Hôm nay,  

Chúng Tôi Làm Tốt Hơn

08/08/200000:00:00(Xem: 4747)
Đại hội đảng Cộng Hòa tuần trước tại Philadelphia là một kỳ công diệu thủ, ít ra cũng ngoạn mục hơn Đại hội năm 1996 ở San Diego khi đảng đưa ứng viên Bob Dole lên dàn phóng. Đại hội đảng đã đạt nhiều thành quả hơn trước, xứng đáng với lời cam kết “Chúng tôi sẽ làm tốt hơn” trong đêm cao điểm. Đảng đã thành công khi đưa ra một chiến lược thích nghi thời đại có tên là “bảo thủ với tình thương”. Hồi đầu năm 1999 khi chưa biết ai sẽ lãnh cờ tranh cử cho đảng Cộng Hòa vào Bạch Cung, chúng tôi còn nhớ đã viết chỉ có Thống đốc George W. Bush ở Texas là người xứng đáng nhất vì ông Bush nói ông là người “bảo thủ có tình thương”. Đây cũng là lúc Thượng Viện đã thất bại, không đạt đủ đa số truất phế Clinton.

Trên căn bản chiến lược đó, đại hội đảng đã vuốt mềm những khúc cứng rắn nhất của chủ nghĩa bảo thủ bằng cách phóng đi những tín hiệu cụ thể, cả bằng người bằng xương bằng thịt trên diễn đàn, để nói rằng đảng đã “bao dung chớ không loại trừ”. Chi tiết lập trường đảng Cộng Hòa về những lãnh vực kinh tế, thuế khóa, giáo dục, trẻ em, môi sinh, an sinh xã hội, đối ngoại, kể cả những vấn đề gây tranh cãi nhiều như phá thai và dân gay đồng tính luyến ái, giới truyền thông Mỹ đã nói đến quá nhiều. Thật ra trong mùa tranh cử, hai đảng lớn Cộng Hòa và Dân Chủ đều nói rất hay về phúc lợi của dân, chỉ có điều là nói đã vậy còn làm thì sao. Đó là chưa kể mỗi chương trình đưa ra đều có những toan tính riêng để cái lợi chung cũng nhằm phục vụ cho cả những mục tiêu cá biệt. Riêng về chủ trương “bảo thủ với tình thương”, tuần báo Time số ra ngày 7 tháng 8 đã đặt câu hỏi “Liệu họ có làm thật không"” để rồi nêu ra một bảng đối chiếu khá lý thú giữa tình thương và lập trường bảo thủ của hai ông Bush và Cheney xem có thể dung hòa được ở chỗ nào. Còn muốn biết hình ảnh nước Mỹ dưới quyền Tổng Thống tương lai George W. Bush ra sao, tuần báo Newsweek trong số cũng đề ngày 7 tháng 8 đã phác họa viễn tượng dưới tựa đề thành phố Bushville, USA.

Tôi xin chào thua sự hài hước hóm hỉnh của dân nhà báo Mỹ. Ở đây tôi chỉ muốn nhìn đến một lãnh vực về sáng kiến chiến lược của Cộng Hòa trước địch thủ Dân Chủ. Đó là việc dàn mặt trận “quân đội” ra đánh Al Gore - hậu duệ của Clinton - và đảng Dân Chủ. Đây là một sáng kiến kỳ diệu, không ai dự liệu trước, có lẽ làm Dân Chủ trở tay không kịp chăng". Nhưng tại sao không dàn mặt trận “kinh tế”" Năm 1996 đảng Cộng Hòa đã thiếu sáng kiến chiến lược, chỉ đi đánh ở những mặt trận đối phương đã dàn binh bố trận sẵn, bởi vậy Bạch Cung vẫn còn ở trong tay Dân Chủ. Bài học quá rõ ràng, Cộng Hòa không dại đi theo vết xe đổ. Năm 2000, mặt trận kinh tế được thu hẹp trong thế án binh bất động: “Giữ cho nền kinh tế thịnh vượng được tiếp tục và làm nó thịnh vượng hơn nữa”. Nhưng sáng kiến chiến lược mới đã chứng tỏ không nề hà bất cứ cách nào để đoạt lại Bạch Cung. Khí thế mặt trận nhà binh rất dũng mãnh, đánh phủ đầu địch bằng một trận mưa pháo tâm lý chiến: tố cáo chính quyền Clinton-Al Gore đã để cho tinh thần quân đội sa sút và thế sẵn sàng nghênh chiến của quân đội thấp chưa từng thấy.

Sau phi pháo là đợt xung phong của ba vị anh hùng trận chiến nổi danh. Đó là cựu đại tướng Colin Powell, nguyên Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, cựu đại tướng Norman Schwarzkopf, nguyên tư lệnh quân Mỹ vùng Vịnh Trung Đông, ông Dick Cheney, nguyên bộ trưởng Quốc phòng thời đó, rồi kinh doanh dầu lửa rất thành công, nay đã trở lại chính trường với ngôi vị ứng viên Phó Tổng Thống. Sự quy tụ các vì sao sáng của trận Bão Sa Mạc năm xưa làm tôi kinh dị, bất giác nghĩ đến tựa đề “Người Jedi trở lại” của tập cuối trong bộ phim ba tập “Star Wars” lừng danh. Nhưng các ông nhà báo Mỹ độc mồm lại nói “Những người báo thù đã về”. Ai là người báo thù và báo thù cái gì" Chẳng lẽ báo thù Saddam không chịu chết mà vẫn còn sống nhăn" Hỏi như vậy có nghĩa là đã quên vị Tổng tư lệnh quân đội khi Mỹ khi đánh quân Saddam Hussein tan không còn một mảnh giáp, phải rút khỏi Kuwait và phải chịu ký thỏa hiệp đình chiến mới làm cho Mỹ ngừng tiến binh để thoát chết. Người đó là cựu Tổng Thống George Bush, phụ thân của ứng cử viên Tổng Thống George W. Bush hiện nay.

Sau chiến thắng Bão Sa Mạc năm 1991, quân Mỹ trở về ca khúc khải hoàn và Tổng Thống George Bush ra đọc diễn văn trước Quốc Hội lưỡng viện được đón tiếp bằng những tràng pháo tay nổ ran, các dân biểu nghị sĩ nhiều lần đứng lên hoan nghênh nhiệt liệt. Vậy mà chưa đầy một năm sau, khi ra ứng cử nhiệm kỳ hai Tổng Thống Bush đã bị đánh bại bởi một ông Clinton trẻ tuổi hơn, ít có danh tiếng và nhất là đã từng bị chê “ngầm lảng tránh quân dịch”. Có người lúc đó bàng hoàng hỏi tại sao vậy thì được trả lời đốp chát: “Đó là kinh tế, đồ ngốc!” Quả thật lúc đó kinh tế Mỹ đang xuống dốc, cử tri muốn có sự thay đổi để tìm được con đường sáng ra khỏi sa lầy.

Bây giờ chiến trận tranh cử đã bắt đầu trả được mối thù. Các diễn giả trong đại hội đảng Cộng Hòa đều nói ông Bush Texas sẽ bảo vệ an ninh và danh dự của Mỹ mà không cần hành động như một tên lính cảnh sát. George W.Bush nói: “Tinh thần quân đội chúng ta ngày nay xuống thấp một cách nguy hiểm. Nam nữ quân nhân của chúng ta cần phải có đồng lương tốt hơn, huấn luyện tốt hơn và trang bị tốt hơn. Với tư cách Tổng Tư lệnh tôi sẽ xây dựng lại quân đội Mỹ và tăng cường liên minh của chúng ta”. Tướng Schwarzkopf la lớn: “Chúng ta sẽ có một vị tổng tư lệnh nữa cũng tên là George Bush với Dick Cheney phù tá... còn gì vĩ đại hơn”.

“Chúng ta sẽ làm tốt hơn”. Mong lắm thay, lần này mọi thứ Saddam Hussein chắc phải chết ngắc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.