Hôm nay,  

Những Phấn Hoa Tản Khắp Phương Trời

29/11/200000:00:00(Xem: 4965)
(Bài mở đầu sách “Viết Về Nước Mỹ”, ra mắt hôm nay 29/11 tại Thư Viện Nixon, Quận Cam)

Bạn nghĩ gì về nước Mỹ" Khi viết về một đề tài lớn có tính tổng quát, những ý kiến thường rất khác nhau, cả cách hành văn hay bút pháp cũng không ai giống ai. Thế nhưng một điểm chung vẫn nổi bật khi các bài viết đa dạng đó xuất phát từ một nguồn duy nhất.

Chúng ta đã có một xuất xứ chung là người Việt định cư tại hải ngoại từ một phần tư thế kỷ qua. Tôi nghĩ mẫu số đó là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc thi viết về nước Mỹ mà hệ thống Việt Báo mời bạn đọc tham dự. Điều này nếu đúng cho nước Mỹ tất nhiên cũng đúng cho người Việt ở khắp nơi trên thế giới.

Trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ có những đợt di dân nhiều như trong 25 năm qua. Và trong lịch sử thế giới cũng chưa bao giờ có một số người đông đảo đến 2 triệu người di dân lại có thể thành công trong một thời gian tương đối ngắn đến như vậy. Khoảng một nửa di dân Việt Nam hiện đã định cư ở Mỹ.

Chúng tôi rất phấn khởi khi thấy rất nhiều người Việt ở Mỹ đã đáp ứng nhiệt tình lời kêu gọi của Việt Báo viết về nước Mỹ. Hàng trăm bản thảo gửi đến - và còn tiếp tục gửi nữa có vẻ ngày càng nhiều - đã làm bộc lộ những hoàn cảnh cá nhân, những kinh nghiệm của một người, một gia đình từ lúc ra đi cho đến khi đặt chân đến Mỹ.

Bước đường di tản có khác nhau, có những người thoải mái lên phi cơ nhưng cũng có những người phải chờ đợi hàng tháng, hàng năm trong lo âu, mệt mỏi và có những lúc đã tưởng như tuyệt vọng ở các trại tập trung tị nạn ở các nước Đông Nam Á. Khác nhau chỉ là vấn đề may rủi.

Người Việt Nam có đặc tính dân tộc là không quên nguồn gốc. Nhiều người ra đi chỉ vì thời thế bắt buộc hoặc chỉ vì muốn tìm một tương lai tươi sáng hơn cho con em, nhưng tất cả đều tha thiết với quê cha đất tổ và những người họ phải bỏ lại với biết bao tình thương nỗi nhớ. Cả lúc đã ổn định cuộc sống nơi đất nước xa lạ, họ vẫn nhắc đến gốc rễ và lịch sử dân tộc, họ vẫn bảo vệ văn hóa dân tộc từ trong đơn vị gia đình nhỏ bé của họ, và hợp tác trong tập thể để giữ phong tục tập quán của mỗi miền đất nước Việt Nam. Không quên nguồn gốc, nhưng họ vẫn phải đối phó với những thực tế của cuộc đời trước mắt.

Sau hơn hai chục năm tính từ lúc những đợt di tản đầu tiên cho đến những đợt kế tiếp gần đây nhất, ngày nay những người gốc Việt đó đã có thể kể lại cảm tưởng của mỗi cá nhân khi mới đặt chân đến bến bờ của giải đất đầy cơ hội và hy vọng này. Và cố nhiên họ cũng kể lại muôn vàn khó khăn họ phải đối phó khi bắt đầu xây dựng một cuộc sống mới trong một xã hội xa lạ. Chật vật nhất là những đợt di dân đầu tiên, hầu hết đã phải bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng.

Trước hết là hàng rào ngôn ngữ họ phải vượt qua, và sự khắc phục thế yếu về đủ mọi mặt của người mới đến để đua chen tìm cho bằng được công ăn việc làm. Kế đó là tiến trình lâu dài và bền bỉ để hội nhập với cuộc sống Mỹ. Về mặt này, những bậc cao niên gập khó khăn nhiều hơn giới trẻ.

Khi sự tự túc đã vững, họ dồn mọi khả năng cho con em đến trường học, đó là một cách đầu tư khôn ngoan và sáng suốt nhất cho tương lai. Trong khi đó chính những người mới đến cũng tự lo tìm cách bồi bổ thêm kiến thức, theo học các lớp dậy nghề hoặc các trường kỹ thuật ngoài giờ làm việc hay buổi tối.

Đọc những bài viết đó kể lại những cảm nghĩ, những kinh nghiệm đã qua, tôi thay thật vui và phấn khởi. Cũng có những đoạn thử thách chua chát, những mẩu chuyện đau khổ, thất vọng hay bực bội, nhưng vẫn được kể lại với giọng văn dí dỏm, trào phúng đầy tính hài hước yêu đời của dân gốc Việt. Có lẽ rất ít người đã từng sống bằng ngòi viết, nhưng tôi thấy họ không kém gì những nhà văn chuyên nghiệp.

Tất cả các bài viết đó, dù ở mức độ khác nhau, đều đã làm toát ra được một điểm then chốt: nỗ lực tranh đấu của người Việt định cư ở Mỹ đã đạt được những thành quả quả phi thường.

Ngày nay với sự lớn mạnh của các cộng đồng, người Việt định cư đang tiếp tục hoà nhập vào tấm thảm đa văn hoá dệt thành xã hội Mỹ. Những nhân viên làm việc văn phòng, những công nhân hãng xưởng dùng trí óc nhiều hơn bắp thịt, những chuyên gia gốc Việt đã kết thành một lực lượng đáng kể góp phần vào nền kinh tế phát triển ở Mỹ, trong các lãnh vực như ngân hàng tài chính, điện tử, kỹ sư, y tế, chế tạo và xây dựng. Một số người khác đã thành công ngoạn mục trong việc mở hàng quán, tiệm ăn, siêu thị hay trong các kỹ nghệ dịch vụ khác.

Là một phần tử không thể tách rời của đất nước này, người Việt không chỉ đóng góp vào nền kinh tế đang tăng trưởng của Mỹ, mà họ còn đem văn hóa Việt làm phong phú thêm tính đa dạng, vốn là cái lõi sức mạnh của nước này. Đó là cách tốt nhất để đền đáp lại một nước có truyền thống mở rộng tầm tay đón di dân.

Và cũng không phải ngẫu nhiên chúng tôi đã chọn đợt phát giải =hưởng đầu tiên vào dịp Lễ Tạ Ơn năm 2000 theo truyền thống của nước Mỹ. Những bài viết của bạn đọc tham dự Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ đã nói lên một sự thật giản dị là di dân Việt đã thành công trong việc hội nhập.

Nhưng từ ngữ "hội nhập" cần phải xác định cho rõ. Hội nhập khác với hòa tan. Hòa tan là nung cho chẩy, nấu cho nhừ và quậy cho kỹ, để tất cả những phần tử tan biến hết và trở thành một chất mới không còn chút dấu vết nào của những gì đã góp lại thành. Hội nhập là sự đóng góp của các thành phần trong đó những đặc tính cá thể phải được tôn trọng và bảo vệ để cùng nhau hòa hợp tạo ra một sức mạnh lớn hơn số kết bài toán cộng các cá thể.

Đây chính là sự cộng năng (synergy) với kết quả ngược với toán thông thường, 3 cộng 4 không thành 7 mà thành 8 hay 9, điều mà nền kinh tế hiện đại đang nỗ lực tiến tới trong bối cảnh toàn cầu.

Một sự hội nhập như vậy có thể nào bị tan vỡ không" Chúng tôi nghĩ không thể nào tan vỡ trừ phi tính đa dạng bị phá hủy bởi những bộ óc bảo thủ cực đoan muốn lội ngược giòng thời gian, điều họ không thể nào làm được. Vì cực đoan chỉ đưa đến thù ghét và thù ghét phát sinh bạo động, điều đó có nghĩa là tự sát.

Dân tộc Việt Nam không chấp nhận hòa tan, chỉ chấp nhận hội nhập. Bốn ngàn năm lịch sử dân tộc đã chứng minh điều đó. Một ngàn năm đô hộ của người Tầu, một trăm năm cai trị của người Tây, vậy mà bản sắc dân tộc, văn hóa Việt Nam vẫn còn đó và kỳ lạ thay chỉ phong phú thêm chớ không khi nào mất. Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, những người gốc Việt nay sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới đã làm bộc lộ bản sắc dân tộc đó.

Tôi nghĩ đến những phấn hoa bay đi khắp phương trời.

Người Việt hải ngoại có phải là một thành phần ưu tú, thông minh tài trí, tinh hoa nhất của dân tộc không"

Chắc chắn không phải.

Chúng ta chỉ là những phấn hoa bị gió thổi bay đi phương xa giữa một cơn bão táp của lịch sử đất nước, những phấn hoa còn lại cũng tài cũng trí giống hệt những phấn hoa bay đi, bởi vì tất cả cùng chung một gốc. Những người Việt hải ngoại nhờ có cơ hội đã nói lên được hai điểm quan trọng của bản sắc dân tộc.

Thứ nhất họ làm cho các dân tộc trên thế giới nhận thấy người Việt Nam biết hợp tác trong tinh thần dân tộc, chớ không phải chỉ biết chém giết lẫn nhau vì hận thù ý thức hệ như hình ảnh cuộc chiến tranh tàn bạo đã làm thế giới ngộ nhận. Đất lành chim đậu, nơi nào có ổn định, hòa bình và tự do dân chủ, chúng tôi sẽ đậu lại để nỗ lực phát triển và sự phát triển của chúng tôi sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của quý bạn, vì chúng tôi đã trở thành một phần tử bất khả phân của xã hội quý bạn.

Thứ hai họ muốn chế độ cai trị trong nước nhìn cho rõ một sự thật hiển nhiên: sở dĩ người dân trong nước không phát huy được tiềm năng như người Việt sống ở hải ngoại bởi vì họ không có điều kiện và cơ hội để phát triển. Không cần phải tìm điển tích ở đâu xa, chính các nông dân miệt vườn chúng ta đều biết tại sao cùng một giống cây cam, khi trồng ở đất này trái chua, nhưng trồng ở đất kia trái lại ngọt. Tài sản vật chất và trí tuệ của 2.5 triệu người Việt định cư ở nước ngoài, sự phát triển nở rộ của cộng đồng người Việt là một bằng chứng không thể phủ nhận.

Những bài gửi đến trong các đợt thi viết, nói lên những kinh nghiệm và cảm nghĩ về nước Mỹ, sẽ là những tài liệu súc tích cho các học giả sau này muốn tìm hiểu về lịch sử di dân Việt Nam. Từng câu chuyện của từng người, từng gia đình khi được viết lại, sẽ trở thành những gì quý giá nhất lưu lại trên giấy tờ, một thứ di sản của những người Việt định cư ở Mỹ để lại cho những thế hệ kế tiếp.

Chúng tôi có một ước mơ. Một ngày nào đó không xa, một khu tưởng niệm người Việt di dân, với nhà bảo tàng và vườn hoa cây cảnh mầu sắc dân tộc, sẽ mọc lên ở Quận Cam, thủ đô của người Việt tị nạn hoặc ở Washington thủ đô của nước Mỹ. Hy vọng những bài viết về nước Mỹ đang tạo thành một thứ nền móng tinh thần mà trên đó những viên gạch cụ thể sẽ đặt lên để xây dựng khu tưởng niệm.

Những đàn chim tung cánh bay về các phương trời xa lạ, hết đợt này đến đợt khác. Nhưng không phải tất cả đã đến bờ đến bến. Một số không nhỏ đã gẫy cánh dọc đường. Có những người bạn, người ruột thịt của chúng ta ra đi đã vùi thân trong vùng đất lạnh không hương khói hoặc hài cốt nay đã rữa nát dưới đáy đại dương.

Hãy dành một nơi trang trọng nhất để thắp một nén nhang, nhỏ một giọt lệ cho những con chim đã lìa đàn, gẫy cánh.

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, tháng 11, 2000

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.