Hôm nay,  

Trong Khi thép VN Nợ Bi Đát, Thép Nhật-Úc Vào Mở Xưởng; Bộ Thương Mại Mỹ Kiếm Chuyện, Điều Tra Về Thép VN Phá Giá

16/06/201300:00:00(Xem: 9082)
HANOI -- Ngành thép tại Việt Nam đang có nhiều bước chuyển biến.

Trong khi bản tin VnExpress hôm Thứ Sáu 14-6-2013 cho biết hai đại công ty Nhật-Úc tiến vào thị trường Việt Nam, bản tin VOV cho biết Hoa Kỳ lại điều tra về tình hình gọi là thép không gỉ của VN đang có thể bán phá giá.

Và báo Xã Luận nói rằng ngành thép VN đang rơi vào chỗ thê thảm lớn.

Bản tin VnExpress cho biết hai công ty Nippon Steel & Sumimoto và BlueScope Steel vừa công bố thành lập công ty liên doanh NS Bluescope cùng khai thác thị trường Việt Nam.

Ngày 14/6 tại Hà Nội, 2 “đại gia” ngành thép, một của Nhật Bản (Nippon Steel & Sumimoto) và một của Austraulia (BlueScope Steel) vừa công bố thành lập công ty liên doanh NS Bluescope cùng khai thác thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, VOV loan tin rằng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 6/6/2013, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra việc chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép hàn không gỉ chịu lực nhập khẩu từ Malaysia, Việt Nam và Thái Lan.

Theo dẫn liệu của DOC, nguyên đơn bao gồm các công ty Bristol Metals LLC, Felker Brothers Corp., và Outokumpu Stainless Pipe Inc đã có đơn khởi kiện lên DOC với các sản phẩm ống thép chịu lực không gỉ có mã HS 7306.40 có biên độ phá giá bị cáo buộc đối với Việt Nam là 89,4 % - 90,8 %, đối với Malaysia và Thái Lan lần lượt là 22,67% - 22,73% và 23,77% - 24,04%. Giai đoạn điều tra đối với các sản phẩm này từ ngày 1/10/2012 - 31/3/2013.

VOV cũng ghi thêm:

“Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng cho hay, trong năm 2012, nhập khẩu sản phẩm thép bị điều tra của Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt giá trị 17,981 triệu USD. Đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ 3 của Hoa Kỳ nhằm vào mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua kể từ năm 2011, các sản phẩm thép bị điều tra chống bán phá giá trước đây của Việt Nam là ống thép hàn cacbon và mắc áo bằng thép.”

Bản tin từ báo Xã Luận nêu rõ cảnh bi đát gọi là “Sự khốn cùng của ngành thép.”

Kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép ở Hải Phòng rơi vào tình trạng nợ nần, thua lỗ, sản xuất đình đốn, tồn kho ở mức rất cao. Thậm chí, có doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.


Xã Luận nói, rằng trong thực tế, rất nhiều doanh nghiệp thép phải sản xuất cầm chừng, có nhà máy chỉ hoạt động 40 - 45% công suất, thậm chí chỉ 20% công suất.

Cách đây chừng hơn chục năm,Hải Phòng tự hào là "trung tâm sản xuất thép" của cả nước. Nhưng thực chất, ngoài một số doanh nghiệp có tên tuổi như Việt - Nhật, Việt - Úc, Posco,... số còn lại công suất nhỏ (300 - 500 nghìn tấn/năm), vốn đầu tư chừng 1.000 tỉ đồng), dây chuyền cũ, thiếu đồng bộ, nhập khẩu với giá "thanh lý", chỉ cho ra sản phẩm thép xây dựng. Khi thị trường xây dựng trầm lắng thì sản xuất của các doanh nghiệp thép này lập tức rơi vào khủng hoảng. Đầu tư tràn lan, không theo quy hoạch gây mất cân đối trầm trọng. Các sản phẩm thép xây dựng, thép ống thông thường được đầu tư quá mức, vượt xa nhu cầu... Điều này khiến nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, thép thành phẩm tồn kho tới gần 500 nghìn tấn, chi phí trả lãi vay ngân hàng mỗi tháng tới hàng trăm tỉ đồng, trong khi giá bán ở dưới giá thành.

Bản tin cũng nói về khoản nợ tiền điện của nhiều công ty thép ở Hải Phòng:

“...Có doanh nghiệp nợ tới 5-6 tổ chức tín dụng do khoản vay được các ngân hàng đồng tài trợ. Nhiều ngân hàng dừng cho các doanh nghiệp sản xuất thép vay tiền. Những ngân hàng còn cho vay cũng yêu cầu khắt khe về tài sản thế chấp, chẳng hạn, có giám đốc doanh nghiệp phải thế chấp bằng chính tài sản có giá trị của gia đình mình như nhà, ôtô, vàng… Những tài sản doanh nghiệp vẫn dùng để thế chấp trước đây như nhà xưởng, thiết bị, hay chính các sản phẩm thép không được ngân hàng chấp nhận. Không chỉ nợ ngân hàng, một số doanh nghiệp thép nợ đọng tiền điện, tiền bảo hiểm xã hội hàng tỉ đồng. Trong cơ cấu giá thành sản phẩm thép, tiền điện chiếm một phần đáng kể. Đến thời điểm hiện tại, chỉ tính riêng 3 Cty thép trên địa bàn thành phố đã nợ ngành điện hơn 23 tỉ VND: Cty CP thép Vạn Lợi nợ tiền điện 15,38 tỉ VND; Cty CP thép Đình Vũ nợ 7,68 tỉ VND; Cty CP thép Cửu Long nợ 443 triệu VND. Điều khiến ngành điện lo lắng là khả năng doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh có lãi, có tiền trả ngành điện xem ra là rất xa vời.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.