Quốc tế giấu vụ ưu đãi hãng nội bằng rào thuế quan tinh vi, VN lại
ầm ĩ bao cấp “hãng quốc doanh chủ đạo” nên xin quy chế thị trường bị
bác bỏ...
HANOI -- Kinh tế Việt Nam vẫn đang lộ trình chìm xuống đáy... theo lời
báo động trên thông tấn VnExpress hôm Thứ Năm 26-9-2013.
Đặc biệt, bản tin VnExpress ghi lời tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên
Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia - nói rằng kinh tế VN
trong năm 2014 vẫn chưa hồi phục nổi, “vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn
trì trệ, dự báo GDP tăng 5,5% và CPI tăng 7%...”
Trong khi đó trên báo Tuần Việt Nam, TS. Võ Trí Hảo (Khoa Luật, Đại
học Kinh tế TP.SG) nêu ra nghịch lý rằng, trong khi các nước khác che
giấu việc ưu đãi và nâng đỡ công ty nội điạ qua rào thuế quan khéo
léo vì theo luật WTO là không kỳ thị kinh tế tư nhân và phải mở cửa
cho quốc tế, nhưng Việt Nam lại ầm ĩ ca ngợi “quốc doanh là kinh tế
chủ đạo” trong khi vào WTO, cho nên các nước khác có cớ bác bỏ tư
cách “kinh tế thị trường” của VN.
Trong khi đó Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế VN - báo nguy vấn đề có
thể kinh tế VN đang nghẽn mạch tăng trưởng... theo báo Lao Động. Báo
này cũng ghi lời chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên rằng VN đang duy
trì chính sách kìm kẹp phát triển kinh tế...
Bản tin VnExprss ghi nhận về vấn đề kinh tế tăng trưởng chậm, trì trệ
kéo dài và nguy cơ tụt hậu trong khu vực được các chuyên gia đưa ra
phân tích tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013 khai mạc Thứ Năm ở Huế.
Bản tin ghi lời Tiến sĩ Trần Du Lịch rằng năm 2014 sẽ vẫn còn thê
thảm, và sai của VN là ở thể chế...
VnExpress viết:
“Tiến sĩ Trần Du Lịch dự báo tăng trưởng GDP năm nay chỉ có thể đạt
5,2%, thấp hơn mục tiêu 5,5% Chính phủ đã đề ra. Lạm phát cả năm được
kiểm soát ở mức khoảng 7%. Sang năm 2014, ông Lịch đánh giá kinh tế
vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ, dự báo GDP tăng 5,5% và CPI
tăng 7%.
Chuyên gia này nhấn mạnh không nên đặt nặng mục tiêu tăng trưởng GDP mà
cần cải cách thể chế hiện nay. "Tôi dám chắc với cơ chế ngân
sách như hiện nay, nếu phát hành trái phiếu trả nợ cũ thì vừa trả
hết đã lại phát sinh ra nợ mới. Chúng ta phải sắp xếp tất cả lại
trên một mặt phẳng mới mong đưa nền kinh tế phát triển”, ông phát
biểu.”
Do vậy, theo báo Lao Động, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - Trần
Đình Thiên nói:
“Tại sao chúng ta lại duy trì những chính sách kìm nén sự phát
triển kinh tế đất nước?”
Trần Đình Thiên đặt dấu hỏi: “Kinh tế VN 2013: Nghẽn mạch hay thoát
đáy?”
Nguy hiểm là, theo ông:
“Theo đó, 5 năm kể từ 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh
tế toàn cầu đã qua, mặc dù để lại những hậu quả nặng nề; dư chấn
vẫn còn, thậm chí là rất mạnh, song kinh tế thế gới đã bước vào
quỹ đạo phục hồi. Nhưng VN không nằm trong quỹ đạo đó.
Hiện nay, nền kinh tế vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy” mặc dù xu
hướng ổn định đã mở ra và đà sụt giảm tốc độ tăng trưởng có vẻ
đang được chặn lại. “Tình thế là nền kinh tế VN đang ở trong tình
thế bị “nghẽn mạch tăng trưởng” nặng nề trong khi các nền kinh tế
khác trỗi dậy”...”
Trên báo Tuần Việt Nam, Tiến sĩ Võ Trí Hảo cho biết những gì quốc
tế giấu kỹ, thì VN phơi hết, lộ hàng để khoe... Báo viết tựa đề
“Các nước che đậy, Việt Nam lại... trưng ra” có đoạn:
“...điều đáng bàn ở đây, là nghệ thuật che đậy sự phân biệt đối xử.
Các quốc gia thành viên WTO đã khôn khéo phân biệt đối xử với DN
ngoại quốc bằng các hàng rào thuế quan tinh vi. Trong khi đó, Việt Nam
lại trưng bày "vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước" ra vị
trí mặt tiền, rồi ra sức thuyết phục họ công nhận mình là nền kinh
tế thị trường.
Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đang tích cực đàm phán gia nhập TPP, thì
việc trưng bày "vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước" trong
Hiến pháp, sẽ làm cho Việt Nam gặp không ít bất lợi...”