Hôm nay,  

Nguyễn Mạnh Trí: TƯỞNG NIỆM 40 NĂM HẢI CHIẾN HOÀNG SA - PHẦN II

16/01/201400:00:00(Xem: 5966)

TƯỞNG NIỆM 40 NĂM HẢI CHIẾN HOÀNG SA - PHẦN II

Nguyễn Mạnh Trí

Các bản tin tức từ Đà Nẵng, quốc nội và hải ngoại về 40 năm tưởng niệm trận Hải chiến Hoàng Sa:

KỲ V

1. BBC (12-1-2014): 'Phải dùng luật thay ngoại giao với TQ'.

2. NTD.ORG (13-1-2014): Ý chí, kiến thức và hành động.

3. BBC (13-1-2014): Mâu thuẫn Biển Đông được hâm nóng lại?

4. BBC (13-1-2014): Từ Hoàng Sa nghĩ về tương lai Biển Đông.

  1. VBO (14-1-2014):Hoàng Sa Thiêng Liêng.
  2. VOA (14-1-2014):Người Việt ký thư yêu cầu đưa tranh chấp Hoàng Sa ra tòa quốc tế.
  3. RFA (14-1-2014):Kiện Trung Quốc, Việt Nam được gì?
  4. NTD.ORG (14-1-2014):4 hoạt động lớn ghi dấu ‘Trung Quốc cướp Hoàng Sa’.
  5. NTD.ORG (15-1-2014):Chúng ta có thể làm điều gì cho Hoàng Sa .

10. VBO (15-1-2014):Nhìn Về Biển Hoàng Sa.

PHẦN I

  1. TNO (30-12-2013): Sẽ kỷ niệm sự kiện 40 năm Hoàng Sa và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
  2. RFA (1-1-2014): Sự thật về hải chiến Hoàng Sa.
  3. ĐNO (3-1-2014): 43 đồ án dự thi kiến trúc Nhà trưng bày Hoàng Sa.
  4. BVN (4-1-2014): Bốn mươi năm – Hoàng Sa, nhớ và nghĩ - chuyện của một hạm phó.
  5. BVN (5-1-2014): Hải chiến Hoàng Sa, 40 năm nhìn lại.
  6. NTD.ORG (6-1-2014): Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Cần vinh danh những người hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa.
  7. TNO (6-1-2014): Nuôi chí giành lại Hoàng Sa.
  8. ĐVO (6-1-2014): Thiên đường Hoàng Sa.
  9. TTO (6-1-2014): Nhật Tảo nằm lại, không kích bất thành.

10. BBC (6-1-2014): Thay đổi khi tưởng niệm xung đột với TQ?

11. RFA (6-1-2014): Vinh danh tử sĩ Hoàng Sa: một cơ hội hòa giải.

12. SGTT (7-1-2014): Người Việt bí mật chụp ảnh Hoàng Sa năm 2011.

13. NTD.ORG (7-1-2014): Vì sao Mỹ cố ý phớt lờ để Trung Quốc chiếm Hoàng Sa?

14. TNO (7-1-2014): Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: ‘Cần tôn vinh những quân nhân VNCH chống ngoại xâm’.

15. RFA (7-1-2014): Hóa giải công hàm Phạm Văn Đồng 1958?

16. BVN (8-1-2014): Hai bà quả phụ Hoàng Sa.

17. BVN (8-1-2014): Nhịp cầu Hoàng Sa.

18. RFA (7-1-2014): Người lính miền Bắc nghĩ gì về trận hải chiến 1974.

19. TNO (9-1-2014): Danh sách các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hi sinh trong Hải chiến Hoàng Sa 1974.

20. ĐNO (9-1-2014): Tâm huyết và tình yêu với Hoàng Sa.

21. PTT (9-1-2014): Trăn trở về Hoàng Sa 40 năm.

22. RFA (9-1-2014): Thách thức cho Việt Nam ở Hoàng Sa.

23. TNO (9-1-2014): Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 6: Không quân Việt Nam Cộng Hòa lên kế hoạch giành lại Hoàng Sa.

24. BBC (9-1-2014): 'Để dân kỷ niệm cuộc chiến 1979.

25. ĐNO (10-1-2014): Thắp sáng tình yêu biển đảo.

26. NVO (10-1-2014): Dân lập qũy “Nhịp cầu Hoàng Sa”.

27. BBC (10-1-2014): Thời điểm đưa TQ ra tòa 'đã chín muồi'.

28. VOA (10-1-2014): Hoàng Sa có vai trò thế nào với an ninh Việt Nam và khu vực?

29. NTD.ORG (11-1-2014): Tưởng niệm 40 năm sự kiện Hoàng Sa.

30. NTD.ORG (11-1-2014): Công bố tư liệu chính quyền Sài Gòn về Hoàng Sa .

31. BVN (11-1-2014): Tâm thư gửi các em sinh viên và thanh niên nhân sự kiện 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam.

32. NTD.ORG (11-1-2014): Diễn giả quốc tế chỉ trích Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974.

33. BVN (11-1-2014): Danh sách đóng góp quỹ "Nhịp cầu Hoàng Sa".

34. ĐCV (11-1-2014): 40 năm trận Hoàng Sa Oanh Liệt.

35. TNO (12-1-2014): Từ bài học Hoàng Sa 1974.

36. VOA (12-1-2014): Hải chiến Hoàng Sa ‘nóng’ trên diễn đàn ở Đại học Harvard.

37. RFA (12-1-2014): Người Việt trong và ngoài nước hưởng ứng Quỹ Nhịp Cầu Hoàng Sa.

38. NTD.ORG (12-1-2014): “Anh em hăng hái lên đường đánh tàu Trung Quốc để bảo vệ Hoàng Sa”.

39. TTO (12-1-2014): Hồi ức sau 40 năm của vợ thiếu tá VNCH Ngụy Văn Thà.

40. BVN (13-1-2014): Thông cáo báo chí về việc gửi thư cho Liên Hợp Quốc nhân 40 năm Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa.

*****

'Phải dùng luật thay ngoại giao với TQ'

Quốc Phương - BBC Việt ngữ - Chủ nhật, 12 tháng 1, 2014

hs-01-content

Nhà nghiên cứu nói đàm phán VN về chủ quyền Hoàng Sa qua ngoại giao 'không hiệu quả'

Việt Nam không thể trông chờ vào biện pháp 'ngoại giao' vốn dựa trên 'nhân nhượng', cố giữ 'hòa hiếu' khi đòi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông từ tay Trung Quốc, theo một chuyên gia công pháp quốc tế và luật biển từ Hà Nội.

Các động thái ngoại giao trong suốt nhiều năm qua tỏ ra 'không hiệu quả' khi vẫn không thể buộc Trung Quốc trao trả lại chủ quyền trên hai quần đảo này cho Việt Nam, theo PGS. TS Nguyễn Bá Diến, Trưởng Bộ môn Công pháp Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trao đổi với BBC hôm 12/01/2014, Phó Giáo sư Diến, người tham gia nhiều chương trình, đề tài, dự án cấp quốc gia về pháp lý chủ quyền cho VN nhấn mạnh trong tình hình Trung Quốc quyết 'phớt lờ' và 'coi thường' các 'nguyên tắc cơ bản' của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước luật biển 1982, Việt Nam phải 'cương quyết' hơn và sử dụng 'con đường pháp lý.'

Ông nói: "Ngoại giao chỉ là một kênh thôi, còn đất đai lãnh thổ là quyền thiêng liêng, vô giá. Đấu tranh bằng ngoại giao để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ chỉ là một kênh, mà thường ra không hiệu quả, theo quan điểm của chúng tôi là không hiệu quả,

"Việt Nam có thể đưa vụ việc ra trước LHQ, nặng hơn, chúng ta (VN) có thể đưa ra trước bất kỳ một cơ quan tài phán quốc tế nào, Tòa án Luật Biển, rồi Trọng Tài theo phụ lục 7 Công ước Luật Biển 1982, Trọng Tài Đặc Biệt theo mục 8 (Công ước 1982), hoặc trước bất kỳ một cơ quan trọng tài nào"

PGS. TS. Nguyễn Bá Diễn

"Nếu mà cứ căn cứ vào kênh ngoại giao để đấu tranh bảo vệ chủ quyền, thì xem chừng không cẩn thận lợi bất cập hại, nó chỉ là một kênh."

Ông giải thích: "Chủ quyền quốc gia là vấn đề tối thượng, một thành tố vật chất để tồn tại quốc gia, mà ngoại giao tức là nhân nhượng, là thương lượng và đàm phán, cho nên người ta khó mà làm được chuyện đó (đòi chủ quyền)."

Luật gia tin rằng con đường duy nhất đấu tranh đòi chủ quyền hiệu quả của Việt Nam là dựa trên luật pháp quốc tế.

Ông gợi ý: "Việt Nam có thể đưa vụ việc ra trước Liên Hợp Quốc, nặng hơn, chúng ta (VN) có thể đưa ra trước bất kỳ một cơ quan tài phán quốc tế nào, Tòa án Luật Biển, rồi Trọng Tài theo phụ lục 7 Công ước Luật Biển 1982, Trọng Tài Đặc Biệt theo mục 8 Công ước Luật Biển 1982, hoặc trước bất kỳ một cơ quan trọng tài nào."

'Con đường dứt điểm'

Theo PGS Nguyễn Bá Diến, vì hành vi của nhà cầm quyền Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng 'ngang ngược', việc đàm phán ngoại giao sẽ 'không dễ dàng' và Việt Nam sẽ buộc phải dùng biện pháp khác mà ông hy vọng là hữu hiệu hơn.

Ông nói: "Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm trái phép 40 năm qua, Việt Nam đã bao nhiêu lần đề xuất đàm phán, thương lượng, nhưng phía Trung Quốc từ chối, ví dụ như vậy và sau này họ còn ngang ngược đánh chiếm thêm một số đảo, thí dụ sự việc năm 1988."

"Rõ ràng là việc thương lượng đàm phán trong vấn đề lãnh thổ, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa không dễ dàng.

"Trung Quốc rõ ràng đã đánh chiếm, xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 40 năm qua rồi, nhưng... ngày càng cố tình phớt lờ yêu sách đòi hỏi trả lại (chủ quyền) của Việt Nam bằng biện pháp hòa bình, bằng thương lượng, từ chối."

Chuyên gia khẳng định: "Thế cho nên chỉ có con đường pháp lý, chỉ có con đường chính trị quốc tế, pháp lý quốc tế mới có thể giải quyết một cách thỏa đáng, dứt điểm được vấn đề này,

hs-02-content

Ông Diễn nói VN có 'thừa chứng cứ' để đòi chủ quyền HS-TS, nhưng còn phải nhà nước quyết định

"Mà tôi nghĩ không chỉ có vấn đề tranh chấp ở trên Biển Đông mà trên thực tiễn ở Đông Nam Á, người ta cũng đã đưa tranh chấp của Malaysia với Singapore, rồi Malaysia với Indonesia, người ta cũng đã đưa ra Tòa án Quốc tế và ngay cả (vụ) Đền Preah Vihear của Thái Lan và Campuchia người ta cũng đưa ra Tòa án Quốc tế đấy chứ.

Phó Giáo sư Diến cho hay hiện có hai luồng quan điểm trong nước về việc Việt Nam nên đưa vụ đòi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa từ tay Trung Quốc ra sao.

Ông nói: "Có người nói bây giờ đã quá muộn rồi, Việt Nam không đưa vụ việc này ra cơ quan tài phán quốc tế, trước tổ chức quốc tế, ít nhất là Liên Hợp Quốc, như thế cũng là quá muộn rồi," nhà luật học nói.

"Nhưng cũng có quan điểm cần tính toán, cân nhắc, và cũng cần xem xét thái độ của Trung Quốc, bởi vì Việt Nam vẫn muốn giữ hòa hiếu với Trung Quốc, chưa muốn làm căng với Trung Quốc."

'Còn chờ thời cơ?'

Chuyên gia pháp lý khẳng định Việt Nam hiện đã có 'quá thừa' những căn cứ pháp lý, lịch sử để đòi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng chính quyền vẫn còn chưa quyết định đưa ra tài phán quốc tế.

"Cái này còn tùy thuộc vào thái độ của Trung Quốc, tham vọng của Trung Quốc, yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông và thứ hai nữa là còn tùy thuộc vào ý chí chính trị của Việt Nam"

PGS. TS. Nguyễn Bá Diến

Ông nói: "Xin khẳng định một điều là Việt Nam có quá thừa những căn cứ pháp lý, cũng như có đầy đủ căn cứ lịch sử, nói cách khác là có đầy đủ căn cứ lịch sử, pháp lý để chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các vùng biển được quy định của luật pháp quốc tế, cụ tể là Công ước Luật biển 1982,

"Việt Nam có đầy đủ những căn cứ, những bằng chứng để chứng minh đòi lại, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng một cách trái pháp luật bằng vũ lực."

Giải thích về việc vì sao chính quyền Việt Nam nhiều năm qua vẫn chưa quyết định thưa kiện Trung Quốc dùng vũ lực tấn chiếm Hoàng Sa và nhiều đảo khác ở Trường Sa, trên Biển Đông, ra tài phán quốc tế.

Ông Diến nói: "Cái này còn tùy thuộc vào thái độ của Trung Quốc, tham vọng của Trung Quốc, yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông và thứ hai nữa là còn tùy thuộc vào ý chí chính trị của Việt Nam.

Nhà luật học cho rằng có thể Việt Nam đang đợi tới một thời điểm chính trị thuận lợi, như một thời cơ thuận lợi để tung ra hồ sơ lên tài phán quốc tế, nhưng ông cũng lưu ý:

hs-03-content

Ngư dân VN có thể bị ảnh hưởng lớn bởi quy định mới về vùng đánh cá của TQ trên 2/3 Biển Đông

"Tuy nhiên tính toán như thế nào cũng là một vấn đề, bây giờ hay sau này, cái đó cũng phải có sự cân nhắc tính toán kỹ lưỡng."

'Trung Quốc lấn tới'

Nhân dịp này, chuyên gia cũng lên tiếng bình luận về việc Trung Quốcmới đây đưa ra quy định mới gọi là "Dự thảo sửa đổi Biện pháp thực hiện Luật Ngư nghiệp" của Trung Quốc dưới danh nghĩa văn bản dưới luật của tỉnh Hải Nam sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.

Theo quy định này, người nước ngoài và tàu cá nước ngoài 'tự ý đi vào vùng nước tỉnh Hải Nam quản lý để thực hiện sản xuất ngư nghiệp và các hoạt động điều tra tài nguyên nghề cá sẽ bị xua đuổi, có thể bị tịch thu tài sản, xử phạt hành chính…'. PGS Nguyễn Bá Diễn nói với BBC:

"Đương nhiên là theo quy định luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Luật biển 1982 thì quy định của TQ về cái yêu cầu hay đòi hỏi các quốc gia cũng như tàu thuyền của các nước khi vào vùng đánh cá, không chỉ vùng đánh cá mà vào vùng biển khoảng 2/3 diện tích Biển Đông phải có giấy phép, như là một sự tuân thủ nhà cầm quyền TQ, thì như thế là vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Công ước về Luật biển 1982 rồi."

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực"

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lương Thanh Nghị

Hôm thứ Sáu, 10/1/2014, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị cũng đã có phản ứng trên truyền thông trong nước.

Ông Nghị được dẫn lời nói: "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực."

Trước đó, hôm 03/1/2014, nhìn lại công tác đối ngoại năm 2013 và nêu trọng tâm đối ngoại trong năm mới của Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, trên truyền thông trong nước, đã đề cập xử lý quan hệ với Trung Quốc trên Biển Đông.

"Về vấn đề Biển Đông, trong năm 2013, chúng ta tiếp tục duy trì được môi trường ổn định ở Biển Đông. Trong năm 2013, một mặt chúng ta đấu tranh bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời đấu tranh chống lại các biện pháp ngăn cản ngư dân của chúng ta trên các vùng biển của Việt Nam...", ông nói với trang mạng của Đài Tiếng Nói Việt Nam.

*****

Ý chí, kiến thức và hành động

Nguyentandung.org - Thứ hai, 13/01/2014

(Hải chiến Hoàng Sa 1974) - “… Mặc dù việc giành lại Hoàng Sa là rất khó khăn, hiện nay người duy nhất có thể làm cho chúng ta mất chủ quyền là chính chúng ta”. Tiếp tục chuyên đề 40 năm Hải chiến Hoàng Sa, PV xin giới thiệu bài viết của tiến sĩ Dương Danh Huy, một nhà nghiên cứu Biển Đông sống tại Anh.

hs-04-bai-xa-cu-content

Bãi Xà Cừ (phải) trong nhóm Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa - Ảnh Google Maps

Cần loại bỏ những quan niệm lệch lạc và hão huyền

Cho tới nay Trung Quốc đã chiếm đóng nhóm An Vĩnh thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 60 năm, và đã đánh chiếm nhóm Lưỡi Liềm (còn gọi Nguyệt Thiềm), tức là đã xâm lăng toàn bộ Hoàng Sa, 40 năm.

Có quan niệm cho rằng bị một nước mạnh hơn chiếm đoạt lãnh thổ, nhất là sau bấy nhiêu năm, thì coi như là đã mất chủ quyền, chúng ta hãy chấp nhận và quên đi. Nhưng đối với dân tộc Việt Nam, một dân tộc mà một trong những niềm tự hào đáng kể nhất chúng ta có là tinh thần quật cường chống ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ, thì quan niệm đó có sai sót. Nếu so sánh với các dân tộc khác thì cũng khó tự hào về quan niệm đó.

Thí dụ, người Tây Ban Nha sau nhiều thế kỷ vẫn đòi chủ quyền đối với Gibraltar, người Argentina sau vài thế kỷ vẫn khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Falklands/Malvinas. Không những thế, quan niệm đó là không phù hợp với thế giới hiện đại hay với việc Hiến chương Liên Hiệp Quốc không cho phép thụ đắc chủ quyền lãnh thổ bằng bạo lực. Mặc dù Trung Quốc đang chiếm đóng Hoàng Sa bằng bạo lực, theo luật quốc tế thì chủ quyền vẫn thuộc về Việt Nam trừ phi chúng ta bị cho là đã bỏ rơi chủ quyền đó.

Ngược lại, cũng có quan niệm cho rằng tới ngày nào Trung Quốc bị loạn lạc thì chúng ta sẽ đánh chiếm lại Hoàng Sa. Thứ nhất, quan niệm đó là hoang tưởng. Không biết tới ngày nào thì Trung Quốc mới loạn lạc đủ để cho chúng ta có thể chiếm lại và giữ Hoàng Sa. Thứ nhì, tư duy “chờ sung rụng” đó chỉ làm cho chúng ta thụ động thêm, với hệ quả là Hoàng Sa ngày càng xa thêm.

Chúng ta cũng phải biết rõ về những khó khăn thực tế trong việc giành lại Hoàng Sa. Giải pháp quân sự là không thể, giả sử như nếu có thể thì chắc chắn sẽ là rất đắt, và đó là chưa nói đến trên nguyên tắc thì sẽ không phù hợp với thế giới văn minh. Trong tương lai có thể thấy được, giải pháp ngoại giao song phương với Trung Quốc cho Hoàng Sa chỉ là hy vọng hão huyền.

Dựa vào chính mình

Giải pháp ngoại giao đa phương cho Hoàng Sa cũng vô cùng khó khăn. Trong khi thế giới có thể phê phán Trung Quốc về chủ trương hiện thực hóa đường chữ U trên Biển Đông, và trong khi một số nước trong khu vực có thể phản đối các động thái của Trung Quốc trong khu vực Trường Sa, thì đối với Hoàng Sa chủ yếu là Việt Nam sẽ đơn độc trong cuộc đối kháng với Trung Quốc. Trong tranh chấp đảo, các nước bên thứ ba thường không quan tâm về lý lẽ chủ quyền của các bên trong tranh chấp, và thường chọn vị trí trung lập. Vì vậy, không có nước bên thứ ba nào lên án việc Trung Quốc đang chiếm đóng Hoàng Sa bằng vũ lực. Trung Quốc cũng không bị nước bên thứ ba nào lên án khi họ tăng cường đàn áp ngư dân Việt Nam từ năm 2009 nhằm đẩy các ngư dân này ra khỏi vùng biển Hoàng Sa. Trong tương lai, khi Trung Quốc xây cất thêm trên đảo và khai thác khoáng sản trong vùng biển Hoàng Sa, khả năng là Việt Nam sẽ đơn độc trong phản đối. Không những thế, không loại bỏ được khả năng trong tương lai các nước ASEAN khác sẽ gây áp lực đòi Việt Nam rút vấn đề Hoàng Sa xuống khỏi bàn nghị sự, để cho ASEAN có thể đi đến thỏa thuận nào đó với Trung Quốc về những tranh chấp khác.

Vì Trung Quốc không chấp nhận để cho bất cứ tòa án quốc tế nào phân xử tranh chấp Hoàng Sa, hiện nay cũng không có điều kiện cho giải pháp pháp lý.

Tóm lại, chúng ta không thể nào dựa vào niềm tin Trung Quốc sẽ đàm phán về Hoàng Sa và sẽ có nhượng bộ, và cũng không thể dựa vào niềm tin các nước khác sẽ hỗ trợ chúng ta nhiều. Điều chúng ta cần phải nhìn nhận là trong vấn đề Hoàng Sa chúng ta phải dựa vào chính mình hơn cả so với trong những tranh chấp biển đảo khác.

Dựa vào chính mình không thể là dựa vào ngư dân kiên trì bám biển Hoàng Sa. Ngư dân và gia đình của họ là những con người bằng da bằng thịt. Dù dũng cảm đến bao nhiêu, họ khó có thể chịu đựng mãi tình trạng tàu thép và đạn đồng Trung Quốc đè người. Có thể một ngày nào đó họ sẽ không còn bám biển Hoàng Sa nổi nữa.

Dựa vào chính mình là mỗi người chúng ta, từ cá nhân đến nhân viên nhà nước và lãnh đạo cao nhất, phải làm điều đúng và đúng với nghĩa vụ của mình để làm cho đất nước tốt hơn. Đất nước càng tốt thì khả năng đấu tranh cho Hoàng Sa càng cao. Chúng ta không quên rằng việc Trung Quốc chiếm nhóm An Vĩnh, Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa, cũng như một số đảo của quần đảo Trường Sa, đã xảy ra trong những ngày tháng khó khăn của Việt Nam.

Dựa vào chính mình cũng là nhà nước và người dân quan tâm phải làm những gì cần thiết và có thể trong những gì liên quan trực tiếp đến Hoàng Sa.

Ý chí và kiến thức

Điều cần thiết để chúng ta bảo vệ chủ quyền Việt Nam, cần thiết cho danh dự của mỗi người chúng ta, cũng như cho nghĩa vụ vủa chúng ta với các thế hệ trong tương lai, là ý chí, kiến thức và những hành động cần thiết.

Về ý chí, chúng ta phải giữ vững ý chí của mình, và phải giáo dục cho thế hệ sau giữ vững ý chí của họ. Chúng ta cần phải xây dựng một ý chí quốc gia về Hoàng Sa. Thế nhưng có lẽ trong 40 năm qua Hoàng Sa vẫn chưa có vị trí xứng đáng trong nền giáo dục, tâm thức của chúng ta. Nếu chúng ta quan niệm rằng 40, 60 hay 100 năm là quá lâu thì chúng ta có thể noi gương những dân tộc khác vẫn giữ vững ý chí của họ về đòi lại lãnh thổ, dù là sau hàng trăm năm.

Kiến thức về lịch sử và địa lý Hoàng Sa sẽ làm cho Hoàng Sa gần gũi với chúng ta hơn, và sẽ giúp cho chúng ta giữ vững ý chí. Chúng ta sẽ thấy Hoàng Sa không phải là những đảo xa vô nghĩa mà là những kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp, với xương máu của tổ tiên và thế hệ cha, anh.

Kiến thức pháp lý sẽ là cần thiết để chúng ta tranh biện về Hoàng Sa trên các diễn đàn học thuật, chuyên gia và truyền thông quốc tế, và hy vọng một ngày nào đó sẽ là trước một tòa án quốc tế. Chúng ta không nên chủ quan rằng thế giới sẽ thấy một cách dễ ràng rằng chính nghĩa là thuộc về ta, mà chúng ta phải xây dựng khả năng tranh biện ở mức cao nhất, và phải bỏ công sức ra để tranh thủ dư luận. Đặc biệt, chúng ta phải xử lý một cách triệt để những nghi vấn phía đối phương có thể đặt ra cho lập luận của chúng ta. Như một thí dụ, việc Pháp tạm im lặng một thời gian khi tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuấn phái Lý Chuẩn đem pháo thuyền đến Hoàng Sa tuyên bố chủ quyền năm 1909 có ảnh hưởng gì đến chủ quyền Việt Nam hay không? Hay là, khi Việt Nam Cộng Hòa còn tồn tại thì chính thể đó có phải là một chủ thể trong luật quốc tế có thẩm quyền để khẳng định chủ quyền lãnh thổ, và bao gồm cả đối với Hoàng Sa, hay không?

Làm đúng với nhiệm vụ và biến sự quan tâm thành công việc

Về mặt đối nội thì nhà nước cần có chính sách để xây dựng ý chí, kiến thức và khả năng tranh biện, tranh thủ dư luận quốc tế. Về mặt đối ngoại thì nhà nước cần có chính sách hiệu nghiệm để duy trì chủ quyền và giữ cho thế giới không quên rằng Hoàng Sa là lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp chủ quyền, để cho thế giới không ứng xử như thể Hoàng Sa là của Trung Quốc.

Tuy Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ các đảo 40 năm, họ chỉ mới bắt đầu tiến hành siết chặt sự kiểm soát trong vùng biển lân cận từ năm 2009. Trong những năm tới, họ sẽ tiếp tục siết chặt thêm sự kiểm soát và mở rộng vùng họ kiểm soát như vết dầu loang. Điều đó có nghĩa nhiệm vụ của chúng ta đối với Hoàng Sa không chỉ là duy trì chủ quyền để một này nào đó có thể giành lại sự quản lý đã mất trên đảo, mà còn là đấu tranh để chống lại nỗ lực của Trung Quốc để siết chặt và bành trướng sự kiểm soát trên biển.

Dựa vào chính mình cũng là dùng những phương tiện mình có. Như một thí dụ, vì Trung Quốc hoàn toàn không đếm xỉa đến các nỗ lực ngoại giao của Việt Nam liên quan đến chủ quyền đối với Hoàng Sa, Việt Nam nên công khai yêu cầu Trung Quốc ra tòa. Mặc dù chắc chắn Trung Quốc sẽ không chấp nhận ra tòa, việc đó cũng làm cho thế giới thấy họ sợ lẽ phải và dựa vào bạo lực. Nếu Trung Quốc thật sự tin rằng không tồn tại tranh chấp Hoàng Sa, họ cần dũng cảm để cho tòa xét có tồn tại tranh chấp hay không.

Đối với các cá nhân thì người quan tâm nên vừa đặt vấn đề nhà nước có thể làm gì cho Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông, vừa đặt vấn đề bản thân mình có thể làm gì. Nhà nước thi hành đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với Hoàng Sa là cần thiết, nhưng không đủ. Sự quan tâm của người dân là cần thiết, nhưng không đủ. Nói cho nhau nghe Hoàng Sa là của Việt Nam là cần thiết nhưng không đủ. Phải có đủ người quan tâm biến sự quan tâm của mình thành sự sáng tạo, công sức, hành động, hay thành những đóng góp khác cho tranh chấp Hoàng Sa, nhất là trên trường quốc tế.

Mặc dù Trung Quốc đã xâm chiếm một phần của Hoàng Sa khoảng 60 năm, và phần còn lại 40 năm, mặc dù việc giành lại Hoàng Sa là rất khó khăn, hiện nay người duy nhất có thể làm cho chúng ta mất chủ quyền là chính chúng ta. Và chúng ta phải giữ vững ý chí và duy trì chủ quyền đó bằng kiến thức và hành động, bằng cách làm đúng với nhiệm vụ của mình, và bằng cách biến sự quan tâm thành đóng góp thiết thực.

Trong trận hải chiến Trafalgar, khi hạm đội Anh đối đầu với hạm đội phối hợp Pháp – Tây Ban Nha mạnh hơn, đô đốc Anh Horatio Nelson đã giăng lên soái hạm một khẩu hiệu không lời hay chữ đẹp, chỉ với câu “Nước Anh mong đợi mỗi người sẽ làm nhiệm vụ của mình”. Trong bối cảnh tranh chấp Hoàng Sa nói riêng, và bối cảnh của đất nước nói chung, Việt Nam cần mỗi người chúng ta làm đúng với nhiệm vụ và sự quan tâm của mình để cho đất nước tốt hơn, cũng như về những gì liên quan trực tiếp đến tranh chấp biển đảo.

(Thanh Niên)

*****

Mâu thuẫn Biển Đông được hâm nóng lại?

Huy Bùi - Gửi đến BBC từ London - Thứ hai, 13 tháng 1, 2014

hs-05-le-tuong-niem-content

Một lễ ở Hà Nội hồi tháng 3/2013 tưởng niệm trận Gạc Ma 1988

Sắp đến ngày kỷ niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa, thông tin về sự kiện này, các các bài báo, hội thảo… tràn ngập trên truyền thông Việt Nam nhưng các báo Trung Quốc như Nhân Dân Nhật báo, Hoàn Cầu đều im lặng.

Điều này trái hẳn các năm trước, khi mà các tờ báo lớn của Trung Quốc, đến thời gian này, luôn có các bài ca ngợi hoặc đưa tin kỷ niệm sự kiện Hoàng Sa.

Qua sự việc này, không khó để nhận ra Trung Quốc đang tránh gây căng thẳng với Việt Nam một cách trực tiếp.

Thực tế thì từ khi căng thẳng Trung - Việt lên đỉnh điểm năm 2011 qua sự kiện tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu khảo sát Việt Nam, giữa hai nước đã có nhiều cuộc trao đổi, làm việc để hạ nhiệt những bất đồng này càng nhanh càng tốt.

Cụ thể là 'Thỏa thuận giải quyết bất đồng về Biển Đông' được ký kết vào tháng 10 năm 2011, tiếp sau đấy là chuyến viếng thăm của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.

Đến đầu năm 2012, hai vòng đàm phán giữa Bộ Ngoại Giao hai nước đã diễn ra, cộng với việc thiết lập đường dây nóng vào tháng 3 cùng năm, đã giải quyết được một số bất đồng về tranh chấp trên biển Đông, đồng thời đạt thỏa thuận cùng hợp tác ở những vùng không có tranh chấp.

Áp lực nhiều phía

hs-06-ong-dom-tq-content

"Trung Quốc tin rằng Mỹ không vô tư khi nhúng tay vào những bất ổn trong vấn đề Biển Đông"

Với việc Tòa án Quốc tế sẽ giải quyết đơn kiện Trung Quốc của Philippine khoảng giữa năm nay, cộng với các căng thẳng đang có với Nhật Bản hẳn Trung Quốc không muốn 'lưỡng đầu thọ địch' và giải pháp tạm hòa hoãn với các nước trong khối ASEAN là một chính sách hợp lý, khi mà hai bên vẫn trong giai đoạn bàn thảo về một Bộ Quy tắc ứng xử về Biển Đông.

Theo giới phân tích, động thái xuống nước này của Trung Quốc là do áp lực cả trực tiếp lẫn gián tiếp của Mỹ, nước đang tìm cách can dự sâu hơn vào khu vực.

Các nhà làm chính sách của Trung Quốc tin rằng Mỹ không vô tư nhúng tay vào những bất ổn trong vấn đề Biển Đông mà thực chất, Mỹ đang lợi dụng những xung đột này để 'đâm bị thóc, chọc bị gạo' nhằm khoét sâu những mâu thuẫn sẵn có giữa Trung Quốc và khối ASEAN, hợp lý hóa sự có mặt lực lượng hải quân và hơn hết là để kiểm soát Trung Quốc.

Thế nhưng, kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc đồng ý ngồi vào bàn đàm phán song phương đến nay, mọi việc như đang dậm chân tại chỗ và vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa hai nước không có tiến triển gì khả quan hơn.

Không quá khi khẳng định rằng, mối quan hệ bang giao giữa Trung Quốc, do các xung đột về Biển Đông trong mấy năm qua, làm cho nguội lạnh.

Chính giải pháp mềm mỏng tạm thời của Trung Quốc, cũng như thiện chí của Việt Nam trong việc đàm phán song phương đã làm nóng lại mối qua hệ khá đặc biệt giữa hai quốc gia này.

Tuy nhiên, khác với Philippines, vốn có đồng minh hùng mạnh là Mỹ ủng hộ thì Việt Nam, một nước mà căng thẳng về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc đã từng dẫn đến các xung đột vũ trang trong quá khứ, ở một vị thế khác, lại không muốn trình trạng Biển Đông quá yên ắng, hay nói cách khác là có thể rơi vào quên lãng và như thế, sự việc có khả năng sẽ bị chìm đi.

Lẽ thường thì động thái cải thiện mối quan hệ giữa hai nước khi nó đang có vấn đề là có thể hiểu được và hợp lô-gích, nhưng trong trường hợp này, khi mà những bất đồng không được giải quyết một cách rốt ráo, thì việc hâm nóng lại mâu thuẫn có vẻ hợp lý hơn.

Và phải chăng sự kiện một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công hôm 2/1/2014, cũng như việc Trung Quốc chính thức bắt buộc các tàu đánh cá nước ngoài, từ 1/1/2014, khi hoạt động trên Biển Đông phải xin phép chính quyền Hải Nam, đã tạo điều kiện để tình hình tiếp tục nóng, và như thế, Việt Nam sẽ có tiếng nói trở lại trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Huy Bùi, Nghiên cứu sinh thạc sĩ ngành quan hệ quốc tế, đại học Stafforshire, Anh Quốc.

*****

Từ Hoàng Sa nghĩ về tương lai Biển Đông

Thạc sỹ Hoàng Việt - Gửi cho BBCVietnamese.com từ TP.HCM

Cập nhật: Thứ hai, 13 tháng 1, 2014

hs-07-hai-quan-vnch-content

Cách đây 40 năm, cũng vào tháng 1, Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

Hoàng Sa là sự kiện khởi đầu cho một chuỗi những hành động quân sự của Trung Quốc đối với các đảo, đá ngoài khơi trên vùng biển Đông. Tiếp sau sự kiện Hoàng Sa năm 1974 đó là sự kiện Trường Sa năm 1988, sự kiện bãi Vành Khăn năm 1995.

Cho đến nay, 40 năm đã trôi qua, bài học về Hoàng Sa là gì? Và khả năng trong tương lai Trung Quốc sẽ lặp lại những sự kiện như Hoàng Sa trên biển Đông và biển Hoa Đông không?

Đây là những vấn đề luôn có những tranh luận khác nhau, bài viết này chỉ nhằm cung cấp với độc giả một cái nhìn.

Quần đảo Hoàng Sa gồm hai nhóm đảo chính, nhóm Nguyệt Thiềm (Crescen) nằm ở phía Tây Nam quần đảo, nhóm An Vĩnh (Amphitrite) nằm ở phía Đông Bắc. Năm 1956 nhân khi người Pháp sau khi ký hiệp định Geneve và rút khỏi Đông Dương, quân đội Trung Quốc đã chiếm đảo Phú Lâm (Woody) thuộc nhóm An Vĩnh (Amphitrite).

Trước đó, quân đội Pháp đã chiếm đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc nhóm Trăng Khuyết (Crescen), rồi đến năm 1956, quân đội Việt Nam Cộng hòa đã thay chân Pháp kiểm soát đảo này. Ngày 19 tháng 1 năm 1974, quân đội Trung Quốc đã tấn công quân đội VNCH và đến ngày 20/1/1974, quân đội Trung Quốc đã thành công trong việc chiếm đoạt toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Sự kiện Hoàng Sa năm 1974 cho thấy Trung Quốc đã tính toán rất kỹ thời điểm để họ ra tay.

Tầm nhìn chiến lược

Trung Quốc đã thấy những lợi ích to lớn của biển và đại dương cả ở góc độ kinh tế lẫn chiến lược. Năm 1958, Hội nghị đầu tiên về Công ước luật biển của Liên Hợp Quốc đã được nhóm họp, và đã cho ra đời bốn công ước về biển.

Lúc này nhiều quốc gia cũng đã giành nhau những khu vực biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vốn rất giàu tiềm năng kinh tế. Thấy trước các lợi ích đó nên Trung Quốc đã tham gia tích cực trong hội nghị này.

hs-08-hai-chien-content

Trong hải chiến Hoàng Sa 1974, 74 hải quân VNCH đã thiệt mạng

Những sự đụng độ giữa Trung Quốc và VNCH trên khu vực nhóm đảo Trăng Khuyết đã diễn ra từ năm 1959. Đầu năm 1959, hải quân của VN cộng hòa bắt đầu thách thức sự có mặt của hải quân Trung Quốc nơi đây. Tháng 2 năm 1959, quân đội VNCH đã bắt giữ 82 ngư dân Trung Quốc trên đảo Quang Hòa (Duncan) và Trung Quốc đã chỉ trích hành động này rất mạnh mẽ.

Tháng 3 năm 1959, các tàu của quân đội VNCH đã xua đuổi ngư dân Trung Quốc khi họ xuất hiện trên đảo Quang Hòa. Tuy nhiên trong suốt khoảng thời gian từ năm 1960 cho đến năm 1973, giữa Trung Quốc và VNCH đã không xảy ra căng thẳng nào, ngoại trừ một lần vào năm 1961.

Hành động “xuống thang” này của Trung Quốc thực ra bởi hai lý do: Thứ nhất, sức mạnh của Hải quân Trung Quốc còn quá yếu; thứ hai, Trung Quốc luôn e ngại sự tham chiến của Hải quân Hoa Kỳ, vốn đang bảo trợ cho đồng minh VNCH.

Sau những lần đụng độ với VNCH trên đảo Quang Hòa năm 1959, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã chỉ thị cho Bộ trưởng quốc phòng Bành Đức Hoài cần phải tăng cường lực lượng tác chiến cho hạm đội Nam Hải.

Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc lúc này vẫn chưa có tàu khu trục nào. Hạm đội này chỉ có 96 tàu tuần tra mà hầu hết là các loại tàu phóng ngư lôi loại nhỏ. Năm 1960, loại tàu lớn nhất trong hạm đội này là loại tàu hộ tống với độ choán nước khoảng 1000 tấn. Đến cuối năm 1973, hải quân Trung Quốc đã điều động tổng cộng 76 tàu tuần tra loại lớn tới khu vực này, hầu hết các tàu này hoạt động tại khu vực nhóm đảo An Vĩnh, nhưng cũng có khi hoạt động sang cả khu vực của nhóm Trăng Khuyết.

Như vậy, sức mạnh tác chiến của hải quân Trung Quốc tại đây đã được cải thiện đáng kể.

Tự bảo đảm an ninh

"Bài học cho sự kiện Hoàng Sa năm 1974 có thể tổng kết ngắn gọn là: thứ nhất, Trung Quốc sẵn sàng ra tay bằng biện pháp vũ lực nếu thời, thế chín muồi đối với họ; thứ hai, Hoa Kỳ có thể “bán rẻ” đồng minh vì lợi ích của chính họ."

Còn về phía Hoa Kỳ, sau khi tỏ rõ sự thất bại của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, năm 1969, Nixon đã tuyên bố một học thuyết về an ninh, theo đó, các đồng minh của Hoa Kỳ cần phải tự đảm bảo an ninh cho mình. Đến năm 1973, Hoa Kỳ đã tham gia ký kết Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam, theo đó, Hoa Kỳ sẽ lần lượt rút quân khỏi Việt Nam.

Trước đó, năm 1972, Tổng thống Hoa Kỳ - Nixon đã sang thăm Trung Quốc. Chi tiết về trao đổi giữa các bên không được công bố, thế nhưng dường như phía Trung quốc đã nhận được tín hiệu “mi không động đến ta thì ta không động đến mi” từ phía Hoa Kỳ.

Chính vì vậy, thời điểm năm 1974 là thời điểm chín muồi để Trung Quốc ra tay. Sức mạnh của hải quân Trung Quốc lúc này đã được cải thiện đáng kể, hải quân Hoa Kỳ không còn là mối lo ngại, chưa kể lúc này tinh thần của VNCH đang đi xuống, khi đồng minh quan trọng của VNCH là Hoa Kỳ đang “tháo chạy”. Trung Quốc đã giương ra một cái bẫy, quân đội VNCH không kiềm chế được nên đã rơi vào bẫy mà Trung Quốc đã giăng ra. Và kết cục là Trung Quốc đã thành công.

Bài học cho sự kiện Hoàng Sa năm 1974 có thể tổng kết ngắn gọn là: thứ nhất, Trung Quốc sẵn sàng ra tay bằng biện pháp vũ lực nếu thời, thế chín muồi đối với họ; thứ hai, Hoa Kỳ có thể “bán rẻ” đồng minh vì lợi ích của chính họ.

Người Trung Quốc được Nguyễn Trãi tổng kết là “hiếu đại, hỷ công, cùng binh, độc vũ”. Họ luôn sẵn sàng dùng vũ lực nếu thấy cần thiết. Thấu triệt tư tưởng này của người Trung Quốc chính là Mao Trạch Đông – lãnh tụ sáng lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ông đã từng phát biểu “họng súng đẻ ra chính quyền”. Còn các cường quốc, khi vì lợi ích của chính họ, sẵn sàng “bỏ rơi” các đồng minh mà họ từng cam kết bảo vệ. Câu chuyện Hoa Kỳ bỏ rơi VNCH năm 1974, Liên Xô làm ngơ trước sự kiện 1988 đã chứng minh cho điều đó.

Biển Đông hiện nay vẫn như một nước cờ trong ván cờ toàn cầu với hai “tay chơi” chính là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Về mặt toàn cầu, Hoa kỳ vẫn đang là một siêu cường, một cường quốc thế giới, chi phối an ninh toàn cầu. Còn Trung Quốc với vị thế là một cường quốc khu vực, đang “dợm mình” vươn lên để trở thành một siêu cường, cạnh tranh với Hoa Kỳ.

Về mặt ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu thì Trung Quốc chưa thể cạnh tranh với Hoa Kỳ, nhưng tại khu vực Đông Á, rõ ràng Trung Quốc đang tìm cách thách thức vị trí của Hoa Kỳ, nhằm “thay chân” ảnh hưởng của Mỹ tại đây.


Tương lai trên Biển Đông?

Trong một thời gian dài, Hoa Kỳ bận với mối lo khủng bố từ khu vực Trung Đông và khủng hoảng kinh tế của mình, nên đã để cho Trung quốc gần như “múa gậy vườn hoang” tại khu vực Đông Á. Cho tới 2009 khi thấy Trung Quốc quá lấn lướt tại khu vực Đông Á, Hoa Kỳ mới quay trở lại và sau đó tung ra chính sách “xoay trục châu Á”, nhằm duy trì lại và tăng cường ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thế nhưng, những sự kiện nối tiếp nhau trên biển Đông và biển Hoa Đông từ năm 2007 tới nay, đã cho thấy các hành động “leo thang” có tính toán kỹ lưỡng từ phía Trung Quốc cùng với sự “bất lực” của Hoa Kỳ và các đồng minh trước các sự kiện này.

Các hành động này của Trung Quốc dường như để đạt hai mục tiêu: thứ nhất, đây là những phép thử để Trung Quốc có thể tính toán được mức độ can dự của Hoa Kỳ vào khu vực này; thứ hai, đây là những tín hiệu để cảnh báo các quốc gia Đông Á “Thượng đế ở xa mà Trung Quốc lại ở sát bên cạnh”, chớ có dại mà chạy theo Hoa Kỳ chống lại “Thiên triều”.

Thực tế những hành động mang tính “khiêu khích” trong suốt thời gian qua của Trung Quốc tại biển Đông và biển Hoa Đông đã cho thấy hiệu quả trong chính sách của họ cũng như những giới hạn trong việc can dự vào khu vực này của Hoa Kỳ. Trước những hành động quyết đoán của Trung Quốc, Hoa Kỳ luôn có những phản ứng, nhưng những phản ứng này chỉ dừng lại ở việc “lên tiếng”, khiến cho các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ không thực sự an tâm trước tình thế này.

Các chính khách Hoa Kỳ đã tỏ rõ là chính sách “xoay trục châu Á” của họ không bao gồm các biện pháp quân sự, mà chỉ nhằm thúc đẩy vai trò kinh tế của Hoa Kỳ với các nước châu Á, cũng như các cam kết mang tính chiến lược với các đồng minh và các đối tác liên minh.

"Điều mà Việt Nam và các quốc gia khác vẫn đang lo ngại là liệu Hoa Kỳ có thực tâm giữ vững các cam kết của mình? "

Hiểu rõ giới hạn đó nên Trung Quốc tìm cách gia tăng hành động trên mọi phương diện, lúc sử dụng lực lượng bán quân sự, lúc thì sử dụng biện pháp ngoại giao, kinh tế cùng với các đe dọa quân sự đối với các quốc gia Đông Á. Và cho đến nay, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực này dường như đang tăng lên, bất chấp các lo ngại về các chính sách di dân, hàng hóa rẻ tiền, và các tham vọng lãnh thổ của họ.

Điều mà Việt Nam và các quốc gia khác vẫn đang lo ngại là liệu Hoa Kỳ có thực tâm giữ vững các cam kết của mình? Và khả năng can dự của Hoa Kỳ sẽ đến đâu nếu xảy ra xung đột? Trong cuộc tranh chấp Scarborough, chiến thuật “cải bắp” của Trung Quốc dường như đã phát huy tác dụng, phản ứng của Hoa Kỳ vẫn chỉ là “lên tiếng” và thực tế, cho đến nay, Philippines đã mất quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough.

Và Nhật Bản, một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ ở Đông Á, trước những hành động “leo thang” căng thẳng của Trung Quốc tại khu vực Senkaku, đã phải tính đến những phương án xấu nhất, khi Trung Quốc lặp lại kịch bản Hoàng Sa đối với Senkaku, và đồng minh Hoa Kỳ sẽ “bỏ rơi” họ như đã từng làm với VNCH. Tuy nhiên, Nhật Bản còn là quốc gia có tiềm lực kinh tế và quân sự ngang ngửa với Trung Quốc, chứ còn Việt Nam hay Philippines thì còn lâu mới so sánh tiềm lực được với Trung Quốc.

Như thế, kịch bản Hoàng Sa năm 1974 luôn có thể diễn ra trong tương lai, nhưng có thể dưới những hình thức khác, khi mà trên bàn cờ quốc tế, các cường quốc như những chú voi, khi “yêu nhau” hay “đánh nhau” thì đám cỏ - những nước nhỏ, luôn bị chúng dẫm nát.

Vì vậy, mỗi quốc gia tranh chấp lãnh thổ biển với Trung Quốc nên cần tự đặt riêng cho mình một chiến lược để đối phó với các tình huống xấu nhất trong tương lai.

Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, nhà nghiên cứu về luật pháp quốc tế và Biển Đông.

*****

Hoàng Sa Thiêng Liêng

Tác giả: Trần Khải- Việt Báo Online - 01/14/2014

Hình ảnh trận hải chiến Hoàng Sa lần đầu tiên được chính phủ Hà Nội cho phép công bố. Đây có phải là cơ hội để hòa giải hai miền, khi những buổi vinh danh tử sĩ VNCH đang được tổ chức tại quê nhà? Nhà báo Huy Đức, cũng là blogger Osin, tin rằng đây là cơ hôi vàng để hòa giải quốc gia, tuy là muộn màng.

Dù vậy, gian nan vẫn còn trắc trở. Đài RFA đã phỏng vấn nhà văn Hoàng Minh Tường về cuốn tiểu thuyết Sóng gió Biển Đông của ông đang bị khựng lại, vì nội dung kể chuyện những chiến binh Hải quân VNCH trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa. Có điều gì sai trong tiểu thuyết này để chận lại? Lý do mơ hồ, và ngay cả khi in được nhờ nhà xuất bản khác, thì cũng đã bỏ lở dịp tưởng niệm 19-1 rồi.

Trang Xuân Diên Hán Nôm đã trích một chương từ Sóng gió Biển Đông của nhà văn Hoàng Minh Tường, và độc giả có thể thấy rằng đây là một tuyệt tác, và là lời kể chuyện về những sự thật mà các chiến binh Hải quân VNCH đã tham dự, đã chứng kiến, đã biết từ lâu rồi ...


Như thế mới thấy, chặng đường hòa giải thật là khó ... bất kể Hoàng Sa là hình ảnh thiêng liêng tới như thế nào đối với dân tộc.

Trang Bauxite VN đăng bài của Huy Đức tưạ đề “Hoàng Sa & Hòa Giải Quốc Gia,” trong đó có những đoạn như sau:

“...Phải mất 40 năm sau, báo chí nhà nước mới bắt đầu đăng hình bà quả phụ trung tá Ngụy Văn Thà lên trang nhất, sau khi một tổ chức "dân lập" - Trung tâm Minh Triết - chứng nhận chồng bà đã "hành động vì biển đảo".

Phải mất 40 năm sau, các thế hệ người Việt trong nước mới biết hình ảnh trung tá Ngụy Văn Thà, thiếu tá Nguyễn Thành Trí, đứng thẳng trên đài chỉ huy chiến hạm Nhựt Tảo khi những loạt đạn đang bắn từ các tàu Trung Quốc; biết đến, hai hạ sĩ Lê Văn Tây và Ngô Văn Sáu từ chối xuống tàu cứu sinh, chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng rồi đi vào lòng biển Hoàng Sa cùng con tàu Nhựt Tảo.

"Hóa ra họ cũng có ý thức bảo vệ đất nước không hề kém chúng ta”. Ngày 14-3-1988, trên bãi đá ngầm Gạc Ma, trước mũi súng bắn thẳng của quân Trung Quốc xâm lược, các chiến sỹ hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam đã quyết không rời khỏi lãnh thổ thiêng liêng. Trong ngày hôm ấy, 64 người lính Việt Nam đã chết trong tư thế hiên ngang, máu họ đã lắng lại thành những cột mốc muôn đời trên biển.

Mười bốn năm trước đó, ngày 19-1-1974, khi một đơn vị hải kích gồm hai nhóm của Việt Nam Cộng Hòa đổ bộ lên chiếm lại đảo Quang Hòa, nhóm người nhái phải lội qua một đầm nước trống trải, ngập đến thắt lưng... Từ bắc đảo, quân Trung Quốc ào ạt đổ bộ lên, chúng núp sau các tảng đá dùng đại liên và cối 82 bắn thẳng vào đội hình - hai người lính Việt Nam Cộng Hòa tử thương, hai bị thương - nhóm hải kích vẫn không lùi bước. Trong ngày hôm ấy, 74 người lính Việt Nam đã chết trong tư thế hiên ngang, máu họ đã lắng lại thành những cột mốc muôn đời trên biển.

"Hóa ra họ cũng có ý thức bảo vệ đất nước không hề kém chúng ta”.

Thật trớ trêu thay, chỉ khi đứng trước dã tâm của quân Trung Quốc, những người đi từ miền Bắc mới có thể thốt lên, hóa ra người anh em miền Nam của mình cũng sẵn sàng xả thân bảo vệ non sông, đất nước.

Bất cứ điều gì xảy ra cũng đều có lý do, nhưng tại sao phải đợi quân Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa những người như ông Quang mới nhận ra chân lý đó? Năm 1974, Việt Nam Cộng hòa từng có ý định dùng không quân lấy lại Hoàng Sa, theo phi công Nguyễn Thành Trung: “Mấy ông cấp tá... phát biểu trong cuộc họp rằng: Đánh với Việt Cộng là chỉ đánh chơi thôi... Đánh với Trung Cộng mới là đánh, cho nên trận này... cấp đại tá, trung tá, thiếu tá đánh trước, đánh cho họ biết người Việt Nam là như thế nào..."...”(hết trích)

Nhưng hòa giải thật không dễ. Đài RFA phỏng vấn nhà văn Hoàng Minh Tường về chuyện tiểu thuyết Sóng gió Biển Đông bị khựng lại, bất kể sách này trước đó đã in một phần và bây giờ chỉ bổ túc 2 chương về Hải chiến Hoàng Sa và Trường Sa, và đã được Cục xuất bản cho phép:

“Mặc Lâm (RFA): Anh vừa nói là Sóng gió Biển Đông được bổ xung thêm chương hải chiến Hoàng Sa, anh có căn cứ trên tài liệu vừa được công bố rộng rãi trong thời gian vừa qua hay dựa vào đó để hư cấu thêm cho đúng với tinh thần một cuốn tiểu thuyết?

Nhà văn Hoàng Minh Tường: Vâng, chương này được tôi hư cấu trên những tài liệu mà tôi đã đọc được. Rất nhiều tài liệu từ các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã tham gia trận chiến Hoàng Sa trên các trang mạng và tôi theo rất sát sự thật. Nhân vật của tôi là người tham chiến trên con tàu HQ10 Nhật Tảo của Thiếu tá Ngụy Văn Thà và tôi chỉ xoay quanh cái tàu ấy thôi chứ tôi không viết cả một cuộc chiến vì cuộc chiến này có sự tham gia của 4 chiếc tàu. Tôi theo nhân vật vì đây là cuốn tiểu thuyết nên nhân vật phải gắn bó với một bối cảnh. Trong chương này có anh Thiếu úy Đỗ Trọng Hải đã tham gia trên tàu Nhật Tảo của Thiếu tá Ngụy Văn Thà. Tôi viết nhân vật này gắn liền với cuộc chiến trên tàu.

Tất nhiên những cứ liệu hoàn toàn là có cơ sở từ ngày chiếc tàu khởi hành tại Đà Nẵng vào ngày 17 cho tới tới ngày 19 thì tàu đã bị nó đánh chìm...”(hết trích)

Trang Xuân Diện Hán Nôm đã trích từ Sóng Gió Biển Đông, tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường, chương 15 được giới thiệu là nhật ký của thiếu úy quân đội VNCH Đỗ Trọng Hải, người xã Hải Thuỷ tham gia trận hải chiến Hoàng Sa, ngày 18 và 19 tháng 1 năm 1974.

Trích như sau:

“...Hợp chúng quốc Hoa Kỳ

Ngày… tháng… năm…

Nghĩa tử là Đỗ Trọng Đạt, hậu duệ đời thứ 25, đứa con bất hiếu, kẻ lưu vong bất trung, bất nghĩa, hiện sinh sống ở 1780-HD- SanJose California, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Kính dâng liệt tổ liệt tông dòng họ Đỗ Trọng, Hải Thủy, những kỷ vật và bút tích về sự nối bước Tiền nhân của các hậu duệ Đỗ Trọng tộc, trong việc góp máu xương bảo vệ biên cương hải đảo nước Việt Nam trước nạn xâm lăng của ngoại bang.

Những dòng ghi chép này là của Thiếu úy hải quân Đỗ Trọng Hải, sỹ quan hải hành trên hộ tống hạm Nhật Tảo, đã tham gia trận hải chiến Hoàng Sa ngày 18 và 19 tháng 1 năm Giáp Dần, 1974...

...

Thiếu tá hạm trưởng Ngụy Văn Thà thông báo: Hạm tàu Nhật Tảo mở máy tốc hành đi bảo vệ quần đảo Hoàng Sa.

Hoàng Sa ư? Tôi bỗng thấy lòng mình dội lên một tình cảm khó tả. Đây là vùng ngư trường truyền thống bao đời của dân Hải Thủy quê tôi. Cha tôi kể lại rằng, đã mấy đời nay, từ thời vua Tự Đức, dòng họ Đỗ Trọng chúng tôi đều có người ra trấn giữ Hoàng Sa. Chuyến đi của cha tôi, đại tá hải quân Đỗ Trọng Đạt, ra thị sát Hoàng Sa năm 1973 như hiển hiện trong đầu. Chính cha đã phát hiện ra tấm bia đá ở Miếu Bà trên đảo Khí tượng có ghi dòng lạc khoản tên quan Chưởng cơ đội Hoàng Sa - Bắc Hải, Đỗ Trọng Đính, người làng Thượng xã Hải Thủy… đã cung tiến xây Miếu. Ôi, dòng họ Đỗ Hải Thủy của tôi, đời tiếp đời đã mang xương máu bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Đến lượt tôi hôm nay, thiếu úy hải quân Đỗ Trọng Hải, tôi có dám vị quốc vong thân để xứng đáng với ông cha?

...

Tàu HQ16 vừa qua khỏi pass bên kia tiến vào lòng chảo, cách tàu chúng tôi chừng một hải lý, cách ba tàu Trung Cộng chừng 3 đến 4 hải lý. Thiếu tá hạm trưởng Ngụy Văn Thà nhận được điện báo của trung tá Lê Văn Thự, đứng lặng phắc một phút, rồi bỗng dõng dạc: “Mục tiêu tàu Trung Cộng 389, khai hỏa”.

Hạm tàu rùng rùng như con giao long quẫy sóng. Bên kia, đại bác tàu HQ16 cũng phụt lửa, gầm lên. Tôi nhìn rõ những cột nước dựng đứng bao phủ bốn tàu địch. Rồi một cột lửa màu cam, một cột khói lớn. Cháy rồi. Tiếng hò reo đến vỡ cổ họng…

Nhưng không. Sau mấy phút bất ngờ, tàu địch xoay mũi tàu, bắt đầu phản pháo. Tiếng đạn nổ nhức óc. Tiếng ràn rạt như có hàng nghìn con chim biển ào đến. Những cột nước cao ngất và khói trắng đục phủ kín tàu.

Thiếu tá Ngụy Văn Thà đang hét lên lệnh cho các ụ súng bắn cấp tập, bỗng chao đảo. Một quả đạn bắn gãy tháp pháo. Một quả hỏa tiễn nổ tung buồng điều khiển. Hạm tàu rung lắc dữ dội, mạn tàu chao nghiêng đột ngột. Thiếu tá Ngụy Văn Thà lấy tay ôm ngực. Một dòng máu nhuộm đỏ sắc phục trắng toát của anh…

- Thiếu tá! Tôi lao đến, ôm lấy hạm trưởng.

Ngụy Văn Thà gạt tay tôi, đứng thẳng dậy, thét to:

- Hạm tàu trúng đạn, có thể chìm. Toàn tàu chuẩn bị đào thoát.

Tôi dìu hạm trưởng xuống dưới hầm, nhưng anh lắc đầu, thì thào:

- Cho tôi ở lại buồng lái để sống mái với giặc… Nhảy xuống biển đi, thiếu úy… Hãy bơi về Tuần dương hạm Trần Bình Trọng…

Một cánh tay giật tôi ra khỏi buồng lái, quăng xuống biển.

Khoảng năm phút sau, khi đã rời xa tàu, tôi nhìn về phía hạm tàu Nhật Tảo và nhận ra con tàu của chúng tôi chìm dần, mang theo xuống đáy Biển Đông người hạm trưởng và 61 chiến binh anh hùng…”(hết trích - toàn văn chương 15 ở: http://xuandienhannom.blogspot.com)

Hòa giải, con đường thật xa ... có vẻ như đã tới gần. Thực tế, với người dân, hòa giải không là chuyện gì để tranh cãi.

Vì chính những dòng chữ của nhà văn Hoàng Minh Tường đã cho thấy rằng, những người con của dân tộc đã hy sinh ở Hoàng Sa đã vượt ra ngoài mọi biên giới của chánh thể.

Họ chính là chiến binh của Vua Trần Nhân Tông, là thủy binh của Đức Trần Hưng Đạo, là kỵ binh của Quang Trung Nguyễn Huệ ... Không thể nói khác hơn được: chính họ là hiện thân của hồn thiêng sông núi Việt.

*****

Người Việt ký thư yêu cầu đưa tranh chấp Hoàng Sa ra tòa quốc tế

VOA - Thứ ba, 14/01/2014


hs-09-voa-content

Trà Mi-VOA

Kỷ niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa 1974, hàng ngàn người Việt trong và ngoài nước ký tên vào thỉnh nguyện thư gửi Liên hiệp quốckhẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và tố cáo Trung Quốc đánh chiếm quần đảo này trái phép.

Bức thư vừa phổ biến trên trang Quỹ Nghiên cứu Biển Đông qncbđworpress.com trình bày cụ thể các dẫn chứng lịch sử, kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ luật quốc tế bằng cách đưa tranh chấp ra Toà án Quốc tế phân định.

Những người ký tên trong thư chất vấn rằng nếu Trung Quốc có đủ bằng chứng về chủ quyền Hoàng Sa như những lời tuyên bố của Bắc Kinh lâu nay thì không có lý do gì khiến Trung Quốc luôn phản đối hoặc cản trở đưa vụ việc ra giải quyết minh bạch, công bằng tại một toà án quốc tế.

Thư lên án ‘hành động quân sự của Trung Quốc năm 1974 xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa rõ ràng đã vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng những biện pháp hoà bình

Thư nói ngày 191/ năm nay cũng cơ hội để thế giới nhìn lại trận hải chiến Hoàng Sa cách đây 4 thập niên và là dịp để Trung Quốc ‘có thể sửa chữa sai lầm của mình trong quá khư'.

Một người ký tên trong thỉnh nguyện thư, blogger Lê Anh Hùng, nói bức thư không mang tính chính phủ hay tổ chức nào, nhưng giá trị của nó là những tiếng nói thổn thức của người dân Việt Nam trong và ngoài nước:

"Đây là hành động theo kênh dân sự. Điều này một là thể hiện tinh thần trách nhiệm của người dân Việt Nam trong và ngoài nước, hai là qua đó để đánh động chính phủ Việt Nam buộc họ phải hành xử theo cách mà chính phủ Philippines đang làm với Trung Quốc."

Blogger này cho rằng dù bức thư có mang lại hiệu quả mong đợi hay không, điều quan trọng là:

"Dù có hay không đây cũng là một bước tiến quan trọng và đáng khích lệ trong công cuộc đấu tranh đòi lại chủ quyền Hoàng Sa từ tay Trung Quốc."

Thư được gửi đến Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Ban Pháp quyền Liên Hiệp Quốc, Uỷ ban Giải trừ quân bị-An ninh Quốc tế, và Toà án Công lý Quốc tế.

Thời hạn chót thu thập chữ ký là 19/1, ngày kỷ niệm đúng 4 thập niên trận chiến Hoàng Sa giữa hải quân Việt Nam Cộng Hòa với hải quân Trung Quốc dẫn tới việc Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát toàn bộ Hoàng Sa.

Tính đến tối ngày 13/1 đã có hơn 3,500 người Việt trên khắp thế giới ký vào thỉnh nguyện thư trên mạng, trong số này có Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu.

*****

Kiện Trung Quốc, Việt Nam được gì?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok - 2014-01-14

hs-10-ban-do-content

Đường lưỡi bò trên bản đồ của Trung Quốc gâybất bình với các nước trong khu vực - AFP

Trong những hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm người Việt khắp nơi đang vận động khởi kiện hành vi này ra trước tòa Công lý quốc tế. Mặc Lâm tìm hiểu thêm những góc cạnh của vấn đề này.

Lịch sử chứng minh một cách xác thực rằng vào ngày 17 tháng Giêng năm 1974 Trung Quốc đã phát động cuộc chiến chống lại hải quân VNCH để chiếm cứ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam một cách bất hợp pháp. Đối với luật pháp quốc tế thì hành vi xâm lược này phải bị lên án và phân xử. Đối với tinh thần dân tộc, bất cứ người Việt Nam nào cũng dặn lòng rằng tới một lúc nào đó phải đứng lên dành lại phần máu thịt này bằng mọi cách, trong đó không loại trừ khả năng đem Trung Quốc ra tòa án quốc tế để tố cáo hành động xâm lăng của phương bắc.

Kiện càng sớm càng tốt

40 năm so với lịch sử không phải là dài nhưng đối với luật pháp quốc tế thì không hề ngắn. Nếu xem công hàm Phạm Văn Đồng là một trở ngại pháp lý thì Việt Nam càng phải nhanh chóng nộp đơn kiện Trung Quốc trong thời điểm này.

Trong khi công hàm Phạm Văn Đồng vẫn còn gây tranh luận giữa giới luật học, học giả và các nhà nghiên cứu Biển Đông cũng như án lệ của tòa quốc tế về thuyết Estoppel thì một vụ kiện về cuộc chiến xâm lược sẽ chứng minh sự phân chia địa chính trị cũng như hoạt động chính phủ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại miền bắc và Việt Nam Cộng Hòa tại miền nam là vấn đề lịch sử và mọi biến chuyển chung quanh tờ công hàm mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký phải được Tòa Công lý quốc tế xem xét như một áp lực từ Trung Quốc khi cuộc chiến đang xảy ra giữa hai miền nam bắc.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhận định:

-Thời điểm 40 năm ngày Trung Quốc xâm lược hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa thì cũng là một thời điểm rất là tốt để chúng ta một lần nữa tố cáo và nói cho dư luận biết rõ cái hành vi sai trái đó của Trung Quốc. Chúng ta dùng mọi biện pháp có thể để giành lấy chủ quyền của Việt Nam đã được công luận dư luận và luật pháp quốc tế thừa nhận thì tôi nghĩ đây là một cơ hội.

Việc đó nhà nước Việt Nam đã có những hoạt động chống lại từ khá lâu chứ không phải đến bây giờ chúng ta mới làm nhưng thời điểm này đáng lưu ý để đẩy mạnh thêm hoạt động cụ thể của nó nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà Trung Quốc vẫn không bao giờ dừng bước và càng ngày càng lấn tới.

hs-11-bieu-ngu-content

Biểu ngữ tưởng nhớ những người bỏ mình ở Hoàng Sa, Trường Sa trong cuộc biểu tình tại Hà Nội ngày 24/7/2011 - Hình: Blog Anh Ba Sàm

Thời điểm 40 năm đã quá dài cho Việt Nam mặc dù Hà Nội từng lên tiếng chống đối sự xâm lăng này sau năm 1979, chỉ sau khi Trung Quốc tiếp tục xâm lăng Việt Nam lần thứ hai. Sự lên tiếng ấy có giá trị nhóm lên ngọn lửa chống xâm lăng trong nước nhưng không có kết quả cụ thể gì đối với quốc tế.

40 năm so với lịch sử không phải là dài nhưng đối với luật pháp quốc tế thì không hề ngắn. Nếu xem công hàm Phạm Văn Đồng là một trở ngại pháp lý thì Việt Nam càng phải nhanh chóng nộp đơn kiện Trung Quốc trong thời điểm này

Một vụ kiện Trung Quốc trong thời điểm này sẽ giúp Việt Nam thoát được cái bẫy “acquiescement” được quy định tại Tòa quốc tế. Theo lời của bà Giáo sư Monique Chemillier Gendreau của Pháp khi giúp Việt Nam nghiên cứu về vấn đề đòi lại Hoàng Sa đã cho rằng Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý cũng như lịch sử về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên nếu Hà Nội không nhanh chóng có hành động công khai chống lại việc Trung Quốc chiếm giữ Hoàng Sa thì sẽ bị Tòa Quốc tế buộc có thái độ thụ động trong một thời gian dài và do đó quy định acquiescement, tức sự đồng thuận, có thể được thành lập.

Tuy nhiên trở ngại đầu tiên là nếu Việt Nam chính thức khởi kiện Trung Quốc có thể sẽ bị nước này từ chối tham gia vụ kiện và theo lý thuyết, nếu một bên từ chối thi hành phán quyết của tòa, vấn đề có thể được chuyển lên cho Hội đồng Bảo an LHQ xử lý. Trung Quốc là một trong 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng này thì khả năng bác bỏ vụ kiện sẽ là 100%.

Thực tế này được Thạc sĩ Hoàng Việt hiện đang giảng dạy tại Đại học luật thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ:

-Phát biểu của một số người cho rằng hiện nay là thời điểm tốt để Việt Nam đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhưng một vần đề rất quan trọng và khó khăn là đưa theo hình thức nào bởi vì sự từ chối tham dự một phiên tòa quốc tế nó khác, nó rất quan trọng vì tòa án quốc tế đòi hỏi phải có sự đồng thuận các bên mà bây giờ Trung Quốc họ đang từ chối vì vậy khi chúng ta đơn phương đưa ra thì tòa sẽ không chấp thuận.

hs-12-ba-giao-content

Bà Giáo sư Monique Chemillier Gendreau - Files photos

Cái lợi của vụ kiện

Nhiều vụ kiện cho thấy kể cả vụ kiện này nếu được Trung Quốc chấp nhận thì các phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế trước sau gì cũng chỉ mang ý nghĩa chính trị và không có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa sẽ có một hiệu lực khác đó là lương tâm, là nền công lý của nhân loại mà bất cứ nước nào cũng phải tôn trọng nếu không sẽ bị thế giới nhìn dưới ánh mắt phủ định trong tất cả mọi giao dịch.

Một vụ kiện vào lúc này cũng có tác dụng làm cho thế giới thấy được dã tâm của Bắc Kinh trước vấn đề Biển Đông. Hành động áp đặt vùng cấm đánh cá trên hầu hết khu vực Biển Đông ... làm thế giới hiểu rõ hơn động cơ khiến Việt Nam phải khởi kiện Bắc Kinh về cuộc chiến xâm lăng năm 1974

Hai nữa ngay cả khi Tòa Công lý Quốc tế phán quyết rằng cả hai nước phải tự thỏa thuận với nhau thì lúc ấy việc Trung Quốc cấm tàu cá Việt Nam ra hành nghề tại quần đảo Hoàng Sa sẽ bị thế giới lên án.

Vụ kiện giữa Thái Lan và Campuchia về các khu đất chung quanh ngôi đền cổ Preah Vihear được Tòa Công lý Quốc tế phán quyết vào ngày 11 tháng 11 năm 2013 là một thí dụ. Hai nước tranh chấp đã dịu lại những cơn sốt có thể gây ra chiến tranh và tự xem lại chính sách của mình cũng như trấn an, giải thích cho dân chúng biết sự phán xét này cho công luận trong mỗi nước.

Nếu Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện, quốc tế sẽ thấy rằng Bắc Kinh thiếu bằng chứng cũng như lập luận chính đáng về sự xâm lược Việt Nam. Thái độ một nước lớn như vậy khó thuyết phục được thế giới nhất là khối ASEAN đang bị lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc một cách nặng nề. Sự từ chối của Trung Quốc là tiền đề cho các nước trong khối ASEAN thấy rằng khi có tranh chấp kinh tế với Trung Quốc xảy ra thì hãy cam chịu vì Bắc Kinh luôn có thái độ bất hợp tác với các nước nhỏ khi họ có vấn đề pháp lý.

Một vụ kiện vào lúc này cũng có tác dụng làm cho thế giới thấy được dã tâm của Bắc Kinh trước vấn đề Biển Đông. Hành động áp đặt vùng cấm đánh cá trên hầu hết khu vực Biển Đông cộng với thái độ hung hăng của Trung Quốc sẽ làm thế giới hiểu rõ hơn động cơ khiến Việt Nam phải khởi kiện Bắc Kinh về cuộc chiến xâm lăng năm 1974. Khi hồ sơ khởi kiện được nộp Việt Nam có lợi trước mắt là truyền thông quốc tế sẽ đưa tin, bình luận, giải thích cũng như lật lại trận hải chiến này khắp nơi. Nếu điều này xảy ra Trung Quốc sẽ khó lòng áp đặt thêm những bất hợp lý trong chính sách thanh toán toàn bộ Biển Đông.

Một điểm quan trọng khác, Trung Quốc từ trước tới nay vẫn rất ngại vấn đề Biển Đông bị quốc tế hóa. Họ muốn bẻ từng chiếc đũa cho tới khi không còn chiếc nào nữa mới thôi. Chỉ cần quốc tế hóa thì âm mưu này sẽ bị bẻ gãy. Đó là lý do quan trọng khiến Việt Nam cần khởi kiện Trung Quốc trong lúc này.

Đối với trong nước, một vụ kiện như thế còn có cái lợi rất lớn là giúp cho người dân Việt Nam biết rõ hơn những gì đã xảy ra cho quần đảo Hoàng Sa và tại sao đảo của Việt Nam nhưng ngư dân Việt luôn bị Trung Quốc trấn áp và bách hại

Đối với trong nước, một vụ kiện như thế còn có cái lợi rất lớn là giúp cho người dân Việt Nam biết rõ hơn những gì đã xảy ra cho quần đảo Hoàng Sa và tại sao đảo của Việt Nam nhưng ngư dân Việt luôn bị Trung Quốc trấn áp và bách hại. Việc công nhận và loan tải rộng rãi trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 vừa qua là một ví dụ. Nghệ sĩ Kim Chi, một người rất nổi tiếng đã hoạt động lâu năm trong ngành điện ảnh Việt Nam nhưng không hề biết cuộc chiến lịch sử này huống chi là thế giới, bà cho biết:

-Sự thừa nhận này của nhà nước hiện nay tôi thấy là tất nhiên, đáng lẽ nó phải được làm từ lâu rồi. Điều này làm cho tôi rất vui vì qua đó tôi mới biết được nhiều chuyện mà trước đây mình không biết, thực sự là như thế. Mà khi mình biết rồi thì mình rất kính trọng và ngưỡng mộ những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã đổ máu, đã hy sinh và đã có những lời rất đanh thép để bảo vệ tổ quốc mình.

Từ bao lâu nay giới bất đồng chính kiến trong nước luôn khẳng định rằng lý do duy nhất làm Việt Nam không thể tiến hành vụ kiện đó là sợ mất chỗ dựa vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đảng Cộng sản Việt Nam sợ mất chỗ dựa vững chắc nơi người đồng chí nhưng lại không sợ mất một chỗ dựa khác lớn hơn gấp ngàn lần đó là lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam.

*****

4 hoạt động lớn ghi dấu ‘Trung Quốc cướp Hoàng Sa’

Nguyentandung.org - Thứ ba, 14/01/2014

(Hải chiến Hoàng Sa 1974) - Trong hai ngày 18 – 19/01, tại Đà Nẵng sẽ diễn ra 4 hoạt động lớn trong chương trình “Hướng về Hoàng Sa” nhằm ghi dấu 40 năm Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Ngày 14/01, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, ông Đặng Công Ngữ vừa chính thức ký ban hành kế hoạch phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức chương trình “Hướng về Hoàng Sa” nhằm đánh dấu 40 năm ngày quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép (19/01/1974 – 19/01/2014).

hs-13-can-bo-da-nang-content

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân TP Đà Nẵng luôn ghi nhớ ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: HC

Theo đó, trong khuôn khổ chương trình “Hướng về Hoàng Sa” sẽ có 4 chương trình lớn được tổ chức trong hai ngày 18 và 19/01. Vào tối 18/01, từ 17h đến 21h, tại Công viên Biển Đông sẽ diễn ra chương trình ca nhạc hát về biển, đảo quê hương và thắp nến tri ân do UBND huyện Hoàng Sa chủ trì tổ chức.

Dự kiến sẽ có khoảng 1,000 người là lãnh đạo các cấp của TP Đà Nẵng cùng một số học giả, nhà nghiên cứu, nhà khoa học liên quan và các nhân chứng lịch sử Hoàng Sa, lực vũ trang, lực lượng quần chúng … tham dự chương trình này.

Cùng với các tiết mục ca nhạc hát về về biển, đảo quê hương, trong chương trình này sẽ có diễn văn của Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa về sự kiện ngày 19/01/1974 Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, và đặc biệt là chương trình “Thắp nến tri ân vì chủ quyền biển, đảo”.

Lúc 9h sáng 19/01, tại Bảo tàng Đà Nẵng sẽ khai mạc chương trình triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” (kéo dài đến ngày 25/01) do Bộ TT-TT chủ trì tổ chức.

Trong lễ khai mạc chương trình này sẽ có phát biểu của Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa; công bố và trao giải thưởng cuộc thi phương án kiến trúc Nhà Trưng bày Hoàng Sa; triển lãm các tư liệu mới về căn cứ lịch sử – pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lúc 13h30 chiều 19/01, tại khách sạn Hoàng Sa (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) sẽ diễn ra chương trình lớn thứ 3 trong tổng thể chương trình “Hướng về Hoàng Sa”. Đó là cuộc hội thảo quốc gia về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa do Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng chủ trì tổ chức.

Sẽ có khoảng 200 đại biểu là lãnh đạo TP, lãnh đạo các sở, ban, ngành Đà Nẵng; các học giả ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng nghiên cứu lịch sử, pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa; các hội viên Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng, giảng viên và sinh viên Khoa lịch sử Đại học sư phạm Đà Nẵng, giáo viên và học sinh chuyên sử Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tham gia cuộc hội thảo này.

Chương trình lớn thứ 4 là cuộc đối thoại trực tiếp trên Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng (DRT) lúc 20h00 tối 19/01 về sự kiện ngày 19/01/1974, do Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng chủ trì tổ chức. 5 vị khách mời tham dự cuộc đối thoại trực tiếp này là ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa; ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng; Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã; Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng và một nhân chứng lịch sử Hoàng Sa.

Theo ông Lê Phú Nguyện, việc tổ chức chương trình “Hướng về Hoàng Sa” nhằm tạo sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân và dư luận trong nước đối với sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 19/1/1974. Qua đó tuyên truyền nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trong các tầng lớp nhân dân.

(Infonet)

*****

Chúng ta có thể làm điều gì cho Hoàng Sa?

Nguyentandung.org - Thứ tư, 15/01/2014

(Hải chiến Hoàng Sa 1974) - Có quan niệm cho rằng bị một nước mạnh hơn chiếm đoạt lãnh thổ, nhất là sau bấy nhiêu năm, thì coi như là đã mất chủ quyền, chúng ta hãy chấp nhận và quên đi. Nhưng đối với dân tộc Việt Nam, một dân tộc mà một trong những niềm tự hào đáng kể nhất chúng ta có là tinh thần quật cường chống ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ, thì quan niệm đó có sai sót.

Bài viết của tiến sĩ Dương Danh Huy, một nhà nghiên cứu Biển Đông sống tại Anh.

Cần loại bỏ những quan niệm lệch lạc và hão huyền

Cho tới nay Trung Quốc đã chiếm đóng nhóm An Vĩnh thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 60 năm, và đã đánh chiếm nhóm Lưỡi Liềm (còn gọi Nguyệt Thiềm), tức là đã xâm lăng toàn bộ Hoàng Sa, 40 năm.

hs-14-so-do-hai-chien-content

Hải chiến Hoàng Sa 1974

Có quan niệm cho rằng bị một nước mạnh hơn chiếm đoạt lãnh thổ, nhất là sau bấy nhiêu năm, thì coi như là đã mất chủ quyền, chúng ta hãy chấp nhận và quên đi. Nhưng đối với dân tộc Việt Nam, một dân tộc mà một trong những niềm tự hào đáng kể nhất chúng ta có là tinh thần quật cường chống ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ, thì quan niệm đó có sai sót. Nếu so sánh với các dân tộc khác thì cũng khó tự hào về quan niệm đó. Thí dụ, người Tây Ban Nha sau nhiều thế kỷ vẫn đòi chủ quyền đối với Gibraltar, người Argentina sau vài thế kỷ vẫn khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Falklands/Malvinas. Không những thế, quan niệm đó là không phù hợp với thế giới hiện đại hay với việc Hiến chương Liên Hiệp Quốc không cho phép thụ đắc chủ quyền lãnh thổ bằng bạo lực. Mặc dù Trung Quốc đang chiếm đóng Hoàng Sa bằng bạo lực, theo luật quốc tế thì chủ quyền vẫn thuộc về Việt Nam trừ phi chúng ta bị cho là đã bỏ rơi chủ quyền đó.

Ngược lại, cũng có quan niệm cho rằng tới ngày nào Trung Quốc bị loạn lạc thì chúng ta sẽ đánh chiếm lại Hoàng Sa. Thứ nhất, quan niệm đó là hoang tưởng. Không biết tới ngày nào thì Trung Quốc mới loạn lạc đủ để cho chúng ta có thể chiếm lại và giữ Hoàng Sa. Thứ nhì, tư duy “chờ sung rụng” đó chỉ làm cho chúng ta thụ động thêm, với hệ quả là Hoàng Sa ngày càng xa thêm.

Chúng ta cũng phải biết rõ về những khó khăn thực tế trong việc giành lại Hoàng Sa. Giải pháp quân sự là không thể, giả sử như nếu có thể thì chắc chắn sẽ là rất đắt, và đó là chưa nói đến trên nguyên tắc thì sẽ không phù hợp với thế giới văn minh. Trong tương lai có thể thấy được, giải pháp ngoại giao song phương với Trung Quốc cho Hoàng Sa chỉ là hy vọng hão huyền.

Dựa vào chính mình

Giải pháp ngoại giao đa phương cho Hoàng Sa cũng vô cùng khó khăn. Trong khi thế giới có thể phê phán Trung Quốc về chủ trương hiện thực hóa đường chữ U trên Biển Đông, và trong khi một số nước trong khu vực có thể phản đối các động thái của Trung Quốc trong khu vực Trường Sa, thì đối với Hoàng Sa chủ yếu là Việt Nam sẽ đơn độc trong cuộc đối kháng với Trung Quốc. Trong tranh chấp đảo, các nước bên thứ ba thường không quan tâm về lý lẽ chủ quyền của các bên trong tranh chấp, và thường chọn vị trí trung lập. Vì vậy, không có nước bên thứ ba nào lên án việc Trung Quốc đang chiếm đóng Hoàng Sa bằng vũ lực. Trung Quốc cũng không bị nước bên thứ ba nào lên án khi họ tăng cường đàn áp ngư dân Việt Nam từ năm 2009 nhằm đẩy các ngư dân này ra khỏi vùng biển Hoàng Sa. Trong tương lai, khi Trung Quốc xây cất thêm trên đảo và khai thác khoáng sản trong vùng biển Hoàng Sa, khả năng là Việt Nam sẽ đơn độc trong phản đối. Không những thế, không loại bỏ được khả năng trong tương lai các nước ASEAN khác sẽ gây áp lực đòi Việt Nam rút vấn đề Hoàng Sa xuống khỏi bàn nghị sự, để cho ASEAN có thể đi đến thỏa thuận nào đó với Trung Quốc về những tranh chấp khác.

Vì Trung Quốc không chấp nhận để cho bất cứ tòa án quốc tế nào phân xử tranh chấp Hoàng Sa, hiện nay cũng không có điều kiện cho giải pháp pháp lý.

Tóm lại, chúng ta không thể nào dựa vào niềm tin Trung Quốc sẽ đàm phán về Hoàng Sa và sẽ có nhượng bộ, và cũng không thể dựa vào niềm tin các nước khác sẽ hỗ trợ chúng ta nhiều. Điều chúng ta cần phải nhìn nhận là trong vấn đề Hoàng Sa chúng ta phải dựa vào chính mình hơn cả so với trong những tranh chấp biển đảo khác.

Dựa vào chính mình không thể là dựa vào ngư dân kiên trì bám biển Hoàng Sa. Ngư dân và gia đình của họ là những con người bằng da bằng thịt. Dù dũng cảm đến bao nhiêu, họ khó có thể chịu đựng mãi tình trạng tàu thép và đạn đồng Trung Quốc đè người. Có thể một ngày nào đó họ sẽ không còn bám biển Hoàng Sa nổi nữa.

Dựa vào chính mình là mỗi người chúng ta, từ cá nhân đến nhân viên nhà nước và lãnh đạo cao nhất, phải làm điều đúng và đúng với nghĩa vụ của mình để làm cho đất nước tốt hơn. Đất nước càng tốt thì khả năng đấu tranh cho Hoàng Sa càng cao. Chúng ta không quên rằng việc Trung Quốc chiếm nhóm An Vĩnh, Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa, cũng như một số đảo của quần đảo Trường Sa, đã xảy ra trong những ngày tháng khó khăn của Việt Nam.

Dựa vào chính mình cũng là nhà nước và người dân quan tâm phải làm những gì cần thiết và có thể trong những gì liên quan trực tiếp đến Hoàng Sa.

Ý chí và kiến thức

Điều cần thiết để chúng ta bảo vệ chủ quyền Việt Nam, cần thiết cho danh dự của mỗi người chúng ta, cũng như cho nghĩa vụ vủa chúng ta với các thế hệ trong tương lai, là ý chí, kiến thức và những hành động cần thiết.

Về ý chí, chúng ta phải giữ vững ý chí của mình, và phải giáo dục cho thế hệ sau giữ vững ý chí của họ. Chúng ta cần phải xây dựng một ý chí quốc gia về Hoàng Sa. Thế nhưng có lẽ trong 40 năm qua Hoàng Sa vẫn chưa có vị trí xứng đáng trong nền giáo dục, tâm thức của chúng ta. Nếu chúng ta quan niệm rằng 40, 60 hay 100 năm là quá lâu thì chúng ta có thể noi gương những dân tộc khác vẫn giữ vững ý chí của họ về đòi lại lãnh thổ, dù là sau hàng trăm năm.

Kiến thức về lịch sử và địa lý Hoàng Sa sẽ làm cho Hoàng Sa gần gũi với chúng ta hơn, và sẽ giúp cho chúng ta giữ vững ý chí. Chúng ta sẽ thấy Hoàng Sa không phải là những đảo xa vô nghĩa mà là những kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp, với xương máu của tổ tiên và thế hệ cha, anh.

Kiến thức pháp lý sẽ là cần thiết để chúng ta tranh biện về Hoàng Sa trên các diễn đàn học thuật, chuyên gia và truyền thông quốc tế, và hy vọng một ngày nào đó sẽ là trước một tòa án quốc tế. Chúng ta không nên chủ quan rằng thế giới sẽ thấy một cách dễ ràng rằng chính nghĩa là thuộc về ta, mà chúng ta phải xây dựng khả năng tranh biện ở mức cao nhất, và phải bỏ công sức ra để tranh thủ dư luận. Đặc biệt, chúng ta phải xử lý một cách triệt để những nghi vấn phía đối phương có thể đặt ra cho lập luận của chúng ta. Như một thí dụ, việc Pháp tạm im lặng một thời gian khi tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuấn phái Lý Chuẩn đem pháo thuyền đến Hoàng Sa tuyên bố chủ quyền năm 1909 có ảnh hưởng gì đến chủ quyền Việt Nam hay không? Hay là, khi Việt Nam Cộng Hòa còn tồn tại thì chính thể đó có phải là một chủ thể trong luật quốc tế có thẩm quyền để khẳng định chủ quyền lãnh thổ, và bao gồm cả đối với Hoàng Sa, hay không?

Làm đúng với nhiệm vụ và biến sự quan tâm thành công việc

Về mặt đối nội thì nhà nước cần có chính sách để xây dựng ý chí, kiến thức và khả năng tranh biện, tranh thủ dư luận quốc tế. Về mặt đối ngoại thì nhà nước cần có chính sách hiệu nghiệm để duy trì chủ quyền và giữ cho thế giới không quên rằng Hoàng Sa là lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp chủ quyền, để cho thế giới không ứng xử như thể Hoàng Sa là của Trung Quốc.

Tuy Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ các đảo 40 năm, họ chỉ mới bắt đầu tiến hành siết chặt sự kiểm soát trong vùng biển lân cận từ năm 2009. Trong những năm tới, họ sẽ tiếp tục siết chặt thêm sự kiểm soát và mở rộng vùng họ kiểm soát như vết dầu loang. Điều đó có nghĩa nhiệm vụ của chúng ta đối với Hoàng Sa không chỉ là duy trì chủ quyền để một này nào đó có thể giành lại sự quản lý đã mất trên đảo, mà còn là đấu tranh để chống lại nỗ lực của Trung Quốc để siết chặt và bành trướng sự kiểm soát trên biển.

Dựa vào chính mình cũng là dùng những phương tiện mình có. Như một thí dụ, vì Trung Quốc hoàn toàn không đếm xỉa đến các nỗ lực ngoại giao của Việt Nam liên quan đến chủ quyền đối với Hoàng Sa, Việt Nam nên công khai yêu cầu Trung Quốc ra tòa. Mặc dù chắc chắn Trung Quốc sẽ không chấp nhận ra tòa, việc đó cũng làm cho thế giới thấy họ sợ lẽ phải và dựa vào bạo lực. Nếu Trung Quốc thật sự tin rằng không tồn tại tranh chấp Hoàng Sa, họ cần dũng cảm để cho tòa xét có tồn tại tranh chấp hay không.

Đối với các cá nhân thì người quan tâm nên vừa đặt vấn đề nhà nước có thể làm gì cho Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông, vừa đặt vấn đề bản thân mình có thể làm gì. Nhà nước thi hành đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với Hoàng Sa là cần thiết, nhưng không đủ. Sự quan tâm của người dân là cần thiết, nhưng không đủ. Nói cho nhau nghe Hoàng Sa là của Việt Nam là cần thiết nhưng không đủ. Phải có đủ người quan tâm biến sự quan tâm của mình thành sự sáng tạo, công sức, hành động, hay thành những đóng góp khác cho tranh chấp Hoàng Sa, nhất là trên trường quốc tế.

Mặc dù Trung Quốc đã xâm chiếm một phần của Hoàng Sa khoảng 60 năm, và phần còn lại 40 năm, mặc dù việc giành lại Hoàng Sa là rất khó khăn, hiện nay người duy nhất có thể làm cho chúng ta mất chủ quyền là chính chúng ta. Và chúng ta phải giữ vững ý chí và duy trì chủ quyền đó bằng kiến thức và hành động, bằng cách làm đúng với nhiệm vụ của mình, và bằng cách biến sự quan tâm thành đóng góp thiết thực.

Trong trận hải chiến Trafalgar, khi hạm đội Anh đối đầu với hạm đội phối hợp Pháp – Tây Ban Nha mạnh hơn, đô đốc Anh Horatio Nelson đã giăng lên soái hạm một khẩu hiệu không lời hay chữ đẹp, chỉ với câu “Nước Anh mong đợi mỗi người sẽ làm nhiệm vụ của mình”. Trong bối cảnh tranh chấp Hoàng Sa nói riêng, và bối cảnh của đất nước nói chung, Việt Nam cần mỗi người chúng ta làm đúng với nhiệm vụ và sự quan tâm của mình để cho đất nước tốt hơn, cũng như về những gì liên quan trực tiếp đến tranh chấp biển đảo.

(TNO)

*****

Nhìn Về Biển Hoàng Sa

Tác giả : Cô Tư Sài Gòn- Việt Báo Online - 01/15/2014) 

Nước Việt ngàn đời đã gắn liền với biển. Từ xa xưa là đã có tích Cha Rồng, Mẹ Tiên chia đàn con Việt; cha dẫn 50 con lên núi, mẹ dẫn 50 con tới biển ...

Biển gắn liền với vận mệnh dân tộc cũng qua nhiều câu ca dao tình tứ, cho thấy đời thường của dân mình cũng là bên gềnh, cuối sóng. Như những câu ca dao:

Ơi đò ngang qua, đò ngang lại,
Có gặp chồng em qua lại biển này không?
Đêm khuya, trời phất ngọn gió đông,
Lạnh ơi hỡi lạnh, cám cảnh cho chồng nhiều đoạn khúc nôi ...
.
Chồng em đi kéo ngao ngoài biển,
Đêm khuya, trời phất phưởng ngọn gió đông;
Da thời lạnh ngắt như đồng,
Tay bồng con dại, cám cảnh cho chồng lắm thay ...


Bên cạnh những trận hải chiến ở Hoàng Sa và Trường Sa, vẫn là hình ảnh ngư dân kiền trì bám biển. Bất kể mọi bạo lực từ phía tuà Hải giám Trung Quốc.

Báo Tuổi Trẻ kể về những người trẻ giữ biển này, gọi là “Đội ngư dân 8X trên biển Hoàng Sa” trong đó kể:

“Không biết bao nhiêu lần bị phía Trung Quốc truy đuổi, bắt giữ, đập phá máy móc, ngư lưới cụ nhưng khi ra khơi, anh em tàu QNg 90325 vẫn ngoan cường trực chỉ Hoàng Sa. Bởi ở đó, với những chàng trai trẻ, vẫn là biển đảo của mình.

“Trung Quốc có bắt, có phá 100 lần anh em cũng cứ đi, không sợ!” - thuyền trưởng Nguyễn Hữu Phúc, 34 tuổi, trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nói. Tết này họ sẽ ăn tết ngoài khơi, xuất phát từ cảng biển Sa Kỳ.

Đi biển từ năm 16 tuổi, anh chẳng nhớ bao nhiêu lần bị phía Trung Quốc truy đuổi khi đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Anh chỉ nhớ bảy lần bị đưa lên đảo Phú Lâm, ba lần bị đập phá ngư cụ trên biển rồi thả đi. Thế nhưng từ khi biết đi biển, anh đã kiên trì bám lấy Hoàng Sa.

Khi nghe thông tin Trung Quốc đưa ra những chính sách phi lý trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền của VN, ngư dân Phúc bất bình: “Chúng tôi đánh bắt trên ngư trường của cha ông, chẳng có phạm luật gì của quốc tế hết. Ngư dân chúng tôi chỉ xin phép Chính phủ Việt Nam chứ chả xin ai hết, biển mình, mình làm, hà cớ phải xin Trung Quốc!”.

Cũng giống những ngư dân khác, vừa cập bến vào sáng 10-1 Phúc đã vội chuẩn bị cho một chuyến ra khơi mới. Phúc ngoan cường: “Tôi tính nghỉ mấy ngày cho anh em đỡ mệt rồi đi tiếp, nhưng nghe tin này anh em thống nhất đi tiếp xem nó làm gì mình!”.

Giống thuyền trưởng Phúc, ngư dân Nguyễn Kiên cũng đồng tình như vậy. Kiên là bạn đồng lứa với Phúc, gắn bó với nhau như anh em, bao nhiêu năm Phúc làm thuyền trưởng, chừng ấy thời gian Kiên đi bạn trên tàu, sung sướng hay gian nan đều có nhau. Kiên nói: “Bị tàu hải giám Trung Quốc quấy phá là chuyện thường. Anh em chúng tôi chỉ sợ canô chứ thuyền lớn thì chẳng sợ. Mấy đợt bị bắt là chúng tôi không chạy để cho chúng biết người Việt đang làm trên biển Việt Nam đó chớ”.

Tất cả ngư dân trên tàu QNg 90325 của thuyền trưởng Phúc đều thuộc thế hệ 8x, người trẻ nhất chỉ mới 17 tuổi. Thuyền viên Đinh Lợi chỉ mới 19 tuổi nhưng đã có năm năm kinh nghiệm quần thảo khắp vùng đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Lợi tự hào: “Em nhỏ tuổi nhưng chẳng thua những lão ngư sừng sỏ đâu”...”(ngưng trích)

Đất nước còn giữ được biển này, là vì có những chàng trai như thế.

Xin chúc lành cho các anh. Cả nước đang nhìn, đang quan sát về các anh, những chàng trai giữ biển này.

Vì nếu không có ngư dân Việt Nam, biển này sẽ không còn là biển của Việt Nam.

MẠNG THAM KHẢO:

nguyentandung.org

bauxitevn@gmail.com

bolapquechoa@blogspot.com

Hồng Thủy + Trần Công Trục + Trung Quốc

Thanh Niên Online

Đất Việt Online

Tuổi Trẻ Online

Saigontiepthi.com.vn

Đà Nẵng Online

Petrotimes

Người Việt Online

Lao Động Online

Đàn Chim Việt Online

BBC - RFA - VOA

File: ITN-011514-VN-CT-Tuong niem 40 năm Hai chien Hoang Sa-Ky V.doc

Nguyễn Mạnh Trí

E-Mail: prototri2012@yahoo.com

www.tranhchapbiendong.com

Tu chỉnh: 15 tháng 1 năm 2014




Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.