, muốn thay đổi hệ thống chăm sóc, thay vì chú trọng vào việc tìm lỗi phải từ cá nhân, các nhà nghiên cứu lâm sàng đang tìm cách sửa đổi lề lối tổ chức và vận hành của các bộ phận có quan hệ tới việc chăm sóc, chữa trị các bệnh nhân với bệnh nặng và khẩn cấp.

Bệnh viện ngày nay đã dần dần biến thành những trung tâm cấp cứu, chuyên chữa trị những bệnh ngặt nghèo. Điều này có nghĩa là bệnh nhân nhập viện thường ở trong một tình trạng nguy kịch và nguy cơ bị tử vong cũng cao hơn các nơi khác. Trong những trường hợp khẩn cấp, kinh nghiệm cho thấy những dấu hiệu lâm sàng quan trọng có liên hệ đến tính mạng bệnh nhân như sự suy yếu của hệ thống hô hấp, tuần hoàn có khi bị bỏ lơ, suy diễn sai, hay không được quản lý tới nơi tới chốn bởi bác sĩ và y tá.

Theo một nghiên cứu vào thập niên 80s, có đến 60% tới 84% trường hợp bệnh nhân bị ngừng tim (cardiac arrest) đã có những dấu hiệu suy giảm về áp huyết, hệ thống hô hấp, và thậm chí hôn mê trước đó khoảng 8 giờ, nhưng lại không được quan tâm đúng mức và không có biện pháp gì để đối phó với tình hình nguy kịch đó. Nói một cách khác, có đến 60% tới 80% trường hợp ngừng tim có thể cứu được nếu nhân viên y tế theo dõi và có biện pháp cấp cứu kịp thời. Điều này nói lên sự thiếu nhịp nhàng, thiếu tổ chức trong các bệnh viện, mà đặc biệt là ở các khu cấp cứu.

Nhưng thay đổi hệ thống làm việc trong một tổ chức đòi hỏi phải có một sự hợp tác giữa các thành viên làm việc trong tổ chức đó. Trong giới y khoa, mà đặc biệt là giới giải phẫu, quan niệm phân chia đẳng cấp còn rất nặng nề và cứng nhắc. Khi được hỏi "Trong một nhóm làm việc, các thành viên cấp thấp không nên chất vấn các thành viên cấp cao", khoảng 25% các nhà giải phẫu dồng ý, trong khi đó chỉ 3% các bác sĩ chuyên khoa và 2% các phi công trưởng đồng ý. So sánh với các phi công trưởng, các nhà giải phẫu cũng là những người ít khi chịu nhìn nhận mình bị căng thẳng (stress) trong làm việc. Theo một nghiên cứu tâm lý, có đến 70% bác sĩ giải phẫu không tự nhận mình bị căng thẳng, so với 26% trong giới phi công. Nên nhớ là khoảng phân nửa các tai nạn do nhầm lẫn trong y khoa xảy ra tại các phòng giải phẫu (3).

Vấn đề y đức

Mặc dù lỗi lầm trong y khoa là một điều không thể tránh khỏi, nhưng công chúng, đặc biệt là bệnh nhân, vẫn thường hay có kỳ vọng rất cao vào các bác sĩ. Nhưng bác sĩ không phải là siêu nhân, mà chỉ là những con người thường, thậm chí trung bình. Tức là, họ cũng phạm lỗi lầm trong khi hành nghề. Thực ra, chẳng riêng gì ngành y, nhầm lẫn và sai sót xảy ra trong tất cả các ngành nghề, và trong mọi tiến trình làm việc. Nhưng cần phải phân biệt loại lỗi lầm xuất phát từ sự bất an, bối rối và áp lực cứu người trong những tình huống khẩn cấp, và loại lỗi lầm phạm bởi bác sĩ (hay bất cứ nhân viên y tế) do trình độ chuyên môn kém, lơ là trong nghề nghiệp, thiếu thái độ nghiêm túc trong việc nhận lãnh trách nhiệm, nhất là trong các phòng mạch bác sĩ.Loại lỗi lầm thứ hai này có thể tóm gọn trong ba chữ: thiếu y đức. Ngày nay, vì nhu cầu kinh tế và chạy theo lợi nhuận, không hiếm bác sĩ không còn để ý tới y đức là gì. Ngày xưa, Lê Hữu Trác (hiệu là Hải Thượng Lãn Ông), một người thầy thuốc lớn của Việt Nam trong thế kỷ thứ 18, từng nhận xét, người thầy thuốc khi nói đến người bệnh mà không có lương tâm, không có đạo đức thì khác gì "bọn giặc cướp" (4). Những tội lỗi mà Hải Thượng Lãn Ông nêu ra trong Y âm án, vẫn còn tồn tại trong nhiều thầy thuốc ngày nay, như tội lười biếng, chẩn đoán qua loa; tội keo kiệt, không chữa trị bệnh nhân vì nghĩ họ không có tiền trả; tội tham lam, biết bệnh nhân không có khả năng sống sót nhưng lại không bảo thật và cố tình kéo dài chữa trị để làm tiền; tội lừa dối dọa người bệnh để làm tiền; tội bất nhân, không dám chữa trị những bệnh khó vì sợ mang tiếng là thất bại hoặc sợ không thành công mà không được hậu lợi nên không chịu chữa, đẩy bệnh nhân đến chỗ bó tay chịu chết; tội dốt, nhận xét bệnh còn lờ mờ đã vội dùng thuốc sai lầm, v.v... Có thể nói ngày nay, bệnh nhân khó tìm được một người thầy thuốc lý tưởng, có lòng nhân từ, tế độ, đức che chở nuôi nấng bệnh nhân; càng khó tìm hơn người thầy thuốc lo cái lo, vui cái vui của bệnh nhân, hay người thầy thuốc chỉ lấy việc cứu sống người làm nhiệm vụ mà không cầu lợi, kể công.

Một lời khuyên: sống với rủi ro một cách sáng suốt!

Nói chung, người thầy thuốc có lương tâm nào cũng muốn giúp bệnh nhân, mặc dù mức độ và phạm vi mà họ có thể giúp còn tùy thuộc vào kiến thức và khả năng của họ. Và trong quyết định chữa trị, bác sĩ phải dựa vào kiến thức của mình để đi đến một quyết định tối ưu.Nhưng kiến thức là một vấn đề của xác suất. Chẩn đoán cũng là một vấn đề của xác suất. Vì thế, không có lý do gì bệnh nhân phải đặt niềm tin một cách mù quáng vào bác sĩ hay nhà thương, mà phải - nếu có thể - chủ động suy xét trường hợp của mình một cách cẩn thận.

Thế nào là "cẩn thận"" Theo tôi, đó là sự cân nhắc, lý giải sao cho mỗi lựa chọn mà ta quyết định phải mang lại tối đa lợi ích và tối thiểu rủi ro. Hãy lấy ví dụ một bệnh nhân nam 55 tuổi với bệnh ung thư phổi và chứng phình vách động mạch (aneurysm). Về chữa trị chứng phình vách động mạch, bệnh nhân có hai lựa chọn: một là không muốn chữa trị gì cả, và hai là giải phẫu (clipping). Nếu chọn phương án thụ động (không chữa trị), thì động mạch của bệnh nhân có nguy cơ bị vỡ với xác suất là 1% mỗi năm, và khi vỡ, xác suất chết là khoảng 83%. Ngoài ra, vì bệnh nhân có ung thư phổi và theo ước đoán của các nhà nghiên cứu, xác suất tử vong vì bệnh này là khoảng 7.1% hàng năm. Với các số liệu này và dùng một mô hình toán học, ta có thể ước đoán rằng nếu không giải phẫu, bệnh nhân có thể sống khoảng 12 năm và 7 tháng. Mặt khác, nếu chọn phương án giải phẫu, thì bệnh nhân phải chấp nhận một xác suất tử vong do phẫu thuật gây ra là khoảng 4% (tức là bệnh nhân có cơ may sống sót sau giải phẫu khoảng 96 %). Và với tỷ lệ tử vong vì ung thư phổi như trên, ta có thể đoán rằng nếu bệnh nhân chọn phương án giải phẫu thì tuổi thọ trung bình có thể kéo dài khoảng 13 năm và 7 tháng. Như vậy, giải phẫu có thể kéo dài tuổi thọ khoảng một năm. Nhưng bệnh nhân cũng cần phải lượng xét xem chất lượng của cuộc sống trong một năm đó có xứng đáng để chấp nhận một sự hiểm nguy trong giải phẫu hay không. Đó là một quyết định cá nhân. Những tính toán đã được đơn giản hóa này chỉ là một ví dụ nhỏ mà bệnh nhân phải suy tính thận trọng mỗi khi quyết định chọn một phương án điều trị.

Trong một xã hội hiện đại, trong đó mọi thành viên, dù muốn hay không muốn, phải chịu lệ thuộc lẫn nhau để tồn tại. Trong một hàm số đời sống phức tạp đó, sự sai sót, rủi ro ngẫu nhiên là điều khó tránh khỏi, và nhiều khi sự việc không xảy ra như ta tiên đoán hay dự định. Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Vấn đề không phải là tìm cách tránh những rủi ro này (vì ta không thể nào tránh khỏi), nhưng phải học cách sống với hiểm nguy một cách sáng suốt.

Ghi chú:

1. Loạt bài nghiên cứu do giáo sư Lucian Leape thuộc đại học Harvard chủ trì được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine năm 1991, số 324, trang 370 - 384.

2. Bài nghiên cứu do bác sĩ Ross Wilson (Úc) chủ trì được công bố trên tạp chí Medical Journal of Australia năm 1995, số 163, trang 458 - 471.

3. Tác giả công trình nghiên cứu này là tiến sĩ J. Bryan Sexton và đồng nghiệp, trong bài viết "Error, stress, and teamwork in medicine and aviation: cross sectional surveys" (tạm dịch: Sự nhầm lẫn, căng thẳng, và sự chung sức đồng đội trong y khoa và hàng không: một cuộc khảo sát thiết diện) công bố trên tờ British Medical Journal, năm 2000, số 320, trang 745 - 749.

4. Lê Hữu Trác. Hải Thượng y tông tâm lĩnh, 6 tập. Hội y học Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh tái bản, 1986. Tập II, tr. 332.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.