Hôm nay,  

Phóng Sự LaoĐộngViệt 20140416: Nghề gặt thuê ở miệt Tây Nam Bộ

17/04/201400:00:00(Xem: 2167)

Tuần này phóng viên Lao Động Việt ghi lại lời kể của những người gặt lúa thuê cho chủ ruộng. Trong khi tuần trước những người bán nước dạo ở khu công nghiệp Sóng Thần kể lại những lần bị rượt đuổi, tuần này chúng ta nghe kể chuyện vui hơn: vừa gặt lúa vừa bắt cá lóc đồng để nhậu.

¦ “Gặt thuê vui lắm, cái vui của người nghèo í mà"

Hằng năm, cứ đến tháng Hai âm lịch trở đi, những nhóm gặt thuê bắt đầu cuộc luân chuyển của họ, mải miết huyện này sang huyện khác, tỉnh này sang tỉnh khác, khắp Lục Tỉnh Miền Tây. Bước chân ra khỏi làng từ đầu mùa cho đến cuối vụ, khi không còn đám lúa chín nào lại quay về, xa nhà, xa vợ con.

Ông Trần Vinh, một cư dân tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: “Đa phần người đi gặt thuê là dân tộc Khmer, trước đây thì người Kinh đi gặt nhiều lắm, nhưng bây giờ người Kinh giàu có, ổn định rồi, chỉ có ngưới Khmer khổ quá nên phải đi gặt thuê!”.

“Gặt thuê vui lắm, cái vui của người nghèo í mà, ví dụ như mình gặt những đồng lúa đang lấp xấp nước, cứ gặt mươi phút lại thấy một con cá lóc đồng to tướng quẫy đuôi sột soạt, vậy là mình tóm lấy nó, dùng cọng lúa xâu vào mang cho nó khỏi chạy và cột vào cụm cỏ ven bờ. Đến khi gặt xong, có khi mỗi người kiếm được cả chục con, tha hồ mà bán mua rượu và nướng trui nhậu!”.

“Hễ đám ruộng nào có cá thì có từ đầu tới cuối, còn đám nào không có thì có chờ mỏi mắt nó cũng không sột soạt gì, nên ngày nào có cá là ngày đó trúng mánh. Mà tụi tui gặt thuê lâu năm, phát hiện ra một điều rất hay, con cá lóc là tượng may mắn, ngày nào có cá lóc trên ruộng, cách gì cũng được chủ ruộng ứng tiền công cho mình!”

“đang gặt, thấy con cá lóc đồng quẫy đuôi sột soạt, bắt nó, gặt xong tha hồ nhậu!

Con cá lóc là tượng may mắn, ngày nào có nó, cách gì cũng được chủ ruộng ứng tiền công cho mình!”. Ông Vinh, gặt lúa thuê Sóc Trăng

“Đó là cái vui của nghề gặt thuê, chứ còn nỗi buồn thi nhiều vô kể. Vì có nhiều khi đi cả mùa gần một tháng trời gặt thuê nhưng khi trở về thì giỏi lắm dư được một triệu bạc trong túi, không thể nhiều hơn. Đó là người tạm biết tiết kiệm, nhiều người về tay không, nhiều lắm!”.

blank
Nghề gặt thuê.

¦ “Một số gái gọi hết thời về quê phục vụ cho dân gặt thuê".

“Như trường hợp ông bạn của tui chẳng hạn, ổng bị vợ chết đã lâu, gia cảnh khó khăn, cũng đi gặt thuê với tụi tui, mỗi ngày kiếm được 150 ngàn đồng giống như tụi tui. Thế nhưng cuối mùa vừa rồi, tụi tui phải cho tiền xe về nhà vì ảnh bị tụi gái nó gạt. Ở đây có một số gái gọi hết thời phải về quê, chui xuống mấy đám ruộng mà phục vụ cho dân gặt thuê, ông nào buồn bã trầu cau mà theo tụi nó, nó dụ được là móc sạch túi rồi bỏ trốn…”.

“Nhưng không phải gái gọi nào cũng thế, đó là mấy cô nhà quá ngặt nghèo thôi, chứ bọn họ cũng tốt bụng lắm. Nhưng cuộc đời nó buồn, thường thì người làm không có tiền thì hay thèm nhiều thứ, ví dụ như nhậu, do làm lụng mệt quá, lại ăn uống thiếu thốn nên làm có vài đồng thì vẫn nghĩ tới tiết kiệm để nuôi gia đình nhưng vẫn cứ thèm ăn. Khốn nạn lắm!”.

“Nói thì nói vậy chứ dân gặt thuê vẫn có số đông biết tiết kiệm và vẫn có thể nuôi gia đình tốt. Nhưng tiền công nhỏ nhoi quá so với thị trường nên sống cũng chật vật lắm!”.

¦ “Một mùa gặt kéo dài 1 tháng, mỗi ngày 1 trăm ngàn đồng "

Một người gặt thuê khác, tên Líu, đến từ Sóc Trăng, cho chúng tôi biết thêm: “Bọn em đi gặt thuê mút mùa. Hễ lúa bắt đầu vàng thì gói ghém áo quần, dụng cụ gặt và lên đường, cứ đi đến đâu thì tìm chủ của cánh đồng đang chín má nói họ cho mình gặt, họ đồng ý thì đóng lều ở lại trên đồng để gặt. Mình gặt phải nhiệt tình thì năm sau họ mới thuê”.

“Một mùa gặt kéo dài chừng một tháng, người nào giỏi tiết kiệm thì dư được ba triệu đồng, vị chi mỗi ngày kiếm ròng được một trăm ngàn đồng. Nhưng phải có sức khỏe kia, chứ sức khỏe mà yếu thì không cách nào mà làm liên tục được nên có dành dụm cách chi cũng chỉ hai triệu là cùng. Nhiều người đi gặt thuê cả mùa, khi về đến nhà chỉ còn vài ba trăm ngàn đồng để mua gạo, lại đi bắt cá, hái bông điên điển mà qua bữa. Đời gặt thuê buồn lắm, khó nói lắm!”.

“Chung qui là vì quá nghèo mà phụ nữ phải đi làm gái điếm, đàn ông phải đi gặt thuê, chăn vịt thuê. Cuộc đời của dân gặt thuê cũng miên man, vô định chẳng kém gì gái điếm đâu!”.

Hồng Hạc, Lao Động Việt

chao@laodongViet.org

GHI CHÚ: Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (gọi tắt: Lao Động Việt, web: laodongViet.org) là liên minh của các tổ chức lao động trong và ngoài nước gồm: Phong Trào Lao Động Việt, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông, Công Đoàn Độc Lập, và Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.