Hôm nay,  

ỦY BAN NGHIÊN CỨU TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA: trận hải chiến Hoàng Sa là một chiến tích quan trọng của Dân Tộc Việt.

08/02/201400:00:00(Xem: 4298)

ỦY BAN NGHIÊN CỨU

TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA

­­­­­­­­­­­­­­

PO Box 6005, Torrance, CA 90504, USA - Email: uybanhoangsa@gmail.com

Ngày 6 tháng 2, 2014

Kính gửi:

Ban Biên Tập Đài BBC Tiếng Việt

Thưa quý vị,

Ngày 2 tháng 2 năm 2014, website của quý Đài có đăng tải bài viết của tác giả Bill Hayton, tựa đề “Thực hư hải chiến Hoàng Sa 1974” (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/02/140202_bill_hayton_paracels_battle.shtml).

Nhận thấy đây là bài viết có nhiều chi tiết không đúng với sự thật, đồng thời nội dung lại thiếu tính cách khách quan cần thiết của một bài viết trình bày một biến cố lịch sử quan trọng, Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa (UBHS) thấy có trách nhiệm cần nêu ra những sự kiện sau.

Các chi tiết không đúng sự thật trong bài viết kể trên chính yếu là:

- HQ Đại Tá Đỗ Kiểm không phải là “người có cấp bậc cao thứ ba trong hàng ngũ hải quân VNCH“ như bài viết nhắc đi nhắc lại. Trong Quân chủng HQ VNCH lúc bấy giờ, ngoài vị Tư Lệnh và Tư Lệnh Phó, còn có nhiều cấp tướng lãnh khác cao cấp hơn Đại Tá Kiểm. Riêng tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân lúc xẩy ra trận Hoàng Sa, dù Tư Lệnh và Tư Lệnh Phó không hiện diện, nhưng còn có Phó Đề đốc Tham Mưu Trưởng Hải Quân, cấp bậc cao hơn Đại Tá Kiểm;

- Vào buổi sáng ngày diễn ra cuộc chiến, Tư Lệnh HQ, Đề đốc Trần Văn Chơn đang trên máy bay từ Sài Gòn đến Đà Nẵng với dự tính sẽ trực tiếp theo dõi trận chiến. Rất tiếc khi ông đến nơi thì cuộc chiến đã chấm dứt. Vì vậy không có cái gọi là “Ở sở chỉ huy đã có sự hoang mang“ và sự kiện “ông Chơn đã yêu cầu phải có bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo đó.”

- Tương tự, cũng trong buổi sáng ngày diễn ra cuộc chiến, Phó Đề đốc Lâm Ngươn Tánh, Tư Lệnh phó HQ, cũng đang trên đường bay từ Sài Gòn ra Đà Nẵng theo chỉ thị của Đề đốc Chơn để theo dõi các diễn biến tại chỗ. Vì vậy các từ ngữ “biến mất”, “mất tích” trong bài viết của ông Hayton để chỉ việc không liên lạc được với các cấp chỉ huy của HQ đã tạo ra sự ngộ nhận đày ác ý.

- Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh HQ Vùng 1 Duyên Hải, trú đóng tại Đà Nẵng, trực tiếp liên lạc với lực lượng các chiến hạm HQ tham chiến là người đã ra lệnh nổ súng, không phải Đại Tá Đỗ Kiểm.

- Trong phiên bản đăng tải đầu tiên trên mạng của BBC, bài viết này có câu “Mười lăm phút sau, HQ-5 vô tình đâmtrúng tàu HQ-16.” Chi tiết này hoàn toàn sai vì 2 chiến hạm vận chuyển trong 2 vùng biển xa nhau, không thể nào đụng chạm nhau. Trong phiên bản hiện hành của bài, câu này đã được sửa thành “Mười lăm phút sau, HQ-5 vô tình bắntrúng tàu HQ-16.” 

Trên đây chỉ là một số trong nhiều chi tiết không chính xác trong bài viết của ông Hayton. Các sai lầm này chứng tỏ tác giả đã thiếu cẩn trọng trong việc sưu khảo tài liệu. Thay vì truy tầm nhiều nguồn để tìm ra các sự kiện khách quan mà độ chính xác cao, ông Hayton đã chỉ đọc một vài tài liệu (bằng tiếng Anh) trong đó tác giả trình bày các sự kiện theo góc độ riêng tư, phiến diện, theo cảm quan và ký ức, không được đối chiếu, phối kiểm.

Cũng vì khuyết điểm quan trọng này mà tác giả bài “Thực hư hải chiến Hoàng Sa 1974” đã đi đến kết luận “trận chiến là một thảm họa”. Ông Hayton không biết rằng mặc dù HQVNCH mất một chiến hạm và 74 quân nhân đã hy sinh nhưng chính sự hy sinh sinh mạng và hao tốn chiến cụ này đã là một chứng cớ cụ thể xác quyết quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam và người Việt đã đổ máu để bảo vệ. Đây là một bằng chứng thực tế không thể hiểu sai, bên cạnh các bằng chứng về lịch sử và địa lý, để xác nhận chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam mà Trung Cộng đã dùng vũ lực để chiếm đoạt. Trong ý nghĩa đó, trận hải chiến Hoàng Sa là một chiến tích quan trọng của Dân Tộc Việt.

Muốn biết thêm chi tiết về trận Hải chiến Hoàng Sa, xin đọc “Hải Chiến Hoàng Sa 19-1-1974”do Ủy Ban Nghiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa biên soạn và ấn hành năm 2010, sau 5 năm nghiên cứu tài liệu và thực hiện hơn 30 cuộc phỏng vấn các quân nhân Hải Quân VNCH, từ các sĩ quan chỉ huy cao cấp đến các quân nhân tham chiến trận Hoàng Sa, cùng quân nhân các quân binh chủng bạn, các chính khách VNCH đương thời và một số chuyên gia. Bài giới thiệu tác phẩm này của tác giả Trần Bình Nam với tên “Đọc cuốn Hải Chiến Hoàng Sa” cũng đã được đăng tải trên trang mạng của quý Đài ngày 10 tháng 10 năm 2010 trong link sau: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/10/101022_hoangsa_tranbinhnam.shtml

Trong tinh thần tôn trọng sự thực, Ủy Ban Hoàng Sa mong mỏi quý Đài cho đăng tải thư góp ý này để rộng đường dư luận.

Nhân đây, Ủy Ban Hoàng Sa cũng xin thông báo, để tránh tình trạng vì thiếu tài liệu bằng ngoại ngữ dẫn đến những ngộ nhận tai hại như bài viết “Thực hư hải chiến Hoàng Sa 1974”, Ủy Ban đang nỗ lực dịch cuốn “Hải Chiến Hoàng Sa 19-1-1974” ra Anh ngữ, với dự tính sẽ hoàn thành trong năm 2015.

Trân trọng,

T.M. Ủy Ban Ngiên Cứu Trận Hải Chiến Hoàng Sa

Trần Trọng Ngà

Chủ tịch

.

.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.