Hôm nay,  

Trần Văn Thạch 1905-1945, cây bút chống bạo quyền áp bức (UPDATED)

12/04/201400:52:00(Xem: 9335)

(LTS: Nhà hoạt động Trần Văn Thạch đã từng vào tù, ra khám trong cuộc chiến chống Pháp để đòi độc lập cho Việt Nam có phải đã bị CSVN thủ tiêu?
Tác phẩm "Trần Văn Thạch 1905-1945, cây bút chống bạo quyền áp bức" do Trần Mỹ Châu sưu tầm và biên soạn; Phan Thị Trọng Tuyến phụ trách phiên dịch nguyên tác Pháp văn của Trần Văn Thạch. Với nhiều tài liệu giảỉ mật từ mật thám Pháp được nhà văn Phan Thị Trọng Tuyến dịch sang Việt ngữ dự kiến sẽ ra mắt tại Paris vào giữa năm nay. Sau đây là trích Chương I.)

Viết về cuộc đời và sự nghiệp của ba tôi là một việc làm đầy thử thách. Khi ba tôi bị chính quyền thực dân Pháp ở Sài Gòn bắt và đày ra Côn Đảo năm 1940, tôi chỉ mới lên 2, tuổi còn non nớt, không có một chút hình ảnh gì về người cha của mình trong đầu. Mãi đến lúc 6 tuổi, khi ông mãn tù về, tôi mới được biết mặt ông. Nhưng chẳng được bao lâu thì “cha con lại vội xa nhau.” Những lúc ngồi nghĩ đến ba tôi, tôi thường bị dòng chữ ngắn ngủi này ám ảnh, vì chính đó là lời trăn trối của ông, trước khi bị Việt Minh giết.

Thời buổi loạn ly, tai họa dồn dập đến, gia đình tôi tản lạc. Tất cả tư vật của ba tôi chỉ còn lại vài tấm hình xưa, một mảnh bằng phai màu và một quyển sổ nhỏ trong đó ông ghi lại vài dòng từ biệt vợ con. Quyển sổ mỏng cầm tay, bìa xanh dương lợt, di vật cuối cùng của ba tôi, được anh em chúng tôi thay phiên nhau gìn giữ như một bảo vật hơn 65 năm nay.

Sau những ngày hỗn loạn kinh hoàng mùa thu 1945, ba tôi biệt tin. Nhưng gia đình vẫn còn bám níu hy vọng là có một ngày ông sẽ trở về. Niềm hy vọng mỏng manh đó tan vỡ vào một đêm khuya. Theo lời anh Tự (con trai trưởng của ba tôi với người vợ đầu) kể lại thì một tối cuối năm 1946, có một người khách lạ tìm đến tận nhà để trao lại cho mẹ tôi quyển sổ nhỏ cầm tay, cặp mắt kiếng, và chiếc đồng hồ quả quít của ba tôi. Ông cho biết là ba tôi đã bị Việt Minh giết. Trước khi từ biệt mẹ tôi, ông xin được giữ cặp mắt kiếng và cái đồng hồ làm kỷ niệm, và nói với mẹ tôi là ông sẽ đi biệt vô âm tín, xin đừng bao giờ tìm ông.

Người khách lạ không bao giờ trở lại. Mẹ tôi là người duy nhất tiếp chuyện ông. Anh Tự chỉ biết được những gì mẹ tôi kể lại. Còn tôi, lúc đó chỉ mới 8 tuổi, tuyệt nhiên không bao giờ nghe mẹ tôi nói đến hung tin. Tôi chưa kịp trưởng thành để được mẹ tôi tâm sự thì 3 năm sau, không rõ vì lý do gì bà bị mật thám Pháp bắt và tra khảo; bà kinh hoàng đến mất trí cho đến ngày nay […]

Học xong Đại học Sư phạm, tôi tìm đường “thoát ly”, xin được học bổng du học ở Mỹ năm 1963, rồi Canada và cuối cùng định cư ở xứ này.

Từ năm 1987 đến nay mỗi năm tôi đều về Việt Nam thăm mẹ tôi một lần. Bà ở Vĩnh Long, có hai người cháu tận tình chăm sóc. Khi tôi viết những dòng này mẹ tôi đã hơn 90 tuổi. Những năm gần đây, bịnh tình của bà có phần thuyên giảm; bà tỉnh hơn ngày xưa nhiều. Thật là một diễm phúc không ngờ.

Những lúc mẹ tôi tỉnh táo, những giây phút quý báu này, tôi thường gợi lại chuyện xưa, mong bà nhớ và kể lại cho tôi nghe những mẩu chuyện đời của bà trước khi lâm bịnh. Ít khi bà tự ý kể chuyện; hỏi tới đâu thì bà trả lời tới đó, đôi lúc bị dòng liên tưởng lôi cuốn trở về quá khứ, bà kể lại một hơi nhiều mẩu chuyện xưa. Những chi tiết rời rạc, không mạch lạc, thời gian xáo trộn, tôi vẫn thu âm hay ghi lại. Khi so lại với sự việc anh chị tôi biết hay tôi tìm đọc trong tài liệu, sách vở thì thấy rõ là nhiều việc mẹ tôi kể lại quả thật chính xác. Bà nhớ rõ họ, tên, địa chỉ, v.v.. (kể cả địa chỉ Khám lớn Sài Gòn, “69 đường Lagrandière”). Nhưng những giây phút minh mẫn thường không lâu, trong chốc lát tâm trí bà không còn sáng suốt. Có lần bà nói: “Hỏi gì mà hỏi hoài! Buồn quá!” rồi nhắm mắt lại, nói chuyện một mình, trở về cái thế giới riêng tư của bà.

Mẹ tôi nhớ nhiều về những sự việc xảy ra trong 3 năm ngắn ngủi chung sống với ba tôi, từ ngày đám cưới đến ngày ông bị đày ra Côn Đảo. Còn những chuyện về sau mà tôi rất muốn biết – từ lúc ba tôi mãn tù ở Côn Đảo về, cuối năm 1943, bị quản thúc ở Cần Thơ, đến lúc ông cùng vài người bạn tâm giao trở về Sài Gòn sau khi Nhựt đảo chánh Pháp tháng 3, năm 1945 – thì bà ít nói đến; bà bảo không nhớ (hay không muốn nhắc tới?)

Một điều làm tôi thẫn thờ suy ngẫm mỗi khi nghĩ đến khoảng thời gian này: bà ít khi nhắc đến em Mỹ Chung, người em gái xấu số của tôi, ra đời trong những ngày loạn lạc cuối năm 1945; không được biết ba, đến 4 tuổi thì mẹ lại bị bịnh thần kinh; vừa mới 20, chưa được hưởng đời thì đã mất. Mỗi khi nghĩ đến em tôi, tôi vẫn còn buồn thấm thía, buồn cho số phận hẩm hiu của em […]

Khi mẹ tôi lập gia đình với ba tôi năm 1937, bà chỉ mới 20 tuổi, còn ông đã 32. Ông đã có năm đứa con với người vợ trước. Bà mất 14 ngày sau khi sanh đứa con gái út. Mẹ của bà, quê ở Mỏ Cày, bồng cháu về nuôi. Hai năm sau ba tôi tục huyền. Tôi ra đời một năm sau đó.

Ba mẹ tôi chung sống với nhau chưa tròn ba năm thì cuối năm 1939 ông bị chính quyền Pháp bắt giam, rồi một năm sau đày ra Côn Đảo. Ở tuổi 23, đơn chiếc, túng thiếu, mẹ tôi phải đưa các anh chị về Phú Lâm, nhờ bác Hai chăm sóc; còn tôi thì gởi cho bà ngoại ở Vĩnh Long để mẹ tôi có thể buôn bán tảo tần, nuôi mẹ nuôi con. Mãi đến 4 năm sau, khi ba tôi mãn tù về ở Cần Thơ, anh em chúng tôi mới có dịp quen biết nhau […]

Kỷ niệm tuổi thơ rời rạc, nhưng có những ấn tượng mạnh ghi sâu vào ký ức không bao giờ phai.

Ba rất thích dẫn tôi đi theo khi thăm viếng bạn bè, nhưng phải năn nỉ vỗ về tôi mới chịu đi. Lúc đầu tôi rất sợ đến gần ông vì cặp mắt lúc nào cũng nhấp nháy (sau này tôi mới biết vì bị cận thị nặng); nhưng mỗi lần ông nói: “Lại đây ba kể chuyện Ali Baba cho con nghe!” là tôi quên mất hai con mắt lung linh lạ lùng đó. Giọng ông hùng hồn, gợi cảm. Khi ông giơ hai tay lên truyền lịnh: “Sesame, mày hãy mở cửa ra cho ta!” là tôi thấy ngay trước mắt cửa động huyền bí từ từ mở ra. Sự tích dài, tình tiết gút mắc, tôi không nhớ nhiều, nhưng không bao giờ quên câu: “Sesame, mày hãy mở cửa ra cho ta!” Lịnh truyền mầu nhiệm làm tôi phục ba vô cùng. Từ đó về sau tôi không còn sợ ông nữa. Tối nào cũng lại gần thỏ thẻ với ông: “Ba kể chuyện Ali Baba với 40 thằng ăn cướp đi!”

Một chuyện nữa mà không bao giờ tôi quên được. Một chiều mưa gió, có ông già đội nón lá rách tả tơi, quần áo ướt đầm đìa, đứng trốn mưa run lập cập dưới mái hiên trước nhà. Ba tôi thấy, vội vàng mời ông vô nhà. Ông khép nép sợ sệt. Ba tôi nài nỉ mãi ông mới bước vô, nước chảy từ trên người xuống chân, đọng thành vũng dưới sàn nhà phòng khách. Ba tôi ân cần nói chuyện để người khách được tự nhiên, rồi ông đi lấy chai rượu rum rót ra ly mời khách uống “cho ấm bụng.” Đó là một bài học cư xử với người nghèo khó mà tôi không bao giờ quên […]

Tôi không nhớ từ Cần Thơ về Vĩnh Long lúc nào, bằng cách nào, đi với ai; nhưng nhớ rõ là hai chị Linh, Dung cũng về Vĩnh Long ở chung với mẹ và dì tôi khoảng giữa năm 1945. Theo lời anh chị kể lại là sau khi Nhựt đảo chánh cướp chủ quyền từ tay Pháp tháng 3, năm 1945, ba tôi với vài người bạn tụ tập nhau trở về Sài Gòn, dò dẫm tình hình. Ba giao tiền và nhà cửa cho chị Linh, anh Điển; anh Tự lúc đó đang theo Thanh niên Tiền phong vô bưng. Khi anh trở về Cần Thơ một thời gian sau, tìm về nhà cũ thì không còn ai ở đó, gia đình tản mát mỗi người một nơi. (Xin xem bài “Thương nhớ cha.”) Anh Điển trở về Sài Gòn ở với bác Hai. Chị Linh, chị Dung về Vĩnh Long, còn ba tôi ở đâu không ai biết.

Mẹ tôi lúc đó vẫn còn lên xuống Sài Gòn, Vĩnh Long, thỉnh thoảng dắt tôi đi theo. Tôi nhớ có lần mẹ tôi nói: “Đi nghe ba diễn thuyết!”, rồi hai mẹ con ra đứng đợi ở một khoảnh đất gần nhà thờ Đức Bà, trên đường Norodom (nay là Lê Duẩn) đông nghẹt người chen lấn xô đẩy. Đi nhiều lần, đợi rất lâu, ba tôi có diễn thuyết hay không tôi không nhớ. Nhưng đến giờ này vẫn còn hiện rõ trong đầu tôi cảnh một căn phòng nhỏ không bàn không ghế, chỉ có một cái giường hẹp và một tủ đứng. Ba mẹ tôi thì thầm với nhau những gì tôi không rõ, nhưng hai người vẻ mặt buồn hiu. Có phải đó là lần chót ba mẹ tôi gặp nhau? […]

Những năm 47, 48 là những năm sung sướng nhất thời thơ ấu của tôi. Gia đình sum vầy đông đảo. Mẹ tôi giờ đây chỉ buôn bán làm ăn ở Sài Gòn, thôi đi làm xa vì đường xá nguy hiểm, khó khăn. Thỉnh thoảng xe chở hàng và xe đò bị Việt Minh chận lại hăm dọa, thu thuế. Thời đó Việt Minh đã áp dụng chiến thuật du kích, khủng bố, phá hoại cầu đường, quăng lựu đạn trong rạp hát, ám sát người Pháp và luôn cả người Việt Nam mà họ cho là “Việt gian” vì không theo đường lối của họ. Để bảo đảm an toàn giao thông, chính quyền Pháp bắt xe cộ di chuyển trên quốc lộ phải đi theo đoàn (convoi) có xe nhà binh hộ tống.

Rất duyên dáng ở tuổi 30, bặt thiệp, làm ăn phát đạt, mẹ tôi được nhiều người “để ý”. Có hôm tôi hỏi bà: “Má ơi, sao con có nhiều ‘cậu’ vậy?» Đi ciné hay nhà hàng với mấy cậu, bà cũng thường dẫn tôi theo. Đi ăn cơm nhà hàng Tây, tôi phải tự xem menu và còm măng bằng tiếng Pháp.

Những ngày vui vầy với mẹ không được bao lâu thì một sự việc bi đát đến với gia đình chúng tôi. Vào một đêm khuya khoảng đầu năm 1949 (lúc đó tôi đang học lớp Nhứt, cours Supérieur), đang ngủ cùng giường với mẹ tôi thì có người gõ cửa, rồi một đám lính mật thám ùa vô nhà, lục soát tứ tung, cạy gỡ gạch bông sàn nhà như để tìm vật gì. Họ không tìm được gì cả, nhưng lại bắt mẹ tôi dẫn đi. Trong nhà lúc đó chỉ có bà, mẹ, tôi và anh Điển. Anh Tự lúc đó đi làm thủy thủ tàu biển, có ý muốn đưa anh Điển sang Pháp học thành tài như ba tôi.

Bà ngoại tôi quê Vĩnh Long, xuất thân từ một gia đình trung lưu, lúc nhỏ đi học được vài năm rồi nghỉ, có chồng có con sớm. Chồng làm hương sư, có ruộng đất; bà chỉ lẩn quẩn lo việc gia đình, ít giao tiếp ngoài xã hội. Vài ngày sau khi mẹ tôi bị mật thám bắt, một cậu bạn thân với mẹ tôi, biết bà tôi có bà con với ông Trần Văn Hữu, lúc đó là Thủ hiến Nam Kỳ, khuyên bà nên đi gặp ông Hữu ngay. Bà ít biết đường sá Sài Gòn, đi đâu phải nhờ con cháu đưa đi. Tôi nhớ rõ ngày đó ngoại tôi và tôi đến dinh Thủ hiến (1), vô ngõ bên hông nằm trên đường MacMahon (sau là Công Lý, nay là Nam Kỳ Khởi nghĩa), xin gặp ông Hữu, nhưng nhằm cuối tuần ông đang nghỉ mát ở Đà Lạt. Ngày thứ Hai, bà và tôi trở lại dinh. Có được nói chuyện thẳng với ông hay chỉ qua người tùy phái, tôi không nhớ rõ; chỉ biết là sau đó có người bảo ngoại tôi vô bót 2è bureau (phòng nhì) ở Chợ Quán lãnh mẹ tôi về. Lập tức bà, tôi và anh Điển đón xe lô chạy vô đó.

Sáu mươi năm đã trôi qua mà cảnh tượng sau đây vẫn còn ám ảnh tôi những đêm khó ngủ. Từ một căn phòng nhỏ thấp, ánh sáng lờ mờ, mẹ tôi bước ra, dáng dấp thiểu não, cặp mắt thất thần sợ hãi, ngơ ngác nhìn chúng tôi như người xa lạ. Hai bên thái dương có hai dấu đỏ tròn, da tróc như bị phỏng. Từ đó mới biết là mẹ tôi đã bị mật thám “tra điện” và cũng từ đó tôi mất mẹ: bà mang bịnh thần kinh đến ngày nay. […]

Mẹ tôi lâm bịnh chẳng được bao lâu thì gia đình chúng tôi phải trải qua một thảm họa đau buồn kế tiếp.

Cuối niên học, buồn cảnh gia đình rối ren, anh Điển tìm nơi tạm ở mấy tháng hè. Anh về cù lao An Thành cách châu thành Vĩnh Long một con sông. Tại đây có một nhóm các anh trai trẻ, khoảng 50, 60 người, sống có tổ chức, có súng ống (nhưng không nhiều), phân chia canh gác, đi tuần, giữ an ninh trật tự trên cù lao; họ mặc quần áo như dân làng, phần lớn là bộ đồ bà ba đen. Anh Tự cũng có một thời gian ở đây. Một số các anh lớn tuổi (tôi kêu bằng ‘cậu’) thường tới lui nhà dì tôi ở châu thành Vĩnh Long. Nghỉ hè tôi rất thích đi “cắm trại” với các anh, các cậu bên cù lao: tắm sông, chèo thuyền, đi cầu khỉ, ngủ sàn gạch.

Lần đầu tiên tôi được nghe nhiều chữ mới như “quốc gia”, “tổng hành dinh”, “chỉ huy trưởng”. Tổng hành dinh là ngôi đình làng, chỉ huy trưởng là cậu Khải. Năm 1997, có dịp sang Cali, tôi tìm thăm anh Thừa (Thiên) mà tôi được làm quen ở cù lao An Thành 50 năm về trước. Anh cho một tập tài liệu tự tay anh viết. Từ đó mới biết “trại hè” của tôi là một trong những “chiến khu” chống cộng đầu tiên ở miền Nam của Đại Việt Quốc Dân Đảng. (Cùng với anh Tự, một số các anh, các cậu tôi gặp ở đây như anh Thừa, cậu Hữu, cậu Nghĩa-Sáu Long, sau này trở thành sĩ quan cao cấp trong quân đội Việt Nam Cộng hòa.)

Hè đó, lúc anh Điển ở cù lao An Thành thì tôi đang ở nhà dì Hai tại châu thành Vĩnh Long. Một buổi sáng đột nhiên có người đến nhà báo tin anh Điển đã chết bên cù lao! Người này cho biết đêm trước Việt Minh về phá khuấy, bắn thị oai. Oan nghiệt thay! Anh Điển là người duy nhứt bị trúng đạn đêm đó. Mất mát vô bờ: một người anh hiền lành, điềm đạm, học giỏi, gương mặt giống ba tôi như hệt; anh chưa được 17 tuổi.

Anh Điển chết đột ngột, anh em ở xa không ai về kịp. Ngày chôn cất, tôi là người thân duy nhứt tiễn đưa anh. Cảnh tượng sau đây vẫn còn ghi sâu trong ký ức tôi. Một anh đến nhà dắt tôi ra đường. Bên vệ đường có chiếc xe chở hàng không mui. Quan tài nằm giữa khoang xe, hai bên các anh đứng sắp hàng tề chỉnh. Một anh đỡ tôi lên xe, đặt tôi đứng một góc bên quan tài. Xe từ từ chạy. Các anh bắt đầu hát bài “Hồn Việt Nam”, giọng trầm, buồn; tôi khóc sướt mướt. Thời gian lâu sau, tôi vẫn còn nằm chiêm bao thấy anh Điển về chuyện trò với tôi: “Đâu, anh có chết đâu! Anh đi chơi xa mà!”

Lại đi tìm cha

Năm tháng trôi qua, chuyện xưa dần dần lui xa về quá khứ. Thập niên 50, 60 ít ai nói đến Đệ tam, Đệ tứ; người ta bận tâm lo sợ hiểm họa Việt Minh, Việt Cộng. Bản thân tôi bận rộn vừa đi học, vừa đi làm để giúp gia đình. Đến năm 1963, du học ở Mỹ, sau đó tôi tiếp tục học ở Canada, rồi định cư ở xứ nầy, công ăn việc làm bề bộn. Khi người Việt tị nạn bắt đầu đến Toronto cuối thập niên 70, tôi lại càng bận rộn hơn, ban ngày làm việc sở, tối lo việc cộng đồng. Một số sinh viên và Việt kiều chúng tôi (lúc đó tại Toronto không quá 50 người) tìm cách gây quỹ và tổ chức chương trình giúp người tị nạn học Anh văn, tìm việc làm, v..v..

Nhà ở gần khu trường Đại học Toronto, khi rảnh rỗi tôi vô thư viện hay đi lục lạo các tiệm sách cũ. Một hôm tình cờ thấy quyển Vietnamese Communism: 1925-1945 của Huỳnh Kim Khánh (2) do Đại học Cornell xuất bản năm 1982. Đọc nhanh mục lục và đề mục-danh mục, rất phong phú, tôi nhận thức ngay đây là một quyển sách có ích cho việc “tìm cha” của tôi. Một đề tài thu hút tôi ngay, đó là “Trốtkít và Stalinít”, dài 43 trang. (Nhiều sử gia Tây phương tên tuổi cũng nhận định rằng phần khảo sát nầy là một trong những phần nổi bật nhứt trong tác phẩm của Huỳnh Kim Khánh.)

Tác giả mô tả Mặt trận Thống nhứt La Lutte thành lập năm 1934, một liên minh Đệ Tam-Đệ Tứ chưa từng thấy trong lịch sử mác-xít thế giới. Mặt trận ra đời từ lòng yêu nước của một nhóm sinh viên trí thức trẻ du học ở Pháp về, sẵn sàng gạt bỏ xu hướng chính trị đối lập để chung sức chống chế độ thuộc địa. Năm 1934, họ cho ra tờ báo tiếng Pháp, lấy tên La Lutte (Tranh đấu), làm tiếng nói chống bạo quyền áp bức, từ đó được biết đến với cái tên Nhóm Tranh Đấu.

Rồi cũng do một sự tình cờ khác mà tôi lại được một số tài liệu quý báu. Bạn đời của tôi, giáo sư Ngôn ngữ học tại Đại học Toronto, một hôm chuyện trò với một sinh viên sau giờ học, rồi không biết thầy trò nói những gì mà vài ngày sau ông mang về nhà một tập tài liệu do người học trò biếu cho ông, “Vietnam: Workers’ Revolution and National Independence” (“Việt Nam: Cách mạng Công nhân và Quốc gia Độc lập”) với hình của Tạ Thu Thâu trên bìa tạp chí. Đây là số đặc biệt của tạp chí Revolutionary History (số 2, năm 1990). Tác giả gồm có Simon Pirani, Daniel Hémery, Ngô Văn Xuyết, Lư Sanh Hạnh và ‘Comrade P.’

Pirani, Hémery và Ngô Văn Xuyết đã dày công nghiên cứu phong trào trốtkít ở Việt Nam trong nhiều năm. Các ông Xuyết, Hạnh và ‘Đồng chí P.’ cũng là những nhân chứng cuối cùng đã tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong hàng ngũ chiến sĩ Đệ Tứ. Họ may mắn thoát khỏi hai làn đạn, một bên là Việt Minh (Cộng sản Đệ Tam) săn lùng thủ tiêu đối lập chính trị, bên kia là thực dân Pháp tái chiếm miền Nam.

Cả ba người lưu vong sang Pháp. Rồi vào năm 1947, 1948, Lư Sanh Hạnh và ‘Đồng chí P.’ viết báo cáo gởi về Ban Bí thư Đệ Tứ Quốc tế ở Paris, tường thuật những biến cố tháng Tám 1945 và việc Cộng sản Đệ Tam lùng bắt thủ tiêu những người Đệ Tứ. Nhưng báo cáo của họ chìm trong hồ sơ của Ban Bí thư Đệ Tứ mãi đến những năm 1987-1990 nhờ công lao của nhà báo Simon Pirani và Ngô Văn Xuyết mới được phổ biến.

Đồng chí P. chỉ 17 tuổi khi anh gia nhập nhóm Tranh Đấu năm 1945. Trong báo cáo viết hai năm sau, “Mes premiers pas vers la révolution permanente” (“Những bước đầu của tôi tiến tới cách mạng thường trực”) anh tường thuật những gì anh nghe thấy trong những ngày cuối cùng của ban lãnh đạo nhóm Tranh Đấu. Lúc đó ông Thâu đã bị Việt Minh bắt tại Quảng Ngãi (cũng có thể đã bị giết rồi). “Bộ tham mưu” chỉ còn có ba tôi và các ông Hùm, Chánh, Hòa, Lợi, Số, Thử. Cạnh tên ba tôi, đồng chí P. ghi “luật sư.” Thời đó nhiều người lầm tưởng ông là luật sư vì trên báo La Lutte ông thường trích dẫn các điều lệ, đạo luật Pháp để tố cáo những hành vi “trái luật” của chính quyền thuộc địa khi họ áp đảo người dân.


Đồng chí P. là một trong khoảng 30 anh chiến sĩ có nhiệm vụ bảo vệ ban chỉ huy Tranh Đấu. Họ lập bản doanh tại một ngôi đình gần Thủ Đức, sau khi mặt trận kháng chiến chống Pháp tại nội thành Sài Gòn tan vỡ. Họ tuy được dân làng xung quanh mến nể, trợ giúp lương thực, nhưng lại bị Việt Minh săn lùng. Các ông Chánh, Lợi, rồi đến ông Hùm rời bản doanh đi công tác, đều mất tích. Đồng chí P. viết: “Đêm cuối cùng, trong ban chỉ huy chỉ có mỗi đồng chí Thạch còn ở lại bản doanh. Chúng tôi được lịnh làm hai vòng rào canh gác và lục soát những ai qua lại. Năm giờ rưỡi hừng sáng, một ủy viên công an stalinít cùng với 10 tên Quốc gia Tự vệ cuộc đến bắt đồng chí Thạch dẫn đi.” Từ đó đồng chí Thạch mất tích luôn.

Ban chi huy Tranh Đấu chỉ tồn tại có 12 ngày, nhưng những ngày ngắn ngủi đó đã để lại trong ký ức anh chiến sĩ Đệ Tứ một ấn tượng mạnh: một nhóm người thành phần xã hội khác nhau, cùng sống bình đẳng với nhau cho lý tưởng chung. Bài báo cáo lời văn chân thật viết từ tâm tình của một người thanh niên trẻ, hăng say với lý tưởng của mình. Chỉ có ba trang, nhưng tôi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần để tìm hiểu từng chi tiết liên quan đến giờ phút cuối cùng của ba tôi và các bạn đồng hành của ông.

Lần mò lật các trang sách của Huỳnh Kim Khánh và tạp chí Revolutionary History, tôi tìm được một tác phẩm vô giá cho việc “tìm cha,” quyển Révolutionnaires vietnamiens et pouvoir colonial en Indochine: communistes, trotskystes, nationalistes à Saigon de 1932 à 1937 (Những nhà cách mạng Việt Nam và quyền lực thực dân tại Đông Dương: cộng sản, trốtkít và quốc gia ở Sài Gòn những năm 1932-1937). Tác giả là sử gia Daniel Hémery. Lần đầu tiên tôi mới thấy các chữ cộng sản, trốtkít, quốc gia cùng hàng trên một trang giấy, và cả ba nhóm được nhắc đến là những nhà cách mạng Việt Nam. Sách vở xuất bản ở Việt Nam ngày nay, nói về thời kỳ đó thường chỉ dành hai chữ cách mạng cho đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương và hoạt động của những người cộng sản Đệ Tam […]

Tài liệu ông Hémery tham khảo vô cùng phong phú: hơn 60 tờ báo Việt, Pháp phát hành trong thập niên 20, 30, và toàn bộ tờ La Lutte từ năm 1934 đến năm 1939 nằm trong Thư viện Quốc gia Pháp, trừ các số từ 126 đến 130 lọt trong Viện Lịch sử ở Amsterdam, mà ông cũng tìm được. Ngoài ra ông còn tham khảo rất nhiều tài liệu mà tác giả là các nhân chứng lịch sử hai miền Nam, Bắc.

Cuối thập niên 60, trong số những người Đệ Tam, Đệ Tứ nòng cốt của nhóm La Lutte chỉ có hai người còn sống: Hồ Hữu Tường ở trong Nam và Nguyễn Văn Tạo ở ngoài Bắc. Ông Hémery mong muốn được gặp hai nhân vật quan trọng này, nhưng chưa có dịp thì ông Tạo đã mất (tháng 8-1970). Nhưng rất may cho ông Hémery là vào năm 1968, ông Tường đến Paris và ở lại đó 11 tháng để theo dõi hòa đàm Nam-Bắc, với tư cách dân biểu Quốc hội Việt Nam Cộng hòa. Ông Hémery đến tìm. Ông Tường mến phục ý chí và tinh thần nghiên cứu của ông giáo sư trẻ đang dạy môn Sử tại Lycée Rollin, trợ giảng tại Đại học Sorbonne, và cùng lúc chuẩn bị luận án tiến sĩ. Trong suốt thời gian ở Paris, ông dành cho ông Hémery mỗi tuần một buổi sáng để cùng ngồi đàm thoại. (3) Giáo sư Hémery làm xong luận án tiến sĩ năm 1973 và hai năm sau quyển Révolutionnaires vietnamiens được nhà xuất bản Maspéro phát hành.

Lúc nhỏ tôi chỉ biết ba tôi là một người kể chuyện tuyệt vời, một ông giáo sư Pháp văn nổi tiếng, một ông Hội đồng Thành phố được dân nghèo quý mến, một người có tên trên một bảng đường ở Sài Gòn. Giờ đây nhờ công trình nghiên cứu công phu của ông Hémery tôi mới được biết thêm ba tôi là một nhà báo viết tiếng Pháp không thua người Pháp, đã từng phê bình, chỉ trích trên báo La Lutte nhiều nhân vật cao cấp trong chính quyền thuộc địa cũng như ở chính quốc; và cũng được biết là chỉ một năm sau khi tới Toulouse ghi danh học ban Triết ở Đại học Toulouse, chưa đầy 22 tuổi, ba tôi đã cho ra tờ báo lấy tên là Journal des Étudiants annamites (JEA, “Báo Sinh viên An Nam”) vào tháng 5-1927.

Từ đó tôi có ý định đi lục tìm các bài báo do ba tôi viết để cho in thành sách. Ngoài sách của các ông Hémery, Huỳnh Kim Khánh, Ngô Văn, tôi cũng tìm hiểu thêm về nhóm La Lutte và bối cảnh lịch sử từ 1925 đến 1945 qua tác phẩm của các sử gia Brocheux, Buttinger, Devillers, Duiker, Hammer, Hodgkin, Marr, McAlister, Tonnesson và nhiều sử gia khác.

Năm 2005, tôi sang Pháp. Lần theo dấu chân của ông Hémery, tôi đến các thư viện, văn khố ở Paris và Aix-en-Provence để tìm các báo cáo của chính quyền, hồ sơ mật thám Pháp, và bản gốc của hai tờ La Lutte và JEA. […]

Một ngày nóng cháy da ở Aix hè năm 2005, nhưng tôi vẫn cảm thấy mát dịu trong lòng, đó là ngày tôi tìm được một bức ảnh vô cùng quý giá tại Văn khố Pháp quốc Hải ngoại CAOM. Trong ảnh có tất cả năm người: ba tôi và các ông Hồ Văn Ngà, Lê Bá Cang, Nguyễn Văn Khải, và một người nữa không rõ là ai. […]

Bức ảnh quý hiếm đó nằm trong một hồ sơ mật thám Pháp. Đó là tấm ảnh ông Cang kèm theo thơ ông gởi về cho người anh bà con là Nguyễn Háo Đàng, giáo sư trường Huỳnh Khương Ninh, có thành tích hoạt động chống thực dân. (Xem một trang thơ trong phần “Hình ảnh”). Trong thơ ông Cang giới thiệu “Ban trị sự” mới của Tổng hội Sinh viên Đông Dương (THSV), chụp hình kỷ niệm ở vườn Luxembourg, và nhờ ông Đàng giúp quyên tiền cho hội. Một người trong hình ông Cang quên nói tên mà mật thám Pháp cũng không biết là ai. Có thể người đó là ông Hình Thái Thông, giữ chức Thủ quỹ trong ban trị sự mới THSV.

Mật thám Pháp theo dõi chặt chẽ những người bị tình nghi hoạt động chống Pháp, thường xuyên kiểm soát thư từ của họ. Lá thơ của ông Cang bị mật thám Pháp mở ra kiểm soát, sao chụp tất cả, dịch ra tiếng Pháp, rồi kèm mọi thứ theo báo cáo gởi cho các cơ quan thẩm quyền như phủ Toàn quyền Đông Dương, Bộ Thuộc địa, v.v… Không biết thơ có đến tay ông Đàng không và trong bì thơ còn có những gì?

Ngồi trong phòng thư viện rộng thênh thang, cầm bức ảnh chụp vào buổi đầu thời thanh niên của ba tôi, chung quanh bao nhiêu người im lặng đọc, viết, tôi thả hồn tưởng tượng cuộc đời sinh viên của ông. Trông ông quá nghiêm chỉnh, chững chạc trước tuổi. Chắc ông bận rộn vô cùng: vừa học, vừa làm báo, vừa làm chủ tịch Hội Ái hữu Đông Dương, chi nhánh Paris (AMI, Association mutuelle des Indochinois), làm thư ký cho Tổng hội Sinh viên Đông Dương. Càng nhìn hình, tôi càng thương tiếc những người trí thức trẻ yêu nước thương dân, bị chết oan uổng ở tuổi còn nhiều ước vọng, tài năng và nhiệt tình đóng góp cho đất nước. Chắc chắn là ba người (ba tôi và hai ông Ngà, Cang) và có thể là bốn, nếu người thứ năm trong hình là ông Hình Thái Thông, đã bị Việt Minh thủ tiêu năm 1945.

Tôi nghĩ đến số phận không được biết rõ, không được sống cạnh ba của mình mà tội nghiệp cho những người đồng cảnh ngộ.

Đoạn kết

Khi tôi viết những dòng này, mẹ tôi đã được 95 tuổi. Phần tình cảm: buồn, vui, thương, nhớ… bà vẫn còn, nhưng phần lý trí suy luận thì đã mất nhiều từ khi lâm bịnh. Khái niệm thời gian cũng không còn. Bà không thích nghe nói ai chết, mà cũng không tin người thân, bạn bè đã chết rồi. Có lần tôi hỏi bà về hai ông Tường, Chánh. Bà nói:

Ông Chánh với ông Tường lại chơi với ba mầy hoài – Má nhớ ông Tường ra sao không? - Ốm, lưng khòm khòm. – Má nhớ ông Chánh ra sao? – Ông mập tốt quá mà sao chết, đồn chết có biết chết thiệt không. (Trước đó, tôi có nói với mẹ tôi là ông Chánh đã chết rồi.)

Có lần đột nhiên bà hỏi: Ba với thằng Điển,“thằng suyễn” đi đâu không trở về? (“Thằng suyễn” là anh Tự, lúc nhỏ bị suyễn nặng. Sau 12 năm lao tù ở vùng Yên Bái, từ 1975 đến 1987, anh rời Việt Nam năm 1992, định cư ở Mỹ. Từ năm 1999 đến nay, tu ở thiền viện Tánh Không, Riverside, California.)

Mẹ tôi rất nắm níu tôi, mỗi lần chia tay là một lần hai mẹ con vô cùng khổ sở. Bà thường nói:“Má ngồi trông, đếm từng ngày, trông Châu, Tết về.” Lúc mắt mẹ tôi còn thấy chút ít, có lần tôi gợi chuyện: “Bữa nay, má muốn nói chuyện gì nè?” Bà trả lời: “Không nói gì. Ngồi dòm thôi. Đây là Châu, đây là má Ngọc. Hai người sống chung một nhà. Tình mẹ con. Hai mẹ con mình gần nhau.” Năm rồi, mắt mẹ tôi đã mù. Bà thường kêu tôi lại ngồi trên giường với bà: “Châu ngồi đó, má ngồi đây được rồi, vui rồi.”

Đầu năm 2006, sau một lần từ giã mẹ tôi rất khó khăn, lên Sài Gòn hai ngày trước khi trở về Canada, nằm trong khách sạn, tôi nhớ mẹ rồi sực nhớ đến dì Năm Mè (Bùi Thị Mè), một người bạn thân của mẹ tôi lúc nhỏ. Năm nào về thăm mẹ, tôi cũng ghé thăm dì.

Mẹ tôi và dì là nạn nhân của một cuộc chiến ý thức hệ thảm khốc, kéo dài hơn 30 năm, đem đau thương cho biết bao nhiêu người. Mẹ tôi mất chồng vì ba tôi không cùng xu hướng chính trị với Cộng sản Đệ Tam, dì Mè mất ba người con trai trong một năm vì dì chống lại đường lối chính trị của chính phủ Ngô Đình Diệm. Năm 1960 dì cùng chồng dắt bốn người con trai vô bưng kháng chiến, gởi hai người con gái nhỏ nhờ cô của mấy cháu nuôi giùm. Năm 1968, khi cuộc chiến cộng sản-quốc gia trở nên ác liệt ở miền Nam, cùng một ngày dì được tin hai người con trai lớn, 26 và 24 tuổi, tử trận. Rồi không lâu sau lại có tin người con trai 22 tuổi cũng chết ở chiến trường, đứa con trai út bị thương. Một thời gian dì bị khủng hoảng tinh thần, được đưa đi Liên Xô dưỡng bịnh. Ngồi trong phòng khách nhà dì, nhìn 3 tấm ảnh của ba người thanh niên tuấn tú treo trên tường, tôi không khỏi bùi ngùi thương tiếc, nghĩ đến cái hậu quả khủng khiếp của các cuộc tranh chấp ý thức hệ.

Nhớ dì Mè thì lại nghĩ đến ông Trần Văn Giàu. Cả hai đều là nhân vật tiếng tăm trong nước, thế nào cũng quen nhau nhiều. Tôi gọi điện thoại cho dì Mè: “Dì Năm chắc quen ông Giàu. Dì xin cho con gặp ông được không?» – «Nửa tiếng dì sẽ trả lời.” Bốn giờ chiều hôm đó, tôi lấy taxi đón dì, rồi hai dì cháu cùng đến nhà ông Giàu.

Tôi không có mục đích gì rõ rệt khi muốn đi gặp ông, chỉ thoáng mong ước ông cho biết chút ít về cái chết của ba tôi. (4) (Đúng là một ước mong quá ngây thơ.) Mùa thu 1945, ông là nhân vật quan trọng nhứt trong Lâm ủy Hành chánh Nam Bộ, rồi đến Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, nắm quyền sinh sát trong tay. Nhiều sử gia cho rằng ông trực tiếp hay gián tiếp có trách nhiệm trong việc hàng chục lãnh tụ đảng phái đối lập bị thủ tiêu.

Trước đó vài ngày tôi được đọc nhiều quyển sách xuất bản ở Việt Nam để kỷ niệm 60 năm “Cách mạng tháng Tám” trong đó có nhiều bài viết của ông Giàu. Và trước đó nữa, tôi có đọc khá nhiều sách của các sử gia Tây phương; nhiều sử gia tên tuổi có viết (hay không) về cách mạng tháng Tám cũng đều đến gặp ông như: David Marr, Stein Tonnesson, Christopher Goscha, Peter Zinoman, Alain Ruscio, v.v…

Ở tuổi 95, ông Giàu vẫn còn minh mẫn. Suốt buổi tiếp tôi và dì Mè, ông ngồi yên trên chiếc ghế trường kỷ đối diện, vẻ mặt trang nghiêm, không để lộ một cảm xúc nào. Tôi ngại ngùng, lúng túng, không biết bắt đầu câu chuyện ra sao, cuối cùng hỏi một câu (chỉ được hỏi có một câu thôi) mà sau này mới biết là ‘vô ý thức’ đụng nhằm một đề tài ‘nhạy cảm’ đối với ông: “Thưa bác Sáu, cách đây mấy ngày con có đọc một bài nói về cách mạng tháng Tám. Có phải tại buổi họp Chợ Đệm, ông Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn Tạo và Nguyễn Văn Nguyễn không tán thành khởi nghĩa lúc đó?” Lý do tôi hỏi về những người này là vì đã được đọc nhiều về họ trong sách của các ông Hémery, Ngô Văn, báo La Lutte, hồ sơ mật thám Pháp, v.v.. (còn các ông Nguyễn Văn Trấn, Huỳnh Văn Tiểng, Huỳnh Tấn Phát, v.v.. về sau tôi mới được biết đến nhiều.)

Sắc diện ông Giàu thay đổi ngay. Ông lấy ngón trỏ tay phải, chỉ vào mặt tôi, vừa đánh nhịp, vừa xỉ vả: “Không biết, nghe đây, im đi, đừng nói!” Thế là tôi và dì Mè ngồi im phăng phắc cho đến khi ông dứt lời, ông nói gì tôi cũng không nhớ. Cuối cùng để không khí bớt ngột ngạt tôi đưa ông xem quyển Saigon 1925-1945: De la «Belle Colonie» à l’éclosion révolutionnaire ou la fin des dieux blancs (Philippe Franchini, chủ biên) tôi vừa mua ở một tiệm sách ở Paris trước đó vài tháng. Tôi lật cho ông xem trang sách có in hình chân dung của ông lúc trẻ, vẻ mặt cứng rắn, thách thức. Đó là một trang trong bài viết của Pierre Brocheux tựa đề “Les sentiers de la révolution” (“Các con đường cách mạng”). Hình này tác giả tìm được trong Văn khố CAOM. Trong sách cũng có một bài nói về Tạ Thu Thâu. (Không biết ở tuổi già, có khi nào ông Giàu nghĩ đến cái chết của ông Thâu không?)

Tôi hỏi: “Bác có thấy quyển này chưa? – Chưa thấy – Con xin tặng bác.” Rồi tôi và dì Mè kiếu từ.

Trên xe taxi đưa dì Mè đến khách sạn Continental gặp một người bạn từ Pháp mới về, hai dì cháu ngồi lặng im như tờ. Đột nhiên, dì thốt lên: “Già mà còn lửa!”

Kinh nghiệm trên làm tôi càng tin thêm giả thuyết của sử gia Duiker: Trần Văn Giàu bị điệu về Hà Nội (cuối tháng 10-1945), tướng Nguyễn Bình thay thế, không phải vì lý do chính sách mà vì cá tính của ông Giàu. (5) Chính sách độc quyền lãnh đạo và thủ tiêu lãnh tụ đối lập cũng được Nguyễn Bình tiếp tục thi hành.

Ông Giàu là người có nhiều lý tưởng và tham vọng chính trị, hy sinh cả cuộc đời trai trẻ của mình vào tù ra khám, tranh đấu cho độc lập nước nhà. Nhưng ông cũng là “một người cuồng tín” (theo lời sử gia Devillers), hành động theo phương châm “Cứu cánh biện minh cho phương tiện.” Khi khởi nghĩa chống Pháp năm 1945, ông chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” đưa ra những khẩu hiệu: “Chừng nào Sài Gòn hóa ra tro tàn, quân Pháp mới chiếm được Sài Gòn.” “Chừng nào Nam Bộ biến thành sa mạc, quân Pháp mới chiếm được Nam Bộ.” (6)

Sử gia Marr, tác giả quyển Vietnam 1945 và nhiều tác phẩm khảo sát lịch sử Việt Nam có giá trị, đã nhiều lần phỏng vấn ông Giàu. (7) Ông Marr nhận xét về ông Giàu như sau: “Khi có điều gì làm ông nổi giận, da mặt ông đen sẫm lại và dáng bộ trở nên đe dọa.” Chắc chắn tôi không phải là người đầu tiên bị ông Giàu điểm mặt.

Hành trình “tìm cha” đã làm thay đổi con người tôi. Tôi cảm thấy gần gũi ba tôi hơn, mến thương ba mẹ, anh chị nhiều hơn vì cảm thông những nỗi gian truân của từng người.

Tôi cũng tự hào là đóng góp được phần nào để làm sáng tỏ một chương lịch sử Việt Nam bị mờ phai vì che giấu hay bị móp méo vì luận thuyết một chiều của người thắng cuộc.

Nhưng chuyện xưa hay trở về ám ảnh, làm tôi thường mất ngủ. Giấc ngủ chập chờn, tôi hay nằm chiêm bao thấy người thân đã chết trở về sinh hoạt với mình. Rồi trong giây phút có chút ý nghĩ phi lý: Giá chi ba tôi không chết sớm, có người lo lắng cho mẹ tôi, anh chị em chúng tôi, thì có thể mẹ tôi không bị bịnh đến ngày nay, anh Điển, em Chung cũng còn sống. Nhưng tôi cũng nhanh chóng trở về thực tế. Có ai sống trên đời mà không qua khổ ải. Tôi tự nhủ: ở từng tuổi này mà còn khỏe mạnh sáng suốt để soạn thảo sách vinh danh cha mẹ là điều rất quý. Tôi cảm thấy toại nguyện.

Tôi tập thói quen: mỗi lần thương tiếc ba tôi thì nhớ đến câu tưởng niệm của một người bạn học cũ của ông: “Thạch … có tánh cang chánh xây dựng, dám nói dám làm, tiếc thay trời không cho sống để thi thố tài nghệ, nhưng bao nhiêu kia cũng đủ, mạng ấy yểu mà danh ấy thọ.” (Vương Hồng Sển, Hơn nửa đời hư, tr. 147).

Tôi hãnh diện có người cha tên Trần Văn Thạch.

GHI CHÚ:

(1) Thời Pháp, là dinh Thống đốc Nam Kỳ, thời ông Trần Văn Hữu là dinh Gia Long, nay là Bảo tàng Cách mạng.

(2) Do Đại học Cornell xuất bản năm 1982; tác phẩm này được nhiều sử gia Tây phương trích dẫn.

(3) Hồ Hữu Tường, 41 năm làm báo, tr. 77-78.

(4) Trước đó vài tháng tôi được đọc bài “Ai đã ám sát Tạ Thu Thâu và những người Trốt-kít Việt Nam” của ông Hoàng Khoa Khôi, và không thể quên được đoạn văn sau đây: “Mùa hè năm 1989, nhân dịp qua Pháp, ông Trần Văn Giàu [gặp một số người Việt tại Paris]. Khi hỏi về việc ai đã giết Tạ Thu Thâu ở Quảng Ngãi, ông Giàu quả quyết không phải ông vì lúc đó người trách nhiệm là ông Hoàng Quốc Việt được đảng cử ra thay ông [… ] Khi hỏi về các vụ ám sát các lãnh tụ trốt-kít khác ở miền Nam như Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Huỳnh Văn Phương, v.v... ông Trần Văn Giàu lại rất lúng túng, không quả quyết như câu trả lời về vụ ám sát Tạ Thu Thâu. Thái độ lúng túng ấy khiến cử tọa có cảm tưởng ông có dính líu đến những vụ này, hoặc ít ra ông cũng biết ai là thủ phạm. (Hồ sơ Đệ Tứ Quốc tế Việt Nam, Tập 1, Paris: Tủ sách nghiên cứu, 2000).

(5) Duiker viết: “Dưới sự lãnh đạo của ông [Giàu] phong trào nổi dậy càng ngày càng trở thành một chính sách tàn bạo, khủng bố. Dường như [Võ Nguyên] Giáp xem vấn đề đó là do khả năng lãnh đạo cá nhân chớ không phải là chiến lược tổng thể, vì [Nguyễn] Bình được lịnh tiếp tục chiến thuật tiêu thổ” do Giàu áp dụng. (1981, tr. 117).

(6) Trần Tấn Quốc, Saigon Septembre 45, tr. 68.

(7) Ngày 25-3-1980, 19 và 25-3-1988, 12-2-1990 (Marr, 1995, tr. 454-456, 458.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.