Hôm nay,  

Tăng Đoàn Mời ‘ác Ma Cộng Sản Buông Dao Thù Hận’

13/02/200100:00:00(Xem: 4360)
HUẾ (VB) - Thượng Tọa Thaí Hòa đã kêu gọi “ác ma [cộng sản] buông dao thù hận... để cùng đi vào biển Chánh Pháp an nhiên tự tại” khi bắt đầu buổi lễ cầu nguyện. Dưới là tuần tự hai bản văn của Tăng Đoàn Thừa Thiên - Lời Dẫn Khởi Đầu Buổi Lễ, và Pháp Thoại. Toàn văn như sau.

LỜI DẪN KHỞI ĐẦU BUỔI LỄ CHÍNH THỨC
CẦU NGUYỆN THIÊN NIÊN KỶ MỚI
VÀO NGÀY 11 THÁNG 02 NĂM 2001
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

- Kính bạch chư Tôn đức.
- Kính thưa đồng bào Phật tử các giới.

Tuần lễ cầu nguyện cho Thế giới hoà bình, loài người được an lạc - Các chiến sĩ đã bỏ mình vì đại nghĩa dân tộc, các nạn nhân thiên tai của thế kỷ qua sớm được siêu thoát - Nền tín ngưỡng Việt Nam sớm được cởi trói và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được tự do sinh hoạt. Dân tộc Việt Nam sớm thoát khỏi tai ách và quyền sống con người thật sự được tôn trọng, do Tăng Đoàn Thừa Thiên - Huế tổ chức, nay đã bắt đầu ngày thứ tư.

Tưởng rằng, cũng nên nhắc lại, trong ba ngày qua, tại khuôn viên Tổ đình Từ Hiếu đã thể hiện đúng tinh thần cầu nguyện và đã làm cho các ác ma kinh hãi, khiến chúng loan truyền những tin tức thiếu vắng lương tâm và lương tri tạo ra làn sóng bất ổn cho xã hội, nhằm đánh lạc hướng ý nghĩa và mục đích tuyên dương Chánh Pháp.

Hỡi các ác ma, xin quý vị hãy vứt bỏ con dao độc ác, thù hận, ganh tỵ, tạo ra nghi ngờ, sợ hãi và phân hóa mọi người và mọi loài ở trong tâm. Và hãy cùng chúng tôi phát khởi lòng thương yêu chân thật, hành sử bao dung, sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì sự nghiệp hạnh phúc an lạc của chư Thiên và loài người, thì tức khắc chúng ta đều được đi vào biển cả Chánh Pháp của Như Lai một cách an nhiên vô ngại. Và thế giới mà chúng ta đang sống tức khắc trở thành thế giới Tịnh Độ. Vậy, xin quý vị dù vắng mặt hay có mặt nơi đây hay đang nhận sứ mệnh của các thế lực vô minh để quấy rầy thế giới loài người, xin quý vị hãy nương nhờ từ lực hướng tâm đến đạo tràng sám pháp cầu nguyện và chuyển hóa trong giờ phút thiêng liêng cao đẹp này và trong giờ phút này, xin quý vị hãy tự mình soát xét lương tâm, gạn lọc lương tri và cùng với chúng tôi, nhập vào triệu triệu trái tim có hiểu biết và thương yêu của thế giới loài người, để lắng nghe lời pháp nhũ, từ Chư Phật quá khứ, hiện tại và tương lai.

Vậy, xin quý vị cùng chúng tôi thực tập hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quán Thế Âm, để lắng sạch bụi trần cho dòng nước cam lồ chảy vào thân tâm rửa sạch nghiệp chướng nhiều đời, oan khiên nhiều kiếp.

"Kính lạy Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Bồ Tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập lắng nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập lắng nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập lắng nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con xin tập lắng nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi!"

Giờ phút này, tất cả tâm tư chúng tôi, kẻ thiện người ác, kẻ quý người hèn đều đang có mặt của niềm tin thanh tịnh. Vậy, xin cung thỉnh Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh - Trưởng Tăng Đoàn Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban Tổ Chức Đại Lễ Cầu Nguyện Thiên Niên Kỷ Mới, trượng thừa uy lực Tam Bảo và hộ trì của chư Thiên cùng long thần, xin hãy tuyên dương Pháp thoại đến hết thảy thính chúng.

Huế, ngày 11 tháng 02 năm 2001.
Bhikkhu Thích Thái Hòa.
Dưới đây là bản PHÁP THOẠI

Nhân Dịp Lễ Cầu Nguyện Thiên Niên Kỷ Mới Của Tăng Đoàn Thừa Thiên-Huế

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch chư Tôn Đức!
Kinh thưa đồng bào phật tử các giới!

Nhân tuần lễ cầu nguyện âm siêu dương thái, thế giới hoà bình chúng sanh an lạc, tôi thay mặt Tăng Đoàn Thừa Thiên - Huế, kính chúc Chư Tôn đức và đồng bào phật tử các giới trong thiên niên kỷ mới có nhiều an lạc, thảnh thơi, và chúng ta sẽ cùng nhau chăm sóc hạt giống hiểu biết, thương yêu, tha thứ và bao dung để tạo dựng mùa xuân đích thực cho quê hương và thế giới loài người của chúng ta.

Và sau đây, chúng tôi xin chia xẻ bài pháp thoại đầu năm đến liệt quý vị.

Kính thưa liệt quý vị!
Theo truyền thống nhiều đời, mỗi đầu năm, sau mấy ngày Tết vui chơi, trước khi bắt tay vào công việc, trở lại nếp sống ngày thường, người việt có tục lệ cầu an đầu năm. Và nhất là người Huế, nói với một chút địa phương tính, không thể quên lễ cầu an đầu năm đi được. Vì đó không phải chỉ đơn giản là buổi lễ cầu khẩn ơn trên phò hộ cho mình một năm gặp nhiều may mắn, làm ăn phát tài, thăng quan tiến chức. Mà đây còn là một bổn phận thiêng liêng, phận sự phải thưa trình với tổ tiên những điều mình sẽ làm trong một năm. Và nhất là lời hứa duy trì gia phong, không đánh mất phẩm giá làm người của mình.

Với người phật tử, cầu nguyện ở đây không phải cầu xin khấn vái, nhưng là cầu mong và ước nguyện. Phát nguyện trước khi hành động. Hành và nguyện đi đôi, đó là phép tu của bồ tát. Đức phật đã dạy : "Chúng sanh là kẻ thừa tự cho những hành vi của nó." Vì vậy, trước khi hành động, người phật tử cần phải có khoảng không gian và thời gian thích hợp, thanh tịnh để lắng đọng tâm tư, để có tầm nhìn thông suốt, tránh những hành động dẫn đến sự sụp đổ bản thân và nhiều người khác. Phật dạy : "Như người có mắt sáng, tránh được lối hiểm nghèo. Bậc có trí trong đời, tránh xa những nghiệp xấu."

Vì vậy, phật tử cần cầu nguyện trước khi có hành động.

Năm nay, trong lúc chúng ta đang đón mừng năm mới, tất nhiên là, nói theo cách nói thông thường, với nhiều tin tưởng và hy vọng; cùng lúc ấy, trên thế giới, tai hoạ khủng khiếp lại đổ dập lên loài người. Đất chuồi tại Salvado, đất động tại Ấn Độ. Hàng ngàn và thậm chí có thể hàng vạn người đã chết. Đối với người Thừa Thiên-Huế như chúng ta, sống trong một góc trời lạc hậu, những thảm họa ấy, chỉ nghe thoáng mơ hồ. Thực tế ấy, tuy rất mơ hồ, nhưng một cách nào đó, không phải là không gây những chấn động ngầm, trong sâu thẳm của tâm tư. Bởi vì, tất cả chúng ta ở đây chúng ta cũng đã trải qua những trận kinh hoàng mà có lúc được coi là thảm hoạ của thế kỷ.

Đối với chúng ta, trải qua nhiều năm chiến tranh ác liệt, trải qua nhiều trận thiên tai, và nhất là cơn lụt vừa đi qua trước Tết năm ngoái, những đau khổ liên tục và triền miên, những mất mát của nhiều thế hệ, thật khó có thể có thành tựu văn minh vật chất nào trong hiện tại và tương lai có thể đền bù. Không phải chỉ mất đi ruộng vườn, sản nghiệp được tích lũy một đời hay nhiều đời, cũng không phải chỉ vì mất đi những người thân yêu, như bị cắt bỏ từng khúc ruột. Mất mát nào mà chẳng để lại tiếc thương đau khổ. Một ngón tay bị cắt dấu thương tật vẫn khó xoá mờ. Nhưng người ta vẫn có thể quên nó đi để sống, cố bám và cố bắt nắm những gì tầm tay có thể với đến. Duy có một thực tại mà khi còn đó, không ai thấy; khi bị vùi dập, không ai hay. Nhưng sự mất mát thì không thể đếm cát sông hằng mà tính được.

Một di sản tinh thần, vô hình nhưng vô giá, đã nhiều lần bị tước đoạt. Không phải chỉ đơn giản bị tước đoạt, mà bị khinh bỉ nhạo báng, bị chỉ trích là thoái hoá lịch sử, ngăn cản tiến bộ, bị kết án hủ bại. Di sản đó trong khi nhiều thế hệ tiếp nối lấy thân mình, đem mạng sống của mình ra để làm thành trì bảo vệ; thì một số khác quyết lấy máu để xóa sạch nó đi. Bi kịch ấy không thể xóa mờ trong pho lịch sử tồn vong của dân tộc. Một cái bình sứ cổ bị lấy đi, và sau đó được trả lại, có thể còn nguyên vẹn và giá trị tự thân có thể không hao hụt, trái lại còn có cơ gia tăng gấp bội. Một di sản tinh thần, tâm linh, một tổng hợp nhiều đời của nhiều nền văn minh khác nhau, có thể được lấy và được cho đơn giản như cái bình sứ kia chăng" Vả lại lấy đi như thế nào, và cho lại như thế nào; ở đó không thể không suy nghĩ đến phẩm giá con người.

Trong thời quá khứ, Phật Câu Lưu Tôn xuất hiện ở cõi đời, ác ma tìm những phương cách làm dao động những người tin Phật. Bằng quyền lực của mình, ác ma đi đến các thành thị, thôn ấp, đi vào từng nhà; nơi nào có bóng dáng các Tỷ kheo đang khất thực, dân chúng bị kích động và hăm dọa; họ phục tùng quyền lực của ác ma mà xua đuổi các Tỳ kheo. Họ ném đá, hoặc tấn công bằng tay, bằng gậy gộc. Các Tỳ kheo khất thực về, với bình bát vỡ, với trán sứt, đầu chảy máu. Đức Phật Câu Lưu Tôn dạy các đệ tử : "Nhẫn nhục là đạo khó hành bậc nhất. Niết bàn là chỗ an ổn tối thượng." Các Tỷ kheo y giáo phụng hành. Các Ngài không thực hành nhẫn nhục bằng cách đến trước ác ma, quỳ lạy cầu xin ân huệ cho mình được tự do hành đạo. Nhưng hàng ngày, vẫn ca sa bình bát, bước đi bất cứ nơi nào các Ngài thấy nên đi, và cần đi, thách thức quyền lực và sự phá hoại của ác ma.

Không thể chế ngự các đệ tử của Đấng Chí tôn trên đời bằng cách khủng bố doạ nạt. Ác ma thay đổi phương pháp. Nó đi từ thành thị đến đồng quê, ca ngợi các Tỳ kheo là những sa môn đạo hạnh, đáng kính; nên phụng sự cúng đường. Dân chúng vô cùng hoan hỷ. Họ cúng dường bất cứ những thứ gì mà họ cho là cần cúng dường. Nhiều tinh xá quy mô lộng lẫy được xây dựng. Các Tăng viện nguy nga không bao giờ vắng bóng khách thập phương đến lễ bái, nghe pháp, phụng sự Tăng Ni. Ác ma nghĩ: "Đám Tỷ kheo này sẽ sụp đổ trong vật chất xa hoa mà Phật tử của họ cúng dường." Đức phật thấy hết và biết hết. Ngài gọi các Tỷ kheo đến và chỉ giáo : "Như ong hút nhuỵ hoa, không làm hại sắc và hương". Các Tỷ kheo y giáo phụng hành. Các Ngài không định cư trong những tinh xá nguy nga, với những tư cụ sinh hoạt thừa thãi. Vẫn ca sa bình bát, đến và đi trong cõi đời, này như con chim chỉ mang theo hai cánh. Các Ngài đến và đi mang theo huấn thị của Thế Tôn : "Các con hãy lên đường, vì an lạc của chư Thiên và Nhân Loại".

Rồi thời gian trôi qua. Nhiều nền văn minh của loài người nở rộ, rồi sau đó sụp đổ, mất hút trong bóng tối của định luật vô thường, hoại diệt. Nhiều Đấng Giác Ngộ xuất thế rồi nhập niết bàn. Chánh Pháp như mặt trời, lúc hiện, lúc ẩn. Nhưng Phật tính trong mọi loài chúng sinh thì bất sinh bất diệt.

Rồi đây, rồi mai sau, còn chi"
Ngọc đá cũng thành tro
Lụa tre dần mục nát
Với thời gian lê vết máu qua đi
Còn mãi chứ! Còn trái tim bồ tát,
Gội hào quang xuống tận ngục a tỳ.

Mỗi người trong chúng ta đều có cái tâm Bồ tát, trái tim bất diệt ấy. Chính vì thế mà tu tập, tu thân và tu tâm, trở thành phận sự thiêng liêng. Những ai coi đó là lẽ sống, những người đó sẽ trực nhận được ý nghĩa sâu thẳm và những giá trị vi diệu của sự sống. Và điều này ta có thể nói với những người đã tu tập và đang tu tập. Làm sao con rùa có thể làm cho con cá hiểu và tin được rằng trên đất liền kia còn có những hoa những bướm"

Tu là sửa. Điều đó ai cũng hiểu. Nhưng trong thực hành, tu chính là phát triển, là làm cho tâm tư mình lớn lên, cao rộng thêm lên. Cao và rộng như thế nào, thì chỉ những người đã tu tập, đang tu tập mới thấy rõ. Ai cũng biết rằng, nếu đứng ở chỗ càng cao, thì tầm nhìn càng xa và rộng. Nhưng chỉ những người đã tự cất mình lên cao mới thấy và cảm nhận hết tất cả ý nghĩa cao và rộng này là gì.

Bằng tâm tư ấy, và tâm nguyện ấy, mà tâm tính tức là Phật tính ấy, người Phật tử tụng kinh, bái sám và cầu nguyện. Không phải cầu nguyện vì tin tưởng và chờ đợi một phép mầu nào đó chợt hiện, làm cho mình bổng to lớn ra, đời mình bổng sáng cả hơn lên. Phật tử chỉ cầu nguyện để cho tâm mình lắng đọng. Tâm càng lắng đọng, càng định tĩnh, nó càng trở nên trong sáng, thanh tịnh. Tâm thanh tịnh, chúng sanh thanh tịnh. Tâm bình thế giới bình. Ý nghĩa này đã nhiều lần bị nhạo báng, và cũng còn đang bị nhạo báng. Nhưng, như người xưa đã nói : "Tiểu nhân nghe đạo, cả cười". Những người mà tâm tư chất đầy những tham vọng và hận thù, chưa một thoáng giây định tĩnh, chưa hề một chút kiết già phu tọa để tham thiền quán tưởng, làm sao biết cái tâm định tĩnh này là gì. Nó im lìm bất động như gỗ đá chăng" Thế thì dễ sợ thật.

Quả thật chúng ta đang sống trong một thế giới thường xuyên dao động, bất an. Không ai biết chắc rằng mặt đất mà chúng ta đang đứng sẽ rung chuyển hay sẽ sụp lở vào lúc nào. Người Huế chúng ta hiểu điều này rất rõ. Chỉ một thoáng giây thôi, ruộng dâu hoá thành biển cả.

Không phải chỉ cho đến ngày nay thế giới mới trở thành bất an, nguy hiểm. Thuở xưa, Phật đã nói : "Ba cõi bất an, như ngôi nhà đang rực cháy". Cho nên, nói về một thế giới nhiễu nhương, không phải nói thời xưa bình an và hạnh phúc hơn thời nay. Nếu người Phật tử bi quan, chỉ nhìn thấy thế giới một màu u ám, và một chiều đi xuống, thì đã không có Bồ tát Địa Tạng, với lời nguyện : "Nếu địa ngục chưa trống không, quyết định không thành Phật". Nếu nỗi khổ của đời mà không thể diệt được, thì đã không có Bồ Tát Quán Thế Âm " Tầm thanh cứu khổ".

Cho nên, Phật tử chúng ta cần phải nỗ lực tu tập, tinh cần hành đạo, hóa thân vào trong mọi môi trường của cuộc sống, để thắp sáng niềm tin cho vô số những người mà đói nghèo, áp bức, bất công vẫn còn như là định mệnh an bài khắt khe, cay nghiệt.

Và chúng ta cũng cần nhìn ra thế giới bên ngoài một chút, đế biết, trong chừng mực nào đó, mình đang là cái gì, dân tộc mình, đất nước mình, đang ở đâu trong thế giới đang thu hẹp lại này.

Không phải do ngẫu hứng, và cũng không phải do âm mưu thâm độc chính trị nào mà năm ngoái Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết công nhận ngày Phật Đản là ngày lễ Quốc tế. Nhiều quốc gia bảo trợ nghị quyết đã phát biểu, nói lên ước vọng hoà bình của nhân loại được thể hiện qua ngày lễ quốc tế này. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà một tổ chức Quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc chính thức mời đại biểu Phật giáo Việt nam tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Tôn Giáo về Hoà bình Thế giới.

Xu hướng về một thế giới hoà bình đang được thể hiện, bất chấp những hận thù Tôn giáo và sắc tộc có lúc có vẻ gay gắt. Trong xu hướng đó, Giáo pháp của Đức Thích Tôn được nghiên cứu, thực hành ngày càng sâu rộng và phổ biến.

Vậy thì, trong sự tu tập và hành đạo của mình, Phật tử Việt Nam không thể tự mình cô lập, tách biệt với thế giới bên ngoài. Phật giáo Việt Nam được tôn trọng hay đang bị khống chế; Phật tử Việt Nam có được tự do hành đạo theo trình độ học Phật của mình, hay chỉ được phép hành đạo dưới sự chỉ đạo của một Đảng phái chính trị, đó không là vấn đề nội bộ của một dân tộc. Phật giáo Việt Nam cần được đóng góp tâm tư hành đạo của mình cho ước vọng hoà bình của nhân loại; và đó là sự đóng góp trong sáng, không gạn lọc qua lăng kính của bất cứ chủ nghĩa nào.

Riêng Phật tử Thừa Thiên - Huế, chúng ta còn có cảm nhận điều này. Trong những lúc khốn khổ vì thiên tai, cả thế giới hướng về đây để giúp đỡ mà không kèm theo điều kiện Chính trị hay Tôn giáo. Người Tây phương cũng có câu nói rằng: "Con người không phải chỉ sống bằng bánh mì". Và đó cũng là điều mà tất cả chúng ta, những người trực tiếp nhận lãnh các phẩm vật cứu trợ từ nước ngoài để phân phối cho đồng bào khốn khổ của mình, cảm thấy rất sâu sắc, rất thấm thía. Thật thế, chúng ta cần cơm áo để cho thân thể còn đứng vững, nhưng cũng còn cần những giá trị tinh thần để làm nên phẩm giá con người. Với lịch sử hơn bốn nghìn năm Văn Hiến, chúng ta không phải là một dân tộc ăn mày trong cái thế giới này.

Vì vậy, chúng ta cầu an, không chỉ cầu cho riêng mình và đồng bào của mình, mà còn cầu cho cả thế giới.

Cầu nguyện cho thế giới hoà bình chúng sanh an lạc. Không phải chỉ mới gần đây thôi chúng ta mới có ý tưởng về ý nguyện này. Đó là một phần trong phát nguyện hồi hướng mà Chư Tổ truyền lại nhiều đời. Ý tưởng này trở thành một di sản tâm linh mà Phật tử chúng ta ngày ngày thừa hưởng. Và di sản này đã từ lâu hoà tan vào mạch sống của dân tộc. Biết bao nhiêu thế hệ đã vun bồi, đã bảo vệ di sản ấy bằng tâm tư, bằng trí tuệ, và bằng cả tính mạng của mình. Đó là món nợ tinh thần không chỉ theo ta trong đời này, mà sẽ theo ta trong nhiều đời nữa. Nếu ngày nay chúng ta tuy vẫn là dân của một đất nước được xem là nghèo nàn lạc hậu nhất thế giới; nhưng chúng ta cũng biết rằng không phải vì thế mà phẩm giá con người cũng trở thành hèn kém. Đoá hoa tuy hèn mọn, nhưng được chiêm ngưỡng và tán thán nhiệt tình, khi nó được cài lên mái tóc của nữ hoàng. Cũng vậy, tách rời di sản tinh thần, thì phẩm giá con người của chúng ta chẳng là gì cả trong những giá trị phổ quát của con người.

Vì vậy, trong tuần lễ này, chúng ta không quên cầu nguyện và hồi hướng công đức đến tiền nhân quá cố trong nhiều thế hệ đã dày công vun bồi và bảo vệ di sản tinh thần vô giá mà ngày nay chúng ta còn thừa hưởng.

Xuân đến rồi đi. Vòng sinh diệt tuần hoàn không bao giờ ngưng nghỉ. Phật tử chúngta cũng thường xuyên cầu nguyện không bao giờ xao lãng. Cầu nguyện với tâm tư trải dài theo lịch sử, theo hướng đi nhất định của cọng nghiệp dân tộc. Cầu nguyện với tâm tư mở rộng theo tầm nhìn thế giới, để tư duy chiêm nghiệm ý nghĩa rằng, ta có vì cái kia có, ta không vì cái kia không.

Phật tử định hướng cho bước đường hành đạo của mình như vậy.
Phục nguyện âm siêu dương thái
Hải yến hà thanh
Pháp giới chúng sanh
Tề thành phật đạo

Nguyện cầu tam bảo chứng minh, và hồn thiêng sông núi Việt Nam luôn luôn soi sáng cho chúng ta.

Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lạc Tôn Phật.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.