Hôm nay,  

Chi Tiết Phiên Xử Phúc Thẩm Nhà Dân Chủ Nguyễn Vũ Bình

18/05/200400:00:00(Xem: 4939)
Tôi xin viết lại những điều mắt thấy tai nghe về phiên xử phúc thẩm vụ án gián điệp được gán ghép cho ông Nguyễn Vũ Bình, nguyên phóng viên tạp chí Cộng Sản, người làm đơn xin phép cho thành lập một đảng tự do dân chủ làm đối trọng với đảng lãnh đạo hiện nay, người ký tên vào lá đơn tập thể (gồm 22 vị) tố cáo sự vi phạm quyền tự do dân chủ ở Việt Nam, người thể theo yêu cầu cuả quốc hội Hoa Kỳ viết điều trần về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Toà án phúc thẩm được mở tại trường đào tạo cán bộ toà án 262 Đội Cấn Hà Nội, chỗ này đường nhỏ, hơi xa trung tâm, chắc để mọi người đỡ chú ý.
Vẫn là lối xử kín như nhiều vụ xử những nhà dân chủ trước đây, công an và nhân viên toà án đứng xét giấy từ ngoài cổng sát hè đường. Ai không có giấy không được vào. Phóng viên nước ngoài nước trong dù có trình thẻ nhà báo cũng mặc xác. (Thế mà vẫn nói rằng xử công khai, nói lấy được)
Giấy mời thân nhân bị cáo chỉ được 2 người (vợ và bố đẻ) đến dự phiên toà. Chiều hôm trước đưa giấy thì sáng hôm sau xét xử. Ông bố đẻ nhiều tuổi lại ở tận Nam Định. Toà chắc mẩm ông bố không đến được. Lối mời tính toán đến như thế này chỉ chứng tỏ sự mưu mẹo thiếu đường hoàng của bộ máy công quyền.
Tôi đến 262 Đội Cấn đã thấy đông người đứng đấy. Có cả thảy hơn một chục phóng viên và nhân viên sứ quán nước ngoài, cả nam lẫn nữ, các cựu chiến binh, các cụ lão thành quan tâm về dân chủ. Còi tuýt! tuýt! của bảo vệ xua đuổi những người đi đường dừng lại. Loa cầm tay công an oang oang kêu gọi dân phòng giải tán đám đông.
Nhiều lực lượng được huy động: cảnh sát khu vực áo xanh rêu, cảnh sát giao thông quần áo vàng, bảo vệ đeo băng đỏ, một lực lượng mới mặc áo quần màu tím đen, có hàm vai, mũ kê pi, cầm dùi cui, đeo biển đội tự quản trước ngực có dán ảnh (rất chính quy, không hiểu có được phép quốc hội cho phép không" Ai ký sắc lệnh thành lập lực lương trật tự an ninh công cộng này" Kinh phí lấy ở đâu"). Ngoài ra còn rất đông các công an mật mặc thường phục đi lại nghe ngóng, người ta nhận ra nhiều khuôn mặt quen thuộc.
Trước hôm xử án công an đến từng nhà các cụ dân chủ dung dọa, không nên đến đấy, Hà Nội đã chuẩn bị 3 xe ô tô, lơ mơ là xúc luôn, các cụ già rồi, lại tung tin có thể có biểu tình. Đúng là thần hồn nát thần tính.
Nhưng đông đảo các cụ vẫn đi. Tôi nhận ra vị lão thành cách mạng Hoàng Minh Chính, nguyên viện truởng Viện Triết học, bị tù nhiều năm không án dưới thời ông Duẩn và ông Thọ; nhà văn Hoàng Tiến người viết nhiều bài lên tiếng về dân chủ; và nhiều cụ dân chủ khác. Nhà văn Hoàng Tiến cho biết, chiều qua một thượng tá và một đại úy trên bộ Công an đến gặp, dung dọa nhà văn về cuộc xử án hôm nay, khuyên ông không nên đi. Nhà văn Hoàng Tiến đã trả lời công an: “Dùng hăm dọa trong giao tiếp với trí thức văn nghệ sĩ là thất sách. Làm thế, dù họ không muốn đi thì họ cũng cứ đi.” Và ông cứ đi như để phản đối sự hăm dọa.
Các phóng viên nước ngoài quây lấy cụ Hoàng Minh Chính và nhà văn Hoàng Tiến. Hỏi, trả lời, và ghi âm. Một câu hỏi được đặt ra, Việt Nam đang tổ chức rầm rộ kỷ niệm Điện Biên Phủ, tại sao lại xử án ngày hôm nay (5-5-04) sát với ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-04). Việc đó có phải muốn dùng không khí kỷ niệm làm mờ nhạt vụ án đi không" Cụ Chính đáp: “Bạn đã tự trả lời câu hỏi rồi đấy. Đúng là như vậy. Đấy là cách khôn ngoan của người lãnh đạo. Nhưng họ đã có một sai lầm. Làm như vậy là họ đã bôi nhọ lên chiến thắng của dân tộc. Vì chiến thắng Điện Biên Phủ mang ý nghĩa giải phóng con người, mang lại tự do dân chủ cho mọi người. Trừng phạt một người đấu tranh dân chủ như nhà báo Nguyễn Vũ Bình lúc này là đi ngược lại ý nghĩa tốt đẹp đó.”
Câu hỏi, tại sao lại xử kín không dám cho mọi người vào dự" Nhà văn Hoàng Tiến nói: “Vì họ khiếp sợ sự thật. Họ sợ mọi người được tự do vào dự phiên toà sẽ chính tai nghe thấy, chính mắt trông thấy những diễn biến của phiên toà, và người ta sẽ kể lại sự thật cho mọi người biết.”
Công an không làm sao ngăn cấm được người tụ tập. Vì họ đứng rất trật tự trên hè phố, không ai đứng dưới lòng đường làm cản trở giao thông. Công an xúi bẩy những nhà bán hàng đuổi họ đứng trước cửa hàng mình. Những người bán hàng buộc phải nghe lời công an. Họ nói vài câu rồi quay vào. Công an bèn dùng mấy nữ đầu gấu lưu manh xui cầm chổi quét cho bụi mù, lấy nước té bẩn vào đám đông. Nhiều phóng viên nước ngoài bị té bẩn. Họ lắc đầu ngán ngẩm.
Ở vài chỗ có xô xát. Đầu tiên là một chị đèo con nhỏ trên xe đạp. Chiếc xe đã để sát bờ tường bên kia đường đối diện với nơi toà xử, không vướng ai, nhưng công an cứ đuổi đi. Chị ta cãi lại. Công an giằng xe đạp. Thế là ầm ĩ. Chị phụ nữ tức giận đã văng những khẩu ngữ chợ búa vào mặt công an. Dân phòng xúm đến. ồn ào một lúc, rồi chị phụ nữ giằng lại xe, đặt con lên, hậm hực đi, không quên tặng lại những lời tục tĩu.
Một chỗ khác. Hai người chị ruột của bị cáo Nguyễn Vũ Bình đang trả lời phỏng vấn của các phóng viên nước ngoài. Được công an xúi giục mấy tên nữ lưu manh đầu gấu gây gổ. Các nhà báo nước ngoài đã làm một cử chỉ hào hiệp, đứng thành vòng quây lấy hai người con gái bé nhỏ vào giữa. Mấy đứa lưu manh vừa chửi tục vừa xô vào đánh đấm, thành ra đánh cả vào những nhà báo nước ngoài. Mấy phóng viên nữ nước ngoài cũng đấm đạp lại và chửi rủa bằng tiếng Anh. Dân phòng phải vào can.
Một nữ phóng viên nước ngoài nói: “Trước kia người Việt Nam rất đẹp dũng cảm chống ngoại xâm, bây giờ thì người Việt Nam rất xấu, rất xấu...” Chị phóng viên lắc đầu nhún vai.
Trật tự đã trở lại. Nhiều người đã tản đi. Tưởng sẽ không còn gì xảy ra nữa. Một người chị của nhà báo Nguyễn Vũ Bình, tên là Phòng, ra đứng ở một chỗ khác. Thì hai con đầu gấu được công an thuê đi tới, chúng nói: “Đánh bỏ mẹ con này đi!”. Một đứa đập vào mắt phải của chị Phòng một vật gì sắc cào rách từ đầu mắt xuống cánh mũi máu chảy thành vệt. Rồi chúng tới tấp đấm vào đầu chị. Mọi người thấy vậy đều kêu to: “Công an đâu, sao để cho lưu manh đánh người thế này!” Bọn đầu gấu bỏ chạy. Công an một hồi lâu mới đến, cất tiếng hỏi: “Ai đánh" Ai đánh"” Chị Phòng chỉ còn biết ôm đầu ngồi gục xuống đất rên rỉ.
Nhiều người xúm lại lên tiếng chê trách công an đã “tảng lờ” để “lưu manh” đánh người. Công an sợ đám đông tụ họp, vội đưa chị Phòng lên đồn để làm biên bản.
Tôi thấy cụ Hoàng Minh Chính và nhà văn Hoàng Tiến cứ lắc đầu hoài. Các cụ nói: “Công an đã phải dùng đến lưu manh để trấn áp nhân dân thì hỏng rồi! hỏng rồi!” Mặt hai cụ buồn rười rượi.
Không biết bộ Công an nghĩ gì trong việc điều hành giữ gìn trật tự buổi xử phúc thẩm sáng 5-5-2004 tại 262 đường Đội Cấn. Việc này là có lợi cho đất nước hay ngược lại, trước con mắt chứng kiến của hàng chục nhà báo nước ngoài"
Trong phòng xử án:
8 giờ toà bắt đầu. Nhưng lề mề đến 8 giờ 20, sau mấy hồi chuông rung vẫn chưa thấy chủ toạ ra. Cô thư ký phiên toà Nguyễn Thị Lan Anh hô mọi người đứng dậy, luật sư Trần Lâm vẫn ngồi. Đứng một lát, rồi có tiếng nói: “Chủ toạ đã ra đâu mà đứng dậy.” Mọi người lại lục tục ngồi xuống.
Phòng phúc thẩm nhỏ hẹp, chứa độ 30 người. Toàn là nhân viên toà án và công an mặc thường phục. Ngoài hành lang có một số người nữa, khoảng hai chục, cũng là người toà án và công an.
Chủ toạ phiên toà là thẩm phán Nguyễn Minh Mẫn, cùng hai thẩm phán nữa là ông Tuấn Chiêm và ông Phạm Hùng. Đại diện viện kiểm sát buộc tội là ông Lê Minh Sơn. Hai luật sư bào chữa là ông Trần Lâm (Đoàn luật sư Hải Phòng) và ông Đàm Văn Hiếu (Đoàn luật sư Hà Nội).
Toà thực sự vào cuộc lúc 8 giờ 30. Nghỉ giải lao khoảng 30 phút. Kết thúc lúc 11 giờ 30. Thành ra vỏn vẹn chỉ độ 2 tiếng đồng hồ xét xử, trong đó thời gian đọc cáo trạng và đọc bản án sơ thẩm đã mất hơn 30 phút. Thời gian làm thủ tục nhân thân và bị cáo trả lời các câu hỏi của thẩm phán mất gần một tiếng nữa. Thời gian giành cho tranh tụng chẳng còn là bao.
Có thể tóm tắt phiên toà ở mấy nét sau:
1). Phiên toà phúc thẩm đã làm trái nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp theo tinh thần coi trọng tranh tụng trước toà. Ý kiến của hai luật sư bào chữa Đàm Văn Hiếu và Trần Lâm bác bỏ tội danh gián điệp là hoàn toàn thuyết phục, dựa vào luật pháp trong nước và chiếu theo luật pháp quốc tế. Đại diện của Viện kiểm sát không bắt bẻ được một ly một lai. Ba thẩm phán cũng không bác bỏ được một điều nào của các luật sư. Vậy mà toà cứ tuyên án theo bản án đã viết sẵn từ bao giờ.
2). Phiên toà phúc thẩm đã vi phạm điều 11 Bộ luật Tố tụng hình sự. Diễn biến trong phiên toà, cách lập luận của kiểm sát viên, cùng những câu hỏi lắt léo của Hội đồng xét xử (nhất là hai thẩm phán Nguyễn Minh Mẫn và Tuấn Thiêm) đếu chỉ chăm chăm buộc tội bị cáo, chứ không phải muốn tìm hiểu sự thật. Bà Kim Ngân (vợ bị cáo Nguyễn Vũ Bình) xin được phát biểu với lý do trong cáo trạng có nhắc đến tên bà và phản ánh sai sự thật, bà xin được trình bày sự thật trước toà, nhưng không được toà chấp thuận.
Điều 11 Bộ luật TTHS ghi: “Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội.”
Việc toà án chỉ chăm chăm buộc tội, không chịu tìm hiểu sự thật, là không đúng với tinh thần của việc xử án.
Ví dụ 1: Kết tội gián điệp là phải có yếu tố nước ngoài. Nước ngoài thì phải cụ thể là nước Mỹ, Anh, Pháp, hay nước Nga, nước Tàu ..vv... Toà án đã không chỉ ra được cụ thể, lại vin vào một công văn giải thích của Uỷ ban pháp luật quốc hội (số 783 ngày 16-7-2002) về yếu tố nước ngoài của điều 80 Bộ luật Hình sự phải được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả các cá nhân người Việt Nam, tổ chức người Việt Nam phản động lưu vong ở nước ngoài.
Luật sư Đàm Văn Hiếu lập luận: “Theo luật tổ chức quốc hội (như tôi đã trình bầy ở toà sơ thẩm) Uỷ ban pháp luật quốc hội không có quyền giải thích pháp luật. Việc này thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Việc làm này của UBPL quốc hội là vi phạm luật tổ chức quốc hội, đã vượt quá thẩm quyền của mình, nên công văn đó không có hiệu lực thi hành. Không những thế còn làm sai lệch cả tinh thần và nội dung của điều luật. Dù hiểu rộng đến đâu cũng không thể coi cá nhân người Việt Nam, các tổ chức người Việt lưu vong là các “nước ngoài” được”.
Luật sư Trần Lâm thì dí dỏm luận bình về định nghĩa nước ngoài của Uỷ ban pháp luật:
“Những Việt kiều ở Canađa, ở Úc, ở khắp mọi nơi trên thế giới đều là người nước ngoài, vậy thì Nguyễn Vũ Bình làm gián điệp cho năm châu bốn biển, cho khắp thế giới à" Lấy một ví dụ, ngoại tình là chỉ cặp bồ, quan hệ thêm với một người, còn nếu quan hệ với nhiều người thì là làm điếm, chứ không phải ngoại tình. Vì thế quy tội Bình làm gián điệp là không đúng với bản chất.” Ông còn giảng giải nội hàm của từ gián điệp có những 5 yếu tố mà bản cáo trạng không chỉ ra được.
Điều đáng buồn cười nữa, toà án là phải xét xử theo luật định, đó là nguyên tắc từ xửa từ xưa, chứ sao lại xét xử theo một công văn giải thích, mà lại giải thích sai, thành làm trò cười trong ngành toà án ở nước ta. Rõ ra là chỉ muốn chăm chăm buộc tội người dân mình muốn trị tội.
Nguyễn Vũ Bình tự bào chữa: “Về quan hệ với một số cá nhân trong nước cũng như ngoài nước, không có văn bản nào cấm quan hệ với các cá nhân đó, lại càng không có bất kỳ một văn bản hay thông báo nào trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, truyền thanh, truyền hình) để khẳng định hoặc chứng minh các cá nhân đó là các tổ chức gián điệp - vì thế tôi không vi phạm pháp luật.

Theo điều 69 Hiến pháp nước CHXHCNVN cũng như Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết từ 1982 thì mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do phổ biến kiến thức cũng như truyền bá tư tưởng bằng bất kỳ hình thức nào, không giới hạn biên giới hay quốc gia - vì vậy việc tôi viết ra hay nói ra quan điểm của mình đều không vi phạm pháp luật.”
Sự thật là như vậy. Nhưng một cây gậy nào đó đã chỉ huy từ đằng sau, “quý toà” đâu có thèm nghe, cứ chăm chăm buộc tội.
Ví dụ 2: Số tiền tổng cộng khoảng hơn chục triệu đồngVN mà bị cáo và gia đình nhận được từ bà con trong nước và nước ngoài, ngườt giúp ít người giúp nhiều, bản cáo trạng kết tội là tiền làm gián điệp, đã được luật sư Hiếu bào chữa như sau:
“Theo lời khai của vợ Bình tại cơ quan an ninh thì những người gửi tiền đều nói là rất thương cảm muốn gửi quà cho các cháu để động viên các cháu đỡ thiệt thòi khi rơi vào hoàn cảnh éo le. Tại sao toà sơ thẩm lại đưa việc mọi người gửi quà cho 2 con Bình còn bé để quy tội Bình nhận tiền làm gián điệp" Nếu nói đó là tiền do Bình hoạt động gián điệp mà có thì thật không có lương tâm. Tiền hoạt động gián điệp gì mà lại quá bèo bọt, không ai có thể tin được. Bản án sơ thẩm không xác định rõ đó là tiền gì mà cứ tuyên bố truy thu, không hiểu việc tuyên bố này không những không đúng mà còn không có sức thuyết phục.”
Luật sư Trần Lâm nói thêm: “Tiền công làm gián điệp là phải có sự cam kết giữa người trả tiền và người cung cấp tin tức. Đồng tiền gia đình nhận ở đây là thể hiện sự giúp đỡ. Bản thân chủ quan Bình không nghĩ mình nhận tiền làm gián điệp, vì số tiền đó quá ít ỏi để nói đó là tiền công làm gián điệp.”
Luật sư Trần Lâm còn nói: “Người làm gián điệp là chỉ biết làm theo đòi hỏi của ông chủ và nhận tiền của ông chủ. Nhưng Bình là người làm theo ý mình, không làm theo mệnh lệnh hay đòi hỏi của bất kỳ ai, vì vậy Bình không phải là gián điệp.”
Nguyễn Vũ Bình tự bào chữa: “Về việc cáo trạng buộc tội tôi nhận tiền: Trong các thư điện tử hay các cuộc đàm thoại hay có người đến tận gia đình, mọi người đều nói là gửi quà cho các cháu nhỏ. Không có văn bản nào cấm việc nhận quà của các con tôi - vì thế tôi không vi phạm pháp luật.
Nếu HĐXX cố quy kết tôi nhận tiền làm gián điệp thì phải chứng minh được các hình thức nhận tiền như: a)Tôi bán tài liệu và nhận tiền trao tay (chụp được ảnh càng tốt); b)Tôi phải nhận được tiền lương hàng tháng hoặc nhận định kỳ trong một thời gian nhất định. Mà những điều này thì không thể có và không bao giờ có - vì thế tôi không vi phạm pháp luật và càng không phải là gián điệp.”
3). Phiên toà phúc thẩm đã vi phạm điều 295 Bộ luật Hình sự: tội tạo ra bản án trái pháp luật. Sách giải thích luật hình sự ghi: “Đó là hành vi tạo ra bản án có nội dung chứa đựng những vấn đề trái pháp luật và tuyên đọc hay tống đạt những bản án đó đến những người tham gia tố tụng [......] có nội dung giả tạo, không phù hợp với thực tế vụ án, trái với những nguyên tắc pháp lý; những bản án có một phần trái pháp luật cũng bị coi là bản án trái pháp luật.”
Đoạn khác giải thích: “Chủ thể của tội phạm này là những người có thẩm quyền ra bản án ở toà án các cấp. Họ chỉ có thể là thẩm phán hoặc hội thẩm nhân dân.”
Điều 11 Luật Tố tụng hình sự còn ghi: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.”
Các ông thẩm phán Nguyễn Minh Mẫn, Tuấn Thiêm và Phạm Hùng là chủ thể của tội phạm này, vì các ông đã không chứng minh được Nguyễn Vũ Bình làm gián điệp cho nước ngoài nào (nước Mỹ, Anh, Pháp ... ) mà cứ kết tội nhà báo Nguyễn Vũ Bình làm gián điệp, tức là các ông đã tạo ra bản án có nội dung chứa đựng những vấn đề trái pháp luật.
4). Phiên toà phúc thẩm đã làm điều thất nhân tâm lại thất chính trị. Thất nhân tâm ở chỗ làm mất niềm tin trong nhân dân. Nhân dân không tin vào toà án, vì pháp luật không được tôn trọng, kết tội bừa bãi không đủ chứng cớ, do đó càng không tin vào chế độ dân chủ gấp triệu lần tư bản, như lãnh đạo vẫn nói. Nhân dân thì bảo, có mà ngược lại mới đúng, nghĩa là chuyên chế và độc tài gấp triệu lần tư bản.
Còn thất chính trị ở chỗ, làm nước ta lại bị cô lập với thế giới. Thế giới thường lên án chỉ trích Việt Nam vi phạm nhân quyền. Đây lại là một chứng cớ để họ kết tội mình.
Bốn thượng nghị sĩ Mỹ là các ông bà Chris Smith, Zoe Lofgreen, Tom David, Loretta Sanchez đã gửi thư cho chủ tịch nước Trần Đức Lương về vụ án này.
(Xin trích): “Theo chúng tôi được biết việc bắt giam ông Bình có liên quan phần lớn đến việc ông Bình gửi bản điều trần vào tháng 7 năm 2002 tới ủy ban điều trần về tự do ngôn luận ở Việt Nam do Uỷ ban Nhân quyền của Thượng viện và Ban đối thoại với Việt Nam của Nghị viện Mỹ tổ chức.
Điều này làm chúng tôi đặc biệt lo lắng bởi lẽ Uỷ ban Nhân quyền của Thượng viện và Ban đối thoại của Nghị viện Mỹ về Việt Nam không phải là các tổ chức phản động, mà là những cơ quan tập trung các thượng nghị sĩ của Mỹ, có nhiệm vụ thúc đẩy những tiến bộ về nhân quyền trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng thấy bản án tuyên phạt ông Bình là hết sức quá đáng căn cứ vào việc Việt Nam là một nước tham gia ký kết Công ước của Liên hợp quốc về quyền dân sự và chính trị. Điều 19 của Công ước này quy định rõ: “Bất kỳ ai cũng có quyền tự do ngôn luận, quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phát tán các loại thông tin và ý kiến, bất kể biên giới, truyền khẩu, viết, in ấn .... hoặc qua bất kể phương tiện thông tin đại chúng nào.” Khi xem xét những điều đi ngược lại những chuẩn mực nêu trên, một điều dễ nhận thấy là việc bắt giam ông Bình là vi phạm thô bạo điều 19 này.”
Bức thư kết luận: “Vào thời điểm mà Mỹ và Việt Nam đang hợp tác để vượt qua những bất đồng trong quá khứ và củng cố mối quan hệ song phương, chúng tôi mong muốn Việt Nam bắt đầu bằng việc thể hiện thiện chí cải thiện tình hình nhân quyền ngay trong Việt Nam. Trả tự do cho ông Nguyễn Vũ Bình sẽ là một bước quan trọng trong hướng đi đó. Chúng tôi đề nghị Ngài quan tâm tới trường hợp này và chờ thư trả lời của Ngài.”
Ý kiến người trong nước thì lãnh đạo có thể vứt bỏ ngoài tai không thèm đếm xỉa, nhưng ý kiến người nước ngoài, lại là các thượng nghị sĩ Thượng viện Mỹ, mong rằng các vị lãnh đạo chẳng nên coi thường. Việc gì cũng phải đặt quyền lợi đất nước lên trên hết, chẳng nên sĩ diện, tự ái cá nhân, mà để thiệt hại cho đất nước. Lịch sử sẽ là người phán xét.
Bà thượng nghị sĩ Loretta Sanchez đã viết thư cho bà Kim Ngân vợ của nhà báo Nguyễn Vũ Bình, có đoạn: “Như bà đã biết, Quốc hội Hoa Kỳ đã được thế giới biết đến như là một thực thể đấu tranh vì nhân quyền trên tất cả các quốc gia. Tôi đã là một người trong Tổ chức Nhân quyền đã yêu cầu và đã nhận được bản điều trần của chồng bà. Tôi bị choáng váng và bị xúc phạm về hình phạt mà chính phủ Việt Nam đã xử cho chồng bà, cũng như cho bà và gia đình bà.”
Thế giới bây giờ là một nhà. Việt Nam lại đã gia nhập Liên hợp quốc. Không thể vin lý do là công việc nội bộ muốn làm gì thì làm, muốn bắt bớ đánh giết ai là toàn quyền của mình. Điều phi pháp đối với một người cũng là điều phi pháp đối với tất cả, đã trở thành nguyên tắc ứng xử trong cộng đồng nhân loại ngày nay.
5). Phiên toà phúc thẩm đã dẫn đến một kết thúc bi hùng. Sau khi các thẩm phán và kiểm sát viên không bác bỏ được một điểm nào của các luật sư và lời tự bào chữa của bị cáo, kiểm sát viên Lê Minh Sơn tức giận, kết tội bị cáo là ngoan cố bướng bỉnh, đề nghị toà dùng hình phạt nặng nhất để trừng trị. HĐXX đã y án của toà sơ thẩm, nghĩa là 7 năm tù giam và 3 năm quản chế.
Sự phản ứng của bị cáo là điều toà không ngờ tới, nhà báo Nguyễn Vũ Bình đứng lên được nói lời sau cùng, ông xác nhận tất cả những việc ông đã làm đều không vi phạm pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế, nghĩa là ông không có tội, ông chỉ thực hiện quyền công dân với lương tri và trách nhiệm của người trí thức trước vận mệnh dân tộc, ông dõng dạc tuyên bố: “Đối với tôi lúc này hoặc là tự do hoặc là chết. Nếu không được trả tự do, kể từ ngày hôm nay tôi sẽ tuyệt thực cho đến chết.”
Lời nói đã đi vào lịch sử ngành toà án xét xử Việt Nam, đánh dấu mốc cuộc đấu tranh cho dân chủ phát triển đất nước thời hậu chiến, tiếp tục con đường phá tan xiềng xích bất công mà các liệt sĩ đã đổ máu hy sinh trong công cuộc giải phóng dân tộc trước đây.
Cả phiên toà như nín thở. Những người đứng ngoài hành lang đổ xô vào nhìn. Các thẩm phán tái mặt, luống cuống. Đúng là hậu sinh khả úy, thế hệ sau hơn thế hệ trước là nước nhà có phước. Luận điểm của Mác hoàn toàn thuyết phục “Ở đâu có áp bức ở đấy có đấu tranh”. Lời hịch của Bình Ngô đại cáo lại vang lên: “Dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt thời nào cũng có.”
Để kết luận:
Ký giả nước ngoài Steinglass của tờ The Boston Globe ở Hà Nội gặp chúng tôi ngày hôm sau phiên toà. Anh cầm tờ báo Viet Nam News (Tin tức Việt Nam) bằng tiếng Anh, ra sáng 6-5-04, chỉ vào một mẩu tin đăng ở cuối trang 3 về vụ xét xử hôm qua là Nguyễn Vũ Bình đã nhận tội trước toà, thú nhận những tội lỗi đã làm từ tháng 9-2000 đến tháng 9-2002, thú nhận đã nhận tiền của nhiều người và các tổ chức ngoài Việt Nam để làm ra những tài liệu và trao đổi tin tức xuyên tạc về dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, dùng nó để vu khống Đảng Cộng sản và Chính phủ. (nguyên tiếng Anh: In the dock, he confessed to crimes committed from September 2000 and September 2002. He said he has been paid by people and organisations outside Viet Nam to reproduce documents and exchange information distoring Viet Nam's democracy and human rights record and slandering its Communist Party and Government.)
Anh bạn phóng viên nước ngoài nhìn tôi nhún vai. Tôi cũng nhún vai nhìn anh.
Tìm mua báo Nhân Dân, thấy đăng: “Nguyễn Vũ Bình đã thừa nhận các hành vi phạm tội là: từ tháng 9-2000 đến tháng 9-2002, Bình đã nhận tiền của một số đối tượng ở nước ngoài để soạn thảo tài liệu, cung cấp thông tin xuyên tạc, vu khống Đảng, Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền; viết tài liệu kêu gọi nước ngoài can thiệp công việc nội bộ của nước ta; móc nối với các đối tượng phản động, kích động các gia đình có người vi phạm pháp luật gây rối.”
Chỉ hai tờ báo trên được đưa tin vắn tắt, bóp méo sự thật, còn các báo khác còi huýt im lặng. Báo Nhân Dân đưa tin là để lừa bịp dư luận trong nước. Báo Việt Nam News đưa tin là để lừa bịp dư luận ngoài nước. Bà Bùi Thị Kim Ngân vợ nhà báo Nguyễn Vũ Bình còn sống đó, hiện ở số nhà 26, tổ 67 B, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Sự thật đâu có dễ bưng bít.
Anh bạn phóng viên nước ngoài xin ghi địa chỉ, để đi tìm sự thật.
Báo chí đã trở thành công cụ để dối trá thì ...... nhân dân mất niềm tin đâu có gì là khó hiểu!
Hà Nội ngày 7 tháng 5 năm 2004
Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Trường Sơn
Nơi gửi:
- Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội.
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Toà án nhân dân tối cao.
- Bộ Công an
- Các cơ quan thông tấn, báo chí
- Gia đình nhà báo Nguyễn Vũ Bình
- Những ai quan tâm đến dân chủ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.