Hôm nay,  

Phỏng Vấn Gs Nguyễn Mạnh Hùng Về Chuyến Đi Clinton

29/11/200000:00:00(Xem: 5146)
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng hiện đang dậy môn Chính Trị và Bang Giao Quốc Tế tại đại học George Mason thuộc bang Virginia - Hoa Kỳ. Ngoài ra, ông còn là Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Dương.

-Kicon: Giáo sư đánh giá như thế nào về chuyến viếng thăm Việt Nam của tổng thống Bill Clinton. Về thành quả, Washington được gì và Hà Nội được gì"

-Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Về phía Hà Nội, như chúng ta biết là Hà Nội rất lưỡng lự khi phải tiếp nhận chuyến viếng thăm này vì họ nghĩ sẽ phải đối phó với nhiều vấn đề khi phái đoàn của ông Clinton quá nhiều người tháp tùng. Tuy nhiên, cuối cùng thì họ cũng ứng phó tương đối tốt đẹp. Tỷ như họ để cho bà dân biểu Loretta Sanchez gặp các nhân vật đối lập Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang và Phạm Quế Dương. Điều này chứng tỏ họ khá hơn Trung Quốc khi ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher và phụ tá ngoại trưởng đặc trách nhân quyền Shattuck sang thăm Bắc Kinh và muốn gặp những người đối lập. Trung Quốc đã tạm giam những người đối lập hoặc đẩy họ ra khỏi Bắc Kinh để ngoại trưởng Mỹ không gặp được họ.

Theo tôi Hà Nội được hai điều. Điều thứ nhất là một vị tổng thống siêu cường đến thăm họ. Và điều thứ hai là họ đã dàn xếp được cuộc tiếp đón đó và kiểm soát những lộn xộn có thể xẩy ra.

Đó là về phía Hà Nội. Còn về phía Mỹ, tôi nghĩ rằng ông Clinton có thể xem đây là một sự thành công và theo sự tuyên bố của ông Sandy Berger thì chúng ta thấy là các ông ấy rất hài lòng về chuyến đi này. Sự thành công đó có thể được nhìn nhận vì một số lý do.

Lý do thứ nhất là ông Clinton là tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ được chế độ cộng sản Việt Nam đón tiếp long trọng để hoàn tất tiến trình bình thường hóa bang giao giữa hai quốc gia trước kia vẫn đối nghịch nhau. Ngoài ra, dù báo chí của Hà Nội được lệnh nói ít về cuộc viếng thăm này, thì ông Clinton vẫn được nhân dân Việt Nam đón tiếp rất nồng hậu, cả ở Hà Nội lẫn Sàigòn. Chính Cố Vấn Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ là ông Sandy Berger đã nói rằng, trong 75 lần theo tổng thống Clinton đi công du thì đây là lần đầu tiên ông được nhân dân của một quốc gia đón tiếp nồng hậu như vậy. Như vậy, ít nhất về phương diện được đón tiếp, Hoa Kỳ đã thành công.

Lý do thứ hai, ông Clinton ngày xưa là một người chống chiến tranh, là một người trốn đi lính, cho nên khi ông qua Việt Nam để hòa giải thì ông sợ bị chỉ trích là phản bội những người Mỹ đã chết, là phản bội quốc gia. Vì thế, trong chuyến đi, ông Clinton đã nói lên hết được những điều làm vừa lòng mọi thành phần. Đầu tiên là thành phần quân nhân ủng hộ cuộc chiến Việt Nam. Ông Clinton đã không chịu xin lỗi Hà Nội, và khi gặp Tổng bí thứ đảng cộng sản Lê Khả Phiêu, ông Clinton đã nói thẳng là cuộc chiến VN là để biết xem quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Việt Nam thực sự là gì và tự do -độc lập thự sự là thế nào. Ông Clinton không có mặc cảm gì cả, rồi ông nói đến sự hy sinh khủng khiếp của hai bên, nói đến những quân nhân đã chết một cách dũng cảm. Ông cũng nhắc đến vai trò của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, dù rằng không nhắc khi ông có mặt tại Việt Nam thì ông cũng nhắc khi ông đang ở trên chiếc Air Force One khi rời Brunei. Ông nói về những người chết vì lý tưởng và làm vừa lòng những người tranh đấu cho nhân quyền khi ông nói đến báo chí tự do, tư pháp độc lập, tự do tín ngưỡng rồi quyền phản kháng. Dĩ nhiên ông cũng làm giới doanh nhân rất vừa lòng. Tóm lại, chúng ta có thể xem đây là một chuyến đi thành công của ông Clinton.

-Kicon: Giới truyền thông quốc tế gọi chuyến đi Việt Nam của ông Clinton là một cuộc thăm viếng lịch sử. Riêng ý nghĩa của hai chữ "lịch sử" này, giáo sư nhận định ra sao"

-Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết, nếu chúng ta để ý kỹ thì những tài liệu do Tòa Bạch Ốc đưa ra lúc đầu đều nói rằng chuyến đi này có tính cách "tượng trưng". Rồi càng về sau, Tòa Bạch Ốc nhắc đi nhắc lại là chuyến đi này có tích cách lịch sử. Rồi báo chí Mỹ cũng dập theo Tòa Bạch Ốc để nói đây là chuyến đi lịch sử. Nhưng mà mình cũng có thể coi đó là chuyến đi lịch sử bởi vì nó đã khép lại một chu trình bình thường hóa bang giao và hòa giải giữa hai nước. Đây là chuyến đi đầu tiên của một tổng thống Mỹ đương nhiệm đi thăm một nước Việt Nam thống nhất.

-Kicon: Xin phép ngắt lời giáo sư. Tòa Bạch Ốc thoạt đầu gọi là chuyến đi có tính cách tượng trưng, để rồi sau đó gọi là chuyến đi lịch sử. Theo giáo sư, sự thay đổi này của Tòa Bạch Ốc nên được người ta giải thích như thế nào"

-Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Nên nhớ rằng toàn bộ chi tiết chuyến đi và chương trình đón tiếp phái đoàn Mỹ mãi đến mấy ngày trước khi đi mới được hai bên hoàn toàn đồng ý. Có lẽ vì thế lúc đầu phía Mỹ không biết những chi tiết mà Việt Nam chấp nhận liệu có giúp cho ông Clinton dịp vừa đi thăm Việt Nam để hoàn tất chu trình bình thường hóa bang giao hai nước, vừa tránh được những phản ứng bất lợi trong nước được không. Cho nên lúc đầu họ nói chuyến đi chỉ có tính cách tượng trưng để giảm bớt kỳ vọng của cả hai bên Mỹ lẫn phía Việt Nam. Về sau khi thấy rõ hơn khả năng của chuyến đi, họ mới đổi lại, nhấn mạnh đến tính cách lịch sử của chuyến đi.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người đi quá trớn. Thí dụ như ngay khi ông Clinton về lại Washington, ông Stanley Karnow trả lời phỏng vấn của đài PPS đã đánh giá chuyến đi này ngang hàng với chuyến đi Trung Quốc của ông Nixon năm 1972. Tôi không đồng ý sự so sánh đó. Bởi vì khi ông Nixon sang thăm Trung Quốc thì ông Nixon mở ra một kỷ nguyên mới trong bang giao giữa hai nước. Ông Nixon còn ký một văn kiện rất quan trọng là Thông cáo chung Thượng Hải. Ông Clinton chỉ khép lại một chu kỳ bình thường hóa bang giao mà thôi, chẳng có thông cáo chung nào, chẳng có hiệp ước nào, chỉ trừ có 10 khế ước thương mại được ký giữa doanh nhân Mỹ và đối tác phía Việt Nam mà thôi.

Nếu so sánh với cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ông Reagan và ông Gorbachev năm 1985 thì cũng không so sánh được. Bởi vì trong cuộc gặp gỡ nói trên, hai ông Reagan và Gorbachev cũng đạt được bản hiệp ước giảm thiểu 50% số võ khí chiến lược nguyên tử của đôi bên. Quan trong hơn nữa, ông Reagan và ông Gorbachev đã thông cảm với nhau và tạo nên một tình bạn mà ông Reagan cho rằng đã tạo nên một khúc quanh lịch sử, vì trước kia, ông Reagan từng gọi ông Gorbachev là lãnh đạo một đế quốc quỹ quyệt. Còn phần ông Clinton khi gặp ông Lê Khả Phiêu chỉ có một sự trao đổi gay gắt thôi. Ông Clinton thì nói về nhân quyền - dân chủ, còn ông Lê Khả Phiêu thì chỉ trích Mỹ là đế quốc và chống việc Mỹ can thiệp vào nội bộ VN. Thành ra đây có thể ví là như cuộc "tranh luận trong bếp" (kitchen debate), giữa phó tổng thống Nixon và tổng bí thư Krushchev cuối thập niên 50 trong thời cao điểm cuộc chiến tranh lạnh.

-Kicon: Trong diễn văn đọc tại Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Clinton chỉ đề cập rất nhẹ nhàng đến vấn đề một xã hội dân sự, và thành quả của sinh hoạt dân chủ đem đến cho một xã hội. Thế nhưng vào những giờ phút chót trước khi rời Việt Nam, cả tổng thống Clinton lẫn đệ nhất phu nhân Hillary đều phát biểu mạnh mẽ hơn về vấn đề dân chủ, tự do. Thậm chí, ông Clinton còn nói với đài CNN là tiến trình tự do tại Việt Nam là hoàn toàn không thể đảo ngược. Giáo sư rút tỉa được điều gì qua cách hành sử này của nguyên thủ Hoa Kỳ"

-Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Chúng ta nên nhớ rằng khi đến Việt Nam, ông Clinton muốn nói đủ mọi thông điệp mà lại không muốn mất lòng chủ nhà. Thực sự ông biết là không tránh khỏi mất lòng nên ông chỉ muốn làm mếch lòng tối thiểu mà thôi. Nếu đem so sánh bài diễn văn ông Clinton đọc trên chiếc Air Force One trên đường đi Brunei với những gì ông nói tại Việt Nam, chúng ta đã thấy có sự khác biệt. Trên chiếc Không Lực Mỹ ông có nhắc tới Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Đến khi ông đọc diễn văn tại Hà Nội thì ông chỉ đề cập đến sự hy sinh lớn lao của người Việt Nam ở cả hai phía của cuộc chiến, rồi ông nói đến 3 triệu người lính và người dân can đảm. Thế nghĩa là ông đã làm mờ nhạt đi một chút để làm vừa lòng người chủ. Nhưng về việc nói về diễn trình dân chủ - nếu tôi không nhầm là sau này khi người ta tiết lộ cuộc gặp giữa ông Clinton và ông Phiêu - thì chính ông Clinton nói với ông Phiêu rằng tiến trình dân chủ là một tiến trình không thể đảo ngược được.

-Kicon: Một ngày sau khi ông Clinton rời khỏi Việt Nam, tổng tham mưu trưởng quân đội và cũng là thứ trưởng quốc phòng của Hà Nội là tướng Lê Văn Dũng phát biểu rằng, quân đội sẵn sàng đập tan tất cả mọi âm mưu diễn biến hòa bình. Theo nhận định của giáo sư, câu nói này phải chăng nhắm vào Hoa Kỳ"

-Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Lời nói đó của tướng Lê Văn Dũng, theo tôi, vừa nhắm vào Hoa Kỳ vừa nhắm vào những người đối lập ở trong nước. Phe bảo thủ muốn cảnh cáo cả những người đối lập ở VN. Ngoài ra, họ còn muốn đe dọa luôn cả những người thuộc phe muốn cải cách về phương diện chính trị.

Khi ông Sandy Berger tường trình với báo chí thì có nói rõ là khi tổng thống Clinton gặp cả ba người, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng bí thư đảng Lê Khả Phiêu, thì ba cuộc gặp gỡ đó khác nhau, nhưng với cả ba, ông Clinton đều nói đến vấn đề nhân quyền. Hai ông Lương và Khải thì phản ứng nhẹ nhàng, còn ông Phiêu thì phản ứng rất mạnh. Đối với hai ông Lương và Khải thì muốn tiến tới cải cách kinh tế, trong khi ông Phiêu cũng nói cải cách kinh tế nhưng nhấn mạnh rằng Xã Hội Chủ Nghĩa sẽ tồn tại mãi mãi, Việt Nam sẽ theo như vậy mãi mãi và kinh tế Việt Nam có lãnh vực tư nhưng không tư nhân hóa kinh tế, nghĩa là nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo. Qua sự kiện đó, người Mỹ thấy có sự khác biệt trong giới lãnh đạo thượng tầng của Việt Nam. Một phe muốn cải cách kinh tế nhiều và một phe muốn giữ giáo điều nhiều. Vậy thì khi tổng tham mưu trưởng Lê Quang Dũng nói như vậy thì ta có thể xếp ông ấy vào phe bảo thủ.

-Kicon: Trong thời gian một tuần lễ trước khi ông Clinton đến Hà Nội, Chủ tịch Trung quốc Giang Trạch Dân đã đến thăm Lào và Cambodia. Theo các nhà phân tích quốc tế, sự có mặt của ông Giang tại hai nước Đông Dương là để quân bằng ảnh hưởng của Hoa Kỳ với Việt Nam. Giáo sư nghĩ sao về nhận định này"

-Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ rằng mình phải phóng chiếu lên một khung cảnh rộngi hơn nữa. Trước đó, trong tháng 10 và tháng 11, ở Việt Nam cũng có rất nhiều cuộc viếng thăm của các phái đoàn ngoại quốc, trong đó có viên chức đại diện ngành quốc phòng Nhật, phái đoàn Nga, phái đoàn Ấn Độ. Riêng Ấn Độ đề nghị một cuộc hợp tác giữa các nước trong vùng châu thổ sông Ganges, trong đó có Ấn Độ và các quốc gia thuộc vùng châu thổ sông Cửu Long, gồm Việt, Miên, Lào, Thái và Miến Điện. Trong bối cảnh đó, khi ông Clinton sang thăm Việt Nam thì Trung quốc cũng muốn sang các nước láng giềng với Việt Nam để biểu dương lực lượng và để răn đe Việt Nam. Và có lẽ vì thế mà Hà Nội không muốn làm rùm beng chuyến viếng thăm của ông Clinton.

-Kicon: Xin cho nghe lượng định của giáo sư về ảnh hưởng chuyến đi của ông Clinton đối với Hoa Kỳ và Việt Nam.

-GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi sẽ nói về 3 khía cạnh.
Thứ nhất là về phương diện ngoại giao, ông Clinton đã xác định được về một trò chơi mới giữa hai nước. Tức là đồng ý để mà bất đồng ý với nhau (agree to disagree) . Tức là nước Mỹ cứ tiếp tục nói về nhân quyền, dân chủ, trong khi Việt Nam cứ tiếp tục chống việc can thiệp vào nội bộ, nhưng mà hai bên vẫn tiếp tục quan hệ trên cản bản lưỡng lợi. Ông Sandy Berger xác nhận là hai bên vẫn tiếp tục nói ngược nhau. Và như vậy thì đây là luật chơi của hai quốc gia đã lập được quan hệ bình thường với nhau. Tức là không còn thù địch nhưng chỉ mới liên hệ bình thường thôi chư chưa có liên hệ thân thiện.

Kế đến về mặt chính trị, ông Clinton đã tạo được không khí phấn khởi đối với Việt Nam, với giới trẻ, với phe đối lập, với phe cải cách. Tuy nhiên, không khí phấn khởi này chỉ có tích cách bộc phát thôi chứ lâu dài thì còn tùy thuộc tình hình Việt Nam. Cũng phải nói ngay rằng, đây là lần đầu tiên có một vị tổng thống Mỹ đến Việt Nam công khai nói chuyện nhân quyền và dân chủ. Rồi có bà dân biểu Loretta Sanchez gặp những người đối lập tại thủ đo Hà Nội thì đó là một ảnh hưởng đặc biệt với Việt Nam.

Sau cùng, về phương diện thương mại, có 10 khế ước được ký. Nhưng việc thi hành các hiệp ước này ra sao thì đó là vấn đề lâu dài, và thi hành được hay không còn tùy rất nhiều vào tình hình cải tổ tại Việt Nam. Thành ra không thể nói chuyến đi này đem nhiều dự án đầu tư cho doanh giới Mỹ. Ngoài ra, ông Clinton còn đồng ý một ngân khoản 200 triệu (đây là khoản tiền rất nhỏ) để khuyến khích Mỹ đầu tư trở lại. Đây chỉ là hình thức mà thôi. Tóm lại, đây là một cánh cửa đã hé mở, một luật chơi mới được xác định để bình thường hóa quan hệ đôi bên. Còn điều gì xẩy ra sau này còn tùy thuộc thái độ của hai nước, nhất là của Hà Nội.

-Kicon: Giáo sư ghi nhận được điều gì đặc biệt từ chuyến đi của ông Clinton"

-Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Có nhiều điểm đặc biệt lắm.

Thứ nhất là ông Clinton nói công khai về nhân quyền, dân chủ, vấn đề toàn cầu hóa. Ông nói trong hai trường hợp và không có chút gì ngần ngại. Một là công khai tại Viện đại học Quốc gia Hà Nội. Hai là trong cả 3 cuộc thảo luận với 3 vị nguyên thủ Việt Nam.

Thứ hai, vì tình cảnh đặc biệt của ông Clinton, nên trước khi lên đường, Tòa Bạch Ốc đã tổ chức rất nhiều cuộc tham khảo ý kiến, nhất là ý kiến của người Việt gốc Mỹ để rồi nhận 2 người Việt gốc Mỹ tham gia phái đoàn. Sự kiện này chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.

Thứ ba, ngoài các hoạt động của ông Clinton ở Việt Nam, chúng ta phải kể đến hoạt động của những người tháp tùng ông. Những người Mỹ gốc Việt đã tổ chức cuộc họp ngay tại trung tâm Sàigòn. Cùng họp có cả Bộ trưởng Thương mại Mỹ và dân biểu Loretta Sanchez cũng đến thuyết trình và vinh danh sự thành công của người Mỹ gốc Việt.

Thứ tư, dân biểu Loretta Sanchez đã không bị trở ngại khi gặp 4 nhân vật đối lập là các ông Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang và Phạm Quế Dương.

Thứ năm, thượng nghị sĩ John Kerry thường bị xem là phản chiến, ông ấy cũng đọc một bài diễn văn ở Phòng thương mại với nội dung mạnh mẽ nói về cải tổ kinh tế, chính trị, nếu không, Việt Nam sẽ bị tụt hậu.

-Kicon: Xin cám ơn giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã dành cho Kicon cuộc phỏng vấn này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.