Hôm nay,  

Một Chiều Tháng Tư Với Kiều Chinh

25/04/201400:00:00(Xem: 7897)

Kiều Chinh, tháng Tư, 39 năm sau 1975: gặp gỡ tại New York với tuổi trẻ Việt; Guest-star của show "NCIS: LOS ANGELES", bộ phim truyền hình nổi tiếng của CBS Network.

Hành hương Ấn Độ, yết kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma

tại Dharamsala;

Và bay tới Hawaii, cho một dự án phim mới.

Tháng Tư 1975, Kiều Chinh là vai nữ chính phim Full House, ra mắt phim và cắt băng khánh thành một rạp hát mới tại Singapore. Sau đó là từ Sàigòn di tản theo chuyến bay cuối cùng sau khi phi trường bị oanh tạc, pháo kích. Tháng Chín năm 1975, chỉ mấy tháng sau di tản, định cư, Kiều Chinh đã xuất hiện trên TV Mỹ, trong bộ phim Joe Forrester, và từ đó tới nay, liên tục gắn bó với điện ảnh. Sau đây là buổi trò truyện cô dành cho Việt Báo trong một chiều tháng Tư 2014, do Hoà Bình thực hiện:

- Kính chào cô Kiều Chinh. Trước hết, xin được thăm hỏi về sức khoẻ và công việc phim ảnh hiện nay.

- Cám ơn nhà báo. Tôi vẫn sống bình thường với nghiệp điện ảnh và tiếp tục bận rộn. Từ đầu năm tới nay, tôi có cơ duyên được tham gia một dự án phim đang tiến hành. Công việc đầu tiên là tổ chức tuyển lựa tài tử, hiện đã hoàn tất. Tôi vừa từ bay New York về, và hiện sửa soạn đóng phim cho show "NCIS: LOS ANGELES". Hành lý đã sắp sẵn, ngay sau khi quay phim xong là sẽ ra phi trường bay sang Ấn Độ. Sau đó, từ đầu tháng Năm, sẽ là những ngày làm việc tại Hawaii cho một cuốn phim mới.

blank
Kiều Chinh tại Brooklyn Academy of Music khi trình diễn “Sansho the Bailiff”, nhạc kịch theo truyền thống Nhật Bản.

- Trước khi sang chuyện đóng phim, xin cho biết về công việc của cô Kiều Chinh với New York vừa qua.

- Công việc chính của tôi trong chuyến đi New York lần này là để nói chuyện về Philippinnes trong một buổi lạc quyên cứu trợ nạn nhân bão Hải Yến, được tổ chức tại ngôi nhà thờ cổ tiêu biểu của thành phố. Từ lâu, đất Phi là nơi rất thân quen với Kiều Chinh, vì có tới ba cuốn phim đã thực hiện tại đây. Trước 1975 là phim "Destination Vietnam," do hãng phim Mỹ Paramouth sản xuất tại Á Châu. Trong phim này, tôi đồng diễn với tài tử Phi Leopoldo Salsedo và từng là khách mời của Bộ Quốc phòng Phi. Sau này là hai phim "Children of An Lạc" và "Hambeger Hill." Đất Phi cũng là nơi cho tôi những ngày không thể quên khi tới với đồng bào mình tại trại thuyền nhân Bataan từ thời 1980. Hướng về Philippinnes sau thảm hoạ của trận bão Hải Yến, tôi rất xúc động khi được tham dự sinh hoạt cứu trợ ý nghĩa này.

Như chúng ta đều biết, trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay, New York không chỉ là thủ đô tài chính, mà còn là thủ đô văn hoá, nghệ thuật và quan hệ quốc tế. Tuy sống với Hollywood, nhưng New York là nơi thường cho tôi cơ hội hoạt động và làm việc trong nhiều lãnh vực.

- Xin kể về những hoạt động của cô Kiều Chinh với New York.

- Ngoài phim ảnh, từ hơn hai mươi năm qua tôi còn làm công việc diễn giả với GTN, tức The Greater Talent Network, trụ sở tại New York. Đây là một hệ thống chuyên cung cấp diễn giả theo yêu cầu của các đại học và sinh hoạt văn hoá, xã hội tại khắp nước Mỹ. Làm việc với GTN, tôi vẫn thường bay tới bay lui để nói chuyện, tại các đại học từ New York tới nhiều tiểu bang khác.

Về nghề nghiệp diễn viên, New York cũng cho tôi nhiều cơ hội đặc biệt. Với Broadway - Brooklyn, New York là thủ đô của kịch nghệ thế giới. Chính tại đây, tôi từng có cơ duyên được đạo diễn bậc thầy Andrjey Wajda chọn cho vai diễn trong vở kịch do chính ông dàn dựng. Đó là vở opera "Sansho the Bailiff" -soạn theo một truyện cùng tên của nhà văn Nhật Bản Mori Ogai từng được dựng thành phim từ 1954. Nhờ vậy mà Kiều Chinh đã có cả tháng dài diễn xuất trên sân khấu The Brooklyn Academy of Music.

blank
Với Thắng Đào và Thomas Dang Vu, hai nghệ sĩ gốc Việt của New York.

Ngoài kịch nghệ, New York cũng là nơi đã sản xuất cho thế giới nhiều bộ phim đặc biệt. Trong số hơn 100 phim lớn nhỏ mà Kiều Chinh được dự phần từ 1975 đến nay, nhiều phim do New York sản xuất. Có phim được quay toàn bộ tại New York như "Face." Cũng có những phim xuất phát từ New York nhưng được quay tại nơi khác, như "Tempted" quay tại Australia, phim "Children of Anlac" quay tại Philippinnes. Đây là cuốn phim về những ngày khó quên của Sàigòn trước Tháng Tư 1975, khi một trại nuôi trẻ mồ côi được di tản sang Mỹ, với sự giúp đỡ của nữ tài tử Ina Balin, một nghệ sĩ New York nổi tiếng.

- Xin cô cho biết thêm về cuốn phim liên quan tới Sài Gòn Tháng Tư 1975.

- Phim "Children of Anlac" là chuyện có thật về một cô nhi viện ở Sài Gòn và một nữ tài tử tại New York. Năm 1970, trong số những nghệ sĩ Mỹ tới thăm Sàigòn mà tôi được vinh dự đón tiếp, có Ina Balin, một diễn viên của sân khấu Broadway và phim ảnh Mỹ nổi tiếng từ 1957. Cùng tuổi vào đời và vào nghề diễn viên, chúng tôi mau chóng thành bạn thân. Trong những ngày ở Sàigon, Ina Balin rất xúc động khi tới thăm các em tại một cô nhi viện. Năm năm sau, khi Sàigòn sắp sụp đổ, chính Ina Balin đã vận động, trợ giúp để di tản toàn bộ cô nhi viện An Lạc từ Sàigon sang Hoa Kỳ. Chính là do cuộc di tản này, trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, Ina Balin đã nhận ba cô nhi làm con nuôi. Năm 1980, chuyện được dựng thành phim. Sàigòn thời ấy khuất sau bức màn tre, phim phải dựng cảnh tại Philippinnes. Phần việc của tôi là cố vấn thực hiện cho cuốn phim. Ina Balin thì diễn lại vai của chính cô trong đời thật. Từ những ngày quay phim trên đất Phi, chúng tôi càng thân nhau hơn. Nhưng Ina Balin đã từ trần năm 1990, khi mới 52 tuổi.

Trở lại New York lần này, khi nói chuyện về Philippinnes trong ngôi nhà thờ cổ, tôi nhớ "Children of Anlac", nhớ bạn, nhớ các em cô nhi năm xưa -trong đó có các cháu Nhi Mai, Kim Thuý, Nguyệt Baty của Ina Balin. Và rồi, những ngày ở New York, tôi không ngừng nghĩ tới Tháng Tư 1975 và tuổi trẻ Việt Nam.


- Xin cho biết những suy nghĩ cảm tưởng của cô tại New York.

Từ hơn 20 năm qua, New York là nơi tôi thường tới để hội họp, sinh hoạt với hội Vietnam Children's Fund (VCF), một hội gồm các cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, do nhà báo Terry Anderson và Kiều Chinh là đồng chủ tịch sáng lập. Ông Terry Anderson hiện sống và làm việc tại New York. Công việc của hội VCF là quyên góp xây trường học cho trẻ em tại các vùng từng bị chiến tranh tàn phá tại Việt Nam. Từ 1994 đến nay, VCF đã xây được 48 ngôi trường, đủ chỗ cho 30,000 học sinh. Hiện chúng tôi đang tiếp tục vận động xây cất thêm trường mới, để sẽ cung cấp đủ 58,000 chỗ ngồi học, con số tương đương với 58,000 tử sĩ Mỹ có tên trên The Wall, bức tường tưởng niệm cuộc chiến tranh Việt Nam.

blank
Kiều Chinh trong vai một công chúa Ấn Độ, phim “The Devil Within”, 1972.

Bên cạnh các hoạt động với VCF, trong chuyên đi New York lần này, tôi cũng có một ngày sinh hoạt với các bạn trẻ gốc Việt tài ba hàng đầu tại New York. Đó là Thắng Đào, một choreographer / biên đạo múa của nghệ thuật ballet; Là Hưng Huỳnh, giải Top Chef của truyền hình Bravo 2007, hiện là chef điều hành hệ thống nhà hàng The General, Catch tại New York và Catch Miami. Là Thomas Đặng Vũ, một hoạ sĩ gốc Việt nổi tiếng của New York, đồng thời cũng là một nhiếp ảnh gia, một giám đốc nghệ thuật, điều phối việc thiết kế các mẫu mã của công ty thời trang Dillard's. Thomas Đặng Vũ, Kim Nguyễn, và CalvinTrần, hiện là các nhà thiết kế thời trang gốc Việt nổi tiếng trong dòng chính. Tất cả các bạn trẻ này đều thuộc thế hệ gốc Việt lớn lên sau 30 Tháng Tư 1975. Tài ba và vị trí họ dành được tại thủ đô sáng tạo của thế giới cho tôi thêm niềm tin vào tương lai người gốc Việt tại Mỹ. Cám ơn các bạn đã dành cho Kiều Chinh một ngày nhiều kỷ niệm thân tình tại New York.

- Trở lại với công việc tại Hollywood. Từ ngày định cư tại Hoa Kỳ tới nay, cô Kiều Chinh đã xuất hiện trong nhiều show truyền hình và hiện đang sửa soạn để diễn trong NCIS: LA, bộ phim truyền hình của CBS Network. Xin cô cho biết thêm chi tiết.

- Thưa, phim truyền hình đầu tiên tại Hoa Kỳ mà tôi dự là "Joe Forrester" với tài tử Lloyd Bridges, tháng Chín, năm 1975 - ba tháng sau khi định cư tại California. Chỉ là một vai phụ, quay tại Phố Tàu Los Angeles. Dần dà, nhận những vai diễn khá hơn trong nhiều bộ phim khác, rồi vai nữ chính trong M*A*S*H, 1978, đồng diễn với Alan Alda. Cứ thế mà tiếp tục đến nay. Công việc của Kiều Chinh trong tuần lễ cuối tháng Tư, là làm một guest-star cho show NCIS: LA (Naval Criminal Investigative Service: Los Angeles), trong chuyện phim "Deep Trouble" do Denny Smith đạo diễn. NCIS: LA là bộ phim nhiều tập về những vụ điều tra tội phạm kiểu cảnh sát, quân sự, thực hiện bởi Shane Brennan, với diễn viên chính là Chris O'Donnell, khởi sự từ Tháng Chín 2009. Liên tục 5 năm qua, NCIS: LA đã thành show truyền hình nổi tiếng nhất của CBS, mỗi lần trình chiếu đều đạt số khán giả trên 18 triệu. NCIS: LA hiện đang thực hiện các chuyện phim cho mùa thứ sáu.

blank
Kiều Chinh và Linda Hunt, nữ diễn viên từng nhận giải Oscar, đồng diễn trong TV Show “NCIS: LOS ANGELES”, tháng Tư 2014.

Ngay sau khi thu hình xong với NCIS: LA, hành trình kế tiếp là bay sang Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên tôi có dịp trở lại đất nước này sau hơn 40 năm, kể từ thời quay phim tại Ấn và tham dự Đại Hội Điện Ảnh Tân Đề Li 1973, với tư cách là Đại sứ Nghệ Thuật và Thiện Chí của Việt Nam Cộng Hoà.

- Xin cô Kiều Chinh kể về những kỷ niệm với sinh hoạt điện ảnh tại Ấn Độ.

- Đây là một trong những kỷ niệm điện ảnh thời còn ở quê nhà đi đóng phim lòng vòng khắp châu Á. Năm 1972, hãng phim Mỹ 20th Century Fox có phim "The Devil Within" do đạo diễn Rolf Bayer thực hiện tại Ấn Độ.

Trong phim này, Kiều Chinh được chọn cho vai nữ chính: công chúa trong một vương triều Ấn Độ, đồng diễn với tài tử Mỹ Rod Perry và Dev Anand, người được coi là hoàng tử của điện ảnh Ấn Độ. Phim được quay với khung cảnh hoàng cung và nhiều địa điểm lịch sử tại Ấn. Sau đó, tôi còn được vinh dự trở lại Ấn Độ tham dự New Delhi Film Festival 1973, được đề cử là Đại sứ Nghệ Thuật và Thiện Chí của Việt Nam Cộng Hoà, nhận thông hành đặc biệt của Bộ Ngoại Giao. Phim "The Devil Within" nhiều năm sau, vẫn được coi là một cuốn phim đặc biệt trong lịch sử điện ảnh Ấn Độ. Mấy năm trước đây, khi Ấn Độ vinh danh sự nghiệp của Dev Anand, tôi có được yêu cầu phát biểu về ông. Không thể thu xếp bay sang Ấn để trực tiếp tham dự, tôi có gửi lời mừng, những phát biểu này được trình chiếu trân trọng và trích in vào sách về Dev Anand.

- Trở lại Ấn Độ lần này, chắc công chúa năm xưa sẽ có dịp tái ngộ hoàng tử. Kiều Chinh sẽ gặp lại Dev Anand?

- Không đâu. Hành trình trở lại Ấn Độ lần này của tôi không phải để đến với hội hè điện ảnh mà tới một nơi xa xôi hơn. Đó là cao nguyên Dharamsala, thủ phủ của Phật Giáo Tây Tạng lưu vong. Theo chương trình, đúng vào ngày 30 Tháng Tư năm nay, tôi sẽ có vinh dự được diện kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tinh thần của Phật giáo mà tôi hằng ngưỡng mộ.

- Câu hỏi cuối, thưa cô, là xin nói lên tâm nguyện và ước mơ của cô Kiều Chinh trong ngày 30 Tháng Tư năm nay.

- Khi quyết định hành hương Dharamsala cuối tháng Tư, tôi nhớ rằng quê hương Tây Tạng và Việt Nam có chung dòng sông lớn nhất của châu Á là sông Mekong. Nơi khai sinh dòng sông là Hy Mã Lạp Sơn. Tây Tạng là thượng nguồn, Việt Nam là hạ nguồn, nơi dòng sông ra biển. Ngày 30 Tháng Tư năm nay, khi được diện kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma tôi sẽ có cơ hội xin Ngài tăng sức cho điều tôi hằng nguyện cầu là hoà bình, an lành cho đất nước Tây Tạng và Việt Nam, cũng như cho mọi dân tộc sống quanh dòng sông lớn.

- Xin cám ơn Cô Kiều Chinh./.

Hòa Bình

Ý kiến bạn đọc
29/04/201420:14:40
Khách
Bai viet rat suc tich ve co Kieu Chinh, ngoi sao dien anh duy nhat ma toi hang nguong mo. Cam on Hoa Binh that nhieu.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.