Hôm nay,  

VN Thất Nghiệp Kỷ Lục 30%, Kỹ Nghệ Chậm, Tồn Kho Tăng; Chính Phủ Bị Tố Chỉ Lo Xuất Khẩu Tài Nguyên Thô, Tự Làm Nghèo Đất Nước

02/05/201300:00:00(Xem: 8014)
HANOI -- Kinh tế VN đang bên bờ nguy ngập.

Báo Sống Mới dẫn lời các chuyên gia kinh tế nói rằng tỷ lệ thất nghiệp ở VN có thể là tương đương hay cao với Hy Lạp, nghĩa là cao kỷ lục thế giơi -- và có thể thất nghiệp VN đã tới 30%. Nghĩa là, đi ra phố, sẽ thấy 1/3 dân số là thất nghiệp.

Trong khi đó, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn báo nguy về hiện tượng chỉ lo xuất khẩu tài nguyên để kiếm đôla, và như thế “cách phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên thô chẳng khác gì “ăn thịt” chính mình...” Cũng có nghĩa là bóc lột thế hệ tương lai của VN.

Nguy ngập nữa: bản tin TTXVN cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp VN đang chậm lại, và tỷ số hàng tồn kho tăng...

Báo Sống Mới dẫn lời kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói rằng thống kê VN rất khả vấn.

Bản tin có tựa đề “Thất nghiệp ở Việt Nam: Có thể so sánh với Hy Lạp?” đã ghi rằng, vào cuối tháng 4/2013, Tổng cục Thống kê mới công bố các số liệu về tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam.

Theo đó, số người thiếu việc làm tính tới đầu năm 2013 là 1,32 triệu người, chỉ tăng 70.000 người so với cùng kỳ năm 2012. Là nơi được xem có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nước, TP.SG cũng chỉ có khoảng 3,2% số lao động không có việc làm, trong khi tại Hà Nội tỷ lệ này thấp hơn nhiều - 1,92%, còn các vùng khác từ 1-2%.

Thực tế, báo Sống Mới dẫn lời ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Không thể có chuyện trong một năm kinh tế gặp nhiều khó khăn như năm 2012: hơn 50.000 doanh nghiệp giải thể hoặc dừng hoạt động; hơn 400.000 lao động thất nghiệp, nghỉ việc, nhảy việc…; các thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài thu hẹp, lao động xuất khẩu không tăng…, mà số lượng tạo việc làm mới vẫn đạt 1,6 triệu!”

Nghĩa là, thất nghiệp nhiều quá! Nhiều tới mức, theo bản tin, trong thời gian gần đây, báo chí trong nước đã đồng loạt phản ánh thực trạng không thể phủ nhận về “Thất nghiệp nhiều quá!”, không chỉ tập trung vào lực lượng lao động phổ thông và công nhân có tay nghề thấp, mà ngay cả một số người có bằng thạc sỹ cũng phải tìm kế sinh nhai với những công việc không tương xứng như bán nước, quán ăn, hoặc những việc khác hoàn toàn trái ngành đào tạo.

Bản tin Sống Mới dẫn lời Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: “Số liệu thống kê lao động và việc làm tại Việt Nam lâu nay vẫn tồn tại nhiều bất cập, cả về tính chính xác lẫn ý nghĩa đối với nền kinh tế. Chỉ tiêu tạo việc làm mới vẫn đều đặn được báo cáo là hơn một triệu mỗi năm, nhưng để chỉ ra những việc làm ấy ở đâu thì rất khó. Trong khi đó, các chỉ số thất nghiệp lại rất thiếu thực chất khi thống kê tại Việt Nam”.

Báo Sống Mới kể lại số liệu từ một cuộc hội thảo:

“Tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân diễn ra đầu tháng 4 tại Nha Trang, Tiến sĩ Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tính toán rằng các doanh nghiệp đang hoạt động (khoảng 450.000), đều phải giảm công suất ít nhất 30%. Đặt qua một bên con số 2,8 triệu cán bộ, công chức mà như Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phải lên tiếng rằng 30% “không làm việc”, có thể cho rằng tỷ lệ thất nghiệp cũng ở mức tương ứng 30%.

Con số này còn cao hơn cả Hy Lạp, quốc gia vừa phải thông qua luật cải cách để có thể nhận được gói cứu trợ từ EU và IMF, tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ.”

Trong khi đó, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn ghi nhận rằng xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản đã và đang mang về cho Việt Nam hàng chục tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Nhưng, nhiều ý kiến cho rằng cách phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên thô chẳng khác gì “ăn thịt” chính mình.

Thê thảm tới mức, chính phủ lại tiếp tay tệ hại:

“Chỉ trong vòng bảy năm, tính từ cuối năm 2005, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 2,5 lần, cao su (thiên nhiên) xuất khẩu cũng tăng hai lần. Nhưng thành quả này cũng phải trả giá rất đắt, vì trong cùng thời gian đó, chỉ riêng ở khu vực Tây Nguyên 206.000 héc ta rừng đã biến mất...

Việc các cơ quan quản lý nhà nước ngó lơ cho các doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản thô, thay vì lấy nguồn tài nguyên khoáng sản làm “mồi” để thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, khiến cho Việt Nam mất dần cơ hội để phát triển những ngành công nghiệp quan trọng, những lĩnh vực phụ trợ có sức lan tỏa lớn...”

Tờ TBKTSG cũng ghi:

“Công nghiệp chế biến gỗ là một ví dụ điển hình. Trong suốt thập niên 1980 và những năm đầu thập niên 1990, Việt Nam xuất khẩu ồ ạt nguyên liệu gỗ. Mỗi năm, hàng triệu mét khối gỗ tròn và gỗ xẻ đã được đưa xuống tàu để xuất khẩu. Giờ đây, khi ngành công nghiệp sản xuất đồ gỗ phát triển thì nguồn gỗ nội địa cũng không còn. Chúng ta cũng có thể tìm thấy một ví dụ tương tự đang xảy ra với ngành khai thác than.”

Mặt khác, thông tấn TTXVN cho biết, “Đà tăng chỉ số sản xuất công nghiệp đang chậm dần.”

Bản tin nói rằng, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Tư tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bốn tháng đầu năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 5,9% của cùng kỳ năm trước.

Cùng lúc là, hàng tồn kho tăng: chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/4/2013 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là sản xuất đồ uống tăng 41,5%, sản xuất xe có động cơ tăng 35,2%.

TTXVN thêm: “Tỷ lệ tồn kho tháng Ba là 73,4%, tỷ lệ tồn kho ba tháng đầu năm là 77,8%. Những ngành có tỷ lệ tồn kho cao hơn tỷ lệ tồn kho chung của ngành chế biến, chế tạo là sản xuất xe có động cơ (130,8%); sản xuất hóa chất và sản phẩm từ hóa chất (126,6%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (122,6%); sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (101,4%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (96,3%).”

Tồn kho tăng, nghĩa là hàng ế, không bán được.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.