Hôm nay,  

Ván Cờ Hạ Hỏa

22/10/200200:00:00(Xem: 4060)
Bàn cờ Mỹ-Iraq đã có nhiều biến chuyển mới hướng về phía xuống thang, làm cho lửa bớt nóng. Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, người đã từng nói nhiều lần trong 18 tháng qua để đòi hỏi "thay đổi chế độ", nay nói Mỹ có thể không chủ trương tìm cách lật đổ Saddam Hussein nếu hắn chịu từ bỏ vũ khí giết người tập thể. Một chặng đường khá dài đã qua.... nếu đây là chặng chót. Chỉ trong vòng một tháng, chính phủ Bush đã nhuần nhuyễn khá nhiều trong việc tìm phương sách đối phó với vị hung thần thành Bagdad.
Lúc đầu Tổng Thống Bush cho công bố chiến lược toàn cầu mới của Mỹ "tiên hạ thủ vi cường", đánh ngay Iraq trước khi quá muộn, nếu cần sẽ đánh một mình không cần đồng minh hay sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an. Ông đã được quốc hội Mỹ cho phép dùng quân đội đánh Iraq sau khi chứng nhận mọi phương pháp ngoại giao đã thất bại. Sự ủng hộ của Quốc hội giúp ông Bush tạo được một áp lực rất mạnh đối với Hội đồng Bảo An. Thế nhưng khi Mỹ và Anh đưa ra nghị quyết gắt gao, nhiều nước đã chống đối, kể cả ba nước có quyền phủ quyết. Tuần qua Mỹ đã phải lùi một bước, sửa đổi nghị quyết, theo đó các thanh sát viên quốc tế "sẽ báo cáo ngay với Hội đồng Bảo An nếu gập khó khăn trong việc tìm kiếm các loại vũ khí giết người tập thể" và Hội đồng sẽ họp ngay để quyết định phải làm thế nào. Sự mềm mỏng lập trường của Mỹ đã được hoan nghênh, điều này cho thấy rút cuộc Hội đồng Bảo an vẫn là người trọng tài duy nhất để quyết định đánh hay không đánh Iraq. Tuần này hy vọng sẽ có nghị quyết, nhưng cũng có thể có chuyện bất ngờ.
Bàn cờ thế giới hiện nay quá phức tạp, trọng tài kiểu quốc tế lại giống câu nói dân gian Việt Nam "lắm thầy nhiều ma". Mỹ đã lâm vào một cuộc chiến, nay lại mọc thêm những mặt trận mới. Tổng Thống Bush đã tuyên chiến chống khủng bố sau ngày 11-9-01 và mở trận đánh vào Afghanistan ngày 7-10-01. Chế độ Taliban đã sụp đổ, nhưng tiếng súng chưa dứt. Bọn chủ tướng và phần lớn quân al-Qaida đã trốn thoát. Tuần trước tiếng nói của bin Laden và al-Zawahiri lại nổi lên để hăm dọa đánh Mỹ. Tình hình nghiêm trọng đến độ Giám dốc CIA George Tenet phải báo động al-Qaida sắp tấn công Mỹ. Chưa thấy Mỹ bị đánh, nhưng một mặt trận mới đã nổi lên ở Đông Nam Á, Indonesia và Phi Luật Tân bị khủng bố tấn công bằng bom.

Trong tình thế đó, Saddam Hussein cố nhiên không chịu ngồi yên trên bàn cờ Mỹ-Iraq. Những nước đi của hắn biến chuyển tùy thời theo nhu cầu để chặn đứng những nước chiếu tướng của Mỹ. Khi bị Mỹ bắt chẹt về vụ đuổi thanh sát viên, Saddam chính thức viết thư cho Tổng thư ký LHQ chấp nhận thanh sát trở lại để Mỹ mất lý do ra tay đánh trước. Đến khi Hội đồng Bảo an bắt đầu thảo luận về dự thảo nghị quyết của Mỹ, Saddam nêu vấn đề Israel để vận động các nước Ả rập chống chiến tranh, đồng thời cho tổ chức bầu cử để củng cố địa vị, một cuộc bầu cử với kết quả chưa từng thấy ở nơi nào trên thế giới: 100% dân đi bầu và 100% cử tri bỏ thăm bầu cho Saddam Hussein tiếp tục làm Tổng Thống trong 7 năm nữa. Liền sau đó, Saddam lại ra đòn phép mới, ký sắc lệnh tha ra khỏi tù tất cả những người bị giam giữ, dù có án hay không có án, kể cả tù chính trị. Hắn nói đây là để "cám ơn" toàn dân đã bầu cho hắn tiếp tục làm Tổng Thống. TV nhà nước Iraq chiếu cảnh hàng trăm tù nhân lũ lướt kéo nhau ra khỏi cửa nhà tù, nhẩy múa mừng rỡ, miệng hoan hô, thề "lấy máu bảo vệ Tổng Thống Saddam Hussein". Đây chỉ là một màn kịch lừa bịp thiên hạ, nhưng chớ nên coi thường. Saddam đang vận động dư luận quốc nội và quốc tế chống lại chính sách lật đổ của Mỹ. Việc thả tù này không nhằm làm cho Mỹ hạ hỏa mà còn tỏ ra thách thức giữa lúc Mỹ đã phải lùi bước ở Hội đồng Bảo An.
Mỹ đòi thay đổi chế độ Iraq, nói cách khác là đòi Iraq phải có một lãnh tụ khác. Nhưng việc này chỉ có dân chúng Iraq làm được, còn nước ngoài muốn làm là phải mở cuộc chiến, tấn công đánh sụp chế độ và đưa người khác lên cầm quyền. Mỹ đã không thuyết phục được Hội đồng Bảo an cho phép dùng vũ lực đánh Iraq, nên Saddam đã trình diễn màn dân chúng biểu quyết hắn làm người lãnh đạo để trả lời Mỹ. Đài TV Iraq loan báo những người dân của các nước Ả rập khác bị giam trong tù cũng được thả - trừ những kẻ bị can tội làm gián điệp cho Mỹ và Israel.
Trong khi Mỹ đã dịu giọng không còn đòi tấn công hay lật đổ, tại sao Saddam dám chơi trò leo thang chọc giận Mỹ" Đó là vì hắn đã lợi dụng thời cơ mới: khủng bố al-Qaida chỉnh đốn xong hàng ngũ hăm dọa đánh làm Mỹ lo ngại, đồng thời vụ Bắc Hàn bỗng nhiên xác nhận có chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử làm Mỹ có thêm vấn đề phải đối phó. Bắc Hàn đã tuyên bố sẵn sàng thương thuyết về chương trình vũ khí nguyên tử nếu Mỹ từ bỏ "chính sách thù nghịch" với nước Cộng sản này. Từ đầu năm nay Tổng Thống Bush đã liệt Bắc Hàn vào "trục Tam ác" của thế giới. Tuần trước sau khi Bắc Hàn công nhận có chương trình vũ khí nguyên tử, Mỹ đã mở một mặt trận ngoại giao nhằm vận động Trung Quốc và Nhật Bản hợp tác tiễu trừ hiểm họa nguyên tử Bình Nhưỡng, nhưng không hề nói đến tấn công Bắc Hàn như đã hăm dọa Iraq. Bà Cố vấn an ninh Rice giải thích sự khác biệt giữa hai cách đối phó với Iraq và Bắc Hàn là vì hai vấn đề có hoàn cảnh khác nhau, thời thế cũng khác, không thể áp dụng cùng một sách lược. Điều này xét ra rất đúng.
Tuy nhiên hai vấn đề Iraq và Bắc Hàn cũng có một điểm chung. Đó là một bài học về sách lược. Đối phó đa phương vẫn tốt hơn đối phó độc phương.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.