Hôm nay,  

Thoái Trào Đông Á

25/05/200400:00:00(Xem: 4999)

Tuần qua, nhân khóa họp thường niên thứ 37, Ngân hàng Phát triển Á châu ADB đã dự đoán lạc quan cho kinh tế Á châu Thái bình dương, nhưng tại chỗ, tình hình lại có một số dấu hiệu đáng ngại. Việt Nam sẽ ra sao"
Đài RFA trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về những dấu hiệu bất ổn đó, như sau.
Hỏi: Thưa ông, tại hội nghị thường niên lần thứ 37 của Ngân hàng Phát triển Á châu, gọi tắt là ADB, Chủ tịch định chế này là ông Tadao Chino đã có những phát biểu lạc quan về triển vọng kinh tế Á châu Thái bình dương trong thời gian tới. Trong khi đó, liên tiếp trong hai kỳ vừa qua, ông lại có những dè dặt về tình hình Đông Á, xuất phát từ nguy cơ suy thoái hay thậm chí khủng hoảng tại Trung Quốc. Ông nhận định ra sao về việc này"
-- Ngân hàng ADB là định chế tài trợ phát triển lớn tại Á châu, có trụ sở tại thủ đô Manila của xứ Philippines. Từ tháng trước, ADB đã công bố phúc trình về viễn ảnh kinh tế năm nay, với dự phóng lạc quan, như tốc độ tăng trưởng toàn vùng năm nay có thể là 6,8%, năm tới là 6,7%, một đà gia tăng quan trọng so với tỷ lệ 6,3% của năm 2003. Tuy nhiên, như mọi định chế quốc tế có địa bàn hoạt động trải rộng và khảo sát các dữ kiện thu thập từ nhiều xứ trước đó khá lâu, nên ADB có thể khai thác số liệu có sớm lắm là từ sáu đến chín tháng trước, là khi kinh tế Đông Á đang hồi phục mạnh, và rút ra kết luận lạc quan. Chúng ta không quên là chỉ mấy tháng trước khi vụ khủng hoảng kinh tế Đông Á bùng nổ vào đầu tháng Bảy năm 1997, hai định chế tài chính quốc tế là Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra những dự đoán rất lạc quan về kinh tế Đông Á.
Hỏi: Trong khi đó, ông lại có vẻ dè dặt và bi quan hơn, vì sao lại như vậy"
-- Vì gần đây, chúng ta có những tín hiệu đáng ngại hơn. Tôi xin đơn cử ba thí dụ. Thứ nhất là mới ngày 23 thôi, Ngân hàng Đại Hàn Bank of Korea vừa báo cáo là trong có ba tuần, gần bốn tỷ Mỹ kim tư bản đầu tư vào cổ phiếu Hàn Quốc đã rút khỏi xứ này, kể từ ngày 29 tháng Tư đến 19 tháng Năm. Thời điểm 29 tháng Tư đó là ngày có tin Trung Quốc cấm các ngân hàng cho vay trong mấy ngày. Số tiền đầu tư bị rút khỏi Hàn Quốc là con số cao nhất kể từ khi thị trường chứng khoán Hàn Quốc mở cửa tiếp nhận đầu tư nước ngoài vào năm 1992, và vụ giảm sút đầu tư xảy ra sau khi xứ này vừa may mắn thoát một vụ khủng hoảng chính trị trầm trọng. Thí dụ thứ hai là trong khi ngân hàng ADB họp thường niên thì cuộc bầu cử tại Ấn Độ tuần qua lại có kết quả bất ngờ là đảng Quốc Đại chiến thắng. Lập tức thị trường chứng khoán Ấn Độ sụt giá 16% nội trong có hai ngày và bà Sonia Gandhi phải từ chối lên làm Thủ tướng. Đang được ngợi ca là có triển vọng kinh tế xuất sắc gần như Trung Quốc, Ấn Độ nay sẽ gặp những bất trắc chính trị chưa ai đoán nổi, dù tân thủ tướng là người được coi là có uy tín và khả năng về kinh tế. Thí dụ thứ ba là điều được đề cập từ nhiều kỳ trước, đó là dấu hiệu hốt hoảng của Trung Quốc khi phải cấp tốc kềm hãm đà tăng trưởng với rủi ro có thể là một vụ suy thoái, không phải hạ cánh an toàn mà hạ cánh nặng nề vì núi nợ xấu quá lớn của ngân hàng. Thành thử, ba ngôi sao kinh tế sáng nhất Á châu là Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Hàn bỗng hiện nguyên hình là ba nền kinh tế có vấn đề. Mà vấn đề lại không chỉ giới hạn vào ba quốc gia đó.
Hỏi: Nghĩa là ngoài ra, các quốc gia khác trong khu vực cũng có thể gặp họa"
-- Từ sau vụ khủng hoảng kinh tế Đông Á năm 1997-1998, dư luận thế giới, trong đó có cả Á châu, nghĩa là Việt Nam, đã nuôi ảo tưởng là Đông Á sẽ lại trở thành một trung tâm thu hút đầu tư quốc tế đáng kể. Thực tế thì đầu tư nước ngoài đã như thủy triều rút khỏi một số quốc gia trong vùng như Indonesia hay Philippines vì bất ổn chính trị hay bất trắc bầu cử. Hiện tượng đó cũng xảy ra tại Hong Kong và Đài Loan khiến thị trường chứng khoán bị giao động mạnh. Đầu tư ngoại quốc cũng rút khỏi Trung Quốc và cả Thái Lan, vốn là quốc gia tương đối có nhiều triển vọng nhất. Mỗi quốc gia lại có một số nguyên do đặc thù khiến tình hình tài chính bị giao động, như bầu cử hay khủng bố tại Ấn Độ và Philippines, nguy cơ về an ninh như tại Nam Hàn vì thái độ của Bắc Hàn, hoặc quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan sau bầu cử. Chính những bất trắc đó mới khiến đột biến và khủng hoảng càng dễ xảy ra nếu giới đầu tư triệt thoái hoặc nếu Trung Quốc không kềm được đà tăng trưởng mà bị gãy cánh tan tành như chúng ta đã phân tách. Ngoài ra, ta còn phải kể thêm hai yếu tố quan trọng khác là an ninh thế giới sẽ tác động vào giá dầu thô như thế nào và liệu Hoa Kỳ có phải tăng lãi suất cao hơn dự đoán chăng.

Hỏi: Trong hoàn cảnh mà tình hình có thể bị ảnh hưởng bởi quá nhiều yếu tố bất trắc từ quá nhiều nơi, thưa ông, làm sao một doanh gia hay một người làm chính sách, thí dụ như ở Việt Nam, có thể dự đoán được tình hình"
-- Tôi thiển nghĩ là bên cạnh những báo cáo lạc quan như mình vừa nói thì ta nên nhìn rộng ra những chỉ dấu khác. Thứ hai, ta nên tìm hiểu về nhiều kịch bản khác nhau dựa trên hai tiêu chuẩn, một là cường độ của sự suy thoái xuất phát từ Trung Quốc, hai là hậu quả đó lan rộng tới đâu. Một cách cụ thể thì giả thuyết lạc quan nhất là kinh tế Trung Quốc chỉ giảm đà tăng trưởng trong vài năm, tức là hạ cánh an toàn, với hậu quả không lan rộng. Nếu vậy thì giá dầu thô sẽ giảm nhẹ, xuất khẩu của các nước vào Hoa Lục cũng giảm, nhưng hối suất các đồng bạc không thay đổi nhiều để gây ra biến động hối đoái. Giả thuyết thứ hai, bi quan hơn một chút, là Trung Quốc giảm đà tăng trưởng nhưng hậu quả sẽ lan rộng hơn, trường hợp đó thì đà tăng trưởng của các nước giảm theo, giá thương phẩm cũng sụt mạnh, Mỹ kim có thể vững giá. Giả thuyết thứ ba là Trung Quốc muốn hãm đà tăng trưởng mà lại hạ cánh nặng nề, nhưng hậu quả không lan quá rộng. Trong giả thuyết này, dầu thô sụt giá mạnh, các nước Đông Bắc Á bị thiệt hại nặng nhất, Mỹ sẽ có lợi, Đông Nam Á bị sóng gió nhưng chưa nguy ngập. Sau cùng, kịch bản bi đát nhất là Trung Quốc bị gãy cánh với hậu quả lan rộng, trong trường hợp đó, kinh tế toàn cầu bị sóng gió kể cả Đông Nam Á, nhưng sau cùng, kinh tế Hoa Kỳ vẫn có lợi nhiều nhất.
Hỏi: Xin ông phân tách riêng về trường hợp Đông Nam Á vì trong đó có Việt Nam.
-- Trước tiên, tôi thiên về hai kịch bản sau, thuộc loại bi quan, vì nghĩ rằng Trung Quốc khó giải quyết nổi những khó khăn chồng chất của hệ thống ngân hàng đã phóng tay cho vay theo diện chính sách và bị mất nợ rất nhiều. Từ đó, biến động kinh tế tài chính sẽ chuyển ra động loạn xã hội và chính trị. Thị trường đầu tư sẽ suy sụp, giới đầu tư và cả đảng viên cán bộ sẽ rút tiền chuyển ngân qua xứ khác. Thứ hai, riêng về Đông Nam Á, các xứ này đã gia tăng buôn bán với Hoa Lục từ ba năm qua, nên sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu Trung Quốc suy thoái. Mức độ nặng nhẹ có thể mỗi xứ mỗi khác do từng nước bị lệ thuộc ít hay nhiều vào dầu thô và buôn bán nhiều hay ít với Trung Quốc. Nói chung, đà tăng trưởng của Đông Nam Á sẽ giảm, và nếu dầu thô tăng giá vì lý do an ninh hay chiến tranh dù số cầu của Hoa Lục đã giảm, các nước trong khu vực có thể bị khủng hoảng. Thời điểm xảy ra có thể là từ năm 2005 trở về sau.
Hỏi: Riêng với trường hợp Việt Nam thì tình hình có thể biến chuyển ra sao"
-- Vì Việt Nam vẫn là một xứ phải nhập xăng dầu cho nên mối lợi nhờ dầu thô đang lên giá năm nay thực ra vẫn ít hơn phí tổn về nhập khẩu xăng dầu, chưa kể tới sức ép của vật giá. Qua năm tới, nếu Trung Quốc suy thoái, đà tăng trưởng của Việt Nam cũng bị giảm và khó đạt được dự đoán lạc quan của ADB là 7,6%. Cụ thể thì sẽ bị nhập siêu vì xuất khẩu giảm, ngân sách bị bội chi vì số thu giảm mạnh. Nếu Trung Quốc có đột biến, đầu tư trong toàn khu vực sẽ sụt, đầu tư nước ngoài sẽ rút và Việt Nam bị hại nhất vì có môi trường ít hấp dẫn nhất trong khu vực. Trái bóng đầu cơ về nhà đất như đang thấy ngày nay sẽ bể. Cán cân vãng lai, tức là chi thu về ngoại tệ, của Việt Nam hiện đang ở số âm, vào khoảng 6% tổng sản lượng, và được bù đắp bằng đầu tư ngoại quốc, viện trợ và nhất là tiền chuyển ngân của người Việt hải ngoại. Nếu khủng hoảng nổ từ hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, nạn tẩu tán tài sản, là chuyển ngân lậu ra ngoài, sẽ gia tăng.
Hỏi: Và thưa ông, hậu quả sau cùng sẽ là gì"
-- Chúng ta khó biết được sự thể sẽ ra sao, nhưng vụ bầu cử vừa qua tại Ấn Độ có thể là bài học đáng chú ý. Quốc gia này được ngợi khen là một nước tân hưng đầy triển vọng, dưới sự lãnh đạo của một liên minh trung hữu nổi tiếng là có tinh thần quốc gia và đã cải cách kinh tế rất mạnh. Vậy mà thành quả kinh tế không đồng đều vẫn làm đảng cầm quyền tại Ấn Độ bị thất cử bất ngờ. Việt Nam không có tập quán dân chủ và bầu cử để cho ý dân, kể cả sự bất mãn của dân chúng, được thể hiện ôn hòa bằng lá phiếu, cho nên biến động kinh tế có thể dội ngược lên hệ thống chính trị, với hậu quả chưa ai lường được.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.