Hôm nay,  

Niềm Khao Khát Tự Do

09/12/200000:00:00(Xem: 4738)
Đang mơ mơ màng màng thì tôi bị đánh thức bởi hai thằng bạn thân. Chưa hoàn hồn thì đã nghe tụi nó "dũa": "Dậy đi Long ơi, còn hai tuần nữa mày đi Úc rồi, sao không tận dụng thời gian này đi chơi cho nó đã mà ngủ như chết vậy!"

Tôi cự nự: "Mẹ kiếp, chơi thì cũng để cho tao ngủ với chứ. Không cho tao ngủ thì lấy sức đâu mà chơi mày".

- Thôi dẹp đi Long ơi".

Thằng Hoàng chen vô:

- Rửa mặt, thay đồ rồi đi uống cà phê.

- Hôm nay tao còn phải xếp đồ vào va ly nữa. Thôi tụi mày phụ tao một tay đi.

Nghe tôi nói vậy, hai đứa nó hưởng ứng liền. Thằng Trí vừa xếp vừa cằn nhằn:

- Không biết thằng quỷ này mang thứ gì mà cồng kềnh quá.

- Ê, đồ của bà già tao mua đó. Nồi, niêu, soong, chảo đều có hết. Thậm chí cả chén đũa mẹ tao cũng kêu tao phải mang theo. Mẹ tao nói bên Tây phương người ta ăn bằng nĩa không hà. Nếu mình không mang những thứ này theo, e rằng qua bên đó không có mà xài.

Nghe tôi nói vậy hai đứa nó gật đầu:

- Mẹ mày nói có lý đó.

Tội nghiệp hai thằng bạn. TÔi đi rồi chắc tụi nó buồn lắm. Chúng tôi chơi thân từ năm học lớp 9, rồi lên trung học, học chung trường Người Tình Mặt Khỉ (Nguyễn Thị Minh Khai). Đến khi nghe tin ba đứa đều được trúng tuyển vào đại học chúng tôi đã ôm nhau mừng đến chảy nước mắt. Thằng Trí được vô đại học pháp lý (luật). Thằng Hoàng thì được học bổng của trường đại học Kỹ Thuật Thủ Đức. Còn tôi may mắn đậu được đại học Kinh Tế.

Tôi mang vali lên cân thử cho chắc ăn. Vì quy định chỉ mang được có 20 kg cộng thêm 5 kg xách tay. Vừa bỏ lên cân tôi trợn mắt:

- Trời ơi, 30 kg lận. Điệu này tao phải đóng phạt mệt xỉu.

Nghe tôi la trời, thằng Hoàng cười nói:

- Lo gì Long, mấy thằng hải quan ở đây chỉ biết ăn hối lộ. Mày nhét vào miệng mỗi thằng 50 ngàn thì đừng nói chi 30 kg, 50 kg tụi nó cũng cho mày qua. Thời buổi kinh tế thị trường mà mày.

Tôi trả lời:

- Tao biết chứ. Nhưng tính tao ghét nhất những ai ăn hối lộ. Mày còn nhớ không, có lần tao với mày đi đóng tiền học thêm rồi bị thằng cảnh sát giao thông chận lại hỏi giấy tờ vì gấp quá lúc đó tao không có mang theo, cuối cùng nó đòi phạt mình 20 ngàn. Móc hết trong túi ra tao với mày chỉ có được mười mấy ngàn để đóng tiền học. Vậy mà nó nhẫn tâm lấy hết. Đã vậy, nó còn ném lại cho tụi mình tờ 500 đồng rách nát:

- Cho chúng mày đấy, cút đi!

- Mẹ, ăn cướp giữa ban ngày vậy mà nói giúp dân, giết dân thì đúng hơn!

Nghe tôi nói một mạch, thằng Hoàng gật đầu:

- Tao nhớ chứ, nhưng tụi mình thấp cổ bé họng thì biết làm sao hơn.

Tôi lại mở vali, lấy những thứ không cần thiết ra rồi đem đi cân một lần nữa.

- Ha, ha. (Tôi cười khoái chí). Chỉ còn đúng 20 kg, kỳ này thì tao yên tâm.

Rồi tôi mang vali cất về một bên. Thằng Trí buồn buồn nói:

- Long à, cái gì cũng vậy, vạn sự khởi đầu nan, gian nan đừng có nản. Mày qua bên đó ráng học nghen. Báo chí ở đây hay nói người Việt ở bên đó kỳ thị lắm, nhất là những đứa du học sinh như mày, nên mày cũng rất cẩn thận.

Nghe Trí nói vậy, tôi hơi giựt mình và lo âu.

Mặc dù mang tiếng đi Úc nhưng kiến thức của tôi về nước Úc coi như mù tịt. Tôi chỉ biết Úc là xứ Kangaroo (mà tiếng Việt gọi là chuột túi), đất rộng người thưa và thủ đô của Úc hình như là...Sydney.

Rồi cũng đến lúc tôi phải lên đường. Chuyến bay của tôi sẽ cất cánh lúc 9.00 giờ am. Bây giờ mới có 5 giờ sáng mà trong nhà đã nhộn nhịp như có tiệc. Mấy người hàng xóm sang nhà tôi nói lời tạm biệt. Có người còn chúc:

- Chúc mày... học giỏi nghen Long.

Đầu óc tôi quay cuồng, tôi không biết mình nên làm gì trước vì mọi thứ đã có người khác lo. Đúng 7 giờ tôi và gia đình lên xe ra phi trường. Tới nơi, tôi thấy người ta ra vô tấp nập. Giờ đây tôi mới thấm thía được cái cảnh chia ly. Lần đầu tiên trong đời phải xa nhà, xa bạn bè và xa quê hương, nước mắt tôi tự dưng chảy dài mà không nói được lời nào. Ba mẹ tôi nghẹn ngào:

- Qua bên Úc ráng học nghen con, đừng có ham chơi.

Tôi ậm ừ rồi lủi thủi bước vô phòng cách ly.

Đến bàn kiểm hành lý, tên hải quan nhìn tôi từ đầu đến chân hỏi:

- Mang bao nhiêu ký"

Tôi trả lời nhát gừng:

- Dạ, 20 ký.

Hắn lại tiếp:

- Thế có mang gì quý giá không"

Tôi lí nhí trong miệng:

- Dạ không ạ

Rồi hắn lại nhìn tôi từ đầu đến chân thêm một lần nữa. Lần này thì mắt của hắn sáng lên khi dừng lại ngay cánh tay của tôi và nạt:

- Mang vàng nhiều thế kia mà bảo không mang gì hết. Nặng bao nhiêu thế"

Tôi trả lời hắn một cách thật thà:

- Dạ khoảng một lượng ạ.

- Thế là vượt mức quy định rồi, đóng phạt 200 ngàn.

Nghe hắn nói vậy, tôi lật đật móc túi lấy tiền ra đếm thì hắn tiếp:

- THôi khỏi cần đếm. Đưa hết đây, ra nước ngoài thì đâu có cần xài tiền Việt Nam.

Thấy hắn nói cũng có lý. Vả lại cũng đã gần trễ giờ nên tôi đưa hết cho hắn rồi đứng chờ. Hắn nhìn tôi ngạc nhiên hỏi:

- Thế không đi đi còn chờ gì nữa"

- Dạ cháu cần biên nhận ạ.

Hắn quay qua trợn mắt:

- Không có biên nhận gì hết. Muốn có biên nhận thì phải đóng 500 ngàn.

Tôi nghe vậy thì giựt mình và cảm thấy uất nghẹn trong lòng. Tức đến chảy nước mắt. Giọt nước mắt này không chỉ riêng cho cá nhân tôi mà là cho cả dân tộc - dân tộc Việt Nam, một dân tộc có hơn 4000 năm văn hiến. Tài nguyên thiên nhiên phong phú nhưng đã không may bị cai trị dưới một tập đoàn cộng sản khát máu, một chính phủ phi nhân, vô nhân đạo. Một chính phủ mà tham nhũng hối lộ xảy ra như cơm bữa, để rồi hơn 18 năm sau "được" mang tiếng là giải phóng Việt Nam, "danh dự" được xếp vào một trong những nước nghèo nhất thế giới. Còn điều gì cay đắng hơn.

Chuyến bay đáp xuống phi trường Bankok khoảng 11.00pm. Tôi phải đợi khoảng 5 tiếng đồng hồ để chuyển sang máy bay khác. Trong thời gian này, tôi lang thang vô mấy cái shops ở phi trường. Tôi ngạc nhiên thốt lên:

- Cha mẹ ơi, phi trường gì mà hiện đại quá trời.

Nó to gấp mấy lần phi trường Tân Sơn Nhất, đèn đuốc sáng trưng, tôi tưởng mình đang đi lạc vào cõi thần tiên nào. Tôi ước mong Việt Nam mình cũng có một phi trường giống như vậy.

5 tiếng đồng hồ trôi qua mà tưởng chừng như chỉ có nửa tiếng. Tôi nuối tiếc bước lên máy bay tạm biệt Bangkok.

Vì quá mệt nên tôi thiếp đi hồi nào không hay. Khi được đánh thức bởi cô tiếp viên xinh đẹp người Thái thì tôi mới biết máy bay sắp hạ cánh xuống phi trường Brisbane. Cô nhắc nhở tôi thắt dây nịt an toàn.

Bước xuống máy bay, tôi ngạc nhiên thấy sao phi trường vắng lặng và buồn quá. Nó không chen lấn, xô đẩy và ồn ào như phi trường Tân Sơn Nhất. Nó không xôm tụ, nhôn nhịp như phi trường Bangkok của Thái Lan. Tôi đang đứng lớ ngớ thì có một người tiến tới tôi hỏi:

- Mày có phải là Long không"

Tôi ngập ngừng:

- Ủa, chú là..... sao thấy quen quen.

Tôi lật đật mở xách tay lấy tấm hình ra. Ôi! Chú tôi, đúng rồi chú tôi ra đón tôi. Mừng quá hai chú cháu tôi ôm nhau khóc. Hai chú cháu đã không gặp nhau 17-18 năm rồi, mà năm nay tôi mới có 20 tuổi. Tôi hỏi một câu thật vô duyên:

- Sao chú nhận ra cháu vậy"

Chú tôi trả lời:

- Thì tao thấy mày... giống tao thì tao biết liền. Thôi ra xe đi, để tao xách đồ cho, chắc đi đường xa mệt dữ ha....

Mọi thứ ở đây thật lạ, ít thấy Honda chạy ngoài đường. Nhà nào nhà nấy thật to và rộng nhưng ít thấy nhà lầu như ở Sàigòn. Xe chạy được khoảng một tiếng đồng hồ thì tới nhà chú tôi.

Wow! Căn nhà thiệt xinh, trước nhà là một thảm cỏ tuyệt đẹp mà chú tôi bỏ công cắt mỗi tuần. Nhà rộng 3 phòng ngủ. Tôi được xếp vô phòng số 2 ngủ chung với đứa em họ. Lần đầu gặp tôi, nó liền rủ tôi chơi game. Nghe thế mẹ nó la:

- Để cho anh Long con nghỉ đã, ngày mai rồi hãy chơi.

Thằng bé chỉ biết lủi thủi vô phòng đóng cửa lại, tội nghiệp thằng bé. Gia đình có 3 chị em nhưng chỉ có mình nó là con trai nên gặp tôi nó thấy đã có đồng minh.

Ngày đầu tới trường là một cực hình đối với tôi. Cô giáo hỏi gì tôi cũng không hiểu. Tôi tự trách mình sao ngu quá, lúc trước ở Việt Nam không chịu học Anh văn cho giỏi để bây giờ... khổ như thế này! Thấy mấy đứa bạn Nhật, Indonesia... nói chuyện chí chóe mà tôi... thèm. Rất may, nhờ cô giáo tận tình giúp đỡ nên tiếng Anh của tôi đã tiến bộ thấy rõ. Tôi có thể giao tiếp bạn bè, thầy cô mà không còn ngần ngại như thuở ban đầu. Tuy nhiên khi người ta nói nhanh quá thì tôi nghe không kịp. Sau khóa học 6 tháng Anh văn, tôi đã thi thêm một lần nữa để xác định xem khả năng có thể theo học ngành quản trị kinh doanh hệ cao đẳng hay không. Rất may tôi đã vượt qua được kỳ thi quan trọng này, tuy nhiên tôi cũng đã bị... bầm dập.

Tháng 7, trời Brisbane se lạnh. Nhiều đêm nhiệt độ xuống còn 1-2 độ C, làm cho cây cỏ trước sân nhà bị đông đá. Tôi sang Úc được hơn 6 tháng và đã quen dần với nếp sống, lối sinh hoạt ở đây. Tôi thích đọc những tờ báo như Nhân Quyền, Tivi Tuần San... Điểm khác biệt của những tờ báo này là họ có quyền tự do nêu lên những quan điểm của mình, điều mà cá nhân tôi chưa bao giờ thấy ở bất cứ một tờ báo nào trong nước dám đăng.

Tôi đã quyết định đăng ký khóa học quản trị kinh doanh tại một trường công, mặc dù tiền học phí cũng giống như trường tư. CHúng tôi phải đóng khoảng $8,500 đồng cho một năm học. Tuy nhiên điểm khác biệt lớn nhất là trường tư họ dạy... cấp tốc và không có holiday, ngoại trừ những ngày lễ. Khóa học hai năm thì họ dạy cấp tốc thành một năm rưỡi, nhưng mình phải đóng học phí cho cả hai năm. Điểm này dễ làm cho học sinh căng thẳng vì học quá sức. Vả lại những đứa du học sinh như tôi thì khả năng Anh văn quá hạn chế nên nhiều đứa học không nổi... đành phải trở về nước sớm.

Còn trường công vừa học vừa có holiday cho học sinh có điều kiện ôn bài và không bị căng thẳng. Ngày đầu tiên tôi tới trường Yeronga TAFE, ít nhiều làm cho tôi ngạc nhiên. Khung viên trường rộng. Nó rộng hơn gấp chục lần trường đại học kinh tế ở Sài gòn nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu mà tôi đang học dở dang năm thứ nhất. Tôi bước vào trường dọc theo đường đi bộ thì tới ngay căn tin. Tôi thấy khoảng 5, 6 người Việt đang chơi bóng bàn. Tôi muốn tới làm quen với họ nhưng lại sợ. Sợ bị kỳ thị như báo chí ở Việt Nam thường đăng, nên tôi chỉ đứng cách họ khoảng 7-8 mét để xem. Có lẽ thấy thái độ của tôi không được tự nhiên lắm nên một đứa trong bọn họ quay sang tôi hỏi:

- Này, mới ở Việt Nam sang hả"

Tôi ừ một tiếng thì họ hỏi tiếp:

- Mày được bảo lãnh hay ở bên trại qua"

- Không, tao đi du học.

Nghe tôi trả lời vậy họ liền "hả" lên một tiếng làm tôi giựt mình. Rồi tự nhiên 3, 4 đứa lại gần tôi. Thấy vậy thì tôi lùi lại 2 bước để chuẩn bị... dọt.

Một đứa bất ngờ đưa tay ra... bắt tay tôi (làm tôi giựt mình muốn xỉu), tự giới thiệu:

- Tao tên là Tuấn, rất hân hạnh làm quen với mày. Còn mày là....

Tôi lấy can đảm:

- Tao tên là Long. Tao qua đây được nửa năm rồi.

Lần lượt hết đứa này đến đứa khác bắt tay tôi:

- Tao tên Quang, mình tên Ngọc....

Họ nói chuyện rất dễ thương. Họ sẵn sàng giúp đỡ những người ở Việt Nam mới qua, dù là du học. Và quan trọng hơn hết là không bao giờ có chuyện kỳ thị ở đây. Tôi rất hân hạnh và vui mừng được làm quen với những người bạn Việt Nam này.

Ba năm học ở Úc đã trôi qua, những cố gắng của tôi được đền bù với những kết quả đáng khích lệ. Trong thời gian này tôi đã quen và yêu Di. Tình yêu chúng tôi tiến triển theo thời gian tưởng chừng không gì có thể chia cách. Giữa năm 1996, tôi nhận được bảng kết quả cùng với lá thư của trường gởi về mời lên làm lễ tốt nghiệp. Tôi không biết mình nên mừng hay buồn. Nhìn đôi mắt ngấn lệ của Di. Tôi biết nàng không muốn xa tôi. Tôi xin Di cho tôi 2 ngày thời gian để suy nghĩ. Tôi muốn quyết định của mình phải là một quyết định nghiêm chỉnh. Tối hôm đó tôi ngủ không vô, trằn trọc mãi với câu hỏi: "Ở lại hay về". Ở lại Úc ngoài một tình yêu Di dành cho tôi còn có một sự tự do dân chủ mà hơn 3 năm qua đã hấp thụ vào tận xương tủy của tôi. Biết bao nhiêu anh hùng dân tộc đã hy sinh, biết bao nhiêu người đã bỏ mình ngoài biển cả cũng chỉ vì hai chữ tự do này. Đành là như vậy. Nhưng cha mẹ tôi nay đã già, cha đã hơn 70 tuổi, còn mẹ thì hơn 60 tuổi. Trong gia đình tôi là con trai út. Tôi chỉ biết rằng cha mẹ tôi cần tôi hơn bao giờ hết. Nhiều lúc tôi nghĩ rằng mình nên về để chăm sóc cha mẹ già.

Nhưng, lại một chữ nhưng nữa hiện ra trong đầu tôi. Tôi nhớ lại bản mặt ăn hối lộ trắng trợn của tên cảnh sát giao thông và tên hải quan ngày nào không khỏi làm tôi giựt mình. Không, tôi không thể nào sống được với một chế độ độc tài, thối nát như vậy. Nghĩ đến đây, tôi đã có quyết định. Tôi đứng dậy bước ra cửa hướng về một phương trời vô định. Tôi biết chắc rằng gia đình, bạn bè và cả một dân tộc Việt Nam yêu dấu của tôi bên kia bờ đại dương cũng đang khát khao một sự tự do, sự tự do mà tôi đang có.

Nguyễn Thắng Khang Long

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.