Hôm nay,  

Nguyễn Mạnh Trí: TƯỞNG NIỆM 40 NĂM HẢI CHIẾN HOÀNG SA - PHẦN II, KỲ VII

18/01/201400:00:00(Xem: 6022)

TƯỞNG NIỆM 40 NĂM HẢI CHIẾN HOÀNG SA - PHẦN II

Nguyễn Mạnh Trí

Các bản tin tức từ Đà Nẵng, quốc nội và hải ngoại về 40 năm tưởng niệm trận Hải chiến Hoàng Sa:

PHẦN II

KỲ VII

1. BBC (17-1-2014): Thời điểm đưa TQ ra tòa 'đã chín muồi'.

2. BBC (17-1-2014): 'Chờ thời để thu hồi trực tiếp Hoàng Sa'.

3. RFA (17-1-2014): 40 năm Hoàng Sa: vượt qua bức tường im lặng.

4. NTD.ORG (17-1-2014): Hải chiến Hoàng Sa 1974: Sống chết gạt bỏ sang một bên.

5. NTD.ORG (17-1-2014): Người quản nội trưởng trên khu trục hạm HQ-4.

6. TNO (17-1-2014): Hải chiến Hoàng Sa 1.1974: Trận chiến không chỉ 30 phút.

7. BVN (18-1-2014): Ai là tác giả bài thơ "Tưởng niệm Hoàng Sa"?

  1. VBO (18-1-2014):Nguyễn Công Bằng: Hoàng Sa, Trường Sa: Một mẫu số đoàn kết của người Việt Nam?
  2. BBC (18-1-2014):Đà Nẵng hủy lễ tri ân hướng về Hoàng Sa.

10. BBC (18-1-2014):Từ chiến binh Hoàng Sa thành tù cải tạo.

*****

KỲ VII

Thời điểm đưa TQ ra tòa 'đã chín muồi'

Quốc Phương - BBC Việt ngữ - Thứ sáu, 10 tháng 1, 2014

hs-01-bieu-tinh-bieu-ngu-content

Người dân xuống đường ở Hà Nội phản đối động thái của Trung Quốc trên Biển Đông

Thời điểm để Việt Nam đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế nhằm đòi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa ở Biển Đông đã chín muồi, theo quan điểm của một luật gia và cựu quan chức Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam.

Hà Nội đã có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử về chủ quyền biển đảo đối với các vùng lãnh thổ nói trên ở Biển Đông và chỉ cần khẳng định bản lĩnh để đưa Bắc Kinh ra tài phán quốc tế, theo PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, nguyên Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ.

Hành động pháp lý này vẫn cần được tiến hành sớm nhất ngay cả khi Trung Quốc được dự báo sẽ có động thái đáp lại là bác bỏ, lẩn tránh tranh tụng tại các phiên tòa quốc tế và gây các áp lực chính trị với Việt Nam, ông Giao nói thêm.

"Thời điểm này là thời điểm đã cần thiết phải đứng ra rồi. Cần thiết phải có những động thái về mặt chính trị, pháp lý mạnh mẽ hơn nữa trong quan hệ quốc tế đối với Trung Quốc"

PGS. TS Hoàng Ngọc Giao

Vẫn theo quan chức này, Trung Quốc đang có những hành vi mang tính chất 'bành trướng và đế quốc mới', muốn 'lập lại trật tự khu vực' khi mới đây tuyên bố bắt buộc các tàu bè vào khu vực rộng hơn 2/3 Biển Đông phải xin phép, sau khi đã tuyên bố vùng cấm bay ở Biển Hoa Đông và chưa thu hồi bản đồ 'đường lưỡi bò' dù đã bị quốc tế, khu vực chỉ trích.

Về thời điểm của hành động pháp lý đòi chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa mà năm nay sẽ đánh dâu tròn 40 năm sự kiện của cuộc cưỡng chiếm, một chuyên gia từng nghiên cứu về pháp lý chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông từ Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng Việt Nam nên đưa hồ sơ đòi chủ quyền ra quốc tế 'càng sớm càng tốt.'

Giáo sư Nguyễn Đăng Dung nói Việt Nam đã 'quá chậm' khi chưa trình hồ sơ lên Tòa án Quốc tế và cho rằng điều này là bất lợi cho Việt Nam, trong khi có lợi cho phía 'người chiếm hữu' vì theo ông càng "để lâu cứt trâu hóa bùn'".

'Nay là thời điểm'

Trước hết, hôm 10/1/2014, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao nói với BBC nay là thời điểm Việt Nam phải 'mạnh mẽ' hơn trong hành động pháp lý đòi chủ quyền.

Ông nói: "Chính quyền Việt Nam hiện nay, với nguyện vọng của dân tộc, nhân dân Việt Nam hiện nay, mạnh mẽ hơn nữa, tôi nghĩ thời điểm này, đã đến lúc cần phải mạnh mẽ hơn và cần phải khẳng định cái bản lĩnh của dân tộc Việt Nam đứng trước một nguy cơ xâm phạm bờ cõi Tổ tiên để lại,

"Thời điểm này là thời điểm đã cần thiết phải đứng ra rồi. Cần thiết phải có những động thái về mặt chính trị, pháp lý mạnh mẽ hơn nữa trong quan hệ quốc tế đối với Trung Quốc."

Ông Giao cho rằng về mặt các căn cứ để đòi chủ quyền, Việt Nam hoàn toàn có thể 'yên tâm'.

Ông nói: "Cụ thể hồ sơ về Hoàng Sa, Trường Sa, các nhà nghiên cứu lịch sử, cũng như các chuyên gia pháp luật đều có những nghiên cứu và đều có đánh giá chung rằng về căn cứ pháp lý về chủ quyền lãnh thổ, Việt Nam hoàn toàn đầy đủ căn cứ pháp lý,

"Về mặt lịch sử, về mặt pháp lý, cũng như về mặt chiếm hữu thực sự hữu hiệu, dưới góc độ công pháp quốc tế là hoàn toàn Việt Nam có đủ căn cứ và Việt Nam có thể hoàn toàn yên tâm."

hs-02-hoang-ngoc-giao-content

PGS. TS. Hoàng Ngoc Giao nói VN nên theo Philippines sử dụng

Tòa án Luật Biển Quốc tế để đấu tranh

Theo nhà luật học, để đương đầu với khả năng Trung Quốc bác bỏ đàm phán, từ chối hợp tác trong tranh tụng và né tránh xuất hiện trước Tòa án Công lý Quốc tế, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của Philippines trong xử lý tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.

Ông nói: "Việt Nam cũng có thể có những động thái về mặt pháp lý tương tự như Philippines, để đưa ra Tòa án về Luật Biển Quốc tế theo cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước Luật Biển Quốc tế 1982."

Tòa án này, theo ông Giao, đã tiếp nhận hồ sơ thưa kiện của Philippines theo một cơ chế 'hòa giải bắt buộc' vốn chấp nhận một trong các bên có tranh chấp, khiếu nại về chủ quyền biển đảo được đệ trình đơn và hồ sơ khiếu nại của mình, mà không đòi hỏi phía bị thưa kiện cũng phải đồng thuận hay không, như theo một nguyên tắc và cơ chế xử lý của Tòa án Công lý Quốc tế mà Trung Quốc vẫn dựa vào đó để né tránh ra tòa.

'Cứt trâu hóa bùn'

Về khả năng và căn cứ pháp lý đòi lại chủ quyền của Việt Nam riêng với Hoàng Sa, sau 40 năm Trung Quốc tấn chiếm quần đảo này từ tay Việt Nam Cộng Hòa, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung từ Đại học Quốc gia nói:

"Việt Nam có dám đưa hay không, đấy là vấn đề. Về thời điểm, tôi nghĩ càng đưa sớm càng tốt, càng để chậm thì sự cưỡng chiếm của người ta càng có hiệu lực hơn. Tôi nghĩ bây giờ đưa ra cũng đã là chậm rồi. Việt Nam có câu càng để lầu 'cứt trâu hóa bùn'"

GS. TS. Nguyễn Đăng Dung

"Các chứng cứ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa chắc chắn hơn những nơi khác, bởi vì cứ liệu theo tôi nghiên cứu Việt Nam có thủ đắc lãnh thổ về chủ quyền với Hoàng Sa sớm hơn tất cả các nước khác, kể cả Trung Quốc, kể cả bằng chứng lịch sử nhiều hơn về thủ đắc lãnh thổ thực thụ."

Chuyên gia từng tham gia nghiên cứu các chủ đề về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông từ 20 năm về trước cho rằng Việt Nam đã 'hơi muộn' nếu ngay bây giờ bắt đầu đệ trình các hồ sơ đòi chủ quyền lên các tòa án quốc tế.

Ông nói: "Quan điểm của tôi là đưa càng sớm càng tốt, chiếm cứ lãnh thổ càng để lâu thì sẽ càng tốt cho người cưỡng chiếm, theo tôi nghĩ, cứ liệu của Việt Nam với Hoàng Sa là chắc chắn,

"Việt Nam có dám đưa hay không, đấy là vấn đề. Về thời điểm, tôi nghĩ càng đưa sớm càng tốt, Việt Nam càng để chậm thì sự cưỡng chiếm của người ta càng có hiệu lực hơn. Tôi nghĩ bây giờ đưa ra cũng đã là chậm rồi. Việt Nam có câu càng để lầu 'cửt trâu hóa bùn'.

Trong một trao đổi với BBC từ trước về công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 14/9/1958 liên quan một tuyên bố về hải phận của Trung Quốc, Giáo sư Monique Chemillier Gendreau từ Pháp cho rằng Việt Nam đã có đủ căn cứ pháp lý, lịch sử về chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa.

hs-03-ng-dang-dung-content

GS Nguyễn Đăng Dung cho rằng VN đã để quá muộn khi vẫn chưa đưa vụ Hoàng Sa ra tòa quốc tế

Theo chuyên gia về công pháp quốc tế này, Việt Nam cần có những bước đi thích hợp, tận dụng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và có những hành động không chậm trễ vì "Trung Quốc trong nhiều năm đã có sự chuẩn bị ráo riết về dự luận quốc tế, trong khi không ngừng tranh thủ, lobby ở nhiều diễn đàn quốc tế và khu vực."

Hôm thứ Sáu, PGS. TS Hoàng Ngọc Giao nói với BBC về các động thái, chiến thuật của Trung Quốc ở các vùng biển khu vực, trong đó có Biển Đông và đưa ra khuyến nghị với Việt Nam.

Ông nói: "Hành vi của Trung Quốc trong những năm gần đây là họ đang dùng sức mạnh nước lớn và họ đang muốn thay đổi trật tự quan hệ quốc tế trong khu vực, do đó không chỉ đối với Việt Nam, mà đối với Nhật Bản và các nước khác trong khu vực,

"Họ cũng có những động thái xé rào, phá bỏ những luật lệ, các nguyên tắc quan hệ đã được thiết lập từ thế kỷ trước đến nay, thậm chí họ không tôn trọng Công ước Luật Biển 1982, mặc dù họ đã ký, cam kết, nhưng việc họ đưa ra 'đường lưỡi bò' không có một căn cứ nào phù hợp với luật quốc tế, trật tự quốc tế, trật tự pháp lý quốc tế hiện nay."

'Không phải đơn độc'

"Trong năm 2013, một mặt chúng ta đấu tranh bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời đấu tranh chống lại các biện pháp ngăn cản ngư dân của chúng ta trên các vùng biển của Việt Nam..."

Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng VN Phạm Bình Minh

Theo nhà luật học, Trung Quốc đã có những 'bước đi' mà theo ông đã thể hiện 'tham vọng đế quốc và bá quyền', 'muốn lập lại trật tự trong khu vực' khi tuyên bố 'vùng thông báo bay hay kiểm soát bay' ở Biển Hoa Đông và gần đây quy định tàu đánh cá nước ngoài đi vào một khu vực hơn 2/3 Biển Đông cũng phải 'xin phép thì mới được đánh cá."

"Xử lý các vấn đề này Việt Nam theo tôi không đơn độc, Việt Nam có các nước Asean, Việt Nam có luật pháp quốc tế, Việt Nam có những mối quan hệ đang ngày càng phát triển với Nhật Bản, với Hoa Kỳ, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa quan hệ quốc tế đa phương và phải có bản lĩnh, quan trọng là phải có bản lĩnh.

hs-04-pham-binh-minh-content

Ngoại trưởng Phạm Bình Minh nói VN đấu tranhchống 'ngăn cản' cư dân trên chính vùng biển của mình

"Dù mối quan hệ chính trị hiện nay giữa Việt Nam và Bắc Kinh như thế nào, nhưng đất đai của tổ tiên, bờ cõi của tổ tiên, cần phải được gìn giữ như ông cha ta đã làm."

Thứ Sáu tuần trước, hôm 3/1/2013, trong cuộc trao đổi với Đài Tiếng Nói Việt Nam, nhìn lại công tác đối ngoại trong năm 2013 và bình luận 'trọng tâm công tác đối ngoại' của Việt Nam trong năm mới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam ông Phạm Bình Minhkhông nhắc tới vấn đề đòi chủ quyền với Hoàng Sa và các nơi khác trên Biển Đông.

Ông nói: "Về vấn đề Biển Đông, trong năm 2013, chúng ta tiếp tục duy trì được môi trường ổn định ở Biển Đông. Trong năm 2013, một mặt chúng ta đấu tranh bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời đấu tranh chống lại các biện pháp ngăn cản ngư dân của chúng ta trên các vùng biển của Việt Nam ...

"Hiện nay trong ASEAN xu hướng chung là đều muốn xây dựng được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Vai trò của Việt Nam trong COC rất quan trọng. Năm 2012, khi là điều phối viên của ASEAN – Trung Quốc, Việt Nam đã cùng các nước xây dựng được các thành tố cơ bản về COC. Trên cơ sở những thành tố đó thì ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục thảo luận về Bộ quy tắc này," Ngoại trưởng Phạm Bình Minh được trích thuật nói.

*****

'Chờ thời để thu hồi trực tiếp Hoàng Sa'

Quốc Phương - BBC Việt ngữ - Thứ sáu, 17 tháng 1, 2014

hs-05-military-lay-lai-hs-content

Nhà nghiên cứu nói VN nên chờ đợi thời cơ, củng cố lực lượng để 'thu hồi Hoàng Sa'

Việt Nam có thể tính tới phương án 'thu hồi trực tiếp' chủ quyền trên Hoàng Sa khi có cơ hội, mặc dù các con đường ngoại giao và pháp lý vẫn cần thiết, theo một cựu quan chức ngoại giao từ Hà Nội.

Các động thái này là cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ, mà quan trọng nhất là phải 'giáo dục ý thức thu hồi chủ quyền' này cho người dân, theo ông Dương Danh Dy, cựu Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc trong những năm của thập niên 1990.

Trao đổi với BBC hôm 17/1, trong dịp Việt Nam đánh dấu 40 năm trận Hải Chiến Hoàng Sa (17/1/1974), cựu quan chức ngoại giao nhấn mạnh Việt Nam cần ý thức được vấn đề 'thời cơ'.

Nói một cách hình ảnh về quan hệ với Trung Quốc, ông cho rằng cần phải hiểu rằng không ai 'mạnh được mãi' và không ai 'yếu được mãi'.

Trước hết, nhận xét về hiệu quả của con đường ngoại giao và pháp lý mà Việt Nam có thể tiếp tục tiến hành trong giải quyết vấn đề thu hồi chủ quyền trong tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, ông Dy nói:

"Không phải bây giờ Việt Nam yếu hơn TQ như thế này, thì sau này 5, 10 năm nữa VN vẫn yếu hơn TQ đâu, thì có thể phải thu hồi lại và phải giáo dục cho người dân Việt Nam biết cái đó"

"Quan trọng nhất Việt Nam ý thức là phải thu hồi lại Hoàng Sa, chứ còn đưa ra hội nghị (quốc tế) hoan nghênh, cần thiết đấy, nhưng chúng ta cứ xem Philippines đưa ra đã giải quyết được gì, mất thì giờ,

"Cái chính là chuẩn bị lực lượng để mà thu hồi Hoàng Sa khi thời cơ đến, chuẩn bị về mọi mặt, trên mọi phương diện. Pháp lý thì cũng cần, nhưng tôi nghĩ phải thu hồi..."

Về vấn đề 'thời cơ' ông Dy nói thêm:

"Và thu hồi bằng nhiều cách, thế sự, thời cuộc nó thay đổi, không phải là ai cũng mạnh mãi, không phải Trung Quốc mạnh như bây giờ thì sau này 10, 20, 30, 50 năm nữa, Trung Quốc vẫn mạnh đâu,

"Và không phải bây giờ Việt Nam yếu hơn Trung Quốc như thế này, thì sau này năm, mười năm nữa Việt Nam vẫn yếu hơn Trung Quốc đâu, thì có thể phải thu hồi lại và phải giáo dục cho người dân Việt Nam biết cái đó."

'Biện pháp cụ thể?'

Cựu quan chức ngoại giao tỏ ra không tin tưởng vào con đường pháp lý quốc tế.

Ông nói:

"Những đấu tranh về pháp lý thì xưa nay cứ nhìn trên thế giới, cãi nhau có thu hồi được không, bao giờ kẻ có sức mạnh hơn nó vẫn chiếm."

Về các biện pháp chuẩn bị cho phương án 'thu hồi' này, ông Dy giải thích thêm:

"Tôi nghĩ rằng phải tuyên truyền, phải giáo dục, phải nhấn mạnh rằng muốn yêu nước, muốn giải phóng, muốn thu hồi Hoàng Sa, yêu Hoàng Sa là của Việt Nam, thì phải có những hành động cụ thể,

"Bản thân mình phải cố gắng, đương đi học phải học cho giỏi, đương làm nghề, làm nghề cho giỏi, làm cho nước Việt Nam giàu mạnh lên, làm cho thế giới phải kính nể, Trung Quốc phải e ngại..."

"Tôi thấy là chủ trương và không khí năm nay khác hẳn mọi năm, vì đây là lần đầu tiên vấn đề kỷ niệm ngày chúng ta bị mất một nửa Hoàng Sa được tiến hành một cách khá phổ biến và khá rộng rãi"

Về việc Việt Nam đánh dấu 40 năm Hải chiến Hoàng Sa, ông cho rằng lãnh đạo Việt Nam đã tỏ ra có những thay đổi khi nhìn lại lịch sử quan hệ Việt - Trung gần đây và các cuộc xung đột ở cả Hoàng Sa, Trường Sa, lẫn Chiến tranh Biên giới 1979.

Ông nói:

"Tôi thấy là chủ trương và không khí năm nay khác hẳn mọi năm, vì đây là lần đầu tiên vấn đề kỷ niệm ngày chúng ta (Việt Nam) bị mất một nửa Hoàng Sa được tiến hành một cách khá phổ biến và khá rộng rãi,

"Nhiều tổ chức, dân chúng, đoàn thể, các tờ báo, báo chí được công khai phát biểu những bài nói của mình về sự kiện này."

'Đưa tin rộng rãi'

Theo nhà quan sát này, nhiều tờ báo chính thức ở Việt Nam như báo Thanh Niên, Tiền Phong... đều đăng tin về Hoàng Sa "khá rộng rãi".

"Ngoài ra những tổ chức dân chúng như Tổ chức Minh Triết cũng tổ chức rất công khai và như tôi biết ngày 19/1 này người ta dự định meeting kỷ niệm ngày Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa ở Vườn hoa Lý Thái Tổ, ở Bờ Hồ, Hà Nội," ông Dy nói thêm.

hs-06-ky-niem-quan-chuc-content

Mới đây Việt Nam đã kỷ niệm chính thức cấp nhà nước chiến tranh Biên giới Tây Nam 1979

Hôm thứ Sáu, nhiều tờ báo trong nước đã đồng loạt đưa thêm tin bài về sự kiện trận Hải Chiến, một số tờ báo như Công An Nhân Dân cũng có bài báo giới thiệu cuộc trao đổi giữa phóng viên với cựu binh sỹ ở Hoàng Sa.

Tờ Thanh Niên mở hẳn một chuyên trang với hàng chục mục tin bài.

Tuy nhiên, một số tờ báo chính thống quan trọng như Quân Đội Nhân Dân và Nhân Dân chưa thấy có bài vở nào đánh dấu sự kiện.

Và cho tới ngày 17/1 chưa thấy có hoạt động chính thức nào tưởng niệm Hoàng Sa 40 năm do các lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước tham gia hoặc đứng ra chủ trì.

Trái lại trong dịp kỷ niệm cuộc chiến Việt Nam can thiệp lật đổ chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia, nhiều lãnh đạo cao cấp đã tham dự các buổi lễ chính thức và nhiều hoạt động cấp nhà nước ở Việt Nam đã được tiến hành.

Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã phát biểu tại một buổi lễ ở Hà Nội về sự kiện này, trong khi Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam đã tiếp Thủ tướng Hunsen, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin của Campuchia sang tri ân và dự các hoạt động kỷ niệm tại Hà Nội.

*****

40 năm Hoàng Sa: vượt qua bức tường im lặng

Nam Nguyên, phóng viên RFA - 2014-01-17

hs-07-hop-mat-content

Trung tâm Minh Triết tại Hà Nội (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) tổ chức buổi gặp mặt tưởng niệm 40 năm sự kiện Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm, hôm 11/1 - Courtesy TN

Một bước thay đổi trong giới hạn

Hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự tỏ ra mạnh mẽ trong dịp tưởng niệm 40 năm Trung Quốc đánh bại Hải quân VNCH xâm chiếm Hoàng Sa. Nhà nước Việt Nam từ chỗ im lặng trước nước lớn bá quyền, cản trở người dân bày tỏ sự căm phẫn thì nay đã có một bước thay đổi, tuy còn thể hiện sự tự giới hạn trong lằn ranh.

Về chuyển biến của chính quyền thể hiện qua thông tin báo chí trong dịp kỷ niệm 40 năm sự kiện Hoàng Sa, nhà nghiên cứu sử Nguyễn Đình Đầu từ Saigon nhận định:

“Quá chậm và còn có vẻ rời rạc. Tuy vậy cũng hiểu rằng Trung Quốc bây giờ không phải là Trung Quốc hồi xưa nữa, không phải Trung Quốc cách đây năm bảy mươi năm nữa. Về phương diện kinh tế Trung Quốc lên quá rồi, các nước cũng vì lý do kinh tế … nhưng mà gần đây Trung Quốc cư xử ở Biển Đông rồi biển Hoa Đông quá đáng như vậy thì cũng làm cho cả thế giới phê phán. Chính quyền Việt Nam thấy như vậy cũng là một thuận lợi cho mình để tỏ thái độ cứng rắn nhưng riêng đối với tôi thái độ ấy còn quá chậm và còn có vẻ rời rạc.”

Nhà nghiên cứu sử Nguyễn Đình Đầu đã nhận định như vậy khi trả lời chúng tôi trước sự kiện vào chiều tối 18/1/2014 Câu lạc bộ Phao Lô Nguyễn Văn Bình tổ chức lễ tưởng niệm, tri ân và cầu nguyện cho tất cả đồng bào chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) tại trụ sở 43 Nguyễn Thông TP.HCM với sự tham dự của giới nhân sĩ trí thức và gia quyến các tử sĩ Hoàng Sa-Trường Sa. Nhà Nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu nói rằng động cơ tổ chức lễ tưởng niệm là vì lợi ích dân tộc.

“Rõ ràng chuyện bảo vệ tổ quốc thì những người đứng ở phía nào cũng là bảo vệ tổ quốc, năm nay có lẽ không đến nỗi khó khăn như lần tổ chức thứ nhất (2011). Tôi có cảm tưởng là Chính quyền đã thấy được chuyện Trung Quốc làm quá đáng không những riêng đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều nước xung quanh và gần như khắp cả thế giới đều lên án Trung Quốc khi họ không những trái với lịch sử mà còn vi phạm Công ước Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.”

Chính quyền Việt Nam thấy như vậy cũng là một thuận lợi cho mình để tỏ thái độ cứng rắn nhưng riêng đối với tôi thái độ ấy còn quá chậm và còn có vẻ rời rạc.

Nguyễn Đình Đầu

Nhà nước Việt Nam luôn phải e dè Trung Quốc và luôn ngậm bồ hòn làm ngọt là một thực tế, dù hai nước xã hội chủ nghĩa anh em từng trải qua cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 và 8 năm sau đó là trận Gạc Ma ở Trường Sa. Năm 1974 khi Trung Quốc tấn công lấn chiếm Hoàng Sa sau khi đánh bại Hải quân VNCH, Hà Nội giữ thái độ im lặng điều mà nhà nghiên cứu sử Nguyễn Đình Đầu nhận định “Tình đồng chí giữa những người Cộng Sản lúc đó còn lớn hơn lãnh thổ.”

VietnamNet bản tin trên mạng ngày 6/1/2014 đã trích lời ông Dương Danh Dy nhà nghiên cứu về Trung Quốc giải thích vấn đề này. Theo đó quan điểm của Hà Nội qua lời Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch vào thời điểm 1974 là, miền Bắc rất cần Trung Quốc giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại miền Nam. Lúc đó ông Nguyễn Cơ Thạch đã nói với ông Dương Danh Dy chúng tôi trích nguyên văn: “Dy ơi, sao cậu dại thế! Đất nước đã thống nhất chưa? Thống nhất đất nước so với việc Trung Quốc chiếm nửa Hoàng Sa thì cái nào lớn hơn cái nào.”

Trong tương quan lịch sử như thế, Nhà nước Việt Nam chỉ dám sử dụng một cách hạn chế phương tiện truyền thông báo chí khi cho phép lật lại tư liệu lịch sử Hải chiến Hoàng Sa 1974. Các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động gồm cả bản in và trang điện tử cùng báo mạng VietnamNet đã có chiến dịch quảng bá Hải chiến Hoàng Sa như một chứng cứ lịch sử về việc Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam và cũng qua đó vinh danh những anh hùng tử sĩ VNCH đã bỏ mình vì nước. Sử liệu của Hải Quân VNCH về trận Hoàng Sa được báo chí Nhà nước công bố, thậm chí tờ Tuổi Trẻ còn thực hiện một việc chưa từng thấy là trích đăng Hồi ký của Phó Đề đốc Hải quân VNCH Hồ Văn Kỳ Thoại về trận Hoàng Sa, cũng như bài viết ở hải ngoại của những người trong cuộc như cựu Hải quân Trung tá Vũ Hữu San, hạm trưởng Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ4. Các báo còn tìm gặp các nhân chứng sống là binh sĩ chế độ cũ, từng trấn đóng ở đảo Hoàng Sa hoặc các cựu chiến binh VNCH từng tham dự trận hải chiến 1974 đương đầu Trung Quốc.

Ngoài ra Đài Truyền hình Đồng Nai của Nhà nước đã được phép chiếu phim tài liệu về Hải chiến Hoàng Sa của VNCH, phim này từng được phổ biến trên kênh 9 Đài Truyền hình THVN vào năm 1974. Phim tài liệu này dài hơn 13 phút ghi lại trang sử ca anh hùng của những người lính VNCH đã chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa và bỏ mình vì tổ quốc. Chúng tôi xin trích một đoạn trong phim tài liệu này:

hs-08-chien-ham-content

Chiến hạm VNCH và Trung Quốc giao tranh ở Hoàng Sa năm 1974

“Những bài báo về trận Hải chiến Hoàng Sa đã đăng trên các tờ nhật báo tại Thủ đô Saigon vào năm 1974 như nhật báo Chính luận, Đông Phương, Sóng Thần, Hòa Bình ..v..v..tấm hình Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rời Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 1 Duyên hải sau khi ra chỉ thị thị về biện pháp đối phó với Trung Cộng khi Hạm đội Trung Cộng xâm nhập hải phận VNCH tại Hoàng Sa.”

Đó là đoạn mở đầu trong phim tài liệu của VNCH được Đài Truyền Hình Đồng Nai chiếu lại cho công chúng. Giới nhân sĩ trí thức tán dương sự thay đổi tư duy của Chính phủ cho phép quảng bá sự thật lịch sử để người dân hiểu rõ. Tuy rằng, Nhà nước đã giới hạn chỉ cho chiếu trên một đài Truyền hình Tỉnh là Đồng Nai thay vì trên kênh Truyền hình Trung Ương hoặc các đài Hà Nội - TPHCM. Chúng tôi xin trích một đoạn khác trong phim tài liệu VNCH:

“Tiếc thay Nhật Tảo không may mắn được về bến nhà, sau trận đánh ngày 19/1/1974 chiếc tàu nhỏ bé bị trúng đạn rất nhiều, máy hư trôi dạt trên biển, hạm trưởng Ngụy Văn Thà cùng một số nhân viên tử thương. Trưa ngày 19/1 thêm hai tuần dương hạm Trung Cộng xuất hiện, chiếc tàu mang số 281 của Trung Cộng tiếp tục nã đạn vào HQ10. Chiều ngày hôm đó lúc 14g52 phút tại vị trí phía Nam bãi san hô Antelope Hộ Tống Hạm Nhật Tảo chìm dần và đi vào lịch sử…”

Sử sách chưa ghi chép

Rất nhiều người dân ở miền Bắc không biết về trận hải chiến Hoàng Sa 1974 giữa Hải quân VNCH và Hải quân Trung Quốc, thế hệ trẻ lớn lên sau chiến tranh càng không biết vì sách sử chưa ghi chép. Ông Đỗ Việt Khoa, một nhà giáo ở Hà Nội trình bày cảm nhận của mình trong sự kiện 40 năm Hải chiến Hoàng Sa. Ông nói:

“Tính từ 1975 đến giờ đây là lần đầu tiên các báo được đăng về Hải chiến Hoàng Sa, nhiều báo nói về các chiến sĩ VNCH hy sinh ở Hoàng Sa với sự ngưỡng mộ khâm phục. Đấy là sự thay đổi tư duy rất là lớn và chính quyền không còn gây khó cho chuyện này nữa. Tôi nghĩ đấy là xu hướng tất yếu, ngày xưa viết về binh sĩ VNCH họ gọi là ngụy quân ngụy quyền. Đến nay các báo vinh danh họ nêu tên các chiến sĩ đó như Ngụy Văn Thà, Võ Thành Trí và vừa rồi còn nói cả đến Hạm Trưởng Vũ Hữu San nữa, thì đấy là các thay đổi rất tích cực. Tiến tới làm thế nào để lòng người không chia cách nữa.”

Chính phủ không chính thức tổ chức lễ tưởng niệm 40 năm ngày mất Hoàng Sa vì những liên hệ với Trung Quốc. Nhưng có thể từ năm nay các tổ chức dân sự sẽ bớt chịu sự can thiệp thô bạo của công an, mỗi khi có những hoạt động phản đối Trung Quốc lấn chiếm biển đảo của Việt Nam.

Tính từ 1975 đến giờ đây là lần đầu tiên các báo được đăng về Hải chiến Hoàng Sa, nhiều báo nói về các chiến sĩ VNCH hy sinh ở Hoàng Sa với sự ngưỡng mộ khâm phục.

Đỗ Việt Khoa

Ông Nguyễn Hữu Vinh, một nhà hoạt động ở Hà Tĩnh phát biểu:

“Hẳn nhiên người dân làm những chuyện đó là quyền của người ta, chứ bây giờ không phải đi xin nữa hoặc phải được mớm lời. Trước đây rõ ràng quyền của tôi nhưng tôi không biết sử dụng quyền đó, tôi phải đi xin. Bây giờ đến lúc xã hội Việt Nam không phải xin như vậy nữa, những hành động vừa qua trong xã hội dân sự cái gì không trái pháp luật là người ta đang làm. Đơn giản là như vậy, người dân dám rủ nhau đứng ra tổ chức tưởng niệm, vấn đề không phải là là nhà nước đứng đàng sau bật đèn xanh hay đèn đỏ nữa mà vấn đề là nhận thức của người dân đã có những thay đổi như vậy, chứ không phải vì nhà nước muốn hay không muốn.”

Những hoạt động thiết thực được ghi nhận từ xã hội công dân, Quỹ Nhịp cầu Hoàng Sa do nhóm Huy Đức khởi xướng được Người Việt trong ngoài nước hưởng ứng mạnh mẽ với hy vọng giúp một mái nhà cho bà quả phụ Ngụy Văn Thà và các gia đình tử sĩ khác cần được giúp đỡ. Bên cạnh đó hai nhóm No-U Hà Nội-Saigon cũng tổ chức quyên góp để giúp đỡ 10 gia đình chiến sĩ Hoàng Sa.

Trong các hoạt động hiếm hoi do chính quyền tổ chức, theo Lao động Online bản tin trên mạng ngày 16/1, một sự kiện đặc biệt diễn ra vào đêm 18/1 tại Công viên Biển Đông Đà Nẵng, lần đầu tiên chính quyền tổ chức “Thắp nến tri ân” những người đã ngã xuống vì Hoàng Sa, trong đó có 74 binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Theo tờ báo, kỷ niệm 40 năm ngày quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm, Bộ Thông tin và Truyền Thông phối hợp UBND Huyện đảo Hoàng Sa TP.Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức triễn lãm quy mô lớn nhất từ trước tới nay với chủ đề: “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam-những bằng chứng lịch sử.” Ngoài ra còn tổ chức tọa đàm, hội thảo Hoàng Sa, triễn lãm lưu động đến các trường đại học.

Trước đó ngày 11/1 tại Hà Nội Chương trình Minh triết làm chủ biển Đông đã tổ chức lễ tưởng niệm 40 năm Hoàng Sa bị TQ chiếm đoạt bằng vũ lực và 74 chiến sĩ hải quân VNCH vị quốc vong thân. Theo Tuổi Trẻ Online, nhiều nhà nghiên cứu có mặt tại lễ tưởng niệm cùng với gia quyến của tử sĩ Hoàng Sa Ngụy Văn Thà, hạm trưởng Hộ Tống hạm Nhật Tảo đã người đã tử trận cùng chiến hạm mà ông chỉ huy. Phát biểu tại Lễ Tưởng niệm, Cựu Đại sứ Nguyễn Trung nói rằng: “Chúng ta không thể làm lại lịch sử nhưng từ lịch sử phải rút ra bài học cần thiết.”

Về hoạt động của các tổ chức dân sự tưởng niệm 40 năm ngày Hoàng Sa thất thủ vào tay Trung Quốc, TS Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển IDS từng nhận định:

Những chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong cuộc bảo vệ Hoàng Sa là những anh hùng của dân tộc Việt Nam này. Tôi nghĩ là bất luận chính thể nào cũng phải trân trọng và tôn vinh những người như thế. Khi mà một chính phủ, một chế độ không làm được điều ấy thì trong người dân người cũng làm việc đó, có lúc thì âm thầm có lúc thì công khai. Những chuyện ấy rất là bình thường và lịch sử nhân dân Việt Nam sẽ luôn luôn ghi nhớ những người ấy như là những người con thân yêu của đất nước.”

Và tất cả các cựu binh Hoàng Sa trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước đều được tổ quốc ghi công, đặc biệt là 74 chiến sĩ hải quân VNCH đã bỏ mình vì đất nước. Ngày 19/1/2014 này chính là ngày tưởng niệm 40 năm những anh hùng tử sĩ đã vùi thây đáy biển để bảo vệ tổ quốc chống lại quân xâm lược phương Bắc.

*****

Hải chiến Hoàng Sa 1974: Sống chết gạt bỏ sang một bên

Nguyentandung.org - Thứ sáu, 17/01/2014

(Hải chiến Hoàng Sa 1974) - Ông Phạm Ngọc Roa (64 tuổi, thôn Tân Hưng, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), một người trực tiếp chiến đấu trong Hải chiến Hoàng Sa cách đây 40 năm, nhớ lại: Khi ấy, chúng tôi rất quyết tâm, sống chết gạt bỏ sang một bên…

Mặc dù trận hải chiến ấy xảy ra cách đây đã 40 năm (ngày 19.1.1974), nhưng trong ký ức của ông Phạm Ngọc Roa vẫn rõ mồn một. Ngày ấy, ông Roa là sĩ quan mang hàm trung úy làm nhiệm vụ phụ tá sĩ quan hải hành (chịu trách nhiệm an ninh cho tàu khi đi trên biển) trên khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Theo ông Roa, trước khi trận hải chiến xảy ra, HQ-4 đang hoạt động ở vùng biển ngoài khơi Quảng Ngãi và khi nhận được lệnh thì ngày 17.1.1974 đã có mặt ở vùng biển Hoàng Sa.

“Lúc đầu hải quân VNCH có 3 chiến hạm là HQ-4, HQ-5, HQ-16, còn phía Trung Quốc có 7 chiến hạm. Sau đó Bộ tư lệnh Hải quân VNCH tăng cường thêm chiếc hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 do thiếu tá Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng. HQ-4 là chiến hạm hiện đại nhất của Hải quân VNCH lúc bấy giờ (VNCH chỉ có 2 chiếc khu trục hạm), và được trang bị 2 khẩu đại bác 76.2 ly phòng không, sử dụng bằng điện”, ông Roa kể.

Cũng theo ông Roa, khi chiếc HQ-4 có mặt ở vùng quần đảo Hoàng Sa thì tàu Trung Quốc đã có mặt ở đó khoảng 4 - 5 ngày trước. “Tình hình đã rất nghiêm trọng, có mặt 3 ngày trước trận hải chiến thì anh em đều không ngủ được. Tàu 2 bên đã rất gần nhau, có lúc chỉ cách nhau hơn một cây số. Ngay tại đây, trung tá Vũ Hữu San, Hạm trưởng HQ-4, đã chỉ đạo anh em dùng quang hiệu và loa phát thông báo cho phía Trung Quốc biết rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu rồi, yêu cầu phía Trung Quốc rút lui, tuy nhiên không có kết quả gì”, ông Roa nhớ lại.

hq-09-mr-roa-content

Ông Roa cùng tấm ảnh chiếc HQ-4

Ông Roa kể tiếp, sáng 19.1.1974, lực lượng biệt hải của VNCH đổ bộ lên một đảo chính thuộc quần đảo Hoàng Sa để chiếm lại đảo, nhưng quân Trung Quốc ở đó đông gấp 10 lần quân VNCH, họ dàn hàng ngang tràn xuống, cuộc đổ bộ thất bại. Sau khi rút quân đổ bộ, đại tá Hà Văn Ngạc, chỉ huy trưởng cuộc chiến, ra lệnh các tàu nổ súng. Lúc này Hải quân VNCH chia làm 2 cánh, HQ-4, HQ-5 ở mạn nam còn HQ-10, HQ-16 ở mạn bắc. HQ-10 là chiếc khai hỏa đầu tiên (thông lệ bắn một phát lên trời như để “chào hỏi”), sau đó tất cả 4 chiếc đồng loạt nổ súng - trận chiến kéo dài chừng 30 phút.

Cũng theo ông Phạm Ngọc Roa, lúc này ông được giao nhiệm vụ trực chiến ở đài ra đa, và nhìn thấy đài chỉ huy của chiếc HQ-10 chớp sáng do bị trúng đạn. Trong khi đó, đài chỉ huy của HQ-4 cũng bị trúng một trái đạn nhưng nhờ có kết cấu kín, có góc cạnh nên sau khi đạn nổ đã đâm thẳng vào ra đa nơi ông Roa đang đứng, làm ông bị thương ở đùi phải. Ra đa sụp, ông Roa chạy ra hông của đài chỉ huy thì thấy cột ra đa của tàu bị xén một nửa, dây treo theo cột đều bị đứt.

“Mất ra đa, mọi cách xác định mục tiêu, khoảng cách đều không còn chính xác… Có đến 3 chiến hạm của Trung Quốc đón đầu HQ-4; chúng dồn hỏa lực về phía HQ-4 vì nghĩ đây là chiếc tàu hiện đại nhất trong 4 chiếc nên cố tiêu diệt. Trong khi đó, một khẩu đại bác trước tàu HQ-4 bị hỏng, súng phóng ngư lôi thì không có đạn (khi nhận bàn giao không có đạn), khả năng tác chiến của tàu sụt giảm nghiêm trọng. Lúc này HQ-4 coi như bị hỏng một nửa, thấy HQ-5 (soái hạm) quay đầu ra và HQ-4 đi theo, cuộc chiến chấm dứt. HQ-4 bị trúng 67 phát đạn, 2 người chết và khoảng 20 - 30 người bị thương. Chính mắt tôi trông thấy bên tàu Trung Quốc có một chiếc bốc khói và một chiếc đâm vào đảo”, ông Roa cho biết.

Ông Phạm Ngọc Roa cho hay: “Khi tàu đang chạy về hướng Qui Nhơn được khoảng 5 tiếng đồng hồ thì nhận được lệnh phải quay lại Hoàng Sa chiến đấu, nếu có điều gì không may thì các anh cứ ủi vào đảo. Chiếc HQ-4 quay lại và khi cách Hoàng Sa khoảng 30 hải lý, lúc này ra đa đã sửa xong và nhìn trên màn hình thấy tàu Trung Quốc dàn 3 chiếc phía trước. Mặc dù biết khó sống sót nhưng anh em chấp hành lệnh nghiêm chỉnh và sẵn sàng tác chiến, nhưng rồi lại nhận được lệnh từ Bộ Tư lệnh Hải quân quay về Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, chúng tôi được lệnh chuẩn bị để tổ chức phản công nhưng sau đó lại thôi…”.

hs-09-ong-roa-ba-tam-content

Vợ chồng ông bà Phạm Ngọc Roa - Lò Thị Đồng Tâm trước ngôi nhà của mình

“Sau 3 ngày căng thẳng, khi nhận được lệnh chiến đấu thì ai cũng quyết tâm chứ không sợ sệt gì cả, sống chết gạt bỏ sang một bên. Đây là cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biển đảo của chúng ta. Đất của mình, đảo của mình mà họ vô cớ đến dùng sức mạnh lấn ép, chiếm, thì chúng ta dù có yếu đi nữa cũng sẽ chiến đấu để bảo vệ… Khi rút lui khỏi trận chiến, chúng tôi biết muốn trở lại Hoàng Sa sẽ khó khăn hơn. Chúng tôi cảm thấy bất lực, không nhận được sự giúp đỡ khi chiến đấu với đối thủ mạnh hơn rất nhiều. Tất cả anh em đều buồn vì người lính đã không hoàn thành nhiệm vụ… Tôi mong ước một ngày nào đó, quần đảo Hoàng Sa phải trở lại với đất nước Việt Nam chúng ta…”, ông Phạm Ngọc Roa tâm sự.

(Thanh Niên)

*****

Người quản nội trưởng trên khu trục hạm HQ-4

Nguyentandung.org - Thứ sáu, 17/01/2014

(Hải chiến Hoàng Sa 1974) - Không lâu sau cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974, người quản nội trưởng trên khu trục hạm HQ-4 ấy trở về với quê hương, ruộng vườn. Mặc dù 40 năm đã qua đi, ký ức về trận hải chiến bi hùng để bảo vệ biển đảo của tổ quốc vẫn chưa bao giờ nguôi trong ông.

hs-10-ong-duc-content

“Dù trở về trong tình thế thất trận nhưng lòng vẫn có chút an ủi rằng mình đã làm hết sức, can đảm chống lại Trung Quốc lúc ấy có phần mạnh hơn và rất hung hãn”, ông Dục tâm sự

Ông là Trần Dục, hiện ở xóm 11, làng Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Ký ức bi hùng

Ông Trần Dục năm nay đã 73 tuổi, nhập ngũ vào Hải quân Việt Nam Cộng Hòa khi mới 23 tuổi, lúc vừa học xong lớp 11 ở Trường Quốc học Huế. Trải qua nhiều đơn vị hải quân khác nhau, năm 1971, ngay sau khi tham gia huấn luyện tại Hawaii (Mỹ) trở về, ông Dục được biên chế làm nhiệm vụ trên khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4), một trong hai khu trục hạm tối tân nhất lúc bấy giờ của hải quân VNCH (cùng với HQ-1 Trần Hưng Đạo).

“Ngày 15.1.1974, khi chúng tôi đang làm nhiệm vụ tuần tiễu gần đảo Lý Sơn thì nhận được thông tin Trung Quốc đang đe dọa quần đảo Hoàng Sa của mình. Sau đó, chúng tôi được lệnh từ Sài Gòn lập tức trực chỉ Hoàng Sa để bảo vệ đảo”, ông Dục nhớ lại.

Khu trục hạm HQ-4 lúc ấy có quân số khoảng 170 thủy thủ do trung tá Vũ Hữu San làm hạm trưởng, ông Dục là thượng sĩ nhất, giữ chức vụ quản nội trưởng. Khởi hành từ Đà Nẵng, sau khoảng 10 tiếng đồng hồ, khu trục hạm HQ-4 đã đến được vùng biển Hoàng Sa.

Trước trận hải chiến, phía Việt Nam có 4 chiếc gồm HQ-4, HQ-5 (tuần dương hạm Trần Bình Trọng), HQ-10 (hộ tống hạm Nhật Tảo) và HQ-16 (Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt). Lúc đó chỉ huy chiến dịch là đại tá hải quân Hà Văn Ngạc ở trên chiếc HQ-5. Phía Trung Quốc có 4 chiến hạm, ngoài ra còn có hai ngư thuyền có vũ khí được ngụy trang.

“Khi phát hiện tàu phía Trung Quốc chiếm giữ trái phép đảo của mình, chúng tôi đã phát quang hiệu, bật đèn để ra hiệu họ dời đi nhưng họ cũng ra hiệu lại và không chịu đi. Sau nhiều lần chúng tôi buộc dùng tàu lấn (đẩy) tàu họ đi ra xa đảo và họ cũng dùng tàu lấn lại nên xảy ra những cuộc va chạm thân tàu khá gây gắt. Dùng dằng như vậy trong hai ngày liên tiếp, tình hình rất căng. Lính chúng tôi phải túc trực trên các ổ súng. Chẳng hạn mỗi ổ súng là 10 người thì ăn uống chi cũng tại chỗ, không rời nhiệm vụ, tư thế luôn sẵn sàng chiến đấu. Đạn đã lên nòng cả!”, ông Dục kể tiếp.

Cũng theo ông Dục, khoảng 17 giờ ngày 18.1.1974, các hạm trưởng tham gia một cuộc họp hành quân tại soái hạm HQ-5 dưới sự chủ trì của đại tá Hà Văn Ngạc. Sáng 19.1.1974, lực lượng biệt hải với 27 người đổ bộ lên đảo để thay cờ Trung Quốc bằng cờ của Việt Nam Cộng Hòa và bảo vệ đảo nhưng không thực hiện được. Tiếp đó, (cũng trong sáng 19.1.1974), khoảng 17 người nhái trên tàu HQ-4 mang theo vũ khí tăng cường đổ bộ lên đảo.

“Thế nhưng khi lực lượng người nhái chưa trồi lên khỏi mặt nước thì bị phía Trung Quốc xỉa súng liền. Rứa là chết một thiếu úy, bị thương một trung sĩ”, ông Dục nhớ lại.

Ngay sau khi phía Trung Quốc dùng vũ lực và gây ra tử thương, lệnh rút quân trên đảo về HQ-4 được ban hành. Khi lực lượng biệt hải và người nhái lên hết trên khu trục hạm HQ-4 thì lệnh chiến đấu được ban hành và phía hải quân Việt Nam Cộng Hòa chính thức khai hỏa. Lập tức phía Trung Quốc phản kích và cuộc hải chiến chính thức diễn ra ác liệt trong cự ly giữa hai phía chỉ trong khoảng 100 mét.

Kể đến đoạn này, ông Dục không thể nhớ gì nhiều hơn là tiếng súng nổ, người tử trận, bị thương giữa hai bên. “Tôi lúc ấy phụ trách điều hành toán phòng tai, như cấp cứu người bị thương, chữa cháy, bơm nước ra ngoài và chắn lỗ thủng, điều phối người tiếp đạn… Tôi còn nhớ rất rõ là thiếu úy Vân phụ trách cây súng 20 ly ở sân sau của tàu bị thương rất nặng. Tôi khiêng chú ấy xuống phòng để cấp cứu và điều thiếu úy Xá đến thay vị trí của Vân, nhưng ngay sau đó anh Xá cũng mất do trúng đạn, tay vẫn bám chặt trên khẩu 20 ly!”, ông Dục kể, giọng đượm buồn.

hs-11-ong-duc-2-content

Trở về quê sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ông Dục thường theo dõi đến tình hình biển đảo trên báo chí, truyền hình

Trở về trong nỗi dằn vặt

Cũng theo ông Dục, cuộc hải chiến xảy ra trong khoảng 30 phút và các tàu được lệnh rút quân. Cả hai bên đều thương vong, tổn thất nặng nề. Bên nào cũng có người mất, bị thương, tàu cháy và chìm. Riêng phía hải quân Việt Nam Cộng Hòa thì HQ-16 bị trúng đạn và nghiêng khoảng 30 độ. Đặc biệt tổn thất nặng nề nhất là hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) bị trúng đạn và chìm. Thời điểm ấy trên HQ-10 có khoảng 115 thủy thủ, do thiếu tá Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng và ông cũng hy sinh cùng với nhiều chiến sĩ khác sau trận hải chiến bảo vệ biển đảo của Tổ quốc (ông được truy vong trung tá).

Kể lại câu chuyện quyết chiến bảo vệ biển đảo cách nay 40 năm, thi thoảng ông Dục dừng lại thật lâu. Có khi ông đứng dậy đi pha ấm trà mới, dù chén trà trên bàn còn khá đậm. Anh Trần Hải Cường, người con út đã có gia đình của ông Dục năm nay ngoài 40 tuổi, nói rằng sau khi đất nước thống nhất, ba anh trở về với ruộng vườn, miệt mài chăm chỉ trên 8 sào ruộng để nuôi vợ và năm người con.

“Cuộc hải chiến bảo vệ Hoàng Sa ba thường kể lại trong nhà, với vợ con, với cháu chắt. Kể riết rồi hình như mình cũng thuộc lòng từ số tàu, từng tình tiết. Mỗi khi kể, mình luôn cảm nhận được sự dằn vặt vẫn còn đó trong ông”, anh Cường nói.

Nghe thế, ông Dục nhấp ngụm trà rồi giải thích với tôi, rằng làm sao không thể không dằn vặt khi trách nhiệm một người lính, một người con dân Việt Nam để kẻ thù dùng vũ lực chiếm đảo chiếm biển ngay trước mắt mình. Làm sao có thể yên lòng khi những người lính, đồng đội của ông tử trận, gương mặt cứ hiện hữu trong ông dù đã 40 năm trôi đi.

Đó là thiếu úy Vân, hạ sĩ Danh - người bị thương nặng đã trút hơi thở ngay trên tàu dù các y tá cố gắng cứu chữa. Ông cũng đã vuốt mắt cho người hạ sĩ ấy như tỏ lòng thấu hiểu về sứ mệnh của mỗi con dân Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ bờ cõi của đất nước.

Hay riêng ông, trong trận hải chiến ấy, ông may mắn chỉ bị một vết thương nhẹ trên lòng bàn tay, nhưng nó cũng đủ là một chiếc sẹo để mỗi ngày cầm cuốc ra đồng hay rửa mặt đều thấy nó, để rồi ông luôn nhắc nhở, dạy bảo cháu con về câu chuyện bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Ông Dục cũng nhớ như in rằng lúc nhận lệnh rút lui và sau khi về đất liền thì một hai hôm sau tàu HQ-4 của ông được lệnh ra biển để tìm kiếm thi thể của đồng đội. Cuộc tìm kiếm diễn ra khá đơn độc và đã không tìm được thi thể nào ngoài vô vàn áo mũ của các chiến sĩ nổi trôi. Điều đó lại dấy lên sự dằn vặt trong ông lần nữa.

Nay, dù trong thời bình, thì thoảng đêm đêm nước mắt ông lại trào…

(Thanh Niên)

*****

Hải chiến Hoàng Sa 1.1974: Trận chiến không chỉ 30 phút

Thanh Niên Online -17/01/2014

(TNO) "Bè chúng tôi đã trôi xa nhưng vẫn còn nghe tiếng súng của tàu HQ-10, cho đến khi màn đêm buông xuống, ánh đạn vẫn còn lóe sáng ở đường chân trời… Tôi biết, các đồng đội ở lại tàu vẫn còn chiến đấu tới cùng với tàu chi viện của Trung Quốc".

hs-12-chung-chi-content

Chứng nhận thợ máy của ông Hà khi phục vụ trên chiến hạm Nhật Tảo - Ảnh: Tiến Trình

3 cuộc gọi trên tàu Nhật Tảo

Đã 40 năm trôi qua, ông Trần Văn Hà (61 tuổi) nói ông đã quên mất nhiều điều. Tìm gặp ông giữa cuộc sống mưu sinh bộn bề tại chợ Láng Tròn (huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), sau thoáng dè dặt, mắt ông lại sáng rực lên khi nghe nhắc đến Hoàng Sa.

Khi ấy, ông như sống lại thời khắc bi hùng của anh thợ máy 20 tuổi vừa tròn một năm lính trong trận chiến bảo vệ biển đảo quê hương mà có lẽ lịch sử giữ nước sẽ chẳng quên.

Ông Hà là thợ máy có mặt trên hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) trong trận đánh ác liệt và đã may mắn sống sót để kể lại những giây phút oanh liệt của những đồng đội cùng với tàu nằm lại trong lòng biển thân yêu của Tổ quốc.

“Những ngày giáp tết, sắp trở lại Sài Gòn sau thời gian dài bôn ba trên biển, chúng tôi rất háo hức”, ông Hà nhớ lại. Chiếc Nhật Tảo cập cảng Đà Nẵng để sửa chữa hệ thống điện của máy 2. Các anh em khác trên tàu được lên bờ mua quà cáp chuẩn bị về quê, người tranh thủ gửi tiền về cho người thân kịp đón tết… Thế rồi mọi người được lệnh tức tốc trở lại Hoàng Sa để đuổi tàu Trung Quốc gây hấn.

hs-13-ong-ha-content

Ông Hà hiện có cuộc sống hạnh phúc với gia đình con, cháutại chợ Láng Tròn (Bạc Liêu) - Ảnh: Tiến Trình

“Tầm hoạt động của tàu Nhật Tảo là từ Hoàng Sa xuống tận vùng biển Cà Mau. Trong những lần tuần tra kiểm soát trên biển, tàu chúng tôi không ít lần giáp mặt với tàu thuyền của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Hoàng Sa, những lần đó chúng tôi xua đuổi họ đều rời đi”. Nên lần được lệnh trở lại Hoàng Sa, anh thợ máy trẻ nghĩ là đi đuổi tàu Trung Quốc như mọi khi.

“Nghe lệnh đi đuổi tàu Trung Quốc, anh em trên tàu đều rất háo hức, tinh thần rất cao. Mình nghĩ đây là chuyến hành quân cuối cùng trong năm, sau đó lại được về Sài Gòn đón Tết nguyên đán… Thật ra, khi đất nước chia cách, tâm lý tôi cũng như nhiều anh em khác trên tàu không phân biệt tàu Bắc - Nam đâu, đối tượng của chúng tôi là tàu nước ngoài xâm phạm thôi…”, ông Hà nhớ lại.

Tàu Nhật Tảo ra khơi khi chỉ có 2 trong số 3 động cơ còn hoạt động, bởi máy số 2 vẫn sửa chưa xong.

Đến sáng 19.1, HQ-10 tiếp cận mục tiêu là 4 tàu chiến của Trung Quốc đang nghênh chiến. Trên tàu, đội ngũ thợ máy có 5 người. Ông Hà được phân công trực điện đàm của chỉ huy để truyền đi cho cả tàu. Vì ở trong buồng máy, ông Hà không trực tiếp chứng kiến trận địa bên ngoài. Nhưng ông giữ vị trí “trung chuyển” thông tin liên lạc trên tàu nên ông hiểu điều gì xảy ra. Sau loạt đạn đầu bắn trúng mục tiêu là buồng chỉ huy của tàu địch, tàu Nhật Tảo vẫn tiếp tục khai hỏa tới tấp về tàu đối phương. Tuy nhiên, tình hình trở nên xấu đi khi nhận tin hầm máy 1 bị trúng đạn. Như vậy, tàu chỉ còn duy nhất máy số 3 hoạt động.

Khoảng 10 phút sau thì điện đàm nhận tin Hạm trưởng Ngụy Văn Thà hy sinh ngay tại buồng chỉ huy. Tin truyền đi khiến cả tàu vô cùng đau buồn. Tàu tiếp tục chiến đấu dưới sự chỉ huy của Hạm phó, đại úy Nguyễn Thành Trí. Dưới buồng máy, ông Hà lần lượt chứng kiến 3 đồng đội hy sinh. Ông Hà không hay lúc ấy ông cũng bị nhiều mảnh đạn sượt qua người, vẫn tiếp tục giữ hệ thống thông tin trên tàu.

“Tin cuối cùng tôi nhận được là lệnh “tiến 3”, cho máy số 3 tiếp tục tiến về phía trước cho đến khi một cú va chạm thật mạnh làm cả tàu chao đảo. Tôi nghĩ lúc này tàu của chúng tôi đã đâm nhau với tàu Trung Quốc. Kể từ đó tàu chúng tôi hoàn toàn mất khiển dụng. Hệ thống động cơ, điện đàm đều không còn hoạt động. Chỉ có hệ thống hỏa lực, anh em hy sinh nhiều, nhưng người này ngã xuống thì người khác tiến lên nhắm thẳng tàu địch mà bắn”, ông Hà nhớ lại.

Trận chiến đã kéo dài hơn

Khi tàu không còn hoạt động được nữa, hệ thống thông tin liên lạc cũng bị cắt đứt, lúc này, Hạm phó Nguyễn Thành Trí ra lệnh đào thoát khỏi tàu để bảo toàn tính mạng cho anh em. “Hạm phó Trí đã bị thương rất nặng. Ban đầu ông không chịu rời tàu. Nhưng anh em chúng tôi cương quyết thuyết phục ông, vì nếu không có ông chúng tôi không xuống bè”, ông Hà nói.

Theo ông Hà, thật ra trận chiến của tàu Nhật Tảo với tàu Trung Quốc chưa kết thúc ở đó. Ông nhớ lại, khi các bè chở quân nhân tàu Nhật Tảo rời tàu thì 2 tàu chiến Trung Quốc chi viện cũng xuất hiện nhưng hai tàu này đã phải bỏ mục tiêu vì bất ngờ tàu Nhật Tảo lại tiếp tục khai hỏa. Những người bị thương nặng ở lại tàu tiếp tục nhả đạn về phía tàu chiến Trung Quốc khiến chúng phải quay lại đối phó. “Mãi cho tới tối, lúc bè của chúng tôi trôi xa vẫn còn nghe tiếng súng của HQ-10, mãi đến khi tàu này chìm hẳn”, ông Hà ngậm ngùi.

Tuy không còn bị tàu Trung Quốc truy đuổi, nhưng các quân nhân đào thoát khỏi tàu Nhật Tảo đã phải lần lượt làm những cuộc thủy táng đồng đội chết do bị thương mất máu, do kiệt sức sau nhiều ngày trôi lênh đênh trên biển. Hạm phó Trí cũng nằm lại biển khơi. “Chúng tôi phải đau đớn tháo dây cho đồng đội tách khỏi bè”, ông Hà rưng rức. Trên bè, vẫn có nhiều anh em bị thương chảy máu nên cá theo nhiều. “Sau 4 ngày trôi dạt, tàu chúng tôi được một tàu buôn của Hà Lan cứu vớt, chứ nếu không có lẽ chúng tôi cũng đã làm mồi cho cá”, ông Hà kể.

Đến khi các chiến sĩ tàu Nhật Tảo được tàu buôn Hà Lan đưa vào đất liền thì tết cũng đã qua lâu rồi. Ông Hà được điều trị, dưỡng thương 3 tháng rồi được đưa về làm thợ máy tại căn cứ hải quân ở Bến Lức (Long An). Vài tháng sau thì đất nước thống nhất. “Trận Hoàng Sa là trận duy nhất của tôi từ khi phục vụ trong lực lượng hải quân VNCH. Tôi đã có dịp chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược. Các đồng đội của chúng tôi đã hy sinh rất anh dũng”, đôi mắt ông Hà đã ngấn lên niềm xúc động.

Ông nói, sau này, không còn nhiều người nhắc đến trận chiến ấy nữa. Ít ai biết ông đã từng có mặt trên tàu Nhật Tảo chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa, ngay cả các con của ông cũng không biết được, trừ một vài người ở quê nhà Long An của ông.

Sau 1975, ông Hà xuôi về Bạc Liêu kiếm kế sinh nhai tại chợ Láng Tròn. “Những người sống sót trên tàu Nhật Tảo năm đó tới giờ đã mất liên lạc với nhau. Chỉ nhớ mỗi năm đến ngày 27 tết là ngày giỗ chung của các anh em hy sinh trong trận chiến bảo vệ Hoàng Sa. Nói vậy chứ tôi cũng không biết được anh em nhà cửa ở đâu để tìm đến thắp nén nhang…”, ông Hà rưng rức.

Tiến Trình

*****

Ai là tác giả bài thơ "Tưởng niệm Hoàng Sa"?

Vũ Nam Nhuận, Virginia, Mỹ

Bauxite Việt Nam - 18/01/2014

Anh ruột tôi là một liệt sĩ hy sinh trên chiến hạm HQ 10, Nhật Tảo. Mấy chục năm nay tôi đã đọc biết bao nhiêu bài thơ, đoạn văn viết để tri ân các liệt sĩ anh hùng. Có một bài thơ thật đặc biệt với tôi vì nó được viết bởi một người miền bắc (khuyết danh) năm 1974. Theo Đặc san Quảng Đà phát hành ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, năm 2005 (trang 84), bài thơ này đã được gửi từ miền Bắc Việt Nam sang Pháp rồi từ đó chuyển về miền Nam Việt Nam năm 1974 sau trận Hoàng Sa. Tôi đọc bài thơ này không biết bao nhiêu lần không chán ... Lời thơ thật cảm động, sẻ chia và cũng đầy hùng khí. Vì tình hình chính trị năm 1974, tác giả đã không thể để tên của mình. Hy vọng bây giờ với internet, chúng ta có thể tìm ra danh tánh của vị tác giả bài thơ này.

V. N. T.

TƯỞNG NIỆM HOÀNG SA

Xin kể thêm tôi: thành 19 triệu một người

Trái tim tôi đập về trong đó

Dòng máu xa nguồn bỗng giận sôi

Hoàng Sa, Hoàng Sa

Cái tên nghe buồn từ thuở ban sơ

Đối với tôi đã là da thịt

Dẫu chỉ là một mảnh san hô

Lại đau chăng vết buốt tự ngàn xưa

Trong sử cũ còn hằn dấu ngựa

Từ thảo nguyên xa

Từ biển ải lửa

Khói tràn về đen thẫm những ước mơ

Đếm bao người vợ đợi chờ

Em ơi, trên từng trang sử nhỏ

Xin kể thêm tôi, thành 19 triệu một người

Thành viên gạch hồng tươi

Làm bức tường thành, ngăn triền sóng dữ

Giữ không cho rơi một giọt mật nào

Mỗi giọt ra đi chính mỗi giọt máu đào, bao đời cha ông nhỏ xuống

Người bạn hải quân miền nam ơi

Trên đảo mù sương hôm đó có tay anh cầm súng

Từ những hạm tàu rẽ sóng đại dương

Tôi thấy pháo anh giương nòng sừng sựng

Cuộc chiến đấu kết thúc dù bi thảm

Bài ca anh hùng vẫn vọng trời cao

Xin cho thơ tôi góp phát súng chào

Vĩnh biệt tuần dương chìm giữa sóng

Đáy biển âm thầm ngàn năm lạnh cóng

Vẫn mặn nồng lòng tổ quốc ta

Một thi sĩ miền Bắc khuyết danh (1974 )

Nguồn:FB Huy Đức

*****

Nguyễn Công Bằng: Hoàng Sa, Trường Sa: Một mẫu số đòan kết của người Việt Nam?

Tác giả : Nguyễn Công Bằng- Việt Báo Online - 01/18/2014

hs-14-bai-bao-thanh-nien-content

Ngày 6/1/2014, báo Thanh Niên Online khởi đăng loạt bài “Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại“ của tác giả Châu Minh Linh. Phần lớn những sự kiện về cuộc chiến đấu chống xâm lăng hào hùng này đã được nhiều người biết đến, song việc một tờ báo trực thuộc bộ máy nhà nước đương quyền chính thức công nhận sự hy sinh đầy ý nghĩa lịch sử này, với ngôn ngữ khách quan, thân thiện bên cạnh việc phổ biến nguyên văn nội dung Tuyên cáo của Bộ Ngoại giao VNCH ngày 19.1.1974Tuyên cáo ngày 14.2.1974 của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, là một điều đáng để chú ý và ghi nhận.

Trước đó, đài truyền hình tỉnh Đồng Nai cũng đã chiếu bộ phim tài liệu mang tựa đề "Hải chiến Hoàng Sa 19-01-1974" được những người VNCH thực hiện, ghi lại trang sử hải chiến khẳng định chủ quyền đất nước.

Đây là một chiến dịch của đảng Cộng sản Việt Nam nhằm xoa dịu dư luận về những bất mãn nghiêm trọng của người dân đối với thái độ bất xứng của nhà nước đương quyền trước các hành động xâm lấn ngang ngược của Bắc phương; là một tính toán chính trị bắt buộc phải có để tăng cường bằng chứng về chủ quyền Hoàng Sa; hay là một cố gắng nhằm hòa giải, đoàn kết người Việt? Có lẽ rất khó để có một câu trả lời khách quan và chính xác khi chỉ nhận xét qua một vài sự kiện thời sự. Song dù vậy, mặt nổi của hình thái này rõ ràng đáng để được công luận quan tâm, khích lệ.

Trong thực tế, vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng đây là một thái độ chính trị khách quan và cũng là một chủ trương công bằng về lịch sử của nhà nước đương quyền -- một yếu tố có thể được xem là khởi đầu cho tiến trình cải cách chính trị nào đó trong thời gian tới. Tuy nhiên, có lẽ với sự kiện này chúng ta cũng cần có một thái độ thích hợp tương xứng. Đó là, công nhận rằng việc tuyên dương lòng yêu nước và sự hy sinh của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa của một số cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam hiện nay là điều đáng hoan nghênh. Loạt bài nhìn lại cuộc hải chiến Hoàng Sa đang nhớm lên một niềm hy vọng nhỏ là tinh thần khách quan lịch sử và công bằng trong chính trị -- nếu là sự thật và được biểu hiện một cách sâu xa, liên tục -- có thể sẽ ướm nét hứa hẹn cho một tiến trình hòa giải và đoàn kết dân tộc trong thời gian tới.

Hy vọng rằng những người lãnh đạo nhà nước hiện tại sẽ nhân cơ hội tưởng niệm lịch sử này để chủ động tạo dựng cơ hội hóa giải những mâu thuẫn đã có, hầu ở một ngày không xa, những người ở trong và ngoài đảng cầm quyền sẽ có thể nhìn nhau như là những người cùng có quan tâm chung về chuyện nước. Ở lăng kính đó, sự khác biệt về chính kiến sẽ không còn là lý do để thù hằn, triệt hạ lẫn nhau. Câu hỏi đặt ra cho toàn thể người Việt Nam là: nếu Ông Cha ta đã từng gác lại thù nhà để đoàn kết chống xâm lăng thì tại sao các thế hệ hôm nay không xem sự vẹn toàn lãnh thổ và tương lai một đất nước hùng cường là mục tiêu chung?!! Nhưng thiện chí hòa giải cần thiết được thể hiện rõ ràng từ cả hai phía, và cùng lúc.

Trước nhu cầu giải quyết các bế tắc nghiêm trọng về tình hình chính trị, kinh tế và xã hội, hơn lúc nào hết người Việt Nam cần gác lại mọi dị biệt, bất đồng để tạo điều kiện thuận hợp cho một tiến trình hòa giải và đoàn kết dân tộc. Tình trạng mâu thuẫn có thể không phải là vấn đề của nhiều người Việt song rõ ràng là những thành phần đang chi phối hiện tình chính trị nước nhà đang có những bất đồng cần được dung hòa, và nhiều mâu thuẫn cần được hóa giải. Khi nào người Việt Nam, dù là đảng nào và với chính kiến gì, vẫn đều có thể chia sẻ trách nhiệm cứu nước và giữ nước một cách bình đẳng, thì ngày đó Việt Nam mới có thể được vẹn toàn từ âm mưu xâm lăng, lũng đoạn của các thế lực bên ngoài.

Nước ta gặp nhiều khó khăn bấy lâu nay là vì hậu quả chiến tranh, bao gồm những định kiến chính trị cố chấp lỗi thời. Đã đến lúc để những người Việt yêu nước đến với nhau để cùng chung sức cứu nguy, bảo vệ và phát triển đất nước. Những ai cố tình đi ngược lại nguyện vọng chung của đại đa số nhân dân chắn chắn sẽ bị nhu cầu thăng tiến của quốc gia đào thải.

Điều quan trọng là muốn hòa giải và đoàn kết dân tộc, nhà nước đương quyền phải nhanh chóng chứng tỏ bằng hành động đối thoại đúng nghĩa với những người đối lập ôn hòa ở trong nước, trả tự do ngay cho những người bất đồng chính kiến đang bị giam tù phi lý, và tiến hành một cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do thật sự công bằng để thiết lập một chính thể dân chủ đa đảng pháp quyền. Chỉ có thiện chí cụ thể đó mới chứng minh được tinh thần tri ân thực sự đối với những người đã hy sinh anh dũng để bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam.

Xin cảm ơn tác giả Châu Minh Linh và Ban Biên Tập báo Thanh Niên! Xin cảm ơn những lời phát biểu khí khái chân tình của những người Việt đầy lòng yêu nước từ các xuất xứ khác nhau.

Hy vọng sao tinh thần tưởng niệm các chiến sĩ anh hùng hy sinh trong cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974, và Trường Sa năm 1988, sẽ là chất keo gắn liền những con người Việt sẵn sàng đặt quyền lợi của dân Việt và nước Việt lên trên hết.Những tử sĩ của hai chế độ khác nhau đã hy sinh vì công cuộc bảo vệ Tổ Quốc cần được trân trọng tri ân như nhau, từ mọi người và mọi phía.

Nhân dịp trân trọng tưởng niệm 74 chiến hữu Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa (1974), xin được đồng thời nghiêng mình tri ân 64 chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ Trường Sa trong trận hải chiến ở đảo Gạc Ma (1988), và hàng chục ngàn tử sĩ đã hy sinh bảo vệ đất nước trong cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung (1979).

Tất cả là vì Việt Nam, và cho Việt Nam.

Viết nhân ngày tưởng niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa.

Nguyễn Công Bằng(ĐVDVN)

Nguồn: www.vidan.info

*****

Đà Nẵng hủy lễ tri ân hướng về Hoàng Sa

BBC - Thứ bảy, 18 tháng 1, 2014

hs-15-chuong-trinh-thap-nen-content

Chương trình thắp nến tri ân hướng về Hoàng Sa đã hoàn tất khâu chuẩn bị, theo những nguồn thạo tin

Buổi lễ thắp nến tri ân hướng tới Hoàng Sa ở Đà Nẵng dự tính tổ chức ngày 18/1 vừa bị hủy vào phút chót.

Trả lời BBC sáng 18/1, ông Lê Phú Nguyện, Chánh văn phòng UBND huyện, xác nhận chương trình ca nhạc hát về biển đảo và thắp nến tri ân tối cùng ngày sẽ bị hủy, tuy nhiên những hoạt động khác tại Đà Nẵng kỷ niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa vẫn sẽ diễn ra bình thường.

Ông Nguyện cũng nói quyết định này không phải do 'chỉ đạo từ cấp cao hơn'.

"Một số điều kiện của chúng tôi không đảm bảo để tổ chức nên phải dừng lại, đó là những công việc nội bộ," ông nói.

"Đây là điều đáng tiếc, chúng tôi không thể nói gì thêm ngoài lời xin lỗi."

"Tôi khẳng định lại việc này là do chúng tôi chủ trì tổ chức, và do chính chúng tôi quyết định dừng lại."

Thư cáo lỗi

Sáng 18/1, trang web của UBND huyện Hoàng Sa cũng đã đăng lời cáo lỗicủa Chủ tịch UBND huyện, ông Đặng Công Ngữ, về việc hủy chương trình nói trên.

"UBND huyện Hoàng Sa dự kiến tổ chức chương trình ca nhạc hát về biển đảo quê hương và lễ thắp nến tri ân hướng về Hoàng Sa vào lúc 19h00 ngày 18/01/2014 tại Công viên Biển Đông, thành phố Đà Nẵng," ông Ngữ cho biết.

"Trong chương trình này, UBND huyện Hoàng Sa đã nhân được sự hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ rất tâm huyết và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan cũng như nhận được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. UBND huyện Hoàng Sa xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ và quan tâm to lớn đó."

"Nay do công tác chuẩn bị chưa được chu đáo, chương trình ca nhạc hát về biển đảo quê hương và Lễ thắp nến tri ân Hướng về Hoàng Sa không thể diễn ra theo kế hoạch. Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa xin chân thành cáo lỗi và xin được lượng thứ."

Ngoài chương trình thắp nến tri ân, Đà Nẵng còn có những hoạt động khác kỷ niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa như triển lãm về Hoàng Sa và Trường Sa tại Bảo tàng Đà Nẵng, Hội thảo Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

*****

Từ chiến binh Hoàng Sa thành tù cải tạo

BBC - Thứ bảy, 18 tháng 1, 2014

hs-16-tu-cai-tao-content

Ông Ngô Thế Long nói đa số đồng đội của ông phải cải tạo lâu hơn ông

Cựu binh Hoàng Sa Ngô Thế Long, người từng là Trung úy hải quân trên khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư, nói đối với ông những ký ức về Hoàng Sa là "nỗi đau hơn là niềm kiêu hãnh".

Trả lời BBC ngày 18/1, ông Long cho biết năm 1975, hơn một năm sau khi trở về từ hải chiến Hoàng Sa, ông cùng nhiều đồng đội đã trở thành những người tù cải tạo dưới chế độ mới.

"Sau năm 75, tôi đã rời bến cảng Sài Gòn, ra tới Côn Sơn, nhưng lại quay về Việt Nam vì lý do gia đình," ông nói.

"Tôi đi cải tạo gần một năm... còn đại đa số là phải cải tạo lâu hơn".

Ngay cả khi được trả tự do, với lý lịch liên quan đến chế độ cũ, ông Long chỉ còn có thể đi làm nông, không thể đi học tiếp hay làm việc ở những ngành chuyên môn khác, ông cho biết.

'Xã hội bỏ quên'

Mặc dù nói bản thân "không có gì bất mãn" về việc bị đưa đi cải tạo, ông Long nói ông "rất buồn" vì cách nhìn nhận của xã hội trong nước lâu nay đối với ông và các đồng đội.

"Xã hội đã bỏ quên những người đồng đội đã hy sinh của tôi năm 1974. Có khi người ta còn xuyên tạc, nói chúng tôi không phải là những người chiến đấu vì chính nghĩa," ông nói.

"Tôi nghĩ rằng năm 1974, chúng tôi đã bảo vệ Hoàng Sa trước kẻ thù xâm lược, đó hoàn toàn là chính nghĩa".

Ông cho biết ông ít khi kể về việc tham chiến trong trận Hoàng Sa với ai, ngay cả vợ con mình.

"Nhân 40 năm hải chiến Hoàng Sa, mấy báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ mới hỏi thăm, chứ tôi cũng ít khi nói với ai".

"Nỗi đau trong lòng tôi lớn hơn niềm kiêu hãnh, chúng tôi đã không thể bảo vệ Tổ Quốc mà 74 đồng đội của tôi còn bỏ mình trên biển cả".

"Thứ hai nữa là chúng tôi cũng không được xã hội nhắc tới, mà có khi nhiều bài báo cũng đã cố ý xuyên tạc, cứ nói lúc đó chúng tôi phục vụ cho ai đó."

'Chưa hết thương tiếc'

Ông nói hàng chục năm đã trôi qua nhưng ông vẫn thường xuyên theo dõi những tin tức về biển đảo và vẫn chưa hết thương tiếc những người đồng đội đã tử trận trong trận chiến năm 1974.

Ông cũng cho rằng những người lính của Hải quân Nhân dân Việt Nam tử trận trong trận chiến năm 1988 ở Trường Sa là "những anh hùng".

"Tất cả những chiến sỹ, dù ở bên này, bên kia chiến tuyến, ý thức hệ có khác nhau".

"Nhưng tôi nghĩ những người lính Việt Nam Cộng hòa, hay Quân đội Nhân dân đều là những anh hùng khi họ là những tử sỹ bỏ mình vì Tổ quốc".

MẠNG THAM KHẢO:

nguyentandung.org

bauxitevn@gmail.com

bolapquechoa@blogspot.com

Hồng Thủy + Trần Công Trục + Trung Quốc

Thanh Niên Online

Đất Việt Online

Tuổi Trẻ Online

Saigontiepthi.com.vn

Đà Nẵng Online

Petrotimes

Người Việt Online

Lao Động Online

Đàn Chim Việt Online

BBC - RFA - VOA - RFI

File: ITN-011814-VN-CT-Tuong niem 40 năm Hai chien Hoang Sa-Phan II.doc

Nguyễn Mạnh Trí

E-Mail: prototri2012@yahoo.com

www.tranhchapbiendong.com

Tu chỉnh: 18 tháng 1 năm 2014



.

.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.