Hôm nay,  

Những Bí Ẩn Của Lịch Sử: Từ Hy Thái Hậu, Mỹ Nhân Tàn Bạo Nhất Trung Hoa

10/02/200100:00:00(Xem: 14767)

Từ Hy Thái Hậu người Mãn Châu, tên cúng cơm là Lan Nhi. Cha là Huệ Trương. Lúc
còn trẻ Huệ Trương làm nghề viết thiếp, sau lấy vợ thuộc dòng họ cao sang nên
được làm chức quan nhỏ chuyên đi thu thuế ở miền Vu Hồ, tỉnh An Huy. Có khá
nhiều câu chuyện ly kỳ về Lan Nhi ngay trước lúc nàng chào đời.

Lúc sắp đẻ nàng, mẹ Lan Nhi nằm mộng, một giấc một quái lạ. Bà thấy vầng trăng
sáng long lanh từ trên trời rơi xuống lọt ngay vào bụng bà. Giật mình tỉnh
dậy, bà đau bụng dữ dội. Hôm sau, bà sinh ra bé Lan Nhi. Người Mãn Châu có tập
tục xem trọng con gái hơn con trai. Bởi vì con gái lớn lên có hy vọng tột đỉnh
thì làm Hoàng hậu, sau đó đến các phu nhân tỳ thiếp thì cuộc đời cũng sung
sướng.

Mới chào đời được 3 hôm, cô bé Lan Nhi được một ông thầy xem tướng đến nhà
phán: Cô gái này trên ngực có một con hổ, đó là quý tướng lớn lên sẽ được vào
thâm cung, chúa tể thiên hạ, quyền hành bá chủ. Thời bấy giờ, loạn ly tràn
khắp đất nước Trung Hoa. Pháp và Anh dùng vũ lực uy hiếp triều đình Mãn Thanh
mở rộng các thương cảng để nước ngoài đến buôn bán, bồi thường chiến phí và ký
kết hiệp ước nhượng Hong Kong làm tô giới. Gia đình Lan Nhi chạy giặc. Ông bố
bỏ nhiệm sở, triều đình bắt giam, ông sầu muộn phát bệnh chết trong ngục. Từ
đó mẹ con Lan Nhi lưu lạc. Cùng đường Lan Nhi phải bán mình vào một gia đình
trọc phú ở tỉnh Quảng Đông, sống cuộc đời ê chề, bị hành hạ khổ cực.

Vua Hàm Phong lên ngôi (1851) giáng chiếu tuyển chọn cung nữ. Trong khi chờ
đợi tại vườn Ngự uyển, các cô gái khác khép nép sợ hãi, bọn thái giám lên mặt
hống hách, duy chỉ có Lan Nhi vẫn điềm tĩnh như thường. Khôn khéo, chọn đúng
thời cơ, nàng chờ xa giá đến gần, liền lên giọng chỉ chích bọn thái giám, lời
lẽ đanh gọn, khúc chiết, thu hút người chung quanh nhưng chủ yếu cốt để nhà
vua chú ý đến mình. Quả như nàng dự đoán, vua Hàm Phong ngạc nhiên trước cô
gái trẻ tuổi mà bạo dạn. Còn vẻ đẹp của nàng nhà vua say mê ngay từ ban đầu,
liền chấm nàng trúng tuyển. Lan Nhi ngồi lên kiệu hoa rực rỡ ánh vàng, có các
phó quan theo hầu, thẳng tiến vào cung điện.

Sau buổi được tuyển vào cung, Lan Nhi từ địa vị cung nữ tầm thường không bao
lâu làm cho mọi người phải chú ý. Thoạt đầu Lan Nhi đầu tư tâm sức để lấy lòng
Từ An Hoàng Hậu, Nàng khéo mồm khéo mép, chiều chuộng nịnh hót hoàng hậu, luôn
làm đẹp lòng Hoàng hậu. Vua Hàm Phong mê sắc đẹp, đào tơ mơn mởn của Lan Nhi
nên đêm ngày không rời nàng. Lúc bấy giờ Trung Hoa đang có cuộc khởi nghĩa của
đạo quân Thái Bình Thiên Quốc, đứng đầu là Hồng Tú Toàn: quân của Hồng Tú Toàn
vây hãm Nam Kinh, uy hiếp cả Bắc Kinh. Quân triều đình phải liều chết mới ngăn
cản được bước tiến của quân Hồng Tú Toàn. Biết nhà vua lòng lo lắng, Lan Nhi
ngày đêm săn sóc vua, chia sẻ nỗi lo âu phiền muộn, khuyên lơn và dự bàn việc
nước. Nàng âu yếm ngồi dưới vua, đọc sớ tâu cuả các địa phương gửi về, bàn bạc
cùng vua cách giải quyết những vấn đề rắc rối. Những ý kiến tâu trình của nàng
với vua tỏ ra thông minh nắm vững được thực tế, cách giải quyết vấn đề rành
mạch, thông suốt.

Rồi Lan Nhi có thai, không lâu sinh được hoàng nam thỏa lòng mong ước của vua
Hàm Phong và Hoàng hậu Từ An (Hoàng hậu trên ngôi chính cung đã lâu mà không
có con trai). Lan Nhi được vinh phong Tây hậu. Sau khi chiếm được lòng sủng ái
của vua, Tây Hậu ráo riết lôi kéo những kẻ có quyền lực trong triều đứng về
phe cánh mình, trong đó có các đại tướng và vương hầu. Vua Hàm Phong chẳng có
tài cán gì, sức khoẻ lại càng ngày sa sút. Nhà vua điều hành triều chính lúng
túng uể oải. Tây Hậu lợi dụng cơ hội ấy, xin vua được theo ra ngự triều, ngồi
im lặng sau màn kín, chú ý theo dõi lời tâu trình của các quan. Tây Hậu cố nhớ
hết những gì quan trọng để tối hôm đó sẽ bàn bạc với nhà vua, rồi đi đến những
quyết định quan trọng. Tác dụng những ý kiến ở hậu trường cuả Tây Hậu thừa sức
chính xác, khi Hoàng đế ban ra, các triều thần tuân theo răm rắp. Tây Hậu thực
sự là cánh tay phải, hơn thế còn là bộ óc của Hoàng đế.

Trong lúc Tây Hậu đang thu gom bè phái, củng cố địa vị trong triều thì bên
ngoài những cuộc đụng độ đổ máu không ngừng tiếp diễn. Bắc Kinh bị vây hãm.
Triều đình Mãn Thanh quyết định di chuyển kinh đô về Nhiệt Hà, cách Bắc Kinh
hơn 120 dặm, mạn bắc Vạn lý trường thành. Quân Anh - Pháp vào Bắc Kinh cướp
bóc tài sản, phóng hỏa thiêu huỷ nhiều cung điện là những công trình văn hoá
quý gía, muôn dân lâm vào cảnh khốn cùng, tiếng kêu khóc vang trời dậy đất,
khói lửa lan xa hàng trăm dặm. Quân "Thái Bình thiên quốc" đánh chiếm Nam
Kinh. Giữa thế kìm kẹp, triều đình Mãn Thanh phải xin cầu hoà, ký hiệp ước với
Anh-Pháp. Triều thần Mãn Thanh trước việc Hoàng đế Hàm Phong đau buồn, ốm yếu
bệnh hoạn, không thiết tha triều chính, đã đổ lỗi cho Tây Hậu mê hoặc quân
vương. Bất đắc dĩ vua Hàm Phong phải chiều ý triều thần hạ chỉ buộc Tây Hậu
phải tử tiết khi vua băng hà. Nhưng Tây Hậu cao tay hơn! Đúng khi tờ sắc chỉ
được viết xong, ngọc tỉ bỗng không cánh mà bay, Hàm Phong ngày càng tàn lụi,
Hoàng tử thì lại còn quá bé, triều đình phải có người nhiếp chính, Tây Hậu ép
nhà vua ký giao quyền cho mình trước khi tắt thở.

Giữa lúc lực lượng đối phương đang tìm cách diệt bà, thì người tình thân cận
của Từ Hy Thái Hậu là Vinh Lộc bí mật lấy được ấn ngọc giao cho Từ Hy giữ. Có
chữ ký của hoàng đế Hàm Phong, có ấn ngọc đóng vào, thế là Từ Hy thắng lợi rực
rỡ. Hành động đầu tiên của Từ Hy là tiêu diệt bọn đại thần trước kia đã tố cáo
bà. Cuộc tàn sát thật khốc liệt, khiến các quan khác khiếp sợ. Hoàng hậu đưa
hoàng tử con trai của bà lên kế vị với vương hiệu là Đồng Trị Hoàng đế, tự
phong cho mình là Từ Hy Thái Hậu, lúc đó bà mới 27 tuổi. Ngay đàn ông tiếm
quyền đoạt vị cũng hiếm người trẻ tuổi như vậy. Hoàng đế Đồng Trị còn nhỏ nên
Từ Hy Thái Hậu cầm quyền nhiếp chính như sắc chỉ di chúc, cai quản đất nước.
Từ đó về sau, Từ Hy càng lộng quyền, ngày càng tàn bạo kiêu sa. Từ Hy Thái hậu
dồn hết quân lực vào chống quân "Thái Bình Thiên Quốc", và bà đã đoạt được
Phúc Châu và phá tan quân giặc trong những năm về sau.

Thời kỳ đó đất nước Trung Hoa đã chuyển biến đến mức độ rối ren khó gỡ. Nhưng
ngôi bảo tọa của Từ Hy thái hậu không lung lay. Về tính cách của Từ Hy, nét
bộc lộ rõ là lối ăn chơi xa xỉ, dâm ô, truỵ lạc, đi tìm những thú vui khác
thường. Bà đã có những lệnh kỳ quặc như truyền lệnh cho đàn ông không được
cắt tóc, ăn mặc chải chuốt, đàn bà không được trang điểm. Những đứa trẻ sinh
ra trong thời kỳ có tang của tiên đế đều bị xem là con hoang vì cha mẹ chúng
đã phạm vào luật Thanh Khiết. Đối với bà Từ An, bà đã có những thủ đoạn, mưu
mô sánh ngang Võ Tắc Thiên đối với Vương Hoàng Hậu.

Hoàng đế Đồng Trị lên ngôi chính thức tôn phong hai bà Hoàng hậu của Tiên đế
Hàm Phong là Hoàng thái hậu Từ An và Hoàng thái hậu Từ Hy. Hai bà tước vị
ngang nhau, thực hiện chế độ ngồi trong rèm để nghe việc triều chính. Từ An
Thái hậu vốn người trung hậu, không thạo ăn nói, cho nên tuy bà cùng ngồi với
Từ Hy thái hậu nhưng chỉ làm vì. Bất cứ biểu tấu nào của bọn vương công đại
thần dâng lên đều do Từ Hy thái hậu hỏi han trả lời và giải quyết. Tiếng nói
của Từ Hy đã lớn lại trôi chảy, ngữ điệu kiên quyết khiến các quan lại triều
đình cảm thấy có uy lực vô hình nào đó mà bọn chúng phải khiếp sợ. Từ Hy khôn
ngoan mỗi khi quyết định điều gì đều hỏi ý kiến Từ An thái hậu rồi mới ban
lệnh, phát dụ. Nhưng trong đầu, Từ Hy thái hậu sắp sẵn độc kế. Bên ngoài bà
liên lạc với người tình Vinh Lộc, trong cung mua chuộc hai tên Tổng quản thái
giám. Đặc biệt bà sử dụng tên thái giám Lý Liên Anh, tài hoa, sắc sảo, luồn
lách bám riết những việc làm và hành động của Từ An thái hậu tìm cách ngăn cản
đi đến hãm hại bà Từ An.

Để thoả mãn thú vui riêng, Thái Hậu Từ Hy đã chọn lũ con trai từ 16 đến 20 vào
cùng trăng hoa, trác táng công khai. Bọn con trai "may mắn" ấy đều bị Thái Hậu
Từ Hy cho thủ tiêu bí mật sau thời gian ân ái chán chường. Cuộc đời dâm đãng
của Thái hậu Từ Hy là một hiện tượng hiếm có trên đời. Cho đến 80 tuổi, bà Từ
Hy vẫn còn sức lực, da thịt của bà còn tươi thắm như hồi còn 40. Lúc nào trong


phòng bà cũng có nhiều chậu hoa quý, một lũ chó, một đàn mèo. Khi tiếp các phu
nhân, vợ các đại sứ nước ngoài, cùng đi dạo trong vườn Ngự uyển, luôn luôn bà
tỏ ra khoẻ, nhanh nhẹn hơn hẳn họ, bà nhảy qua những dòng suối uốn quanh, leo
lên các gò đá cao lởm chởm, đi bộ hai, ba tiếng đồng hồ không thấy mệt mỏi.
Một hôm trong bữa tiệc chiêu đãi khách nước ngoài, đứng giữa đám khách đông
đủ các bà vợ đại sứ các nước Anh, Pháp, Mỹ, Đức, ý... bà cười nói với bà vợ
đại sứ Pháp như sau: "Quý bà cứ phàn nàn phái nữ mình mau già, đó là vì tại
chồng các bà quên các bà..." Bà vợ của đại sứ Pháp nghe bà Từ Hy nói như thế
trố mắt nhìn cực kỳ kinh ngạc.

Bà Từ Hy cũng đặc biệt chú ý đến "Cao Phúc Thọ", nàng tiên nâu, tức là thuốc
phiện. Từ cuối đời vua Đạo Quang (1841 - 1848), cuộc chiến giữa triều đình Mãn
Thanh với các nước Đế quốc phương Tây kết thúc, Trung Hoa thua trận, phải mở 5
cửa biển để các nước vào buôn bán tự do. Thương nhân nước Anh kìn kìn chở
thuốc phiện đến Trung Hoa. Người Trung Hoa đua nhau hút thuốc phiện, sức khoẻ
suy yếu, tinh thần ý chí bại hoại.

Ở tỉnh Quảng Đông xuất hiện một tay nấu thuốc phiện nổi tiếng là Lục Tác Đổ
cùng vợ là Quách Thị. Hai vợ chồng tên này hốt bạc. Tổng đốc Lưỡng Quảng
(Quảng Đông và Quảng Tây) sai Quách Thị nấu 1 nồi thuốc phiện đưa lên Bắc Kinh
kính dâng Thái hậu dùng thử. Từ Hy dùng qua khen lấy khen để, đặt tên cho
thuốc phiện là Cao Phúc Thọ. Từ đó ai nhậm chức Tổng đống Lưỡng Quảng đều phải
biết và thực hiện tục lệ dâng Cao Phúc Thọ cho Thái hậu. Cũng từ đó từ trên
xuống dưới, quan dân đua nhau làm bạn với nàng tiên nâu. Nạn hút thuốc phiện
lan tràn nhanh chóng khắp Trung Hoa, tác hại của nó ghê gớm. Có lúc Từ Hy cũng
thấy nguy cơ, bài trừ nhưng làm thế nào cưỡng lại được thực trạng vì chính bà
cũng ham muốn.

Năm 1862, vua Hàm Phong băng hà, hoàng tử còn nhỏ tuổi lên ngôi kế vị cha,
vương hiệu là Đồng Trị. Đồng Trị hoàng đế tuy là con đẻ của Thái hậu Từ Hy,
được nối nghiệp đế vương, nhưng bà mẹ không hề có một cử chỉ trìu mến yêu
thương. Dần dần hoang đế Đồng Trị đâm ra oán ghét mẹ.

Năm hoàng đế Đồng Trị lên 17 tuổi, triều đình chọn được 7 thiếu nữ con nhà quý
tộc để hoàng đế lựa chọn làm hoàng hậu. Từ Hy Thái hậu buộc nhà vua phải chọn
nàng Thân Bình, nhưng Hoàng đế không nghe chọn một thiếu nữ người Mãn Châu tên
là A La Đức, sắc đẹp lộng lẫy. Thoạt đầu Thái Hậu tìm cách chia rẽ nhà vua và
hoàng hậu, viện cớ quốc gia hữu sự, nhà vau không nên say đắm sắc đẹp, thực ra
bà Từ Hy sợ hoàng hậu có thai sinh hoàng nam thì ngôi vị và quyền uy của bà có
thể bị sụp đổ.

Từ Hy cho bố trí những thái giám là cánh tay đắc lực tìm cách ngăn cản không
cho Hoàng hậu thường xuyên đến với Hoàng đế. Mặt khác Thái hậu ngầm đưa các
cung tầm mỹ nữ đến săn sóc vuốt ve Hoàng đế để Hoàng đế dần dần sa vào con
đường đam mê tửu sắc, đắm chìm truỵ lạc, ngày càng sa đoạ, quên dần Hoàng hậu
A La Đức. Hoàng đế Đồng Trị biết mẹ mình chia cách nhà vua với vợ, với người
yêu, thất vọng chán chường, đau khổ, bất lực khoanh tay trước thủ đoạn tàn ác
của Thái hậu, sinh ra chơi bời phóng đãng tiêu mòn sức lực, trác táng, dẫn đến
nhiễm bệnh phong tình. Nhà vua không chống nổi tử thần. Trước lúc lâm chung,
Hoàng đế thảo di chúc ra lệnh sau khi Hoàng đế băng hà, triều đình phải bắt
giam ngay Thái hậu Từ Hy. Nghe tin, Thái hậu Từ Hy bốc giận, nghiến răng ken
két, tức tốc đến ngay bắt Hoàng đế phải đưa tờ di chúc ra. Đồng Trị sợ hãi
không dám trái lệnh. Từ Hy xem xong giơ ngay tờ di chúc vào ngọn lửa bạch lạp
trên bàn cho cháy vèo. Canh hai đêm hôm đó vì quá khiếp đảm nên nhà vua băng
hà (ngày 12 tháng 1 năm 1875), hưởng dương có 19 tuổi.

Trong dân đều loan tin vua Quang Tự là con riêng của bà Từ Hy gửi Thuần Thân
Vương nuôi hộ. Đầu đuôi câu chuyện là: có một tên làm công ở quán ăn Kim Hoa,
họ Sử, thường gọi là A Sử, bạn thân với tên thái giám Lý Liên Anh. A Sử theo
Lý Liên Anh vào cung chơi, gặp Từ Hy Thái hậu, bà thích gã trai khoẻ mạnh, đẹp
đẽ, bắt A Sử phục vụ. Lúc này Hoàng đế Hàm Phong, chồng của Từ Hy đã chết, thế
mà Thái Hậu lại mang thai, sinh ra một đứa con trai giống Sử như hệt, bà đưa
đứa bé nhờ nuôi hộ, hạ lệnh giết Sử ngay để diệt khầu.

Năm Quang Tự đến tuổi trưởng thành, Thái hậu ban lệnh chọn quý phi cho hoàng
đế để chuẩn bị đưa làm hoàng hậu. Thái hậu trao cho nhà vua 1 vương trượng để
vua đồng ý cô nào trao vương trượng cho cô ấy cầm. Một cô gái kiều diễm, sắc
đẹp lộng lẫy khiến vua Quang Tự thích thú vô hạn định đưa cây vương trượng cho
nàng, nhưng bất ngờ Thái hậu Từ Hy gằn mạnh một tiếng chỉ cho nhà vua một cô
gái khác, con gái người anh họ của Thái Hậu. Hoàng đế rất phẫn uất nhưng đành
câm lặng tuân lệnh, chọn ý trung nhân mà không do ý muốn của mình. Nhưng vua
nhất định không yêu Hoàng hậu mà Thái hậu gán ghép cho mình, hoàng đế Quang Tự
đi tìm an ủi trong vòng tay cung nữ xinh đẹp, dịu dàng có học thức tên là Ngọc
Trân.

Nghe theo lời bàn bạc, khuyên nhủ của Ngọc Trân, Hoàng đế quyết tâm ban hành
một số biện pháp cải cách chống lại quyền uy tác quái của Thái hậu. Để đuổi
kịp mức độ phát triển của các cường quốc, vua Quang Tự cho dịch sách báo
phương Tây và xây dựng 1 đội quân hùng mạnh có sức chiến đấu cao, trang bị
theo kỹ thuật phương Tây. Thái hậu ngoài giữ vẻ thản nhiên, nhưng trong bụng
rất căm ghét. Một hôm, hoàng đế ra lệnh cho đại thần Viên Thế Khải bắt Thái
hậu hạ ngục. Viên Thế Khải tuy dập đầu tuân lệnh nhà vua, nhưng phản thùng,
đem mọi chuyện kể lại cho Thái hậu biết. Hôm sau, sáng sớm khi hoàng đế lâm
triều như thường lệ, một sắc lệnh cuả thái hậu ra lệnh cho đạo quân ngự lâm
quân bắt giữ nhà vua và Quang Tự bị giam chặt tại Doanh Đại trong hoàng thành
ròng rã nhiều năm. Ngọc Trân cũng chết trong cảnh giam cầm.

Thời gian này, Trung Hoa đầy biến động, các địa phương tự quyết, bất tuân lệnh
chỉ của triều đình, cả nước hỗn loạn. Đế quốc gây hấn khắp nơi, ngoạm dần
miếng một Trung Hoa béo bở. Bên cạnh đó những nhóm người cực đoan ở ngay Bắc
Kinh bắt giết đại sứ Đức, tấn công các sứ quán, công hãm các khu tô giới, có
nơi bị lâm vào cảnh nguy khốn đến 3 tháng trời. Trong cung, Thái hậu trải qua
nhiều giờ phút kinh hoàng và do dự, bà thừa biết nếu quân đôi nổi loạn thì
trước hết bà bị hạ bệ và hỏi tội.

Cái mà suốt đời bà Từ Hy lo lắng nhất là mất quyền uy cá nhân, mà cứ bám lấy
cái đã có sẵn để thực hiện mưu đồ cá nhân. Khốn thay thực tế phát triển không
dừng lại, triều đình Mãn Thanh từng bước nhượng bộ đi đi dần đến đầu hàng đế
quốc phương Tây. Lúc bấy giờ trong triều có Đoan vương Tải Ỷ, chủ trương tử
chiến với phương Tây, nhưng chấp nhận rút lui để củng cố thực lực. Do vậy khi
Nghĩa Hòa Đoàn chủ trương gây hấn với các công sứ phương Tây, Đoan vương tán
thành và quân sư cho bà Từ Hy: "Tâu Thái hậu, khi quân Nghĩa Hòa Đoàn đến kinh
thành đông đủ, chỉ hô một tiếng, chúng ta cho bắt hết các sứ thần phương Tây,
đuổi hết về nước."

Bà Từ Hy gật gật đầu. Vinh Lộc đứng hầu bên cạnh, báo cho các quan đại thần
khác, cả bọn can gián; Từ Hy nổi giận: "Bọn các người chỉ biết che chở cho lũ
mọi phương Tây, không biết bọn chúng khinh triều đình chúng ta quá sức à" Tây
dương ỷ vào vũ khí mạnh, ta có người đông, sợ gì bọn chúng".

Thực đó chỉ là lý lẽ thiển cận ếch ngồi đáy giếng, triều đình nhà Thanh làm
sao đương đầu nổi với Bát quốc liên quân (Liên quân của 8 nước đánh vào Bắc
Kinh). Hậu quả, các nước Đế quốc phương Tây liên quân đánh bại quân triều
đình. Đương nhiên triều đình Mãn Thanh phải nhận hết phần lỗi, chịu bồi thường
chiến phí, cắt đất tô giới, toàn bộ triều đình không phải lưu vong. Về phía Từ
Hy, bà vẫn mãn nguyện vì được an toàn trở về ngôi báu. Hoàng đế Quang Tự mất
hết sức sống, liên tục thất tại trước Từ Hy nên vùi đầu vào bàn đèn, để Từ Hy
thả sức chuyên chế.

Vào hạ tuần tháng 11/1908, sau khi dự yến, về cung bà Từ Hy phát bệnh. Lúc đó,
Hoàng đế Quang Tự cũng trút hơi thở cuối cùng.

Thái hậu Từ Hy thấy cần gấp rút chọn người kế vị, bà đã chọn Phổ Nghi chưa đầy
2 tuổi lên ngôi Hoàng đế.

Cuối năm 1908, Thái hậu Từ Hy qua đời.

Trường Giang

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.