Hôm nay,  

Vùng Đất Hứa Và Những Chặng Đường Đã Đi Qua

25/11/200000:00:00(Xem: 4997)
Cho đến bây giờ thì hai đứa con tôi đã bước vào đại học, phần tôi thì đã trên dưới sáu lần tham gia bầu cử để chọn người đại diện vào cơ quan công quyền ở hai cấp tiểu và liên bang. Điều này có nghĩa là tôi đã trở thành công dân Úc, một quốc gia mà tôi chỉ biết mập mờ qua những trang giấy học trò thời trung học. Rồi chiến tranh càng khốc liệt, khốc liệt đến nỗi không một vùng đất nào lại không có chết chóc, không vùng đất nào còn nguyên vẹn. Những cánh đồng hoang tàn thiếu cánh cò bay, những giòng kênh xanh thẳm thiếu tiếng chèo ghe kẽo kẹt, những phiên chợ vắng tanh người nhóm. Hình ảnh quê hương ngày một tàn lụi dần. Từng đoàn trai trẻ lại xếp bút nghiên giã từ mái trường "để theo việc đao cung", từng lớp người ngã xuống cũng chỉ vì hai chữ tự do.

Tôi cũng không thoát khỏi vòng sinh tử ấy và "Mùa hè đỏ lửa" đã lột xác tôi: một cậu học trò ngày hai buổi cắp sách đến trường để trở thành người lính, một người lính bình thường với một tâm niệm và ước mơ đơn giản: "Đất nước thanh bình sẽ trở lại quê nhà với mái tranh, với hàng dừa và đồng lúa chín". Nhưng rồi cuộc chiến mỗi lúc một cao độ tưởng chừng như bất tận, và trong một trường hợp ngẫu nhiên tôi lại có dịp chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ thuộc quân đội Hoàng Gia Úc trong lực lượng đồng minh tại Núi Đất (Phước Tuy). Thế là quốc gia Úc Đại Lợi lại một lần nữa đến với tôi. Lần này tuy khá hơn, có nghĩa là tôi đã biết về con người và tận mắt thấy những sinh hoạt của những "chiến sĩ bảo vệ hòa bình", nhưng đây cũng chỉ là những lần giáp mặt của những con người cùng chung chí hướng và thời gian lại tiếp tục ngăn cách ý nghĩ của tôi về đất nước và con người Úc Đại Lợi.

Như phép nhiệm mầu để rồi mười tám năm sau tôi lại có mặt ở vùng đất hứa. Những người chiến sĩ ngày nào bây giờ là những công dân cũng như tôi và chúng tôi đang cùng nhau xây dựng một quốc gia mà trước đây tôi chưa nghĩ, hay nói đúng hơn là chưa bao giờ nghĩ đến mình lại có mặt ở đây. Những phát minh về khoa học kỹ thuật đã giúp con người càng ngày càng thêm tiến bộ. Những ánh sáng văn minh làm cho cuộc sống thêm phong phú và ý nghĩa khiến tôi lại chạnh lòng nhớ về quê hương một nắng hai sương nơi mà đồng bào tôi, thân nhân tôi đang lam lũ với áo chẳng lành và cơm chẳng đặng no. Bất chợt hình ảnh của chuyến đi tìm đất hứa như khúc phim chiếu chậm đã quay lại, và tôi chua xót đếm từng đoạn đường đã đi qua.

Chiếc xe đò mang biển số 68H 0166 hối hả rời thị xã Rạch Giá giữa cái nắng nung người vào những ngày cuối tháng 4. Đằng sau lớp bụi, hình ảnh thành phố ven biển đang mờ dần. Chiếc xe như trốn chạy, như muốn che dấu cái gì đó và đang lao vun vút trên con đường gập ghềnh đầy ổ gà. Mặc dù người tài xế cứ gia tăng tốc độ nhưng quãng đường "bấp bênh" lại như đẩy lùi chiếc xe về phía sau. Có những lúc chúng tôi bị hất tung lên trần xe và đâu đây như có tiếng thở dài não nuột. Nhìn hai đứa con tôi thiếp đi trong cơn mệt lả, lòng tôi se thắt, tôi hoang mang lo nghĩ về chuyến đi, bất chợt tôi rùng mình nghĩ đến những gì sắp và sẽ xảy ra. Tôi bàng hoàng xúc động khi nghĩ đến sự việc chẳng lành có thể xảy đến cho gia đình tôi. Rồi tôi phải sống ra sao khi toàn bộ tài sản của tôi đã mất sạch cho chuyến đi này" Với năm công đất hương hỏa của gia đình tôi để đánh đổi ba lượng vàng làm mãi lộ cho cuộc hành trình. Nhìn những người chung quanh, mỗi người mang một ý nghĩ, nhưng tôi tin chắc rằng họ cũng như tôi đang lâm râm cầu nguyện. Bất chợt tôi rùng mình và nghẹn ngào trong tiếng nấc. Tôi đã thiếp dần trong tiếng "ì ạch" của chiếc xe đò trên tuyến Rạch Giá-Hà Tiên.

Tôi bừng tỉnh khi mọi người chung quanh ồn ào và chiếc xe đò đã dừng lại tự bao giờ. Ánh đèn pha, tiếng thì thào trao đổi trong khoảnh khắc đã tan biến và tất cả đang nín thở nghe "mệnh lệnh".

"Chạy" và những cánh cửa đã mở tung, mọi người như đàn ong vỡ tổ ùa chạy theo ánh đèn pin làm hiệu. Tôi không còn kịp để suy nghĩ, đã ôm vội đứa con trai trên mười tuổi của tôi quăng mạnh lên vai, tay kia chụp lấy cái "giỏ bàng" mở cửa xe tung người chạy theo đứa con trai lớn và vợ tôi theo sau như bị rượt đuổi. Bấy giờ là 8 giờ rưỡi tối ngày 30.04.1990. Gia đình tôi đã thực sự rời quê hương Việt Nam trong hãi hùng, trong cơn kinh hoàng và trong nỗi nhớ nhung "ai oán". Tiếng sóng biển đổ ập vào mạn tàu cũng không ngăn nổi tiếng lòng ray rứt của tôi. Những giọt mồ hôi lăn dài trên má không che lấp được dòng lệ khi tôi phải xa lìa nơi chôn nhau cắt rốn, để dấn thân vào những chặng đường chông gai đầy sóng gió. Không có bút mực nào có thể diễn tả hết tâm trạng tôi trong lúc này. Hình ảnh cuối cùng của quê hương tôi, vùng đất Ba Hòn mờ dần theo sóng biển và tôi thiếp đi trong cơn sóng biển chập chờn.

Tôi không còn nhớ rõ những gì đã xảy ra, và tôi cũng không biết mình đã thiếp đi bao lâu, đến khi mọi người xung quanh tôi reo mừng cho con tàu đã đến đất liền. Tôi không tin đây là sự thật, nhưng trước mặt tôi là bãi cát dài mênh mông và hàng hàng lớp lớp những cây dừa đang rì rào trước làn gió biển. Tôi mừng đến phát run khi thật sự biết mình đã sống, và ngầm cảm ơn Trời Phật đã ban phát cho chúng tôi 27 mạng người an toàn đến được đất liền sau nhiều ngày đêm lênh đênh trên biển cả. Chúng tôi bước lên bờ khi nhìn lại con tàu không một ai trong chúng tôi lại không rùng mình khiếp sợ. Đang ngổn ngang tâm sự thì đùng một cái toán lính Malaysia xuất hiện với quân phục giống hệt như những chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến của QL/VNCH, trên tay lầm lầm vũ khí và trong phút chốc chúng tôi bị vây chặt vào giữa tưởng chừng nếu có cánh cũng không sao thoát ra được. Tôi đang ngơ ngác không biết những gì sẽ xảy ra...

Thời gian chầm chậm trôi qua và hơn một tiếng đồ hồ sau, vòng vây từ từ nới rộng. Thông qua một thông dịch, tôi được biết đây là phần đất thuộc tỉnh Kalangtang của Malaysia, và chỉ cách biên giới Thái-Mã 15 cây số đường chim bay. Trước mặt chúng tôi là tiểu đoàn 105 lực lượng đặc nhiệm có nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Chúng tôi được cấp nước uống và mì gói trong buổi sơ ngộ này. Tôi còn đang phân vân thì viên chỉ huy nói qua thông dịch:

- Ông ta rất vui mừng khi đón nhận người tỵ nạn Việt Nam, nhưng vì quốc gia Malaysia không có kế hoạch định cư người tỵ nạn. Vậy ở đây trong số 27 người ai muốn đi Mỹ đưa tay lên.

Ông ta vừa dứt lời thì đã có 21 cánh tay đưa thật cao. Tôi còn đang ngơ ngác và tự hỏi phải chăng mình đã đến được "Thiên đàng"" Vì đang suy nghĩ nên tôi đã lỡ dịp và không còn kịp nữa. Tôi liếc qua nhìn vợ và hai con tôi. Tôi đón nhận những ánh mắt thất vọng và đang hờn trách tôi. Tôi cũng tự trách mình sao mà phản ứng chậm quá. Tôi chua xót trong tiếng thở dài. Tên chỉ huy hất hàm về phía 6 người còn lại và hỏi tiếp:

- Mấy người muốn đi đâu" Tại sao không đi Mỹ"

Một người trả lời muốn đi Canada vì có thân nhân ở đó. Người kia đi Pháp vì có chị ruột ở Pháp. Quay sang bằng giọng cao ngạo hỏi tôi:

- Mày muốn đi đâu" Bây giờ đã trễ rồi chỉ còn hai nước Úc và Nhật thôi.

Nghe đến đây tôi như bừng tỉnh và đứng thẳng người lên và chào theo lối nhà binh để xin được đi Úc. Người chỉ huy hỏi tôi tại sao lại muốn đi Úc. Tôi mạnh dạn trả lời không chút do dự:

- Thưa ông, vì trước đây trong thời gian chiến tranh tôi có dịp chiến đấu bên cạnh quân đội Hoàng Gia Úc. Và thông qua họ tôi đã biết về đất nước và con người Úc Đại Lợi.

Tên chỉ huy cười khả ố, kèm theo từng loạt tiếng cười ngạo nghễ. Tôi choáng váng cả người vì không biết tại sao" Tại mình ngu chăng khi chọn quốc gia Úc để xin định cư" Tôi còn đang ngơ ngác thì chúng tôi được tập trung và đưa vào "giam" chung với trên một trăm thuyền nhân khác đã đến tự bao giờ. Đến bây giờ tôi mới biết tại sao tên chỉ huy và đồng bọn cười ngạo nghễ. Vâng, chúng tôi đã bị lừa bởi lẽ chúng tôi là những người "vượt biên cuối mùa". Có nghĩa là đường hồi hương đang rộng mở. Ngày 14.3.89 là ngày định mệnh, và những người như chúng tôi là nạn nhân đang khắc khoải chờ chết vì chiếc phao tỵ nạn đã thủng, lòng nhân đạo của thế giới đã mỏi mòn.

Hai mươi mốt ngày trôi qua như cơn ác mộng. Chúng tôi luôn sống trong lo âu sợ sệt, những con mắt thèm khát của những con thú dữ càng làm tăng thêm nét kinh hoàng cho chúng tôi nói riêng và cho tất cả phụ nữ ở đây nói chung. Tiếng la thất thanh hàng đêm không làm sao ngăn nổi dục vọng điên cuồng. Rồi một chiều cuối tháng năm, tất cả chúng tôi bị "lùa" xuống tàu đẩy ra biển khơi với sự hộ tống của hải quân Malaysia trực chỉ về hải phận Indonesia. Coi như họ đã rảnh nợ khi tống được cổ chúng tôi, những con người mà chúng cho là không cần phải cưu mang.

Sóng biển mỗi lúc một dữ dội, con thuyền luôn chao đảo như tâm hồn chúng tôi đang chao đảo, vượt thêm những chặng đường đau khổ và sau nhiều ngày đêm cuộc sống chúng tôi như chỉ mành treo chuông. Nhưng rồi trời cũng thương, vào một buổi tối dưới cơn mưa dày đặc, chúng tôi gồm 269 người đã tấp được vào bờ. Bấy giờ là 8 giờ rưỡi tối ngày 31.05.90 tại bãi biển Tang Jung Pinang. Sau đó chúng tôi được chuyển đến đảo Galang Indonesia ngay trong đêm.

Sống trong một thế giới thu hẹp, trên hai chục nghìn con người đang thoi thóp chờ chết, chúng tôi phải sống trong điều kiện cực kỳ nguy hiểm. Những dãy nhà chật chội thiếu ánh sáng, bệnh hoạn thiếu thuốc men, tinh thần bị khủng bố. Hằng ngày hình ảnh vợ xa chồng, anh lìa em, cha bỏ con, bạn bè cấu xé lẫn nhau chỉ vì những đồng đô la được thân nhân yểm trợ từ nước thứ ba. Rồi sơ vấn, thanh lọc... rồi kẻ đậu, người rớt càng tăng thêm vẻ thê lương của vùng đất đảo. Nghĩa trang Galang 3 cứ tăng cấp số cộng, và những ngôi mộ chưa xanh cỏ cứ tiếp tục mọc lên để chôn vùi những con người tìm tự do mà đường đi không đến. Barack police mỗi ngày càng tăng thêm tội lỗi, những cô gái vô tội bị lôi cuốn bởi những đồng tiền dơ bẩn càng ngày càng đông. Những cuộc đổi đời đầy máu và nước mắt của những cặp vợ chồng diễn ra như cơm bữa, tình người cơ hồ như mất sạch. Tôi ngán ngẩm và buồn khi nghĩ đến số phận hẩm hiu của mình.

Rồi cái gì phải đến cũng sẽ đến. Sau hơn ba mươi tháng chờ đợi trong khắc khoải và lo âu, ngày 30.09.1992 tôi được gọi đến văn phòng Cao Ủy để nhận kết quả thanh lọc. Những tiếng la thất thanh, những tiếng khóc nghẹn ngào, những lời uất hận càng làm tăng bầu không khí nặng nề. Tôi lâm râm cầu nguyện và chờ "giờ định mệnh". Hơn một trăm người vào nhận kết quả chỉ vỏn vẹn có 6 người được công nhận. Tôi chua xót đếm thời gian qua thật chậm. Tôi bước vào phòng thanh lọc mà như cái xác không hồn. Nỗi vui mừng làm tôi xúc động không cầm được nước mắt khi kết quả may mắn đến với tôi. Tôi đi như bay về nhà, như trốn chạy khi phải chứng kiến trên 300 đồng bào tôi đang ngã quỵ. Vợ và hai con tôi vui mừng như tìm được vàng.

Bây giờ quốc gia Úc Đại Lợi lại hiện diện và đến với tôi, không ai ngăn cản được gia đình tôi khi điền đơn đi Úc. Một số bạn thân của tôi e ngại cho tôi với lý do đơn giản là tôi cựu quân nhân thuộc diện Mỹ... Và khi phái đoàn Mỹ từ chối tôi mới có thể xin đi Úc. Tôi biết đây chỉ là một lập luận nhưng với ý chí cương quyết và tự tin, cộng thêm một số ngẫu nhiên trong cuộc hành trình tìm tự do. Bằng vào những lý do đó nên tôi đã quyết định mà không chút do dự.

Tôi đã toại nguyện và chỉ sau cuộc phỏng vấn ngắn ngủi vào ngày 12.10, gia đình tôi đã được phái đoàn Úc nhận nhân đạo. Thời gian qua nhanh, nhanh đến nỗi tôi chưa toan tính như thế nào khi được đặt chân đến Úc, và tôi chưa biết phải làm sao cho những ngày sắp tới.

Rồi ngày vui mừng đã đến. Tôi bùi ngùi nhìn những người thân còn ở lại, nhìn những kỷ niệm tuy chua xót nhưng đã gắn liền với cuộc sống tỵ nạn của chúng tôi ít may nhiều rủi. Tôi đã lên phi cơ và đã trút bỏ gánh nặng để đến vùng đất hứa. Gia đình tôi đã đến Adelaide lúc 6 giờ sáng ngày 21.4.93, bắt đầu cuộc sống mới đầy hứa hẹn.

Mới đây mà đã hơn bảy năm. Bảy năm qua với biết bao kỷ niệm vui buồn, cùng với số đông bà con. Gia đình tôi với sự giúp đỡ nhiệt tình của chính phủ Úc và đồng hương đến trước. Chúng tôi đến vùng đất phía tây bắc thành phố Adelaide. Với ý chí sắt son và cương quyết trong tinh thần nhẫn nại và chịu khó, chỉ trong thời gian ngắn vùng đất Virginia hoang sơ ngày nào bây giờ đã biến thành trung tâm sản xuất nông nghiệp. Hầu hết những hoa màu, từ rau quả đến cà dưa cung cấp cho thị trường Nam Úc và liên bang đều xuất phát từ đây. Hơn bốn trăm gia đình Việt Nam với hơn bốn trăm nông trại lớn nhỏ đã nói lên sự thành công của người Việt trên đất Úc. Hằng ngày nhìn những hàng cà xanh rờn trĩu quả, những nhà dưa đơm bông, những cây ớt chín đỏ tôi lấy làm tự hào và toại nguyện. Những giọt mồ hôi đổ xuống luống cày hàng ngày, tôi chẳng lấy gì làm mệt nhọc và còn hãnh diện khi cho nó là những "giọt nước kỳ diệu" đưa dần gia đình tôi nói riêng và bà con nông gia ở đây nói chung đến chỗ thành công. Rồi đây chỉ trong một thời gian ngắn nữa hai đứa con tôi nói riêng, và những đứa trẻ cùng trang lứa nói chung, sẽ thay tôi cũng như thay cho thế hệ chúng tôi để cùng nhau gánh vác và xây dựng quốc gia Úc Đại Lợi đa văn hóa ngày thêm phong phú. Niềm mơ ước của tôi sẽ trở thành sự thật. Tôi hy vọng ngày đó không xa.

Phú Mỹ
Virginia, Nam Úc
(Mùa Đông 2000)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.