Hôm nay,  

Mong Làm Điều Phải

28/07/200100:00:00(Xem: 4601)
Nước Lỗ có người ở một mình một nhà. Bên láng giềng có người đàn bà góa, cũng ở một mình một nhà. Một đêm, mưa to gió lớn. Nhà người đàn bà đổ. Người đàn bà sang xin ngủ nhờ nhà người láng giềng. Người láng giềng đóng cửa, không cho vào. Người đàn bà đứng trước cửa sổ, nói rằng:
- Người sao bất nhân thế! Không cho ta vào ư"
Người láng giềng đáp:
- Ta nghe đàn ông, đàn bà, sáu mươi tuổi trở lên mới ở chung được. Nay ngươi còn trẻ, mà ta cũng còn trẻ, cho nên ta không cho ngươi vào ngủ nhờ được.
Người đàn bà nói:
- Ngươi sao không làm như ông Liễu Hạ Huệ, ủ người con gái ngồi vào lòng, mà không tai tiếng gì"
Người láng giềng đáp:
- Ông Liễu Hạ Huệ thì thế được. Ta đây thật chưa thể được. Ví ta cho ngươi vào, mà ta không được như ông Liễu Hạ Huệ, thì thà rằng, ta không cho ngươi vào, mà ta cũng giữ không tai tiếng gì y như ông Liễu Hạ Huệ. Thế chẳng là ta không làm theo như Liễu Hạ Huệ, mà cũng được như Liễu Hạ Huệ ư"
Đức Khổng Tử nghe chuyện, nói:
- Phải lắm! Kẻ muốn học ông Liễu Hạ Huệ, chưa ai giống được như người nước Lỗ này: Mong làm điều rất phải nhưng không bắt chước cách làm, rồi mà làm được. Thế mới thật là khôn!
Bật Tử Tiện, là học trò của Khổng Tử, nghe thấy thế mới hỏi rằng:
- Thưa thầy! Thầy có thể nói rõ hơn được chăng" Chớ trí óc con vẫn có điều chưa hiểu.
Đức Khổng Tử nói:
- Cái tình cảnh của người nước Lỗ thật là khó xử. Đêm khuya, trời mưa gió. Một người đàn ông trẻ tuổi, có nên tiếp một người đàn bà trẻ tuổi vào nhà không" Không tiếp, là bất nhẫn. Vì không chịu cứu giúp một kẻ yếu đuối đương gặp lúc mưa gió khổ thân. Còn tiếp, là bất nghĩa. Và không khỏi cái tiếng trai gái có tình ý, mang cái tội tà dâm bất chính. Một đằng bất nhân. Một đằng bất nghĩa. Chọn đàng nào" Vì cái tình cảnh không sao giữ trọn vẹn được cả đôi đàng. Dễ chỉ có làm như ông Vân Trường đốt đuốc, canh giữ trước cửa suốt đêm cho hai chị dâu ngủ, họa mới rõ là người nghĩa sĩ mà thôi. Như người nước Lỗ đây đành làm kẻ bất nhân. Cố giữ lấy cái nghĩa, mà theo lý tưởng rất nghiêm nhặt bên Á Đông ta là: Nam nữ hữu biệt, thì thiệt là hết ý!
Tử Tiện nghe qua mới làm thinh không nói, bởi lời giải bày chỉ làm rối lòng rối loạn thêm, thành thử người cứ mê mê như mãi ôm… mối tình không trọn. Đã vậy chung quanh rặt một phường toan tính, uống cạn lời thầy để mong ngóng chuyện công danh. Chớ chẳng chịu nghĩ suy cho phát ra cái điều minh bạch, thành thử thần trí đã lao xao tùm lum thứ, lại chất thêm nhiều cái nọ cái kia, khiến lòng cứ uất lên như vác mang ngàn cân đá nặng. Phần Khổng Miệt mới là hết biết, khi thấy chú mình múa một đường lã lướt quá chừng luôn, bèn hớn hở hớn ha như vừa dzô cá cặp. Đã vậy còn tận mắt thấy bạn đồng môn đồng lứa - đớp vội lời thầy mà khoan khoái thiệt là phê - bèn ngúc ngoảy ngúc nga ra cái điều… đắc địa, rồi trong lúc hứng khởi trào dâng cao như thế, mới suy nghĩ đôi đường nghe mát ruột mát gan:
- Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Ta tuy chẳng phải là con, nhưng xét về họ tộc tông môn cũng đứng vào hàng cháu ruột, nên dẫu không giống trăm phần lông với cánh, thì cũng dính chặt phần nào cái chuyện… cánh lông. Chớ không thể trớt huớt trớt he mà coi đặng. Lại nữa, một người làm quan cả họ còn hưởng được thế này thế khác. Hà huống gì thầy luôn được người trọng vọng mến yêu, thì phận cháu con ắt ta cũng dzớt thêm cái này cái nọ. Có điều mười mấy năm theo chú qua bao làng bao xóm. Bao chợ búa cung vàng điện ngọc nguy nga. Bao tiệc rượu ngã nghiêng bên đứa hầu đứa quạt, mà ta vẫn chưa nghe thầy phang như thế - là sẵn lòng vơ lấy chữ bất nhân - còn hơn để chúng sinh chê mình… thằng bất nghĩa.
Thế mới biết không học làm sao… tri cái lý" Nên thiên hạ mới ùn nhắm cái nghĩa mà theo, mặc cho chữ nhân kia cứ ngay boong… trơ gan cùng tuế nguyệt. Mà thiệt ra chuyện nhỏ nhít đó chẳng làm ai ngó tới - bởi chú đã đăng đàn quả quyết thật là hay - thì tự hậu mai sau khó lòng thay đổi đặng. Đó là chưa nói chú làm ra như thế, hẳn cái nghĩa thầy trò thắm đượm mối tình thâm. Chừng tới bận tới phiên chú hưu ngay trong cõi đời đương hiện, thì đám môn sinh đang rải rác khắp năm trời bốn hướng, cũng ùn ùn tết lễ kéo về thăm. Cũng lễ lạc búa xua cho đúng ơn ông thầy sâu nặng - rồi lúc ấy chú cứ bình tâm mà dzớt láng - thì ở tuổi già yên thiệt quá là yên, thì ở tuổi cao niên vẫn tới luôn với mồi màng chung rượu.
Mà giả như có mống nào nghĩ cách này cách khác, thì chỉ tổ cho thiên hạ xúm vào mở giọng khen chê, rằng: Ếch chẳng hiểu bi nhiêu mà nói này nói nọ, thành thử tốt hay xấu chẳng cần chi hết ráo, mà chỉ cần người có… vọng có danh. Phán cho một phát là êm liền cái rụp. Chớ nói thật hay mà chân bùn tay lấm, thì há họng cả đời cũng chẳng thấy mạng nào nghe!

Vài ngày sau đến đất Kinh, thầy trò Khổng Tử mới được một quan to mời đến nhà đãi tiệc, và trong buổi thân tình đêm hôm ấy, Tử Tiện thấy thầy nghiêng ngã chén đầy vơi, rồi lại đem chuyện trước đây đăng đàn mà thuyết lại, khiến bao tân khách tròn xoe mà đón lấy - tấm gương lành chọn nghĩa chịu bất nhân - làm Tử Tiện nhói đau trong lòng khôn tả được, rồi chừng đâu rượu qua tuần qua luôn… tháng, mới tự nhủ trong lòng thấu biết một niềm riêng;
- Phàm ở đời, hễ cái gì ngon quá ăn hoài cũng chán, hoặc sắc đẹp mặn mà ngó thét cũng thành quen. Hà huống chi chữ nghĩa, nhân, nghe hoài đâm… ớn lạnh. Chỉ là nhân thế lâu lâu mới nghía thầy qua một chút - nên thoáng ngẩn người nhong nhóng cổ chờ mong - đặng mãn nhĩ mãn tai trong kiếp đời ô trọc, thành thử chức… môn sinh ta mới có tí đường tí cá. Cho bỏ tháng ngày chịu rét với dầm mưa. Cho bỏ tuổi thanh xuân cố công theo thầy mà tu học.
Có điều tiền hậu đôi khi thầy bất nhất - nên mới một lòng vì nghĩa bỏ chữ nhân - mà trước đây cứ một hai thầy nhắc này nhắc nọ, là: Còn sống phải nhớ hoài nhớ riết, năm món này không được phút nào lơi, thì mới nên thân trong kiếp người có hạn. Đó là: Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín, bây phải rèn phải quyết. Phải một lòng vun xới… loạn cả lên. Phải ráng ra công cho đời sau noi đặng. Chớ không thể làm ngơ như con gà con cuốc. Bảnh mắt ra rồi chỉ biết quẹt mỏ mà dong, thì phận con dân khó lòng dung thứ được. Vậy mà giờ đây thầy bỏ liều bỏ phế - khiến ta rõ ràng thấy cảnh của… phù vân - là chẳng có chi ngon lành hoài mãi được. Thôi thì đặng lúc nào ngồi dzui ngay lúc đó, kẻo ít nữa ra rồi hổng có chỗ mà dzui, thì lại quay quắt tiếc ơn ban, trời cho thế tục.
Mà nói hổng phải chớ thằng cha kia cũng thuộc loại… nóng đầu nóng ót - nên mỡ tới miệng mèo mà chẳng chịu dzớt vào xơi - thì nhận tới xét lui chẳng phải người… dũng lược. Đã vậy bỏ chữ nhân lại càng thêm quấy quá. Còn hê lớn cả làng cho xóm họ cùng nghe - để biểu thị dương oai ta là người trong sạch - mà quên đi cứu người là… cứu mình đó chứ. Bởi Phúc Đức mỏng dày cũng từ chỗ ấy mà ra. Cũng ở mức hy sinh cho người lâm hoạn nạn. Đó là chưa nói mượn cảnh khổ của người đàn bà đang yếu đuối, để tăng vọt danh mình hẳn chẳng đặng mấy gì hay, thì cớ chi lại diệu võ xưng tên ra thế này thế nọ. Phải tay ta thì chẳng cần la làng la xóm - mà van vái Cậu Bà thu xếp đặng mưa thêm - để ghé đỡ đôi đêm rồi ghé hoài ghé… tợn. Chớ hổng có giọt mưa rơi bắc cầu đưa lối, thì biết chừng nào nối kết một chữ Duyên!
Phần người nước Lỗ nghe trong lòng khoái trá, khi cư xử của mình được lắm người ngưỡng mộ dõi theo, bèn hí hửng hí ha như vừa thôi được… dzợ. Đã vậy thầy Khổng Tử lại ban điều đóng ấn - cho tăm tiếng của mình vang dội đến ngàn sau - thì rõ ra xuân… tái tới tái lui khó lòng ngăn cản được. Đó là chưa nói trước giờ như nằm trong bóng tối, bỗng một sớm một chiều thoát võ chợt bay cao, khiến lòng trí tê tê như ào chung rượu đậm, rồi trong lúc đang ngàn cơn cao hứng, mới suy nghĩ một đàng quá cản… đặng như ri:
- Thói thường, hễ có tiền là ham tiếng. Ham danh vọng tỏa rền vang dội đến… ngàn thu. Ham cái tự cái tên có nhiều người khâm phục, thành thử cõi dương gian mới lắm điều ái ố. Chung lại một phùa cũng từ chữ… vọng mà ra. Từ chữ hư danh chớ chẳng có chi làm điều khác lạ. Duy chỉ có ta mới chằng ăn trăn quấn - khi chẳng có gì mà rền át cả một phương - thì chẳng trách chi đám lê dân hết lòng mà kinh sợ, bởi hổng… bột mà nên hồ đời nay khó kiếm. Chớ đủ hết ì xèo thì có gì lạ lẫm với người đâu, bởi hổng cách cái chi để cất cao cùng thiên hạ. Có điều nằm trong chăn mới biết mình đang… ấm. Chứ lạng quạng ở ngoài có biết cái mụ nội gì đâu, thành thử thấy ai khen vội vuốt đuôi khen dồn khen dập. Ta biết thế mới dày công toan tính. Đợi Khổng Tử qua phà mới dựng chuyện ấy lên, cọng cái trận mưa to cho địa nhân thiên ba đàng kết hợp. Thế là… thánh nhân bỗng dưng vào mưu trúng kế - khiến chẳng mất gì mà vọng mãi đến ngàn sau - thì thử hỏi cõi dương ni có ai bằng ta đặng"
Có điều Khổng Tử đi xong ta lại nhào dzô tính tiếp, bởi… tiết bây giờ chỉ mới bắt đầu mưa, thì chuyện sập nọ với đổ kia khó lòng không xảy được. Chừng ấy ta mở cửa cho lòng nhân phơi phới, đặng giúp đỡ người làng qua cảnh ngặt này đây, thì hẳn thế nhân sẽ xếp ta vào hàng cao trọng - là biết gạt cái danh để giúp người khốn khó - thì tên tuổi mai này sống mãi đến ngàn sau. Sống mãi đến muôn niên trong lòng người hâm mộ. Mà giả như có ai… chọt thế này thế khác, thì ta cứ… ông bà đập dzô mặt thằng phang, là: Đã thế nhân, phải biết bán con xa mua lấy… bà bên cạnh. Chớ ở đó mà đâm hoài đâm tới, thì biết chừng nào, mới trở thành… quân tử được hả ông"

Mõ Sàigòn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.