Hôm nay,  

Phải Kiểm Soát Súng

20/09/201300:00:00(Xem: 10101)
Lại một cuộc dùng súng giết người hàng loạt kinh khủng nữa xảy ra. Không phải là khủng bố của Hồi Giáo cực đoan, không phải vì lý do chánh trị, hay tôn giáo; mấy ngày sau nhà chức trách cũng chưa truy ra lý do hành động của y. Y hung thủ là một cựu hạ sĩ quan Hài Quân bị giải ngũ vi lý do hạnh kiểm, có vấn đề về bịnh tâm thần, là Aaron Alexis, 34 tuổi với ba cây súng loại chiến đấu vào Hải Quân Công Xưởng chỉ cách Quốc Hội Liên bang ở Washington DC có hai cây số, ngày 16/9/ 2013 bắn chết hơi 12 người và 10 người bị thương và sau đó y bị tử thương khi chống lại cảnh sát đến can thiệp.

Vụ này làm người ta thấy nhu cầu thiết yếu phải kiểm soát số súng, phải kiểm soát thân nhân người có súng. Đó là đạo lý, là nhiệm vụ chánh quyền dân cử Mỹ phải làm. Phải đưa ra lại Quốc Hội những dự luật về kiểm soát súng mà Quốc Hội đã ngâm tôm hồi tháng Tư năm 2012. Không lý do gì Quốc Hội không làm khi dân chúng Mỹ ủng hộ với đa số áp đảo và TT Obama vận động tối đa; chính Ông trong phạm vi Hành Pháp đã ký một hơi hàng loạt sắc lịnh kiểm soát súng sau vụ thảm sát bằng súng chấn động lương tâm người Mỹ và kinh hoàng thế giới vào 14-12-2112 ở trường học Sandy Hook của Thành phố Newtown, tiểu bang Connecticut, đông bắc Hoa kỳ. Nếu không những vụ thảm sát ở trường học và tự sát bằng súng giết hại công dân Mỹ tỷ lệ cao nhứt thề giới sẽ còn dài dài.

Thực vậy, thật không thể tưởng tượng được trên đời này lại có một thanh niên mới 20 tuổi, mà võ trang ba cây súng, một tiểu liên, hai súng ngắn, bắn nát mặt mẹ mình, rồi chạy đến một trường sơ cấp nơi mẹ thường dạy, không nói một lời xả súng bắn một hơi giết 20 học sinh, và 6 viên chức trong đó có vị hiệu trưởng. Như cuộc thảm sát ở trường Sandy Hook nói trên.

Thật tàn bạo hơn dã thú ăn thịt người, cọp beo, rắn độc cũng không giết mẹ. Thật dữ tợn, phi nhơn hơn trò chơi điện tử giết người máu đổ thịt rơi mà đạo diễn hoang tưởng, bạo hành nhứt cũng khó có thể, không dám làm ra để tạo hấp dẫn bán cho chạy, kiếm tiền nhiều.

Nhưng chuyện không có thể tưởng tượng được đó lại xảy ra ở Hoa Kỳ, đệ nhứt siêu cường thế giới. Không phải chỉ mới xảy ra lần đầu, mà xảy ra nhiều lần, nhiều nơi, nhiều vụ, khắp bốn phương tám hướng của Hoa Kỳ.

Ngoài hai vụ nói trên, năm 1999 xảy ra vụ xả súng tại Trường phổ thông Columbine ở Littleton, Colorado khiến 15 học sinh thiệt mạng. Năm 2007, 32 sinh viên và nhân viên trường bị tàn sát ở Trường đại học Kỹ thuật Virginia.

Ba cây súng mà Adam Lanza dùng để tàn sát mẹ, 20 học sinh và 6 nhân viên nhà trường Sandy Hook là súng của người mẹ mua một cách hợp pháp để ở nhà và giữ nhà.

Nước Mỹ dân số là hơn 300 triệu người nhưng có 200 triệu cây súng. Và số người chết bằng súng nhưng không phải do chiến tranh, tỷ lệ cao nhứt thế giới. Năm 2009, ở Mỹ có 31.000 nạn nhân chết vì súng và 18.000 vụ tự tử bằng súng.

Vụ thảm sát bằng súng tiêu biểu như ở trường Sandy Hook làm rúng động Mỹ và thế giới. Tổng thống Obama nhiều lần chảy nước mắt khi chia buồn, coi như quốc tang, ra lịnh cơ quan treo cờ rũ.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki- Moon nói đó là một «hành động hận thù». Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Anh David Cameron đã gửi thư chia buồn với Mỹ.

Truyền thông đại chúng Mỹ nói chung xúc động, lần đầu tiên đặt vấn đề cấm mua bán vũ khí tại Mỹ. Báo Guardian kêu gào bằng tựa hàng đầu: "Nếu không phải là bây giờ thì khi nào là thời điểm thích hợp để bàn về kiểm soát súng đạn".

Thị trưởng New York, ông Michael Bloomberg, người có lập trường độc lập, kêu gọi TT Obama nhanh chóng «đưa một dự luật cấm vũ khí» qua Quốc hội.

TT Obama với tư cách là người cha của hai con gái, ông Obama gọi vụ xả súng "là một tội ác ghê tởm" và thề sẽ thúc đẩy những hành động thiết thực, bất chấp các vấn đề chính trị, để ngăn chặn những vụ xả súng không xảy ra trong tương lai. "Chúng ta đã phải chịu đựng quá nhiều bi kịch như thế này trong những năm qua". Tổng thống Obama ra lệnh tất cả các cơ quan nhà nước phải hạ cờ xuống, coi đây là một quốc tang.

Đã đến lúc người Mỹ nói chung không phân biệt Cộng Hoà hay Dân Chủ, bảo thủ hay cấp tiến, đen, trắng, vàng, trên tất cả là người Mỹ phải biến đau thương thành hành động: bãi bỏ điều 2 Hiền Pháp, cấm người dân sở hữu súng. Vì an ninh và trật tự của nước Mỹ, vì an toàn cho sinh mạng người dân Mỹ nhứt là trẻ em vô tội, phải cấm mua bán và sở hữu vũ khí trong xã hội Mỹ. Dù thủ tục tu chỉnh hiến pháp khó khăn, nhiêu khê, dai dẵng, dông dài đến đâu đi nữa; dù thế lực chống đối của những tay làm súng, bán súng, và binh đoàn vận động hành lang của giới sản xuất súng và mua bán súng có tung bao nhiêu tiền, tình, thế lực đề vận động chống đi nữa -- những người đại diện dân cử, những công dân có trách nhiệm với tương lai nước Mỹ cũng phải vượt qua.

Nếu không sẽ bị mang tiếng là vô trách nhiệm với người dân và tiền đồ của nước Mỹ. Nếu bất động là đồng loã với bọn gian ác coi đồng tiền lời làm và bán súng quí hơn mạng sống của trẻ em đầu xanh vô tội mà bị tán sát một cách oan uổng, bởi súng của những tay tài phiệt, đại gia này làm và bán ra.

Đứng trên phương diện thực tiễn và học lý, đã biết Hiến Pháp Liên bang Mỹ điều số 2 có qui định người dân có quyền võ trang súng đạn để phòng thân và bảo vệ quốc gia. Quyển hiến định này những nhà lập hiến ghi vào hiến pháp vì tình hình mới lập quốc, công dân Mỹ còn đang khai khẩn nhiều vùng đất mới, cần có súng để giữ nước, giữ nhà là hợp lý, hợp tình.

Nhưng bây giờ tình hình hoàn toàn khác, nước Mỹ “bốn phương phẵng lặng hai kinh vững vàng”. Việc bảo quốc an dân của quân đội, cảnh sát, biên phòng, nhân viên công lực rất hữu hiệu. Không có kẻ phạm pháp, kẻ thù nào đụng tới nước Mỹ mà không bị quân lực, cảnh lực Mỹ lôi ra ánh sáng công lý- chết hay sống như TT Bush nói.

Điểu 2 của Hiến Pháp bây giờ coi như lỗi thời. Nó đang bị các nhà sản xuất, mua bán, súng và binh đoàn vận động hành lang của họ thao túng, lợi dụng, lạm dụng cho quyền lợi của ho, do họ cộng với một số nhà báo và công dân bảo thủ núp dưới danh nghĩa và hình thức hiến pháp để lợi dụng, chống lại việc tu chỉnh hay hủy bỏ điều 2 ấy- hoàn toàn vì quyền lợi riêng của họ.

Một vấn đề ai cũng thấy cần làm ngay để tránh cho người Mỹ nhứt là học sinh, sinh viên đầu xanh vô tội khỏi chết oan. Không lý do gì không làm. Ước nguyện, mong muốn của đa số người dân Mỹ chánh trực là muốn quí vị Thương Nghị sĩ, Dân biểu liên bang sớm bắt tay vào việc hủy bỏ điều 2 Hiến Pháp để các tiểu bang xét phê chuẩn.

Thủ tục sẽ khó khăn, rườm ra, lâu dài, nhiều áp lực chống đối đó. Nhưng luật kể cả hiến pháp là luật cao nhứt cũng do con người làm, mà người làm được là sửa được, miễn quyết tâm, quyết chí, bền lòng chặt dạ phục vụ nhân dân. Chánh quyền Mỹ theo hiến pháp là chánh quyền của dân, vì dân, do dân. Trước một tai hoạ lập đi lập lại liên tục, trầm trọng mà dân biểu, nghị sĩ, tổng thống không làm là có tội với nhân dân, là đồng lõa với điều ác./.(Vi Anh)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.