Hôm nay,  

Giang Hồ Đòi Nợ Xấu

21/08/201300:00:00(Xem: 13752)
Gần đây, vấn đề nợ xấu Việt Nam lại được thảo luận – trong đó có lời cảnh báo rằng nợ xấu từ khối bất động sản không bán nổi sẽ làm cho nhiều ngân hàng sụp tiệm, trong khi giới đầu tư quốc tế bắn tiếng rằng muốn mua lại nợ xấu của Việt Nam, nghĩa là giới đầu tư quốc tế biết cách chuyển nợ xấu thành ra lợi tức. Trong khi đó, một số nhà bình luận lại cảnh cáo rằng nợ xấu có thể dẫn Việt Nam tới chỗ khủng hoảng kinh tế.

Tình hình này có thễ dẫn tới đâu?

Báo Thanh Niên hôm 9-8-2013 đăng một bản tin có tựa đề “Bưng bít nợ xấu, coi chừng phá sản.” Nguồn tin này là từ thông tấn Radiovietnam trong đó đưa ra lời cảnh báo:

“Ví nợ xấu như căn bệnh ung thư, các ngân hàng còn giấu giếm, bưng bít ngày nào thì sẽ càng thua lỗ nặng nề ngày đó, thậm chí có thể phải phá sản.

Vì vậy, dũng cảm chấp nhận con số nợ thật, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài mua lại là giải pháp mà các chuyên gia tham dự hội thảo “Giải pháp cho vấn đề nợ xấu tại Việt Nam” khuyến nghị.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng khuyến cáo các Ngân hàng không nên che giấu nợ xấu mà phải tự thân xác định đúng số nợ thực sự. Qua đó thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ có hiệu quả.

“Nếu không phản ánh đúng thực trạng thì giải pháp đưa ra không thể phù hợp được. Càng kéo dài thời gian càng trì trệ, thua lỗ”, bà Hạnh cảnh báo....”(hết trích)

Trong khi đó, báo Diễn Đàn Doanh Nhân (DĐDN) hôm 18-8-2013 chiếu một tia sáng từ giới đầu tư quốc tế, trong đó cho biết “Nhà đầu tư ngoại sẵn sàng mua nợ xấu của Việt Nam.”

Vấn đề là mua để làm gì?

Tất nhiên là phải có lời mới mua. Vậy thì, giới đầu tư quốc tế sẽ làm gì với khối nợ xấu? Thêm nữa, khi mua nợ xấu tất nhiên là mua với giả rẻ mạt. Vậy thì, có khi chỉ có nghĩa là cho không nợ xấu chăng?

Bản tin DĐDN ghi nhận:

“Đó là chia sẻ của ông Robert Young – Giám đốc Bộ phận Tư vấn các tổ chức tài chính của Deloitte Anh Quốc với báo giới. Theo ông, các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là các định chế tài chính đã quan tâm và sẵn sàng mua nợ xấu của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là Chính phủ Việt Nam phải tạo ra một cơ sở hạ tầng tốt, tài chính, định chế cho nợ xấu để họ tham gia.

Theo tôi, dựa trên con số nợ xấu của các ngân hàng công bố, tỷ lệ nợ xấu chưa ở mức đáng báo động. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn ở đây là thay vì nhìn vào các con số chúng ta nên nhìn vào nỗ lực của các ngân hàng trong việc thiết lập các bộ phận tái cơ cấu và xử lý nợ xấu này. Với tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang tăng cao như hiện nay, việc thành lập công ty mua bán xử lý nợ xấu quốc gia là việc làm hết sức cần thiết của Chính phủ Việt Nam.

Điều chúng ta cần quan tâm là trong thời gian tới các ngân hàng phải làm gì để tăng hiệu quả thu hồi vốn với khoản nợ xấu; đồng thời VAMC sẽ làm gì những gì trong chức năng và quyền hạn của mình đối với hệ thống ngân hàng hiện nay.

- Vậy, ông đánh giá như thế nào về vai trò của VAMC?

Theo tôi, đối với bất cứ công ty xử lý nợ của quốc gia nào, công việc chính của họ là tập trung nợ xấu về một mối và sử dụng quyền lực chuyên biệt của mình để xử lý nợ xấu. Khối lượng tài sản mà VAMC thu hồi về sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình trạng sức khỏe của hệ thống ngân hàng...”(hết trích)

Nghĩa là, giới đầu tư quốc tế có cách biến nợ xấu ra tiền? Thêm nữa, làm sao tái cơ cấu và xử lý nợ xấu?

Trong khi đó, một nhà bình luận từ Sài Gòn trả lời trên Đàì RFI hôm 19-8-2013 về câu hỏi “Việt Nam: Nợ xấu bất động sản dẫn đến khủng hoảng kinh tế?”

Cuộc phỏng vấn của RFI được trích như sau:

“Gần đây báo chí trong nước đã tỏ ra bất ngờ về tỉ lệ nợ xấu bất động sản, có thể lên đến 33-35% dư nợ thuộc lãnh vực này. Các con số thống kê của nhiều cơ quan khác nhau đưa ra chênh lệch cho đến nỗi, dư luận hết sức lo ngại nếu không đánh giá đúng tình hình, thì không thể nào đưa ra quyết sách đúng đắn, dẫn đến những hậu quả nặng nề cho đất nước.


RFI Việt ngữ đã trao đổi với Tiến sĩ Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề trên.

RFI: Xin chào Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, rất cảm ơn anh đã vui lòng dành thì giờ cho RFI Việt ngữ. Anh nhận xét như thế nào về tỉ lệ dư nợ bất động sản có nhiều con số khác nhau, mà theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) thì lên đến 33-35% dư nợ ?

TS Phạm Chí Dũng: Con số của UBGSTCQG là một con số bất ngờ và đột biến, tức là đến 33-35% là nợ xấu trong dư nợ thuộc lĩnh vực bất động sản. Con số này được công bố lần đầu tiên, phát lộ vào năm 2013. Điểm hết sức đặc biệt là con số của ủy ban này lại hoàn toàn trái ngược với số báo cáo của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 5/2013 chỉ là 5,68%.

Như vậy là, ngay giữa hai cơ quan quản lý mà độ chênh biệt của hai con số đã lên đến 6 lần. Sự khác biệt chưa từng thấy này nói lên điều gì? Nó làm cho người ta có cảm giác Việt Nam đang đứng trước một khúc ngoặt của những vấn đề nhạy cảm kinh tế - chính trị đang có chiều hướng bắt buộc bị bạch hóa dưới ánh sáng mặt trời.

Những quan chức can đảm của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đã bạch hóa thế này: dư nợ bất động sản và và nợ xấu bất động sản thực chất cao hơn nhiều so với số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng. Và khi một tổ chức của chính phủ phải công bố điều đó, tức tình hình tài chính – bất động sản đang rất nguy ngập rồi.”(hết trích)

Nghĩa là, con số của Ngân hàng Nhà nước là con số ma?

Còn con số tỷ lệ nợ xấu bất động sản mà do UBGSTCQG là con số thực?

Cũng nên ghi rằng: Những diễn tiến để gỡ dần nợ xấu là lâu dài kinh khủng, ngay cả khi có thể cơ cấu nợ và xử lý nợ xấu, theo lời Tiến Sĩ Young nói ở trên.

Có thể rằng giới đầu tư quốc tế vào VN mua nợ xấu sẽ đòi nợ kiểu giang hồ hay chăng?

Thí dụ, đòi nợ như kiểu các chủ nợ níu áo ca sĩ Siu Black?

Thông tấn VnExpress hôm Thứ Hai 12/8/2013 kể chuyện ca sĩ Siu Black phải “hoãn hát 2 giờ vì chủ nợ bao vây.”

Thế là, theo tin này, ca sĩ Phương Thanh phải đứng ra thương thảo với chủ nợ để 'Họa mi núi rừng' có thể thoải mái ca hát trong đêm nhạc tại TP SG, tối 11/8.

Đêm nhạc này được ca sĩ Phương Thanh tổ chức cho Siu Black có cơ hội được trở lại sân khấu cũng như có tiền trả nợ.

Bản tin viết:

“Thời gian qua, cùng việc rời ghế giám khảo cuộc thi The Winner is (Tôi là người chiến thắng) với lý do sức khỏe, Siu Black còn vướng nợ trên 2 tỷ đồng. Nữ ca sĩ giải thích nguyên nhân là chị kinh doanh quán cà phê thua lỗ. Những chủ nợ tố thêm chị Siu còn nợ vì ham mê cờ bạc.

Trong đêm nhạc tối 11/8, nhiều nghệ sĩ đã đến để tiếp sức cho "giọng ca núi rừng" từ khá sớm như: Hoài Linh, Cát Phượng, Bình Minh, Trang Nhung, Nam Khánh.... Trời mưa lất phất nhưng khán giả vẫn đến đông nghẹt phòng trà để ủng hộ.

Gần 22h, chị Siu mới có thể lên sân khấu được vì bị chủ nợ chờ trực trước cửa.

Phương Thanh cho biết, Siu Black đã đến từ 20h nhưng vẫn ngồi ngoài taxi không dám vào vì có quá nhiều người đến đòi tiền. Trước đó, "chị Chanh" liên tục ra vào thỏa thuận cùng các chủ nợ để cho Siu Black được an toàn và thoải mái lên sân khấu. Không khí đêm nhạc khá căng thẳng trước giờ bắt đầu. Hai cánh cửa vào phòng trà biểu diễn bị nhiều người vây hãm. Thậm chí, Phương Thanh phải nhờ đến lực lượng công an mặc thường phục để an ninh được đảm bảo...”(hết trích)

Đó là cá nhân thôi, là chuyện riêng ca sĩ Siu Black thôi.

Câu hỏi rằng, Việt Nam mang nợ Trung Quốc bao nhiêu? Bà TQ có âm mưu níu áo VN như kiểu giang hồ níu áo ca sĩ Siu Black hay không?

Và nếu nợ xấu VN bán nhầm cho tư bản Trung Quốc hóa trang dưới màu aó quốc tế, thế rồi TQ đòi “cơ cấu và xử lý nợ xấu VN” theo kiểu giang hồ thì sao?

Thác Bản Giốc, Vịnh Bắc Bộ, đất rừng Trường Sơn, Biển Đông... Rồi những mai phục nợ xấu nào nữa? Thật khó tiên đoán vậy...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.