Hôm nay,  

Diễn Biến Hòa Bình Vì Dân Chủ Khác Với Thỏa Hiệp

06/10/200000:00:00(Xem: 3787)
Kicon mạn đàm với Phong Trào Thống Nhất Dân Tộc và Xây Dựng Dân Chủ

Ngày 24 tháng 7 năm 2000, tại hội trường Longworth House Office Building của Quốc hội Hoa Kỳ, đã diễn ra một cuộc hội thảo chính trị với chủ đề “Việt Nam chuyển hóa hiến định bằng đường lối chính trị”. Buổi hội thảo do Phong Trào Thống Nhất Dân Tộc và Xây Dựng Dân Chủ (Văn phòng đại diện hải ngoại) tổ chức với sự bảo trợ của Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do và Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, với sự tham dự của hơn 100 người đến từ nhiều quốc gia và các tiểu bang Hoa Kỳ. Sau một ngày thảo luận, các hội thảo viên đã đồng ý đưa ra một Bản Đề Nghị gồm 2 phần. Phần A liên quan đến đảng cộng sản Việt Nam và phần B liên quan đến các “tổ chức đối lập”.

Chiều ngày 2 tháng Mười, hai trong số những người trong Ban tổ chức và đồng thời cũng là thành viên của Phong Trào Thống Nhất Dân Tộc và Xây Dựng Dân Chủ là tiến sĩ Nguyễn Văn Trần và giáo sư Trần Văn Nam Sơn đã đến thăm Kicon và mạn đàm với biên tập viên Đinh quang anh Thái. Sau đây là nguyên văn cuộc mạn đàm.

-Kicon: Trong Bản Đề Nghị được phổ biến sau khi kết thúc cuộc hội thảo chính trị tại Washington, quí ông nhấn mạnh rằng, “mọi người Việt Nam, dù là cộng sản hay không cộng sản cần phải ý thức rõ rệt Dân Chủ và Hòa Bình là hai yếu tố cần thiết không thể thiếu để đất nước được phát triển trong trật tự và ổn định”. Trước hết, xin nói về dân chủ. Những người lãnh đạo Hà Nội vẫn tự nhận chế độ của họ là chế độ dân chủ, hơn hẳn các chế độ dân chủ khác và họ phủ nhận tính cách phổ quát của sinh hoạt dân chủ mà hiện nay đang là xu hướng chung của nhân loại. Còn hòa bình thì hiện nay, đất nước không còn chiến tranh nữa. Vậy, xin quí ông có thể nói rõ hơn về hai điểm này.

-Tiến sĩ Nguyễn Văn Trần: Người cộng sản vẫn tự hào họ là chế độ dân chủ và cho rằng đó mới là chế độ dân chủ cao nhất, đẹp gấp ngàn lần dân chủ tư sản. Nhưng cái dân chủ mà người cộng sản nói, là dân chủ xã hội chủ nghĩa, tức là dân chủ tập trung dưới sự lãnh đạo của một đảng duy nhất. Như vậy có nghĩa là chủ quyền quốc gia không nằm trong tay người dân. Người dân không được quyền tham gia ý kiến để xây dựng xã hội. Bởi vì dân chủ là quyền của dân, và chính quyền chỉ là cơ chế đại diện dân để thì hành luật pháp. Chính quyền không thế đứng trên xã hội. Do đó, quan niệm đúng đắn về dân chủ là dân chủ không xuất phát từ nguồn gốc của quyền lực, mà dân chủ thực sự là do sự kiểm soát thường xuyên và hữu hiệu của người dân đối với chính quyền. Đó chính là quan niệm dân chủ của Phong Trào Thống Nhất Dân Tộc và Xây Dựng Dân Chủ. Hiện nay Việt Nam chưa có dân chủ. Muốn có dân chủ, chính quyền hiện tại phải trao trả chủ quyền cho người dân để người dân có quyền kiểm soát thường xuyên mọi việc làm của chính quyền.

-Giáo sư Trần Văn Nam Sơn: Người cộng sản thường dùng thuật ngữ là phải có ổn định thì mới xây dựng được đất nước. Trong khi Phong Trào Thống Nhất Dân Tộc và Xây Dựng Dân Chủ quan niệm “hòa bình” là sau khi có dân chủ rồi, tức là phải kèm theo một nội dung gắn bó hữu cơ, nghĩa là gắn bó giữa dân chủ và hòa bình. Nói cách khác, phải có dân chủ để chính quyền và những người đối lập thương thảo với nhau trong việc xây dựng đất nước. Có những quốc gia dân chủ trên thế giới mà không có hòa bình. Thí dụ trường hợp Nam Dương, Miến Điện. Những nước này có một nền dân chủ không phải là cộng sản nhưng họ không xây dựng được hòa bình để phát triển đất nước. Họ vẫn không chấp nhận những người khác chính kiến với họ và chỉ giành đặc quyền đặc lợi cho đảng cầm quyền mà thôi. Vì thế cho nên, những đất nước đó luôn luôn bất ổn. Còn một nước xây dựng một nền dân chủ hiến định như Phong Trào của chúng tôi đề nghị, thì việc thay đổi, một chính phủ, thay đổi luật pháp sẽ không ảnh hưởng gì đến an ninh của xã hội. Việt Nam hiện nay chưa có ổn định chính trị, vì thế, nếu trong tương lai những phe phái chúng ta thỏa thuận được với nhau thì nên tránh gây ra những bất ổn chính trị để xây dựng đất nước trong nền dân chủ hiến định.

-Kicon: Cũng trong Bản Đề Nghị, quí ông kêu gọi “đảng cộng sản Việt Nam phải tỏ thiện chí bằng những hành động cụ thể để cùng toàn dân tiến hành công cuộc dân chủ hóa đất nước, đảng cộng sản phải từ bỏ đặc quyền đặc lợi và tuần tự trao quyền cho các cơ quan dân cử và đồng thời tu chính Hiến pháp nhằm ấn định quy chế đối lập chính trị.” Theo nhận định của quí ông, lý do nào mà giới lãnh đạo Hà Nội phải nhượng bộ, khi mà họ đang nắm hết quyền hành trong tay và nhất là chưa có lực lượng nào đủ mạnh để bắt họ phải từ bỏ vai trò độc tôn của họ hiện nay"

-Giáo sư Trần Văn Nam Sơn: Nhìn một cách tổng quát thì chưa có lực lượng chính trị nào ở trong nước có thể làm cho giới lãnh đạo cộng sản từ bỏ quyền hành. Mà bản chất của những người cộng sản là họ sẽ không từ bỏ quyền lực nếu không có lực lượng nào đủ mạnh để họ phải từ bỏ quyền lực. Nói chung, bản chất của những người lãnh đạo các nước không dân chủ đều như thế, họ không từ bỏ quyền hành nếu họ không ở vào tình thể bắt buộc. Cộng sản cũng rơi vào trong trường hợp đó. Chúng tôi thì chúng tôi tin là người cộng sản bắt buộc sẽ phải từ bỏ quyền lực. Mà điều này thì cộng sản hiểu rõ, vì cộng sản Việt Nam xuất phát từ cộng sản Liên Xô, và bây giờ Liên Xô sụp đổ rồi. Thuật ngữ cộng sản họ gọi đó (tiến trình này) là tất yếu. Năm 1986, khi Hà Nội đổi mới, bang giao với Mỹ, bản thân họ không muốn nhưng thực tế hoàn cảnh ở Việt Nam thúc ép họ, nếu họ không mở cửa là họ chết. Khi họ đổi mới kinh tế là họ bớt đi cái chất cộng sản, họ không còn có thể độc quyền về chính trị như xưa. Và mới đây, họ đã ký với Hoa Kỳ bản hiệp định thương mại, họ mở cửa cho Mỹ vào thì họ không còn giữ được chủ nghĩa cộng sản nữa. Họ ký hiệp ước này tức là phải chấp nhận “game” chơi của thế giới, nghĩa là không còn có thể dùng bạo lực được nữa. Cộng sản xây dựng chế độ của họ trên hai chân. Chân kinh tế và chân chính trị, bây giờ họ rút một chân kinh tế thì họ chỉ còn đi bằng một chân chính trị thôi. Mà kinh tế quyết định chính trị. Khi họ không nắm được kinh tế thì họ không thể ổn định dược về chính trị. Mở cửa là một cách câu giờ cho nên cộng sản dùng thuật ngữ kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong khi chúng ta muốn kinh tế thì trường theo định hướng dân chủ. Dân chủ theo thuật ngữ các nước Tây phương, có bầu cử tự do và theo hiến định.

-Tiến sĩ Nguyễn Văn Trần: Sự thay đổi chỉ xẩy ra khi có thay đổi về tương quan lực lượng. Hiện nay người cộng sản đang nắm trọn quyền lực trong tay thì không có lý do gì họ thay đổi. Lenine quan niệm rằng chỉ có thay đổi quyền lực khi nào lãnh đạo không thống nhất kiểm soát toàn bộ quyền lực và khi nào hạ tầng cơ sở rối loạn. Lúc đó chế độ mới thay đổi. Nhìn vào hiện tình Việt Nam, lãnh đạo trung ương chắc chắn không còn sự đoàn kết như hai ba mươi nam về trước. Còn ở hạ tầng cơ sở, chúng ta thấy dân chúng từ Bắc vào Nam đã có những sự xáo trộn. Càng ngày chúng ta càng thấy rõ hiện tượng cộng sản gia tăng kiểm soát dân chúng. Sự kiện này tỏ cho thấy có sự bất ổn. Những người cộng sản sáng suốt và thực sự yêu nước phải thấy rằng cần thay đổi, để cứu nguy đất nước khỏi tình trạng tệ hại hiện nay mà còn cứu nguy cho chính họ. Mà thay đổi là phải mở ra con đường dân chủ. Lấy kinh nghiệm các nước cộng sản Đông Âu cũ, ngoại trừ Albania và Rumania, còn các nước khác đều thay đổi bằng con đường hiến định, rất ôn hòa, không có xáo trộn. Tất cả những cuộc thay đổi đó đều do các cuộc nói chuyện bàn tròn hoặc là các cuộc xuống đường không đổ máu. Và trên “văn tự” thì sửa đổi hiến pháp hoặc viết hiến pháp mới.

-Kicon: Xin phép được ngắt lời tiến sĩ Trần. Chủ động sự thay đổi tại Tiệp là do giới trí thức và văn nghệ sĩ, còn tại Ba Lan là do Công Đoàn Đoàn Kết. Theo tiến sĩ, thành phần nào trong xã hội Việt Nam sẽ chủ động sự thay đổi"

-Tiến sĩ Nguyễn Văn Trần: Cuộc cách mạng tại Đông Âu là một quá trình rất dài của sự thẩm thấu tư tưởng dân chủ từ bên ngoài vào. Nếu không có ảnh hưởng từ Tây Âu và Đài Âu Châu Tự Do thì chưa chắc đã có cuộc thay đổi đó. Thế thì cộng đồng người Việt hải ngoại hiện nay đã có những cuộc vận động để chuyển về quê nhà những tư tưởng dân chủ tự do để chuyển biến tình hình. Ở các nước công nghiệp, đa số là công nhân nên chủ động sự thay đổi là công nhân như Công Đoàn Đoàn Kết của Ba Lan. Còn Việt Nam mình vì 80% là nông dân nên chủ động sẽ là nông dân. Và động cơ khiến nông dân gắn bó với cuộc đấu tranh là vấn đề chủ quyền đất đai, chủ quyền cầy cấy và hưởng thụ các sản phẩm do cầy cấy. Cho tới nay, người Việt Nam chưa được hưởng đủ quyền sống mà chỉ hưởng quyền tồn tại do chế độ ban phát mà thôi, mà người nông dân thì biết rất rõ điều đó, nên họ sẽ đứng dậy đòi quyền sống.

-Giáo sư Trần Văn Nam Sơn: Theo tôi, tập họp để mà nổi lên vẫn là nông dân, nhưng lực lượng phát động để nông dân ý thức được vấn đề tự do dân chủ thì là những người trí thức. Vì nông dân xưa nay quyền lợi cốt tử của họ là ruộng đất và đời sống cụ thể, còn khái niệm dân chủ, tự do, nhân quyền là từ giới trí thức mà có. Những năm gần đây, chúng ta đều biết là có rất nhiều người thuộc nhóm sĩ phu Bắc hà cũng như trong Nam đã lên tiếng tranh đấu cho dân chủ và ngày càng có thêm nhiều trí thức khác nhập cuộc. Với sự hỗ trợ của người Việt quốc ngoại, những người trong nước đang từ từ hình thành một lực lượng mà các đài báo nước ngoài gọi là lực lượng đối lập. Trước đây, họ chỉ là những người đối kháng, nghĩa là chỉ là từng cá nhân riêng lẻ, và điều này cộng sản không sợ. Còn bây giờ khi biến thành đối lập, tức là thành lực lượng thì họ làm cộng sản rất sợ. Nhưng mà cộng sản e sợ mà không còn cách nào khác hơn là chấp nhận, nên cộng sản chỉ muốn những người đối lập phải do cộng sản đẻ ra chứ không phải là đối lập thật sự. Do đó, trong những ngày sắp tới, chúng ta sẽ thấy những người đối lập do cộng sản nhào nặn xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu ổn định xã hội của giới lãnh đạo. Chính vì thế mà Phong Trào Thống Nhất Dân Tộc và Xây Dựng Dân Chủ đã phát động một chiến dịch để cảnh giác về việc làm dân chủ giả hiệu này trong những ngày sắp tới của cộng sản.

-Kicon: Phần B của Bản Đề Nghị viết về các tổ chức đối lập, quí ông nhấn mạnh rằng “các tổ chức chính trị đối lập cần phải ý thức rõ về nhu cầu Dân Chủ và Hòa Bình của đất nước, không lợi dụng tình thế gây ra các bạo động bất ổn làm cho tình hình thêm rối loạn khó giải quyết và có thể làm sụp đổ các cơ sở phát triển đang có.” Quí ông còn kêu gọi là “các tổ chức đối lập nên thực hiện vai trò chính trị đối lập ôn hòa và xây dựng.” Trước hết là về thuật ngữ chính trị. Theo các ông thì Việt Nam hiện nay có đối lập chính trị hay không" Và kế đến, lời kêu gọi này liệu có khiến mọi người nghĩ rằng, quí ông muốn bảo vệ hiện trạng của Việt Nam mà bất chấp tới thái độ cố bám quyền lực của giới lãnh đạo đảng cộng sản"

-Giáo sư Trần Văn Nam Sơn: Hiện nay ở trong nước đang hình thành một liên minh đối lập. Từ hình thức đối kháng chuyển sang đối lập. Những ngày gần đây, chúng ta thấy rằng những sĩ phu Bắc hà từ chỗ đấu tranh có tính cách riêng lẻ, đã tiến tới việc hình thành một liên minh. Trong Nam thì tất cả các lực lượng chính trị đã liên minh với nhau để thể hiện vai trò đối lập của mình. Mà nếu những lực lượng đối lập trong nước kêu gọi một vụ bạo loạn thì họ đã tạo cho phe thủ cựu trong đảng cộng sản một cơ hội sử dụng sở trường của cộng sản là dùng biện pháp trấn áp. Phe bảo thủ chỉ mong như vậy để đàn áp và trở lại tình trạng đóng cửa Việt Nam, không muốn Việt Nam gia nhập sinh hoạt của thế giới, hay nói rõ ra là không muốn bang giao với Mỹ.

-Kicon: Theo chỗ chúng tôi biết, những người ở miền Bắc hiện nay như Dương Thu Hương, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến, Trần Độ.v.v...đều nhiều lần phát biểu rằng họ muốn Việt Nam thay đổi bằng con đường hòa bình, ôn hòa. Với những người trong Nam như Nguyễn Đan Quế, Lữ Phương, Nguyễn Ngọc Lan.v.v...cũng đều muốn Việt Nam chuyển hóa trong hòa bình. Vậy thì khi Phong Trào kêu gọi trong Bản Đề Nghị rằng “”các tổ chức chính trị đối lập cần phải ý thức rõ về nhu cầu Dân Chủ và Hòa Bình của đất nước, không lợi dụng tình thế gây ra các bạo động bất ổn làm cho tình hình thêm rối loạn khó giải quyết và có thể làm sụp đổ các cơ sở phát triển đang có”, Phong Trào muốn nhắm vào đối tượng nào" Các tổ chức chính trị đối lập mà quí ông kêu gọi là ở trong nước hay là những lực lượng đang ở hải ngoại"

-Giáo sư Trần Văn Nam Sơn: Chúng tôi quan niệm cốt lõi của đấu tranh là ở trong nước. Nói vậy không có nghĩa là phủ nhận vai trò của cộng đồng hải ngoại. Theo chúng tôi, xu hướng hiện nay của nhân loại là đối thoại và hợp tác, nên những người cộng sản và không cộng sản cũng cần đối thoại và hợp tác với nhau để chuyển hóa tình hình Việt Nam trong hòa bình. Và khi giới lãnh đạo Hà Nội mở cửa tức là họ muốn đi với những người không cộng sản. Họ đổi mới vì họ vẫn muốn đối thoại, mặc dù họ vẫn nói tư tưởng cộng sản là thống soái. Tóm lại, chúng tôi chủ yếu kêu gọi những người trong nước để làm an lòng những người cộng sản và lôi những người bảo thủ xuống thang, cho họ thấy rằng chúng tôi không phải là những người để họ đàn áp.

-Tiến sĩ Nguyễn Văn Trần: Chúng tôi xin nói rõ ràng là Phong Trào không bao giờ thỏa hiệp với chế độ cộng sản. Chế độ này dứt khoát phải thay đổi để tiến lên dân chủ bằng con đường hiến định. Hoặc là sửa đổi hiến pháp hoặc thiết lập bản hiến pháp mới, tức là theo một lịch trình để tránh bất ổn. Và khi thay đổi thì chủ yếu là phải bỏ điều 4 hiến pháp, là điều quy định vai trò độc tôn của đảng cộng sản. Hơn thế nữa, còn phải trù liệu những đạo luật để bảo vệ dân chủ cho người dân và cơ bản nhất để bảo đảm cho dân chủ quyền đối lập. Chúng tôi không hề phản đối chủ trương bạo lực, chủ trương giải pháp quân sự của các nhóm khác. Nhưng Phong Trào của chúng tôi theo đuổi con đường thay đổi Việt Nam bằng hòa bình vì theo khả năng của chúng tôi và theo tình hình của những người lãnh đạo trong nước và tranh đấu để có qui chế đối lập. Mà nói đến đối lập là phải có sự bảo đảm của luật pháp. Vậy thì khi bỏ điều 4 hiến pháp là phải qui định rõ rệt quyền đối lập chính trị. Vì hiện nay vẫn còn là xu hướng phê phán, chống đối mà chưa có quy chế đối lập nên giáo sư Nguyễn Đình Huy lãnh đạo Phong Trào vẩn còn bị bắt giữ. Các tổ chức đối lập mà chúng tôi kêu gọi là những tổ chức chính trị được luật pháp bảo đảm trong cái tiến trình mà chúng tôi phác họa ra, khi cộng sản chấp nhận thay đổi bằng cách bắt đầu bỏ điều 4 hiến pháp. Xin nhấn mạnh là chúng tôi không thỏa hiệp với cộng sản và lời kêu gọi của chúng tôi nhằm vào những người trong nước và những người cộng sản.

-Kicon: Khi nói rằng Phong Trào tranh đấu để có quy chế đối lập chính trị, phải chăng quí ông mặc nhiên công nhận tính hợp pháp của chế độ cộng sản hiện nay tại Việt Nam"

-Tiến sĩ Nguyễn Văn Trần: Chúng tôi phải nói rõ ý nghĩa của hai chữ thỏa hiệp. Thỏa hiệp là đồng ý theo quyền lợi, theo chủ trương của đảng cộng sản. Còn thừa nhận đảng cộng sản là một thực thể để ta đấu tranh ta đòi thực hiện cái quyền lợi, cái mục tiêu của chúng ta thì lại là một chuyện khác. Phong Trào Thống Nhất Dân Tộc và Xây Dựng Dân Chủ kết hợp với các phong trào dân chủ hiện có ở Việt Nam để làm một lực lượng đối kháng, chống lại những chính sách của chế độ hiện tại và có thể hợp tác nếu những người cộng sản chấp nhận thay đổi theo hướng dân chủ. Và quyền quyết định tối hậu là do toàn dân.

-Kicon: Quí ông rút được bài học gì trong vụ cộng sản Hà Nội bắt những nhân vật lãnh đạo của Phong Trào vào tháng 11 năm 93"

-Tiến sĩ Nguyễn Văn Trần: Năm 93, Phong Trào tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề phát triển Việt Nam. Công việc sửa soạn cho buổi hội thảo, chính quyền cộng sản biết rất rõ. Chúng tôi đã chuẩn bị thơ mời một số người lãnh đạo địa phương và ở trung ương Hà Nội. Mọi việc diễn ra tốt đẹp, nhưng một tuần lễ trước buổi hội thảo thì bỗng nhiên có lệnh hủy bỏ cuộc hội thảo và những người liên quan đến việc tổ chức cuộc hội thảo bị bắt giữ, kể cả ban lãnh đạo của Phong Trào. Ngay lúc đó, anh em Phong Trào cũng không hoàn toàn tin người cộng sản, nhưng vẫn phải làm. Lúc đó, Việt Nam bị cấm vận. Một cuộc hội thảo phát triển Việt Nam với sự tham gia của các chính khách quốc tế thì đó là một cơ hội cho chính quyền Hà Nội tiếp cận. Mà nếu thái độ của Hà Nội lúc đó ôn hòa, thích hợp được với tình hình thế giới thì đó là dịp tốt cho họ đẩy mạnh việc hủy bỏ cấm vận. Nhưng mà họ đã bỏ cơ hội đó. Nếu họ khôn ngoan dám chấp nhận cơ hội đó và để các chính khách Tây phương có mặt tại Việt Nam, thì từ đó họ có thể níu lấy đó như một cây sào hướng Việt Nam đến dân chủ, với sự bảo đảm của cả khối Tây phương. Tôi nghĩ đó là một cơ hội rất lớn, nếu họ can đảm. Tiếc thay, từ đó đến giờ, lãnh đạo Hà Nội không ai có tầm vóc đó. Cho nên tình hình càng ngày càng bệ rạc đi. Bài học của chúng tôi rút được là phần lạc quan về phía Phong Trào, phía các lực lượng dân chủ. Cái phần thắng, phần tốt nghiêng về phía đối lập, phía dân chủ. Nhưng không phải ngay bây giờ và chế độ Việt Nam sẽ là dân chủ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.