Hôm nay,  

Hiểm Họa Bắc Hàn

22/02/200300:00:00(Xem: 3957)
Trong khi Mỹ gia tăng áp lực quân sự tối đa ở Trung Đông đòi Saddam Hussein phải đầu hàng tự giải giới trong vài tuần tới, tại Đông Bắc Á một nhân vật "ác" thứ hai, Kim Chánh Nhật, cũng gia tăng áp lực quân sự đòi Mỹ phải nhượng bộ, ký hiệp ước bất tương xâm với Bắc Hàn, nghĩa là đòi Mỹ phải bảo đảm cho Kim và chế độ của ông ta được tồn tại và sống an toàn.
Thứ năm tuần này, một chiến đấu cơ Mig-19 của Bắc Hàn đã xâm nhập không phận Nam Hàn lần đầu tiên kể từ năm 1983, khiến Nam Hàn phải tức tốc cho 6 chiến đấu cơ F-5E lên nghênh địch. Nhưng chỉ trong 2 phút, chiến đấu cơ Bắc Hàn đã bay trở về. Biến cố diễn ra thật ngắn ngủi, nhưng cũng đủ để nhắc nhở cho thế giới thấy tình hình bán đảo Triều Tiên cũng gay cấn và hiểm họa Bắc Hàn không phải là nhỏ. Ngay sau đó, thông tấn nhà nước của chế độ Cộng sản này đưa ra lời bình luận nói "tình hình bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á đã khẩn trương đến độ một cuộc chiến tranh nguyên tử có thể xẩy ra bất cứ lúc nào". Lời hăm dọa kiểu này đã có từ lâu, nhưng hai ngày trước vụ xâm phạm không phận Nam Hàn, Bắc Hàn đã hăm dọa sẽ hủy bỏ luôn bản Hiệp ước Đình chiến ký kết năm 1953, cho thấy đây là một sự leo thang áp lực, không những để tìm thế sinh tồn mà còn muốn lợi dụng thời cơ để kiếm lợi thế trong việc thống nhất hai miền Nam Bắc Triều Tiên.
Cuộc chiến Triều Tiên đã chấm dứt đúng 50 năm trước, nhưng chỉ có thỏa ước đình chiến chớ không phải Hiệp ước Hòa bình, nên trên nguyên tắc hai miền Nam Bắc vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh. Không biết Mỹ có nao núng chút nào trước hiểm họa chiến tranh tái phát không, nhưng nó đã gây chấn động cho Nam Hàn và đó có thể là mục tiêu đầu Bắc Hàn muốn nhằm tới để từ đó phá vỡ thế bao vây của Mỹ. Nếu Bắc Hàn hủy bỏ hiệp ước đình chiến, khu phi quân sự ngăn đôi hai miền Nam Bắc sẽ không còn được tôn trọng. Trong suốt nửa thế kỷ qua, đã có nhiều lúc tình hình căng thẳng khiến cả hai bên phải tăng cường quân đội ở hai phía Nam Bắc khu phi quân sự. Sự căng thẳng mới nhất đã xẩy ra năm 1999 khi Hải quân Bắc Hàn xâm phạm hải phận Nam Hàn ở Hoàng Hải, gây thành một cuộc hải chiến ngắn ngủi. Sau đó tình thế đã được cải thiện nhờ cuộc hội kiến trực tiếp giữa Kim Chánh Nhật và cựu Tổng Thống Nam Hàn Kim Đại Trọng, hai bên đã đồng ý mở lại giao thông đường bộ xuyên qua khu phi quân sự. Tháng 10 năm ngoái, khi Bắc Hàn nhìn nhận có chương trình vũ khí hạt nhân và đơn phương cho chạy lại các lò nguyên tử, tình hình đã trở lại gay go hơn trước.

Bắc Hàn chọn đúng lúc này để leo thang hăm dọa hiển nhiên muốn bắt chẹt Mỹ trong lúc chiến tranh Iraq sắp bùng nổ. Liệu Mỹ có thể tính đến cả hai mặt trận cùng một lúc không" Mỹ có thừa sức mạnh để đối phó với cả Iraq và Bắc Hàn nếu bị tấn công trước, nhưng Mỹ khó lòng dùng áp lực quân sự trả đũa Bắc Hàn giữa lúc Mỹ đang dồn hết nỗ lực bố trí quân đội để chuẩn bị đánh Iraq trong một hai tuần tới. Mỹ vẫn nói có thể giải quyết vấn đề nguyên tử Bắc Hàn bằng đường lối ngoại giao hòa bình. Nhưng cả thế giới đều biết Mỹ sẽ không dung tha Bắc Hàn, chẳng qua vì cần phải thanh toán Saddam trước nên mới hòa hoãn lúc này, để tính đến số phận Kim Chánh Nhật sau Saddam. Họ Kim biết rõ hơn ai hết nên phải leo thang làm áp lực trước khi quá muộn. Thời điểm quan trọng nhất là cuối tuần này này Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell sẽ đến Nhật Bản, chủ nhật ông sẽ bay đến Bắc Kinh để thứ hai tuần tới đến Hán Thành dự lễ tựu chức của tân Tổng Thống Nam Hàn Roh Moo-hyun.
Chính sách của Mỹ là muốn các nước lớn như Trung Quốc và Nhật Bản làm áp lực để Bắc Hàn từ bỏ chương trình bị nghi là nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân, và mở một cuộc hội nghị đa phương với Bắc Hàn để thảo luận vấn đề. Thế nhưng chủ trương của Mỹ chưa thấy đạt được kết quả nào rõ rệt. Bởi vì Bắc Hàn không chịu nói chuyện đa phương, chỉ muốn nói chuyện song phương với Mỹ với mục tiêu chính yếu là đòi Mỹ phải ký kết một hiệp ước bất tương xâm. Các nước khác trong vùng, nhất là Trung Quốc, cũng tán thành thương thuyết song phương, nhưng Mỹ không chịu. Mỹ chỉ muốn thương thuyết để buộc Bắc Hàn phải "giải giới" vũ khí nguyên tử, nhưng không muốn đi vào một cuộc điều dình mà hậu quả là bảo đảm cho sự tồn tại của một chế độ hắc ám như Bắc Hàn. Không bảo đảm có nghĩa là sau này nếu cần Mỹ sẽ dùng vũ lực hay dọa dùng vũ lực với Bắc Hàn như đã làm với Iraq.
Chuyến đi của ông Powell cuối tuần này đến Nhật Bản và Trung Quốc là dịp để ông thôi thúc một cuộc thương thuyết đa phương với Bắc Hàn từ bỏ chương trình nguyên tử. Nhưng sứ mạng của ông không dễ dàng vào lúc này. Hai nước có ảnh hưởng nhất đối với Bắc Hàn là Trung Quốc và Nga, nhưng hai nước này có quyền phủ quyết tại HĐBA lại đang chống lại chủ trương của Mỹ dùng vũ lực đối với Iraq. Bởi vậy cả hai cùng có khuynh hướng dễ hiểu là chỉ khuyên Mỹ trực tiếp nói chuyện với Bắc Hàn để làm thỏa mãn sự đòi hỏi của Kim Chánh Nhật về một bản hiệp ước bất tương xâm. Nhật Bản là nước ở trong tầm phóng phi đạn của Bắc Hàn, nên cũng muốn Mỹ thỏa hiệp mau lẹ với Bắc Hàn để tránh chiến tranh. Ở Nam Hàn tân Tổng Thống Roh Moo-hyun có lập trường trái ngược hẳn vói Mỹ. Ông muốn gạt bỏ hẳn việc dùng vũ lực với Bắc Hàn và tin rằng cuộc khủng hoảng có thể giải quyết bằng phương pháp hòa bình.
Lập trường của Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn đã khuyến khích Bắc Hàn leo thang cứng rắn với Mỹ. Giữa Bắc Hàn và Iraq không có quan hệ gì đặc biệt, nhưng việc Bắc Hàn bắt chẹt Mỹ để kiếm lợi riêng đã gián tiếp gây khó khăn cho kế hoạch chiến tranh của Mỹ ở Iraq.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.